18/06/2018, 12:11

Nghệ Sĩ Thanh Tú

Nghệ sĩ Thanh Tú hát thành công rất nhiều tuồng trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga, nhưng khi khán giả nhắc đến Thanh Tú thì hầu như người ta chỉ còn nhớ đến vai Nhuận Điền của anh trong tuồng Bên Cầu Dệt Lụa, đó là vai tuồng để lại một dấu ấn sâu đậm của nghệ sĩ Thanh Tú. Nghệ ...

Nghệ sĩ Thanh Tú hát thành công rất nhiều tuồng trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga, nhưng khi khán giả nhắc đến Thanh Tú thì hầu như người ta chỉ còn nhớ đến vai Nhuận Điền của anh trong tuồng Bên Cầu Dệt Lụa, đó là vai tuồng để lại một dấu ấn sâu đậm của nghệ sĩ Thanh Tú.

Nghệ sĩ Thanh Tú tên thật Mai Văn Tú, sanh năm 1939, đệ tử của nhạc sĩ Út Trong, được thầy giới thiệu gia nhập đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga năm 1961.

Lúc đó nghệ sĩ Thành Được rời đoàn Thanh Minh Thanh Nga để thành lập đoàn hát Út Bạch Lan - Thành Được nên các vai tuồng cũ của Thành Được và những vai mới dự trù phóng vai cho Thành Được được giao cho Thanh Tú đóng.

Nghệ sĩ Thanh Tú có giọng ca truyền cảm, thân thể cao ráo, vạm vở, đẹp trai. Anh đóng cặp với Thanh Nga trong các vở tuồng Nữa Đời Hương Phấn, Đôi Mắt Người Xưa, Ngã Rẻ Tâm Tình, Con Gái Chị Hằng, Đoạn Tuyệt, Phấn Bụi Phù Hoa, Phu Tử Tùng Tử, Tấm Lòng Của Biển, Mưa Rừng, Người Chồng Triệu Phú… Thanh Tú cũng thành công trong các vai kép võ trong các tuồng Tàu như Trăng Rụng Bến Từ Châu, Võ Tắc Thiên, Khói Sóng Tiêu Tương.

Năm 1963, nghệ sĩ Thanh Tú đoạt được huy chương vàng giải Thanh Tâm qua vai Lưu Kiến Xuân trong tuồng Khói Sóng Tiêu Tương. Đây là vai kép ba trong tuồng, sau hai vai Hoàng Hoa Lử và vai Chu Vĩnh Tuyên do Hữu Phước và Việt Hùng thủ diễn. Hữu Phước và Việt Hùng không dự tranh giải Thanh Tâm vì hai anh đã quá tuổi tranh giải. Thanh Tú vào vai kép ba nhưng anh ca và diễn quá xuất sắc nên được chấm giải. Năm 1963. có đến 6 nghệ sĩ được tặng thưởng huy chương vàng giải Thanh Tâm: ba nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết, Kim Loan (tức Mộng Tuyền), Trương Ánh Loan, và ba nam nghệ sĩ Tấn Tài, Diệp Lang, Thanh Tú.

Thành công trên nhiều lãnh vực

Tên tuổi của Thanh Tú nổi bật trong hàng ngũ các kép trẻ, chẳng những trên sân khấu cải lương mà Thanh Tú còn được mời đóng vai chánh trong các phim của hãng Alpha phim và hãng Dạ Lý Hương phim. Đó là các phim Trống Mái, Phận Má Hồng, Lan Và Điệp, Chiều Kỷ Niệm, Con Ma Nhà Họ Hứa.

Trong phim Trống Mái, nghệ sĩ Thanh Tú thủ vai một người chài lưới, ở trần, vai u thịt bắp, diễn xuất kéo lưới, phơi lưới, chèo ghe thành thạo như một người thanh niên chuyên sống lao động miền biển, nên Thanh Tú rất được khán giả phim ảnh ưa thích.

Đây là một thành tích rất đáng kể vì nghệ sĩ cải lương được mời đóng phim, trong lãnh vực nghệ thuật phim ảnh, ít có nam nghệ sĩ cải lương được thành công qua nhiều phim như Thanh Tú.

Năm 1969, nghệ sĩ Thanh Tú gia nhập gánh hát Ánh Chiêu Dương của ông Bầu Nguyễn Thành Châu, đã hát qua các tuồng Nước Biển Mưa Nguồn, Vợ và Tình, Sân Khấu Về Khuya… Anh có dịp theo nhóm các nghệ sĩ Năm Châu, Phùng Há, Thanh Thanh Hoa đi trình diễn ở các nước Anh, Pháp, Algérie và anh cũng có dịp hát hội chợ Thát Luổng ở xứ Lào.  

Nghệ sĩ Thanh Tú và nữ nghệ sĩ Phương Liên đã giữ vững bảng hiệu Dạ Lý Hương và góp phần thực hiện thành công phim ảnh của hãng Dạ Lý Hương trong giai đoạn mà đoàn hát này vừa mất một cặp đào kép ăn khách nhất của đoàn.

Thanh Tú đã hát qua các tuồng Bọt Biển 3, Người Dừng Chân Đêm Mưa, Kẻ Sợ Tình, Đời là Một Chữ T, Gái Điếm Vợ Hiền, Người Chồng Triệu Phú, Ông Huyện Đề,…

Trong thời gian nầy Thanh Tú và nữ nghệ sĩ Trang Bích Liễu yêu nhau. Cuộc tình của đôi uyên ương Thanh Tú - Trang Bích Liễu gặp không ít sóng gió trở ngại do gia đình của Trang Bích Liễu cản ngăn không cho cô yêu anh chàng kép trẻ hào hoa Thanh Tú.

Trước khi Thanh Tú gặp và yêu Trang Bích Liễu, anh đã có ba lần gảy đổ hạnh phúc gia đình. Một lần vợ của anh ở đường Nguyễn Biểu bị lạc đạn mà chết. Hai người vợ kia thì từng người đến rồi chia tay với anh khi họ gặp cuộc sống quá khó khăn, lúc đó Thanh Tú chưa được nổi danh và chưa có một vị trí khả quan trên sân khấu cải lương.

Sau ba lần gảy đổ, có ba dòng con, Thanh Tú làm khổ cho cha mẹ của anh phải chăm nuôi chúng, nghệ sĩ Thanh Tú ngán ngẩm con đường vợ với con nên định tâm sẽ sống cu ky suốt đời.

Nhưng có lẽ do duyên trời định nên Thanh Tú và Trang Bích Liễu gặp nhau, yêu nhau và phải vượt biết bao khó khăn trở ngại, họ mới trở thành một đôi chồng vợ tâm đầu ý hợp suốt mấy mươi năm đồng cam cộng khổ, và sống trọn vẹn với nghề hát.

Lúc đó Thanh Tú là một ngôi sao nổi tiếng trên sân khấu cải lương và cả trên lãnh vực phim ảnh. Còn Trang Bích Liễu thì mới ra trường Quốc Gia Âm Nhạc, cô là một diễn viên mới tập sự trong đoàn hát Thúy Nga, đoàn hát Thế Hệ Dũng Thanh Lâm.

Khi Thanh Tú rời đoàn Thanh Minh Thanh Nga sang hát cho đoàn Tân Hoa Lan của Út Bạch Lan thì Trang Bích Liễu mới gia nhập đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga.

Đến năm 1971, Thanh Tú và Trang Bích Liễu hát chung đoàn hát Dạ Lý Hương, đóng tuồng cặp với nhau, có dịp chuyện trò tìm hiểu nhau, Trang Bích Liễu mới thấy Thanh Tú là người đàn ông hiền lành, chân thật, đáng yêu chớ không như dư luận đồn đãi vì những lần đổ vở hạnh phúc của anh trước kia. Cô bèn dũng cảm cùng với Thanh Tú xây dựng hạnh phúc gia đình dù chính mẹ của cô hết sức ngăn cản vì bà sợ anh chàng có ba đời vợ kia sẽ hại con gái của bà.

Để bảo vệ hạnh phúc của mình, Thanh Tú và Trang Bích Liễu rời đoàn hát Dạ Lý Hương, xuống tỉnh lập đoàn hát Thanh Tú - Trang Bích Liễu, vừa gầy dựng sự nghiệp ca hát của mình vừa xây tổ hạnh phúc, khỏi bị gia đình bên vợ kềm chế.

Đoàn hát Thanh Tú và Trang bích Liễu gồm có những nghệ sĩ tài danh Thanh Hải, Hoàng Giang, Kim Giác, Kim Ngọc, hề Tư Rọm, hề Kim Quang, hát những tuồng cũ nổi tiếng của Thanh Minh Thanh Nga và Dạ Lý Hương nên rất ăn khách ở miền Tây vì các đoàn hát đại ban đó ít đi lưu diễn, tuồng cũ của họ vẫn là tuồng mới đối với khán giả Hậu giang.

Gia đình của Trang Bích Liễu chấp nhận cuộc hôn nhơn của cô và Thanh Tú sau nhiều năm Thanh Tú chứng tỏ mối tình chung thủy và sự thành công trong sự nghiệp nghệ thuật của Thanh Tú và Trang Bích Liễu củng cố thêm sự yêu đương bền vững của đôi nghệ sĩ tài hoa này.

Sau năm 1975, anh lập đoàn hát Kim Tinh, hát ở các tỉnh Hậu Giang. Đến năm 1976, đoàn hát tư nhân Kim Tinh không được phép hoạt động, anh giải tán đoàn hát, về hát cho các đoàn tập thể Thanh Minh, Phước Chung hoặc đoàn hát nhà nước Trần Hữu Trang, Văn Công.

Anh nông dân Nhuận Điền

Khi hát cho đoàn Thanh Minh, Thanh Tú nổi danh trong vai Nhuận Điền tuồng Bên Cầu Dệt Lụa qua lối diễn mộc mạc với giọng ca khoẻ khoắn, quyến rũ. Có lẽ vì sau 1975, báo chí viết về kịch trường là của nhà nước nên người ta nhắc đi nhắc lại nhiều các tuồng hát sau 1975 mà không nói nhiều về các tuồng hay trước năm 1975 nên khán giả được nhắc và nhớ đến vai anh nông dân chất phát Nhuận Điền.

Hơn bốn mươi năm theo đuổi trong nghề hát, vì muốn bảo vệ hạnh phúc gia đình, Thanh Tú lập đoàn hát, ban đầu là để tránh xa sự khống chế của gia đình bên vợ nhưng đồng thời anh và Trang Bích Liễu cũng muốn dựng cho mình một sự nghiệp sân khấu.

Nhiều năm làm bầu gánh ở các miệt tỉnh, Thanh Tú đã bận rộn không ít trong công việc quản lý đoàn hát, điều đó ảnh hưởng nhiều đến nghề nghiệp ca diễn của anh.

Là một huy chương vàng giải Thanh Tâm đồng thời với hai huy chương vàng Diệp Lang và Tấn Tài nhưng nghệ sĩ Thanh Tú không tiến bộ về nghệ thuật ca hát bằng hai người bạn đó, chính vì nghề làm bầu gánh hát đã hạn chế sự phát triển của nghề ca hát của một diễn viên thuần túy.

Năm 1978, Thanh Tú và Trang Bích Liễu có đứa con trai duy nhất tên là Mai Lê Thanh Tiến, không theo nghề hát của cha mẹ.

Thanh Tú và Trang Bích Liễu xa sân khấu, mở quán nhậu Bên Cầu Dệt Lụa gần bến xe miền Tây, sống ổn định về kinh tế. Khi nhớ nghề, anh chị ca hát trong quán nhậu để tiếp đải khách tri âm và khi có những dịp hát chầu, hát gây quỷ từ thiện, Thanh Tú tham gia để góp phần làm việc từ thiện và để đở nhớ nghề.

Năm 1971, nghệ sĩ Thanh Tú được ông Bầu Xuân mời ký hợp đồng để về đóng chánh cặp với nữ nghệ sĩ Phượng Liên thay cho cặp Hùng Cường và Bạch Tuyết rời đoàn để thành lập gánh hát Bạch Tuyết - Hùng Cường.

0