Nguyễn Huệ anh hùng áo vải hay gian hùng áo vải?
Trần Vũ Chung Bài viết này đề cập tới “nhân vật Nguyễn Huệ” trong tác phẩm Hoàng Lê Nhất Thống Chí hay còn gọi là An Nam Nhất Thống Chí của nhóm tác giả Ngô Gia Văn Phái, mọi sự kiện đều được trích dẫn từ tác phẩm này. Mà nay áo vải cờ đào Giúp dân xây dựng ...
Trần Vũ Chung
Bài viết này đề cập tới “nhân vật Nguyễn Huệ” trong tác phẩm Hoàng Lê Nhất Thống Chí hay còn gọi là An Nam Nhất Thống Chí của nhóm tác giả Ngô Gia Văn Phái, mọi sự kiện đều được trích dẫn từ tác phẩm này.
Mà nay áo vải cờ đào
Giúp dân xây dựng xiết bao công trình
Nguyễn Huệ hay còn được gọi là Quang Trung hoàng đế, là em trai của Vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc. Nhắc tới Nguyễn Huệ đa số chúng ta đều nghĩ tới hình ảnh một người anh hùng áo vải có công dẹp loạn Bắc Hà, đánh đuổi hai mươi vạn quân Thanh…, tài năng của Nguyễn Huệ chắc hẳn không cần phải băn khoăn nhưng phàm đã là người ai ít nhiều cũng có tính gian hay có lúc nào đó gian, vậy người được cho là anh hùng như Nguyễn Huệ có khi nào thể hiện tính gian đó không ?
Năm 1786 Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc với danh nghĩa “Phò Lê diệt Trịnh”, chiến dịch thành công và được vua Lê Hiển Tông gả con gái là Ngọc Hân công chúa, Nguyễn Huệ tuy là rể nhưng thực quyền ở Bắc Hà khi đó còn át cả vua.Tháng 7 năm 1786 Vua Lê Hiển Tông băng hà, Lê Chiêu Thống nối ngôi và chuẩn bị tang ma, lúc đầu định không mời Nguyễn Huệ đứng ra lo việc tang, Nguyễn Huệ giận và định phế bỏ Chiêu Thống, lập người khác lên nối ngôi vua. Huệ giữ quyền sinh quyền sát cả Bắc Hà mà không được mời đứng ra làm lễ nên Huệ cho rằng như thế là không được tôn trọng.
Hơn nữa, tuy tiếng “Phò Lê diệt Trịnh” nhưng dân Bắc Hà nhiều người vẫn nghi ngại và cho rằng Huệ là kẻ từ xa đến cướp nước, nay con rể lại không được thông báo tới tham gia lo việc ma chay cho bố vợ hẳn người thiên hạ sẽ cho rằng triều đình nhà Lê không ưa hay có điều nghi ngại với Nguyễn Huệ nên mới làm vậy. Vì thế tính chính nghĩa “Phò Lê diệt Trịnh” ban đầu sẽ bị mất đi. Đó chính là lý do mà Nguyễn Huệ nằng nặc đòi phải đứng ra tổ chức tang ma cho bố vợ là vua Lê Hiển Tông, thể hiện lòng trung với vua và chứng tỏ mình không phải là quân cướp nước. Thêm một điểm, khi đứng viếng vua Lê Hiển Tông, Huệ hết sức cung kính, nhìn thấy một viên quan đứng tế có biểu hiện hơi cười đùa, Huệ sai người lôi ra chém luôn. Đây thực chất là “Phao chuyên dẫn ngọc”, ném đi một hòn ngói ( viên quan ) mà thu lại được viên ngọc ( lòng thiên hạ ).
Nguyễn Hữu Chỉnh là một nhân tài Bắc Hà, ông tự nhận rằng “ Nhân tài Bắc Hà chỉ có mình tôi” , quả thật là Chỉnh có tài. Khi kinh thành Thăng Long có biến, Chỉnh chạy vào Nam đầu quân cho Nguyễn Nhạc và được Nhạc trọng dụng, sau đó Nhạc lại giao Chỉnh cho Huệ sử dụng. Nguyễn Huệ cho rằng Chỉnh là kẻ xảo quyệt nên đã quyết tâm trừ bằng được Chỉnh. Chỉnh bày cho Huệ kế “Phò Lê diệt Trịnh” để Huệ mang quân ra Bắc, từ đó Chỉnh cũng mang tiếng với người Bắc là rước voi về giày mả tổ. Huệ biết người Bắc ghét Chỉnh vì lẽ đó nên đang đêm đột ngột rút quân bí mật từ Thăng Long về Nam, bỏ rơi một mình Nguyễn Hữu Chỉnh ở lại. Huệ không muốn tự tay giết Chỉnh khi đó vì Chỉnh là người tài, giết Chỉnh sợ sau này nhân tài không dám đến với Huệ nữa và cũng sợ cái tiếng vắt chanh bỏ vỏ. Huệ đã dùng kế “Tá đao sát nhân”, mượn tay người Bắc để giết Chỉnh. Tuy nhiên Chỉnh không phải hạng người ngồi trói tay chờ chết, Chỉnh trốn thoát được, dong buồm đuổi theo anh em Tây Sơn và đến Nghệ An thì gặp được và xin Huệ thu nhận lại, Huệ đã phải thốt lên rằng “ Thằng chết tiệt này khéo tìm đường sống” . Liền đó, Huệ liền cho Chỉnh một ít vũ khí và 100 lính đi theo để hộ vệ cùng một ít tiền. Chỉnh chỉ lấy tiền và trả lại những thứ kia. Ở chi tiết nàythấy được một điều như sau, chắc chắn Nguyễn Hữu Chỉnh biết Huệ đã có ý không dung, 100 lính đi theo kia chẳng phải là bảo vệ Chỉnh mà thực ra là canh giữ và giám sát mà thôi, lính này không thể tùy ý sai khiến được, nhận vào chỉ mang thêm rắc rối. Đó là một cái thâm sâu của Nguyễn Huệ với âm mưu Tiếu lý tàng đao. Biết Chỉnh tài, Huệ còn sai Chỉnh ở lại giữ đất Nghệ An, phải thấy rằng nếu giữ được Nghệ An thì đất đó sẽ là của Huệ, còn như Chỉnh mà chẳng may chết thì Huệ coi như đã được giải thoát khỏi mối lo Nguyễn Hữu Chỉnh. Đúng là trai cò đánh nhau ngư ông đắc lợi.
Khi Nguyễn Hữu Chỉnh đã lập được thế lực riêng, làm chủ Bắc Hà, Chỉnh bèn cho Trần Công Xán đi sứ vào Nam gặp Nguyễn Huệ với mục đích xin lại đất Nghệ An. Tất nhiênNguyễn Huệ không bao giờ trả đất, Huệ cho Trần Công Xán 100 nén bạc nói của công chúa Ngọc Hân tặng rồi tiễn lên thuyền về nước, nhưng ngầm sai người đi theo đánh đắm thuyền cho đoàn sứ giả chết ngoài biển và về nói bị bão đắm. Trong thời gian đi sứ Trần Công Xán có nghe được tin về việc anh em Tây Sơn bất hòa, vua em Nguyễn Huệ đem quân đánh vua anh là Nguyễn Nhạc. Huệ sợ Xán biết được nội tình anh em Tây Sơn bất hòa mang về báo cáo lại cho Nguyễn Hữu Chỉnh sẽ làm mất uy và sợ người Bắc Hà lợi dụng cơ hội này đế đánh bất ngờ nên đã lập mưu giết đoàn sứ giả Trần Công Xán. Lần này Nguyễn Huệ lại sử ra chiêu tiếu lý tàng đao và ném đá giấu tay để tránh cái tiếng giết sứ giả.
Năm 1787, Võ Văn Nhậm một dũng tướng của Tây Sơn tiến quân ra Bắc diệt Nguyễn Hữu Chỉnh theo lệnh của Nguyễn Huệ, sau khi Nhậm đã đánh thắng, Huệ ra Thăng Long vào tận chỗ Nhậm ngủ, Nhậm vẫn ngủ say không biết, Huệ sai võ sĩ đâm chết Nhậm vì Huệ cho rằng Nhậm có ý đồ làm phản. Chuyện Võ Văn Nhậm có ý đồ làm phản hay không là do hai tướng Phan Văn Lân và Ngô Văn Sở báo về cho Huệ, hai tướng này vốn được Huệ cho đi theo Nhậm để đề phòng Nhậm.
Tới đây mới thấy Nguyễn Huệ thật là một tay cáo già, võ tướng Tây Sơn rất nhiều người giỏi, tại sao Nguyễn Huệ không cử ai khác đi đánh Chỉnh mà lại cử Nhậm. Nguyên nhân sâu xa là ở đây: Võ Văn Nhậm là con rể của Vua anh Nguyễn Nhạc, nhưng được dưới quyền điều động và sử dụng của Nguyễn Huệ. Nhậm là một dũng tướng rất có tài nhưng nhãn quan chính trị của ông lại không tốt nên chuốc lấy cái chết thảm.
Đến như Nguyễn Nhạc là anh ruột của Huệ mà Huệ còn mang quân ra đánh thì cái thân của Nhậm – chỉ là cháu rể của Huệ làm sao tránh khỏi sự nghi kỵ, không biết sớm mà lo lấy thân mình?Nhậm và Chỉnh là hai người có tài cầm quân và cũng đều là hai người mà Quang Trung muốn giết, đẩy hai người vào thế giết nhau, Quang Trung chỉ việc “Cách ngạn quan hỏa” – đứng cách bờ mà xem lửa cháy, ai chết thì Quang Trung cũng là người có lợi. Kết cục Chỉnh chết dưới tay Nhậm, Nhậm lấy được Bắc Hà, Quang Trung giết Nhậm và có được Bắc Hà. Lại một lần nữa Nguyễn Huệ sử ra chiêu Tá đao sát nhân nhằm trừ bằng được những người mà ông cho là mối nguy hiểm với mình.
Nếu Nhậm tỉnh táo nhìn ra được điều đó, không bị mờ mắt bởi sự ghen ghét tài năng với Chỉnh thì cơ hội tốt của Nhậm chính là khi đem quân Bắc tiến thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Nguyễn Huệ. Lịch sử không có chữ “nếu như” nhưng thực sự tại thời điểm đó Võ Văn Nhậm có cơ hội lựa chọntrừ khử hai tướng Phan Văn Lân và Ngô Văn Sở, liên kết với Nguyễn Hữu Chỉnh( phải liên kết với Chỉnh bởi Bắc Hà lúc đó ít nhân tài, mình Nhậm khó chống nổi Nguyễn Huệ ) để tự lập ra thế lực riêng ở Bắc Hà, chống lại Tây Sơn, khi đấy Nhậm hay Huệ, ai là người phải thua thì còn chưa thể nói trước được. Cái thế của Nhậm khi ấy làm người ta không khỏi nhớ đến nhân vật Từ Hải trong truyện Kiều của Cụ Nguyễn Du, Nguyễn Du cũng là một người sống trong giai đoạn lịch sử đầy biến động này:
Một tay gây dựng cơ đồ
Bấy lâu bể Sở sông Ngô tung hoành!
Bó thân về với triều đình
Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu?
Áo xiêm ràng buộc lấy nhau
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi?
Sao bằng riêng một biên thùy
Sức này đã dễ làm gì được nhau?
Giả sử trong quá trình mưu lập thế lực riêng đó Võ Văn Nhậm có không may thất bại thì cái chết đấy cũng đáng hơn nhiều. Thỏ khôn chết, chó săn bị mổ làm thịt, chim bay cao hết, cung tốt vất bỏ, nước địch phá xong mưu thần bị giết, Nhậm giết được Chỉnh rồi đắc chí mà không biết rằng số phận Nhậm cũng không hơn gì Chỉnh cả. Tuy nhiên cũng nên xét cho Võ Văn Nhậm một phần là vợ con, người nhà của Nhậm lại vẫn ở bên Tây Sơn, bị giữ ở đó khác nào con tin nên có thể Nhậm nhìn ra nhưng lại dùng dằng không quyết được vì sợ gia đình bị hại.Mỗi người có một lựa chọn riêng cho mình, để tên tuổi chìm lấp đi dưới lớp bụi thời gian như Võ Văn Nhậm hay vang danh sử sách như Quang Trung Hoàng đế đôi khi chỉ khác nhau ở một lựa chọn mà thôi.
Không thể phủ nhận tài năng và công lao của Quang Trung Hoàng đế, ông xứng đáng là một nhà chính trị, quân sự kiệt xuất với những chiến công lừng lẫy, đánh khắp thiên hạ không địch thủ nhưng bên cạnh đó cũng nên nhìn vào những nét tính cách chính yếu như là việc dụng mưu như thần góp phần làm nên thành công của nhân vật này. Vĩ những nét tính cách đó, có thể kết luận rằngNguyễn Huệ không những hùng mà còn rất gian!