Nghệ Sĩ Hữu Phước
Nam Nghệ Sĩ HỮU PHƯỚC Sanh ra đời đã mang "nghiệp" vào thân, nghiệp tơ tằm, nghệ sĩ Hữu Phước đã được Trời ban một giọng hát truyền cảm đặc biệt, khó đào tạo một người thứ hai như anh. Khởi đầu sự nghiệp, năm 1954, Hữu Phước ca "độc chiếc" tại quán Họa Mi thuộc khu Đại Thế Giới của ông Bảy ...
Nam Nghệ Sĩ HỮU PHƯỚC Sanh ra đời đã mang "nghiệp" vào thân, nghiệp tơ tằm, nghệ sĩ Hữu Phước đã được Trời ban một giọng hát truyền cảm đặc biệt, khó đào tạo một người thứ hai như anh. Khởi đầu sự nghiệp, năm 1954, Hữu Phước ca "độc chiếc" tại quán Họa Mi thuộc khu Đại Thế Giới của ông Bảy Viễn (đường Trần Hưng Đạo). Chủ quán là cô Năm Cần Thơ. Giàn nhạc là các nhạc sĩ Sáu Tửng, Ba Khuê, Hai Thơm, Mười Lương (chồng cô Năm Cần Thơ) đờn vĩ cầm. Nhạc sĩ Mười Lương, ông thầy đầu tiên huấn luyện, đào tạo Henri Trần Quang trở thành danh ca Hữu Phước. Mỗi đêm Hữu Phước tới quán Họa Mi chuyên ca Vọng Cổ, các bài bản ba Nam sáu Bắc.
Thàng 2-1955 Hữu Phước thành lập gia đình, cuộc đời nghệ sĩ rẽ sang con đường mới. Nhạc sĩ Hai Ngưu dẫn anh lên Đà Lạt tìm cách tiến thân. Trên miền Tây Nguyên Đà Lạt, qua sự giới thiệu của nhạc sĩ Hai Ngưu, Hữu Phước "diện kiến" ông Phan Văn Bản tức Ba Bản, bầu gánh Thủ Đô, chủ hãng dĩa Hoành Sơn. Ông Ba Bản thu nhận Hữu Phước với chức vụ thư ký riêng và phụ trách kỹ thuật thu âm. Một tháng sau, hôm ấy chiều thứ sáu, ông chủ hãng dĩa Hoành Sơn ra lệnh Hữu Phước ca "thử giọng". Ông chủ ngồi lắng nghe say sưa. Nghe xong, ông chủ phán một câu ngắn ngủi:
- Thằng này có tài.
Lời ông chủ hãng dĩa "phán", tương tự như lời một ông vua khen thưởng quần thần. Con đường công danh từ đây có dịp thăng tiến, thăng tiến đến mức tột đỉnh sự nghiệp. Ban giám đốc hãng dĩa Hoành Sơn cho anh hát 20 câu Vọng Cổ thu vào dĩa nhựa (loại dĩa quay 78 vòng). Bài Vọng Cổ tựa đề Mặt Trận Ái Tình của Thu An và bà bầu Ba Bản viết chung. (Bà bầu Ba Bản đậu cử nhân văn chương năm 1953). Lần thu dĩa hát đầu đời đó, Hữu Phước đóng một vai khiêm nhượng, vai con quạ. Anh ca có mấy câu:
Quạ quạ, ta là quạ đây.
Ăn khế trả vàng
May túi ba gang
Đựng vàng ta trả...
Dĩa thứ nhì, hát vở Tình Huynh Đệ cũng do Thu An và bà bầu Ba Bản hợp soạn. Hữu Phước đóng vai đứa em, cùng hát với Văn Chung, cô Thanh Hương. (Cô Thanh Hương lúc ấy là vợ của Văn Chung. Về sau hai người ly dị, Thanh Hương tái giá với nam nghệ sĩ Hùng Minh. Văn Chung xuất thân Cảnh sát Quốc gia, ban đầu đóng vai kép độc-mùi, khoảng 10 năm sau đó anh đổi cách diễn, nhảy sang qua lãnh vực chuyên diễn hề độc. Không ngờ đi đúng sở trường, Văn Chung thành công vượt bực. Thập niên 70, anh là một trong những kép hề ký giao kèo cao nhất. Anh Văn Chung qua Mỹ tháng 4-1992, hiện định cư tại tiểu bang California). Nhạc sĩ Mười Lương tức Trần Hữu Lương, cúng tổ, đặt nghệ danh cho anh là "Hữu Phước". Tháng 9-1955, Đài phát thanh Đà Lạt thành lập tại Hotel du Parc, anh và nhạc sĩ Hai Ngưu phụ trách ban văn nghệ trên Đài. Bài Vọng Cổ mà anh Hữu Phước thu vào hãng dĩa ASIE, phát thanh trên Đài Pháp Á năm 1957 bán chạy nhất, cả nước đều say mê: bản Nắm Xương Tàn của Quy Sắc-Thái Thụy Phong.
Cuối năm 1955, anh trở lại Sài Gòn, gia nhập gánh Kim Thoa do nữ nghệ sĩ Kim Thoa làm bầu. Phải kể đây là lần đầu tiên Hữu Phước lên sân khấu. Đoàn Kim Thoa tập trung các nghệ sĩ Tám Thưa, Năm Nghĩa, Bạch Huệ, Văn Lục. Nấc thang tiến thân ở giai đoạn này để lên sân khấu trước sau gì cũng nhờ ông Ba Bản hướng dẫn. Ông Ba Bản gởi gắm Hữu Phước cho bà Kim Thoa dìu dắt. Ngày khai trương đoàn hát, ngày rất long trọng đối với ông bà bầu lẫn anh em nghệ sĩ, thành hay bại cũng do ngày khai trương. Đoàn Kim Thoa trình diễn vở tuồng Lấp Sông Gianh của soạn giả Kinh Luân. Nghệ sĩ đang hứng khởi diễn màn đầu, khán giả đang nín thở theo dõi những tình tiết éo le của vở kịch, thì bỗng đâu một trái lựu đạn chẳng biết do ai chủ trương, do ai đích thân ném lên sân khấu gây ra tiếng nổ "kinh thiên động địa". Nghệ sĩ nằm la liệt, đèn tắt tối thui, máu chảy linh láng từ sàn sân khấu xuống giàn đờn. Tiếng la hét, tiếng cầu cứu vang dội, khán giả đạp lên nhau chạy thoát ra ngoài, hú hồn hú vía. Nghệ sĩ Phước Cương, người "khai quang điểm nhãn", cầm cây son đầu tiên vẽ mặt, dạy Hữu Phước hóa trang, chết lúc 4 giờ sáng. (Ông Phước Cương là thân phụ nữ kịch sĩ Kim Cương. Cô Kim Cương viết vở thoại kịch Dưới Hai Màu Áo ký bút hiệu Hoàng Dũng). Soạn giả Nguyễn Huỳnh (tên thật Nguyễng Huỳnh Phước, chồng nữ nghệ sĩ Hoài Dung) bị thương nặng. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Mai tắt thở tại chỗ. Kịch sĩ Duy Lân cụt một giò, ông Bảy Xê, cô Kim Thoa bị thương nhẹ.
Đoàn ăn nguyên một trái lựu đạn "ngọt sớt". Nhưng nghiệp vẫn là nghiệp. Bà Kim Thoa không chịu thua định mệnh, cắm đầu cắm cổ chạy vay nợ, tái lập gánh Kim Thoa. Lần ra quân kỳ này, đoàn gom góp một số nghệ sĩ trung thành còn lại gồm các nghệ sĩ: Hữu Phước, Văn Sa (Văn Sa về sau tàn tạ tên tuổi, đi làm cận vệ cho ông bầu Xuân, chủ nhân đoàn Dạ Lý Hương. Ông bầu Xuân tên thật là Diệp Nam Thắng, chủ hãng giấy Kiss Me, từ trần tại Sàigon tháng 2-1992), Từ Anh, Văn Lang (anh Văn Lang trước kia thuộc loại kép đẹp đoàn Việt Kịch Năm Châu), Hai Tiền, cô Ngọc Lợi (vợ lớn soạn giả Nguyễn Huỳnh), Hề Minh. Đoàn Kim Thoa trôi giạt xuống các tỉnh ở miền Tây, càng hát càng lỗ vốn. Nhằm tháng 7, tháng 8, trời mưa dầm dề suốt tuần lễ, đoàn ế khách, bầu và nghệ sĩ đói lã ruột. Sau hết, định mệnh vẫn là định mệnh, đoàn Kim Thoa ngã gục trước tình hình ế ẩm, nợ chồng chất, làm một buổi tiệc đơn giản chia tay và cũng để vĩnh biệt nhau. Đoàn rã gánh tại tỉnh lỵ Gò Công.
Hữu Phước ôm rương son phấn lên Sàigon tiếp tục hát cho Đài Pháp Á. Ngày 9-5-1956, vợ anh hạ sinh đứa con đầu lòng tại Hòa Hưng, Sàigòn. Anh đặt tên đứa con gái cưng, Trần Thị Ngọc Ánh. Bé Ngọc Ánh giống bố như đúc, bụ bẫm dễ thương. Ông thầy bói Trương Quýnh, Ngã Ba Ông Tạ (đường Lê Văn Duyệt) xủ quẻ tiên tri cuộc đời bé Ngọc Ánh có cái trúng có cái trật. Ông nói: "Con nhỏ nầy ngày sau lớn lên công thành danh toại. Một vợ một chồng, hạnh phúc tới ngày răng long tóc bạc. Danh nổi như cồn. Tài nghệ không ai sánh bằng! Tiền vô như nước".
Do cảm mến giọng hát, tình nghệ sĩ hay do tình yêu chớm nở trong lòng? Ba trạng thái khó phân biệt, nó lộn xà ngầu, nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan đi tìm Hữu Phước. Anh Hữu Phước không từ chối. Hai người yêu nhau. Theo lời anh Hữu Phước: "Chúng tôi yêu nhau vì mến tài, vì tuổi trẻ bồng bột. Yêu trong vòng lễ giáo, chớ chưa có đứa nào xâm phạm tiết hạnh của đứa nào". Có thể anh Hữu Phước nói thật. Có thể chỉ có trời...mới biết. Cô Út Bạch Lan chính là người tiến cử, giới thiệu anh Hữu Phước trở lại sân khấu lần thứ nhì gia nhập đoàn Thanh Minh-Năm Nghĩa, sau khi đoàn Kim Thoa rã gánh, thất nghiệp dài dài. Chính thức được thu nhận vào đoàn, nhưng chưa có vai nào trống để anh nhảy vô thế. Cũng may, đang lúc đoàn Thanh Minh-Năm Nghĩa tập vở Đứa Con Hai Giòng Máu của soạn giả Lê Khanh. Đúng hai tuần nữa sẽ khai trương. Kép chánh của đoàn là Út Nhị tự nhiên dở chứng, bỏ tuồng ngang, ra bến xe đò mua vé dông tuốt về Mỹ Tho đi bụi đời, nhậu nhẹt say li bì không biết ngày đêm và cũng chẳng biết đường về.
Đoàn bắt Hữu Phước thử lại hơi ca lần chót, trước khi chấp thuận anh thế kép Út Nhị. Anh đóng vai Văn Khiết, vai đứa cháu là bé Juliette Nga (Thanh Nga). Đoàn Thanh Minh-Năm Nghĩa trình diễn tuồng Đứa Con Hai Giòng Máu tại rạp Thành Xương (sau đổi thành rạp Diên Hồng, đường Phạm Ngũ Lão). Hát đúng 2 tháng, tên tuổi Hữu Phước được khán giả khắp nơi ái mộ. Đoàn Thanh Minh ký giao kèo với anh mỗi năm 260.000$.
Mỗi nghệ sĩ tài danh đều lưu lại hậu thế một vai "để đời" (trong nghề gọi là vai vàng). Anh Hữu Phước tạo được ba vai "vàng":
- Vai 1: Vai Lý Anh Huy trong tuồng Tỉnh Mộng của Thu An-Phong Anh do đoàn Kim Chưởng trình diễn. Vai Lý Anh Huy diễn tả một đứa con mang hai dòng máu Việt-Chiêm Thành, kéo quân về tàn sát quê hương và xử tử luôn mẹ của mình. Vai nổi bật ở khía cạnh nội tâm giằng co giữa sự phản quốc, giết mẹ và khi "tỉnh mộng" thì mọi việc đã quá trễ.
- Vai 2: Duy Bạt, tuồng Gió Ngược Chiều, ông Năm Châu viết phỏng theo một tác phẩm của văn hào Victor Hugo, diễn trên đoàn Thanh Minh, hát chung với Thanh Nga, Bảy Nhiêu, Út Trà Ôn. Hữu Phước đóng vai trò một vị nam tước đội lớp sở khanh, quyến rũ công chúa, dụ dỗ nàng làm gián điệp và tiến hành âm mưu lật đổ triều đình.
- Vai 3: Cậu Tư Kiên, tuồng Con Gái Chị Hằng của Hà Triều-Hoa Phượng, đoàn Thanh Minh trình diễn. Hữu Phước diễn vai một người cậu của một đứa cháu bất hiếu với mẹ, dạy dỗ cháu nên người, thờ cha kính mẹ. Cậu Tư Kiên sống nghề lái heo, vấn khăn rằn, mặc bộ đồ bà ba đen, có râu mép, quê mùa, bình dị... Vai trò nói lên nỗi đau khổ, hình ảnh đáng kính trọng của một bà mẹ Việt Nam suốt đời tận tụy, hy sinh cho con.
Để diễn sống thực vai cậu Tư Kiên, mỗi buổi sáng khoảng 5 giờ, Hữu Phước chạy xe qua Cầu Chữ Y, đứng trước cửa lò heo Chánh Hưng quan sát những người lái heo, dân thôn quê chở ghe heo lên Sàigòn bán. Quan sát cách mặc, quần áo, hút thuốc rê, tư thế đứng, ngồi, ăn, uống, nói chuyện, cách phát âm giọng miền Tây "rặt". Anh mất 3 tháng thực tập lấy ở nhà, nhìn vô kiếng diễn đúng các động tác thói quen của một người dân quê miền Nam. Đã trên 30 năm, chưa người nghệ sĩ nào có đủ khả năng thay thế Hữu Phước trong vai Cậu Tư Kiên.
Nghề nghiệp Hữu Phước "chín mùi" trên sân khấu Việt Nam, ngoài tài năng, phần lớn nhờ ông Ba Vân, Năm Châu, bà Kim Cúc, bà Phùng Há cố vấn, đạo diễn từng cử chỉ, từng điệu bộ diễn xuất.
Hữu Phước đoạt huy chương vàng Giải Thanh Tâm năm 1960, xuất sắc vai bác sĩ Vũ, vở Đôi Mắt Người Xưa của Nguyễn Phương và Hoàng Thị Nguyệt (vợ ông Tám Vân). Người sáng lập giải Thanh Tâm là cố ký giả Trần Tấn Quốc, chồng nữ nghệ sĩ Thanh Loan.
Bé Ngọc Ánh, hằng đêm theo cha đến rạp, xem đào kép tập ca, tập hát. Năm vừa 6 tuổi, bé đã ca trôi chảy bản Văn Thiên Tường, Tây Thi, Lưu Thủy, Vọng Cổ. Thiên tài bé Ngọc Ánh phát triển quá sớm. Em dạn dĩ, đóng vai đào con khi lần đầu bước ra sân khấu. Thời gian đó, cha em, tức Hữu Phước chơi thân hai nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan, Thanh Hương. Thi sĩ kiêm soạn giả Kiên Giang (Hà Huy Hà) thấy vậy, đề nghị Hữu Phước ghép hai chữ "Hương Lan" đặt tên nghệ danh bé Ngọc Ánh.