Ngoại thương Pháp – Việt qua Châu bản triều Minh Mệnh
Vua Minh Mạng Giáng Hoa – Thu Hường Châu bản triều Nguyễn trên thực tế là một kho tài liệu lưu trữ các văn thư hành chính của vương triều Nguyễn. Hơn 100 năm tồn tại của nhà Nguyễn, khối châu bản đồ sộ đã được hình thành. Đây là nguồn sử liệu quý và là cơ sở để hình thành những bộ ...
Giáng Hoa – Thu Hường
Châu bản triều Nguyễn trên thực tế là một kho tài liệu lưu trữ các văn thư hành chính của vương triều Nguyễn. Hơn 100 năm tồn tại của nhà Nguyễn, khối châu bản đồ sộ đã được hình thành. Đây là nguồn sử liệu quý và là cơ sở để hình thành những bộ sử lớn như: Khâm định Đai Nam hội điển sự lệ, Đại Nam thực lục, Minh Mệnh chính yếu… Đồng thời, những châu bản này là một nguồn sử liệu giá trị, tín thực giúp nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội… của dân tộc Việt Nam từ đầu thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX. Tuy nhiên, trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, sự bào mòn của thời gian, số châu bản còn lại không được bao nhiêu so với thực tế. Theo GS Trần Kinh Hòa,1số châu bản còn lại không bằng 1/5 của ngày trước.
Để đi những bước dài hơn trên chặng đường nghiên cứu tiếp theo, trong bài viết này, chúng tôi bước đầu tìm hiểu tình hình ngoại thương của Việt Nam với Pháp dưới thời vua Minh Mệnh qua những châu bản còn lại.
Việt Nam đầu thế kỷ XIX thực sự là một quốc gia thống nhất, hoàn chỉnh về cương vực lãnh thổ, thống nhất thị trường tiền tệ, có thể xây dựng kinh tế – xã hội phát triển mạnh mẽ và mở rộng được những quan hệ ngoại thương quốc tế.
Sau khi lên ngôi (1802), vua Gia Long đã chọn Đà Nẵng làm nơi đón tiếp các sứ thần đến quan hệ ngoại giao, thương mại. Từ đây, cảng Đà Nẵng trở thành hải cảng chính thức và duy nhất thực thi chính sách ngoại giao, ngoại thương của nhà Nguyễn với các nước phương Tây.
Vua Minh Mệnh lên ngôi, vẫn theo tiền lệ nên chỉ cho các tàu Tây dương đến thông thương tại hải cảng Đà Nẵng. Năm 1835, vua Minh Mệnh ra đạo dụ kiên quyết chỉ cho tàu Tây đậu tại cửa Hàn, còn các cửa biển khác không được vào. Ngoài ra, các thương thuyền phương Tây đến Đà Nẵng giao thương phải có đủ hai điều kiện là phải có quốc thư và lễ vật. Đặc biệt, quốc thư là điều kiện bắt buộc phải có.
Ngay từ đầu triều Nguyễn đã có quy định rất rõ ràng đối với các nước đến quan hệ giao thương với Việt Nam bằng đường biển là chỉ được vào cảng Đà Nẵng. Và nước Pháp – dù là nước có nhiều ân huệ với triều Nguyễn nhưng cũng không là ngoại lệ. Việc thông thương của các thuyền buôn nước Pháp tại Đà Nẵng cũng phải tuân thủ những quy định và điều kiện như các nước phương Tây khác. Qua những Châu bản triều Nguyễn có nội dung về việc thông thương với Pháp, chúng ta có thể hình dung được phần nào quan hệ ngoại thương này.
Theo như khảo sát tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, số lượng châu bản liên quan đến vấn đề ngoại thương với Pháp dưới triều Minh Mệnh còn lại không nhiều. Những văn bản có nội dung này được chúng tôi thống kê như sau:
TT | Nội dung | Loại | Xuất xứ | Tờ | Tập | Thời gian |
1 | Trình báo việc thuyền Tây dương đi buôn bán bị bão vào đậu ở Cần Giờ. | Tấu | Thành Gia Định | 160 | 6 | 2/10 năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) |
2 | Báo cáo việc giao dịch trao đổi hàng hóa với tàu buôn nước Pháp. | Tấu | Dinh Quảng Nam | 23 | 11 | 27/1 năm Minh Mệnh thứ 6 (1825) |
3 | Hoạt động của tàu thuyền ở cảng Đà Nẵng và thuyền buôn nước Pháp rời cảng. | Tấu | Dinh Quảng Nam | 34 | 11 | 30/1 năm Minh Mệnh thứ 6 (1825) |
4 | Báo cáo về việc có thuyền buôn nước Pháp vào cảng, mang theo súng điểu thương, đá lửa các hạng xin đến buôn bán và nộp thuế. | Tấu | Thủ ngự cửa Đà Nẵng | 194 | 11 | 29/4 năm Minh Mệnh thứ 6 (1825) |
5 | Báo cáo về việc có thương thuyền nước Pháp đến Đà Nẵng buôn bán. | Tấu | Thủ ngự cửa Đà Nẵng | 6 | 15 | 9/1 năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) |
6 | Thuyền của Pháp chở hàng nhà nước đến nộp và xin buôn bán. | Tấu | Thủ ngự cửa Đà Nẵng | 91 | 18 | 28/6 năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) |
7 | Thuyền buôn Pháp vào đậu ở xứ Vũng Lấm xin buôn bán. | Tấu | Dinh Quảng Nam | 226 | 18 | 20/7 năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) |
8 | Thương thuyền Pháp đến buôn bán hàng hóa ở cửa biển Đà Nẵng. | Tấu | Thủ ngự cửa Đà Nẵng | 109 | 20 | 23/11 năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) |
9 | Báo cáo việc có thuyền buôn nước Pháp đến chọn mua đường cát. | Tấu | Thủ ngự cửa Đà Nẵng | 195 | 33 | 23/10 năm Minh Mệnh thứ 10 (1829) |
10 | Bán đường cho thuyền buôn người Pháp và đo khám để chiếu lệ thu thuế. | Phụng chỉ | Lương Tiến Tường | 144 | 35 | 11/11 năm Minh Mệnh thứ 10 (1829) |
11 | Cho thuyền ra cửa biển Thuận An truy xét thuyền nước Pháp. | Tấu | Bộ Công | 124 | 39 | 2/2 năm Minh Mệnh thứ 11 (1830) |
12 | Xin đợi chỉ về việc xét đơn kiện của chủ thuyền người Pháp. | Tấu | Bộ Hộ | 172 | 39 | 11/2 năm Minh Mệnh thứ 11 (1830) |
13 | Thuyền buôn Pháp hẹn ngày trở về nước. | Tấu | Bộ Hộ | 204 | 39 | 17/2 năm Minh Mệnh thứ 11 (1830) |
14 | Thuyền Pháp vào buôn bán ở cảng Đà Nẵng. | Tấu | Thủ ngự cửa Đà Nẵng | 62 | 42 | 11/4 nhuận năm Minh Mệnh thứ 11 (1830) |
15 | Chọn mua hàng hóa của thuyền buôn Pháp và bán các loại đường cát cho họ. | Tấu | Cửa biển Đà Nẵng. | 182 | 42 | 15/5 năm Minh Mệnh thứ 11 (1830) |
16 | Xin nhận lỗi đổi giao đường cát cũ thay đường cát mới cho thuyền buôn Pháp. | Tấu | Tấn Đà Nẵng | 189 | 42 | 20/5 năm Minh Mệnh thứ 11 (1830) |
17 | Thu thuế thuyền Pháp vào Đà Nẵng buôn bán, cộng là 1008 nguyên bạc, có thợ bạc đếm chọn, rồi nộp kho. | Tấu | Trấn Quảng Nam | 36 | 43 | 20/6 năm Minh Mệnh thứ 11 (1830) |
18 | Thuyền buôn Pháp trên đường đến Lã Tống buôn bán bị ngấm nước, thủ ngự đã phái thuyền tuần tiễu đi tìm và đưa vào cửa tấn an toàn. | Tấu | Thủ ngự cửa Đà Nẵng | 58 | 43 | 27/6 năm Minh Mệnh thứ 11 (1830) |
19 | Thủ ngự Đà Nẵng tấu về việc đã giúp thuyền buôn Pháp vào tấn an toàn. | Tấu | Thủ ngự cửa Đà Nẵng | 59 | 43 | 27/6 năm Minh Mệnh thứ 11 (1830) |
20 | Đã cho hộ tống thuyền buôn Pháp vào cửa tấn an toàn. | Tấu | Thủ ngự cửa Đà Nẵng | 60 | 43 | 27/6 năm Minh Mệnh thứ 11 (1830) |
21 | Về việc thu tiền bạc, thuế lệ của thuyền buôn nước Thanh và nước Pháp vào buôn bán. | Tấu | Trấn Quảng Nam | 195 | 43 | 12/8 năm Minh Mệnh thứ 11 (1830) |
22 | Duyệt bổ quan chức và duyệt thanh toán việc mua hàng hóa của tàu buôn Pháp. | Tấu | Nội các | 21 | 50 | 2/12 năm Minh Mệnh thứ 14 (1833) |
23 | Thuyền người Pháp vào cảng Cần Giờ có ý định mua đường cát, nhưng tấn thủ thông báo định lệ của bản quốc là thuyền Tây dương chỉ được buôn bán ở cửa Đà Nẵng nên thuyền ấy nhổ neo ra khơi. | Tấu | Tuần phủ Gia Định | 249 | 52 | 29/2 năm Minh Mệnh thứ 15 (1834) |
24 | Cho thí nghiệm thuốc súng mua được của Pháp năm Minh Mệnh thứ 15 (1834). | Phụng phiến lục | Ty Binh bộ | 151 | 58 | 25/7 năm Minh Mệnh thứ 18 (1837) |
25 | Thuyền buôn của người Pháp gặp thời tiết không thuận tiện, xin đậu thuyền tại cửa tấn. | Tấu | Thuyền Thanh Dương | 143 | 85 | 30/11 năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) |
Châu bản triều Minh Mệnh nói về quan hệ ngoại thương với Pháp cho thấy việc thông thương với Pháp dưới triều vua Minh Mệnh chủ yếu được thực hiện từ những năm đầu cho đến khoảng năm thứ 11 (tức là từ khoảng 1820 đến 1830). Càng về sau, vua Minh Mệnh càng cảnh giác sự dòm ngó và dã tâm của các nước tư bản phương Tây nên Đà Nẵng được chú trọng tổ chức phòng thủ hơn là chú trọng ngoại thương. Do đó mà việc thông thương với Pháp cũng ngày càng giảm dần.
Bản tấu của Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng báo cáo việc thuyền buôn Pháp vào cảng Đà Nẵng năm Minh Mệnh thứ 6 (1825)
Các thuyền buôn phương Tây nói chung và thuyền buôn Pháp nói riêng vào hải cảng của ta buôn bán đều phải tuân thủ thuế lệ nhà nước quy định. Mỗi thuyền buôn phải chịu hai loại thuế là thuế nhập cảng và thuế hàng hóa. Bản tấu ngày 20 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 11 (1830) của Phạm Quang Nguyên cho biết thể lệ đánh thuế đối với thuyền buôn Pháp: “Khán độ cai thuyền hoành thập bát xích, chiếu văn cai thuyền tòng Tây dương lệ, mỗi xích thuế tiền nhất bách thập nhị quan, cai [tổng] tiền nhị thiên thập lục quan”2(Xét thuyền, rộng 18 thước, chiếu theo văn bản, thuyền này từ phương Tây đến, mỗi thước phải nộp 112 quan, tổng số là 2016 quan).
Đối với các loại hàng hóa xuất nhập, chúng ta chủ yếu xuất cho thuyền buôn Pháp các loại đường cát, và nhập của họ một số mặt hàng tiêu dùng như vải vóc, đồ dùng phục vụ cho hoàng cung, nhưng nhiều hơn cả là các loại súng, thuốc súng và khí giới khác. Điều này thể hiện đúng thực trạng kinh tế và xã hội Việt Nam bấy giờ, việc nhập các loại khí giới đáp ứng yêu cầu bảo vệ lãnh thổ trước sự đe dọa của những nước tư bản phương Tây.
Dưới triều Nguyễn, việc các nhà buôn phương Tây đến Việt Nam buôn bán gặp nhiều khó khăn, các nước Anh, Pháp, Mỹ đã nhiều lần đưa quốc thư đặt vấn đề xin đặc quyền buôn bán nhưng không được chấp nhận. Các vua triều Nguyễn đều mang tâm lí lo ngại, dè chừng trước sự bành trướng của người phương Tây. Từ đó có những quy định chặt chẽ với thương thuyền đến từ những quốc gia này. Tờ 249, tập 52 Châu bản triều Minh Mệnh ghi lại việc thương thuyền Pháp muốn vào buôn bán tại cửa Cần Giờ nhưng không được vào vì theo lệ định thuyền phương Tây chỉ được đậu ở cảng Đà Nẵng. Nội dung này được ghi lại trong bản tấu của quan Tuần phủ tỉnh Gia Định là Hà Duy Phiên dâng lên vua ngày 29 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 15 (1834) trình báo về việc thương thuyền: “… Bản quốc định lệ phàm Tây dương chư quốc thương thuyền đầu lai thương mại duy tại Đà Nẵng tấn nhi dĩ”3 (Bản quốc quy định, phàm những thương thuyền của các nước phương Tây đến buôn bán chỉ được vào cửa Đà Nẵng mà thôi). Trong “Đại Nam thực lục chính biên” cũng ghi chép rõ lệ định này. Năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), nhà vua có chỉ dụ: “… Nay giặc giã đã yên, vốn không đáng lo, duy có lệ: thuyền của Tây dương chỉ được vào đỗ ở bến Đà Nẵng, không được đến buôn bán ở các cửa biển khác”4.
Tuy các thuyền buôn phương Tây nói chung, thuyền buôn Pháp nói riêng gặp nhiều khó khăn khi đến Việt Nam thông thương nhưng họ cũng được triều Nguyễn đặt ra những chính sách rất nhân đạo. Đó là hoạt động cứu nạn đối với những thuyền buôn gặp nạn trên hải phận thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trong bản tấu của Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng Nguyễn Văn Ngữ nhắc đến hoạt động cứu nạn này như sau: “… Ngày 20 tháng này năm nay chủ thuyền buôn Đô Ô Chi Ly và phái viên là bọn Lê Quang Quỳnh đi đến Lã Tống buôn bán. Ngày 27, tài phó và thủy thủ gồm 11 tên ngồi trên một chiếc thuyền ván gỗ thông vào cửa tấn. Họ nói rằng: ngày 21 tháng này, thuyền đi qua phía Tây Hoàng Sa bỗng bị nước ngấm vào thuyền ngập sâu hơn 8 thước. Họ bàn bạc chọn lấy hai hòm bạc công quỹ, phân chia chở trên hai thuyền ván gỗ thông thuận chiều gió quay về. Nhưng chủ thuyền Đô Ô Chi Ly ngồi trên một thuyền ván gỗ thông đi sau, chưa thấy tới… Thần lập tức sai thuyền tuần tiễu của bản tấn chở nước ngọt ra khơi tìm kiếm. Giờ Ngọ gặp Đô Ô Chi Ly và phái viên cùng thủy thủ gồm 15 viên, hiện đã vào tấn. Người và bạc đều được an toàn”5.
Qua đây cho thấy, số châu bản nói về tình hình ngoại thương với Pháp còn lại thực sự ít ỏi, nhưng là những tài liệu quý giá bên cạnh các bộ chính sử, góp phần tìm hiểu về kinh tế, xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XIX.
Chú thích:
[1] Trong bài Tiểu dẫn sách