Hải đăng Mũi Dinh được xây dựng năm nào?
Nguyễn Văn Nghệ Mũi Dinh (cap Padaran): nơi ghe thuyền qua lại cần lưu ý! Dọc ven bờ biển Nam Trung Bộ có một địa danh gọi là Mũi Dinh. Étienne Aymonier đã ghi lại cách gọi địa danh Mũi Dinh bằng ba ngôn ngữ: “Ce massif a du(*) être une ile(*) jadis, ainsi que celui ...
Nguyễn Văn Nghệ
Mũi Dinh (cap Padaran): nơi ghe thuyền qua lại cần lưu ý!
Dọc ven bờ biển Nam Trung Bộ có một địa danh gọi là Mũi Dinh. Étienne Aymonier đã ghi lại cách gọi địa danh Mũi Dinh bằng ba ngôn ngữ: “Ce massif a du(*) être une ile(*) jadis, ainsi que celui du cap Padaran. Ce dernier massif appelé Chek Chebang “les monts fourchus” par les Tjames, est en effet bifurqué. Sa pointe sud- est est le Chek Dil des Tjames, le Mũi Dinh des Annamites, le cap Padaran des Européens”(1) ( Khối núi này có thể là một hòn đảo xưa kia, tựa như khối núi của mũi Padaran. Khối này sau này được người Chăm gọi là Chek Chebang(2) “những ngọn núi chia nhánh” đúng là nó bị rẽ đôi. Mũi đông nam của nó người Chăm gọi là Chek Dil, người An Nam gọi là Mũi Dinh, người Âu châu gọi là cap Padaran).
Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí do Lê Quang Định soạn xong năm 1806 đã gọi Mũi Dinh là Mũi Diên: “ lục thập tầm, đông duyên hải chử, tây duyên sa động, chí Vũng Diên điếm Sơn Hải thôn tam kỳ lộ, dân cư trù mật dĩ đả ngư vi nghiệp. Nhất kỳ chi đông nam hữu nhất loan hải chử, tục danh đầm Vũng Diên, chí nam phong tiết ghe thuyền khả ẩn bạc ngoại liên nhất đới sơn. Kỳ sơn cước cửu khúc trạng như chỉ chưởng,hoành chẩm vu hải ngoại, tục danh Mũi Diên, ghe thuyền phóng dương quá thử, tối vi khai ngại khả giới” (60 tầm, phía đông dọc theo bờ biển, phía tây dọc theo động cát, đến điếm Vũng Diên ở ngã ba thôn Sơn Hải, dân cư ở đây rất trù mật, họ sống bằng nghề đánh cá. Đi theo nhánh đường hướng đông nam có một cái eo biển, tục gọi là đầm Vũng Diên, đến mùa gió nam, thuyền bè có thể vào đây trú ẩn, phía ngoài liền với một dải núi, chân núi có 9 khúc như hình ngón tay gối ngang ra biển, tục gọi là Mũi Diên, bè thuyền đi ra biển ngang đây rất ngại, nên phải hết sức lưu ý)(3)
Sách Đại Nam nhất thống chí gọi là Diên Chủy (Chủy: là mõm, mũi, cái gì hình thế nhọn sắc vẩu ra ngoài đều gọi là chủy, như : sơn chủy= mõm núi). Sách này cũng ghi lại dòng hải lưu:“ chỗ ấy nước biển chia đường: một đường chảy về bắc, một đường chảy về nam, chảy xiết dễ sợ, thuyền ghe qua đấy phải cẩn thận”(4).
Cách nay hơn 130 năm, Aymonier đã ghi lại những hiểm nguy đối với thuyền bè khi qua lại trên vùng biển Mũi Dinh: “Le cap Padaran est souvent dangereux à franchir pour les jonques annamites. Les vents viennent s’y buter fortement, surtout le nord- est qui le frappe pour dévier au sud en suivant le courant sous- marin qui existe en ce point, selon les bateliers indigenes. Les courants le long des côtes, dissent-ils, convergent vers ce cap lors des marées montantes pour se renverser avec les marées descendants. Et leurs jonques, de crainte de naufrage, séjournent souvent des mois entiers au nord ou au sud du cap selon la mousson”(5)(Mũi Padaran thường gây nguy hiểm cho ghe thuyền của người An Nam khi vượt qua nó. Những cơn gió thốc mạnh vào nó, nhất là gió đông bắc, gió này đập vào nó để rồi chệch hướng về nam xuôi theo dòng hải lưu ở điểm này, theo những chủ thuyền bản địa cho biết. Những dòng hải lưu dọc theo bờ biển hội tụ về phía mũi đất này khi thủy triều lên để rồi lui ngược lại khi thủy triều xuống. Vì sợ bị đắm, những con thuyền của họ thường lưu lại nhiều tháng trời ở phía bắc hoặc phía nam của mũi đất này tùy theo gió mùa).
Cảng Cà Ná ở phía nam Mũi Dinh là nơi ghe thuyền lưu lại để chờ vượt qua Mũi Dinh: “ Deux ou trois kilomètres plus loin, la route attaint le treizième trạm, celui de Thuận Lãng, après voir laissé sur la droite à une kilomètre le petite port de Cana ou Kana, port de refuge pour les jonques qui attendant la possibilité de doubler ce terrible cap Padaran”(6)(Hai hay ba cây số xa hơn, con đường đụng đến trạm thứ 13 tức là trạm Thuận Lãng, sau khi đã để lại bên tay phải một cây số là cảng nhỏ Cà Ná hay Kà Ná, cảng là bến ẩn núp của những ghe thuyền chờ đợi khả năng vượt qua mũi Padaran dữ dằn).
Do nắm bắt được sự nguy hiểm ở Mũi Dinh nên dân ghe thuyền có câu nhắc nhở: “ Mũi Nạy bảy bị còn ba/ Mũi Dinh chín bị, không tha bị nào”. Mũi Nạy ở Phú Yên cũng nguy hiểm nhưng lại không nguy hiểm cho bằng Mũi Dinh. Khi ghe thuyền qua Mũi Dinh, đem theo chín bị lương thực nhưng có khi ăn hết chín bị lương thực dự trữ mà thuyền vẫn chưa vượt qua được Mũi Dinh!
Paul Doumer còn cho biết Mũi Dinh không chỉ là nỗi lo sợ của ghe thuyền An Nam mà ngay cả tàu thủy trọng tải nhỏ cũng lo sợ: “Mũi Dinh là một trong những điểm đặc biệt trên con đường từ Bắc Kỳ tới Nam Kỳ… Vào mùa đông khi có gió mùa đông bắc, người ta có thể gặp ngay trước Mũi Dinh những dòng chảy mạnh đến mức tàu hơi nước trọng tải nhỏ và tốc độ thấp không thể vượt qua. Tình huống đó thường xảy ra với các pháo hạm của các Hạm đội Đông Dương, các tàu bánh guồng như Alouette hay Benagali, hay các tàu chân vịt như Comère, Vipère hay Aspic”(7).
Đường bộ đến Mũi Dinh cách nay 125 năm.
Hiện nay để đến Mũi Dinh bằng đường bộ rất là dễ dàng, nhưng cách nay 125 năm rất là gian nan. Trong tác phẩm “De Qui Nhon en Cochinchine” của J. Brien ghi chép lại hành trình khám phá của ông từ Qui Nhơn vào đến ranh giới hai tỉnh Bình Thuận và Biên Hòa vào năm 1892, ông đã ghi lại hành trình “ De Thuan Trinh au cap Padaran”(Từ Thuận Trinh đến mũi Padaran): “ Nous allons quitter la route mandarine pour faire une excursion jusqu’au phare du Padaran, situé à 20 kilomètres au sud-ouest du tram de Thuận Trinh”(8) (Chúng tôi sắp rời con đường cái quan[ đường Thiên lý bắc nam- ND] để làm một cuộc du ngoạn xuống ngọn hải đăng Padaran. Ngọn hải đăng này ở 20 cây số phía tây nam trạm Thuận Trinh).
Trạm Thuận Trinh ở thôn Nho Lâm (nay thuộc xã Phước Nam,huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận)
Từ trạm Thuận Trinh bắt đầu khởi hành: “On prend d’abord à travers champs pendant un kilomètre, jusqu’au village cham de Van lam, puis on entre dans la brousse; sur la droite, le massif isolé du Pandaran se rapproche, et l’on franchit un col minuscule pour tomber au delà sur un village cham barricade à cause du tigre, Ngai lap”(9)( Ban đầu người ta băng đồng một cây số tới làng Chăm Văn Lâm(10), phải đi vào rừng còi; phía bên tay phải là dãy Pandaran cô lập, cứ đến gần dần, rồi người ta qua một ngọn đèo nhỏ để đến ngay được một ngôi làng Chăm rào chắn xung quanh do sợ cọp , làng Ngãi Lập(11)).
Rời làng Chăm Ngãi Lập đi qua vùng “ rừng không trồng trọt gì, còn con đường lún cát chật và hẹp thường bị lún bởi vì rất đông voi qua lại. Những con thú ấy ban đêm đi về một vùng phía bên tay trái để uống nước, để vẫy vùng tắm rửa”
Tiếp đến “Chúng ta đến làng đánh cá Sơn Hải qua con dốc thoai thoải chạy đến tận bờ biển ở cửa ngõ đi vào một vũng nhỏ. Bờ biển Sơn Hải mọc đầy những san hô tầng, người ta dùng loại san hô này để làm ra vôi; những mảnh vỡ san hô bị tách rời khỏi vạt san hô tạo thành vành đai trên bờ biển từ cửa sông Phan Rang đến tận Sơn Hải”
Qua khỏi làng Sơn Hải “ chúng ta gặp một đụn cát lưu động, suốt một chiều dài 4 cây số. Trong gió mùa đông bắc, cát bị thổi dồn vào chân dãy núi chính ở phía tây, nước mưa bị những khối cát ấy chận lại và làm thành những thùng chứa đựng thiên nhiên, nơi đó nhân viên đèn biển dùng tiếp tế nước cho mình. Tốt hơn trong mùa mưa phải thật cẩn thận trên vài đoạn đi qua phía dưới thấp người ta có thể lún xuống bùn: hễ càng vùng vẫy đi lên càng lún sâu vào cát”
“ Đỉnh núi nhỏ có ngọn hải đăng được xây dựng ở bên trên hoàn toàn bị cô lập với khối núi Padaran.Con đường dốc dẫn đến đó rất thô sơ, tuy nhiên người ta phải dùng đến thuốc nổ để làm cho nó hầu như có thể đi lại được. Những ghềnh đá và mặt đất được bao phủ bởi những cây nhỏ nghèo nàn và còi cọt bị cháy sém bởi đủ loại gió”.
Vào thời điểm năm 1892 đường đến Mũi Dinh rất là gian nan, nhưng với người dân bản địa Chăm thì không mấy khó khăn: “ Les Chams connaisent un passage sous bois qui conduit du phare au village de Cana, au Sud, en 3 heures environ”(12) (Người Chăm biết một con đường đi luồn dưới rừng để đến ngọn hải đăng hay làng Cà Ná về phía nam tốn chừng ba tiếng đồng hồ)
Hải đăng Mũi Dinh xây dựng năm nào?
Khi ta tìm kiếm từ “ Mũi Dinh” trên Google sẽ thấy trang Wikipedia Tiếng Việt ghi về hải đăng Mũi Dinh: “Với vị thế mũi đất nhô ra có thể gây trở ngại cho thuyền bè qua lại nên năm 1899 nhà chức trách Trung Kỳ đã cho đặt trạm quan sát, đến năm 1904 thì xây ngọn hải đăng cao 16 mét soi đường. Công trình xây năm 1904 thời Pháp thuộc, đặt trên ngọn đồi 178 mét, công suất đèn rọi sáng 30 hải lý”.
Không chỉ trang Wikipedia Tiếng Việt mà tất cả các bài viết cũng đều khẳng định hải đăng Mũi Dinh xây dựng vào năm 1904. Bài viết “Vùng biển ven bờ và bờ biển Khánh Hòa qua hồi ký của Paul Doumer” của tác giả Nguyễn Lục Gia & Nguyễn Hà Châu Khanh cho biết hải đăng Đại Lãnh hoàn thành “ có thể trước hoặc đồng thời với thời điểm hoàn thành công trình hải đăng Mũi Dinh trong năm 1904 ở tỉnh Phan Rang, tức Ninh Thuận về sau”(13).
Không biết các tác giả các bài viết liên quan đến hải đăng Mũi Dinh dựa vào đâu để khẳng định hải đăng Mũi Dinh xây dựng trong năm 1904?
Trong chuyến đi khảo sát của J. Brien từ tháng giêng đến tháng ba năm 1892 cho biết là vào thời điểm ông đi khảo sát thì ngọn hải đăng Mũi Dinh đã hiện hữu rồi: “ Le phare lui- meme est un bel edifice quadrangulaire en pierres de taille; il est situé à 186 mètres d’altitude et possède un feu à éclats blancs et rouges visible à 30 milles en mer. Il aurait été, au point de vue de la navigation, mieux place sur la pointe Est du grand massif, au Sud- Est de l’emplacement actuel, mais on a du(*) renoncer à l’y contruire par suite des difficulties d’accès et aussi pour raisons budgétaires”(14)( Ngọn hải đăng là một kiến trúc xinh đẹp có bốn góc bằng đá tảng, nó được đặt ở độ cao 186 mét và sở hữu một ngọn đèn tỏa ra những ta sáng trắng và đỏ có thể nhìn thấy cách 30 dặm trên biển. Về mặt giao thông trên biển, có lẽ ngọn hải đăng được bố trí tốt hơn trên mũi Nam của khối núi lớn, ở về phía đông nam của vị trí hiện tại, nhưng người ta đã không xây dựng nó ở đó vì những khó khăn khi đi vào và cũng như vì những lý do tài chính”
Paul Doumer đã có lời ca ngợi hải đăng Mũi Dinh: “Từ mũi Đại Lãnh, đường biển uốn hơi cong về hướng Tây, nhưng bắt đầu từ Mũi Dinh[ cap Padaran] thì tuyến đường chạy thẳng về hướng Tây, cũng giống như bờ biển. Trên vùng đất cao của Mũi Dinh, một ngọn hải đăng được đặt ở vị trí tối ưu và chiếu ra ánh sáng đỏ và trắng. Những vị thuyền trưởng trên tuyến Viễn Đông, đã từng đi qua những cảng biển Ai Cập, Anh, Trung Hoa, Nhật Bản vẫn thường nói rằng “ Thành phố đẹp nhất ta thấy trên cả tuyến đường là Sài Gòn. Ngọn hải đăng đẹp nhất là ở Mũi Dinh”(15)
Cho dù ông J. Brien không nhắc đến năm xây dựng và hoàn thành hải đăng Mũi Dinh, nhưng chúng ta có thể ước đoán là hải đăng Mũi Dinh có thể xây dựng trong những năm 1886- 1891. Bởi vì trong tác phẩm Notes sur l’Annam II Le Bình Thuận của Aymonier xuất bản năm 1885 có đề cập đến Mũi Dinh nhưng lúc đó chưa có hải đăng. Hải đăng Mũi Dinh là hải đăng cổ nhất trong tất cả các ngọn hải đăng ở ven biển miền Trung ( Hải đăng Kê Gà năm 1899(16); hải đăng Đại Lãnh hoàn thành sau năm 1903(17))
Chú thích:
– Bài viết này đã được đăng trên Tạp chí Xưa&Nay số 485 tháng 7-2017
(*)- Trên chữ “u” và “i” có dấu mũ
1- Étienne Aymonier, Notes sur l’Annam I le Bình Thuận, Saigon Imprimerie Coloniale, 1885, p. 26
2- Chek Chebang: Người dân địa phương gọi là núi Chà Bang. Đại Nam nhất thống chí ấn bản thời Tự Đức ghi là núi Trà Na; Đại Nam nhất thống chí ấn bản thời Duy Tân ghi là núi Chà Bang. Trên núi ấy có chùa lại mang tên là chùa Trà Cang.
3- Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Nxb Thuận Hóa, tr. 278. Phần chữ Hán không có phiên âm trang 1135
4- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí tập 3, Nxb Thuận Hóa, tr.134
5;6- Étienne Aymonier, Notes sur l’Annam I le Bình Thuận, Saigon Imprimerie Coloniale, 1885, p. 34; 24
7- Paul Doumer, Xứ Đông Dương, Nxb Thế Giới, tr. 365
8;9- J. Brien, De Qui Nhon en Cochinchine Explorations dans le Binh Thuan (Sud- Annam), Hanoi Imprimerie Typo- Lithographique F.-H. Schneider, 1893, p. 36
10- Làng Chăm Văn Lâm có tên Chăm là palei Ram, nay thuộc thôn Văn Lâm, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam , tỉnh Ninh Thuận
11- Làng Chăm Ngãi Lập cũng đọc là Nghĩa Lập, có tên Chăm là palei Aia Binguk. Khu vực làng Chăm Ngãi Lập lúc xưa, nay thuộc thôn Văn Lâm, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận
12- J. Brien, De Qui Nhon en Cochinchine Explorations dans le Binh Thuan (Sud-Annam). Hanoi Imprimerie Typo- Lithographique F.-H. Schneider, p.37
13- Nguyễn Lục Gia & Nguyễn Hà Châu Khanh, Vùng biển ven bờ và bờ biển Khánh Hòa qua hồi ký của Paul Doumer (đăng trên Tạp chí Văn hóa, Thể thao& Du lịch Khánh Hòa số 4/2016, tr. 15
14- J. Brien, De Qui Nhon en Cochinchine Explorations dans le Binh Thuan( Sud-Annam). Hanoi Imprimerie Typo- Lithographique F.-H. Schneider, p. 36-37
15- Paul Doumer, Xứ Đông Dương, Nxb Thế Giới, tr. 365
16- Trên vách hải đăng Kê Gà có khắc lõm sâu vào viênđá số “1899”
17- Paul Doumer, Xứ Đông Dương,Nxb Thế giới, tr.351