18/06/2018, 16:41

Nghĩ về chiến thắng Xương Giang và sở thuyết “có đức công mới lớn, có người đất mới linh”

Khổng Đức Thiêm Trước khi quân đội nhà Minh tràn vào giày xéo và đặt ách thống trị lên Đại Việt, Xương Giang là một vùng đô hội khá sầm uất, một trung tâm thương mại nối giữa trung châu với vùng duyên hải, một giang cảng tấp nập ngày đêm với nhiều thuyền bè qua lại. Chứng cứ là, ...

Trận_Chi_Lăng_-_Xương_Giang.png

Khổng Đức Thiêm 

Trước khi quân đội nhà Minh tràn vào giày xéo và đặt ách thống trị lên Đại Việt, Xương Giang là một vùng đô hội khá sầm uất, một trung tâm thương mại nối giữa trung châu với vùng duyên hải, một giang cảng tấp nập ngày đêm với nhiều thuyền bè qua lại. Chứng cứ là, trong tác phẩm Truyền kỳ mạn lục, thông qua Túy Tiêu truyện, Nguyễn Dữ đã phác họa lại đôi nét của Xương Giang vào những năm cuối đời Thiệu Phong nhà Trần với những tầng tầng lớp lớp tư dinh của Trần soái Lạng Giang Nguyễn Trung Ngạn, những bữa tiệc đêm sang trọng trong ánh nến lung linh, những màn múa hát của các ca kỹ mừng nhà thơ lừng danh đất Kiến Hưng là Dư Nhuận Chi tại Phiếm Bích Đường. Trong một câu chuyện khác mang tựa đề Xương Giang yêu quái lục, Nguyễn Dữ cũng ghi lại quang cảnh của sông Thương khi các đoàn thuyền chở đầy tơ lụa của Hồ Kỳ Vọng từ mạn Phong Châu – Bạch Hạc xuôi sông Thao tìm đến.

Xương Giang khi ấy vốn không có thành quách quân sự. Vị thế mà thiên nhiên ban tặng cho Xương Giang không có dáng vẻ uy linh của núi cao, rừng rậm. Nó chỉ là một vùng đất nhỏ hẹp trải ở đôi bờ sông Thương. Con sông có tên chữ là Nhật Đức Giang nhưng dân gian còn gọi nó bằng những tên thơ mộng khác như Đào Hoa Giang, Xương Khê, Xương Thủy; đến như Lý Tử Tấn trong Xương Giang phú cũng chỉ gọi đó là một lạch thiên nhiên của trời Nam sẵn có mà thôi. Theo ông, Xương Giang trước lúc giặc Minh sang lấn, lập trại đắp thành, chiếm giữ đất cát, tàn hại sinh linh chỉ là những cồn cát rải rác, bãi lau rườm rà, ầm ầm sóng vỗ, dồn dập nước sa, không sâu không nông, dễ lội dễ qua, một lá vượt sang không hiểm như Cù Đường – Diễm Dự, ném roi thẳng tới, không lo như Hắc Thủy, Đại Hà.

Nhật Nham (Trinh Như Tấu), trong bài Nhà Minh đặt cuộc đô hộ và đắp thành Xương Giang làm thế ỷ dốc cho rằng:

“Nhà Minh chiến giữ nước Nam, chia đất làm 17 phủ và 5 châu, đặt 12 vệ để phòng giữ những nơi xung yếu, xây thành đắp lũy rất kiên cố đề phòng nội biến.

Trong số các thành trì, có thành Xương Giang được liệt vào hàng xung yếu, vì nó ở ngay cuống học đường sang Nam Quan […]. Thành bằng đất rất kiên cố, chu vi 1200 thước tây, địa thế rộng 75 mẫu (27 vạn thước vuông) chung quanh có 4 cửa và 4 pháo đài. Trong thành có dinh thự, có cột cờ, có nhà giam, có kho thóc, có trại quân”[1].

Sau khi trở thành cứ điểm quân sự, năm 1420, Xương Giang đã từng bị nhân dân Đại Việt đánh phá. Sử cũ ghi lại:

“Người làng Tràng Kênh, huyện Thủy Đường là Lê Ngã, đổi họ tên thành Dương Cung, tự xưng là Thiên thượng Hoàng đế, đặt niên hiệu là Vĩnh Thiên.

Ngã vốn là gia nô của Trần Thiên Lại, tướng mạo rất đẹp, đã từng đi khắp bốn phương, đến đâu cũng được mọi người cung dưỡng. Ngã lại trá xưng là lính hầu của Mã Kỳ, đi dọa nạt các châu huyện làm kế nuôi thân. Thấy Công Chứng, Phạm Ngọc, Phạm Thiện đua nhau nổi dậy, Ngã bảo những người quen biết:

– Các anh có muốn giầu sang không? Ai muốn thì hãy theo ta!

Đến huyện Đan Ba (nay là Đình Lập) – Lạng Sơn, Ngã trá xưng là cháu bốn đời của Trần Duệ Tông, từ nước Lão Qua trở về. Phụ đạo Đan Ba là Bế Thuấn đem con gái gả cho và lập làm vua. Trong khoảng mấy tuần, một tháng đã có vài vạn quân, hắn ra An Bang chiếm trại Hồng Doanh. Sau khi Công Chứng, Phạm Ngọc thất bại, thì dư đảng của họ theo về với Ngã, số quân được mấy vạn người. Ngã tiếm xưng tôn hiệu, dựng niên hiệu, đặt quan chức, đúc tiền, đốt thành Xương Giang, cướp trại Bình Than”[2].

Mấy năm sau, bão táp của phong trào Lam Sơn tràn đến Xương Giang. Theo Trần Nguyên Hãn liệt tuyệt do Lê Quý Đôn ghi trong Đại Việt thông sử thì vào năm Đinh Mùi (1427) “bọn chỉ huy nhà Minh là Kim Dận giữ thành này để bảo vệ con đường rút về [và đón viện binh sang], cùng Lý Nhậm là tên mới nhận chức, ra sức cố thủ. Qua hơn 6 tháng đánh nhau với quân ta ở Khoái Châu, Lạng Giang, nhùng nhằng không phân thắng bại. Quan quân không lên được thành. Vua thấy viện binh của giặc sắp đến, mới sai bọn ông ra đánh gấp. Ông đến nơi, sai đào đường ngầm, dùng câu liêm, giáo, nỏ cứng, hỏa tiễn, hỏa pháo bốn mặt cùng đánh, không dầy một giờ đã hạ được thành. Dận và Nhậm tự sát. Ông thu được vàng lụa và con gái đều đem về cho quân sĩ cả. Vương Thông nghe tin thua trận phải làm văn tế”[3].

Về trận này, Quốc sử quán triều Nguyễn cũng ghi:

“Xương Giang là đường lối quân Minh tất phải qua lại. Bọn chỉ huy Minh là Kim Dận và Lý Nhậm bị vây hàng hơn sáu tháng, liều chết cố giữ để đợi viện binh; quan quân không hạ được. Đến đây [tháng 9 năm Đinh Mùi – 1427], các tướng Trần [Nguyên] Hãn khoét đất thành đường hầm, đánh kẹp lại, mới phá được thành này. Bọn Kim Dận đều chết”[4].

Như vậy, tòa thành Xương Giang bị hai lần công phá vào năm 1420 bởi Lê Ngã và tháng 10-1427 bởi Trần Nguyên Hãn. Trận quyết chiến chiến lược ở Xương Giang tiếp diễn không hề xảy ra ở trong ngoài khuôn viên thành lũy Xương Giang mà lại xung đột ở vùng phụ cận. Mặt trận Xương Giang mở rộng hơn rất nhiều, kể cả khái niệm về không gian địa lý và không gian tác chiến. Sử cũ ghi lại:

“Mùa đông, tháng 10, vua sai Lê Lý và Lê Văn An đem 3 vạn quân bao vây bốn mặt, lại dựng rào lũy ở tả ngạn sông Thương để ngăn chặn. Bọn [Thôi] Tụ không còn mưu kế gì khác đành phải đắp lũy giữa cánh đồng để tự vệ.

[Thôi] Tụ ngỡ là thành Xương Giang chưa bị phá, dẫn quân định tới đó. Khi tới nơi thì thành Xương Giang đã mất, chúng hết cả hy vọng, lại càng kinh hoàng sợ hãi. Gặp lúc trời báo tai biến, mưa to gió lớn, núi rừng gầm thét, người ngựa nhìn nhau không nhích lên được bước nào. Giặc chỉ còn cách đợi đến đêm vắng, bắn súng làm tín hiệu báo cho hai thành Đông Quan và Chí Linh để họ nghe thấy tiếng súng thì ra cứu viện. Nhưng Đông Quan và các thành tự cứu còn chưa xong, biết đâu đến chỗ khác.

Vua bèn sai các quân thủy, bộ cùng tiến quân bao vây chúng. Lại chia quân chặn hết các cửa ải Mã Yên, Chi Lăng, Pha Lũy, Bàng Quan. Thôi Tụ và Hoàng Phúc muốn tiến không được, muốn lùi cũng không xong, bèn giả xin hòa nhưng âm mưu định chạy vào thành Chí Linh. Vua biết được quỷ kế của chúng, kiên quyết khước từ không cho hòa. Kế đó, sai Trần [Nguyên] Hãn chặn đứng đường vận chuyển lương thực của giặc, sai bọn Lê Vấn, Lê Khôi đem 3000 quân Thiết đột, 4 thớt voi cùng với bọn [Lê] Sát, [Lê] Lý, [Lưu] Nhân Chú, [Lê] Văn An tấn công bọn giặc.

Ngày 15 [tháng 10 năm Đinh Mùi, tức 3-11-1427] quân Minh đại bại, ta chém hơn 5 vạn thủ cấp giặc, bắt sống bọn Thôi Tụ, Hoàng Phúc và hơn 3 vạn tên, thu được vũ khí, ngựa chiến, vàng bạc, vải lụa nhiều không kể xiết. Còn những kẻ chạy trốn thì trong khoảng không đến 5 ngày đều bị bọn chăn trâu kiếm củi bắt bằng hết, không sót tên nào”[5].

“Sau khi đã dẹp yên được bốn cõi, đem lại giang sơn cho nước nhà, Bình Định vương lên ngôi hoàng đế, tức là vua Thái Tổ nhà Lê.

Vua Lê Thái Tổ truyền phá thành Xương Giang san làm bình địa, chia địa thế làm năm phần, thưởng cho năm xã Thọ Xương, Hòa Yên, Nam Xương, Hà Vị, Đông Nham trước đã có công giúp nhà vua bình giặc Minh. Mỗi xã được hưởng một phần tức là 25 mẫu ruộng làm công điền để dùng vào việc tế tự. Chỗ đất ấy ngày nay đã trở nên những ruộng phì nhiêu, lại thêm có dẫn thủy nhập điền nên hoa lợi càng tăng bội. Những ruộng ấy thường gọi là ruộng Điền thành, hàng năm đấu cố sung vào công quỹ các xã trên để làm các việc công ích.

Giữa bốn góc thành, vẫn còn bốn thửa ruộng hình tròn là di tích bốn cái pháo đài xưa của nhà Minh dùng vào việc phòng thủ.

Ngày nay, tuy thời thế có biến thiên, mà số ruộng Điền thành còn đó để chứng nhận công cuộc dự chiến của năm xã xưa đã từng hy sinh để giúp vua Lê Thái Tổ kéo dân tộc ta ra khỏi vòng nước sôi lửa nóng. Vậy ngày nay một khi ta kỷ niệm công đức vua Lê, ta cũng nên nhớ tới tiền nhân năm xã vùng Giang Bắc với cái chiến công oanh liệt quanh thành Xương Giang về đầu thế kỷ 15″[6]. 

Như vậy, ngay từ cuối những năm 20 của thế kỷ XV thành Xương Giang đã được giải hạ. Những dấu tích còn lại của nó, vừa để minh chứng một phần cho chiến thắng Xương Giang vĩ đại, vừa để minh chứng cho ý chí yêu chuộng hòa bình của dân tộc ta, cha ông ta, như Lý Tử Tấn từng viết:

“Dân mến người có đức

Trời giúp bậc chí thành

Nay kính đặt mấy câu ca rằng:

Đức nhà vua thịnh, non sông linh

Áo nhung một mảnh, võ công thành

Từ đây khắp cõi đều yên bình

Kéo nước Ngân Hà rửa giáp binh

Sông đây, đất ấy,

Muôn thuở thăng bình”.

Với Lý Tử Tấn, Xương Giang trước hết là một vùng đất, là một vùng sông bình dị như bao vùng đất đai sông nước khác. Hết chinh chiến, nó lại trở về với nhịp sống muôn đời. Đó chính là điểm tựa cho lòng yêu chuộng một nền thái bình thịnh trị của dân tộc ta, là cơ sở để ngay lập tức Lê Lợi và những anh hùng đất Lam Sơn trả kiếm lại cho rùa thần, kéo nước Ngân Hà rửa giáp binh. Những vũ công lừng lấy giúp nên đất nước bình yên ấy có thể có thành cao, hào sâu, cũng có thể chỉ là một địa danh thường gặp, tất cả đều để lại dấu thơm muôn thuở còn truyền. Cho nên, điều dễ hiểu là, dấu vết của tòa thành Xương Giang – nơi đánh trận đầu sạch sanh kình ngạc tuy còn lại hết sức mờ nhạt nhưng không gian làm nên chiến thắng Xương Giang kỳ vĩ vẫn hiển hiện lên tất cả dáng vẻ oai hùng, vẫn có một sức cuốn hút kỳ lạ đối với biết bao thế hệ cháu con.

Mấy chục năm sau, Lê Thánh Tông trở lại chiến trường xưa của cha ông đã ghi lại Xúc cảm ở Xương Giang (Xương Giang cảm hoài) như sau:

“Đứng bên bờ dốc ngắm sông dài

Lặn với sao trời, ráng đỏ soi

Cái ý vô cùng vừa kéo đến

Tấm lòng tham dục bỗng tiêu vơi.

Sông xa bát ngát buồn trăng xế

Tiếng giặt đâu đây não ruột ai.

Tiêu trưởng lý xưa nào đổi khác

Nhân sầu muôn hộc thẩm mù khơi”.[7]  

Ba trăm năm sau, Đức Bảo – sứ thần nhà Thanh qua đây đã thốt lên trước vẻ đẹp của một vùng sông nước thanh bình.

“Ngày dài cưỡi sóng vượt Xương Khê

Cười ban Đông Pha đến chật đê

Áo vải tay đeo nón lá cọ

Thuyền hoa đầu chẹn sóng pha lê

Hoa như son đỏ màu tung nở

Mạ tựa măng non cấy chỉnh tề

Mắt thấy xóm làng đầy thói cổ

Gần xa nhà lá, đám mây che”.[8]

Tầm vóc vĩ đại của chiến dịch Xương Giang hạ thành diệt viện lớn lao đến mức làm ngỡ ngàng đối với nhiều lớp người của mọi thời đại. Mỗi khi giới sử gia cầm đến bút ghi chép về nó vẫn còn chưa hết xúc động. Có lẽ, chỉ có Nguyễn Trãi, người nếm mật nằm gai, ra sinh vào tử, từng vui buồn với từng trận đánh của nghĩa quân Lam Sơn, khi viết Bình Ngô đại cáo thì mới nhìn ra thật đúng ánh hào quang được tạo ra ở Xương Giang vào mùa đông năm Đinh Mùi đã khiến cho gió mây vì thế mà biến sắc, trời trăng ảm đạm đến lu mờ. Còn đối với Lý Tử Tấn, người cùng thời, cảm thức một cách đầy đủ sức rung động của chiến trận vùng Xương Giang đã thấy những vũ công ở phương Bắc nổi tiếng trong sách xưa cũng thành bé nhỏ trước chiến thắng của dân tộc vừa lập nên: Kìa trận Hợp Phù oanh liệt ngày trước, trận Xích Bích toàn thắng ngày xưa, sao bằng đây Xương Giang vẻ vang. Và, Lê Quý Đôn, con người sinh ra sau những vũ công lừng lẫy Xương Giang khoảng 3 thế kỷ lại có những giây phút nao lòng trước tầm cỡ kỳ vĩ của trận quyết chiến điểm chiến lược Xương Giang: “Có lẽ, từ triều Trần bắt được Tích Lệ Cơ, Ô Mã Nhi cho đến lúc ấy, nước Nam thắng giặc phương Bắc, chưa có trận nào lớn như vậy”[9].

Lớn lao, kỳ vĩ không phải là những từ ngữ dùng chỉ về một vùng đất cụ thể nào ở Xương Giang mà nó đồng nghĩa với những vũ công do con người tạo dựng. Có đức công mới lớn, có người đất mới linh[10] – đó chính là cốt lõi triết lý mà Lý Tử Tấn muốn gửi gắm trong bài Xương Giang phú của mình. Con người – mới là nhân tố quyết định hàng đầu làm nên mọi vinh quang cho mảnh đất này. Ngoài sức mạnh của toàn thể phong trào, sức mạnh của số đông khiến cho gươm mài đá đá núi phải mòn, voi uống nước nước sông phải cạn là sức mạnh của những tài năng, của những cá thể. Bình Ngô đại cáo ghi nhận một hiện thực trước giờ phút quyết định mọi sự thành bại của phong trào, Lê Lợi bèn tuyển những quân hùm gấu, bèn sai những tướng vuốt nanh đến mặt trận Xương Giang cũng chính là những ý nghĩa tốt đẹp trên. Vậy những người khiến cho đất trở nên linh địa đó là ai, phải chăng là:

– Trần Nguyên Hãn, người Lập Thạch (nay thuộc Vĩnh Phúc), dòng dõi Tư đồ Trần Nguyên Đán, có học thức, giỏi binh pháp, sớm nuôi chí cứu đời giúp dân nên đã lặn lội vào Lam Sơn tụ nghĩa. Ngoài việc luôn được dự bàn mưu kín, ông còn lập được nhiều công lớn ở Tân Bình, Thuận Hóa, thu được mấy vạn quân tinh nhuệ bổ sung cho nghĩa quân. Tại mặt trận Đông Đô năm Bính Ngọ (1426), ông cùng Lê Bị lĩnh hơn 100 chiến thuyền theo dòng sông Hát xuôi đến bến Đông Bộ, phối hợp với Lê Lễ phá tan được lực lượng của Vương Thông, tổ chức vây chặt Đông Đô. Mùa thu năm Đinh Mùi (1427), ông được thăng làm Thái úy, cùng Lê Sát đánh hạ Xương Giang. “Hơn 10 ngày sau, viện binh của Thôi Tụ quả nhiên kéo đến, nhưng thành đã bị mất nên chúng hoảng hốt không nơi nương tựa. Vua sai các cánh quân Lưu Nhân Chú, Lê Sát chặn phía trước, lại sai ông chặn đường tải lương, hai bên hợp lại đánh, phá được giặc”.[11]

– Lê Sát người làm Bỉ Ngũ ở Lam Sơn, trí dũng đều hơn người. Năm Canh Tý (1420) cùng Lê Triện lập công lớn ở trại Quan Du (sau này là châu Quan Hóa – Thanh Hóa). Năm Giáp Thìn (1424) tham gia chiến đấu ở ải Khả Lưu, góp phần phá tan được đội quân của Trần Trí, Sơn Thọ; bắt sống Đô ty là Chu Kiệt, chém tướng tiên phong là Hoàng Thành, đuổi giặc đến tận thành Nghệ An rồi lại cùng Lê Lễ đem tinh binh bao vây quân địch ở Tây Đô. Mùa thu năm Bính Ngọ (1426) khi Lê Lợi đem quân bao vây Đông Đô, ông và Lưu Nhân Chú được cử mang quân lên phía bắc đánh Xương Giang, được tiến phong Thiếu úy. Mùa xuân năm Đinh Mùi, ông được gọi về đóng giữ ở cửa nam thành Đông Đô. Đến tháng 6 tăng là Tư Mã, được vua sai cùng Thái úy Trần Nguyên Hãn đánh gấp thành Xương Giang. Tháng 9 hạ được thành ấy. Khi đại tướng nhà Minh là An Viễn hầu Liễu Thăng đem viện quân sắp tới, ông đem 2 vạn quân và 5 thớt voi cùng Lưu Nhân Chú, Lê Linh đến mai phục ở Chi Lăng, chỉ mở cho địch lối ra Xương Giang mà chặn hết đường về. Tháng 10, ông cùng các tướng khác lại lập công lớn ở Xương Giang.

– Lưu Nhân Chú, người xã An Thuận, huyện Đại Từ (Thái Nguyên), vốn nghề buôn bán, tham gia phong trào Lam Sơn từ đầu trong đội quân Thiết đột, lập được nhiều công lớn trong các trận đánh ở ải Khải Lưu (1424), Tây Đô (1425) và Trường Yên, Thiên Trường, Tân Hưng, Kiến Xương, Khoái Châu, Lạng Giang, Bắc Giang (1426). Tại Chi Lăng “ông cùng Lê Sát hợp mưu chung sức, sai Lê Lưu giả thua nhử giặc rồi tung quân ra đánh úp, chém được Liễu Thăng ở núi Mã Yên, sau đó lại chém được Bảo Định bá Lương Minh tại trận”[12], lập công lớn ở Xương Giang.

– Phạm Vấn, người thôn Nguyên Xá, huyện Lương Giang (Thanh Hóa), từng lập nhiều công lớn ở Bồ Mộng (1420), Sách Khôi (1422), Trà Lân (1424). “Khi bọn ông Lê Sát đã phá giết được Liễu Thăng, hội các tướng vây Thôi Tụ, Hoàng Phúc ở Xương Giang, tháng 10 [năm Đinh Mùi – 1427] vua lại sai ông cùng Lê Khôi đem 3000 tinh binh trợ chiến, phá được giặc, chém 5 vạn tên”[13].

Lê Lý, người thôn Dao Xá thuộc Lam Sơn (Thanh Hóa), từ đầu đã tham gia vào đội quân Thiết đột, lập được công lớn ở Lạc Thủy (1418), Mường Thôi (1420). “Từ đó về sau, giữ Lam Sơn, đánh Trà Lân, tấn công cửa ải Khả Lưu, bao vây Nghệ An, trải qua mấy chục trận, ông đều có công lớn, lần lượt thăng đến Thiếu úy”[14]. Tiếp đó, ông lại có mặt ở trận đánh Xương Giang.

Lê Văn An, người sách Mục Sơn, gần làng Lê Lợi, tham gia phong trào Lam Sơn từ đầu, có mặt trong đội quân Thiết đột. “Trải qua hơn 100 trận đánh lớn nhỏ, hoặc tấn công hoặc phòng thủ, ông đều lập nhiều công tích… Khi nhà vua tiến về Tây Đô, lưu ông lại bao vây chỉ huy của địch là Thái Phúc ở Nghệ An. Khi Phúc đã hàng, ông bèn dẫn quân ra Đông Đô. Ra tới nơi, vua lại sai ông cùng Lê Lý đem 3 vạn quân lên hỗ trợ Lê Sát làm thế ỷ dốc. Ông liên tục đánh phá quân của Thôi Tụ, Hoàng Phúc và vây chúng ở Xương Giang rồi cùng các tướng hợp lực phá địch, bắt sống được Thôi Tụ, Hoàng Phúc và 3 vạn quân địch, sau đó thiên hạ đại định”[15]. 

Khi nhận xét về Lưu Nhân Chú, một trong những tướng vuốt nanh kể trên, Lê Thái Tổ đã từng nhận thấy rằng: vua tôi một thể, chân tay giỏi thì đầu được tôn; giúp đỡ có người, rường cột chắc thì nhà mới vững. Ở Lưu Nhân Chú, đó là một “tài năng như cây tùng cây bách; chất người như ngọc phan, ngọc dư. Thấy nước nhà trong cơn hoạn nạn, nghĩ nghiệp vua không thể thiên an. Núi Linh Sơn đau khổ mấy tuần, người hằng lo lắng; xứ Ai Lao muôn phần vất vả, ngươi chẳng tiếc thân. Cứu nguy, phù suy, giành lại cơ đồ trong những ngày cháo rau cơm hẩm; trừ hung dẹp bạo, quét thanh trời đất khỏi tai ương ngựa sắt gươm vàng. Trận đánh ở Bồ Đằng như trúc trẻ tro bay; trận đánh ở Xương Giang, Chi Lăng như băng tan ngói lở. Giúp nên việc lớn càng rõ công to sáng nghiệp là khó khăn. Ngươi đã lấy võ công mà dẹp nạn; thủ thành không phải dễ, nước cần có người hiền mà giúp phò”[16].

Đối với Phạm Vấn, Lê Thái Tổ cũng cho rằng ông là một con người “ngay thẳng mà tiết tháo, quyết đoán mà nhiều muu hay. Đương lúc mới dấy nghĩa quân, là ngày đổi hết vận bĩ. Nằm gai nếm mật, cố chí lo toan; cướp đất đánh thành, nhiều công khôi phục. Trận Ba Lẫm, Bồ Đằng thế như đập cành khô củi mục. Trận ở Khả Lưu, Xương Giang bày ra cách quyết thắng, mưu kỳ. Cho nên: trừ được bọn hung tàn chó lợn lâu năm; rửa được sỉ nhục nước nhà muôn thuở. Như gió sét lướt qua nhanh, trời đất chuyển sang vận mới; cho nhật nguyệt càng thêm sáng tỏ, non sông bền vững muôn đời. Công nghiệp như thế, sao chẳng ngợi khen”[17].

Không chỉ Lê Lợi và Bộ chỉ huy phong trào Lam Sơn mới cử những tướng vuốt nanh đến mặt trận Xương Giang mà ngay nhà Minh cũng không dám coi thường hướng tiến quân này, giao đạo viện binh vào tay những viên tướng lão luyện.

Như đã biết, tháng 1-1427, nhà Minh quyết định điều động 70.000 quân sang cứu viện cho Vương Thông. Tháng 3-1427 lệnh cho các ty Bố chính, Án sát và Đô ty ở Quảng Tây chuẩn bị quân lương giao cho dân phu và thổ binh vận chuyển vào Đại Việt. Tháng 4-1427, điều động thêm 45.200 quân bổ sung cho đạo viện binh, nâng tổng số lên 115.200 quân cứu viện chính quy, chia làm 2 đạo.

Đạo viện binh thứ nhất sau này tiến vào Chi Lăng – Xương Giang do Thái tử Thái phó An Viễn hầu Liễu Thăng chỉ huy lĩnh chức Tổng binh, đeo ấn Chinh lỗ Phó tướng quân. “Liễu Thăng trước làm Phó tướng cho Trương Phụ, khi đuổi Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương ra vùng biển đều đi tiên phong có công lớn. Y vốn thuộc hết nơi nào hiểm, nơi nào dễ ở nước ta. Liễu Thăng thấy người nước ta yếu ớt, trong lòng thường coi khinh”[18].

Dưới trướng Liễu Thăng là Bảo Định bá Lương Minh được cử làm Tả phó Tổng binh và Đô đốc Bách bộ Thôi Tụ làm Hữu tham tướng quân. Đặc biệt còn có Thái tử Thiếu bảo Binh bộ Thượng thư Lý Khánh, con người từng được Minh Tuyên Tông coi là lão thành và lịch duyệt, giữ chức Tham tán Quân vụ và Công bộ Thượng thư Hoàng Phúc – người đã sống lâu năm ở Đại Việt.

Đạo quân do Liễu Thăng chỉ huy là một lực lượng tinh nhuê, điều động từ các vệ quân Nam Kinh, Bắc Kinh; ty Lưu thủ Trung Đô, Hộ vệ Vũ Xương; các Đô ty Hồ Quảng, Giang Tây, Phúc Kiến, Chiết Giang, Sơn Đông, Hà Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu, Hành đô ty Phúc Kiến và các Vệ quân nam Trực Lệ.

Kết cục là, toàn bộ đạo viện binh thứ nhất của địch bị tiêu diệt hoặc bắt sống. Liễu Thăng bị phơi thây ở ải Chi Lăng, Lương Minh vì trận hãm phải bỏ mình, Lý Khánh kế cùng phải thắt cổ tự tử, Thôi Tụ bị giết[19].

Hơn bất kỳ đâu, Xương Giang mãi mãi là biểu trưng cho một vùng đất nếu không gặp Thánh tổ sao được gọi là hiểm, nếu không gặp chiến thắng sao được truyền mãi danh như Lý Tử Tấn đã viết trong Xương Giang phú. Và cái tiêu đề có người đất nước linh, giữ nước không cốt ở hiểm yếu, giữ dân không cốt ở hùng binh ngàn đời vẫn đúng1.

 Hà Nội, 7-2009

K.Đ.T

Chú thích:

[1] Nhật Nham – Nhà Minh đặt cuộc… Tri Tân, số 65, tháng 9-1942.

[2] Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2000, tr.380-381.

[3] Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr.189.

[4] Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập I, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.793.

[5] Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Sđd, tr.431-432.

[6] Nhật Nham – Nhà Minh đặt cuộc… Sdd.

[7] Thơ văn Lê Thánh Tông, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1986, tr.252-253.

[8] Lê Quý Đôn, Vân đài loại ngữ, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1968, tr.112.

[9] Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, Sđd, tr.195.

[10] Những lời văn của Lý Tử Tấn được dẫn trong bài viết này nằm trong Xương Giang phú của ông, theo bản dịch của Trịnh Đình Rư, in trong Phú Việt Nam cổ và kim do Phong Châu – Nguyễn Văn Phú giới thiệu, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2002, tr.105-108.

[11] Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, Sđd, tr.190.

[12] Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, Sđd, tr.205.

[13] Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, Sđd, tr.215.

[14] Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, Sđd, tr.218.

[15] Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, Sđd, tr.219.

[16] Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, Sđd, tr.205-206.

[17] Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, Sđd, tr.216. Tiếc thay, khi đất nước bước vào thái bình thịnh trị, lòng nghi ngờ và đố kỵ đã che khuất những cái nhìn sáng suốt kể trên nên lần lượt Trần Nguyên Hãn, Lưu Nhân Chú và Lê Sát đã bị sát hại.

[18] Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, Sđd, tr.194.

[19] Về Thôi Tụ, các sách Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt thông sử (trừ Trần Nguyên Hãn liệt truyện) và Xương Giang phú của Lý Tử Tấn đều ghi là bị bắt sống ở Xương Giang nhưng Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Trần Nguyên Hãn liệt truyện trong Đại Việt thông sử và các cuốn chính sử của nhà Minh như Hoàng Minh thực lục, Minh sử, Hiến trưng lục, Thông giám tập lãm đều ghi Thôi Tụ bị giết. Riêng Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ có truyện Tản Viên từ Phán sự lục lại cho biết: “Ngô Tử Văn là tên Soạn, người huyện Yên Dũng đất Lạng Giang. Chàng vốn khảng khái, nóng nảy, thấy sự tà gian thì không chịu được, vùng Bắc người ta vẫn khen là người cương phương. Trong làng trước có một tòa đền, vẫn linh ứng lắm. Cuối đời Hồ, quân Ngô sang cướp, vùng ấy thành chiến trường. Bộ tướng của Mộc Thạch có viên Bách bộ họ Thôi tử trận ở gần đền, từ đấy làm yêu làm quái trong dân gian. Tử Văn rất tức giận, một hôm tắm gội sạch, khấn trời rồi châm lửa đốt đền. Mọi người đều lắc đầu lè lưỡi, họ lo sợ thay cho Tử Văn, nhưng Tử Văn vung tay không cần gì cả”.

Phải chăng viên Bách bộ họ Thôi đây chính là Thôi Tụ. Nếu vậy, điều ghi chép trong các cuốn chính sử của nhà Minh và trong Khâm định Việt sứ thông giám cương mục: “Quan quân chém hơn 5 vạn thủ cấp địch, bắt sống bọn Thụ, Phúc. Thôi Tụ không chịu khuất phục, Vương sai giết chết” là đúng.  

0