Ngoại tộc dày xéo, cai trị Trung Quốc: Qua sự giao thiệp với ngoại tộc, xác định Trung Quốc không phải là dân tộc anh hùng
Hồ Bạch Thảo Trước hết hãy tìm hiểu hai chữ anh hùng theo nghĩa truyền thống Trung Quốc: Anh chỉ tài trí, hùng chỉ dũng cảm, hai vế phải bổ sung cho nhau; đòi hỏi siêu việt cả hai mặt, thiếu một không chấp nhận được; vì thiếu “anh” là vũ phu, thiếu “hùng” ...
Hồ Bạch Thảo
Trước hết hãy tìm hiểu hai chữ anh hùng theo nghĩa truyền thống Trung Quốc:
Anh chỉ tài trí, hùng chỉ dũng cảm, hai vế phải bổ sung cho nhau; đòi hỏi siêu việt cả hai mặt, thiếu một không chấp nhận được; vì thiếu “anh” là vũ phu, thiếu “hùng” trở thành yếu đuối.Qua tiêu chuẩn này, thử xét xem Trung Quốc có phải là nước anh hùng hay không?
-Trung Quốc, xét về lãnh thổ và dân số, lớn hơn ngoại tộc hàng chục lần. Nhưng dưới thời Ngũ Hồ loạn Hoa đã để cho ngoại tộc vào dày xéo một nữa nước Trung Quốc hơn một trăm năm [304-439]; tiếp đến nhà Bắc Nguỵ, rồi Bắc Chu cai trị một nữa nước Trung Quốc 2 trăm năm. Từ đầu thế kỷ thứ 10, các nước Liêu, Kim lần lượt chiếm miền bắc Trung Quốc đến 300 năm. Vào khoảng nữa thế kỷ thứ 13, Nguyên Mông cai trị Trung Quốc ngót một trăm năm; vào nữa thế kỷ thứ 17, Mãn Thanh ngự trị Trung Quốc ngót 3 trăm năm. Một nước lãnh thổ lớn, dân số đông, tự nhận văn hoá cao; phải chịu làm tôi mọi ngoại tộc trong một thời gian dài như vậy, quyết không phải là quốc gia anh hùng.
-Dưới chế đô quân chủ, kẻ bầy tôi để cho vua bị bắt, bị làm nhục, thì tội đáng muôn lần chết! Nhưng trong lịch sử Trung Quốc các vị vua chính thống bị ngoại tộc bắt rất nhiều, tính sơ như sau:
Năm 311, bọn Thạch Lặc mang quân đánh nhà Tấn, diệt 10 vạn quân Tấn tại Bình Thành [Hà Nam], rồi đánh vào kinh đô Lạc Dương, bắt vua Hoài Đế; giết Vương, Công, sĩ, dân hơn 2 vạn người; sử gọi là “Vĩnh Gia chi loạn”.
Năm 1126 nước Kim lấy lý do Tống huỷ ước, bèn chia quân làm 2 lộ đến đánh chiếm kinh đô Khai Phong, bắt sống các vua Tống Huy Tông, Tống Khâm Tông và các Tôn thất nhà Tống mang về bắc; sự việc xãy ra vào năm Tĩnh Khang thứ nhất [1126], sử xưng là “Tĩnh Khang chi hoạ”.
Năm 1276 quân Nguyên đánh chiếm kinh đô Nam Tống tại Lâm An [Hàng Châu, Chiết Giang], Tạ Thái hậu và vua Tống Cung Đế đầu hàng.
Năm 1449, Minh Anh Tông bị ngoại tộc Ngoã Thích bắt làm tù binh.
Năm 1661, quân Thanh vào Vân Nam, vua Vĩnh Lịch nhà Minh chạy sang Miến Điện, cuối cùng bị bắt giết.
Dân một nước có truyền thống văn hoá cao, để cho vua bị bắt một cách dễ dàng như bắt ngoé, quyết không phải là một dân tộc anh hùng!
-Một tệ trạng khác là nạn hối lộ, nạp cống, dâng gái đẹp cho ngoại tộc. Về đời Hán, sau khi thua trận Hung Nô tại thành Bạch Đăng [Sơn Tây], Hán Cao Tổ phải sai Sứ giả đến hối lộ, hứa hàng năm nạp cống, Hung Nô bèn mở một góc thành, cho rút. Mong tránh áp lực thêm, Cao Tổ đem Công chúa gả cho Hung Nô làm thê thiếp, hàng năm dâng cống tơ lụa, rượu.
Việc dâng gái đẹp cho ngoại tộc được nguỵ trang bởi hai chữ ‘hoà thân”; có nghĩa là kết thân làm thông gia để giữ hoà bình; mối tệ này kéo dài suốt mấy triều đại, tạo thànhmỹ nhân oán, thườngghi lại qua văn chương. Một người đẹp đượcca tụng nhiềulà Vương Tường, tức Vương Chiêu Quân, thời Hán Văn Đế. Nàng bị đem đi cống Hồ, buồn cho thân phận mình, bèn nhảy xuống sông tự tử. Cái chết của nàng là đề tài cho văn thi sĩ ca tụng; đời Đường cóLý Bạch, Đỗ Phủ; riêng tại Việt Nam, các thi sĩ cận đại nỗi tiếng như Tản Đà, Quang Dũng đều làm thơ; riêng cụ Đồ Chiểuviết hai câu trong truyện Lục Vân Tiên như sau:
Chiêu Quân nhảy xuống Hắc Hà,
Thương vua nhà Hán hoá ra liều mình.
Việc nạp tiền cống hàng năm, thì không riêng gì nhà Hán, các triều đại sau phải thi hành một cách nghiệt ngã hơn; số lụa và bạc nén nạp nhiều, khiến dân chúng phải gánh vác nặng, bằng cách bị vơ véttăng thêm thuế:
Năm Thiên Hiển thứ 11 [936], vua nước Liêu đưa 5 vạn quân giúp cho Tiết Độ sứ Thạch Kinh Đường đánh nhà Hậu Đường. Sau khi diệt Hậu Đường xong, Thạch Kính Đường lập nên nước Hậu Tấn, bèn cắt cho nước Liêu vùng đất 16 châu Yên Vân thuộc tỉnh Hà Bắc hiện nay, cùng hàng năm triều cống.
Năm 960, Triệu Khuông Dẫn soán ngôi nhà Chu, lập nên nhà Tống tức Tống Thái Tổ. Vua Tống Thái Tổ muốn được yên từ phương bắc, nên vẫn tiếp tục noi theo chính sách của Thạch Kính Đường, hàng năm triều cống Đại Liêu.
Năm 1005 vua Chân Tông cùng nước Đại Liêu đính lập điều ước, nội dung nhà Tống mỗi năm nạp cống 10 vạn lạng bạc, 20 vạn tấm quyên; hai bên vẫn giữ biên giới hiện hữu, không quấy nhiễu lẫn nhau; đó là điều ước Thiền Uyên tức “Thiền Uyên chi minh澶渊之盟”
Năm Tống Thiệu Hưng 11 [1141] hoàn thành “Thiệu Hưng hoà nghị”. Nội dung hoà nghị xác định biên giới Kim Tống; giới tuyến đại thể phía đông lấy sông Hoài làm mốc, phía tây tại Đại Tán Quan [nam Tây An, Thiểm Tây]. Tống phụng biểu xưng thần với Kim; vào ngày sinh nhật vua Kim và tết Nguyên Đán, Tống phải sai sứ đến mừng; hàng năm nạp cống Kim 25 vạn lượng bạc, 25 vạn tấm quyên.
-Trung Quốc không tự tin vào sức mạnh mình, các vua chúa thường mượn lực lượng ngoại tộc để giữ vững ngôi báu; trong chiến tranh thì mượn nước nọ đánh nước kia; cuối cùng sau khi“lang” diệt xong, lại kéo “hổ” đến.
Thời Đường Minh Hoàng cấm quân tại trung ương thì bạc nhược; sử dụng thực lực ngoại tộc nơi biên trấn, khiến sức mạnh lấn át trung ương; đó là nguyên nhân chính gây loạn An Lộc Sơn và Sử Tử Minh.
Trong thời gian chiến tranh với nước Liêu, nhà Tống cử các Sứ giả như Mã Chính từ Sơn Đông vượt biển đến đất Kim để bàn việc hợp tác diệt nước Liêu, cuối cùng lập nên điều ước gọi là “Hải thượng chi minh”. Điều ước với nội dung: Tống, Kim hai phía đánh Liêu; Kim từ đông bắc đánh chiếm Thượng kinh [tại Nội Mông], Trung Kinh [Liêu Ninh]; Tống từ phía nam đánh ngược lên, chiếm Tây kinh [Sơn Tây], Nam kinh [Hà Bắc]. Sau Khi diệt Liêu xong, Tống sẽ đem số tiền và vải quyên trước đó nạp cống cho Liêu được ghi trong “Thiền Uyên chi minh”, hàng năm nạp cho Kim; đổi lại Kim sẽ giao cho Tống 16 châu Yên Vân tại Hà Bắc. Vì nhà Tống không thực hiện được lời hứa đánh chiếm 2 kinh, nên Kim cự tuyệt giao Yên Vân. Cuối cùng qua lại giao thiệp, Tống bằng lòng nạp hàng năm cho Kim 20 vạn lạng bạc, 30 vạn tấm quyên, cùng tiền mướn Yên kinh [Bắc Kinh] là 100 vạn quan, Kim mới chịu giao cho 16 châu Yên Vân. Nhưng khi bàn giao, nhà Tống chỉ lấy được đất không, còn tài sản đồ vật Kim vơ vét mang đi hết.
Rồi đến lượt Kim diệt nhà Bắc Tống. Năm 1126 Kim Thái Tông sai Hoàn Nhan Tông Vọng, Hoàn Nhan Tông Hàn chia quân làm 2 lộ đến đánh Khai Phong, chiếm thành, bắt sống các vua Tống Huy Tông, Tống Khâm Tông và các Tôn thất nhà Tống mang về bắc; sự việc xãy ra vào năm Tĩnh Khang thứ nhất [1126], nên sử xưng là “Tĩnh Khang chi hoạ”. Việc nhà Tống liên minh với Kim đánh Liêu, đúng là hành động rước voi về dày mả tổ.
Một lần xãy ra chưa tởn, năm 1234 quân Tống liên minh với quân Mông Cổ đánh quân Kim tại Thái Châu [Hà Nam], vua Kim Ai Tông tự sát, nước Kim mất. Nam Tống tuy thu phục được đất Hà Nam, nhưng vùng Hoa Bắc đều bị Mông Cổ chiếm. Rồi chẳng bao lâu Mông Cổ trở mặt mang quân đánh Tống.Tháng 3 năm 1279, trong cuộc hải chiến tại Nhai Sơn, Mông Cổ tiêu diệt hải quân Nam Tống, Thừa tướng Lục Tú Phu cõng Hoàng đế 8 tuổi nhảy xuống biển tự tử, nhà Nam Tống diệt vong.
Tất cả những sử liệu vừa trình bày, khó có thể đánh giá Trung Quốc là một dân tộc anh hùng.