Tại sao có chữ “Tông’ trong miếu hiệu của các vị vua Việt Nam
Hoàng đế Bảo Đại (1926-1945). Ảnh Hué Cité Impériale du VietNam, Ed. Abbeville NY 1995 Huỳnh Thiệu Phong Việt Nam có lịch sử hình thành từ rất sớm. Trải qua tiến trình lịch sử ấy, dưới thời phong kiến, các vị vua của các triều đại đều tồn tại rất nhiều tên gọi kể từ khi sinh ra, ...
Huỳnh Thiệu Phong
Việt Nam có lịch sử hình thành từ rất sớm. Trải qua tiến trình lịch sử ấy, dưới thời phong kiến, các vị vua của các triều đại đều tồn tại rất nhiều tên gọi kể từ khi sinh ra, lên ngôi, trị vì, qua đời… Sự phức tạp ấy đã tạo ra rất nhiều khó khăn cho những người muốn tìm hiểu lịch sử nước nhà khi tra cứu tài liệu. Một trong những khó khăn khi đề cập đến các vị vua đó chính là miếu hiệu. Một triều đại sẽ có ít nhất là vài vị cho đến vài chục vị vua; điều này đồng nghĩa với việc sẽ có tương đương vài hoặc vài chục miếu hiệu. Nếu không phải là những nhà nghiên cứu Sử học chuyên nghiệp, có lẽ thật khó để ta có thể ghi nhớ hết những vị vua đó. Một trong những đặc điểm dễ nhận biết nhất và để phân biệt với các tên gọi khác của các vị vua chính là trong miếu hiệu sẽ tồn tại thành tố “Tông” hoặc “Tổ”. Vì đâu lại có thành tố “tông” hoặc “tổ” trong miếu hiệu của các vị vua ?
Từ góc độ của một người không chuyên, tôi chỉ dám xem đây là cách hiểu thiển cận nhưng vì đam mê nên đành thử sức, tìm ra câu trả lời cho vấn đề này. Bài viết này sẽ góp phần giải quyết hai vấn đề: Một là phân biệt các khái niệm Niên hiệu – Tôn hiệu – Thụy hiệu – Miếu hiệu, trên cơ sở đó, bài viết sẽ lý giải nguyên nhân và ý nghĩa chữ thành tố “tông” hoặc “tổ” trong thụy hiệu của các vị vua.
Như vậy, vấn đề thứ nhất cần giải quyết chính là ta cần hiểu được ý nghĩa của các khái niệm Niên hiệu – Tôn hiệu – Thụy hiệu. Thực ra, đây không phải là một thao tác thừa mà thay vào đó, việc minh định các khái niệm đó sẽ có liên quan trực tiếp đến việc hình thành Miếu hiệu.
Khi một hoàng tử được sinh ra, vua hoặc hoàng tộc sẽ đặt tên cho vị hoàng tử đó theo nguyên tắc của dòng họ hoặc theo sở thích. Tên gọi đó được gọi cho đến khi hoàng tử chính thức lên ngôi vua. Tên gọi đó được gọi là tên húy (húy danh). Đây là tên gọi mà bất kỳ ai cũng không được phép gọi tên; do vậy mà thuật ngữ “kỵ húy” đã hình thành. Thực ra, nói một cách chính xác hơn thì tên húy là tên gọi mà những người ở vị trí xã hội thấp hơn không được phép gọi những người ở vị trí cao hơn chứ không nhất thiết là chỉ kỵ húy tên vua, bởi vì bên cạnh việc kỵ húy tên vua còn phải kỵ húy tên hoàng tử, tên hoàng hậu, tên của những người trong hoàng tộc. Ví dụ điển hình nhất cho trường hợp này chính là bà Hồ Thị Hoa – vợ của vua Minh Mạng, sau khi bà mất đi thì tất cả địa danh có yếu tố “hoa” điều bị đọc trại đi hoặc dùng từ thay thế (bông, ba, huê, …).
Về niên hiệu, đây là danh xưng của hoàng đế khi lên ngôi. Mục đích của việc đặt niên hiệu là để xác lập khoảng thời gian trị vì của mình. Ví dụ: Lý Công Uẩn khi lên ngôi lấy niên hiệu là Thuận Thiên, Nguyễn Ánh khi lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long, Nguyễn Phúc Đảm khi lên ngôi lấy niên hiệu là Minh Mạng… Sau này, trong các tài liệu Sử học, người ta thường ghi “Niên hiệu + năm thứ “x”” thay vì gọi năm chính xác. Cách gọi này có ưu điểm là cho ta biết sự kiện đó xảy ra dưới triều đại nào nhưng nhược điểm là gây khó khăn cho những người không nắm rõ lịch sử. Ví dụ người ta có thể nói: “Năm Minh Mạng thứ 6” thay vì nói “năm 1825”, hay thay vì nói “năm 1856” thì người ta có thể nói “Tự Đức năm thứ 8”…
Tuy nhiên, về vấn đề niên hiệu của các vị vua ở Việt Nam, cần lưu ý có hai vấn đề đáng quan tâm:
+ Thứ nhất, đối với niên hiệu, trong lịch sử Việt Nam duy nhất có triều đình nhà Nguyễn là triều đại mà các vị vua chỉ sử dụng duy nhất một niên hiệu cho mình trong suốt thời gian trị vị. Cụ thể:
Stt | Húy danh | Niên hiệu |
1 | Nguyễn (Phúc) Ánh | Gia Long |
2 | Nguyễn Phúc Đảm | Minh Mạng |
3 | Nguyễn Phúc Miên Tông | Thiệu Trị |
4 | Nguyễn Phúc Hồng Nhậm | Tự Đức |
5 | Nguyễn Phúc Ưng Chân | Dục Đức |
6 | Nguyễn Phúc Hồng Dật | Hiệp Hòa |
7 | Nguyễn Phúc Ưng Đăng | Kiến Phúc |
8 | Nguyễn Phúc Ưng Lịch | Hàm Nghi |
9 | Nguyễn Phúc Ưng Kỷ | Đồng Khánh |
10 | Nguyễn Phúc Bửu Lân | Thành Thái |
11 | Nguyễn Phúc Vĩnh San | Duy Tân |
12 | Nguyễn Phúc Bửu Đảo | Khải Định |
13 | Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy | Bảo Đại |
+ Thứ hai, các nguồn sử liệu khi đề cập đến một vị vua thì sử dụng miếu hiệu, tuy nhiên, đối với nhà Nguyễn thì cá biệt sử dụng niên hiệu. Nói cách khác, lẽ ra cần phải gọi là “Thế Tổ Cao Hoàng Đế” hay “Thái Tổ Nhân Hoàng Đế” để gọi Nguyễn Ánh hay Nguyễn Phúc Đảm thì họ lại sử dụng niên hiệu để gọi. Lý giải điều này, tôi cho rằng có lẽ gọi niên hiệu để ngắn gọn và vì đặc điểm các vua nhà Nguyễn không có ai sử dụng hơn một niên hiệu, do đó không cần quan tâm đến việc nhầm lẫn.
Trong khi đó, với các triều đại phong kiến trước đó, rất nhiều vị vua đã cho thay đổi niên hiệu không dưới hai lần trong suốt giai đoạn trị vì. Có ý kiến cho rằng việc thay đổi niên hiệu thường xảy ra khi đất nước có nạn đói kém, mất mùa hay thảm họa; vua quan niệm rằng mình đang bị ông trời trừng phạt và do vậy, việc thay đổi niên hiệu là một động thái thể hiện sự ăn năn của mình. Về điều này, một số tài liệu sử học được biên soạn theo phương thức lịch đại sẽ cho ta thấy rất rõ. Trong phạm vi bài viết ngắn này, tôi không có tham vọng thống kê vì vấn đề dung lượng và thời gian chi phối.
Về tôn hiệu, đây là tên gọi ít phổ biến hơn so với niên hiệu, miếu hiệu, thụy hiệu. Có thể hiểu tôn hiệu là tên gọi tôn kính dành cho những người tôn quý. Những người thường được đặt tôn hiệu sẽ là những vị Thái Thượng hoàng (cha của vua), Hoàng Thái hậu (mẹ của vua). Sở dĩ tôi nói ít phổ biến hơn bởi lẽ thường thì sau khi tiên đế băng hà thì hoàng thái tử mới lên ngôi. Và khi mà tiên đế băng hà rồi thì khi đó, tên gọi được vị vua kế nhiệm đặt sẽ gọi là miếu hiệu chứ không còn là tôn hiệu. Nói tóm lại, tôn hiệu là danh xưng mà vua dùng để gọi cho những người bao gồm cha, mẹ của mình khi còn sống.
Đặc điểm để nhận diện tôn hiệu bao gồm 2 vấn đề: (1) Tôn hiệu thường sử dụng chữ Hán với dung lượng rất dài – (2) Tôn hiệu trong các triều đại Việt Nam tồn tại nhiều nhất dưới triều Trần. Về đặc điểm thứ hai, ta thấy triều Trần là triều đại phong kiến đầu tiên bắt đầu thiết lập chế độ Thái Thượng Hoàng và do vậy, tất yếu là tôn hiệu xuất hiện dưới triều Trần rất phổ biến. Chẳng hạn như “Hiển Nghiêu Thánh Thọ Thái thượng hoàng đế” (Trần Thái Tông), “Hiến Nghiêu Quang Thánh Thái thượng hoàng đế” (Trần Nhân Tông), …
Như vậy, nếu tiên đế đã băng hà thì vị vua kế vị sẽ đặt thụy hiệu cho tiên đế của mình. Thụy hiệu hay còn gọi là “tên hèm” trong dân gian. Lịch sử Việt Nam ghi nhận một số trường hợp vua sau khi mất không có thụy hiệu. Nguyên nhân của việc một số vị vua không có thụy hiệu thuộc các trường hợp: Các vị vua cướp ngôi của nhau, triều đại sau cướp ngôi của triều đại trước hoặc vị vua đó mất trong chiến tranh. Tiêu biểu cho những trường hợp này là những vị vua: Nguyễn Quang Toản, Mạc Mậu Hợp, Lê Long Đĩnh, …
Thụy hiệu là tên gọi được đặt cho vua khi vừa mất, sau khi hoàn tất các thủ tục mai táng, vị vua tiếp theo của triều đại đó (thường là hoàng thái tử sau khi lên ngôi) sẽ đặt tên cho vị vua trước (tiên đế). Tên gọi này được gọi là Miếu hiệu. Các tài liệu sử học hiện nay hầu như đều thống nhất cách ghi chép các đời vua bằng cách sử dụng miếu hiệu. Như vậy, có thể hiểu miếu hiệu chính là tên gọi của vị vua sau đặt cho vị vua trước của một triều đại nào đó. Như đã đề cập, cách nhận diện dễ dàng nhất để phân biệt Miếu hiệu với các khái niệm Niên hiệu – Tôn hiệu – Thụy hiệu chính là tồn tại thành tố “Tông” hoặc “Tổ” trong danh xưng của các vị vua. Tuy nhiên, cũng chính vì quy luật định danh miếu hiệu như vậy cũng đã gây ra không ít khó khăn cho những thế hệ sau nhớ được từng vị vua. Vấn đề đặt ra là chữ “Tổ” hay chữ “Tông” trong miếu hiệu của các vị vua là từ đâu mà ra ?
Có thể nói, phương thức đặt ra các niên hiệu, tôn hiệu, thụy hiệu, miếu hiệu trong các triều đại phong kiến ở Việt Nam hầu như chịu ảnh hưởng tuyệt đối từ phong kiến Trung Hoa. Phương thức đặt tên như vậy từ phong kiến Trung Hoa ảnh hưởng hầu như ở tất cả các quốc gia trong khu vực (chẳng hạn như Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc) chứ không riêng gì ở Việt Nam. Tôi nhấn mạnh đến yếu tố ảnh hưởng này bởi lẽ xét ở góc độ lịch sử, phong kiến Trung Hoa mà theo huyền sử thì vua Nghiêu truyền ngôi chua vua Thuấn, vua Thuấn truyền ngôi cho vua Vũ, nhưng sau đó vua Vũ lại truyền ngôi cho con trai của mình. Đây là cơ sở để thay đổi nguyên tắc từ “truyền tử” chứ không còn “truyền hiền”. Tông (tôn) pháp chính là yếu tố tiên quyết trong việc xét người nối ngôi. Cũng cần nói thêm rằng, việc sử dụng thành tố “Tông” hay Tôn” trong miếu hiệu các vua Việt Nam đều tương đồng nhau, sở dĩ có sự khác biệt là vì kỵ húy với tên của vua Thiệu Trị (Nguyễn Phúc Miên Tông”.
Có thể hiểu tông pháp là chế độ kế thừa theo dòng tộc, huyết thống nam giới. Từ đây cho phép tôi đặt ra giải thuyết liệu chăng chữ “Tông” trong miếu hiệu của các vua phải chăng để làm nổi bật tính “chính thống”, theo đúng tông pháp của dòng tộc ? Mặt khác, trong hệ thống triều đình ngày xưa có một cơ quan gọi là “Tông nhân phủ”. Đây là cơ quan chịu trách nhiệm xét huyết thống, phả hệ trong hoàng tộc.
Đó là về chữ “Tông”, còn về chữ “Tổ” thì như thế nào ? “Tổ” là thành tố thường xuất hiện trong miếu hiệu của những vị vua sáng lập triều đại. Kể từ vị vua thứ hai trở về sau mới sử dụng chữ “Tông”. Ví dụ như đối với triều Lý, Lý Công Uẩn là vị vua sáng lập nên miếu hiệu là Lý Thái Tổ, sau đó lần lượt là các vị vua: Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, … Tuy nhiên, cũng tương tự như Niên hiệu – Tôn hiệu – Thụy hiệu, miếu hiệu cũng có trường hợp ngoại lệ là vị vua khai sáng triều đại không sử dụng thành tố “Tổ”, đó là trường hợp của Trần Cảnh – Trần Thái Tông. Lý giải điều này, ta cần hiểu rằng Trần Thừa – cha của Trần Cảnh không ở ngôi ngày nào nhưng sau khi lên ngôi vẫn được Trần Cảnh kính trọng mà đặt tên cho miếu hiệu là Trần Thái Tổ. Và cũng cần lưu ý, Trần Thừa là vị Thái Thượng hoàng chưa ở ngôi ngày nào.
Miếu hiệu của các vị vua từ thời Nguyễn trở về trước (đặc biệt là dưới triều đại Lê – Lý – Trần) thường được dùng để gọi trong các nguồn Sử liệu hiện nay. Tuy nhiên, nhà Nguyễn lại là trường hợp ngoại lệ khi miếu hiệu của các vị vua Nguyễn khá dài và không còn tuân theo nguyên tắc bao hàm thành tố “Tông” trong miếu hiệu nữa. Do đó, thay vì sử dụng miếu hiệu để gọi tên các vị vua, các Sử gia lại sử dụng niên hiệu để gọi tên các vị vua. Chính điều này đôi lúc đã dẫn đến sự sai lệch trong cách hiểu miếu hiệu của các vua nhà Nguyễn.
Bên trên là vài nét sơ lược về cách sử dụng Niên hiệu – Tôn hiệu – Thụy hiệu – Miếu hiệu của các vị vua trong lịch sử Việt Nam. Tác giả đã cố gắng hệ thống một cách ngắn gọn nhất những đặc điểm cũng như phương thức gọi tên các vị vua. Thực tế hiện nay cho thấy, rất nhiều người sử dụng lẫn lộn cách gọi những tên gọi ấy của các vị vua. Trong số những tên gọi đó, tôi đặc biệt lưu tâm đến miếu hiệu vì ẩn trong nó là sự hiện diện của thành tố “Tổ” và “Tông”. Có lẽ, trong thời gian tới rất cần những công trình khoa học nghiêm túc can thiệp vào việc nghiên cứu các loại tên gọi của các vị vua Việt Nam, đặc biệt là dưới góc độ ngôn ngữ học.
Xuất phát từ nhu cầu học hỏi và trang bị kiến thức, tôi thử đặt vấn đề về nội dung của bài viết để thử khả năng của bản thân. Song, vì năng lực bản thân là hữu hạn nên đành tạm dừng tại đây và mong nhận được những đóng góp của người đọc !
H.T.P
Sài Gòn, 18.06.2016