18/06/2018, 16:35

Quê hương sông Lục núi Huyền

Khổng Đức Thiêm Ngày 21 tháng 1 năm 1957, huyện Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang được thành lập theo Nghị định số 24-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Căn cứ vào các điều khoản, ba xã Cẩm Lý, Vũ Xá, Đan Hội thuộc huyện Chí Linh (Hải Dương); hai xã Yên Sơn, Bắc Lũng thuộc huyện Yên Dũng ...

136958118051a2267c8942b.jpg

Khổng Đức Thiêm

Ngày 21 tháng 1 năm 1957, huyện Lục Nam thuộc tỉnh Bắc Giang được thành lập theo Nghị định số 24-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Căn cứ vào các điều khoản, ba xã Cẩm Lý, Vũ Xá, Đan Hội thuộc huyện Chí Linh (Hải Dương); hai xã Yên Sơn, Bắc Lũng thuộc huyện Yên Dũng (Bắc Giang); bảy xã Hòa Bình A, Tam Dị, Bảo Đài, Bảo Sơn, Tiên Hưng, Phương Sơn, Tần Lập thuộc huyện Lạng Giang (Bắc Giang) được trả về huyện Lục Ngạn (cũ). Trên cơ sở hai huyện Lục Ngạn (cũ), Sơn Động (cũ) ba huyện Sơn Động, Lục Ngạn và Lục Nam ra đời.

Khi đó, huyện Lục Nam có 19 xã và 1 thị trấn: Nam Sơn, Cẩm Lý, Vũ Xá, Đan Hội, Yên Sơn A, Yên Sơn B, Bắc Sơn, Bắc Lũng, Bảo Đài, Bảo Sơn, Tam Dị, Hòa Bình A, Hòa Bình B, Tiên Hưng, Tân Lập, Phương Sơn, Mỹ An, Nghĩa Phương, Trường Sơn và thị trấn Lục Nam. Huyện lỵ đặt tại thị trấn Lục Nam.

Theo Nghị định số 535-TC/CQNT/NĐ ký ngày 06-09-1957, hai xã Nam Sơn và Bắc Lũng được chia thành 4 xã: Nam Sơn, Cương Sơn, Bắc Lũng, Khám Lạng.

Ngày 28-7-1958, Bộ Nội vụ ra Nghị định số 241-NV chia xã Phương Sơn thành 2 xã Phương Sơn và Thanh Sơn; chia xã Hòa Bình B thành 2 xã Đông Hưng và Tiên Nha; chia xã Yên Sơn B thành 2 xã Bình Sơn và Hùng Sơn; chia xã Mỹ An thành 2 xã Mỹ An và Trường Giang. Đồng thời chuyển xã Mỹ An về huyện Lục Ngạn, chuyển xã Lan Mẫu thuộc huyện Yên Dũng về huyện Lục Nam.

Thực hiện Chỉ thị số 23-TTg ký ngày 15-4-1963 của Thủ tướng Chính phủ, hai xã được trả lại tên cũ: Hòa Bình A thành Chu Điện, Bắc Sơn thành Vô Tranh. Bốn xã được đổi tên mới: Tân Lập thành Đông Phú, Hùng Sơn thành Lục Sơn, Thanh Sơn thành Thanh Lâm, Nam Sơn thành Huyền Sơn.

Từ đây, huyện Lục Nam có 25 xã và 1 thị trấn như sau: Bảo Đài, Bảo Sơn, Bắc Lũng, Bình Sơn, Cẩm Lý, Cương Sơn, Chu Điện, Đan Hội, Đông Phú, Đông Hưng, Huyền Sơn, Khám Lạng, Lan Mẫu, thị trấn Lục Nam, Lục Sơn, Nghĩa Phương, Phương Sơn, Tam Dị, Tiên Nha, Tiên Hưng, Thanh Lâm, Trường Giang, Trường Sơn, Vũ Xá, Vô Tranh và Yên Sơn.

Ngày 18-2-1997, thị trấn huyện lỵ Đồi Ngô được thành lập trên cơ sở 290ha diện tích đất tự nhiên, 307 nhân khẩu của xã Chu Điện; 142ha diện tích đất tự nhiên, 1955 nhân khẩu của xã Tiên Hưng; 40ha diện tích đất tự nhiên và 113 nhân khẩu của xã Tam Dị.

Huyện Lục Nam từ đây gồm hai thị trấn (Đồi Ngô, Lục Nam) và 25 xã, được hình thành từ ba huyện thời cổ của trấn Kinh Bắc: Phượng Nhỡn, Lục Ngạn và Bảo Lộc.

Huyện Phượng Nhỡn có 10 tổng, trừ các tổng Trí Yên, Xuân Đám, Thái Đào, Dĩnh Kế, Trạm Điền, còn 5 tổng tham gia vào việc cấu tạo nên huyện Lục Nam là Đan Hội, Sơn Đình, Bắc Lũng (còn gọi là Nhẫm Lũng), Lan Mẫu, Chu Điện chia thành 12 xã: Bắc Lũng, Khám Lạng, Tiên Hưng, Tiên Nha, Yên Sơn (BẮC LŨNG), Cẩm Lý, Đan Hội, Vũ Xá (ĐAN HỘI), Bảo Đài, Chu điện (CHU ĐIỆN), Thanh Lâm, Phương Sơn (SƠN ĐÌNH), Lan Mẫu (LAN MẪU) và phần lớn thị trấn Đồi Ngô.

Huyện Lục Ngạn có 7 tổng thì 3 tổng nằm ở huyện Lục Nam là Vô Tranh, Cương Sơn, Mỹ Nương tham gia vào huyện Lục Nam gồm 8 xã và một thị trấn: Bình Sơn, Lục Sơn, Trường Sơn, Vô Tranh (VÔ TRANH) Trường Giang (MỸ NƯƠNG), Cương Sơn, Nghĩa Phương, Huyền Sơn, thị trấn Lục Nam và một phần xã Cẩm Lý (CƯƠNG SƠN).

Huyện Bảo Lộc có 8 tổng nhập với phủ Lạng Giang (Mỹ Thái, Đào Quán, Thọ Xương, Thịnh Liệt, Phi Mô, Cần Dinh), một tổng về Lục Ngạn (Trù Hựu), một tổng ở Lục Nam (Tam Dị).

Tổng này nay là 4 xã Bảo Sơn, Đông Hưng, Đông Phú, Tam Dị và một phần thị trấn Đồi Ngô.

Dưới thời Pháp thuộc khu vực lập nên huyện Lục Nam còn có một số thay đổi về các đơn vị địa lý hành chính đáng kể. Ngày 5-11-1889 địa phương thuộc tỉnh Lục Nam, tỉnh lỵ, đóng ở thị trấn Lục Nam. Tháng 6-1891 nhà đương cục dự định dời tỉnh lỵ tỉnh Lục Nam về Phủ Lạng Thương, việc chưa xong thì ngày 8-9-1891 tỉnh Lục Nam giải thể, các huyện lại trở lại tỉnh Bắc Ninh.

Khi thành lập tỉnh Bắc Giang (10-10-1895), toàn bộ khu vực tạo nên tỉnh Lục Nam thuộc Bắc Giang, trừ mấy tổng Trù Hựu, Kiên Lao, Hả Hộ và một số vùng thuộc Lục Ngạn nằm trong ĐẠO QUAN BINH YÊN THẾ.

Tháng 11-1899 nhà cầm quyền Pháp dự định thành lập tỉnh Đông Triều, đặt tỉnh lỵ ở Mai Sưu (Trường Sơn) nhưng không thành. Tháng 2-1909 các tổng Biển Động, Niêm Sơn, Mỹ Nương, Kiên Lao, Hả Hộ từ huyện Lục Ngạn đưa về huyện Sơn Động. Cùng thời gian này huyện Bảo Lộc cắt hai tổng Trù Hựu, Tam Dị về Lục Ngạn.

Huyện Phượng Nhỡn, lúc đầu đưa tổng Dĩnh Kế sang Bảo Lộc, tổng Trạm Điền về Chí Linh (Hải Dương). Sau đó, huyện Phượng Nhỡn bị giải thể, các tổng còn lại đưa vào Lục Ngạn và huyện Bảo Lộc vừa đổi thành phủ Lạng Giang. Hồi Nhật chiếm đóng, tỉnh lỵ tỉnh Bắc Giang dự định đặt ở Cầu Lồ.

Tháng 3-1947 khi tỉnh Quảng Yên sáp nhập với đặc khu Hồng Gai để cùng 4 huyện của tỉnh Hải Dương, 1 huyện của tỉnh Kiến An thành LIÊN TỈNH QUẢNG HỒNG thì huyện Sơn Động và một số xã của huyện Lục Ngạn nằm ở tả ngạn sông Lục Nam cũng nhập với huyện Hải Chi của tỉnh Hải Ninh thành châu LỤC SƠN HẢI. Đến tháng 9-1947, Lục Sơn Hải được đưa vào Liên tỉnh Quảng Hồng. Đồng thời, Lục Ngạn bị cắt nhiều xã đưa sang Lạng Giang, trong đó có một số sau này thành phía bắc của huyện Yên Dũng.

Ngày 26-12-1948 liên tỉnh Quảng Hồng lại tách ra thành tỉnh Quảng Yên và đặc khu Hồng Gai. Huyện Hải Chi cũng tách khỏi châu Lục Sơn Hải để trở về tỉnh Hải Ninh. Ba xã Cẩm Lý, Vũ Xá, Đan Hội của Sơn Động chuyển về huyện Chí Linh – lúc này Sơn Động và Chí Linh cùng thuộc tỉnh Quảng Yên.

Ngày 17-2-1955 tỉnh Quảng Yên sáp nhập với Đặc khu Hồng Gai lấy tên là      KHU HỒNG QUẢNG. Huyện Sơn Động các xã Cẩm Lý, Vũ Xá, Đan Hội trở lại tỉnh Bắc Giang, huyện Chí Linh về Hải Dương.

Đầu thời Lê, huyện lỵ được chọn đặt trên đất xã Thủ Dương (nay thuộc huyện Lục Ngạn). Từ cuối Lê, sang đầu Nguyễn, cho đến những năm 60, huyện lỵ đều đặt tại thị trấn Lục Nam. Từ năm 1970 trở đi, huyện lỵ đặt tại khu vực Ngã tư Thân – Đồi Ngô,

Lục Nam là địa bàn có nhiều dân tộc anh em cư trú. Ngoài người Kinh còn 7 dân tộc khác: Tày, Nùng, Cao Lan, Sán, Dìu, Hoa, Dao và  Mường.

Trừ người Kinh hầu như có mặt ở khắp các xã trong huyện, là thành phần chính ở các xã trước đây thuộc Phượng Nhỡn, còn ở những nơi thuộc Bảo Lộc và Lục Ngạn cũ, xã nào cũng có các dân tộc anh em cư trú.

Hơn nửa thế kỷ qua, dân số Lục Nam tăng gấp trên 3-4 lần, nhưng phân bố không đều. Các xã vùng chiêm trũng mật độ dân số cao hơn vùng đồng mùa. Mật độ dân số vùng đồng mùa cao hơn vùng núi.

Năm 1957 mật độ dân số ở Lục Nam là 102 người/km2; năm 1965 là 145 người/km2, năm 1980 là 184,1 người/km2, năm 1985 là 235 người/km2, năm 2009 là 335 người/km2, cao hơn Yên Thế, Lục Ngạn, Sơn Động nhưng chỉ bằng 30-40% so với Lạng Giang Yên Dũng, Việt Yên.

Là một trong bốn huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, Lục Nam được giới hạn bởi tọa độ địa lý: từ 21 độ 11 phút đến 21 độ 27 phút vĩ độ bắc; từ 106 độ 18 phút đến 106 độ 41 phút kinh độ đông, phía bắc giáp huyện Lục Ngạn, phía tây bắc giáp tỉnh Lạng Sơn, phía nam giáp hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương, phía đông giáp huyện Sơn Động, phía tây giáp hai huyện Lạng Giang và Yên Dũng cùng tỉnh.

Tổng diện tích tự nhiên: 597km2 Lục Nam chia thành ba vùng: vùng núi, trung du và chiêm trũng. Diện tích đất nông nghiệp hiện có 14.800 ha; diện tích rừng và đồi chiếm 31.170 ha.

Huyện Lục Nam nằm ở cửa ngõ vùng Đông Bắc, trên tiếp điểm của vùng ngược, vùng xuôi. Mạng lưới giao thông có đủ đường bộ, đường sắt, đường sông tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế, văn hóa, tình cảm của nhiều dân tộc anh em giữa miền núi với vùng trung du và đồng bằng.

Nhiều trục đường ở đây có ý nghĩa chiến lược cả về kinh tế và quốc phòng. Đường sắt Kép – Hạ Long chạy qua Lục Nam 31km, chuyên chở hàng hóa, hành khách đến nhiều trung tâm và đầu mối quan trọng.  

Hệ thống đường bộ hình thành từ nhiều phương tụ về Ngã tư Thân – Đồi Ngô để tỏa đi 4 hướng, men theo các thung lũng hoặc viền theo sông Lục Nam. Thông qua mạng lưới này, huyện có thể liên hệ được với đồng bằng duyên hải, đồng bằng sông Hồng, trung du hoặc các miền biên giới xa xôi.

Quốc lộ 31 cắt dọc vùng Đông Bắc, chạy qua huyện với chiều dài 28km trên tổng số 93km. Đây là con đường có điểm xuất phát từ thành phố Bắc Giang để nối với vùng mỏ Quảng Ninh, gần như trùng với quan lộ được hình thành từ trước thời Lý – Trần. Tỉnh lộ Kép – Mai Sưu dài 52km, cùng hàng trăm km đường trục huyện, đường liên xã hợp thành mạng lưới huyết mạch giao thông của huyện.

Đường sông Lục Nam có ý nghĩa kinh tế lớn, tạo ra luồng chuyên chở hành khách và hàng hóa. Thị trấn Lục Nam là một giang cảng thuận tiện. Từ đó xuôi 33km đến Phả Lại; 60km đến Hải Dương, 100km đến Hải Phòng, ngược 32km tới Chũ. Cũng theo đường sông, Lục Nam có thể liên hệ dễ dàng với thành phố Bắc Giang, Đáp Cầu và xa hơn đến tận thành phố Thái Nguyên. Từ một bến sông tấp nập và đô hội đã hình thành thị trấn Lục Nam để rồi trở thành tên sông chính thống, tên tỉnh hồi Pháp thuộc và tên huyện mới của Bắc Giang. Hồi giữa thế kỷ XI, vua nhà Lý đã từng ngược sông này đến thăm vùng đất ki mi Giáp Động rồi gửi gắm các công chúa Bình Dương, Thiên Thành, Thiên Thụy cho các Phò mã họ Thân. Đầu thế kỷ XII long thể của Lý Nhân Tông cùng các cung nữ đã hỏa thiêu trên dàn thiêu ở đất Na Ngạn. Cuối thế kỷ XIII, Trần Quốc Tuấn – Yết Kiêu đã chốt giữ Cẩm Nang – làng Bến… Tất cả đều chứng minh cho những giá trị lớn lao của một vùng quê hương SÔNG LỤC NÚI HUYỀN.

Xem thế, lãnh thổ Na Ngạn – Lục Na mà nay là Lục Nam – Lục Ngạn từ thời Lý – Trần đã hình thành mạch thông sang Kinh Quảng, giáp ranh cùng tướng Hán (chữ dùng của Ngô Thì Nhậm). Một vùng thiên nhiên có núi non hiểm trở, nhưng sông ngòi thông thoáng, nên kẻ thù mỗi lần xâm lăng đều mong muốn khống chế để chi phối mọi ngả tiến đánh vùng xuôi. Và đã thành thông lệ, giặc Nguyên, giặc Minh, giặc Pháp, giặc Nhật đều đã nắm giữ nơi đây. Kẻ thì dùng làm bàn đạp đánh chiếm Thăng Long, hoặc để bảo toàn ách thống trị . Kẻ thì làm điểm tựa để chi phối biên giới, hoặc xây dựng hậu cứ lâu dài.

Ta sẽ không mấy ngạc nhiên khi thấy trong vòng nửa thế kỷ (1890-1942) mà nơi đây có tới 3 địa điểm được chọn làm tỉnh lỵ (thị trấn Lục Nam, Mai Sưu, Cầu Lồ).

Lục Nam còn là đất mở đối với nhiều luồng văn hóa và tín ngưỡng. Từ thời Lý, đạo Nho và đạo Phật đã thịnh hành. Đạo Thiên chúa từ vùng duyên hải men theo sông Lục Nam đã cắm chốt từ đầu thế kỷ XIX. Sự đan xen văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần giữa dân tộc Kinh và các dân tộc anh em hết sức phong phú đa dạng.

Vị trí chiến lược của Lục Nam vừa trọng yếu, vừa đa năng. Trong thời đại ngày nay, những giá trị ấy không những còn nguyên vẹn mà vẫn được phát huy mạnh mẽ.

Về địa chất, địa hình: Lục Nam nằm trong khu vực có lịch sử kiến tạo lâu dài và phức tạp nhất trong các vùng địa lý của nước ta. Đây là một lãnh thổ có uốn nếp đặc trưng bởi cấu trúc chủ yếu dạng vòm và bởi thành phần trầm tích phân bố trong hệ ít đá phún trào. Kết quả của các thời kỳ tạo sơn – tạo lục đã khiến cho phía bắc huyện trở thành một vùng đồi núi trùng điệp do sự kế tiếp vòng cung Bắc Sơn đang thoải dần về thung lũng sông Lục Nam. Trừ dãy Bảo Đài chạy theo hình cánh cung có hướng đông bắc – tây nam bọc lấy phía nam vòng cung Bắc Sơn, còn hầu hết đồi núi ở đây bị cắt xé thành sơn nguyên, hướng không rõ rệt, tuyệt đại bộ phận là núi thấp, tròn trĩnh độ cao trên 400m thấp dần đến trung lơu sông Lục Nam chỉ còn trên 100m. Ở phía nam sông Lục Nam xuất hiện nhiều dải núi thấp không có hướng rõ rệt. Bên cạnh các dải núi chạy song song theo vòng cung Đông Triều có hai dãy kế tiếp gối vào nhau là Huyền Đinh (đỉnh cao nhất 612m), Yên Tử (đỉnh cao nhất 1.068m). Hai dãy núi này trùng hướng với vòng cung Đông Triều kết hợp với dãy Tiên Yên tạo nên bức bình phong ngăn gió biển và thực sự là ranh giới khí hậu – thực vật.

Do địa hình nghiêng, nhiều dải rừng và đồi xen kẽ, tạo ra nhiều vùng trũng đọng nước, nên vùng núi Lục Nam có nhiều địa thế thuận lợi để xây dựng hồ đập chứa nước, nhưng do rừng bị khai phá kiệt nên nguồn thủy sinh kém.

Về thủy văn: sông Lục Nam phát nguyên từ Đình Lập (Lạng Sơn) và từ các khe núi Bảo Đài – Yên Tử dài 178km. Các chi lưu là sông Cẩm Đàn, sông Thanh Luận, sông Bò. Thời cổ, nó mang tên Minh Đức, được mệnh danh là một trường giang đẹp nhất Bắc Kỳ. Lòng sông sâu nhưng dòng chảy êm ái, nước thủy triều dân lên tận Đầm (Lục Ngạn). Ngoại trừ dòng chảy theo hướng tây bắc kẹp giữa hai dãy núi nên lòng sông nhỏ hẹp, còn từ Chũ trở xuống, sông quặt theo hướng tây nam, lòng sông rộng dần, có nhiều bậc thoai thoải, bãi cát đôi bờ mướt bóng, các rặng tre tạo nên phong cảnh ngoạn mục và nhiều thị trấn có tiếng như Đầm xưa là kho thóc gạo của vùng thượng du trên con đường thông với Quảng Tây; Chũ – trung tâm thương mại của vùng rừng núi.

Mé trên Cẩm Lý gặp mỏm Huyền Đinh, sông quay sang phía tây nam làm thành cửa Vũ Trù. Các ngòi Lệ Ngạc, Chỉ Tác, Đan Hội, Cẩm Lý, Yên Sơn (sông Gốm), Cổ Mân cùng chảy vào sông Lục Nam. Mùa đông có ngòi cạn, có ngòi thuyền bè vẫn đi lại được. Sách ĐẠI NAM NHẤT THỐNG CHÍ mô tả sông này như sau: “Nguồn từ núi huyện Yên Bác tỉnh Lạng Sơn chảy về phía đông bắc, qua sông Thủ Dương huyện Lục Ngạn 62 dặm đến địa phận huyện Bảo Lộc làm sông Trù Hựu, lại chuyển từ địa phận huyện Lục Ngạn 48 dặm làm sông Mỹ Nương và sông Cương Sơn rồi ngoặt về phía đông nam vào huyện Phượng Nhỡn 36 dặm”.

Từ Chũ trở lên lòng sông gồ ghề, lắm thác nhiều ghềnh, khi mưa nước tập trung rất nhanh, cường suất mỗi giờ lên xuống 1-2 mét, biên độ 9-10 mét. Khi mưa tạnh, lũ chóng lui, chỉ trong khoảng 2-3 ngày, kéo theo lớp đất phủ mặt làm giảm độ dầy của tầng đất ven đồi núi. Lượng nước sông Lục Nam hàng năm là 2,5 tỷ mét khối, bằng 1/5 lượng nước sông Thái Bình. Tại thị trấn Lục Nam, mức nước cao nhất tới 8,29m (7-1986), thấp nhất là 0,7m. Hàm lượng phù sa thấp, trung bình cứ 1 mét khối nước có 0,4kg phù sa, ngày lũ lớn nhất đang rút có thể lên 1kg. Phù sa sông Lục Nam phản ứng kiềm yếu, các loại ô-xít kiềm thổ, sắt, muối natri đều ít vì chảy qua vùng phiến thạch sét, sa thạch chua nghèo chất dinh dưỡng. Sông Lục Nam được coi là sông lớn nhất chạy qua vùng Đông Bắc, có biên độ dao động mực nước rất lớn do đặc tính cấu tạo của lớp phủ thực vật và do độ dốc lớn (nước ở thượng lưu và hạ lưu chênh nhau tới 35m). Về mùa mưa, tốc độ dòng chảy mạnh, phù sa bồi ven sông ít. Sa bồi thượng lưu rất thô, xuống đến hạ lưu phù sa mịn hơn, rộng hơn.

Sông Lục Nam cùng với sông Thương, sông Cầu tạo thành sông Thái Bình – con sông lớn thứ hai ở Bắc Bộ.

Do nằm ở vị trí đệm chuyển tiếp giữa khu vực núi rừng Đông Bắc với khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ nên khí hậu Lục Nam mang đầy đủ tính đa dạng của chế độ hoàn lưu gió mùa nhiệt đới phức hợp, có phân hóa rõ rệt theo mùa cùng những biến động thất thường từ năm này qua năm khác.

Trước hết, khối lượng khí lạnh cực đới lục địa tạo ra một thời tiết lạnh nhất ở Lục Nam với đặc điểm nửa đầu mùa lạnh (từ đầu tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau) thời tiết lạnh khô đẹp trời. Nửa sau mùa lạnh (tháng 2-3) thời tiết lạnh ẩm mưa phùn liên miên. Tiếp đó là khối không khí nhiệt đới biển Đông xuất hiện cuối mùa lạnh, hòa trộn sinh ra thời tiết nồm khi ổn định tạo ra nắng nóng ngay giữa mùa đông. Cuối cùng khối không khí khô nóng khống chế, làm xuất hiện cơn dông nhiệt về chiều không kép dài, kèm theo mưa ít nước, thường thấy trong các tháng 5 – 6 – 7. Nhiệt độ bình quân năm là 22,00C; bình quân cao là 35.50C, bình quân thấp là 10,90C. Do ảnh hưởng của địa hình nên trong cùng một huyện cũng có sự chênh lệch về nhiệt độ, tạo ra những tiểu vùng khí hậu khác nhau. Nhiệt độ bình quân năm vùng Lục Sơn, Bình Sơn, Trường Sơn thấp hơn vùng Vũ Xá, Đan Hội tới 10C; thấp hơn Đông Phú, Đông Hưng 0,50C. Tổng số giờ nắng bình quân là 1.800 giờ. Tổng số tích nhiệt bình quân năm là 8.4050C (tính từ 100C trở lên). Hàng năm có từ 8 đến 9 tháng có nhiệt độ trung bình từ 200C trở lên.

Số ngày có mưa trong năm trung bình là 107 ngày. Lượng nước mưa bình quân năm 1.327,7mm; năm cao 1.734,3mm; năm thấp 900mm. Mưa phân bố không đều giữa các vùng trong huyện, giữa các tháng trong năm. Vùng Lục Sơn có lượng mưa cao nhất (từ 1.700mm/năm trở lên, xấp xỉ bằng vùng đồng bằng Bắc Bộ). Vùng Đông Phú, Đông Hưng có lượng mưa hàng năm thấp nhất từ 1.400mm đến 1.500mm/năm). Mùa mưa kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9; tập trung vào 3 tháng 6-7-8 (chiếm từ 50 đến 60% lượng nước mưa cả năm).

Lục Nam có hai hướng gió mùa thịnh hành:

– Gió mùa đông bắc, từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Thời tiết hanh khô, giá rét. Sương mù thường xuất hiện vào những tháng mùa đông, ít gây tác hại cho cây trồng. Sương muối ít xảy ra, nếu có cũng chỉ ở phạm vi hẹp, loại này gây tác hại cho một số cây trồng vụ đông xuân (cà chua, khoai lang, khoai tây).

– Gió mùa đông nam từ tháng 5 đến tháng 9, mang theo nhiều hơi nước; thường hay có mưa rào và giông bão.

Rừng có vị trí quan trọng trong nền kinh tế Lục Nam, có nhiều mối quan hệ đến thời tiết và khí hậu. Rừng tạo ra khí hậu rừng, trong đó tán cây hấp thụ hầu hết bức xạ mặt trời, tạo ra sự ôn hòa và độ ẩm thích hợp hơn với thực vật, làm cho ảnh hưởng của gió và mưa giảm đi rất nhiều. Khí hậu rừng còn tạo ra mưa theo chiều nằm ngang làm cho rừng tăng thêm độ ẩm.

Dăm, bảy chục năm trước đây, sách vở viết về vùng này, kể cả ca dao, tục ngữ đều mô tả địa phương như một vùng núi non hiểm trở, rùng rợn với nạn sốt rét rừng, nạn nghèo đói mà tự nhiên đã áp đặt cho nó với những Ruồi vàng, bọ chó, gió Mai Sưu Nước làng Dùm, hùm Mai Sưu.

Trước hết, bởi Lục Nam khi đó nhiều rừng rậm nhiệt đới. Rừng nguyên sinh với hai ba tầng cây to khi đó với các loại thường xanh ở tầng thứ nhất, hầu hết là gỗ quý như lim, sến, táu, dẻ; tầng thứ hai là những cây thấp – cây bụi như tre, nứa, song, mây. Ngày nay kiểu rừng này đã bị tàn phá do làm nương và khai thác chưa hợp lý nên chỉ còn lại kiểu rừng thứ sinh, khó định tầng, trông bề ngoài vẫn rậm rạp, độ tán che lớn, nhưng bên trong rỗng, cây to gỗ lớn, còn lại ít, phần lớn là gỗ tạp hoặc rừng tre nứa xen gỗ tạp. Nhiều nơi chân và sườn núi vẫn còn rừng cây che phủ nhưng tới gần đỉnh núi chỉ có cây bụi hoặc sim, mua, ràng ràng, cỏ gianh úa vàng trong mùa hanh khô. Đồi núi trọc đã tạo ra xói mòn nhiều nơi. Sự thu hẹp diện tích lớp phủ thực vật rừng cũng thu hẹp luôn các vùng phân bố của một số loại động vật quý, khó lòng gặp lại những loài chim quý thường sống ở rừng rậm (gà lôi đỏ, gà lôi trắng đuôi dài), những thú rừng có giá trị (nai, hươu, gấu, hổ, lợn rừng).

Thực vật vùng đồi và ruộng bậc thang ở Lục Nam cũng mất đi vẻ phong phú. Trên các đồi có độ cao dưới 50 mét, dọc đường 31 Lục Nam đi Lục Ngạn chỉ thấy phổ biến các loài cỏ mọc xen lẫn sim, mua, sau sau là những loại cây thường thấy ở những vùng đồi đã bị xói mòn mạnh, đất có tầng mỏng. Các ngọn đồi cao hơn thì phần nhiều cây cối trơ trụi, chỉ loáng thoáng một vài lùm cây gỗ nhỏ mọc xen kẽ cỏ dại. Các loại cây trồng trên các đồi phiến thạch sét hoặc đồi phù sa cổ ở Lục Nam như mía, dứa, sắn, lạc, đậu tương, các chân ruộng bậc thang có lúa nước, hoa mầu. Các vạt rừng nhỏ hoặc quanh các bản làng vẫn còn nhiều loại chim có ích như sáo đen, cu gáy, cu ngói, chích, sẻ hoặc các loài di trú như cò, cói, vịt trời, sếu, giang. Trong các chân ruộng sâu, hồ ao, sông suối còn nhiều thủy sản (mè, trôi, trắm, rô, quả, giếc, tôm, cua). Trên sông Lục Nam còn có cá cháy – loài thủy sản nước lợ.

Từ lâu, người dân Lục Nam đã chú trọng, khai thác lâm sản để trao đổi với vùng xuôi. Các sơn tràng chặt hạ các loại gỗ quý (lim, sến, gội, cháo tía, xoan đào) tre nứa (trúc xanh, trúc vàng, bương, sặt, vầu, mai, nứa ngộ, nứa tép) đóng thành bè mảng xuôi sông Lục Nam, đưa về các vùng đồng bằng. Nhân dân còn vào rừng thu hái nhiều loại dược liệu như sâm nam, huyết đằng, hoài sâm, bách bộ, cốt toái, sa nhân, hà thủ ô, thổ phục linh, kim ngân rất sẵn ở các khu rừng thuộc mấy tổng Cương Sơn, Vô Tranh, Mỹ An để đem đổi thóc gạo và các đồ gia dụng. Các loại nhựa thông, trám; các loại lá củ dùng làm thuốc nhuộm như nâu, chàm; các loại cho dầu như dọc, trẩu, chương, mật, màng tang, dã hương, long não, sở, lai, đài hái… cũng được tận tru và trở thành một thứ thương phẩm trao đổi có giá trị. Ngoài ra còn có mật ong, nấm hương, mộc nhĩ, măng, củ mài là những mặt hàng được ưa chuộng. Thợ săn bắt còn cung cấp cho thị trường hổ, gấu, lợn rừng, hươu, nai, mèo rừng, trăn, cày cáo, công, đa da, tắc kè, khỉ, cùng nhiều loại cao xương có chất dinh dưỡng cao.

Trong quá trình lao động, nhân dân Nghĩa Phương, Mai Sơn đã thuần chủng được các khu rừng hạt dẻ bạt ngàn, cung cấp cho thị trường loại hạt có chất lượng dinh dưỡng cao. Hạt dẻ Nghĩa Phương Mai Sưu to mẩy, vị bùi, thơm ngon, được người dùng ưa chuộng.

Dứa mật cũng là một đặc sản quý của Lục Nam. Dứa ở đây quả to, cho năng suất cao, dùng để chế biến cho các bữa ăn hoặc ăn tươi đều được. Trên các cánh đồi bạt ngàn của hai tổng Chu Điện, Lan Mẫu ngày xưa dứa mọc như rừng. Mùa thu hoạch, lái buôn ở các nơi đến chợ Sàn, chợ Chàng thu gom rồi vận chuyển theo đường sông, đường bộ đem xuống tận đồng bằng. Nói đến dứa Sàn ai cũng muốn mua. Sở dĩ có tên là dứa Sàn vì vùng này trước đây có hàng trăm héc ta trồng dứa và là địa điểm cung cấp giống dứa mật cho các vùng xung quanh.

Chè cũng là một sản phẩm quý của Lục Nam, được trồng nhiều ở Mai Sưu, Dùm, Quỷnh, Chỉ Tác và làng Húi. Hầu như toàn bộ vùng đồi rộng lớn có độ cao trung bình, dốc thoải được khai thác để trồng chè. Cấu tạo của đất, điều kiện khí hậu ở vùng này khá phù hợp cho việc trồng chè. Chè Lục Nam vị đậm, hương thơm, được nhiều người tìm mua.

Ngoài hạt dẻ, chè, dứa, nhân dân Lục Nam còn chú trọng đến kinh tế vườn đồi. Mít, cam, chanh, bưởi, mận có nơi trồng thành vườn, bãi lớn, đến mùa thu hoạch thu hút nhiều khách thập phương.

Ở Lục Nam, mỗi vùng có một phương thức canh tác khác nhau. Làm nương rẫy chủ yếu vẫn là đốt cây, chọc lỗ, bỏ hạt – tức là lỗi đạo canh hỏa chủng từ thời thượng cổ. Tại các ruộng trũng thì dùng lối ngâm nước, rồi cho trâu bò làm nhuyễn, cũng là lối thủy nậu xa xưa. Nông cụ thì dao phát rừng, cái cuốc, chiếc cày chìa vôi. Giống má tuy nhiều chủng loại nhưng vẫn là tám (dài, soan, nghệ lùn, muộn), dự (lùn thơm), gié… Giữa hai vụ chiêm – mà có thêm giống ba giăng (tam xuân cốc). Vùng cao, ngoài lúa lốc còn có ngô, khoai, sắn.

Cư dân ven sông, ngoài nghề nông còn thêm nghề thả câu, chài, lưới để bắt cá. Những ngày nông nhàn họ đi bắt trai, hến, cua, ốc vừa để ăn, vừa để bán. Ngư dân hợp thành phường như phường Nguyệt Đức nằm trong tổng Bắc Lũng, cuộc sống trôi nổi trên sông Lục Nam.

Người miền núi vừa làm nương rẫy, vừa cấy lúa nước ở các thung lũng. Còn ngày nay thì vào rừng thu hái lâm sản, săn bắn muông thú. Nhiều nơi đã lợi dụng sức nước để làm cọn đưa nước vào ruộng và làm cối giã gạo.

Việc chăn nuôi cũng được chú trọng. Vùng Bắc Lũng có riêng về giống lợn con. Đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là người Tày thường nuôi trâu bò đàn thả rông trong rừng, là nguồn cung cấp quan trọng cho các chợ gia súc như chợ Thanh Giã, chợ Phổng (Hữu Lũng, Lạng Sơn), chợ Thương (Phủ Lạng Thương).

Nghề thủ công nổi tiếng nhất ở Lục Nam có lẽ là ươm tơ, kéo kén vùng Chu Điện, làm hương đen ở làng Đọ (Cương Sơn) bện quang ở làng Sàng, nấu đường mật ở Đông Hưng. Có nhiều khả năng phường Chi Tác xưa chuyên làm giấy sau này bị thất truyền.

Việc buôn bán ở Lục Nam có từ đầu công nguyên nhờ có hệ thống giao thông thủy bộ phát triển. Sông Lục Nam mở ra các bến Chàng, Cẩm Nang, Chợ Sa, Chợ Dừa, Từ Xuyên và bến Bò trên sông Bò – thực sự đã tạo ra mạng lưới giao lưu thuận tiện và sầm uất. Sông Bò còn đảm nhận một khối lượng lớn tre gỗ, các loại lâm thổ sản khác từ núi rừng Yên Tử – Nam Điện ra sông lớn xuôi về đồng bằng. Ngòi Cỏ Mân, ngòi Gốm thuyền buôn có thể đi lại quanh năm để mua và bán hàng ở vùng Bảo Lộc, Phượng Nhỡn.

Hệ thống đường bộ, ngoài con đường chính đã mô tả ở trên, sau này gần trùng khớp với quốc lộ 31, còn có con đường rẽ ở Chu Điện, qua bến Chàng để đi vào tổng Cương Sơn rồi ngoặt sang phía đông qua Nghĩa Phương, Vô Tranh, Mai Sưu sang Phú Đa (Đông Triều), rẽ xuống phía tây để nối với Tiên Nghiêm (tổng Bắc Lũng), đi xuống phía nam qua Chỉ Tác, Cẩm Lý, Hoàng Lạt. Lại có con đường từ Nghĩa Phương nối với Lệ Ngạc, Tòng Lệnh, Mỹ Nương, Hữu Bằng, Thù Dương.

Nhiều làng xóm hoặc phố xá ở đôi bờ sông Lục Nam có đền thờ Lê Chân – nữ tướng của Hai Bà Trưng quê ở vùng duyên hải, đồng thời cũng là nữ thần hộ mệnh cho những người buôn bán trên sông nước suốt từ Hải Phòng ngược lên. Đây là một bằng chứng cho thấy về sự giao lưu buôn bán đã xuất hiện khá sớm ở vùng này.

Nhìn chung, việc buôn bán ở Lục Nam vẫn tùy thuộc vào sự phát triển của sản xuất nông, lâm nghiệp để tạo ra các loại chợ vùng và chợ làng. Phạm vi ảnh hưởng của chợ vùng lớn hơn rất nhiều so với chợ làng. Ở đây có những loại đặc sản có thể đáp ứng thỏa mãn nhu cầu cho nhiều khu vực xung quanh. Tên chợ, sản phẩm mà nó độc quyền trở thành câu nói cửa miệng trong sự toan tính của các thương lái. Ở Lục Nam có 3 chợ vùng:

Chợ Chàng họp vào các ngày 1, 6 tháng khách buôn thập phương từ Hải Phòng, Quảng Yên, Hải Dương theo thuyền buôn lên. Thuyền cập bến Lục Nam từ chiều hôm trước, khách ngủ lại một đêm để đến sáng hôm sau ra chợ. Đêm đó họ tập hợp lại với nhau, lân dần thành lệ, trở thành buổi chợ áp phiên giữa cảnh sông nước trên bến dưới thuyền thật sầm uất, đông vui.

Hàng hóa trao đổi ở chợ Chàng gồm hoa quả, lâm thổ sản, hải sản (cá khô, tôm khô, nước mắm), vải vóc, bông sợi).

Chợ Thanh Giã họp vào các ngày 3, 5, 7, 10 âm lịch hàng tháng. Mặt hàng chính được trao đổi là trâu bò và các loại lâm thổ sản.

Nhờ nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa vùng núi và đồng bằng, chợ Thanh Giã có nhiều ưu thế hơn các chợ khác, thu hút nhiều lái trâu ở Gia Bình, Lang Tài, Từ Sơn, Thuận Thành hoặc các tỉnh lân cận hội tụ về đây đậu từng đàn trâu đưa về vùng xuôi. Trâu ở đây béo, khỏe, dáng đẹp, ít bị ngã nước. Các lái trâu đến chợ Thanh Giã đem theo vải vóc cùng nhiều loại hàng hóa mà địa phương có nhu cầu để trao đổi, tạo nên sự giao lưu khá nhịp nhàng, sôi nổi.

Chợ Mai Sưu họp vào các ngày 3, 8 âm lịch hàng tháng. Đặc sản được đem trao đổi ở chợ là chè. Cứ đến phiên chợ, lái buôn tấp nập quanh các loại chè búp, chè bồm và chè tươi của Mai Sưu và vùng Dùm, Quỳnh. Ngoài ra, chợ còn có nhiều loại hoa quả (mít, chuối, chanh, bưởi) vừa ngon vừa rẻ.

Những chợ làng có phạm vi trao đổi hẹp hơn, hàng tổng hoặc một vài tổng xung quanh, chủ yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các làng xã trong khu vực như thóc lúa, lợn gà, vải vóc, thực phẩm. Chợ làng chỉ họp vào các buổi sáng. Lục Nam ngày xưa có khá nhiều chợ làng:

Chợ Dùm, mỗi khi có phiên được đón hàng chục xe ngựa về mua chè. Ở làng Quỷnh còn có chợ Cầu, mở ra hai dãy phố bán hàng, tấp nập đông vui một thời, (nay không còn).

Chợ Thép, chợ Cọc đã không họp từ lâu.

Chợ Dẫm họp vào các ngày 2, 4, 7, 9, 11 âm lịch (nay không còn).

Chợ Sàn họp vào các ngày 2, 4, 7, 9 âm lịch (nay trở thành chợ vùng).

Chợ Buộm họp vào các ngày 1, 3, 8 âm lịch (nay chuyển lên ngã tư Bảo Lộc).

Chợ Gàng họp vào các ngày 4, 9 âm lịch.

Chợ Sa họp vào các ngày 5, 10 âm lịch (nay thêm 3, 8).

Chợ Dừa chỉ có mua bán chè tươi (nay không còn).

Chợ ở Lục Nam còn là một môi trường sinh hoạt văn hóa tinh thần, nhất là đối với đồng bào các dân tộc anh em. Đến phiên chợ, trai thanh gái lịch ăn mặc đẹp đẽ tìm bạn tình. Nhiều cuộc hát ví, hát lượn diễn ra, tạo cho nhiều mối tình nảy nở. Chợ làng vì thế còn là các chợ phiên văn hóa.

Vào dịp mùa xuân, nhiều làng xóm ở Lục Nam đều mở hội. Ngày 7 tháng giêng làng Tòng Lệnh (Trường Giang) mở hội lớn diễn lại cảnh luyện quân, sản xuất lương thực để tưởng nhớ đến tương quân Vũ Thành. Ngày 1 tháng 4 âm lịch hội đền Suối Mỡ (Nghĩa Phương). Nhìn chung, ngày mở hội gắn liền với ngày tế Thành hoàng làng cùng nhiều trò vui (đánh vật, đánh đu, cướp cầu) và các cuộc rước bài vị của Thành hoàng từ đền ra đình và ngược lại. Ngày mồng 10 tháng giêng hội làng Phương Lạn để kỷ niệm ngày hóa của Thành hoàng làng. Từ chiều mồng 9 trung nam bản xã đã rước sắc đồ bát bửu ra đình. Trưa hôm ấy tổ chức thi cướp cầu cho trai tráng hai giáp đông, tây ở sân đình. Những người dự thi đứng theo giáp, đối diện nhau, tay cầm móc câu, nghe trống lệnh ào đến tranh nhau móc cầu gỗ từ dưới lỗ lên. Lúc cầu nằm trên mặt đất thì lại giành giật lấy cầu chạy về phía mình, ném ra ngoài ranh giới bãi cầu. Cứ như vậy thi 3 keo, bên nào thắng 2 là được giải. Ngày 1 tháng 4 mở hội đền Suối Mỡ. Từ canh hai, canh ba dân làng đã tề tựu đông đủ ở đình làng Dùm để rạng sáng rước sắc về đền Hạ, từ đình làng Quỷnh qua nghè Hàn Lâm lên đền Trung, đền Thượng để cúng tế an vị rồi rước sắc quay trở lại đình. Xong xuôi, các trò chơi như chọi gà, đu vật, cờ bói, tổ tôm diễn ra sôi nổi, bên cạnh dăm chiếu chèo từ các nơi đổ về. Đêm xuống lại có trò đốt cây bông trông thật ngoạn mục. Hội đền Suối Mỡ được coi là vui vẻ nhất trong vùng.

Trong lĩnh vực truyền thuyết, huyền thoại, câu chuyện về ba anh em nhà Khang công hợp sức đánh Hổ tinh trong khu vực Huyền Đinh vào thời Hùng Duệ Vương xa xôi đã dẫn ta về thời kỳ dựng nước đầu tiên của dân tộc. Họ vẫn còn được thờ phụng ở đình làng Dùm, ghi lại công lao trong đôi câu đối:

                 “Nhất bào đĩnh giáng tam huynh đệ

                 Vạn cổ huân cao nhất thánh thần”

                 (Ba anh em, đầu thai cùng bọc

                 Một thánh thần tiếng để ngàn thu)

Truyền thuyết về hang Non, hang Dẫm trên dãy Yên Phú (Bắc Lũng) thì kể về người mẹ và ba người con. Theo sách Lục Nam địa chí, thời Hùng vương có một ngư phủ cầu thần núi Yên Phú sinh được một người con gái, đến năm 20 tuổi vẫn chưa lấy chồng. Một hôm ra suối tắm, bị rồng cuốn rồi có mang sinh một bọc được ba trai. Lớn lên, họ rất khôi ngô, chỉ thích đọc sách. Vào canh ba đêm nọ, mưa gió nổi lên, họ biến thành ba con rắn, chui vào núi Lãm Sơn biến mất. Người mẹ thương khóc đi tìm chỉ thấy 2 đuôi – vì thế sau gọi là một ông dài, hai ông cộc. Chỗ hang núi các con hóa, thông ra sông Lục Nam thành 3 cái vực, còn chỗ bà mẹ mất gọi là vực Dẫm. Đến nay một số làng ở Bắc Lũng vẫn có đền thờ.

Huyền thoại cũng kể về Quế Mỹ Nương công chúa, tức Thượng ngàn thánh mẫu con vua Hùng Định Vương, được thờ tại ba khu vực đền Vực Mỡ Thượng, Vực Mỡ Hạ, Vực Mỡ Trung bên sườn Huyền Đinh, phía trước có vực sâu, thác cao mang tên Đầu Voi, tạo nên thắng cảnh kỳ thú, cuốn hút khắp thập phương nô nức kéo đến và người đời sau có thơ vịnh:

                 –   Nước non giấu kín nơi tiên cảnh

                     Hoa cỏ bầy nên cõi phật đường

                 –   Kiếp xưa công chúa nhường mây khói

                     Trên đỉnh Huyền Đinh tỏa ánh ra

                     Phép nhiệm thần tiên còn bí ẩn

                     Dấu thiêng non nước chẳng tiêu ma

                     Trèo lên ngắm nghía đà không chán

                     Thác nước tuôn reo bạc trắng lòa

Truyền thuyết về Nghè Hàn Lâm (Nghĩa Phương), xuất hiện vào thời Lý, là nơi thờ Hà Chiếu, đỗ Thái học sinh Tam giáp, làm đến Hàn lâm Học sĩ, có công đi sứ sang nhà Tống, điều đình để dẹp yên Đàm Hữu Lượng quấy rối ở biên ải, mất ở đất Bắc, được gia phong là Thắng Địch hướng thiên cư sĩ Đại vương, 27 xã phụng thờ. Xưa, nghè Hàn Lâm có câu đối ghi công trạng của ông:

                 “Học sĩ thanh sanh dương Bắc địa

                 Bồng lai cung khuyết đối Nam thiên”

                 (Học sĩ tiếng thơm lừng đất Bắc

                 Cung tiên cao rộng sách trời Nam)

Ở Nghè Giếng (Ngãi Phương) có truyền thuyết về Vĩnh Đạt Đại vương. Dương An Quý, thi đỗ hương cống trong kỳ thi Thái học sinh thời Lý Thánh Tông, làm quan đến chức lệnh doãn, cùng đi sứ với Hà Chiếu, khi mất được sắc phong là Hoằng tán mỹ hóa Vĩnh Đạt Đại vương.

Truyền thuyết ở làng Tòng Lệnh (Trường Giang) kể về Vũ Tỉnh, thân phụ Vũ Thành.

Truyền thuyết, huyền thoại của Lục Nam đã để lại cho đời sau những nét chân thực về một thời kỳ khai sơn phá thạch, chống chọi với thú dữ và thiên nhiên khắc nghiệt cùng với chiến công vẻ vang trong sự nghiệp đánh đuổi ngoại xâm, bảo vệ quê hương, xứ sở. Đó chính là những trang sử được nhân dân tạc dạ ghi lòng cho các thế hệ tiếp theo.

Tục ngữ, phương ngôn vùng Lục Nam cũng là một kho tàng quý báu, phản ánh nhiều lĩnh vực hoạt động của xã hội. Nhiều truyền thuyết của địa phương được cô đúc lại thành những câu chuyện ngắn gọn, dễ thuộc, dễ nhớ, lưu truyền hết đời này sang đời khác. Câu chuyện về ba vị đại vương hóa thành rắn thần cùng với người mẹ ở Bắc Lũng đã được tóm gọn trong câu mẹ hang Non, con hang Dẫm. Đặc biệt là truyền thuyết về chàng Nậu giành giật đất đặt mộ ở Hà Thanh (Chu Điện), việc triệt Long mã ở chùa Phai – Hà Tú, chặt cổ Ngũ Tượng ở Đìa Dội (Tiên Hưng), để làm mất đất đế vương cũng được nói gọn trong câu:

                     “Chà chà, chiền chiện

                     Ở làng Chu Điện

                     Có đất đế vương

                     Sinh cái sinh con

                     Tranh quyền cướp nước”(1)

Nhiều hiện tượng lịch sử thời kỳ cận đại cũng đi vào tục ngữ, phương ngôn. Cuộc khởi nghĩa năm Nhâm Tuất (1862) đã in dấu ấn khá đậm nét, phản ánh khá trung thực về con người, sự kiện của thời đại:

                 –   Trên thời có ông sao dài

                     Sinh trên tỉnh Bắc có Cai tổng Vàng

                 –   Ngẫm trong nữ sử nước nhà

                     Mấy ai sánh kịp vợ ba Cai Vàng

Câu chuyện về năm người tự xung hùng bá Vua Xuân, Chúa Biểu, Đức ông De, trạng Đồng Đĩnh, Thống tướng Mè tụ tập nhau ở Khe Than (Nghĩa Phương) rồi kéo lên núi Huyền Đinh lập ra một cái tiểu triều đình chống Pháp phản ảnh một hiện thực mà Thống sứ Bắc Kỳ Brière gửi báo cáo lên Toàn quyền Đông Dương ngày 13-5-1891 cho biết, trong khu vực tỉnh Lục Nam khi đó có thủ lĩnh Cột hoạt động ở Thạch Nham – Biển Động với 40 tay súng; Thủ lĩnh Biểu hoạt động ở Vân Sơn – Bảo Đài với 18 tay súng; các thủ lĩnh Hoàng Ngũ, Quách Mân, Vương Ngũ, Hoàng Tam hoạt động ở Hòn Nghiên, Đào Sơn, Đào Lãng trên dải Huyền Đinh:

                     Huyền Đinh một dải xa xa

                     Vương triều nhỏ bé, dăm ba tớ thày

Tục ngữ, phương ngôn dành cho quê hương khá nhiều điều. Từ một thành ngữ về sự xa xăm, hoang vắng trong tâm linh người Việt như Đèo Heo – Hút Gió ở Cẩm Lý đến ruồi vàng, bọ chó, gió Mai Sưu… cho thấy Lục Nam thiên nhiên khắc nghiệt. Không phải chỉ có vậy, qua bao thế hệ cần mẫn khai làng, lập trại, người dân Lục Nam đã tạo ra những dứa Sàn, mật Chũ, Mít làng Nghè, chè Mai Sưu; Quang nứa làng Sàng, khoai lang làng Đọ, khoai sọ làng Non, lợn con làng Dẫm (Dẫm lợn con, Non khoai sọ, Đọ khoai lang, Sàng quang nứa). Mỗi địa danh, tên núi, tên đồi đã hiện lên và gắn bó máu thịt với người dân Lục Nam:

                 –   Hố Trâu, Rông Khế, Ba Gò

                     Trại Găng, Bắc Máng, sông Bò, Cầu Kheo

                 –   Cao nhất núi Gốm mình ơi

                     Trông về Trại Thán khắp nơi trồng chè

                     Dùm, Quỷnh lắm ngựa nhiều xe

                     Cửa nhà san sát trồng tre bốn bề

                     Ai đi đến đó cũng mê

                 –   Chợ Chè tháng ba chục phiên

                     Ai lên Dùm, Quỷnh đừng quên chợ Chè.

                 –   Chợ Chàng một tháng sáu phiên

                     Gặp cô hàng xén, kết duyên châu trần

                 –   Muốn ăn cơm trắng cá rô

                     Thì về Dùm Quỷnh quẩy bồ với em

                     Muốn ăn cơm trắng cá mè

                     Thì về Dùm, Quỷnh hái chè với anh

Thời bóng cả cây già, một cây có thể làm được ngọn đình Cọc, gốc đình Dùm, trùm đình Kẻn cũng đi vào hình bóng trong phương ngôn.

Đồng bào các dân tộc, nhất là người Tày cũng có một kho tàng tục ngữ khá phong phú, hầu hết phản ánh mối quan hệ xã hội, kinh nghiệm sản xuất, tình yêu quê hương (Việc dễ như ăn khoai; Đàn kiến ăn tham; Dẫm lên mặt tổ tiên; Ăn nhiều chết nhiều; Núi non che khuất chẳng trông thấy).

Đặc biệt, hệ thống thắng tích, danh sơn của Lục Nam đã được huyền thoại hóa và minh chứng nhiều truyền thuyết, phương ngôn. Đình Kẻn(2) là nơi Cai Vàng tuyên thệ nhậm chức đại nguyên soái. Khu đình, đền, chùa Thượng Lâm (xã Thanh Lâm) một công trình kiến trúc nghệ thuật xây từ đời vua Lê Hiển Tông (Cảnh Hưng năm thứ 42), thờ Trần Cảo, Trần Cung(3). Thành nhà Mạc(4) đắp bằng đất từ cuối thế kỷ XVI chạy từ nam lên bắc, qua nhiều xã trong huyện là một di tích về tài năng quân sự thời cổ. Danh sơn Phú Lãm (AN NAM CHÍ NGUYÊN ghi là Khả Lam – nay thuộc xã Đông Phú) xưa kia cây cối um tùm, núi khe thanh nhã, suối và đá mát mẻ, u tịch. Trên đỉnh núi có am Hồ Thiên, nhà Lê xây chùa Hồ Thiên với quy mô tráng lệ, nhưng bỏ dở, nay còn dấu tích. Danh sơn Yên Phú thuộc xã Bắc Lũng, bên trên có nhiều đá xanh, giếng đá và ba hốc đá nước không bao giờ cạn, kế bên có đền Tam vị Đại vương. Núi Huyền Đinh còn gọi là ngàn Treo Đanh chạy dọc các xã Cẩm Lý, Đan Hội, thế núi cao liên tiếp như hình cái đinh treo. Xưa kia Huyền Đinh được coi là trấn sơn của huyện Phượng Nhỡn, khi chạy quân Tây Sơn, Lê Chiêu Thống đã ẩn nấp ở đây. Dãy Tượng Sơn thuộc xã Cẩm Lý, đoạn tiếp của Huyền Đinh, xếp lên nhau như bầy voi phục, giữa núi có hẻm lõm tạo thành đường đi, cửa đường hẹp hiểm, có hình thế một người địch trăm người. Phật Sơn thuộc Hổ Lao (Lục Sơn) thế núi cao vút mà bằng phẳng, phía đông có Liên Sơn (Vĩnh Ninh), phía tây có Đình Sơn (Áng Trì) là một đường quan yếu. Chúng Sơn là đoạn tiếp của Phật Sơn, có ba mặt là núi (Thù Sơn, La Sơn, Độn Sơn) đứng thẳng như tường, địa thế hiểm hóc. Hang Gió thuộc xã Cẩm Lý – ngọn nguồn của Đèo Heo – Hút Gió. Sách An Nam chí nguyện chép: “Ở núi Huyền Đinh huyện Lục Ngạn khoảng tháng 5, tháng 6 gió từ trong núi thổi ra, gió thổi đến đâu lúa khô đến đấy, dân ở gần núi thường bị hại”. Núi Bảo Đài cũng là một thắng cảnh trong vùng.

Tín ngưỡng của người Kinh ở Lục Nam là đa thần giáo. Hầu hết làng xóm đều thờ thần núi (Cao Sơn – Quý Minh), thờ dấu chân thần, rắn thần, thổ thần (Bắc Lũng, Chu Điện), thần cây gạo (Phương Lạn). Người Dao, Cao Lan, Hoa, Sán Dìu không cúng giỗ tổ tiên nhưng có thắp hương thờ ông bà và thổ thần.

Phật giáo vào Lục Nam từ thời Lý – đến nay vẫn để lại dấu vết ở các phế tích các ngôi chùa ở Chu Điện, Phương Lạn, thuộc dòng đại thừa, thiền tông, ảnh hưởng cả Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Trung Hoa, đan thành hai lớp rõ rệt, lớp cơ tầng Việt – Ấn, lớp thượng tầng Việt Hán.

Thiên chúa giáo vào Lục Nam khá sớm, từ giữa thế kỷ XIX Lục Nam có 3 nhà thờ Thanh Giã, Già Khê, Đại Lãm – xây dựng sau năm 1935, đều thuộc dòng Đaminh (Domicana).

Đạo Nho phát triển sớm ở Lục Nam nhưng không liên tục. Sự nghiệp học hành, thi cử Hán học ở đây chỉ có một số ít người thành đạt:

– Hà Chiếu, người Nghĩa Phương, đỗ Tam giáp Thái học sinh triều Lý Thánh Tông (1054-1072), được phong Hàn lâm học sĩ, nhà ngoại giao.

– Dương An Quý, người Nghĩa Phương, đỗ Hương cống Thái học sinh triều Lý Thánh Tông, làm đến Lệnh doãn, nhà ngoại giao.

– Nguyễn Thọ Vinh, người Bắc Lũng, đỗ Hương cống thời Lê Chính Hòa (1680-1705), làm đến Tri huyện.

– Nguyễn Đăng Điều, người Bắc Lũng, đỗ Hương cống thời Lê Chính Hòa, làm đến Tri huyện.

– Nguyễn Liên, quê Khám Lạng, học sinh Quốc tử giám, đỗ Tam trường triều Cảnh Hưng (1740-1786) làm Huấn đạo phủ Trường An.

Tuy chỉ có một danh sách cử nghiệp khiêm tốn nhưng điều đó cũng chứng minh đạo Nho đã tìm được đất để phát triển dù không liên tục và rực rỡ như các vùng khác.

Lục Nam nằm trên một hướng chiến lược quan trọng của nước ta. Hầu như tất cả bọn xâm lược đã tràn qua vùng này nhưng do thời gian lịch sử quá xa xôi, tài liệu ít ỏi, không cho phép ta dựng lại đầy đủ bộ mặt của các cuộc chiến tranh vệ quốc đã từng diễn ra anh dũng và khốc liệt trên quê hương của sông Lục – núi Huyền.

Từ giữa thế kỷ XI trở đi, nước Đại Việt lại đứng trước nguy cơ bị nhà Tống thôn tính. Đứng trước tình thế ấy, vương triều Lý vừa mềm mỏng đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ đất nước vừa kiên quyết nêu cao ý chí tự cường của dân tộc. Trung thành với tư tưởng chỉ đạo chiến lược này, mùa xuân năm Kỷ Hợi (1059). Lý Thánh Tông mượn cớ đi săn ở lưu vực sông Thương và sông Lục Nam đã đến Giáp Động giao nhiệm vụ giữ gìn biên cương cho các phò mã Thân Thiệu Thái – chồng công chúa Bình Dương và Thân Cảnh Nguyên – chồng công chúa Thiên Thành.

Nhận được trọng trách, mùa hạ năm Canh Tý (1060) phò mã Thân Thiệu Thái đã đem lực lượng của mình trừng trị lũ giặc quấy rối ở biên cảnh phía Bắc, bắt sống tên chủ tướng Đàm Hữu Lượng. Trong chiến công này còn phải kể đến tài ngoại giao của Hà Chiếu, Dương An Quý ở Nghĩa Phương.

Trong cuộc kháng chiến chống Tống đông xuân năm 1076-1077, phò mã Thân Cảnh Phúc – con trai Thân Cảnh Nguyên, tù trưởng Giáp Động đã lập

0