23/05/2018, 18:47

Tại sao người Ai Cập có tục lệ ướp xác người chết?

Nguyên nhân Ai Cập được xem là nơi bắt đầu của tục lệ ướp xác. Vào thời kỳ từ năm 6000 trước Công Nguyên đến năm 600 sau Công Nguyên đã có khoảng 400 triệu xác ướp ở Ai Cập. Người Ai Cập ướp xác người chết vì hai nguyên nhân. Thứ nhất đó là nguyên nhân tôn giáo. Sử gia người Hy Lạp ...

Nguyên nhân

Ai Cập được xem là nơi bắt đầu của tục lệ ướp xác. Vào thời kỳ từ năm 6000 trước Công Nguyên đến năm 600 sau Công Nguyên đã có khoảng 400 triệu xác ướp ở Ai Cập.

Người Ai Cập ướp xác người chết vì hai nguyên nhân. Thứ nhất đó là nguyên nhân tôn giáo. Sử gia người Hy Lạp Herodutus đã khẳng định rằng cư dân Ai Cập là những người đầu tiên tin vào sự bất tử của linh hồn. Họ tin rằng linh hồn sẽ không bao giờ hoàn toàn rời bỏ thể xác một khi thể xác vẫn còn nguyên vẹn. Ướp xác chính là để gìn giữ thể xác, để linh hồn có thể sẽ quay lại sau khi hoàn thành “vòng tuần hoàn của quy luật tự nhiên”. Vòng tuần hoàn này là một cuộc hành trình kéo dài 3000 năm mà linh hồn phải thực hiện trước khi quay về thể xác. Khi đó người chết sẽ sống lại và trở thành bất tử.

Nguyên nhân thứ hai của tục lệ ướp xác ở Ai Cập đó là vấn đề vệ sinh. Theo tác giả Cassius thì ướp xác là biện pháp để giải quyết vấn đề người Ai Cập cứ chôn xác người chết ở thung lũng sông Nile vốn vẫn bị ngập theo chu kỳ hàng năm. Người Ai Cập khi đó đã ý thức được rằng điều này có thể gây ra sự mất vệ sinh có thể khiến nhiều người chết hơn

Phương pháp ướp xác của người Ai Cập

Những người ướp xác cũng chính là thành viên trong ủy ban các thầy tế. Một vài người tin rằng phương pháp ướp xác của họ là “một nghệ thuật đã bị thất truyền” nhưng thực tế phương pháp này thô sơ và vẫn còn được các tài liệu lưu giữ.

Yếu tố đầu tiên giúp cho việc ướp xác của người Ai Cập thành công là khí hậu khô nóng. Xác người chết dễ bị vi khuẩn phân hủy, nhưng điều kiện nóng và thiếu độ ẩm sẽ cản trở các vi khuẩn sinh trưởng và phát triển.

Căn cứ vào sự khá giả của người chết, người Ai Cập tiến hành 3 phương pháp ướp xác khác nhau. Phương pháp tốn kém nhất sẽ phải trải quả 5 bước và tốn một khoản tiền có giá trị tương đương 2.000 USD ngày nay và phương pháp rẻ tiền nhất thì khoảng 150 USD.

- Bước 1: lấy bộ não ra, sọ sẽ được khép lại bằng nhựa thông.

- Bước 2: lấy ruột ra. Người ta rạch bụng và lấy các cơ quan nội tạng ra, rửa sạch hoặc trộn với nhựa thông và gia vị rồi để lại trong cơ thể hoặc đặt vào một chiếc bình khác.

- Bước 3: ngâm. Xác sẽ được ngâm trong dung dịch muối natri. Phản ứng ăn da của dung dịch sẽ làm cho móng tay và móng chân bị bong ra. Chúng sẽ được thay thế để giữ niềm tin rằng cơ thể phải nguyên vẹn trong vòng 3.000 năm nữa. Bước này kéo dài khoảng từ 20 đến 70 ngày.

- Bước 4: khử nước. Xác sẽ được rửa sạch, kéo thẳng ra và phơi dưới ánh nắng mặt trời cho mất nước đi.

- Bước 5: băng lại. Sẽ mất khoảng 1100 mét băng có khổ rộng hơn 8 cm để băng một xác chết. Chất keo sẽ giữ các lớp vải lại và giúp băng kín quanh xác người chết. Xác ướp sau đó được để trong quan tài và giao lại cho gia đình người chết.Phương pháp rẻ tiền nhất dành cho tầng lớp bình dân chiếm khoảng 80% dân số Ai Cập khi đó. Nó cơ bản chỉ gồm bước ngâm trong dung dịch muối natri. Khu ngoại ô được rào kín có tên Necropolis (có nghĩa là “thành phố của người chết”) là nơi diễn ra các hoạt động liên quan đến người chết. Những người đảm nhận những công việc này gồm có người đóng quan tài, các họa sĩ, và những người ướp xác. Đây cũng là nơi tập trung các hầm mộ.

Ướp xác ở những nơi khác trên thế giới

Không chỉ có cư dân Ai Cập mà ở những nơi khác người ta cũng tiến hành việc ướp xác. Các bộ tộc Ethiopia cổ đại giữ gìn các xác chết theo cách tương tự như người Ai Cập. Thổ dân ở quần đảo Canary thực hiện việc ướp xác người chết từ năm 900 trước Công Nguyên. Người Babylon, người Ba Tư và người Syri thì giữ xác chết bằng cách đặt chúng trong những bình mật ong hoặc sáp. Người Peru tiến hành việc ướp xác từ 1000 năm trước khi bị Tây Ban Nha xâm lược vào thế kỷ 16.

Đối với người Do Thái, việc ướp xác và hỏa táng nhìn chung bị cấm vì chúng bị xem như là việc cắt xẻo xác chết. Theo kinh thánh của người Do Thái, việc chuẩn bị cho đám tang chỉ bao gồm đóng xác chết, xức dầu và gia vị.

Người Hy Lạp thì có tín ngưỡng tin rằng người chết sẽ phải thực hiện một cuộc hành trình băng qua sông Styx đến vùng đất vĩnh cửu. Một đồng xu được đặt ở miệng người chết sẽ là tiền người chết dùng để trả lộ phí qua sông. Một chiếc bánh mật ong đặt cạnh xác chết sẽ giúp dỗ dành con chó 3 đầu Cerebus, kẻ canh gác cổng địa ngục. Việc mai táng được trì hoãn trong 3 ngày để phòng trường hợp người chết vẫn chưa thực sự chết. Vào khoảng năm 300 trước Công Nguyên, người Hy Lạp bắt đầu tiến hành việc hỏa táng.

Người La Mã lại không tiến hành ướp xác theo các cách trên. Trong vòng 7 ngày sau khi chết, người chết sẽ được tắm rửa sạch sẽ bằng nước nóng và dầu. Điều này cũng là để phòng trường hợp người chết vẫn chưa thực sự chết. Một nhóm người nô lệ gọi là “pollinctores” sẽ thực hiện công việc này. Việc tổ chức tang lễ sẽ tiến hành vào buổi tối để tránh làm ô uế cuộc sống, và sẽ do một người được chỉ định điều hành. Ban đầu người ta tiến hành việc chôn cất nhưng về sau thì thực hiện hỏa táng.

0