23/05/2018, 18:47

Ngôi chùa nào cổ nhất Hà Nội?

(Hình minh họa) Chùa Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam và là ngôi chùa cổ nhất Hà Nội. Chùa tọa lạc phía Nam hồ Tây, trên đường Thanh Niên, quận Tây Hồ. Trước đây, chùa còn có một tên khác là Khai Quốc, xây dựng từ thời Tiền Lý Nam Đế (541-547), khi Phật giáo ...

(Hình minh họa)

Chùa Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam và là ngôi chùa cổ nhất Hà Nội. Chùa tọa lạc phía Nam hồ Tây, trên đường Thanh Niên, quận Tây Hồ. Trước đây, chùa còn có một tên khác là Khai Quốc, xây dựng từ thời Tiền Lý Nam Đế (541-547), khi Phật giáo mới truyền bá vào Việt Nam. Khai Quốc đã chứng minh cho sự sáng suốt của Vua Lý khi hòa hợp Phật pháp và cuộc đời. Ý nghĩa chính của tên chùa “Mở Nước” nhằm ghi nhận đóng góp đáng kể của Phật giáo trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Ngôi chùa chính là chỗ dựa tinh thần vững chãi để từ đó phát huy sức mạnh tổng lực của dân tộc. Ban đầu, Khai Quốc được xây dựng tại thôn Yên Hoa, gần bờ sông Hồng. Đến đời Lê Trung Hưng (1615), người ta dời chùa vào trong đê Yên Phụ, dựng trên nền cũ cung Thúy Hoa (thời Lý) và điện Hàn Nguyên (thời Trần).

Những năm từ 1624 - 1639, chùa tiếp tục được trùng tu, mở rộng nhiều lần. Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính đã soạn bài văn bia dựng ở chùa vào năm 1639 về công việc tôn tạo này như sau “Trước hết dựng hậu đường, cổng có gác tiếp theo dựng hành lang tả hữu… Qui mô lớn hơn trước gấp trăm lần, huy hoàng tượng Phật, sáng ngời rường chạm cột son, rực rỡ hoa hồng ánh chiếu khắp toà sen, cửa biếc”.

Năm 1821, Vua Minh Mạng đến thăm, ban 20 lạng bạc tu sửa chùa. Năm 1824, Vua Thiệu Trị ban 1 đồng tiền vàng lớn và 200 quan tiền, cho đổi tên chùa là Trấn Bắc.

Đời Vua Lê Hy Tông, chùa mới chính thức có tên là Trấn Quốc và được gọi như thế cho đến ngày nay. Chùa Trấn Quốc cũng chính là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

Kiến trúc

Giống như hầu hết những ngôi chùa khác trên đất Việt, Trấn Quốc có kiến trúc cổ rất độc đáo. Chùa có ba nếp nhà chính là tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện nối thành hình chữ Công (I). Hai bên nhà thiêu hương và thượng điện là hai dãy hành lang. Sau thượng điện là gác chuông. Bên phải là nhà tổ, bên trái là nhà bia.

Trong chùa hiện nay còn lưu giữ 14 tấm bia. Tấm bia năm 1815 có bài văn của tiến sĩ Phạm Quý Thích nhắc đến việc xây dựng chùa sau một thời gian dài đổ nát.

Kiến trúc và điêu khắc của chùa có dấu ấn của thế kỷ 19. Hiện có rất nhiều tượng đẹp, giá trị, đặc biệt là tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn bằng gỗ thếp vàng lộng lẫy trong chùa.

Điều đặc biệt nhất ở di tích này là vườn tháp lớn với rất nhiều tháp cổ u tịch. Trong khuôn viên chùa có cây bồ đề xum xuê cành lá là quà tặng của Tổng thống Ấn Độ khi ông đến thăm Hà Nội năm 1959.

Người vào chùa Trấn Quốc, ngoài việc thành tâm lễ Phật, còn là để ngao du ngắm nhìn vẻ đẹp của một danh lam thanh bình, tĩnh mịch giữa sóng nước Hồ Tây - khác hẳn với những tấp nập, ồn ào phố phường.

Trấn Quốc là một ngôi chùa nổi tiếng, kết hợp được vẻ đẹp cổ kính của công trình kiến trúc với vẻ đẹp thanh nhã của thắng cảnh Hồ Tây. Nơi đây hiện đang là điểm du lịch hấp dẫn du khách. Bất cứ ai đã tới Hà Nội, với lòng ngưỡng vọng những giá trị lịch sử văn hóa truyền thống, không thể không một lần tới thăm cảnh đẹp này.

0