Nam tiến (bài 2)
CHƯƠNG 2: TIẾN TRÌNH NAM TIẾN CỦA DÂN TỘC Công cuộc Nam tiến thời Lý – Trần – Hồ – Lê (1009 – 1527) Đại Việt thời Lê Thánh Tông (1460-1497) Đổng Thành Danh Từ trước đến nay, khi tiếp cận về tiến trình Nam tiến của người Việt, chúng ta thường thấy có hai cách tiếp cận ...
CHƯƠNG 2: TIẾN TRÌNH NAM TIẾN CỦA DÂN TỘC
Công cuộc Nam tiến thời Lý – Trần – Hồ – Lê (1009 – 1527)
Đổng Thành Danh
Từ trước đến nay, khi tiếp cận về tiến trình Nam tiến của người Việt, chúng ta thường thấy có hai cách tiếp cận chính: Phân kỳ và phân vùng. Phân kỳ tức là phân chia theo thời đại, với cách phân kỳ, người nghiên cứu tiếp cận quá trình Nam tiến theo từng giai đoạn Lý – Trần – Hồ – Lê – Nguyễn. Cách tiếp cận phân vùng, tức là chia ra theo lãnh thổ từ quá trình sát nhập Champa, tiếp theo là quá trình lấy đất Chân Lạp.
Tiếp cận Nam tiến, dười góc độ phân kỳ, có cái hay là làm rõ được tính xuyên suốt của tiến trình, những người nghiên cứu theo hướng này, muốn làm rõ tính chất liên tục của một diễn trình lịch sử, sự kiện mở cõi thời trước là tiền đề cho quá trình Nam tiến thời sau, sự kiện sau làm tiền đề cho cái sau nữa. Và như vậy, với cách tiếp cận này, Nam tiến được đưa vào một khung lộ trình, theo một diễn biến có thứ tự từ trước đến sau.
Nhưng với cách tiếp cận này, người nghiên cứu sẽ gặp khó khăn khi nghiên cứu về cuộc Nam tiến thời chúa Nguyễn. Vì rằng, vào thời chúa Nguyễn, Nam tiến có hai quá trình song song, một là sát nhập và tích hợp phần lãnh thổ cuối cùng của Champa vào xứ Đàng Trong, hai là mở đất ở Nam bộ, sát nhập phần đất của Chân Lạp. Hai quá trình này là hai quá trình đồng thời song song, với những diễn biến, cách thức, mối tương quan giữa các lực lượng…khác nhau. Nên, khi tiếp cận theo cột mốc 1611 mở đất Phú Yên, 1653 mở đất Khánh Hòa, 1692 mở đất Ninh Thuận, Bình Thuận (lãnh thổ Champa), sau đó lại nêu cột mốc 1698, Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược, mở đất Đồng Nai – Gia Định, vốn thuộc lãnh thổ của Chân Lạp. Thì người nghiên cứu phải nhắc lại về những điều kiện, hoàn cảnh, tiền để trước năm 1698 dẫn đến việc Nguyễn Hữu Cảnh Kinh lược xứ Đồng Nai, Gia Định, như sự kiện cuộc hôn nhân giữa vua Chân Lạp Chey Chetta II và công nữ Ngọc Vạn năm 1620, việc người Việt đến vùng đất Nam bộ định cư, sự kiện chúa Nguyễn lập đồn thu thuế cho người Việt năm 1623, sự kiện chúa Nguyễn cho 3000 người Hoa lưu vong vào xứ đó khai phá đất đai năm 1679…Những sự kiện này, là những sự kiện quan trọng, tiền để dẫn đến cuộc mở đất sau này ở Nam bộ. Tiếp cận theo cách phần kỳ, người nghiên cứu sẽ phải quay lại nói về những sự kiện trước ở Nam bộ dẫn đến sự kiện năm 1698, như vậy tính phân kỳ bị phá vỡ, dường như là thiếu logic.
Với cách tiếp cận phân vùng, người nghiên cứu sẽ không gặp phải trường hợp này. Nam tiến dười cách tiếp cận này, không phân chia theo thứ tự thời gian, mà chia theo vùng. Như vậy, Nam tiến được chia thành hai quá trình, một là sát nhập nước Champa, bắt đầu từ thời Lý, trải qua đến đời Trần, Hồ, Lê và hoàn thành ở đời chúa Nguyễn. Qúa trình hai, là lấy đất của Chân Lạp vào thời chúa Nguyễn, khi tiếp cận như thế này, đến lúc nghiên cứu về quá trình lấy đất Chân Lạp, người nghiên cứu sẽ lại đi theo trình tự các sự kiện đã nói ở trên là 1620, 1623, 1679 và sau đó mới đến sự kiện 1698, Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược xứ Đồng Nai, Gia Định. Như vậy, sẽ tõ ra hợp lý và logic hơn.
Nhưng, với cách tiếp cận này, người nghiên cứu lại sẽ không đưa Nam tiến vào một khung tiến trình, theo thứ tự triều đại. thời gian trước sau của cả một tiến trình Nam tiến. Nam tiến, là một quá trình, do đó nó cần được nghiên cứu theo thứ tự, theo một tiến trình, trước đến sau, sau đến sau nữa. Sự kiện mở đất thời chúa Nguyễn, không thể có nếu không có các sự kiện mở đất lần lần, theo kiểu “tầm ăn lá” từ thời Lý, sang đến thời Trần, Hồ, Lê. Theo cách phân vùng, người nghiên cứu, khi nghiên cứu về sự sát nhập Champa sẽ đi theo trình tự thời gian từ Lý – Trần – Hồ – Lê, đến thời chúa Nguyễn, khi nghiên cứu về việc lấy đất Chân Lạp thì chỉ có nói về thời chúa Nguyễn. Như vậy, làm sao có thể biết được mối tương quan, tương tác giữa hai quá trình song song này, sự thực quá trình sát nhập Champa và lấy đất Chân Lạp thời chúa Nguyễn có tính hỗ tương với nhau, rằng khi lấy xong đất Phú Yên, Khánh Hòa (1611, 1653) các chúa Nguyễn đã nghĩ ngay đến việc lấy đất Chân Lạp, và thực hành nó trong suốt thời gian đó. Trong khi, phần lãnh thổ cuối cùng của Champa vẫn chưa bị sát nhập hoàn toàn, nhưng việc người Việt, người Hoa có mặt ở Đồng Nai, Gia Định và việc chúa Nguyễn mở những trạm thu thuế ở Nam bộ, chứng tỏ, từ ngày đó, việc sát nhập vùng đất này đã nằm trong toan tính của các chúa Nguyễn. Lãnh thổ cuối cùng của Champa, đã bị thế lực của người Việt gọng kìm từ hai phía, sớm hay muộn nó cũng mất. Và khi mà phần lãnh thổ này cũng bị chúa Nguyễn lấy (1692), thì cũng chính là lúc mà các chúa Nguyễn có đủ những điều kiện công khai hay chính thức xác lập chủ quyền ở vùng đất Đồng Nai, Gia Định (1698). Vì rằng, chính việc sát nhập vùng đất cuối cùng của Champa, sẽ đặt ranh giới cực Nam của xứ Đàng Trong, liền với xứ Đồng Nai và Gia Định, lúc bấy giờ vẫn thuộc Chân Lạp, việc sát nhập vùng đất này vào xứ Đàng Trong chỉ còn là vấn đề thời gian. Và như thế, ta có quyền nói chính sự kiện năm 1692, là sự kiện trực tiếp (các sự kiện 1620, 1623, 1679 chỉ là sự kiện gián tiếp) dẫn đến sự kiện năm 1698, cho dù đó là hai quá trình khác nhau, trên hai phân vùng khác nhau. Với cách phân vùng, mối tương hỗ của hai quá trình chỉ là mờ nhạt, nhưng kỳ thực, hai quá trình Nam tiến, vào thời chúa Nguyễn có mối quan hệ với nhau, sự kiện này dù ở quá trình này, cũng sẽ tác động đến sự kiện kia ở quá trình kia, điều đó là rất quan trọng. Dưới gốc độ phân vùng, chúng ta sẽ không hiểu rõ mối tương quan đó.
Và như đã nói, Nam tiến là một quá trình, một quá trình thì phải được phân tích, nghiên cứu dưới gốc độ phân kỳ. Lịch sử không được phân kỳ và mọi phân kỳ đều chỉ là khập khiễn, nhưng khoa học về lịch sử cần phải được phân kỳ, phân kỳ giúp cho lịch sử được nhận biết, được thấu hiểu rõ ràng hơn, lôgic hơn. Trong niên luận này, tôi lựa chọn cách phân kỳ, để tiếp cận Nam tiến, với cách tiếp cận này, tôi biết mình sẽ vấp phải những lỗi đã nói ở trên. Nhưng đổi lại, khi nghiên cứu đến thời chúa Nguyễn, tôi sẽ chọn cách phân vùng và cố làm nổi bật tính phân kỳ, mối tương hỗ của hai quá trình song song của tiến trình Nam tiến vào thời chúa Nguyễn.
Tiện đây, tôi cũng lưu ý thêm một số thuật ngữ, quan niệm của tôi về phân kỳ lịch sử Nam tiến, được tôi sử dụng trong chương này: Nam tiến tự phát và tự giác; Nam tiến thụ động và bị động.
Nam tiến thụ động tức là một quá trình mở rộng lãnh thổ về Nam không xuất phát từ mục đích của phe thắng cuộc, cuộc mở cõi thời Lý và thời Trần chính là Nam tiến thụ động vì nó chỉ là kết quả của một sự dâng hiến tự nguyện từ kết quả của một cuộc chiến (nam 1069) và là quà cưới do người Champa trao cho Đại Việt hay nói cách khác Đại Việt vào thời Lý – Trần không có chủ động mở đất. Ngược lại, Nam tiến chủ động là cuộc mở rộng lãnh thổ về Nam mà phía Đại Việt dù bằng hình thức nào (tiến công đánh chiếm hay can thiệp vào nội bộ nước láng giềng) cũng đều chủ trương lấy đất của người để mở rộng lãnh thổ, theo tôi từ thời nhà Hồ Nam tiến đã chuyển sang chủ động. Tôi sẽ lý giải cụ thể hơn trong từng nội dung, từng thời kỳ của chương này về hai quá trình này.
Nam tiến tự phát sang tự giác là một quá trình, từ khi Nam tiến chỉ là một ý thức đơn giản nhầm mở rộng lãnh thổ sau các cuộc chiến tranh chinh phạt, họ xem đó như là kết quả của các cuộc đi đánh nước người, cuộc mở rộng lãnh thổ thời kỳ này không là chủ trương, đối sách được đặt lên hàng đầu, không mang nhiều ý nghĩa sống còn hay trường tồn của quốc gia hay triều đại. Chẳng hạn từ thời Lý đến tận thời Lê Sơ, Nam tiến đối với tổ tiên chúng ta từ cấp trung ương chỉ là kết quả do sự dâng nộp của các vua Champa (thời Lý – Trần), cho dù từ thời Hồ và thời Lê sơ Đại Việt đã chủ động đi đánh và lấy đất Champa (nam tiến chủ động) thì đó cũng chưa phải là một chính sách mang tính chất sống còn của triều đại, không nằm trong một chính sách phát triển của cả quốc gia như ở thời các chúa Nguyễn, cũng không mang tính liên tục như thời chúa Nguyễn. Sở dĩ tôi nhận định như vậy là vì, cho dù nhà Hồ đã có chủ trương đánh Champa để mở rộng lãnh thổ. nhưng sau này khi nhà Hồ bị quân Minh lật đổ, Champa đã chiếm lại vùng đất này, đến thời Lê Sơ vua Nhân Tông từng thân chinh đánh Champa nhưng lại không chiếm lấy đất Champa. Sau này 1471 vua Lê Thánh Tông tuy có chinh phạt và lấy được đất của Champa, nhưng vua Thánh Tông lại không có mục tiêu mở rộng lãnh thổ nữa, mà bằng chứng là ông đã cho khắc lên núi Thạch Bi (ranh giới với nước Champa) rằng “Chiêm Thành quá thử binh bại quốc vong, An Nam quá thử tướng tru binh chiết”. Như vậy chúng ta không thể nói Nam tiến từ Lý đến Lê là một quá trình liên tục, một chính sách, chủ chương chiến lược liên quan đến sự sống còn, trường tồn của quốc gia hay triều đại được, hay nói cách khác Nam tiến đối với Đại Việt từ năm 1471 trở về trước có cũng được, không có cũng được. Nên tôi xếp giai đoạn này ( Lý – Trần – Hồ – Lê) là thời kỳ Nam tiến tự giác.
Nhưng tình hình của các chúa Nguyễn sau này lại khác, sau khi chúa tiên Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận – Quảng, ông lúc nào cũng nuôi ý chí xây dựng một quốc gia tự chủ tuy vẫn mang danh nghĩa phò Lê, nhưng vẫn thoát khỏi sự kiểm soát của các chúa Trịnh, ông không muốn hàng năm phải đóng thuế cho họ Trịnh nữa. Nhưng xứ Thuận – Quảng thời đó chỉ là một vùng mới thành lập, dân cư còn thưa thớt, diện tích nhỏ hẹp, vùng đất này tuy có nhiều tìềm lực phát triển nhưng so với họ Trịnh ở phương Bắc với một vùng kiểm soát rộng lớn (đồng bằng Bắc Bộ, vùng núi Tây Bắc và Đông Bắc, vùng đồng bằng Thanh – Nghệ – Tĩnh) mà diện tích hơn ba, bốn lần xứ Thuận – Quảng cộng lại, dân cư cũng tương đương như vậy. Trong khi đó, chúa Trịnh lại luôn đưa quân vào đánh vùng đất này của chúa Nguyễn, họ Trịnh luôn coi nhà Nguyễn là cái “gai trước mắt” cần phải tiêu diệt. Chúa Nguyễn, trong bối cảnh đó một mặt phải Bắc cự Trịnh nhưng bên trong không ngừng xây dựng và củng cố vùng đất Thuận – Quảng, nhưng như vậy chưa đủ, để đủ sức lớn mạnh, trở thành một thế lực đối chọi ngang hàng với họ Trịnh, chúa Nguyễn phải Nam tiến, phải tìm thêm những vủng đất mới chưa được khai phá hết với những nguồn lợi phong phú, phải lấy dân từ Đàng Ngoài vào khai phá, những mãnh đất mà chúa Nguyễn mở rộng, đó luôn là niềm khao khát một cuộc sống mới không chỉ cho cư dận Thuận – Quảng mà còn cho những lưu dân ngày càng đông đến từ vùng Đàng Ngoài do chúa Trịnh kiểm soát, đó chính là những điều kiện để chúa Nguyễn vươn lên sánh ngang, thậm chí còn phát triển hơn cả vương quốc của chúa Trịnh…
Đến đây Nam tiến thật sự là một chính sách, chủ trương mang tính sống còn, mang ý nghĩa chiến lược của chúa Nguyễn. Đó chính là chủ trương mà mọi ông chúa họ Nguyễn luôn phải quan tâm thực hiện song song với chính sách Bắc cự (chống chúa Trịnh). Xem thế thì thấy, thời các chúa Nguyễn Nam tiến thật sự là một quá trình tự giác vậy!
1 Nam tiến thời Lý – Trần (1009 – 1400).
- Thời Lý (1009 – 1224).
Sau năm 938, chỉ cần vượt qua dãy Hoàng Sơn người Việt đã có thể tiến xuống vùng đất Champa. Trong suốt thời kỳ Bắc thuộc dù biên giới của Giao Châu và Champa (trước đó là Lâm Ấp) liên tục biến thiên, nhưng sau khi đất nước Việt Nam lấy được nền độc lập (938) thì dãy Hoàng Sơn là một ranh giới phân chia chính thức của hai nước và hầu như không có nhiều biến động cho đến thời Lý, chính là biên giới giữa tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình ngày nay.
Thời Lý, biên giới cực Nam của nước Đại Việt là châu Hoan, châu Ái, cực Bắc của Champa là địa danh được sử Việt gọi là Bồ Chính. Miền biên giới này là nơi thường xảy ra những xung đột, quấy nhiễu qua lại giữa hai quốc gia, tiếp theo xuống thứ tự là các vùng Ma Linh và Địa Lý (3 châu Bồ Chính, Ma Linh, Địa Lý tương đương với Quảng Bình, và Bắc Quảng Trị).
Mối quan hệ Đại Việt và Champa, sau cuộc hành quân của Lê Đại Hành năm 980 vào đất Champa, từ đó mối quan hệ hai nước tạm yên ổn. Sau khi nhà Lý được thành lập, mối quan hệ này trở nên vô cùng phức tạp, có những lúc hai bên giao hiếu, lại có những lần hai bên giao tranh đặc biệt nhất là cuộc giao tranh năm 1044, tức là thời Lý Thái Tông.
Dấu ấn đầu tiên trong tiến trình Nam tiến được ghi nhận chính là năm 1069, khi vua Lý Thánh Tông thân chinh Champa, bắt sống vua Champa mà bia ký Chăm gọi là Rudravarman III, sử Việt gọi là Chế Củ, buộc vua Champa phải cắt ba châu Bồ Chính, Ma Linh, Địa Lý sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt.
Về nguyên nhân cuộc hành quân này Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (toàn thư chép): “…Chiêm thành dâng voi trắng, sau lại quấy nhiễu biên giới…” (1068) có lẽ đó là nguyên nhân chăng? Nhưng sách Việt Sử Lược lại không thấy chép gì về sự kiện tiến cống voi trắng này, trong cuốn sách Lý Thường Kiệt: lịch sử bang giao và tông giáo, tác giả Hoàng Xuân Hãn đặt nghi vấn về nguyên nhân được sách Toàn Thư nêu ra, tác giả dẫn chứng trên bia ký ở chùa Linh Xứng nói rõ: “…Kịp đến khi nước Phật Thệ (tức Champa) hỗn phép không tới chầu, quân nhà vua rầm rộ kéo sang đánh…”, ngoài ra bằng chứng thứ hai là sau khi khải hoàn vua Lý gửi thư cho vua Tống nói rằng “…Chiêm Thành đã lâu không tiến cống, tôi tự đem quân sang đánh…”[1].
Về diễn biến của cuộc hành quân này các sách đều chép như nhau, nhưng sách Việt Sử Lược là chép chi tiết hơn cả, theo đó: “…Mùa xuân, tháng 2, ngày Mậu Tuất (24 – 2) vua xuống chiếu thân chinh đến nước Chiêm Thành. Ngày Đinh Mùi (5 – 3) vua thề ở nơi Long Trì. Ngày Canh Dần (8 – 3) vua xuất quân. (Đúng là ngày Giáp Tuất- ND). Ngày Đinh Tỵ đến châu Nghệ An(15 – 3)…Ngày Canh Thân dừng quân ở cửa biển núi Nam Giới (nay là cửa Sót, Hà Tĩnh)…Ngày Ất Sửu (23 – 3) sai bọn Hoàng Tiệp trong hàng Đại Liêu Ban đánh cửa biển Nhật Lệ thắng lợi. Ngày Kỷ Tỵ (27 – 3) qua Đại Trường Sa. Ngày Canh Ngọ (28 -3) dừng quân ở cửa biển Tư Dung…
… Ngày Bính Tý đóng quân ở Thị Lợi Bì Nại. Đại quân tiến lên trước đóng ở bờ sông Tu Mao thấy tướng Chiêm Thành là Bố Bì Dà La đang bày trận ở bờ sông. Quan quân (nhà vua- ND) xông ra đánh, chém Bố Bì Dà La, quân Chiêm chết vô số. Chúa Chiêm Thành là Đệ Củ, nghe quân bị thua bèn dắt vợ con ban đêm lẫn trốn. Đêm ấy, quan (nhà vua- ND) kéo rốc vào thành Phật Thệ, đến bến Đồng La, dân ở thành Phật Thệ xin hàng… Mùa hạ, tháng 4 Nguyên Soái Nguyễn Thường Kiệt, bắt được Đệ Củ ở biên giới Chân Lạp…”[2].
Cũng theo Việt Sử Lược, sau khi chiến thắng vua đãi yến tiệc, cho kiểm kê lại số nhà dân và tháng 5 thì lên đường về nước đem theo vua Rudravarman III. Khi khải hoàn trờ về vua Rudravarman III xin dâng ba châu Bồ Chính, Địa Lý, Ma Linh cho Đại Việt, vua Lý Thánh Tông tiếp nhận và tha cho vua Champa trở về.
Về ba châu này sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Cương Mục) chép: Địa Lý: đời Hán, thuộc quận Nhật Nam; đời Tống, là châu Địa Lý thuộc Chiêm Thành; nhà Lý đổi là Lâm Bình…Bấy giờ là đất phủ Quảng Ninh thuộc tỉnh Quảng Bình…;
….Ma Linh: đời Hán, thuộc quận Nhật Nam; đời Tống, là châu Ma Linh thuộc Chiêm Thành; nhà Lý đổi là Minh Linh; Bây giờ là đất đai huyện Minh Linh và Do Linh thuộc tỉnh Quảng Trị…
…Bố Chính: đời Hán là đất huyện Thọ Lãnh thuộc quận Nhật Nam; đời Tống là châu Bố Chính thuộc Chiêm Thành; nhà Lý vẫn để tên như thế; Bây giờ là đất ba huyện Bình Chính, Minh Chính và Bố Trạch thuộc tỉnh Quảng Bình…”[3].
Vùng đất này, hẹp và dốc, chủ yếu là vùng đổi, núi, tựa lưng vào dãy Trường Sơn. Từ Tây sang Đông theo thứ tự là vùng núi cao, vùng đồi và trung du, vùng đồng bằng ở giữa, vùng cát ven biển ở rìa phía Đông. Từ Bắc xuống Nam có các con sông lớn chảy qua là sông Gianh, sông Nhật Lệ, sông Bến Hải, và ở cực Nam có sông Thạch Hãn.
Kể từ lúc đó, ba khu vực Bồ Chính, Địa Lý, Ma Linh (tức là Quảng Bình và phần Bắc Quảng Trị) chính thức thuộc về Champa, sách sử còn ghi nhận những nỗ lực đem quân lấy lại vùng đất này của Champa (1075). Năm đó, vua Lý Nhân Tông sai Lý Thướng Kiệt đi đánh Champa, nhưng không biết diễn biến thế nào, kết quả chỉ nói là không thắng được và Lý Thường Kiệt cho vẽ địa đồ ba châu Bồ Chính, Địa Lý sau đổi là Lâm Bình, Ma Linh sau đổi là Minh Linh và ra chiếu chiêu dụ dân đến đây sinh sống. Theo Phan Khoang, chiếu chiêu mộ dân này là một văn kiện quan trọng trong lịch sử nước ta; ấy là bước đầu của cuộc Nam tiến mà dân tộc ta theo đuổi trong 6, 7 thế kỷ sau.
Đến ngày hôm nay, chúng ta không có nhiều tài liệu để nói về công cuộc khẩn hoang ở Quảng Bình và Bắc Quảng Trị của cư dân Việt khi mới vào đây, ngoài gia phả riêng biệt của từng dòng họ, hay những tài liệu địa chí Quảng Bình…Theo những tài liệu này ngay sau chiếu chiêu mộ dân đến mở đất, khai phá vùng đất mới, nhiều người dân từ Bắc, đa số là người Nghệ An đi vào và bắt đầu khai khẩn vùng đất mới. Những người này thường cùng một dòng họ, rồi tụ tập thành một làng, trong sách Ô Châu Cận Lục, Dương Văn An khi liệt kê các làng ở Lâm Bình, Minh Linh có nói đến các làng Phan Xá, Ngô Xá…nhiều học giả nghiên cứu về Quảng Bình cho rằng các làng này có thể là do các dòng họ, Phan hay Ngô lập ra.
Nhưng ở châu Bồ Chính lại không có những làng mang tên họ như thế này, nhà nghiên cứu địa lý, lịch sử tỉnh Quảng Bình R.P. Cadiere đưa ra giả thuyết vào thời kỳ này di dân khi vào nam không ở châu Bồ Chính mà đi thẳng vào phía Nam sông Gianh để lập nghiệp, sau này vào thời nhà Lê thì vua Lê Thánh Tông mới cho dân đến Bồ Chính lập làng[4]. Giả thuyết được học giả người Pháp này đưa ra rất có cơ sở, vì theo nghiên cứu của tôi thứ nhất vùng đất phía Nam sông Gianh, tức là châu Lâm Bình và Minh Linh đất đai phì nhiêu hơn khu vực Bồ Chính ở phía Bắc, thứ hai, cũng trong một khu vực tỉnh Quảng Bình bản sắc, tiếng nói của hai vùng Bắc và Nam sông Gianh rất khác nhau, trong khi đó bản sắc và tiếng nói vùng Nam sông Gianh (thuộc địa phận Quảng Bình) lại có nhiều tương đồng với vùng Bắc Quảng Trị tức là châu Minh Linh thời Lý.
Như vậy, đến hết đời Lý lãnh thổ Đại Việt đã mở rộng thêm ba châu Địa Lý, Lâm Bình, Minh Linh nay là Quảng Bình và Bắc Quảng Trị, lấy Cửa Việt ngày nay làm ranh giới hai nước. Đây là cột mốc đầu tiên trong lộ trình Nam Tiến của dân tộc, Nam tiến thời kỳ này chỉ là một bước đệm, các vua Đại Việt lúc này không chủ trương lấy đất, mà chỉ là do vua Champa đổi lấy để trở về nước, nên đây là Nam tiến một cách thụ động của phía Đại Việt. Cuộc Nam tiến bước đầu này hoàn toàn là giai đoạn Tự phát.
- Thời Trần (1225 – 1299).
Sang thời nhà Trần (1225 – 1400) mối quan hệ Đại Việt – Champa đầy biến động, lúc hòa thuận, lúc lại đầy sóng gió. Những biến động trên đều xoay quanh một sự kiện trung tâm là cuộc hôn nhân giữa vua Champa là Simhavarman III mà sử Việt gọi là Chế Mân và công chúa nhà Trần, Huyền Trân. Sự kiện này đưa đến việc Champa nhượng lại hai vùng đất mà sử Việt gọi là Châu Ô, Lý (nay là Nam Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, một phần Bắc Quảng Nam).
Trước khi đi vào vấn đề Đại Việt thu lấy hai vùng đất mới này, tôi xin khái lược về mối quan hệ hai nước thời Trần, đến trước cuộc hôn nhân lịch sử năm 1306. Từ khi Trần Thái Tông lên ngôi Champa có cho sứ giả sang hai lần, nhưng thỉnh thoảng vẫn không từ bỏ ý định lấy lại ba châu đã mất thời Lý, thường xuyên có những xung đột biên giới nhỏ giữa hai nước. Năm 1252 sau khi vua Thái Tông thân chinh đánh Champa, vùng biên giới mới tạm ổn một thời gian, hai nước lại giao hảo.
Sau đó cả hai nước phải cùng lúc đối mặt với thảm họa xâm lăng từ đế quốc Mông – Nguyên, trong cuộc chiến này hai quốc gia đã hợp tác hiệu quả cùng nhau chống lại kẻ thù chung, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Sau chiến tranh quan hệ hai nước trở nên tốt đẹp nhất, thường xuyên giao hảo. Vua Simhavarman III và Trần Nhân Tông, luôn cố vun đấp cho mối bang giao hòa hảo đời đời của hai nước. Kết quả là trong chuyến du hành đến Champa, nhận được sự tiếp đãi nồng hậu của Champa, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Champa.
Nhưng cả ông vua Champa và thái thượng hoàng Trần Nhân Tông đều không ngờ cuộc hôn nhân này lại nhận được một sự phản ứng mạnh mẻ của các quan đại thần, vốn là những nhà nho thủ cựu, họ so sánh việc này như là việc “Vương Chiêu Quân cống Hồ”, họ phản đối việc đưa công chúa “cành vàng lá ngọc” về làm dâu nước man rợ.
Trước sự phản đối của các quan lại triều Trần, vua Simhavarman III vì mưu cầu cái lợi ích cho quốc gia, nhầm nghĩa đến mối tình thâm hai nước hay vì một lý do gì khác? Đã chấp nhận nhượng lại cho Đại Việt hai vùng châu Ô, Lý, xem như đây là lễ vật cầu hôn công chúa. Đến lúc này, vua, quan nhà Trần mới thống nhất chấp nhận. Năm 1306, Công Chúa Huyền Trân lên đường đến về Champa.
Về sự kiện này thì đến hôm nay hậu duệ người Champa vẫn còn ca thán mãi, họ rất là hận vua Chế Mân đã đem giang sơn đổi lấy mỹ nữ. Còn về phần Việt Nam họ coi sự kiện công chúa về “làm dâu Chiêm quốc” có một ý nghĩa to lớn trong công cuộc Nam tiến, theo bước chân bà đã có hàng trăm, hàng ngàn người lên đường vào Nam, khai phá vùng đất mới.
Nhưng chỉ được một năm, thì vua Champa băng hà, theo phong tục công chúa phải lên giàn thiêu cùng chồng, vua Anh Tông cho người mượn tiếng sang chia buồn, dùng kế cướp công chúa Huyền Trân về nước (đó là chép theo sử cũ, còn xoay quanh sự kiện gần đây có rất nhiều ý kiến tranh cãi, phê bình). Kể từ đó mối quan hệ Việt – Champa liên tục tiếp nối bằng các cuộc xung đột, chiến tranh, mỗi đời vua Champa lên ngôi từ Chế Chí đến Chế Bồng Nga đều nuôi chí báo thù, lấy lại đất cũ, đặc biệt nhất chiến tranh nỗ ra ác liệt giữa hai nước vào thời Chế Bồng Nga, nhiều lần vua Champa đã tiến vào tận kinh thành Thăng Long, nhưng cuối cùng Chế Bồng Nga lại bị chết trận, từ đó sức lực của Champa dần yếu đi trước Đại Việt.
Trở lại vấn đề Nam tiến, sau khi dâng hai châu Ô, Lý cho Đại Việt, sách Toàn Thư chép:“Mùa xuân, tháng giêng, đổi hai châu Ô, lý thành châu Thuận và châu Hoá. Sai Hành khiển Đoàn Nhữ Hài đến vỗ yên dân hai châu đó.…trước đấy chúa Chiêm Thành Chế Mân đem đất hai châu đó làm lễ vật dẫn cưới, nhưng người các thôn La Thuỷ, Tác Hồng, Đà Bồng không chịu theo. Vua (Anh Tông) sai Nhữ Hài đến tuyên dụ đức ý…chọn người trong bọn họ trao cho quan tước, lại cấp ruộng đất, miễn tô thuế 3 năm để vỗ về…”[5].
Nếu như theo ghi chép trên chúng ta biết rằng sau khi vua Champa dâng vùng đất này cho Đại Việt, thì vua nhà Trần đã cho Đoàn Nhữ Hài đến thiết lập hệ thống hành chánh, thuế mà, ruộng điền… tức là xác lập chủ quyền ở khu vực này. Đoạn văn trên ta còn biết thêm chi tiết thú vị về các làng La Thủy, Tác Hồng, Đà Bồng có thể là làng của cư dân bản địa (người Champa), một bộ phận họ vẫn còn ở lại và hòa nhập vào cộng đồng người Việt sau này, những tên làng trên là do người Việt phiên âm… hoặc các làng trên là làng của người Việt đã đến định cư ở đây trước đó.
Thuận châu lúc bấy giờ tương đương với khu vực Nam Quảng Trị từ Cửa Việt. Còn về Hóa châu thì cò có nhiều nghi vấn, phần lớn các nghiên cứu có đề cập đến sự kiện này đều nhận định chung rằng Hóa châu xưa tương đương với tỉnh Thừa Thiên – Huế ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu thường hiểu nhầm rằng dãy Bạch Mã hay đèo Hải Vân là biên giới chính thức của hai nước sau năm 1306. Theo tôi, nhận định trên không chính xác.
Trong Đất Nước Việt Nam Qua Các Đời, học giả Đào Duy Anh khi viết về Lộ Thăng, Hoa (tức là vùng đất sau này Hồ Qúy Ly chiếm mà chúng ta hiểu nhầm là tỉnh Quảng Nam hiện tại) có đoạn: “…Lộ Thăng Hoa (với châu Thăng, Hoa) nói chung là tương đương với đất Quảng Nam, hai châu ấy nhà Hồ đặt sau khi chiếm đất Chiêm Động của Chiêm Thành…”, viết là như vậy nhưng sau khi nghiên cứu về địa điểm của huyện Lệ Giang thời Hồ, tác giả Đào Duy Anh lại viết: “…Vậy thì ở thời Lê miền Bắc sông Chợ Củi là thuộc thừa tuyên Thuận Hóa, mà thừa tuyên Quảng Nam tương đương với Lộ Thăng Hoa thì ở về phía Nam sông Chợ Củi…”[6].
Xem thế thì thấy lãnh thổ Hóa Châu không chỉ tương đương với Thừa Thiên – Huế ngày nay. Ta thấy Đào Duy Anh nhận định lộ Thăng Hoa thời Hồ (tức là Chiêm Động của Champa) tương đương với đất Quảng Nam bây giờ, đất này được nhập vào lãnh thổ nước Đại Việt vào năm 1402, sau này sang thời Lê tức là thừa tuyên Quảng Nam. Nhưng sau đó, tác giả lại hoài nghi miền Bắc sông Chợ Củi (Thu Bồn) thuộc thừa tuyên Thuận Hóa, miền Nam sông Chợ Củi mới là thừa tuyên Quảng Nam thời Lê. Mà thừa tuyên Quảng Nam mãi đến năm 1402 mới thuộc về Đại Việt, tức là khu vực bắc sông Chợ Củi tương đương với Bắc tỉnh Quảng Nam ngày nay từ năm 1306 đã thuộc về Đại Việt, tức là thuộc Hóa châu, mà sang thời Lê cũng thuộc thừa tuyên Thuận Hóa chứ không phải thừa tuyên Quảng Nam.
Tôi cho rằng, đây không chỉ là nghi vấn mà học giả Đào Duy Anh đưa ra nữa, mà là một nhận định mới hoàn toàn chính xác, bằng chứng là tác giả Phan Khoang nhận định rằng: “…huyện Hương Trà thuộc tỉnh Thừa Thiên ngày nay chính là Thuận châu; phần còn lại của Thừa Thiên, các huyện Hòa Vang, các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bà thuộc Quảng Nam ngày nay chính là Hóa châu…”[7]. Lập luận này càng được cũng cố khi nghiên cứu về bản sắc và tiếng nói của người Quảng ở Bắc sông Thu Bồn và Nam sông Thu Bồn có nhiều khác nhau, trong khi đó, bản sắc và tiếng nói phần Quảng Nam ở Bắc sông Thu Bồn lại có nhiều điểm tương đồng với cư dân Thừa Thiên – Huế, khi nghiên cứu gia phả dòng họ Phan ở Đà Nẵng, Hồ Trung Tú cũng đưa ra các nhận định tương tự[8].
Như vậy, có thể khẳng định đến năm 1306, ranh giới Đại Việt và Champa không chỉ đến đèo Hải Vân mà còn đến tận sông Thu Bồn. Tức là sau năm 1306 lãnh thổ Đại Việt đã tiến xuống, mở rộng thêm không chỉ vùng đất Nam Quảng Trị từ Cửa Việt và tỉnh Thừa Thiên – Huế ngày nay mà còn cả khu vực Đà Nẵng và các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An của Quảng Nam (từ Nam đèo Hải Vân đến Bắc sông Thu Bồn).
Địa hình Thuận châu cũng tương tự như địa hình châu Bồ Chính, Địa Lý, Minh Linh. Dãi đất chật, hẹp, tựa lưng vào dãy Trường Sơn, địa hình phân làm ba vùng: núi cao và đồi, trung du ở phía Tây, đồng bằng chính giữa và vùng ven biển ở phía Đông. Hóa châu cũng tựa lưng vào dãy Trường Sơn, chia làm ba miền địa hình từ Tây sang Đông, nhưng từ Thuận châu xuống Hóa Châu phần đất được phình rộng, tạo ra một vùng đồng bằng rộng hơn vùng Bồ Chính, Địa Lý, Ma Linh ở phía Bắc, Sông ngòi thường ngắn nhưng lại lớn về phía hạ lưu, con sông lớn nhất là sông Hương, với cửa biển quan trọng là cửa Thuận An và cửa Tư Hiền, phía cực Nam có con sông Thu Bồn. Về núi cao, dãy Bạch Mã là dãy núi nổi tiếng ở đây, đó là một nhánh ăn ra biển của dãy Trường Sơn, Bạch Mã ngăn cách Thừa Thiên – Huế và Đả Nẵng ngày nay qua đèo Hải Vân nổi tiếng.
Về phía Champa, họ đã đánh mất một địa bàn phòng thủ chiến lược của mình, đánh mất đi một phần của tiểu quốc Amaravati và hải cảng phong thủ chiến lược của khu vực này, đồng thời đánh mất luôn khu vực đồng bằng quanh con sông Hương. Trước là Bồ Chính, Ma Linh, Địa Lý, nay là châu Thuận, Hóa cả hai phần đất trên tương đương cương vực vương quốc Lâm Ấp ban xưa, nay thì đã mất vào Đại Việt.
Như vậy, cho đến lúc này dù lãnh thổ đã được mở rộng nhưng thực tế những phần đất này đều hoặc là do vua Champa cắt để cầu hòa, hoặc là để cầu hôn, nên vì thế người ta không thể kết tội cho Đại Việt có ý định xâm chiếm đất đai của Champa dược, do đó lúc này quá trình Nam tiến của Đại Việt chỉ là thụ động chứ không phải là chủ động, quá trình lưu dân vào khai khẩn, đất đai mới mở rộng chỉ là tự phát chứ chưa chuyển sang giai đoạn tự giác.
2 Nam tiến thời Hồ – Lê (1400 – 1527).
- Thời Hồ (1400 – 1407).
Sau những năm chiến sự ác liệt, giữa hai nước Champa và Đại Việt, thực lực của cả hai quốc gia đều suy yếu. Ở phía Bắc, nhà Trần ngày càng rơi vào khủng hoảng trầm trọng, lợi dụng tình hình đó năm 1400, Hồ Qúy Lý cướp ngôi vua Trần và lập ra nhà Hồ, lấy quốc hiệu là Đại Ngu. Ở phía Nam, nước Champa sau khi Chế Bồng Nga bị tử nạn, mất đi một thủ lĩnh quân sự anh hùng, vương quốc nhanh chóng rơi vào suy yếu nhanh chóng.
Sau khi lên ngôi, sử liệu cho biết Hồ Qúy Ly có sai quân sang đánh Champa vào năm 1401, nhân lúc vua Champa là Simhavarman (sử Việt gọi là La Khải) mất, nhường ngôi lại cho con là Virabhadravarman (sử Việt gọi là Ba Đích Lai). Về sự kiện này sách Cương Mục chép như sau: “…Quý Ly nhân cơ hội ấy mới dùng Đỗ Mãn làm đô tướng thủy quân Trần Vấn làm chức phó, Trần Tùng làm Đô tướng bộ quân, Đỗ Nguyên Thác làm chức phó, quản lĩnh mười lăm vạn quân, tiến đến biên cảnh Chiêm Thành, Tùng nghe lời Đinh Đại Trung, dẫn đạo quân bộ đi ven theo chân núi, cách xa với đạo quân thủy,lúc ấy nước lũ đã xô đến, ba ngày tướng sĩ không có lương, phải nướng mai rùa, da thú để ăn bèn kéo quân về…”[9]. Như vậy, xem như cuộc hành quân này thất bại. về số lượng quân tham gia sách Toàn Thư cho biết có khoảng 15 vạn quân tham gia trong trận này[10].
Nhưng quan trọng nhất vẩn là cuộc hành quân sau đó vào tháng 7 năm 1402. Trong trận này Hồ Hán Thương (ông vua kế vị Hồ Qúy Ly, lúc bấy giờ Hồ Qúy Ly là Thái Thượng Hoàng) cho Đỗ Mãn làm Đô tướng; Điện nội phán thủ Nguyễn Vị và An phủ sứ lộ Đông Đô Nguyễn Bằng Cử làm chiêu dụ sứ, đi đánh Champa. Về diễn biến, kết quả sự kiện này Toàn Thư chép:
“…Đại quân sắp tới đất Chiêm, Đinh Đại Trung cưỡi ngựa đi trước các quân, gặp tướng giặc Chế Tra Nan, hai bên giao chiến, đều bị chết. Chúa Chiêm Ba Đích Lại sợ, sai cậu là Bố Điền…dâng đất Chiêm Động để xin rút quân. Bố Điền tới, Quý Ly bắt ép phải sửa tờ biểu là dâng nộp cả động Cổ Lũy. Rồi chia đấy ấy thành bốn châu Thăng,Hoa, Tư, Nghĩa. Đặt An phủ sứ và An phủ phó sứ lộ Thăng Hoa để cai trị…Hán Thương điều An phủ sứ lộ Thuận Hóa Nguyễn Cảnh Chân làm An phủ sứ lộ Thăng Hoa, lấy Hiệu Chính hầu Chế Ma Nô Đà Nan làm Cổ Lũy huyện thượng hầu, trấn giữ châu Tư, Nghĩa, chiêu dụ, vỗ về dân chúng người Chiêm…”[11].
Như vậy, đến đây lãnh thổ Đại Việt mở đến lộ Thăng Hoa, tức là Chiêm Động và Cổ Lũy. Nhà Hồ chia Chiêm Động thành hai châu Thăng và Hoa, tương đương với Nam Quảng Nam ngày nay. Cổ Lũy chia thành hai châu Tư, Nghĩa tương đương với phần đất Quảng Ngãi ngày nay. Nhà Hồ còn cho một người Việt là Nguyễn Cảnh Chân đứng đầu vùng đất mới này, còn cho Chế Ma Nô Đà Nan[12] một người Champa làm quan địa phương để vỗ về dân cư bản địa còn ở đây.
Về việc quản lý vùng đất mới này sử liệu chép: Quý Mùi, [1403], Mùa xuân, tháng 2, Hán Thương đem những người không có ruộng mà có của dời đến Thăng Hoa, biên chế thành quân ngũ…Người ở châu nào thì thích hai chữ tên châu ấy vào hai cánh tay để làm dấu hiệu. Đến năm sau đưa vợ con đi theo, giữa đường, bị bão chết đuối, dân phần nhiều ta oán. Hán Thương mộ dân nộp trâu để cấp cho dân mới dời đến ở Thăng Hoa, người nộp được ban tước…”[13].
Xem những gì sử liệu ghi lại ta thấy, ngay sau khi thu được vùng đất mới nhà Hồ đã cho dân đến khai khẩn vùng đất mới, nhưng dường như chi tiết về việc biên chế dân thành quân ngũ hay cho di dân thích cánh tay vào làm dấu hiệu cho thấy, cuộc di dân này là do triều đình tổ chức và nó mang tính cưỡng bức nhiều hơn là tự nguyện, khi đến đây những di dân này phải sống như những người tù nhân, bị quản lý theo biên chế quân sự, một cuộc di dân mà trước chưa có sau ũng chưa có. Nhưng cuộc di dân này thể hiện một tham vọng mở cõi, nỗ lực ổn định trấn thủ vùng đất mới này của triều đình nhà Hồ.
Bên cạnh đó, có nhiều cứ liệu cho chúng ta thấy rằng ở giai đoạn mới đầu này, cho đến trước khi Lê Thánh Tông đánh Champa năm 1471 thì đa số dân cư ở đây vẫn là cư dân bản địa. Bằng chứng là nhà Hồ không xua đuổi cư dân bản địa mà vẩn cho người Champa tự do muốn đi thì đi muốn ở thì ở, thậm chí những người ở lại còn được bổ làm quan. Hơn nữa, sự kiện những đoàn di dân đem theo vợ, con bị bão chết đuối gần hết và sau này không thấy sử liệu nào nói về các đợt di dân lớn nào nữa cho thấy đi dân người Việt vào đất này so với người Champa rất ít. Như vậy, có thể kết luận trong giai đoạn đầu lấy được phần đất mới ở lộ Thăng Hoa thì người champa ở lại đây là chính, người Việt thì “ở lẫn” với người Champa và dần dần theo phong tục của họ[14].
Nhưng lần mở cõi này lại gặp những biến cố khó lường trong khi đang thực hiện chính sách mở cõi của mình thì nhà Hồ bị nhà Minh bên Trung Quốc đem quân sang xâm lược, chung cuộc họ Hồ phải cáo chung, nước Việt bị nhà Minh đô hộ suốt 20 năm (1407 – 1427). Nhân đó Champa cho quân chiếm lậy vùng đất mà nhà Hồ đã lấy vào năm 1402, cho dù nhà Minh có ghi vùng đất này vào sổ bộ của mình nhưng trên thực tế không kiểm soát nó. Và từ năm 1407 đến 1471 vùng đất lộ Thăng Hoa này lại trở về với Champa.
Dẫu vậy, chúng ta cũng không thể không ghi nhận những nỗ lực mở rộng lãnh thổ về Nam và công lao của họ trong việc thực hiện bước đầu chủ động Nam tiến của nhà Hồ, công lao đưa những lưu dân đầu tiên (tuy không nhiều) vào vùng đất mới mở này. Chính từ đây, cuộc Nam tiến của dân tộc Việt đã chuyển sang một bước tiến lớn từ thụ động sang chủ động.
- Thời Lê Sơ (1427 – 1527).
Sau một thời gian gần hai mươi năm bị quân Minh đô hộ, năm 1427 cuộc khởi nghĩa trường kỳ chống quân Minh xâm lược của nghĩa quân Lam Sơn và nhân dân Đại Việt do Lê Lợi lãnh đạo giành được thắng lợi, năm sau Lê Lợi lên ngôi, thụy sau này là Lê Thái Tổ, khai sinh nhà Lê Sơ, đặt tên nước là Đại Việt.
Lúc đầu, vào thời Lê Thái Tổ quan hệ hai nước Đại Việt và Champa có tốt đẹp, hai nước thường thông sứ. Nhưng từ thời Thái Tông, Nhân Tông trở đi hai nước thường xuyên có những xung đột, quan trọng nhất là năm 1446 khi Nhân Tông đem quân đánh Champa.
Về phía Champa, Virabhadravarman (Ba Đích Lai) băng năm 1441, Ma Ha Bì Cái lên thay, ông vua này có chính sách cướng rắn với Đại Việt. trong cuộc hành quân năm 1446 của Đại Việt ông bị bắt. Champa rơi vào những cuộc biến động liên tục lần lượt Ma Ha Qúy Lai, Ma Ha Qúy Do, Trà Duyệt, Trà Toàn lên làm vua Champa[15].
Dưới thời Lê Thánh Tông (Đại Việt) hai nước Đại Việt và Champa lại căng thẳng. Năm 1471, vua Đại Việt lấy lý do Champa không chịu cống và còn đưa sang quấy nhiễu miền biên giới hai nước, đính thân vua Lê Thánh Tông viết cuốn Bình Chiêm sách và thân chinh đem quân sang đánh Champa.
Về diễn biến cuộc chiến này sách Toàn Thư và Cương Mục chép tương đối giống nhau, nhưng tương đối dài, Trần Trọng Kim tóm tắt sự kiện này như sau: “…Năm canh-thìn (1470) là năm Hồng-đức nguyên-niên, vua nước Chiêm-thành là Trà Toàn muốn sinh sự với nước Nam. Một mặt thì cho người sang cầu viện-binh bên nhà Minh, một mặt thì đem quân sang đánh phá ở đất Hóa-châu. Vua Thánh-tông cho sứ sang Tàu kể chuyện Trà Toàn làm nhiễu, rồi ngài tự làm tướng, cử đại-binh hơn 20 vạn sang đánh Chiêm-thành; khi quân vào đến Thuận-hóa, Thánh-tông đóng quân lại để luyện-tập và sai người lẻn sang vẽ địa-đồ nước Chiêm-thành để biết cho rõ chỗ hiểm chỗ không rồi mới tiến binh lên đánh lấy cửa Thị-nại (cửa Bình-định). Trà Toàn đánh thua, rút quân về giữ kinh-thành Đồ-bàn. Quân An-Nam kéo đến vây đánh, phá được thành, bắt được Trà Toàn…”[16].
Cùng năm đó, sau khi thắng lợi về đến kinh thành, vua Thánh Tông thu lấy phần đất từ Nam Quảng Nam, Quảng Ngãi (tức là vủng Chiêm Động và Cổ Lũy trước kia, sau năm 1402 là lộ Thăng Hoa thuộc nhà Hồ, 1407 bị Champa chiếm lại) về đến hết tỉnh Bình Định ngày nay nhập vào lãnh thổ Đại Việt. Vủng đất còn lại ở phía Nam được vua Thánh Tông chia làm ba vùng: một vùng lãnh thổ còn lại của người Champa do một hàng tướng người Chăm là Bồ Trì Trì nắm giữ ở tại Panduranga (nay là Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận), một vùng là nước Hoa Anh do Hoa Anh vương đứng, tiểu quốc này nằm giữa vùng đất từ đèo Cù Mông đến đèo Cả tương đương với Phú Yên ngày nay (đây được xem là vùng đệm giữa Đại Việt ở phía Bắc và Champa ở phía Nam), và vùng thứ ba là nước Nam Bàn ở phía Tây nước Hoa Anh (nay là Bắc Tây Nguyên) do hai tiểu vương mà sử Việt gọi là Thủy Xá và Hỏa Xá đứng đầu[17].
Trở lại vấn đề nghiên cứu, chúng tôi quan tâm đến biên giới cực Nam của nước Đại Việt sau năm 1471. Về ranh giới này các tài liệu luôn không thống nhất, có hai ranh giới gây tranh luận là đèo Cù Mông (ranh giới Bình Định và Phú Yên ngày nay), đào Cả (ranh giới Phú Yên và Khánh Hòa ngày nay).
Tác giả Nguyễn Quang Thắng trích dẫn cuốn Dư Địa Chí đời Hồng Đức (dây là Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi sau được Dương Bá Cung sưu tầm và bổ sung vào) như sau: “…Lê Thánh Tông đánh chiếm Chiêm Thành mở đất đến Thạch Bi Sơn…trở về Nam còn lại thuộc Chiêm Thành…”[18]. Sách Toàn Thư và Cương Mục lại không chép rõ ràng về ranh giới nước Đại Việt sau năm 1471.
Sau này Đại Nam Nhất Thống Chi khi viết về tỉnh Phú Yên có chép: “…Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành, chiếm lấy đất này đặt làm huyện Tuy Viễn, lấy núi Thạch Bi Sơn làm giới hạn, nhưng từ Cù Mông về Nam còn thuộc người Man, người Lào…”. Đại Nam Nhất Thống Chí tỉnh Khánh Hòa cũng xác nhận ranh giới nước ta thời đó là núi Thạch Bi[19].
Nhưng, trong quá trình nghiên cứu chúng tôi đã tìm ra những cứ liệu bác bỏ luận điểm trên. Chúng tôi, cho rằng nếu như Thạch Bi Sơn là ranh giới hai nước Đại Việt và Champa sau năm 1471, thì đèo Cả hay dãy Đại Lãnh chính là biên giới hai nước lúc này. Đèo Cả hay núi Thạch Bi đều năm trên dãy Đại Lãnh, mà dãy núi này là ranh giới giữa Phú Yên và Khánh Hòa, xem thế thì thấy vào sau năm 1471 khi thành lập Thừa Tuyên Quảng Nam thì Phú Yên phải thuộc Thừa Tuyên Quảng Nam.
Sách Cương Mục ghi về sự kiện này như say: “…Nhà vua đem đất Chiêm Thành đặt làm Quảng Nam thừa tuyên, quản lãnh 3 phủ, 9 huyện, đặt ba ty: Đô ty, Thừa ty, và Hiến ty và đặt vệ quân Thanh Hoa gồm 5 sở…”[20]. Cũng theo Cương Mục 3 phủ đó là: Phủ Thăng Hoa, quản lĩnh ba huyện: Lê Giang, Hà Đông và Hi Giang. Phủ Tư Nghĩa, quản lĩnh ba huyện: Bình Sơn, Mộ Hoa và Nghĩa Giang; Phủ Hoài Nhân, quản lĩnh ba huyện: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn. Phủ Hoài Nhân là cực Nam của Thừa Tuyên Quảng Nam, trong khi huyện Tuy Viễn năm ở phía Đông Nam của Phủ Hoài Nhân (gần như là cực Nam của phủ), phủ Hoài Nhân sau này được Nguyễn Hoàng đổi lại là phủ Quy Nhơn (Bình Định) hơn nữa huyện Tuy Viễn rất nổi tiếng với di tích thành Đồ Bàn và Làng Tây Sơn, ngày nay các di tích này nằm trong nội phận tỉnh Bình Định tức là Bắc đèo Cù Mông. Vậy, phần phía Nam từ đèo Cù Mông đến đèo Cả (Phú Yên ngày nay) ở đâu trong thừa Tuyên Quảng Nam ta không thấy ghi chép, ngay cả trong Hồng Đức bản đồ ranh giới Đại Việt cũng chỉ đến đèo Cù Mông mà thôi[21].
Trong các cuốn Phủ Biên Tạp Lục, Phương Đình Dư Địa Chí, Non nước Phú Yên các tác giả Lê Qúy Đôn, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Đình Tư cũng xác nhận rằng biên giới của Đại Việt sau năm 1471 cũng chỉ đến đèo Cù Mông ngày nay chứ không đến tận đèo Cả hay núi Thạch Bi như truyền Thuyết. Xem thế thì thấy dường như các tư liệu nói rằng ranh giới của Đại Việt lúc này đến đèo Cả là nhầm hay các tác giả này dựa vào truyền thuyết vua Lê Thánh Tông cho khắc chữ lên núi Thạch Bi mà suy ra núi Thạch Bi là biên giới giữa hai nước lúc này chăng?
Nhưng xem ra đây cũng chỉ là truyền thuyết vì nếu vùng đất Phú Yên ngày nay như trên đã giải thích không được đưa vào bản đồ nước Đại Việt, không thuộc thừa tuyên Quảng Nam, ngay cả Đại Nam Nhất Thống Chí cũng nói vủng đất từ phía Nam đèo Cù Mông trở ra vẫn thuộc người Man. Sử cũng chép rằng ngày 1- 3 vua vào Chà Bàn, 2 – 3 vua rút về, vậy thì không thể có thời gian để vua vào đến đèo Cả, khắc chữ lên núi Thạch Bi được, có lấm thì vua chỉ cho quân vào lấy thanh thế, sau thì thành truyền thuyết như trên. Hơn nữa, nếu vùng đất Phú Yên bây giờ thuộc Đại Việt thì tại sao năm 1611 sau khi vào trấn thủ Thuận – Quảng, Nguyễn Hoàng lại phải đưa quân đánh vua Champa, lấy đất Phú Yên nữa để làm gì?
Có thể, vùng đất phía Nam đèo Cù Mông đến đèo Cả là vương quốc Hoa Anh như lịch sử đã ghi nhận, ở đây vẫn còn di tích thành Hồ. Do sau này vương quốc này bị suy yếu và nhập vào lãnh thổ Champa chăng? Vậy thì, tại sao lịch sử lại không để lại một chi tiết gì về đất nước này? Hoặc nếu không có nước Hoa Anh, thì vùng đất này thuộc về một tiểu quốc của Champa, cũng chưa rõ được? Nhưng, tóm lại sau năm 1471 Đại Việt đã lấy thêm vùng đất Nam Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay nhập vào lãnh thổ của mình, đến bấy giờ biên giới cực Nam của Đại Việt chính là đèo Cù Mông.
Vùng đất mới này chạy dài từ phía Nam sông Thu Bồn đến đèo Cù Mông ngày nay là một vùng đất càng về Nam càng thu hẹp lại, vì phía Tây nó bị cản trở bởi Cao nguyên Trung phần (Tây Nguyên), cũng như những miền đất trước kia vùng đất này từ Tây sang Đông phân ra làm ba miền địa hình, núi cao và trung du, vùng đồng bằng duyên hải, vùng cát ven biển. Vùng đồng bằng ở đây tương đối phì nhiêu và có nhiêu cửa biển lớn. Ngoài sông Thu Bồn xuống phía Nam vùng đất này có các con sông như Trường Giang (Quảng Nam), Trà Bồng (Quảng Ngãi), sông Côn, sông Hà Thanh (Bình Định). Ở phía Nam vùng đất này còn có nhiều đầm hồ, vịnh biển, hải cảng như Trà Ô, Thị Nại, và nhiều hải đảo lớn nhỏ khác ở ngoài khơi, như Cù Lao Chàm, Lý Sơn…
Trên đã nói về địa lý, giờ xét đến sự khai khẩn vùng đất này. Vùng đất thừa tuyên Quảng Nam mới lập ra này đã nhanh chóng hấp dẫn những di dân xa xôi ở Hà Tĩnh, Nghệ An đổ ra. Từ sau năm 1471 những dòng người liên tục đều đặn đã vào Nam vì những khó khăn, đói kém ở phía Bắc. Những tài liệu ghi chép về những đợt di dân buổi đầu này không nhiều, nhưng nếu xem xét từ gia phả các dòng họ ở Nam Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định chúng ta có thể nhận ra được những minh chứng cho thấy những dấu chân Việt vào đây khai hoang lập làng như thế nào.
Ngoài ra, trong những lưu dân đầu tiên vào đây còn có những tù nhân bị kết án lưu đầy. Sau khi lấy được vùng đất từ Thăng Hoa trở vào, 1474 vua Lê Thành Tông ra sắc chỉ rằng tù xử tôi lưu đầy thì xung về phủ Thăng Hoa, phủ Tư Nghĩa, phủ Hoài Nhân của thừa tuyên Quảng Nam và đưa vào biên chế quản lý hẳn hoi[22].
Khi vừa mới chiếm được vùng đất mới này, vua Thánh Tông phong cho một người Chiêm là Ba Thái làm Đồng Tri phủ, Đa Thủy làm Thiêm Tri phủ và Đổ Tử Quy làm Đồng Tri châu coi và quản Lý vủng đất Chiêm Động (của Champa trước kia), lại giao cho Lê Ỳ Đà làm Tri châu Cổ Lũy (của Champa trước kia). Vua còn dặn: “Nếu người Chiêm không theo, cho chém trước rồi sẽ tâu” . Xem thế thì giai đoạn đầu, công việc cai quản vùng đất mới rất khó khăn vì phần đông người Champa bấy giờ chưa phục.
Sau này vua Thánh Tông mới đem vùng đất mới đặt làm thừa tuyên Quảng Nam gồm b