18/06/2018, 16:35

Điện lực Lâm Đồng thời kỳ 1918-1975

Khổng Đức Thiêm Cao nguyên Lâm Viên – vùng đất tạo nên tỉnh Lâm Đồng ngày nay, vốn là địa bàn cư trú của người Lạch, người Chil và người Srê thuộc dân tộc Cơ Ho, trong đó người Lạch chiếm số đông nhất. Người Việt đầu tiên có ý định ...

Old_Dalat65.jpg 

                                                Khổng Đức Thiêm

Cao nguyên Lâm Viên – vùng đất tạo nên tỉnh Lâm Đồng ngày nay, vốn là địa bàn cư trú của người Lạch, người Chil và người Srê thuộc dân tộc Cơ Ho, trong đó người Lạch chiếm số đông nhất. Người Việt đầu tiên có ý định dấn bước vào vùng đất này là Nguyễn Thông. Năm 1877, khi đang giữ chức Đinh điền sứ tỉnh Bình Thuận, ông và Trương Gia Hội, Tuần phủ Thuận Khánh, đã tiến hành cuộc thăm dò khu vực nằm giữa ba con sông La Ngà, Đồng Nai và Đạ Hoai và đã đặt chân đến cực nam của tỉnh Lâm Đồng. Toàn bộ hành trình chuyến đi, Nguyễn Thông đã ghi lại trong bài Sớ xin lập đồn điền khai khẩn vùng Thượng du.

Sau khi chiếm được Nam Kỳ Lục tỉnh, người Pháp liền hướng sự quan tâm của mình vào việc thám hiểm miền Đông Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ. Bác sỹ Paul Néis, thầy thuốc hạng nhất của hải quân, là một trong những người Pháp đầu tiên thám hiểm vào vùng đất của người Thượng (từ 11-1880 đến 1-1881), với ý định đến núi Lang Biang, đầu nguồn của sông Đồng Nai, nhưng Paul Néis buộc phải thay đổi lộ trình, tạm đến phủ Bình Thuận vì sức khoẻ của một số thành viên trong đoàn sa sút. Từ ngày 11-2 đến giữa tháng 4-1881, nhờ sự giúp đỡ của một tù trưởng người Mạ ở vùng hữu ngạn sông La Ngà, Paul Néis cùng Trung uý thuỷ quân lục chiến phụ trách về trắc địa Albert Septans đã thực hiện chuyến thám hiểm thứ hai tới tận đầu nguồn sông Đồng Nai, mở đường cho nhiều cuộc thám hiểm khác đi vào vùng Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ, như của A.Gautier năm 1882, L.Nouet năm 1882 và đặc biệt là chuyến thám hiểm của Thiếu tá Humann năm 1884.

Năm 1893, nhận nhiệm vụ từ Toàn quyền Jean Marie de Lanessan, bác sỹ Alexandre Yersin đã tiến hành khảo sát một tuyến đường bộ từ Sài Gòn xuyên qua vùng đất của người Thượng và kết thúc ở một địa điểm trên bờ biển Trung Kỳ. Ngày 21-6-1893, trên hành trình thám hiểm, Alexandre Yersin đã tới cao nguyên Lâm Viên. Năm 1897, trong khi tìm kiếm một địa điểm để xây dựng trạm nghỉ dưỡng (station balnéaire d’altitude) cho người Pháp ở Đông Dương, Toàn quyền Paul Doumer gửi thư hỏi ý kiến Alexandre Yersin. Khi nhận được thư  của Paul Doumer. Alexandre Yersin gợi ý chọn cao nguyên Lâm Viên, một vùng đất lý tưởng thoả mãn đầy đủ các điều kiện: độ cao thích hợp, diện tích đủ rộng, nguồn nước bảo đảm, khí hậu ôn hoà và có thể thiết lập đường giao thông. Cuối tháng 3-1899, Paul Doumer cùng với Alexandre Yersin đích thân đến khảo sát thực tế tại cao nguyên Lâm Viên.

Năm 1890, sau khi đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ y khoa và làm việc tại Viện Pasteur Paris, Alexandre Yersin quyết định rời bỏ phòng thí nghiệm để dấn thân vào những cuộc phiêu lưu… Ông xin vào làm việc cho hãng hàng hải Messagries Maritimes với hy vọng được đến các quốc gia thuộc địa. Từ tháng 10-1890, Yersin phục vụ trên tuyến đường biển Sài Gòn-Manila với chức vụ y sỹ, và đến tháng 4-1891, ông chuyển sang tàu Sai Gon hoạt động trên tuyến Sài Gòn-Hải Phòng. Ngày 29-7-1891, trong lúc tàu dừng lại ở Nha Trang, Yersin thực hiện chuyến thám hiểm đầu tiên với ý định đi bằng đường núi từ Nha Trang về Sài Gòn trong vòng 10 ngày. Nhưng chuyến đi không thành công. Sau khi qua Phan Rang, Phan Rí và đến Ta La, vùng phụ cận của Di Linh ngày nay, Yersin được người dân bản địa cho biết phải mất ít nhất 9 đến 10 ngày để tới được Sài Gòn. Ông quyết định trở lại Nha Trang để kịp lên tàu và tiếp tục hành trình ra miền Bắc.

Tháng 10-1892, Alexandre Yersin trở lại Paris và tìm cách vận động để được tiếp tục thám hiểm. Nhờ sự giúp đỡ của một số người quen biết, đặc biệt là Louis Pasteur và Émile Duclaux, Yersin được Bộ Giáo dục Pháp cấp kinh phí để thực hiện một nhiệm vụ khảo sát khoa học. Ông quay lại Sài Gòn vào đầu năm 1893, tới gặp Toàn quyền Jean-Marie de Lanessan và nhận nhiệm vụ khảo sát một tuyến đường bộ từ Sài Gòn xuyên sâu vào vùng đất của người Thượng, kết thúc ở một địa điểm thuận lợi trên bờ biển Trung Bộ. Ngày 24-2-1893, Yersin cùng năm người khác rời Sài Gòn để thực hiện chặng đường đầu tiên từ Sài Gòn đi Phan Thiết, băng qua vùng Tánh Linh. Ngoài các dụng cụ thám hiểm, Yersin còn mang theo một số thuốc chủng đậu mùa để chủng ngừa cho người dân những vùng ông sẽ đi qua. Đoàn thám hiểm qua Tà Cú, Tánh Linh, rồi tới Phan Thiết, từ đây Yersin tới Nha Trang bằng đường cái quan để gặp Công sứ Lenoemand, sau đó trở lại Phan Rí. Sáng ngày 8-4-1893, ông rời Phan Rí để thực hiện chặng đường thứ hai Phan Rí-Tánh Linh, băng qua vùng núi. Đoàn lữ hành trên đoạn đường này rất đông đảo, gồm có 80 dân phu, 6 ngựa cưỡi và một con voi. Ở Lao Gouan, ngày nay thuộc huyện Đức Trọng, Yersin gặp Tong Vít Ca, một người Việt nhận khoán việc thu thuế ở các tổng người Thượng trực thuộc Phan Rí. Tong Vít Ca ngỏ ý muốn tháp tùng Yersin đến Ta La. Đoàn thám  hiểm tới Ta La ngày 25-4, ở đây Yersin chia tay Tong Vít Ca tiếp tục hành trình đến làng Droum, qua sông La Ngà trở về Tánh Linh.

Ngày 30-5-1893, Alexandre Yersin bắt đầu thực hiện chặng đường thứ ba từ Tánh Linh đi Phan Rang bằng một con đường núi khác với chặng trước. Sau khi men theo tả ngạn sông La Ngà để trở lại Droum, đoàn  thám hiểm vượt qua sông đến Tìa Lao, một địa điểm đã được ghi trên bản đồ của Thiếu tá Humann. Ngày 11-6, Yersin đến Bross, nằm ở đáy một thung lũng sâu có sông Đồng Nai chảy qua, phía bắc là ngọn núi Tadoung, ngày nay thuộc tỉnh Đăk Nông. Từ Tadoung, Yersin xuống núi để quay trở lại Rioung và để lại hành lý tại đây rồi cùng bốn người phu khuân vác lên đơn vị thám sát vùng núi Lang Biang. Sau hai ngày đường, vào 15 giờ 30 ngày 21-6-1893, Yersin bước ra khỏi rừng thông và phát hiện ra cao nguyên Lâm Viên. Trong nhật ký hành trình, ông chỉ ghi vắn tắt: “3h30: cao nguyên lớn trơ trụi, nhấp nhô gò đồi”. Yersin ngủ lại một đêm ở Dankia rồi trở về Rioung dưới một cơn mưa tầm tã. Sau khi rời Rioung, đoàn thám hiểm men theo thung lũng sông Đa Nhim và đến Phan Rang ngày 26-6-1893.

Paul Doumer cử một phái đoàn quân sự dưới sự chỉ huy của Đại uý Thouard nghiên cứu một con đường từ Nha Trang lên Lâm Viên. Sau 11 tháng làm việc, Đại uý Thouard kết luận không thể xây dựng một tuyến đường nối trực tiếp Nha Trang với Lâm Viên. Thay vào đó, Thouard phác thảo một con đường xuất phát từ Phan Rang qua ngã Fimnom và gợi ý một tuyến đường khác nối thẳng Sài Gòn với Đà Lạt. Khi đoàn Thouard còn chưa kết thúc, các đoàn nghiên cứu khác của Garnier, Odhéra và Bermard tiếp tục được cử đến Lâm Viên cùng khảo sát con đường nối Phan Thiết-Di Linh-Đà Lạt. Missigbrott, một thành viên trong đoàn Thouard, đã  ở lại sau chuyến khảo sát để lập một vườn rau và chăn nuôi gia súc, tạo cơ sở cho trạm nông nghiệp và trạm khí tượng sau này. Cuối tháng 3-1899, đích thân Toàn quyền Paul Doumer cùng bác sỹ Yersin đến cao nguyên Lâm Viên khảo sát thực tế và quyết định triển khai dự định ban đầu. Ngày 1-1-1899, Toàn quyền Paul Doumer ký Nghị định thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng với thủ phủ Di Linh và hai trạm hành chính ở Tánh Linh và Lâm Viên. Đây là tiền đề pháp lý đầu tiên cho việc hình thành chức năng hành chính của thành phố Đà Lạt sau này.

Nghị định ngày 1-11-1899 của Toàn quyền Đông Dương gồm 4 Điều:

Điều 1. Đặt ở An Nam một khu hành chính, được chỉ định dưới tên tỉnh Đồng Nai Thượng (province Haut Donnai) bao gồm lưu vực từ phía trên Đồng Nai tới biên giới với Nam Kỳ và Lào.

Trụ sở của quan chức hành chính, người đứng đầu tỉnh Đồng Nai Thượng sẽ ở Di Linh, và hai chức vụ hành chính sẽ thiết lập ở Tánh Linh và trên cao nguyên Lang Bian.

Điều 2. Quan chức hành chính, Công sứ Pháp ở Di Linh được đặt dưới quyền của Khâm sứ Trung Kỳ.

Ngoài nhiệm vụ thông thường của những người đứng đầu tỉnh, quan chức ấy còn có nhiệm vụ đặc biệt là giúp đỡ Nha Công chính Đông Dương trong việc nghiên cứu và xây dựng đường sắt  ở Nam Trung Kỳ. Viên chức ấy trực tiếp gửi tới Phủ Toàn quyền Đông Dương ở Sài Gòn bản sao những báo cáo chính trị và kinh tế đã gửi tới Khâm sứ.

Điều 3. Công sứ Pháp tại Di Linh được cấp một khoản phụ cấp hàng năm là 2.000 đồng (2000.$) thay cho mọi chi phí hay những phụ cấp khác.

Điều 4. Giám đốc Nha Nội chính Đông Dương và Khâm sứ Trung Kỳ có trách nhiệm thi hành Nghị định này”.

Về sự kiện kể trên Đại Nam thực lục (Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên) cho biết:

“Kỷ Hợi, Thành Thái thứ 11, mùa đông, tháng 10 [11-1899] bắt đầu đặt tỉnh Đồng Nai Thượng. Khâm sứ đại thần Boulloche bàn với Thượng Nghị viện Đông Dương nghĩ đặt tỉnh mới ở thượng du hai tỉnh Bình Thuận, Khánh Hoà thuộc địa giới Đại Nam (một khu đất rộng lớn ở cao nguyên tên xứ Mạ và xứ Lang Bian, phía nam giáp vùng thượng du Biên Hoà, phía bắc gần xứ Lang Bian, phía đông giáp giới sông núi hai tỉnh Bình Thuận Khánh Hoà), đặt tỉnh lỵ ở xứ Di Linh, lấy quan Pháp Outrey làm Công sứ tỉnh mới (khám đặt bốn năm châu và chọn bổ Chánh, Phó tổng để tiện sai  phái). Lại lấy xứ Sông Sâu ở thượng du tỉnh Khánh Hoà quy về quan đồn Củng Sơn quản hạt. Cơ mật viện tâu lên, chuẩn tư cho hai tỉnh Bình Thuận, Khánh Hoà chuẩn bị bản đồ địa giới và sổ sách đinh điền của tỉnh mới giao cho Công sứ mới nhận chiểu. Lại giao sổ Man đinh tỉnh Khánh Hoà cho đồn Củng Sơn đệ cho tỉnh Phú Yên nhận lãnh”.

Dự án xây dựng Đà Lạt bị gián đoạn khi Toàn quyền Paul Doumer trở về Pháp vào năm 1902 và Toàn quyền Paul Beau, người kế vị đã không sốt sắng gì lắm việc xây dựng thị trấn miền núi. Mặc dù vậy, trong khoảng thời gian tiếp theo, nhiều đoàn khảo sát vẫn được gửi đến cao nguyên Lâm Viên để nghiên cứu và các tuyến giao thông tới Đà Lạt cũng dần hình thành. Giữa thập niên 1910, Thế chiến thứ nhất bùng nổ khiến nhiều người Pháp không thể về quê hương trong những kỳ nghỉ, Đà Lạt dần trở thành nơi họ đến để tìm chút gì của nước Pháp ôn đới. Ngày 20-4-1916, Hội đồng Phụ chính của vua Duy Tân thông báo Dụ thành lập thị tứ Đà Lạt. Toàn quyền Maurice Long đi thêm bước nữa khi bổ nhiệm Ernest Hébrard làm chủ sự quy hoạch thị trấn Đà Lạt. Hébrard là người chủ trương dùng mẫu kiến trúc cổ điển Âu châu nhưng thêm vào đó một số trang trí thuộc mỹ thuật Việt Nam để tạo ra phong cách riêng mà ông gọi là une architecture indochinoise. Hébrard đã thực hiện lối kiến trúc này trong những công trình khác như toà nhà của Viện Viễn Đông Bác cố, (Hà Nội) và với quy mô hơn ở Đà Lạt. Trong vòng ba mươi năm, từ một địa điểm hoang vu, một thành phố đã hình thành với đầy đủ hệ thống cơ sở hạ tầng, các trường học, bệnh viện, khách sạn, công sở và dinh thự. Trên diện tích tổng cộng là 1760 ha, thì 500 ha được chính quyền quy hoạch cho các cơ sở công chính, 185 ha thuộc nhà binh, 173 ha cho công chức và 206 cho dân bản xứ. Phần còn lại (non 700 ha) thì bán cho người Pháp. Năm 1911, Albert Sarraut quyết định đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông lên Đà Lạt. Năm 1913 và năm 1914, các tuyến  đường bộ Phan Thiết-Di Linh và Di Linh-Đà Lạt lần lượt hoàn thành. Cùng với giao thông đường bộ, đoạn đường sắt Phan Rang-Krong Pha được đưa vào sử dụng giúp việc giao thương và đi lại giữa Đà Lạt với vùng đồng bằng trở nên thuận tiện. Đến năm 1915, có hai con đường để đi từ Sài Gòn tới Đà Lạt: tuyến Sài Gòn-Ma Lâm-Đà Lạt dài 354 km và tuyến Sài Gòn-Phan Rang-Đà Lạt dài 414 km. Từ năm 1915, nhiều du khách đã đến đây bằng xe hơi của Hãng vận tải Lang Biang (Societé des correspondances Automobiles du Lang Biang) thuộc chi nhánh của Công quản Đường sắt miền Nam bắt đầu tổ chức đưa du khách đến Đà Lạt nghỉ dưỡng, săn bắn.         

Ngày 6-1-1916, Toàn quyền Drnest Nestor Roume ký Nghị định thành lập tỉnh Lâm Viên với địa giới phía bắc là sông Krông Nô, phía đông nam là sông Krông Pha, phía nam là sông La Giai, phía tây là biên giới với Campuchia. Ngày 20-4 cùng năm, Hội đồng nhiếp chính của vua Duy Tân thông báo Dụ thành lập thị tứ Đà Lạt. Theo tinh thần của dụ này, toàn bộ quyền hạn đối với Đà Lạt được trao cho Toàn quyền Đông Dương, người Pháp toàn quyền sở hữu đất đai trong khu vực và dưới quyền điều hành trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương.

Tháng 8-1917, Thượng thư bộ Công  Đoàn Đình Duyệt được Khải Định cử đi công du Lâm Viên. Chuyến công cán này nhằm khảo sát nghiên cứu vị trí xây dựng hành cung cho triều Nguyễn, được ghi chép tỉ mỉ từ việc mô tả đường sá, khí hậu, nhà cửa,  dinh thự…

Với Lâm Viên hành trình nhật ký, Đoàn Đình Duyệt là người Việt đầu tiên ghi chép về một Đà Lạt thơ mộng được miêu tả qua những áng văn chữ Hán xen lẫn chữ Nôm, như lời ông tấu dâng lên vua Khải Định rằng: “Chuyến đi này của thần là do vâng lệnh Hoàng thượng mà đi quan sát. Phàm vùng núi sông nào thần đã đến, đường sá nào thần đã đi qua, những gì mắt thấy tai nghe có liên quan đến chính sự hiện nay, cùng hành trình bằng đường thủy, đường bộ như thế nào, giờ giấc đi xe điện nhanh như bay ra sao thần đều chẳng dám không ghi chép từng ngày để làm thành một bản lược khảo trong chuyến đi Nam. Còn như tìm hiểu cho tận cùng bờ cõi,  khảo đinh thư tịch và bản vẽ, do thần học vẫn thấp kém, hiểu biết có chỗ không tới nơi, còn mong chờ có người thực hiện”.

Đà Lạt qua Đoàn Đình Duyệt đã hiện lên một cách nhẹ nhàng khác hẳn với cái sôi động của miền trung châu, cái khí lạnh của trời đất với những cánh rừng thông rậm rạp của đồi núi nhấp nhô, của những dòng suối với những con đường uốn khúc quanh co. Theo ông, ở Đà Lạt lúc này trời đang vào tiết đầu thu, miền trung châu chưa bớt nóng mà ở đây thì trời đã lạnh dần, có mưa phùn, mặc áo lông cừu thật thích hợp. Xem khí hậu thấy giống như đầu xuân. Cứ lời các qúy quan trú ở đây thì vùng đất này tới mùa đông hàn thử biểu có lúc xuống một, hai độ, giống như khí hậu miền Nam châu Âu. Đôi khi cũng có mưa tuyết. Quả là điều kỳ lạ trên đất nước Lĩnh Nam này vậy. Người của quý quốc thích khí hậu ôn hoà nên mùa hè thường đưa gia quyến lên đây nghỉ mát. Chiều ngày 16, bất kể trời mưa, lên xe kéo ra đi. Nhìn bốn phía thấy núi cao vây bọc, rừng thông rậm rạp, ở giữa có chừng vài ngàn mẫu đều là núi bằng, đồi trọc cao thấp nhấp nhô. Từ các dinh thự, nhà cửa cho đến khách sạn, nhà ở của người dân, thảy đều xây cất trên đồi núi. Dưới chân núi nào cũng có đường cái đan chéo ngang dọc, xe điện có thể chạy được. Lại có những cánh đồng bé nhỏ có thể cày cấy. Từ dưới đồng bằng nhìn lên, thấy trên núi lâu đài sắp xếp như quân cờ, la liệt như sao. Cảnh đẹp giống như tranh vẽ.

Với khí hậu mát mẻ, không khí trong lành, trời Đà Lạt lúc nào cũng giống như đầu mùa xuân. Phong cảnh kì vĩ núi non bao bọc, rừng rậm bao quanh thành phố, quả thật vẻ đẹp như một bức tranh.

Về kiến trúc của Đà Lạt theo lời ông viết thì, lúc này đang có là Toà Công sứ, Nha Lục lộ, Nha Kiểm lâm, Nha Ngân khố, Phòng Điện báo, bệnh viện và cư xá cho binh lính đồn trú. Ngoài ra còn có những khách sạn xây cất theo kiểu phương Tây. Huyện nha của Lâm Viên cũng đặt ở đây. Vua Cao Man có xây cất một nhà khách, mùa hè có khi đến đây nghỉ mát, lại còn mua một khu đất, định xây dựng một hai toà lâu đài, trang trí rất lộng lẫy. Đó là nghe quý Khâm sứ thuật lại và còn hướng dẫn đi xem khu đất ấy nữa. Quý quan đại thần của Nhà nước bảo hộ cũng trù tính xây thêm Phủ Toàn quyền và Toà Khâm sứ ở đây. Tương lai nơi này hẳn trở thành một đô hội lớn.

Ngày 31-10-1920, Toàn quyền Maurice Long ký Nghị định thành lập khu tự trị Lâm Viên, phần địa giới còn lại của tỉnh Lâm Viên được mang tên Đồng Nai Thượng với tỉnh lỵ đặt tại Di Linh. Cũng ngày 31-10-1920, một Nghị định khác của Toàn quyền Đông Dương ấn định khu tự trị trên cao nguyên Lâm Viên trở thành thị xã Đà Lạt và xác định nâng Đà Lạt lên thị xã hạng hai với những quy chế rộng rãi. Năm 1926, một Nghị định tiếp theo được ký vào ngày 26-7 đưa địa vị hành chính của Đà Lạt lên cao hơn: Đà Lạt vừa trở thành đơn vị trực thuộc Toàn quyền, có tính tự trị cao hơn so với những thị xã khác. Năm 1941, khi tỉnh Lâm Viên được tái lập, Thị trưởng Đà Lạt kiêm chức Tỉnh trưởng tỉnh Lâm Viên.

Cùng với việc xác lập địa vị hành chính, dân số Đà Lạt cũng tăng lên mạnh mẽ và các công trình xây dựng dần mọc lên. Vào năm 1923, nơi đây chỉ có 1.500 dân cư, tới năm 1938, dân số thành phố đã lên đến 9.000 người và năm 1944, Đà Lạt trở thành một đô thị hơn 25 ngàn dân. Năm 1921, kiến trúc sư Ernest Hébrard nhận nhiệm vụ thiết lập đồ án quy hoạch Đà Lạt. Hoàn thành vào tháng 8-1923, đồ án của  Ernest Hébrard thể hiện một tầm nhìn và tham vọng rất lớn: xây dựng Đà Lạt trở thành Thủ phủ của Liên bang Đông Dương. Năm 1933, kiến trúc sư Louis Georges Pineau đưa ra một đồ án chỉnh trang thành phố với một quan niệm thực tế hơn và hầu hết những nét chủ đạo của đồ án này vẫn được giữ lại trong Chương trình chỉnh trang và phát triển Đà Lạt năm 1943. Giai đoạn từ năm 1916 cho tới Thế chiến thứ hai, các công trình cơ sở hạ tầng của Đà Lạt cũng dần hoàn thiện. Năm 1938, khi nhà ga xe lửa hoàn thành, thời gian đi từ Hà Nội đến Đà Lạt chỉ mất 48 giờ, du khách tìm đến thành phố nghỉ dưỡng ngày một đông. Năm 1944, Đà Lạt gần như là thủ đô của Liên bang Đông Dương khi Toàn quyền và hầu hết các công sở quan trọng đều chuyển về làm việc ở đây. Sau gần 30 năm xây dựng, Đà Lạt vào năm 1945 đã trở thành một thành phố xinh đẹp của vùng Viễn Đông, một trung tâm giáo dục quan trọng và một điểm du lịch hấp dẫn.

Trên 100 năm hình thành và phát triển, dân số Lâm Đồng tăng rất nhanh. Năm 1936 có 60.000 người, năm 1955 có 128.194 người, năm 1975 có 326.514 người, năm 1989 có 639.226 người và đến năm 2009 có 1.186.786 người (theo kết quả tổng điều tra dân số ngày 1/4/2009)[1], trong đó các dân tộc thiểu số chiếm 23%. Với quy mô này, dân số Lâm Đồng đứng thứ 2 sau Đắc Lắc trong số các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên. Sự gia tăng dân số, chủ yếu là người Kinh qua các đợt di cư gắn liền với những biến động lớn về chính trị-xã hội của đất nước.

Đợt di chuyển đầu tiên của người Kinh bắt đầu khi Toàn quyền Pháp quyết định thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng và xây dựng Đà Lạt thành nơi nghỉ dưỡng. Người Kinh được đưa đến Lâm Đồng để phục vụ việc mở đường giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng, khai hoang lập đồn điền chè, cà phê, trồng rau.

Đợt di dân lớn thứ hai diễn ra trong giai đoạn 1954-1975. Đó là những đồng bào theo đạo Công giáo và gia đình quân nhân bị dụ dỗ, cưỡng ép di dân vào Nam sau khi Hiệp định Giơnevơ. Các dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc di cư vào năm 1954 tập trung chủ yếu ở các huyện Bảo Lộc, Đức Trọng, Đơn Dương và thành phố Đà Lạt theo ý đồ chiến lược. Những năm sau đó, do sự khủng bố, đàn áp của chính quyền Sài Gòn nên hàng chục ngàn đồng bào các tỉnh ven biển miền Trung đến tỉnh Lâm Đồng làm ăn sinh sống.

Đợt di dân lớn thứ ba diễn ra từ năm 1975 đến nay với tốc độ khá nhanh. Động lực chính của cuộc di dân này là chiến lược điều chỉnh lao động, dân cư, phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Sự gia tăng dân số chủ yếu bằng 2 nguồn: di dân theo kế hoạch và di dân tự do.

Sau biết bao những biến cải và thăng trầm, thay đi đổi lại, đến nay Lâm Đồng là một tỉnh miền núi thuộc nam Tây Nguyên, nằm giữa các toạ độ: 11o 12’ – 12o 15’ vĩ độ Bắc và 107o45’ kinh độ Đông, có diện tích 9.764,8km2 chiếm khoảng 2,9% diện tích cả nước; phía đông giáp các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận; phía tây giáp tỉnh Bình Phước; phía tây nam giáp tỉnh Đồng Nai; phía nam- đông nam giáp tỉnh Bình Thuận; phía bắc giáp tỉnh Đăk Lăk.

Đặc điểm nổi bật của địa hình tỉnh Lâm Đồng là sự phân bố khá rõ ràng từ bắc xuống nam; phía bắc tỉnh là vùng núi cao, vùng cao nguyên Lang Biang với những đỉnh cao từ 1300m đến hơn 2000m như Bi Đúp (2.287m), Lang Biang (2.167m); phía đông và tây có dạng địa hình núi thấp (độ cao 500-1000m); phía nam là vùng chuyển tiếp giữa cao nguyên Di Linh-Bảo Lộc và bán bình nguyên có độ cao 100-300m.

Là tỉnh có địa hình phức tạp và độ nghiêng lớn từ tây bắc xuống đông nam nên khí hậu Lâm Đồng có sự khác biệt giữa các khu vực, càng lên cao nhiệt độ càng giảm. Nhiệt độ trung bình trong năm dao động từ 16o đến 23oC, sự chênh lệch nhiệt độ trung bình giữa các tháng trong năm ở từng khu vực không nhiều. Do ảnh hưởng của địa hình nên khí hậu ở Lâm Đồng có 2 mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Lượng mưa hàng năm phân bố không đều theo không gian và thời gian, dao động từ 1600-2700mm.

Hệ thống sông, suối trên địa bàn Lâm Đồng phân bố khá đồng đều, có lưu vực nhỏ và nhiều ghềnh, thác ở thượng nguồn. Các sông lớn trong tỉnh thuộc hệ thống sông Đồng Nai có tiềm năng thủy điện rất lớn. Mặt khác, do địa hình phức tạp nên Lâm Đồng còn có nhiều hồ nước nhân tạo phục vụ cho nhiều mục đích khác: cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và những thắng cảnh nổi tiếng.

Suối Đankia hay còn có tên gọi nữa là Ankroét, là con suối hùng vĩ được người Pháp chọn làm nơi xây dựng nhà máy thủy điện đầu tiên ở Việt Nam. Suối Đankia với hợp lưu của hồ lớn Suối Vàng ở phía trên thượng nguồn, bắt đầu tuôn chảy dưới dạng núi Lang Biang hùng vĩ. Bác sĩ Yersin đã ca ngợi cảnh đẹp hùng vĩ và thơ mộng này. Bên cạnh đó, vẻ đẹp của hồ cũng được ghi chép trong một chuyến du ký của Đoàn Đình Duyệt, Hiệp tá Đại học sĩ, Thượng thư bộ Công dưới triều Nguyễn.

Về tên gọi Đankia, theo ghi chép và ý nghĩa của chữ Hán có nghĩa là màu đỏ. Như vậy, nếu nói về ý nghĩa của dòng suối này, theo cách hiểu lâu nay là do nước suối về mùa mưa rất đỏ, màu sắc đặc trưng nổi bật nên mới có tên như vậy. Dân gian vẫn hay gọi Suối Vàng cũng để chỉ cái nước đỏ mà thôi. Tuy nhiên chữ Đankia có lẽ bắt nguồn từ một ngôi làng có tên là Đankia của người đồng bào gần đó. Theo mô tả của Thượng thư bộ Công Đoàn Đình Duyệt thì:

“Cách Lâm Viên phỏng chừng 5-6kilômét còn có suối Đanki, tiếng Tây dịch là Ankroét. Dòng suối ấy từ trong lòng đất chảy vọt ra. Từ hai khe đá, nước phun ra giao nhau rót xuống ngay giữa một bàn đá. Tục truyền tiên ngồi tắm trên thạch bàn đó. Dưới bàn đá lại có một hang đá lớn, nước suối chảy qua bàn đá, trút xuống hang đá ấy từ độ cao trên 40 thước tây. Nước suối chảy rẽ làm 5 nhánh. Từ ngoài nhìn vào, nước từ trong bàn đá trào vọt ra, trút từ trên cao xuống thành 5 dòng như 5 con rồng phun nước. Tục gọi đó là hồ tiên tắm, hình thể thật kỳ lạ. Lại nghe nói gần Lâm Viên có một ngọn núi cao 2.200 thước tây là núi cao nhất Trung Kỳ. Đã mở một con đường nhỏ để tiện lên núi ngắm cảnh. Nếu đứng trên đỉnh núi này nhìn qua kính viễn vọng thì phía
Tây thấy được nhà cửa của cư dân tỉnh Côn Tung [Kon Tum], phía đông thấy tới biển. Đây cũng do quý Khâm sứ đại thần nói cho biết”.

Sự hùng vĩ của con suối được miêu tả khá chi tiết và thú vị, dòng suối này có rất nhiều những hòn đá tảng nằm chắn ngang dòng suối. Vì thế mà tác giả đã ví như là phiến thạch bàn (bàn đá lớn). Từ hai bên khe của bàn thạch đó, nước cứ thế phun ra đổ vào những tảng đá lớn ở giữa dòng. Cảnh thác nước tuôn trào thật kỳ vĩ, cộng với vẻ đẹp hoang sơ chẳng khác gì chốn bồng lai. Có lẽ vào thời điểm này, cây cối hai bên bờ suối vẫn còn rậm rạp, cùng với thác nước tuôn trào, hình thể như năm rồng phun nước, quả thật không cảnh nào có thể tả nổi.

Cảnh suối Đankia được tô điểm bởi một ngọn núi cách đó không xa lắm, ngọn Lang Biang hùng vĩ, được mệnh danh là cao nhất xứ Trung Kỳ, từ đỉnh núi này nếu nhìn bằng kính viễn vọng thì có thể nhìn thấy cư dân của tỉnh Kon Tum và phía đông thì thấy được tới biển Ninh Thuận.

Sông Đa Nhim bắt nguồn từ phía bắc núi Gia Rích (1923m) đổ vào sông Đa Dâng ở gần tháp Pongour.

 Năm 1916, Le Chemineau trong dịp lên Đà Lạt đã mô tả:

“Quả thật chúng tôi dường như đang ở Thụy Sĩ. Những cây thông xích lại gần nhau hơn tạo thành một khu rừng gần như bất tận. Đây đó những chiếc cầu gỗ thô sơ bắc qua thác nước reo vang trên ghềnh đá. Xe xuống vài dốc rồi lại leo lên nhiều dốc. Từ Giăng Ca ở cây số 71 và trên độ cao 820 m, chúng tôi đến đèo Đa Trồm (Datroum) ở cây số 80 và trên độ cao 1.230m. Nếu được dừng lại 5 phút, bạn hãy leo lên trạm ven đường và sẽ nhìn thấy phong cảnh tuyệt vời của núi đồi trùng điệp trải dài đến tận núi Lang Bian, dưới chân núi là Đà Lạt. Qua khỏi đèo Đa Trồm, xe xuống một con dốc dài 5km và ở độ cao chỉ còn 1.000m. Chiều xuống dần. Cách Djiring 20 km, xe chạy nhanh và sau khi qua khỏi ruộng lúa, buôn làng Klông Đi Um (Klondioum), Hăng Ti (Hanti), Klong Trao, chúng tôi nhìn thấy toà công sứ Djiring xinh đẹp nằm trên độ cao 1.000m.

Djiring là thủ phủ của một vùng Thượng đông dân có khí hậu ôn hoà. Rau cải mọc tốt, cả dâu tây, hoa tím, hoa hồng và nhiều loài hoa khác. Vùng này không thể so sánh với Đà Lạt về nghỉ dưỡng nhưng hấp dẫn về nhiều phương tiện. Mặc dầu có bệnh sốt rét xuất hiện, đây vẫn là một vùng có khí hậu mát lành hơn nhiều thành phố ven biển. Từ lâu, Djiring đã là một trung tâm nông nghiệp quan trọng, rau cải cho năng suất cao, cây cà phê cũng mang lại hiệu quả tốt. Hơn nữa, đồng cỏ cũng góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp. Thắng cảnh và thịt rừng càng làm cho Djiring hấp dẫn hơn.

Một căn nhà gỗ với mái hiên rộng (bungalow) cho phép du khách ngủ qua đêm.

Hãng S.A.C.L không tổ chức cho chúng tôi thăm thác Bô Bla (Bobla) chỉ cách đó chừng 15 phút, còi ô tô giục giã chúng tôi tiếp tục lên đường.

Đường đi trước đây hướng từ Nam lên Bắc, đến Djiring đường chuyển sang Đông chếch 450.

Chúng tôi đi ngang qua một cao nguyên có độ dốc thấp dần đến 780m ở Đa Lê (Dalé)- một nhánh sông Đa Nhim- cách Djiring 20km. Buôn làng rất nhiều và đồng ruộng màu mỡ chứng tỏ đây là một trong những vùng giàu nhất xứ. Dọc theo con đường dài khoảng 20 km có các buôn Kamigne, Kao-Bout, Rao-Rli, Cao quouil, Djirlagne, Bsout-Bill và Tam Bố (Tambou). Từ Đa Lê đến Đa Nhim, sở thuỷ lâm đã thiết lập một trạm nghiên cứu và tiến hành một  số thí nghiệm về trích nhựa thông. Bây giờ xe chạy hết tốc lực xuyên qua rừng thông mang dáng dấp một công viên xinh đẹp. Thình lình vài mương đất đỏ hiện ra, sau khi xe chạy xuống một cái dốc ngắn, chúng tôi gặp sông Đa Nhim ở cây số 130 trên đường Phan Thiết-Đà Lạt.

32 km đường từ Djiring đến Đa Nhim rất tốt vào mùa khô, nhưng vài đoạn đường rất xấu vào mùa mưa, cần phải gia cố mặt đường.

Trước đây, người ta phải kết những chiếc xuồng độc mộc rộng 50cm đục từ thân cây tạo thành một chiếc cầu bắc qua sông Đa Nhim. Ngày nay, có một chiếc cầu gỗ do bàn tay khéo léo của người Thượng tạo nên.

Từ độ cao 840m, xe leo dần đến Phi Nôm (Fimnon) ở cây số 150 (độ cao 975m). Thung lũng Đa Nhim có độ chênh 135m trên một đoạn đường dài 20km. Độ chênh này rất cao đối với một dòng sông vì nhiều thác ghềnh, đặc biệt hai thác rất đẹp là Gu Ga (Gau-gah) ở cây số 136 và Liên Khàng.

Dòng sông Đa Nhim chảy nhanh đã gợi ý nghiên cứu một dự án thủy nông. Tưới nước cho một cánh đồng dài 20km, rộng 6km nằm ở tả ngạn (cây số 140) là một công tác dễ thực hiện nhờ nước sông Đa Nhim phía trên Liên Khàng hay suối Đạ Tam (Datam) có thể cung cấp cho từ 500 đến 600 ha. Công trình được ước tính 25.000 đồng vào năm 1904 chắc sẽ được thực hiện trong tương lai.

Phi Nôm ở gần hợp lưu của Đạ Tam và Đa Nhim. Từ đây có một nhánh đường đi Xóm Gòn qua Đrăn (Dran). Từ Phi Nôm đến Klong (cây số 150), xe chạy ngang qua vài cánh đồng lúa và buôn làng. Từ Pren (Prenn), xe thực sự leo lên cao nguyên. Pren (cây số 165) nằm ở độ cao 1.125m trong khi Đà Lạt, còn cách xa 10km, ở độ cao 1.475m.

Xe men theo sườn đồi, chúng tôi lúc nhìn về hướng Nam, lúc nhìn về hướng Bắc. Một đoạn đèo hiện ra, chúng tôi tưởng là đoạn đèo cuối cùng, nhưng sau đó xe lại tiếp tục lên dốc.

Mọi người reo lên khi từ trên đỉnh đồi nhìn thấy những căn nhà gỗ nằm rải rác trên cao nguyên. Dưới thung lũng là căn nhà gỗ trước đây nhân viên của các phái đoàn nghiên cứu đã trú ngụ hiện dùng làm khách sạn. Xa xa, Toà công sứ nằm chơ vơ trên đỉnh đồi cao nhất, bên cạnh đó và thấp hơn là căn nhà gỗ của viên chưởng lý theo đúng tôn ti trật tự. Bên phải chúng tôi là căn nhà của công chánh và bên trái là Toà Thị chính.

Trừ hướng tây bắc, cao nguyên Lang Bian ở độ trung bình 1500m trải dài hàng trăm cây số vuông, dân cư rất thưa thớt, chỉ sống ven bờ suối Cam Ly. Một làng người Việt được xây dựng ở bờ suối. Dân làng là những người thợ và người đi buôn, phần lớn là nhân viên địa chính cũ của các phái đoàn nghiên cứu”.

Đà Lạt nằm trọn trong tỉnh Lâm Đồng, phía bắc giáp huyện Lạc Dương, phía đông và đông nam giáp huyện Đơn Dương, phía tây giáp huyện Đông Hà, phía tây nam giáp huyện Đức Trọng. Địa hình Đà Lạt được phân thành hai dạng rõ rệt: địa hình núi và địa hình bình nguyên trên núi. Địa hình núi của Đà Lạt được phân bổ xung quanh vùng cao nguyên trung tâm thành phố. Các dãy núi cao khoảng 1.700 mét tạo thành một vành đai chắn gió che cho khu vực lòng chảo trung tâm. Từ thành phố nhìn về hướng bắc dãy Lang Biang như một tường thành theo hướng đông bắc-tây nam, kéo dài từ suối Đạ Sar đến hồ Đankia. Hai đỉnh cao nhất của dãy núi này có độ cao 2.167 mét. Án ngữ phía đông và đông nam Đà Lạt là hai dãy Bi Doup và Cho Proline. Về phía Nam, địa hình núi chuyển tiếp sang bậc địa hình thấp hơn, đặc trưng là khu vực đèo Prenn với các dãy núi cao xen kẽ những thung lũng sâu. Trung tâm Đà Lạt như một lòng chảo hình bầu dục dọc theo hướng bắc-nam với chiều dài khoảng 18 km. Những dãy đồi đỉnh tròn ở đây có độ cao tương đối đồng đều nhau, sườn thoải về hướng hồ Xuân Hương và đầu cao về phía các vùng núi bao quanh. Nơi cao nhất trong trung tâm thành phố là dinh Nguyễn Hữu Hào với độ cao 1.532 mét, còn điểm thấp nhất là thung lũng Nguyễn Tri Phương, độ cao 1.398 mét.

Trên địa phận thành phố Đà Lạt, xen giữa vùng đồi thấp trung tâm thành phố và các dãy núi bao quanh, có thể thấy hơn 20 dòng suối có chiều dài trên 4km, thuộc các hệ thống suối Cam Ly, Đa Tam và hệ thống sông Đa Nhim. Đây đều là những con suối đầu nguồn thuộc lưu vực sông Đồng Nai, trong đó hơn một nửa là các con suối cạn, chỉ chảy vào mùa mưa và cạn kiệt vào mùa khô. Suối Cam Ly dài 64,1km, bắt nguồn từ huyện Lạc Dương, chảy theo hướng bắc-nam và đổ vào hồ Xuân Hương. Đây chính là hệ thống suối lớn nhất Đà Lạt, có vai trò quan trọng trong việc tạo cảnh quan cho khu vực đô thị trung tâm. Đà Lạt còn nổi tiếng là thành phố của hồ và thác với khoảng 16 hồ lớn nhỏ phân bổ rải rác, phần nhiều là các hồ nhân tạo. Hồ Xuân Hương nằm ở trung tâm thành phố, rộng khoảng 38 ha, được tạo lập năm 1919 trong quá trình xây dựng Đà Lạt.

Sau khi triều đình Huế thông báo dụ thành lập Thị tứ Đà Lạt vào năm 1916, dân cư Đà Lạt và vùng lân cận dần tăng lên, hệ thống giáo dục ở đây bắt đầu hình thành và phát triển cùng với sự phát triển của thành phố. Trường học đầu tiên ở Đà Lạt là trường École francaise, khai giảng vào ngày 20-12-1919, chỉ dành riêng cho các học sinh người Pháp. Cuối thập niên 1920, những công  chức người Pháp tới Đà Lạt ngày một đông, thành phố có thêm hai ngôi trường Pháp mới, Petit Lycée và Grand Lycée. Trường Grand Lycée được khởi công xây dựng vào năm 1929 và khai giảng năm 1933, dành cho con em người Pháp và các quan lại người Việt. Đến năm 1935, trường khánh thành và mang tên Trung học Yersin , tiền thân của trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt ngày nay. Ngôi trường dành cho học sinh Việt Nam đầu tiên là một trường tư được thành lập năm 1927. Năm 1928, ngôi trường công dành cho học sinh Việt Nam mang tên École communale de Dalat, khai giảng khoá đầu tiên. Năm 1934, Trường Couvennt des Oisecaux và năm 1939, Trường Thiếu sinh quân Đà Lạt lần lượt được ra đời. Ở bậc giáo dục đại học, niên học 1944-1945, Chính phủ Pháp cho mở một lớp chuyên khoa toán đặt tại Trung học Yersin. Lớp học này có khoảng 40 sinh viên, chỉ tồn tại đến tháng 3-1945, thời điểm Nhật đảo chính Pháp. Thời kỳ 1945 đến 1954, ở Đà Lạt còn xuất hiện thêm hai trường mới, Trường Hành chính Quốc gia và Trường Võ bị Liên quân Đà Lạt. Sau năm 1954, dân số Đà Lạt tăng đột biến nhờ một lượng lớn di dân từ miền Bắc và miền Trung, nhiều ngôi trường mới tiếp tục ra đời. Năm 1957, Viện Đại học Đà Lạt được thành lập, xuất phát từ một tổ chức tư thục do giáo hội Thiên Chúa giáo quản lý. Từ 49 sinh viên trong niên học đầu tiên 1958-1959, đến niên học 1974-1975, Viện Đại học Đà Lạt có khoảng 5.000 sinh viên theo học, bao gồm các trường Đại học Sư phạm, Đại học Văn khoa, Đại học Khoa học và Đại học Chính trị-Kinh doanh. Thời điểm trước tháng 4-1975, tại Đà Lạt có đến 61 ngôi trường, cả công lập và tư thục. Bên cạnh các trường phổ thông, đại học, ở đây còn có nhiều trường đào tạo quân sự và tôn giáo như Trường Võ bị Quốc gia, Trường Chiến tranh chính trị, Trường Chỉ huy và Tham mưu, Giáo Hoàng học viện.

Do đặc điểm địa hình, giao thông Đà Lạt chỉ gồm đường bộ, đường sắt và đường không. Tuyến đường quan trọng nhất nối Đà Lạt với các thành phố khác là quốc lộ 20. Con đường này giao với quốc lộ 1 tại ngã ba Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai, từ đó hướng về Sài Gòn và nối với quốc lộ 27 tại D’Ran để về Phan Rang và các tỉnh Nam Trung Bộ. Quốc lộ 20 còn cắt qua Di Linh, từ đây theo quốc lộ 28 hướng nam sẽ dẫn đến thành phố Phan Thiết. Xuất phát từ Đà Lạt, tuyến đường 723 đi xuyên qua các huyện Lạc Dương của Lâm Đồng và Khánh Vĩnh, Diên Khánh của Khánh Hoà, tới thành phố Nha Trang, giúp hành trình giữa hai thành phố du lịch nổi tiếng chỉ còn khoảng 130km, so với lộ trình cũ Đà Lạt-Phan Rang-Nha Trang dài 228 km. Đà Lạt còn một tuyến tỉnh lộ khác là đường 722 đi Đam Rông, nối thành phố với các vùng tây bắc của tỉnh Lâm Đồng.

Tuyến đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt được xây dựng từ năm 1903 đến năm 1928 bắt đầu khai thác vận tải toàn tuyến. So với các tuyến đường sắt khác ở Việt Nam, tuyến Tháp Chàm – Đà Lạt độc đáo nhờ sử dụng hệ thống đường sắt răng cưa, gồm ba đoạn từ Sông Pha lên tới Đà Lạt, tổng cộng gần 16 km. Điểm cuối của tuyến đường sắt này là nhà ga Đà Lạt, xây dựng từ năm 1932 đến năm 1938, một công trình kiến trúc độc đáo do hai kiến trúc sư người Pháp Révéron và Moncet thiết kế giao thông hàng không của Đà Lạt được thực hiện qua sân bay Liên Khương và sân bay Cam Ly. Sân bay Liên Khương cách trung tâm thành phố Đà Lạt 28 km về phía nam, nằm cạnh quốc  lộ 20, thuộc thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng. Phi trường này được người Pháp cho xây dựng và đưa vào hoạt động vào năm 1933, khi đó chỉ có một đường băng bằng đất nện cứng dài 700 mét. Trong Thế chiến thứ hai, Quân đội Nhật Bản đã nâng cấp sân bay Liên Khương, đường hạ cánh được rải cán đá và dùng cho mục đích quân sự. Phi trường còn tiếp tục được xây dựng dưới thời Việt Nam Cộng hoà với nhà ga dân dụng mới và mặt đường băng phủ bê tông nhựa có thể sử dụng cho máy bay dưới 35 tấn.

Đà Lạt là thành phố được thiên nhiên dành cho nhiều ưu ái. Những thắng cảnh của thành phố, nằm rải rác ở cả khu vực trung tâm lẫn vùng ngoại ô, như hồ Xuân Hương, đồi Cù, thung lũng Tình Yêu, hồ Than Thở, thác Prenn… từ lâu đã trở nên nổi tiếng.

Lịch sử đã để lại cho Đà Lạt không ít những công trình kiến trúc giá trị, như những công sở, trường học, nhà thờ, tu viện, chùa chiền, công trình công cộng… cùng hàng ngàn biệt thự xinh đẹp hiện diện khắp thành phố. Do những đặc điểm trong quá trình hình thành cộng đồng dân cư, đời sống tín ngưỡng và tôn giáo ở Đà Lạt rất đa dạng. Trên thành phố ngày nay có thể thấy sự hiện diện của 43 nhà thờ, tu viện Công giáo hay Tin Lành, 55 ngôi chùa và tịnh xá Phật giáo, 3 thánh thất Cao Đài cùng rất nhiều những ngôi đình làng nằm rải rác. Phần lớn cư dân Đà Lạt hiện nay là những người Việt đến từ nhiều  vùng miền, vì thế có thể bắt gặp ở đây tất cả những hình thái tín ngưỡng phổ biến của người Việt như tục thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng Thành hoàng, tục thờ Mẫu, tục thời gia thần… Nhưng điểm làm nên sự khác biệt giữa đời sống tín ngưỡng ở Đà Lạt với các vùng khác như miền Bắc và miền Trung chính là tuổi đời mới chỉ một thế kỷ của thành phố. Đà Lạt không có những ngôi từ đường cổ kính, các thôn làng ở đây không có những gốc tích xa xưa, những ngôi đình làng tuy xuất hiện dày đặc nhưng phần lớn đều mới được dựng lên cách đây chỉ 3, 4 thập kỷ và mang quy mô nhỏ

Hầu hết các tôn giáo lớn ở Việt Nam đều có mặt tại Đà Lạt, trong đó đạo Phật là tôn giáo có lượng tín đồ đông đảo nhất, tiếp đến là Công giáo, đạo Cao Đài và đạo Tin Lành. Các tôn giáo du nhập vào vùng cao nguyên Lâm Viên từ khá sớm và sự tăng trưởng về số lượng tín đồ, cơ sở thờ tự đều gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của thành phố. Hầu như mỗi cuộc di dân đến đây đều đem lại cho Đà Lạt thêm một số lượng tín đồ cùng sự hình thành các cơ sở thờ tự mới.

Ngay sau khi tỉnh Đồng Nai Thượng và Đại lý hành chính Đà Lạt thành lập, năm 1900 Nhà Đốc lý Đà Lạt được xây dựng. Đến năm 1907 Lữ quán đầu tiên cho khách vãng lai là Hotel du lac (khách sạn Bên Hồ) được triển khai. Năm 1908 Trạm Nông nghiệp Đan Kia chuyển về Đà Lạt và tới năm 1911 toàn quyền Albert Sarraut chủ trương thi công gấp đường giao thông lên Đà Lạt và từ quyết định này đến năm 1914 đường Di Linh – Đà Lạt được hoàn thành.

Đến cuối năm 1916 thị tứ Đà Lạt chỉ gồm có 8 căn nhà gỗ dùng làm công sở bên dòng suối Cam Ly, khách sạn Bên Hồ từ 9 phòng ban đầu tăng lên 26 phòng và một làng người Việt gồm những người thợ và thương nhân hình thành. Cũng trong năm 1916 khách sạn Palace khởi công.

Đầu năm 1918, nhà máy đèn đầu tiên của Đà Lạt được xây dựng và vận hành với công suất 50KW và đường dây hạ thế chủ yếu cung cấp cho công sở và khách sạn Bên Hồ gần nhà máy. Nhà máy được đặt thung lũng sau Nhà Đốc lý nay là thung lũng trước Sở Giáo dục Lâm Đồng.

Cũng trong năm 1918 nhiều công trình được thi công như Bưu điện, trường Nazareth, nhà Ngân khố. Năm 1920 nhà máy nước đầu tiên của Đà Lạt khánh thành. Năm 1923 khách sạn Du Parc bước vào xây dựng. Đến năm 1923 bắt đầu thực hiện qui hoạch mới thành phố Đà Lạt của kiến trúc sư Hebrard, đáng kể nhất là trường Tiểu học Pháp (Petit Lycee) khánh thành năm 1927.

Với một loạt công trình mới đưa vào xử dụng, nhà máy đèn đầu tiên không đủ công suất đáp ứng, vì vậy đến năm 1927 khởi công xây dựng nhà máy điện mới theo qui hoạch của Hebrard và sau hơn một năm thi công, năm 1928 nhà máy điện mới được khánh thành.

Nhà máy điện thứ hai của thành phố Đà Lạt toạ lạc tại số 118 đường 3 tháng 2 hiện nay và vẫn còn nguyên số đắp nổi 1928 ở mặt tiền trên cao của nhà máy. Nhà máy này đầu tiên gồm 3 tổ máy vận hành bằng dầu mazout:

  1. Tổ máy số 1:

     Công suất:              200KW       Diện áp                3,3KV

     Hãng chế tạo:                   SIERRA – ALSTHOM   của   Pháp 

  1. Tổ máy số 2:

     Công suất:              400KW       Điện áp                3,3KV

     Hãng chế tạo:                   WINTERTHUR  của  Thuỵ Sĩ

  1. Tổ máy số 3:

     Công suất:              400KW       Điện áp                3,3KV

     Hãng chế tạo:                   WINTERTHUR  của  Thuỵ Sĩ.

Các tổ máy được làm mát bằng nước chảy theo một chu trình kín. Nước từ đài nước cao cũng có số đắp nổi 1928 cạnh nhà máy chảy theo thế năng tự nhiên qua các tổ máy. Nước khi chảy qua các tổ máy hấp thụ nhiệt năng sinh ra trong quá trình sản xuất điện, nước nóng này chảy ra khỏi nhà máy vào các hồ giải nhiệt 1, 2 và 3 có cao trình thấp dần có mặt thoáng rộng và nhờ nhiệt độ môi trường tự nhiên thấp làm nhiệt độ nước giảm dần từ hồ 1 qua hồ 2 và hồ 3. Từ hồ 3 nước đã được giảm nhiệt được bơm lên đài nước để tiếp tục chu trình tự chảy vào làm mát các tổ máy.

Nhà máy ban đầu chỉ có các đường dây 3,3 KV cung cấp điện chủ yếu cho khu công sở, khách sạn, khu vực gần nhà máy như trường tiểu học Pháp, bệnh viện…

Năm 1929 nông trại O’Neil nằm ở hạ lưu thác Cam Ly tự thiết kế và thi công một công trình thủy điện gồm một đập nước cao 15m, dày từ 54m đến 65m và hai tổ máy công suất 55HP và 260HP tương đương 40KW và 190KW cung cấp điện cho thắp sáng, bơm nước, ướp lạnh, đóng chai… Đáng tiếc là đến năm 1932 một cơn bão mạnh gây mưa lớn làm nước dâng nhanh trên dòng Cam Ly. Hậu quả là đập nước bị phá hỏng và dòng nước đã cuốn trôi hoàn toàn công trình. Vậy là công trình thủy điện đầu tiên của Đà Lạt không còn hiện hữu.

Cũng trong năm 1932 đường Sài Gòn-Đà Lạt và đường sắt Phan  Rang-Đà Lạt hoàn thành tạo điều kiện thuận tiện cho việc chuyên chở nguyên vật liệu phục vụ xây dựng các công trình. Do đó đây là thời kỳ Đà Lạt phát triển rất nhanh với hàng loạt công trình được khánh thành như:

– Năm 1935 hoàn thành đập Ông Đao sau khi khởi công năm 1932. Cũng trong năm này khánh thành trường Lycee Yersin có sự tham dự và đọc diễn văn của bác sĩ Yersin.

– Năm 1936 Viện Pasteur và trường Couvent des Oiseaux

– Năm 1937 khánh thành khu doanh trại quân đội Courbet (nay là Học viện Lục quân) và chợ Đà Lạt mới được xây dựng sau khi chợ Cây Củ bị cháy tại vị trí ấp Ánh Sáng hiện tại.

– Năm 1938 ga Đà Lạt, nhà máy nước hồ Than Thở và ấp Hà Đông.

– Năm 1939 trường Thiếu sinh quân (nay là Viện Đại học Đà Lạt), khu biệt thư Ruc des Glaieuls, Ruc des Roses (nay là đường Nguyễn Viết Xuân, Huỳnh Thúc Kháng), khu biệt thự Saint Benoit (nay là khu quanh hồ Mê Linh),  khu biệt thự Belles Vues (nay là khu Lê Lai).

– Năm 1940 lập ấp Nghệ Tinh và khánh thành chùa Linh Sơn. Cũng trong năm này, ngay sau khi nhận chức Toàn quyền Đông Dương Decoux giao cho trưởng phòng kiến trúc và qui hoạch là Kiến trúc sư Lagisquet thiết lập đồ án chỉnh trang và mở rộng thành phố Đà Lạt.

Chiến tranh thế giới lần thứ II (1939-1945) nổ ra đã làm cho những người Pháp trong bộ máy cai trị ở Đông Dương khó có thể trở về chính quốc hoặc các nước châu Âu để nghỉ hè. Vì vậy, Toàn quyền Đông Dương Decoux có chủ trương tiếp tục lấy Đà Lạt làm nơi nghỉ mát cho các du khách phương Tây. Chính vị Toàn quyền này đã cho xây dựng thủy điện Ankroet (Suối Vàng) vào năm 1943 để cấp điện cho thành phố Đà Lạt. Đây là nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam. Nhà máy này nằm cách thành phố Đà Lạt 18km về phía tây bắc, thuộc địa phận xã Lát, huyện Lạc Dương ngày nay. Kể từ năm 1945 được đưa vào vận hành tới nay nhà máy đã hoạt động liên tục gần 70 năm.

Các công nhân xây dựng Việt Nam tham gia làm nhà máy hồi đó phần lớn là dân phu Nghệ Tĩnh bị bắt vào. Họ đã phải lao động vất vả trong ba năm trời để đắp đập với trên 300.000m3 đất, chẻ đá trên 1000m3 xây dựng đập tràn, tạo hồ chứa trên 21 triệu m3 nước đào hầm dẫn dài 534m để tạo cột nước 80 mét và lắp đặt 2 tổ máy 300KW. Bên cạnh đó họ còn phải thi công đường dây 3,3KV dài 15km để cấp điện cho Đà Lạt, công nhân vận hành nhà máy cũng toàn người Việt Nam. Từ năm 1945 nhà máy thuộc sự quản lý và điều hành của Công ty Điện nước Đông Dương (CEE). Nhà máy thủy điện Suối Vàng gồm các hạng mục sau:

  1. Hồ đập Đankia:

       – Cao trình đỉnh đập đất:                            1427m

       – Cao trình đỉnh tràn đập đá:            1421,8m

       – Diện tích lưu vực:                            141km2

       – Thể tích hữu dụng của hồ:              15,2 x 106m3.

       – Đường hầm đáy đập đá đường kính 1,6m dài 160m, cao trình 1410,8m.

  1. Hồ đập Ankroet:

       Hồ Ankroet nhận nước từ hồ Đankia và cung cấp cho nhà máy qua đường thủy đạo.

         – Cao trình đỉnh đập đá:                           1410,72m

         – Diện tích lưu vực:                             145km2

         – Thể tích hữu dụng:                          106m3.

  1. Thuỷ đạo:

       – Đường hầm bê tông cốt thép đường kính 1,6m dài 482m, cao trình 1406,72m.

       – Giếng điều áp bê tông cốt thép đường kính 3,8m

       – Đường ống thép dài 50m, đường kính 1,5m giảm dần còn 1,3m

       -Van cầu đường kính 1,3m

       – Đường ống thép thuỷ áp dài 182m, đường kính 1,3m

       – Hầm xả cao trình 1321m.

  1. Nhà máy:

       Nhà máy gồm 2 tổ tuabin máy phát công suất 300KW mỗi ngày Hãng sản xuất BELL của  Mỹ.

  1. Đường dây trung thế:

       Đường dây trung thế 13,2KV Suối Vàng-Đà Lạt dài 12km cung cấp điện cho Dòng Chúa Cứu Thế (nay là Phân viện Sinh học) và Domaine de Marie (nay là tu viện Mai Anh) và khu vực lân cận.

0