Nghị luận xã hội về câu nói: Cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời. Sự mất mát lớn nhất là bạn để cho tâm hồn lụi tàn ngay khi còn sống
Một chiều tháng ba, tôi ngồi đọc Rừng Nauy của Haruki Murakami. Một cảm giác nặng nề, ngột ngạt đeo bám lấy tôi. Những con người đang tuổi hoa niên. Những cái chết trẻ. Những tâm hồn trống rỗng. Wantanabe Toru trong truyện, với những mất mát, đau khổ trong đời đã nhận ra rằng:" Cái chết là ...
Một chiều tháng ba, tôi ngồi đọc Rừng Nauy của Haruki Murakami. Một cảm giác nặng nề, ngột ngạt đeo bám lấy tôi. Những con người đang tuổi hoa niên. Những cái chết trẻ. Những tâm hồn trống rỗng. Wantanabe Toru trong truyện, với những mất mát, đau khổ trong đời đã nhận ra rằng:" Cái chết là có thực. Nó không phải đối nghịch của cuộc sống, mà là một phần của cuộc sống này". Đó là sự thật mà chúng ta, dù muốn, hoặc không, đều phải chấp nhận. Nhưng đó liệu có phải là điều ta nên đè nặng tâm tưởng mình hay không? Nghĩ về điều này, tôi chợt nhớ tới một câu nói của Noóc-man Ku-sin: "Cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời. Sự mất mát lớn nhất là bạn để tâm hồn lụi tàn trong cuộc sống".
Con người ta sinh ra và chết đi, đó là quy luật bất biến của cuộc sống này. Đời người phải trải qua sinh, lão, bệnh, tử. Cái chết là một phần của cuộc sống. Chết là sự kết thúc, là sự chấm dứt tháng ngày hiện tồn trong cõi nhân sinh. Khi chết đi, mọi hoạt động, cảm giác của con người dừng lại, nhường chỗ cho tĩnh lặng và hư vô. Bởi thế mà ai cũng sợ cái chết xảy ra đối với mình. Cái chết xảy đến, không chỉ với người ra đi, mà còn là nỗi đau khó lòng bù đắp của những người xung quanh. Cái chết quả là một điều đáng sợ với tất cả chúng ta.
Thế nhưng phải chăng cái chết chỉ là sự đi tới "âm vô cùng" như có người từng ví von? Chết, đôi khi không giản đơn là sự biến mất khỏi cuộc sống này. Có những cái chết vẻ vang, cao cả. Có những sự hi sinh, ra đi mà không hề vô nghĩa. Chết là sự kết thúc của một cuộc đời nhưng không có nghĩa cuộc sống vì cái chết ấy mà dừng lại. Những cái chết có ý nghĩa, theo một cách nào đấy, sẽ lại ươm mầm những sự sống mới cho tương lại. Cha anh chúng ta chiến đấu và hi sinh nơi chiến trường khói lửa, cái chết của họ chẳng phải chính là sự mở đường cho một cuộc sống hòa bình, hạnh phúc và ấm no mà chúng ta đang được hưởng đó sao.
Một người bạn của gia đình tôi đang đối mặt với những ngày cuối cùng của cuộc đời. Bác bị ung thư gan ở tuổi bốn mươi. Khi trị xạ và truyền hóa chất đã không còn tác dụng, bác từng ngày chống trọi với những cơn đau cả về thể xác và tinh thần. Tôi đã thấy những người thân trong gia đình bác lén lau đi những giọt nước mắt mặn chát khi ở bên chăm sóc bác trong những ngày cuối cùng. Không ai có thể làm gì. Họ chỉ có thể lặng lẽ chờ đợi đến giây phút cuối cùng kia. Cái chết lúc này đáng sợ, hay sự sống đầy đau đớn, mệt mỏi ấy đáng sợ hơn? Có lẽ trong nhiều trường hợp, cái chết là sự giải thoát cần thiết cho con ngưởi. Trong những bộ phim về chiến tranh mà tôi đã được xem, người chiến sĩ cộng sản bị bắt thường dũng cảm chọn lấy cái chết. Chết lúc này có lẽ không phải điều đáng sợ với họ. Điều họ sợ là những tra tấn, hành hạ của kẻ thù sẽ khiến họ không đủ ý chí để giữ chọn lòng trung với đất nước. Cái chết, bởi thế không phải điều mất mát lớn nhất trong cuộc sống này.
Tôi nhớ câu thơ Nguyễn Du từng viết:"Thác là thể phách còn là tinh anh". Các tôn giáo, đức tin của con người cũng thường cho rằng con người tồn tại ở hai phần: thể xác và tâm hồn. Khi con người ta chết đi, chỉ có thể xác là tan biến vào hư vô, tinh thần con người vẫn tiếp tục tồn tại. Đó có phải sự thật hay không, vẫn còn là điều đang tranh cãi. Nhưng sự tồn tại của chúng ta có nghĩa lí gì khi trong tâm hồn ta, sự sống đã khô héo, lụi tàn? Mất mát lớn nhất của đời người, không phải là cái chết, mà là sự lụi tàn trong tâm hồn ngay cả khi còn sống. Tâm hồn con người ta lụi tàn khi không thể tìm thấy niềm vui sống, không nhìn ra mục đích của đời mình. Họ sống mờ nhạt, hững hờ. Họ hài lòng với những gì đang có mà không hề có khát vọng, hoài bão vươn tới phía trước. Họ sống hưởng thụ và thấy an toàn trong thế giới của riêng mình mà không quan tâm tới xung quanh. Đáng sợ hơn, sự lụi tàn trong tâm hồn khiến họ trở nên vô cảm, sống thiếu tình người. Sự sống bấy giờ chỉ đơn thuần là tồn tại. Đó không thực là sống theo đúng nghĩa mà một con người nên sống. Sống là gì nếu không đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người đang sống? Sống là gì nếu vô ơn, ích kỉ, quay lưng với cội nguồn sự sống- những người đã sinh thành, nuôi dưỡng, ban cho ta sự sống?
Sống là gì nếu chỉ nổi trôi vô định giữa dòng đời mà không khẳng định được chỗ đứng của riêng mình? Và sống là gì, nếu ta không cống hiến được cho cuộc đời xung quanh ta?
Hãy nhìn Toru trong Rừng Nauy. Sau khi chứng kiến cái chết của người bạn thân Kizuki, đã không còn biết mình đang đứng đâu trong cuộc sống này. Cậu khép mình lại trong thế giới chật hẹp với những chuẩn mực của riêng mình, coi tình dục như một liệu pháp tình thần. Tiếp tục đón nhận cái chết của người con gái mình yêu thương, Toru hoàn toàn mất thăng bằng. Cậu đi vô định khắp nơi với nỗi đau không khỏa lấp được. Sự mất mát lớn nhất của Toru không chỉ là cái chết của hai người bạn mà là cái chết của chính tâm hồn cậu.Khi đọc những bài báo về người trẻ hiện nay tự tử quá nhiều, tôi tiếc cho những cái chết ở tuổi hoa niên đẹp nhất của đời người. Họ đã để hoài phí những năm tháng tuổi xuân vào những bế tắc, mặc cảm mà không tìm cách đứng dậy đi tiếp. Mảnh đất tâm hồn khó lòng tốt tươi sau những giông bão cuộc đời, nếu ta để mặc nó cằn khô mà không biết vun trồng, chăm sóc. Cái chết xảy đến trong tâm hồn, cuối cùng đã dẫn tới cái chết của thể xác. Gấp lại cuốn truyện trên bàn, cảm giác an nhiên đã trờ lại trong tôi. Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết là sự ra đi của những người trẻ tuổi. Những cái chết đau lòng nhưng không vì thế khiến cuộc đời trở thành một khúc tang ca. Bởi cái chết không phải là sự kết thúc. Đối với cả những người đã lựa chọn cái chết và những người đang sống. Đằng sau cái chết là sự sống. Sau sự ra đi của những người thân yêu, những người đang sống mới thật sự hiểu được giá trị của cuộc sống. Và họ biết quý trọng hơn sự sống của chính họ. Reiko đã từ bỏ cuộc sống bình an ở khu điều dưỡng, bắt đầu hòa nhập lại với cuộc sống của những người bình thường. Toru dần vượt qua cú sốc quá lớn do cái chết của Naoko, tiếp tục một cuộc sống mới bên cạnh người con gái lúc nào cũng tràn đầy sức sống là Midori.
Cái chết là một nỗi mất mát lớn của đời người. Nhưng mất mát lớn hơn là khi ta phó mặc cho tâm hồn lụi tàn, khô héo. Biết trân quý cuộc sống, biết sống có ý nghĩa, sống đẹp, sống đầy nhiệt thành, nhiệt huyết, biết yêu thương, sẻ chia. Đó mới là khi ta sống thực sự. Nếu có ai đó đang buồn đau và thất vọng, hãy nhớ đến các nhân vật trong “Rừng Nauy”, nhớ đến cách họ đã sống và chết, cả cách họ vượt qua nỗi đau của cái chết, để có sức mạnh tiếp tục sống, tiếp tục làm những điều tốt đẹp hơn cho cuộc đời này.
Chợt nhớ tới một tựa sách của Đặng Nguyễn Đông Vy:"Nếu biết trăm năm là hữu hạn…". Vâng. Nếu biết trăm năm là hữu hạn, thì đừng sống vô nghĩa qua bao tháng, bao năm…