24/05/2018, 22:08

Nghiên cứu thị trường xuất khẩu

Nghiên cứu thị trường là một khâu rất quan trọng không thể thiếu được đối với bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tham gia kinh doanh trên thị trường thế giới. Nghiên cứu thị trường tạo khả năng cho các nhà kinh doanh thấy được quy luật vận động của ...

Nghiên cứu thị trường là một khâu rất quan trọng không thể thiếu được đối với bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tham gia kinh doanh trên thị trường thế giới. Nghiên cứu thị trường tạo khả năng cho các nhà kinh doanh thấy được quy luật vận động của từng hàng hoá cụ thể thông qua sự biến đổi nhu cầu, nguồn cung cấp và giá cả hàng hoá đó trên thị trường, giúp họ giải quyết được các vấn đề thực tiễn kinh doanh.

Nghiên cứu thị trường là quá trình thu thập thông tin số liệu về thị trường so sánh, phân tích những thông tin số liệu đó để rút ra kết luận về xu hướng vận động của thị trường. Những kết luận này giúp cho nhà quản lý đưa ra được những nhận định đúng đắn để lập kế hoạch kinh doanh, kế hoạch Marketing. Nội dung chính của nghiên cứu thị trường là xem xét khả năng xâm nhập và mở rộng thị trường. Nghiên cứu thị trường được thực hiện theo hai bước: nghiên cứu khái quát và nghiên cứu chi tiết thị trường.

Nghiên cứu khái quát thị trường cung cấp cho ta biết được những thông tin về quy mô, cơ cấu, sự vận động của thị trường, các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường như môi trường kinh doanh, môi trường chính trị – luật pháp, khoa học công nghệ, môi trường văn hoá xã hội, môi trường sinh thái.

Nghiên cứu chi tiết thị trường cho biết những thông tin về tập quán mua bán, những thói quen và những ảnh hưởng đến hành vi, mua hàng của người tiêu dùng.

Nghiên cứu thị trường được tiến hành theo hai phương pháp chính: nghiên cứu tại bàn và nghiên cứu tại hiện trường. Nghiên cứu tại bàn là nghiên cứu bằng cách thu thập thông tin từ các nguồn tài liệu đã được xuất bản công khai và xử lý các thông tin đó. Nghiên cứu tại hiện trường là việc thu thập thông tin chủ yếu thông qua tiếp xúc trực tiếp, sau đó tiến hành phân tích các thông tin thu thập được.

Nghiên cứu thị trường bao gồm:

Lựa chọn thị trường xuất khẩu.

Lựa chọn thị trường xuất khẩu phức tạp hơn nhiều so với việc lựa chọn thị trường trong nước bởi vì các nước khác nhau có những nhu cầu, yêu cầu rất nhau về mỗi loại hàng hoá. Do vậy việc lựa chọn thị trường xuất khẩu đòi hỏi phải tốn nhiều thời gian và công sức mới đưa ra được quyết định đúng đắn. Khi nghiên cứu thị trường doanh nghiệp cần chú ý đến các vấn đề sau:

-Thông tin về quy mô, cơ cấu, sự vận động của thị trường và các nhân tố làm thay đổi dung lượng của thị trường.

-Nắm vững thông tin về biến động giá cả hàng hoá trên thị trường thế giới cũng như giá nguồn hàng cung cấp trong nước.

-Công việc nghiên cứu thị trường phải diễn ra thường xuyên liên tục vì thị trường luôn biến động.

Lựa chọn mặt hàng xuất khẩu.

Mục đích của việc lựa chọn mặt hàng xuất khẩu là để xác định những mặt hàng kinh doanh phù hợp với năng lực và khả năng của công ty, đồng thời đáp ứng được nhu cầu của thị trường, từ đó mang lại hiệu quả kinh doanh cao.

Để lựa chọn mặt hàng xuất khẩu, trước tiên cần phải dựa vào nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng về chủng loại, số lượng, chất lượng, giá cả hàng hoá trên thị trường xuất khẩu. Mặt khác cần phải xem xét đến khả năng đáp ứng của thị trường trong nước về mặt hàng đó. Nghiên cứu thị trường để lựa chọn mặt hàng xuất khẩu cũng cần phải phân tích kỹ tình hình cung trên thị trường đó chính là toàn bộ khối lượng hàng hoá đã và đang có khả năng bán ra trên thị trường, cần xem xét đến giá cả trung bình, sự phân bố hàng hoá và tình hình sản phẩm của công ty đang ở giai đoạn nào trên thị trường. Chú ý đến đối thủ cạnh tranh, khả năng cung ứng, sức mạnh tài chính, kế hoạch sản xuất kinh doanh của họ và các biện pháp cạnh tranh mà họ sử dụng.

Cần phải đánh giá đúng thực lực của mình về khả năng cung ứng, giá cả và việc dự báo chính xác những thuận lợi, khó khăn khi tung hàng hoá ra thị trường nước ngoài.

Lựa chọn đối tác kinh doanh

Đối tác kinh doanh là những người những hoặc những tổ chức có quan hệ giao dịch với doanh nghiệp nhằm thực hiện các hợp đồng mua bán hàng hoá hoặc các loại dịch vụ. Việc lựa chọn đúng đối tác là điều rất quan trọng để thực hiện thắng lợi hợp đồng xuất khẩu. Để lựa chọn đối tác kinh doanh người ta thường dựa vào những căn cứ sau:

-Tình hình sản xuất, kinh doanh của đối tác để thấy được khả năng cung cấp lâu dài.

-Quan điểm kinh doanh của đối tác trên thị trường trong nước cũng như trên thị trường quốc tế.

-Lĩnh vực kinh doanh của đối tác.

-Khả năng tài chính và cơ sở vật chất của đối tác. Khả năng thanh toán của đối tác trong ngắn hạn, dài hạn đảm bảo hợp đồng được thanh toán đúng thời hạn. Nghiên cứu sức mạnh về vốn, về công nghệ của đối tác cho thấy được những ưu thế trong thoả thuận về giá cả, điều kiện thanh toán.

-Thông tin và mối quan hệ trong kinh doanh.

0