Người Việt Nam đầu tiên khám phá Thất Châu Dương không phải là Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa)
Nguyễn Văn Nghệ Trên trang web Tạp chí Thời đại có bài viết “Phản biện lập luận của nhà nghiên cứu Hàn Chấn Hoa về lãnh vực sử địa cổ có liên quan đến Biển Đông được đề cập trong tác phẩm Ngã quốc Nam Hải chư đảo sử liệu hối biên” (1)của tác giả Hồ Bạch Thảo. Tác giả ...
Nguyễn Văn Nghệ
Trên trang web Tạp chí Thời đại có bài viết “Phản biện lập luận của nhà nghiên cứu Hàn Chấn Hoa về lãnh vực sử địa cổ có liên quan đến Biển Đông được đề cập trong tác phẩm Ngã quốc Nam Hải chư đảo sử liệu hối biên”(1)của tác giả Hồ Bạch Thảo. Tác giả Hồ Bạch Thảo cho độc giả biết là trong tác phẩm “Ngã quốc Nam Hải chư đảo sử liệu hối biên”, Hàn Chấn Hoa đã trưng dẫn nhiều sử liệu cổ như Tống sử, Nguyên sử, Minh sử, Thanh sử… để rồi quy kết những đảo ở Nam Hải (Việt Nam gọi là Biển Đông) là của Trung Quốc.
Trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến “Thất châu dương” mà thôi. Hàn Chấn Hoa đã trưng dẫn Tống sử chép việc quân Mông Cổ truy kích vua Tống Đoan Tông vào năm Chí Nguyên thứ 14[1277] như sau: “Ngày Bính Tý tháng 12, Chính[ Đoan Tông] đến Tỉnh Áo, gặp bão hư thuyền, một số bộ hạ bị chết trôi, nên nhiễm bệnh. Hơn tuần sau quân lính từ từ đến tụ tập, 10 phần chết còn 5, 4.Ngày Đinh Sửu, Lưu Thâm truy kích Chính đến Thất Châu Dương, bắt được Du Như Khuê rồi rút lui”.
Hàn Chấn Hoa đã vin vào sử liệu này để khẳng định rằng Thất Châu Dương tức là quần đảo Tây Sa (Việt Nam gọi là Hoàng Sa).
Người Việt Nam đầu tiên viết về Thất Châu Dương
Vào tháng 6 năm Tân Hợi (1851) cụ Phạm Phú Thứ đã “ Phụng phái tòng quan thuyền hiệu lao tống Thanh quốc nạn biền hồi Việt” (Vâng phái theo quan thuyền lao lực chuộc tội, đưa quan nước Thanh bị nạn về Quảng Đông). Viên bị nạn ấy là “ Quảng Đông Quỳnh Châu bả tổng Ngô Hội Lân tự Quỳnh chi Quảng thành lĩnh pháo đạn nhân phong phiêu bạc bản quốc Thuận An tấn” ( Quan giữ chức bả tổng là Ngô Hội Lân từ Quỳnh Châu đến thành Quảng lĩnh đạn pháo, bị gió mạnh phiêu bạt vào cửa Thuận An nước ta)(2).Lý do tại sao một vị Hội nguyên Tiến sĩ như cụ Phạm Phú Thứ phải “theo quan thuyền lao lực chuộc tội?”. Theo lời Cụ Thứ: “Kim thượng Canh Tuất chi tuế Thứ dĩ vọng ngôn vi Các thần sở hặc đãi hệ kinh triệu ngữ…Kim xuân Thứ mông khởi phục Điển Bạ phái tòng như Đông quan thuyền hiệu lao” ( Đầu nămCanh Tuất[ 1850- TG], Thứ tôi vì lời nói xằng phạm thượng mà bị các vị bề tôi trong Nội Các vạch tội bị buộc vào chức giữ ngựa ở Kinh…Mùa xuân này[ 1851- TG], Thứ tôi đội ơn trên cho phục chức Điển Bạ, đi theo quan thuyền sang Quảng Đông mà lao lực chuộc tội)(3) .Sáng sớm ngày mùng 6 tháng 6 năm Tân Hợi (Thứ sáu ngày 4/7/1851) cụ Phạm Phú Thứ đã rời cảng Đà Nẵng để sang Quảng Châu Trung Quốc(4). Dọc theo hành trình, cụ đều có làm thơ ghi chép trong tập thơ Đông hành thi lục. Khi thuyền qua hải phận đảo Hải Nam cụ có bài thơ “Chu quá Hải Nam dương phận” (Thuyền qua hải phận Hải Nam)
“Nhất thanh phi nhạn bích vân gian/ Diểu diểu yên ba nguyệt bán loan/ Vọng đoạn Đà dương thiên lý ngoại/ Hải trung sơ kiến Hải Nam san”( Một tiếng nhạn bay trong trời mây/ Mênh mang khói sóng nửa vầng đầy/ Mất hút Đà dương ngoài ngàn dặm/ Bổng thấy Hải Nam trên biển đây)(5).
Sau đó thuyền qua một địa danh trên biển gọi là Thất Châu, cụ Phạm Phú Thứ làm bài thơ “ Quá Thất Châu” (Qua Thất Châu)
“Thủy thế liên Đồng Cổ/ Đào thanh dị Hải Nam/ Nộ hiệu tranh phún tuyết/ Đảo quyển tận thành lam/Vãng sự thương tang cảm/ Thần công tạo hóa tham/ Phong phàm bằng lợi thiệp/ Hồi vọng uất phù lam” (Thế nước liền Đồng Cổ/ Tiếng sóng dữ Hải Nam/ Cuồng nộ tranh gào thét/ Đảo lộn thành màu lam/ Xót việc cũ dâu bể/ Công Tạo Hóa dự làm/ Gió thuận buồm lướt tới/ Quay nhìn uất khí lam)(6).
Trong bản khắc in, kế bên đề thơ “Quá thất châu”cụ Phạm Phú Thứ có chú thích: “Tương truyền cổ giả Thất Châu cư dân nhất tịch hãm nhi vi hải phàm quá thử tất sát sinh tống phiệt trí tế bán nhất phong lực nãi quá châu phận ba đào hiểm thâm chân hữu trầm ngưu như mã chi giới” (Tương truyền ngày xưa cư dân trên Thất Châu trong một đêm sụt thành biển. Nay thành lệ, khi qua nơi này phải giết vật cúng tế thả bè trôi đi. Độ nửa ngày thì gió nổi lên, nhờ đó mà qua được hải phận. Sóng bủa ở đây sâu mà hiểm, đã có lời răn về việc sóng nhận chìm trâu ngựa). Kế bên câu thơ “ Thủy thế liên Đồng Cổ”, cụ Thứ chú thích “ Đồng Cổ hải cận Thất Châu” (Biển Đồng Cổ gần Thất Châu).
Đến ngày mùng 10 tháng 6 năm Tân Hợi (Thứ ba ngày 8/7/1851) thuyền của Cụ Phạm Phú Thứ đến Ô Môn (Quảng Châu), cụ làm bài thơ “ Chu quá Quảng Châu lão vạn sơn, đà công thất lộ hành chí Triều Châu Bình Hải thành, dực nhật thừa trứ đông phong bạc, mộ đáo Phủ Đài hải khẩu, dạ nhập Ô Môn ký sự” (Ghi lại chuyện thuyền qua hàng vạn quả núi ở Quảng Châu, người lái không thấy đường đi, đi mãi đến thành Bình Hải Triều Châu, sáng hôm sau nương theo gió đông, chiều tối đến Phủ Đài hải khẩu, tối thì vào cửa Ô)(7).
Qua bài thơ “Quá Thất Châu” cho ta biết Thất Châu Dương gần với đảo Hải Nam và Đồng Cổ.
Vị trí Thất Châu Dương trên bản đồ
Theo Quỳnh Châu chí chép: “ Thất Châu Dương tại phía đông huyện Văn Xương 100 lý; trên biển có 7 ngọn núi nhô lên liên tiếp, trong có suối nước ngọt có thể uống được. Thời nhà Nguyên , Lưu Thâm truy kích Tống Đoan Tông, bắt thân thuộc là Lưu Đình Khuê tại nơi này. Tục truyền ngày xưa có 7 châu chìm xuống dưới biển, thuyền đến mang súc sinh và cháo cúng thần, không tuân sẽ biến thành ma đói. Thuyền đi qua rất nguy hiểm, lệch hướng sang đông phạm vào Vạn Lý Thạch Đường, nơi mà Quỳnh chí chép là phía đông Châu Vạn có biển Thạch Đường, thuyền đến đó ít có chiếc nào thoát hiểm. Từ Thất Châu dương theo hướng Khôn Mùi[ 217,5 độ] thời gian 3 canh đến Đồng Cổ sơn”
Tác giả Hồ Bạch Thảo cho biết: “Trên bản đồ Google nếu phóng to thì địa danh Văn Xương[ Wenchang] thuộc tỉnh Hải Nam xuất hiện, từ đó đến quần đảo Paracel[ Trung Quốc gọi là Tây Sa] khoảng 400 km tức gần 700 lý xưa. Như vậy tính cả phương hướng và khoảng cách Thất Châu Dương cách Tây Sa[ Hoàng Sa] rất xa!”. Trong khi đó Thất Châu Dương chỉ cách Văn Xương chỉ có 100 lý (khoảng 60 km) mà thôi!
Lập luận của Hàn Chấn Hoa khẳng định Thất Châu Dương chính là quần đảo Tây Sa[ Hoàng Sa] đã bị ngay chính nhà biên khảo Trung Quốc Đàm Kỳ Tương phản đối trong bài “ Thất Châu Dương khảo”.
Chú thích:
1-www.tapchithoidai.org/ThoiDai20/201020_HoBachThao.htm
2-Phạm Phú Thứ toàn tập tập 1, Nxb Đà Nẵng, trang 410.Bản chữ Hán khắc in số thứ tự 271, trang 1430.
3-Phạm Phú Thứ toàn tập tập 1, Nxb Đà Nẵng, trang 519.Bản chữ Hán khắc in số thứ tự 329, trang 1445.
-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, trang 179
4-Phạm Phú Thứ toàn tập tập 1, Nxb Đà Nẵng, trang 440.Bản chữ Hán khắc in số thứ tự 285, trang 1434.
5-Phạm Phú Thứ toàn tập tập 1, Nxb Đà Nẵng, trang 441.Bản chữ Hán khắc in số thứ tự 286, trang 1434.
6-Phạm Phú Thứ toàn tập tập 1, Nxb Đà Nẵng, trang 442.Bản chữ Hán khắc in số thứ tự 287, trang 1434.
7-Phạm Phú Thứ toàn tập tập 1, Nxb Đà Nẵng, trang 444.Bản chữ Hán khắc in số thứ tự 288, trang 1434.