18/06/2018, 16:58

Việt Chiêm trường trận tân biên (Bài 1)

Chế An Tống sử chép: “Khai Bảo năm thứ 3 [970] khiển sứ cống phương vật gồm 1 con voi. Năm thứ 4 [971] Vương Tất Lợi Đa Bàn, Phó quốc vương Lý Nậu, vợ vương Quách thị, con Bồ Lộ Kê Ba La cùng khiển sứ vào cống (…) Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 2 [977] Vương Ba Mỹ Thuế ...

Vua-Champa-2.jpg

Chế An

Tống sử chép: “Khai Bảo năm thứ 3 [970] khiển sứ cống phương vật gồm 1 con voi. Năm thứ 4 [971] Vương Tất Lợi Đa Bàn, Phó quốc vương Lý Nậu, vợ vương Quách thị, con Bồ Lộ Kê Ba La cùng khiển sứ vào cống (…) Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 2 [977] Vương Ba Mỹ Thuế Dương Bố Ấn Trà khiển sứ Lý Bài vào cống. Năm thứ 3 [978] Vương cùng con trai Đạt Trí khiển sứ vào cống. Năm thứ 4 [979] Khiển sứ Lý Mộc Tra Sỉ vào cống. Năm thứ 6 [981] Giao Châu Lê Hoàn dâng biểu, bắt Chiêm Thành được 93 người dâng tới kinh sư. Thái Tông lệnh Quảng Châu cấp y phục tư lương, cho về Chiêm Thành, chiếu dụ vương. Năm thứ 7 [982] Dâng voi, chiếu giữ voi ở Quảng Châu. Năm thứ 8 [983] lại dâng voi (…) Ung Hi năm thứ 2 [985] Vương Thi Lợi Đà Bàn Ngô Nhật Hoan khiển Bà La Môn Kim Ca Ma dâng sản vật địa phương, tố Giao Châu xâm phạm, chiếu trả lời nên hoà thân. Năm thứ 3 [986] Vương Lưu Kế Tông sai sứ Lý Triêu Tiên sang cống, Đảm Châu thưa, người Chiêm Thành là Bồ La Át sợ Giao Châu áp bức, cùng trăm người trong tộc xin quy phụ. Năm thứ 4 [987] Mùa thu Quảng Châu tấu Lôi Châu, Ân Châu báo có người Chiêm Thành là Lý Nương Tịnh cùng 150 người trong tộc xin quy thuận, cho về huyện Thanh Viễn thuộc Nam Hải”.

Tống sử chép: “Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 7 [982] Mùa xuân (…) Hoàn khiển sứ cống phương vật, dâng biểu xin tạ tội. Năm thứ 8 [983] Hoàn tự xưng quyền Giao Châu tam sứ lưu hậu, sai sứ cống sản vật địa phương (…) Tháng 5 dâng tấu, quân thuỷ lục gồm voi ngựa hàng vạn vào cướp, xuất bộ binh tấn công, giặc chạy chém ngàn thủ cấp. Ung Hy năm thứ 2 [985] sai nha hiệu Trương Thiệu Phùng và Nguyễn Bá Trâm cùng vào cống phương vật, dâng biểu xin giữ Tiết Trấn. Năm thứ 3 [986] Mùa thu sai sứ vào cống sản vật địa phương. Đảm châu dâng tấu, người Chiêm Thành Bồ La Át cùng trăm người trong tộc xin quy phụ, do Giao Châu áp bức. Tháng 10 xuống chiếu: “Quyền tri Giao Châu tam sứ lưu hậu Lê Hoàn, kiêm tư nghĩa dũng, đặc bẩm trung thuần, được lòng dân, biết giữ lễ phiên thần” sai tả bổ khuyết Lý Nhược Chuyết, quốc tử bác sĩ Lý Giác sang sứ. Đoạn Củng năm thứ 1 [988] Thêm Hoàn chức Kiểm hiệu thái uý. Khiển hộ bộ lang trung Nguỵ Tường, viên ngoại lang trực sử quán Lý Độ sang sứ tuyên, an. Thuần Hoá năm thứ 1 [990] Mùa hạ gia Hoàn đặc tiến (…) sai tả chính ngôn trực sử quán Tống Cảo, hữu chính ngôn trực sử quán Vương Thế Tắc lại sang tuyên, an (…) năm thứ 4 [993] Tiến phong Hoàn Giao Chỉ quận vương. Năm thứ 5 [994] sai nha hiệu Phí Sùng Đức tu chức cống”.

Tống sử chép: “Thái Bình Hưng Quốc năm thứ 4 [979] Tháng 12 Chiêm Thành sai sứ sang cống (…) Năm thứ 5 [980] Mùa thu tháng 7 đánh Lê Hoàn ở Giao Châu (…) Năm thứ 7 [982] Tháng 3 Giao Châu có vương sư Trí Thảo khiển sứ tạ ơn (…) Tháng 12 nhuận Chiêm Thành dâng voi (…) Năm thứ 8 [983] Chiêm Thành dâng voi (…) Chiêm Thành khiển sứ vào cống (…) Đoản Củng năm thứ 1 [988] Tháng 5 nhuận Lê Hoàn cử sứ vào cống (…) Thuần Hoá năm thứ 1 [990] Tháng 12 Chiêm Thành vào cống (…) Năm thứ 3 [992] Tháng 12 vua Chiêm Thành là Dương Đà Bài sai sứ sang cống (…) Năm thứ 4 [993] Tháng 2 Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ Lê Hoàn phong Giao Chỉ quận vương (…) Năm thứ 5 [994] tháng 3 Giao Chỉ quận vương Lê Hoàn sai sứ sang cống (…) Chí Đạo năm thứ 1 [995] Vua Chiêm Thành là Dương Đà Bài sai sứ sang cống”.

Toàn thư chép: “Kỷ Mão [979] Mùa đông tháng 10, Chi hậu nội nhân Đỗ Thích giết vua ở sân cung (…) Phò mã Ngô Nhật Khánh dẫn thuyền quân Chiêm hơn nghìn chiếc vào cướp, muốn đánh thành Hoa Lư, theo 2 cửa biển Đại Ác và Tiểu Khang, gặp gió bão, thuyết đều lật đắm, Nhật Khánh chết đuối, vua Chiêm thoát chết trở về (…) Canh Thìn [980] Tháng 8 vua Tống xuống chiếu đem quân sang đánh (…) Tân Tị [981] Mùa xuân tháng 2, Hầu Nhân Bảo, Tôn Hoàn Hưng đến Lạng Sơn, Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, Lưu Trừng đến sông Bạch Đằng. Vua tự làm tướng đi chặn giặc (…) Nhâm Ngọ [982] Vua sai Từ Mục và Ngô Tử Canh đi sứ Chiêm Thành, bị người Chiêm bắt giữ. Vua [Lê Hoàn] giận, sai đóng chiến thuyền sửa binh khí, tự làm tướng đem quân đi đánh, chém Bế Mi Thuế tại trận, Chiêm Thành thua to [chúa Chiêm bỏ thành chạy] Bắt sống được quân sĩ nhiều vô kể, cùng kỹ nữ trong cung trăm người và một nhà sư người Thiên Trúc, lấy các đỗ quý đem về, thu được vàng bạc châu báu kể hàng vạn, san phẳng thành trì, phá huỷ tông miếu, vừa một năm thì trở về kinh sư [Quản Giáp Lưu Kế Tông trốn ở lại nước Chiêm Thành] Quý Mùi [983] vua sai người con nuôi đi bắt được Kế Tông, đem chém”.

* Mùa đông năm 979 vương Đinh Liễn chết, Tống triều muốn nhân sự kiện này buộc An Nam nội thuộc. Nên trước là chiếu cho vương Đinh Toàn sang chầu, sau là chuẩn bị quân thảo tấn công Giao Châu. Tháng 12/979 Chiêm Thành cử sứ sang cống. Đại Tống đã lên kế hoạch liên minh với Chiêm Thành tấn công Đại Việt. Lê Hoàn giữ quyền trong nước, một mặt sai sứ sang phương bắc xin hoãn binh, mặt khác chuẩn bị quân thảo cho chiến tranh. Sai Ngô Tử Canh và Từ Mục sang Chiêm Thành giao hảo. Hai châu Hoan Ái giáp với Chiêm Thành có Ngô Nhật Khánh rất thế lực. Toàn thư chép mùa đông năm 979, Nhật Khánh dẫn người Chiêm tấn công Hoa Lư. Tôi cho rằng thời điểm Chiêm Thành tấn công Đại Việt vào năm 981 cùng thời điểm quân Tống tấn công Đại Việt. Do các hoạt động quân sự diễn ra nên không thấy sứ Chiêm Thành sang cống năm 980 và 981.

* Năm 981 Lê Hoàn dâng Tống triều 93 người Chiêm đã bắt được. Số lượng 93 người Chiêm mà Lê Hoàn bắt được từ đâu ra ? Nếu là từ cuộc nam chinh của Lê Hoàn thì theo Toàn thư phải là năm 982, không lẽ Toàn thư chép sai ? Tôi cho rằng 93 người Chiêm mà Lê Hoàn dâng Tống triều, chính là số lượng quân lính bị bắt sau khi thuyền chiến của người Chiêm bị gió bão làm lật lúc tiến vào cửa Đại Ác và Tiểu Khang. Lê Hoàn dâng 93 người Chiêm này với mục đích khẳng định với phương bắc rằng kế hoạch của các vị đã thất bại hoàn toàn. Nhưng rồi năm 982 Lê Hoàn có cất quân đánh Chiêm Thành như Toàn thư chép không ? Tôi cho rằng không ! Tống sử cho biết năm 982 và 983 Chiêm Thành vẫn sang cống và tuyệt không nói đến việc Giao Châu xâm chiếm.

* Năm 984 không thấy Tống sử chép sứ Chiêm Thành sang cống, năm 985 thì thấy chép sứ Chiếm Thành sang cống, đồng thời tố Giao Châu xâm phạm. Do đó tôi cho rằng Lê Hoàn nam chinh diễn ra vào năm 984. Qua ghi chép của Tống sử chúng ta thấy sách thường chỉ đề cập tới tên vị vương sai sứ sang cống lần đầu, nếu các lần tiếp theo vẫn là vị vương ấy khiển sứ sang cống thì không chép lại tên của vị vương đó nữa. Theo đó năm 972 vương Chiêm Thành là Ba Mỹ Thuế, đến năm 985 vương Chiêm Thành là Thi Lợi Đà Bàn Ngô Nhật Hoan. Rõ rằng vương Ba Mỹ Thuế chết trong lần tấn công của Đại Việt, nhưng sau thất bại trong cuộc chiến năm 984, người Chiêm Thành không khuất phục và Thi Lợi Đà Bàn Ngô Nhật Hoan lên làm vương, tiếp tục cuộc chiến tranh. Đại Việt sử lược cho rằng vua Chiêm Thành chết trong cuộc nam chinh của Lê Hoàn là Bế Mi Thuế, Cương mục cho rằng Bế Mi Thuế chỉ là vị tướng. G Maspéro cho rằng vua Chiêm bị chết trong cuộc chiến là Parames’varavarman I.

* Đại Việt nằm dưới sự kiểm soát của Lê Hoàn song tồn tại các thế lực xung quan Hoa Lư. Toàn thư chép năm 996 Lê Hoàn đánh 4 động Đại, Phát, Đan, Ba ở Ma Hoàng và Động Đỗ Giang. Năm 999 đánh Hà Động châu Định Biên. Năm 1000 đánh Trịnh Hàng, Trường Lệ, Đan Trường Ôn ở Phong Châu. Năm 1001 đánh giặc Cử Long. Trước thế cục như vậy hẳn là Lê Hoàn đã phải cân nhắc rất nhiều khi quyết định nam chinh. Tống sử chép tháng 5/983 Chiêm Thành vào cướp. Chính vì sự kiện này mà Lê Hoàn mới quyết định nam chinh. Kẻ thù số 1 của Lê Hoàn là Đại Tống thì đã bị đánh bại, kẻ thù số 2 chính là Chiêm Thành, kẻ thù số 3 mới là các thế lực địa phương trong đó có họ Đinh. Nếu chỉ có riêng Chiêm Thành thì không đáng sợ, nhưng sự kiện năm 998 [?] khi họ Dương tên Tiến Lộc dẫn người 2 châu Hoan Ái xin theo về Chiêm Thành, cho thấy họ Dương ở 2 châu này rất có thế lực. Nếu họ Dương liên kết với Chiêm Thành tấn công Hoa Lư thì thật sự đáng sợ. Do đó Lê Hoàn quyết định tấn công Chiêm Thành là để triệt đi mối hiểm hoạ từ phía nam.

* Lê Hoàn nam chinh với mục đích thực là triệt mối nguy phương nam, nhưng bên ngoài thì tuyên bố rằng do Chiêm Thành cướp năm 983 nên Đại Việt mới xuất quân đi đánh. Không những thế, hẳn là Hoàn còn tấu sang Đại Tống rằng, người Chiêm vào cướp nước tôi, nên tôi dẫn quân đánh chúng. Chính vì thế mà năm 985 khi Chiêm Thành tố Giao Châu tấn công, vua Tống chiếu lệnh cho Chiêm Thành rằng phải biết hoà thân với láng giếng, ý rằng Chiêm Thành tấn công trước nên mới có sự ấy, chứ không phải Giao Châu vô cớ tấn công.

* Qua đoạn chép trong Tống sử chúng ta nhận thấy bên cạnh những cái tên Chàm còn có người họ Ngô, họ Quách, đặc biệt là họ Lý. Năm 971 Phó vương của Chiêm Thành là người họ Lý tên Nậu và vợ của vương Tất Lợi Đà Bàn người họ Quách. Rõ rằng đã có sự hỗn cư tại Chiêm Thành. Tiểu quốc Chiêm Thành là quốc gia đa dân tộc.

Tống sử chép: “Đoản Củng năm thứ 1 [988] Quảng Châu lại tấu 301 người Chiêm Thành xin nội thuộc. Thuần Hoá năm thứ 1 [990] Vương mới Dương Đà Bài tự xưng tại nước Phật Thệ. Dương Đà Bài sai Lý Trăn cống sản vật địa phương là con tê, dâng biểu tố Giao Châu tấn công, người dân và tiền của đều bị cướp. Vua chiếu cho Lê Hoàn không được xâm lấn. Năm thứ 3 [992] Sai Lý Lương Phủ sang cống phương vật (…) Chí Đạo năm thứ 1 [995] Chính nguyệt, Vương sai sứ sang cống (…) Hàm Bình năm thứ 2 [999] Vương Dương Phổ Câu Bì Trà Dật Thi Ly sai sứ châu Trần Nghiêu, phó sứ Bồ Tát Đà Bà, phán quan Lê Cô Luân dâng tê tượng, đại mội, hương dược (…) Cảnh Đức năm thứ 1 [1004] lại sai sứ sang cống”.

Toàn thư chép: “Ất Dậu [985] Nhà Tống sai sứ sang thăm, vua sai sứ sang nhà Tống xin giữ chức Tiết Trấn (…) Bính Tuất [986] Mùa thu tháng 8 điểm dân để lấy lính. Mùa đông tháng 10 nhà Tống sai Tả bổ khuyết Lý Nhược Chuyết, Quốc tử giám bác sĩ Lý Giác mang chế sang sách phong cho vua làm An Nam đô hộ Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ Kinh triệu quận hầu (…) Sai Ngô Quốc Ân sang đáp lễ nhà Tống và nói về việc người Chiêm Thành là Bồ La Át đem hơn trăm người trong họ xin nội phụ (…) Đinh Hợi [987] Nhà Tống sai Lý Giác sang (…) Mậu Tý [988] Vua nước Chiêm Thành là Băng Vương La Duệ ở Phật Thành [Chà Bàn] tự đặt hiệu là Câu Thi Lị Ha Thân Bài Ma La [Sri Harivarman II] (…) Kỷ Sửu [989] Vua sai viên quản giáp Dương Tiến Lộc đi thu thuế 2 châu Hoan và Ái, Tiến Lộc đem người 2 châu theo về Chiêm Thành. Chiêm Thành không nhận. Vua nghe tin đem quân đến đánh châu Hoan và Ái, bắt được Tiến Lộc, giết người 2 châu không biết bao nhiêu mà kể (…) Nhâm Thìn [992] Mùa hạ tháng 6 [tha tù binh] Chiêm Thành hơn 360 người [bắt ở] thành cũ châu Đại Lý [Quảng Bình] cho về châu Ô Lý [Quảng Trị và Thừa Thiên] Mùa thu tháng 8, sai Phụ quốc Ngô Tử An đem 3 vạn người đi mở đường bộ từ cửa biển Nam Giới [Hà Tĩnh] đến châu Đại Lý (…) Giáp Ngọ [994] Cháu vua nước Chiêm Thành là Chế Cai vào chầu. Trước đây, nước Chiêm Thành sai Chế Đông dâng sản vật địa phương, vua trách là trái lễ, không nhận. Vua nước đó sợ, mới sai Chế Cai vào chầu”.

* Toàn thư chép rằng năm 982 Lê Hoàn đánh Chiêm Thành, khi rút quân về, Quản giáp là Lưu Kế Tông trốn ở lại, năm 983 Lê Hoàn sai người con nuôi sang đánh Kế Tông, bắt được đem chém. Tống sử chép năm 986 vương Lưu Kế Tông khiển sứ Lý Triêu Tiên sang cống. Rõ là Lưu Kế Tông không chết năm 983 như Toàn thư chép. Tống sử chép rõ rằng Lưu Kế Tông là vương của Chiêm Thành, trong khi Toàn thư chép rằng Kế Tông là bộ tướng của Lê Hoàn, sau cuộc nam chinh đã trốn ở lại Chiêm Thành. Nếu Kế Tông trốn ở lại Chiêm Thành thì làm sao có quân để xưng vương tại Chiêm Thành được.

Trong bài Châu Bố Chính thuộc cương thổ Đại Việt vào thời kỳ nào của tác giả Minh Vũ Hồ Văn Châm viết: “Đại Cồ Việt và Chiêm Thành đều là phiên thuộc của Tống triều. Chính sách của nhà Tống lúc bấy giờ là làm trung gian hòa giải cuộc xung đột Chiêm Việt, đồng thời sử dụng lá bài tấn phong nhỏ giọt đối với Đại Cồ Việt để ngăn cản Lê Hoàn thôn tính Chiêm Thành. Tuy Lê Hoàn đã oanh liệt chiến thắng quân Tống và có dư binh lực chiếm đóng Chiêm Thành, nhưng Lê Hoàn đã biết tự chế, chịu nghe lời Tống Thái Tông rút quân trả đất thả tù binh để đổi lấy tước phong Giao Chỉ Quận vương. Chiến dịch bình Chiêm của Lê Hoàn bắt đầu năm 982 và chấm dứt vào năm 990 khi Lê Hoàn chịu nghị hòa và rút quân khỏi châu Địa Lý, đem về đóng giữ châu Bố Chính. Chiến dịch này kéo dài 8 năm và mang nhiều hình thái: tiến công quân sự, chiếm đóng lãnh thổ, minh thị rút quân, âm thầm lưu quân, bố trí người lên làm vua, rồi lại can thiệp quân sự”.  

Trong bài Chuyện một người Việt làm vua Chiêm Thành của tác giả Minh Vũ Hồ Văn Châm viết: “Chuyện Lưu Kế Tông liên quan mật thiết đến việc vua Lê Đại Hành lưu quân chiếm đóng miền bắc Chiêm Thành. Cũng như đối với vụ Lưu Kế Tông tự lập làm vua, sử cũ nước ta hoàn toàn không đề cập đến vụ Lê Hoàn lưu quân. Hơn nữa, không phải chỉ có các sử gia đời sau không nhắc nhở đến việc lưu quân, mà chính ngay đương thời triều đình Tiền Lê cũng tránh né đả động đến chuyện này. Rõ ràng là nhà cầm quyền ở Hoa Lư tìm cách phủ nhận tất cả mọi liên hệ với các vụ việc xẩy ra ở phía nam đèo Ngang sau năm 983 là năm Lê Hoàn rút đại quân ra khỏi Chiêm Thành, và lưu lại một đạo quân trú phòng dưới quyền chỉ huy của Lưu Kế Tông để chiếm đóng một miền rộng lớn vừa được bình định, kéo dài từ đèo Ngang đến mũi Varella. Vấn đề lưu quân chiếm đóng miền bắc Chiêm Thành là một hạng mục gay go trong các cuộc thương thảo ngoại giao giữa nhà Tống Trung Quốc và triều đình Tiền Lê Đại Cồ Việt. Tuy đã đánh bại 2 đạo binh thủy bộ của nhà Tống vào tháng 3 năm 981, Lê Hoàn luôn luôn tiến hành các cuộc vận động ngoại giao với nhà Tống để cầu phong. Liên tiếp trong các năm 981, 982, 983, Lê Hoàn gửi sứ bộ mang cống phẩm sang Tống triều lo việc thông hiếu. Mặt khác, Chiêm Thành là nước phiên thuộc của nhà Tống, vuốt mũi phải nể mặt, triều đình Đại Cồ Việt luôn luôn phải giải thích với nhà Tống lý do của việc chinh phạt Chiêm Thành năm 982 cũng như phải biện bạch về các dữ kiện chính trị và an ninh xẩy ra ở Chiêm Thành từ năm 983 trở về sau. Chính sách ngoại giao của nhà Tống lúc bấy giờ đối với 2 nước phiên thuộc phương nam là làm trung gian hòa giải cuộc xung đột Chiêm Việt, đồng thời sử dụng lá bài công nhận ngoại giao (tấn phong) một cách nhỏ giọt đối với Đại Cồ Việt để tạo áp lực ngăn cản Lê Hoàn thôn tính Chiêm Thành. Do đó mà năm 982, Lê Hoàn chỉ được nhà Tống phong Tĩnh Hải Tiết Độ sứ. Đến năm 989, qua bao nhiêu biến cố dồn dập và những nổ lực liên tục của các sứ bộ, Lê Hoàn cũng chỉ mới được phong An Nam Đô Hộ Tĩnh Hải Tiết Độ sứ Kinh Triệu Quận hầu, gia phong Kiểm Hiệu Thái Úy. Chỉ sau khi Lê Hoàn chịu bãi binh nghị hòa (năm 990) rút quân ra khỏi châu Địa Lý theo chiếu chỉ của Tống Thái Tông, và trao trả tù binh cho Chiêm Thành (năm 992) năm 993, niên hiệu Thuần Hóa thứ 4 đời Tống Thái Tông, Lê Hoàn mới được nhà Tông phong làm Giao Chỉ Quận vương. Những hoạt động ngoại giao quanh co khúc mắc vừa kể trên đã giải thích lý do triều đình Hoa Lư phủ nhận sự liên hệ với các hành trạng của Lưu Kế Tông trên đất Chiêm Thành từ năm 983 trở về sau. Triều đình Hoa Lư trước sau đều nói với các sứ giả nhà Tống rằng Lưu Kế Tông là một tên đào ngũ, đã bị vua Lê sai con nuôi đi đuổi bắt và chém chết từ năm 983. Triều đình Hoa Lư nhất mực chối từ trách nhiệm về hoạt động của những người lính Đại Cồ Việt đồn trú trên đất Chiêm Thành dưới quyền Lưu Kế Tông bằng cách rêu rao rằng họ là những người trốn ở lại. Triều đình Hoa Lư giả tảng không biết Lưu Kế Tông là ai, làm ngơ để mặc Lưu Kế Tông muốn làm gì thì làm, kỳ thực thì tất cả các hoạt động của Lưu Kế Tông đều do Hoa Lư chỉ đạo. Thậm chí việc Lưu Kế Tông tự lập làm vua sau khi Indravarman IV chết cũng do sự dàn dựng của Hoa Lư. Thực vậy, nếu vua Lê Đại Hành rút hết đại binh về năm 983, không lưu quân chiếm đóng miền bắc Chiêm Thành, thì hà cớ gì triều đình Hoa Lư phải quanh co, úp mở, che dấu, thậm chí bịa đặt chuyện Lưu Kế Tông trốn ở lại, bị bắt, và bị chém chết. Nếu Lưu Kế Tông là một kẻ phản bội, năm 983 đào ngũ, trốn ở lại một thân một mình, không có đạo quân trú phòng trong tay, thì làm sao năm 986 lại có thể tự lập làm vua Chiêm Thành. Nếu Lưu Kế Tông là một kẻ phản bội, năm 986 tự tung tự tác lên ngôi vua, cử sứ bộ sang Tống triều cầu phong, thì tại sao vua Lê Đại Hành không phát binh hỏi tội Lưu Kế Tông, mà phải đợi đến sau khi Lưu Kế Tông chết, Xri Harivarman II khôi phục hầu như toàn bộ đất cũ, vua Lê Đại Hành mới sai quân đánh châu Địa Lý lúc này đã trở lại trong tay người Chiêm Thành”.

* Tác giả Minh Vũ Hồ Văn Châm cho rằng Lưu Kế Tông là người được Lê Hoàn bố trí làm vua của Chiêm Thành. Năm 984 Lê Hoàn tấn công Chiêm Thành giết Ba Mỹ Thuế, người Chiêm tôn Thi Lợi Đà Bàn Ngô Nhật Hoan làm vương. Năm 985 Thi Lợi Đà Bàn sai sứ sang cống nhà Tống, đồng thời tố cáo Hoa Lư tấn công, vua Tống chiếu bảo nên hoà thân. Thứ nhất là Đại Việt và Chiêm Thành đều là phiên thuộc của Đại Tống, tuy nhiên Đại Việt có lòng phản trắc nên Đại Tống ưu ái Chiêm Thành hơn. Khi Chiêm Thành tố Giao Châu tấn công thì Đại Tống chỉ khuyên bảo Chiêm Thành. Xem vậy quan hệ Đại Việt và Chiêm Thành không đến mức nghiêm trọng buộc Đại Tống phải ra mặt. Thứ hai là năm 985 Lê Hoàn cử Trương Thiệu Phùng và Nguyễn Bá Trâm sang cống sản vật địa phương và xin Tiết Trấn [Tiết độ sứ ở phiên trấn] Lần sứ của Thiệu Phùng và Bá Trâm đã tấu lên Tống triều đại ý rằng: Chiêm Thành vô cớ tấn công phiên thần của triều đình, Lê Hoàn đã đánh dẹp được chúng, xin dâng sản vật địa phương, nhân xin triều đình gia ơn ban chức được cầm quân trấn giữ nơi phiên thuộc hẻo lánh của triều đình. Chắc chắn lời tấu của Giao Châu đến tai triều đình trước lời tấu của Chiêm Thành nên mới có chiếu khuyên bảo nhẹ nhàng của vua Tống. Từ 2 bằng chứng đó, tôi cho rằng sau khi Lê Hoàn tấn công Chiêm Thành năm 984, Phó vương Đại Việt đã kéo quân về Hoa Lư.

* Tôi cho rằng vùng Bình Trị Thiên năm 986 gồm nhiều dân tộc sinh sống, trong đó phía bắc (gồm 3 châu: Địa Lý, Mi Linh, Bố Chính) từ đèo Ngang đến sông Thạch Hãn chủ yếu là người Việt, phía nam (gồm 2 châu Ô và Lý) từ sông Thạch Hãn tới đèo Mây chủ yếu là người Chàm. Thành phố Huế là trọng thành vùng Bình Trị Thiên. Tước vương do người Chiêm giữ. Vương của Chiêm Thành thường sử dụng người họ Lý cho các công việc đi sứ, thông hiếu, giao thương. Vì thế mà vào thời hoàng kim Lý Nậu từng làm Phó vương Chiêm Thành.

* Trong lần tấn công của Lê Hoàn, sách sử không chép rõ là quân phương bắc phá những địa điểm cụ thể nào, mà chỉ ghi chép chung chung là san phẳng thành trì, phá huỷ tông miếu. Cuộc đại tàn phá là mục đích thứ nhất của Lê Hoàn khi nam chinh và mục đích thứ hai của Phó vương Đại Việt là tìm kiếm nguồn nhân lực cho việc xây dựng Kinh đô Hoa Lư. Việc tàn phá các trung tâm của người Chiêm chỉ là việc trước tiên trong kế hoạch làm suy yếu phương nam, việc sau cùng là xây dựng thế lực thân Hoa Lư, trên chính vùng đất Bình Trị Thiên. Sinh sống hỗn cư trên cùng lãnh thổ hẳn là luôn xảy ra những xung đột, không chỉ mang màu sắc tôn giáo mà còn là dân tộc. Khi cuộc tấn công kết thúc, chủ nhân người bản xứ của vùng đất Bình Trị Thiên suy yếu, những người cư ngụ muốn trở thành chủ nhân mới của lãnh thổ này. Lưu Kế Tông là kẻ đứng đầu đám người cư ngụ ấy. Kế Tông hiểu rằng để có thể trở thành chủ nhân của vùng Bình Trị Thiên, thì hẳn phải quy thuộc vào Hoa Lư. Lê Hoàn cũng yên tâm về phương nam khi có 1 phiên trấn trung thành.

* Sau khi thua những người Chiêm bất khuất đã lui về phía nam đèo Mây vùng Đà Nẵng, nơi 1 phần của thế giới Chăm. Sức mạnh của người Chàm được hồi lại, bằng chứng là năm 985 vương Chiêm Thành là Thi Lợi Đà Bàn Ngô Nhật Hoan khiển sứ sang cống Tống triều. Lưu Kế Tông và Thi Lợi Đà Bàn giữ nhau năm 985. Kết cục Thi Lợi Đà Bàn hi sinh, Kế Tông giữ ngôi vương của Chiêm Thành. Kế Tông cũng chỉ cử Lý Triêu Tiên sang cống Tống triều duy nhất một lần vào năm 986. Toàn thư chép mùa thu tháng 8 năm 986 Hoa Lư tuyển quân. Tống sử chép tháng 3/986 Chiêm Thành sang cống. Nếu vậy thì xung đột giữa Lưu Kế Tông và Thi Lợi Đà Bàn phải kết thúc trước tháng 3/986, vậy tháng 8/986 Hoa Lư tuyển quân làm gì ? Phải chăng để đánh dẹp Lưu Kế Tông ? Tôi cho rằng thời điểm Hoa Lư tuyển quân là trước tháng 3/986, Lê Hoàn đã ngầm chi viện quân cho Lưu Kế Tông trong cuộc chiến với Thi Lợi Đà Bàn. Rất có thể quân chi viện này sang Chiêm Thành với danh nghĩa là bắt bộ tướng Lưu Kế Tông trốn ở lại, như Toàn thư chép thì thủ lĩnh đám quân chi viện là người con nuôi của Lê Hoàn. Đại Tống nhận được thông tin Giao Châu đàn áp Chiêm Thành từ Bồ La Át năm 986 nên phương bắc có tờ chiếu nhắc nhở vào tháng 10/986 là cần phải giữ lễ phiên thần.

* Sau khi đánh bại Thị Lợi Đà Bàn, Lưu Kế Tông thực hiện chính sách thân Hoa Lư, đàn áp người Chiêm. Nên liên tục 3 năm 986, 987, 988 người Chiêm phải lưu vong sang xin phụ thuộc Đại Tống và đều tấu rằng do người Giao Châu đàn áp nên năm 988 sứ phương bắc là Lý Độ sang phong cho Lê Hoàn chức Kiểm hiệu thái uý, đồng thời vỗ yên, chỉ nên coi giữ Giao Châu. Kết quả của lần đi sứ phương nam của Lý Độ đã đạt được thành quả bước đầu, năm 989 không thấy Tống sử chép người Chiêm Thành sang xin nội thuộc nữa. Ngoài những người sang Tống quy phụ, số còn lại thì dạt vào Chà Bàn.

* Toàn thư chép năm 988 vua Chiêm Thành là Băng Vương La Duệ ở Phật Thành đặt hiệu, năm 989 quản giáp Dương Tiến Lộc xúi dân 2 châu Hoan Ái theo về với Chiêm Thành, nhưng Chiêm Thành không nhận. Tống sử chép năm 990 Tân vương Dương Đà Bài tự xưng tại thành nước [mới] Phật Thệ, tháng 12/990 sai sứ sang cống. Như thế thì hẳn là Dương Đà Bài làm vua nước Phật Thệ vào năm 990 và Dương Tiến Lộc xin nội phụ cũng trong năm 990. Việc Dương Tiến Lộc đem 2 châu Hoan Ái nội phụ Chiêm Thành có mối quan hệ mật thiết với việc hoàng tử Ngân Tích không được làm thái tử. Tống sử chép năm 990 xuống chiếu cho Lê Hoàn không được xâm lấn. Nếu Dương Tiến Lộc có ý xin nội thuộc Chiêm Thành thì hẳn phải mật thư riêng với vua Chiêm là Dương Đà Bài. Trường hợp vua Chiêm đồng ý thì mới dẫn người 2 châu xin nội thuộc. Đằng này lại xúi dân 2 châu ly khai Hoa Lư trước, sau mới xin nội thuộc Chiêm Thành, lỡ người Chiêm không nhận thì chẳng phải tiến thoái lưỡng nan hay sao ? Dương Tiến Lộc đâu có khờ đến thế. E là Toàn thư chép sai ! Dương Tiến Lộc mật thư cho vua Chiêm xin nội phụ và vua Chiêm đã đồng ý ! Do vậy Lê Hoàn xuất quân trước đánh Dương Tiến Lộc, sau tấn công Chiêm Thành. Vì thế mới có chiếu lệnh của vua Tống năm 990 cho Hoàn. Cũng khá ngẫu nhiên khi Tiến Lộc và Đà Bài cùng họ Dương ?

* Trường hợp Tiến Lộc và Đà Bài là họ hàng thì có thể 2 người đã âm mưu liên kết với người Chiêm, triệt hạ Lưu Kế Tông năm 989 nắm giữ Chiêm Thành. Vì thế Lê Hoàn dẫn quân tấn công Chiêm Thành buộc Dương Đà Bài chạy vào Bình Định, xưng vương lập nước Phật Thệ. Tôi cho rằng trường hợp này rất khó xảy ra vì người Chăm sẽ không để người Việt cai trị vương quốc Chiêm Thành. Nước Phật Thệ có kinh sư là Phật Thành. Phật Thành nằm ở đâu ? Thừa Thiên Huế hay Bình Định ? Cương mục dựa vào Thanh Nhất thống chí mục An Nam cổ tích cho biết thành Phật Thệ là kinh đô cũ của vua Chiêm thuộc địa phận xã Nguyệt Biều, huyện Hương Thuỷ, Thừa Thiên.

Toàn thư chép: “Giáp Thân [1044] Mùa xuân tháng giêng, phát khí giới trong kho ban cho các quân. Ngày Quý Mão vua thân đi đánh Chiêm Thành, cho Khai Hoàng vương lưu thủ kinh sư. Ngày Giáp Thìn quân đi từ kinh sư, ngày Ất Tị đến cửa biển Đại Ác. Đến núi Ma Cô. Qua vùng Hà Não. Đóng doanh ở cửa biển Trụ Nha. Ngày hôm sau đi qua 2 bãi cát Đại Trường Sa và Tiểu Trường Sa. Đến cửa biển Tư Khách. Chiêm Thành đem quân và voi bày trận ở bờ nam sông Ngũ Bồ. Vua truyền cho quân bỏ thuyền lên bở bắc. Thấy quân nhà vua đông, quân Chiêm tan chạy, quan quân đuổi chém 3 vạn thủ cấp. Quách Gia Di chém đầu vua Chiêm là Sạ Đẩu đem dâng. Mùa thu tháng 7 vua đem quân vào thành Phật Thệ, bắt vợ cả lẽ của Sạ Đẩu và các cung nữ giỏi hát múa khúc điệu Tây Thiên. Tháng 8 đem quân về. Tháng 9 đến phủ Trường Yên, rồi đến hành điện Lý Nhân, sai gọi Mỵ Ê là phi của Sạ Đẩu sang hầu thuyền vua”.

* Cương mục chú rằng núi Ma Cô thuộc Hà Tĩnh, cửa biển Ô Long là Tư Hiền thuộc Thừa Thiên Huế. Theo trình tự trong Toàn thư thì thuyền vua đi qua cửa biển Ô Long thì đến sông Ngũ Bồ. Theo trình tự từ bắc vào nam thì trước gặp sông Hương, tiếp đến cửa biển Tư Hiền, tiếp đến đèo Hải Vân, sau đến sông Thu Bồn. Nếu sông Ngũ Bồ là sông Hương thì rất khó hiểu khi thuyền vua đi tới cửa Tư Hiền, rồi lại vòng trở ra sông Hương. Sẽ rất hợp lý khi sông Ngũ Bồ là sông Thu Bồn. Khi vua đã chém được đầu Sạ Đẩu ở sông Thu Bồn [Quảng Nam Đà Nẵng] thì cũng rất khó hiểu khi vua trở ngược lại đánh thành Phật Thệ ở mạn sông Hương [Thừa Thiên Huế] và cũng rất khó hiểu khi Sạ Đậu không cố thủ tại kinh sư Phật Thệ ở Huế mà lại rút về Đà Nẵng. Toàn thư chép là Sạ Đẩu bày trận, nghĩa là đang chuẩn bị giao chiến, chứ không phải rút lui mai phục hay chủ động rút lui để đánh du kích.

* Toàn thư chép tháng 1/1044 vua xuất quân từ Thăng Long. Có nghỉ lại dọc đường. Khi gặp giặc dàn trận ở bờ nam sông Ngũ Bồ thì vua dàn quân ở bờ bắc sông. Chép là quân Chiêm Thành tan chạy, nhưng hẳn thế giằng co cũng phải kéo dài 1 thời gian. Tháng 7 thì vua vào tới thành Phật Thệ. Toàn thư chép tháng 8/1044 vua rút quân về nước, đến đầu tháng 9/1044 thuyền vua đã về đến Trường Yên, vậy thời gian di chuyển tới gần 1 tháng nên rõ rằng Phật Thệ thành phải nằm ở Bình Định mới hợp lý. Tống sử cũng chép rằng Dương Đà Bài là tân vương. Rồi tân toạ Phật Thệ quốc. Như thế kinh sư nơi Dương Đà Bài tự xưng tân vương không phải là kinh sư của các vị vương Chiêm Thành trước đây.

* Tống sử chép năm 990 Dương Bà Bài tự xưng vương ở Phật Thệ và vua Tống có chiếu trong cùng năm cho Lê Hoàn không được xâm lấn. Toàn thư chép Dương Tiến Lộc đem người 2 châu Hoan Ái nội thuộc Chiêm Thành. Vậy thì rất có thể đại quân của Phật Thành và đại quân của Hoa Lư đã áp sát nhau. Đồng nghĩa Lưu Kế Tông đã mất vai trò làm chủ vùng đệm giữa Hoa Lư và Phật Thành.

* Sau cuộc nam chinh Đại Việt dẫn về rất nhiều tù binh Chàm để cung cấp nguồn nhân lực cho việc xây dựng kinh thành Hoa Lư và hẳn là đến năm 992 đã cơ bản nên Lê Hoàn thả 360 người Chiêm. Thời điểm năm 984 Đại Việt bắt tù binh Chàm nhiều vô kể, gần một thập kỷ số lượng tù binh Chiêm được thả tự do đã có thể thống kê, cho thấy bao nhiêu người Chàm đã phải nằm lại ở Hoa Lư ! Nhưng Đại Việt cho đám tù binh Chiêm về châu Ô Lý chứ không phải châu Địa Lý ? Đến mùa thu tháng 8 năm 992 Phó vương Đại Việt sai Ngô Tử An đem 3 vạn người mở đường bộ từ cửa biển Nam Giới [Hà Tĩnh] đến châu Địa Lý [Quảng Bình]. Rõ rằng trên thực tế Hoa Lư đã coi châu Địa Lý nội thuộc. Con đường bộ vượt đèo Ngang do Ngô Tử An mở là cần thiết trước là cho sự quản lý của Hoa Lư đối với 3 châu Địa Lý, Mi Linh, Bố Chính và sau là cho sự phát triển của Đại Việt xuống phía nam. Năm 993 phương bắc phong cho Lê Hoàn làm vương đã ảnh hưởng ít nhiều đến quan hệ giữa Hoa Lư với Phật Thành nên năm 994 cháu vua Chiêm Thành là Chế Cai vào chầu. Cũng giống như Đại Việt, Chiêm Thành không hoàn toàn kiểm soát được các thế lực trong vùng lãnh thổ.

Tác giả Chế An.

0