Suy nghĩ về vai trò của người phụ nữ qua ý thơ: Đời vắng mẹ hiền, không phụ nữ. Anh hùng, thi sĩ hỏi còn đâu?
Nhà thơ M. Gorki từng viết: Đời vắng mẹ hiền, không phụ nữ Anh hùng, thi sĩ hỏi còn đâu? Từ ý thơ trên, anh/ chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về vai trò của người phụ nữ. Thời gian phủ bụi làm nhoè dần đi kí ức, cuốn theo bước đi ấy, bao khuôn mặt, dáng người giữa ...
Nhà thơ M. Gorki từng viết:
Đời vắng mẹ hiền, không phụ nữ
Anh hùng, thi sĩ hỏi còn đâu?
Từ ý thơ trên, anh/ chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về vai trò của người phụ nữ.
Thời gian phủ bụi làm nhoè dần đi kí ức, cuốn theo bước đi ấy, bao khuôn mặt, dáng người giữa dòng đời cũng dần chìm vào quên lãng. Dẫu biết là biến cải vô thường, nhưng suốt bao đời nay, hình ảnh người phụ nữ vẫn luôn toả sáng bền vững trước mọi biến thiên thời đại; dù ở quá khứ, hiện tại hay tương lai, vẻ đẹp lành vững, tâm hồn chở che, bao dung, dáng nét thân thuộc, chân phương ấy sẽ mãi song hành, bồi đắp thêm cho từng giá trị sống. Vì một lẽ, như M. Gorki từng viết: Đời vắng mẹ hiền, không phụ nữ/ Anh hùng, thi sĩ hỏi còn đâu?
Thiên chức cao đẹp của người phụ nữ vốn sắm trong dáng vóc mẹ hiền, hương thơm dịu nhẹ man mác chảy nơi lòng mẹ luôn là nơi con được chăm sóc và trưởng thành. M. Gorki nhắc nhớ về người phụ nữ trước tiên trong cái nhìn thuần hậu nhất với ánh mắt dịu hiền, bàn tay đảm đang của người phụ nữ trong cuộc sống thường nhật. Để rồi vắng mẹ, anh hùng, thi sĩ nay còn đâu? Tại mỗi gam màu cuộc sống, mỗi đường nét phác hoạ vẫn luôn phảng phất ánh nhìn, bàn tay chi chút của người phụ nữ, góp hương sắc ở đời mà bồi đắp nên cái vĩnh hằng ở đời. Từ đó, vai trò của họ ngày càng trở nên quan trọng.
Mẹ là người đưa con đến với cuộc sống này, dịu dàng trao cho con đôi mắt để nhìn cho thấu trọn từng khoảnh khắc dung dị mà đầy dư ảnh mênh mang, mẹ trao cho con trái tim lành lặn để đập rộn lên từng thanh âm trong trẻo vang vọng, rung lên nơi lồng ngực. Sự sống của sinh linh bé nhỏ ấy là do mẹ trao tặng, mẹ hoà nước mắt vào chung niềm vui để đón đôi bàn tay nhỏ nhắn ấy chạm dần vào cuộc sống. Thế rồi con dần lớn khôn êm đềm trong khúc hát ru của mẹ lặng đưa bên nôi. Thêm một người trái đất sẽ chật hơn, nhưng thiếu mẹ thế giới với con sẽ đầy nước mắt. Người mẹ chính là nguồn gieo mầm sống và đem yêu thương để nuôi lớn một cuộc đời!
Nhịp đời vẫn lặng lẽ trôi, đời người dẫu chẳng dài rộng nhưng vẫn vẹn cho ta một kiếp sống. Phụ nữ xuất hiện giữa cuộc sống như dịp cầu nối lại những khoảng cách yêu thương vun đắp cho từng chồi đơm nở. Giữ trọn cho mình thiên chức của bà, của mẹ, của chị, gói ghém lại những tình cảm thân thương, bình dị nhất, họ khiến cuộc sống gia đình nhỏ bé vì thể nới dài thêm bình yên hạnh phúc. Ai đó đã nói rằng, phía sau người đàn ông thành đạt luôn có một người phụ nữ đảm đang, dịu hiền. Sau bao nhiêu bon chen, ganh đua nơi ồn ào, tấp nập của dòng đời, gia đình vẫn là chốn bình yên nhất níu chân con người. Giá trị căn bản bền vững ấy vẫn luôn cần ở một người phụ nữ lo vẹn những bữa cơm đậm đà khiến người chồng sau những giờ phút làm việc mệt mỏi cũng vơi đi trong niềm hạnh phúc giản đơn, khiến những đứa con mải mê rong chơi vẫn tìm về với cơm mẹ nấu. Giữa gia đình bé nhỏ, vắng mẹ, cuộc sống đâu còn vẹn nguyên? Âm thầm, lặng lẽ, người phụ nữ từ bến bình yên gia đình luôn nâng bước cho những người họ yêu thương nhất!
Ngược dòng thời gian để nhận ra rằng, lịch sử dân tộc, mạch nguồn nơi dòng chảy văn chương vẫn náu giữ một mối dây bền chặt với hình ảnh của các bà, các mẹ. Những vĩ nhân trong quá khứ như Nguyễn Trãi, Trần Quốc Tuấn, Hồ Chí Minh… đều từng được sinh ra, lớn lên từ tình yêu của các bà, các mẹ. Những thi hào dân tộc như Nguyễn Du xưa viết Kiều mà như viết trọn cả hồn đất nước một phần nhờ thuở nhỏ được lớn lên trong làn điệu dân ca đằm thắm, mượt mà của người mẹ xứ Kinh Bắc; Trần Tế Xương sống cả một đời thơ ca vẫn gửi lại người vợ lòng biết ơn sâu sắc… Thiếu đi người mẹ, liệu rằng cuộc đời còn có được những vĩ nhân tạo dựng lịch sử? Thiếu đi người mẹ, người vợ, kẻ làm thơ có thực sự cất cao được tâm hồn nặng nghĩa đượm tình?
Phụ nữ – người sinh ra anh hùng và thi sĩ, và có biết bao người phụ nữ cũng là anh hùng và thi sĩ! Lật từng trang sử, ta gặp hình ảnh của bà Trưng Trắc, Trưng Nhị, nàng Ỷ Lan và biết bao người phụ nữ nơi khuê cấm vẫn luôn giữ trọn việc nước, đảm việc nhà. Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm bằng tài năng và tiếng lòng đồng cảm với người phụ nữ có chồng đi chinh chiến đã để lại bản dịch Chinh phụ ngâm với những lời thơ chạm tới sâu thẳm hồn người; Hồ Xuân Hương từng mang khát khao Ví đây đổi phận làm trai được/ Thì sự anh hùng há bấy nhiêu ghi dấu ấn trong đời là một Bà Chúa thơ Nôm… Ngày nay, cuộc sống hiện đại phát triển, người phụ nữ càng có cơ hội khẳng định mình. Họ không chỉ là những người mẹ hiền, vợ đảm mà có mặt trên khắp các lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, văn hoá… Có thể nói, ở thời đại nào dáng nét của phái yếu cũng không chịu thua một đấng bậc nào!
Có lẽ vì thể mà trong cuộc sống, khi nhắc đến người phụ nữ, người ta thường tôn vinh; trong sáng tạo, người phụ nữ là điểm tựa cảm hứng cho bao văn nhân nghệ sĩ cất công tìm tòi, sáng tạo. Bấy nhiêu cũng không đo đếm hết được những gì phụ nữ đã mang đến cho cuộc đời, nhưng dẫu sao cũng là một cách thể hiện sự biết ơn đối với những người đã mang đến cho cuộc đời bao anh hùng và thi sĩ!