02/07/2018, 20:24

MS267 – Phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

Đề bài: Phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân Bài làm Yêu thích cái đẹp, luôn tìm tòi, khám phá và đưa chúng vào trong văn chương để tôn vinh, ngợi ca là nét riêng biệt ở Nguyễn Tuân giúp ông trở thành một nhà văn lớn ...

Đề bài: Phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

Bài làm

Yêu thích cái đẹp, luôn tìm tòi, khám phá và đưa chúng vào trong văn chương để tôn vinh, ngợi ca là nét riêng biệt ở Nguyễn Tuân giúp ông trở thành một nhà văn lớn trong cả nền văn học lãng mạn cũng như văn học Cách mạng Việt Nam. Đặc biệt khi viết về một thời vàng son của dân tộc nay chỉ còn vang bóng cùng hình ảnh “những nho sĩ cuối mùa” ông đã khẳng định tên tuổi mình trên tác phẩm “Vang bóng một thời” với 11 truyện ngắn. Mà xuất sắc, tiêu biểu trong đó là việc xây dựng thành công hình tượng nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn “Chữ người tử tù” trên ba phương diện: tài hoa, khí phách hiên ngang và nhân cách trong sáng.

Tìm hiểu và đọc truyện, bạn đọc sẽ dễ dàng nhận ra nguyên mẫu của nhân vật Huấn Cao chính là nhà Nho tài tử Cao Bá Quát – người đã đứng dậy lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa chống nhà Nguyễn ở thế kỉ XIX. Điểm đặc biệt gây được sự chú ý, tò mò của người đọc là ở việc xây dựng tình huống truyện đặc sắc. Đó là cuộc gặp gỡ giữa hai con người ở vị thế đối lập nhau nhưng lại có ý nghĩa soi chiếu, rọi sáng cho nhau. Nhờ có điều đó mà hình tượng Huấn Cao hiện lên, tỏa sáng giữa cái tăm tối nơi tù ngục nhơ bẩn với ba cái nhất: đẹp nhất, tự nhiên nhất và khách quan nhất.

Trước hết, Huấn Cao là một người nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật thư pháp được đánh giá qua lời của Viên quản ngục và thầy thơ lại. Mở đầu truyện cái tên Huấn Cao xuất hiện trong phiến trát của Sơn Hưng tuyên đốc bộ đường đưa xuống. Cái tên ấy làm cho viên quản ngục khi nghe cũng phải cảm thấy ngờ ngợ “Hay là cái người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh rất đẹp đó không?”. Quả thực, danh tiếng của Huấn Cao gần xa ai ai cũng biết và thầy thơ lại, viên quản ngục cũng không ngoại lệ. Cả hai người họ đều mến mộ, kính phục ông Huấn để thầy thơ lại cũng phải chặc lưỡi bộc bạch suy nghĩ của mình “giả thử tôi là đao phủ, phải chém chết nhưng ngươi như vậy tôi nghĩ mà thấy tiêng tiếc”. Còn viên quản ngục, một người say mê nghệ thuật thư pháp cũng thấy rằng “Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm…Có được chữ ông Huấn mà treo là có một vật báu trên đời”. Đó là sự đề cao, ngưỡng mộ đến tuyệt đối mà viên quản ngục dành cho ông Huấn. Chính bởi sự trân trọng và đề cao như vậy viên quản ngục đã bất chấp mọi hiểm nguy để biệt đãi ông Huấn một cách đặc biệt để chờ đợi mong mỏi một ngày ông Huấn bớt giận chịu cho chữ mình. Thậm chí Viên quản ngục còn nhẫn nhục, hạ thấp mình chịu đựng những câu nói nặng lời, sự khinh bạc của Huấn Cao bởi lẽ nếu không có được chữ do ông Huấn cho thì quản ngục sẽ ân hận suốt đời. Ngần ấy chi tiết đã trở thành minh chứng cho giá trị của những nét chữ do Huấn Cao viết. Như vậy, dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân người nghệ sĩ đã được lí tưởng hóa cùng ngòi bút của nghệ thuật. Huấn Cao đã được đưa lên đứng đầu trong nghệ thuật thư pháp dưới cái nhìn của những con người đam mê nghệ thuật truyền thống trong nét  đẹp văn hóa của dân tộc.

Không chỉ được biết đến với tài năng trong nghệ thuật thư pháp mà ngay từ khi xuất hiện trực diện trong truyện Nguyễn Tuân còn hướng ta đến với một Huấn Cao là con người của khí phách hiên ngang bất khuất. Ngay từ đầu truyện thầy thơ lại đã trầm trồ ông Huấn là người có tài bẻ khóa vượt ngục. Hơn thế nữa hình ảnh của Huấn Cao còn là hình tượng của bậc anh hùng đầu đội trời chân đạp đất cùng ý chí chọc trời khuấy nước. Trước sự bất bình với triều đình phong kiến Huấn Cao đã nổi dậy đứng về phía nhân dân lao động – những con người thấp cổ bé họng, họ cùng nhau chống lại xã hội phong kiến thối nát, mục ruỗng. Bởi thế mà với nhân dân ông là anh hùng còn với bọn quan thần thì ông lại là “kẻ cầm đầu bọn phản nghịch” và trong mắt bọn lính Huấn Cao “ngạo ngược và nguy hiểm”. Khí phách ấy càng được tô đậm trong hình ảnh Huấn Cao ngày đầu tiên bị giải đến nhà ngục. Mặc dù đeo gông nặng trên mình nhưng Huấn Cao vẫn rất đỗi ung dung. Trong lúc chờ đợi cửa ngục mở rộng ông còn thản nhiên nói mọi người dỗ gông cho rệp rơi xuống. Đó là hình ảnh của một con người dù thân thể bị xích nhưng tinh thần thì hoàn toàn tự do làm những gì mình cần làm. Đặc biệt ông còn làm ngơ trước những lời uy hiếp, dọa nạt của một tên lính, ông vẫn lạnh lùng, tiếp tục chỉ huy những người tử tù khác chúc mạnh mũi gông xuống thềm đá tảng, đánh thuỳnh một cái để dỗ trận mưa rệp xuống nền đá. Đó là hành động của sự coi thường, khinh bỉ mà Huấn Cao   “dành” cho bọn lính áp giải – một thái độ đáng kính nể. Sống trong cảnh tù đày tưởng chừng như ông Huấn sẽ bị hành hạ, đánh đập, sống những ngày cuối đời đau đớn, tẻ nhạt nhưng không, sự thật lại trái lại với lẽ thường. Trong những ngày này ông vân bình thản nhận thịt rượu từ viên quản ngục và coi như đó chỉ là “một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình lúc chưa bị giam cầm”. Với ông, nhà ngục dơ bẩn này không thể làm vấy bẩn, giam cầm được tinh thần của một con người có khí phách. Thậm chí, mặc cho “cặp mắt hiền lành”, sự biệt đãi đặc biệt, sự nhỏ nhẹ, khép nép của viên quản ngục ông vẫn tỏ thái độ khinh bạc qua cái đuổi “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Cách xưng hô “ta-ngươi”, Huấn Cao đã đặt mình lên trên quản ngục, coi quản ngục chỉ la một kẻ tiểu nhân. Người ta vào tù thường sợ bị tra tấn, sợ roi vọt, sợ những thủ đoạn tàn bạo nhưng với Huấn Cao “đến cái cảnh chết chém ông còn chẳng sợ nữa là những trò tiểu nhân thị oai” nên khi nói ra những lời lẽ như vậy chứng tỏ ông không hề sợ bị viên quản ngục báo thù hay dở trò lưu manh. Điều đó càng làm nổi bật hơn khí phách ngang tàng trước cường quyền, bạo lực, tô đậm thêm thái độ không hề run sợ trước cái ác, luôn ung dung, tự tại trong mọi hoàn cảnh. Khí phách ấy còn được tác giả tiếp tục nhấn mạnh hơn trong thái độ bình thản, điềm tĩnh không một chút lo lắng, sun sợ khi biết tin ngày mai bị giải về kinh lĩnh án, khác hoàn toàn so với sự “tái nhợt người đi” của viên quản ngục. Sau khi thấu hiểu tấm lòng của viên quản  ngục ông còn chủ động sắp xếp việc cho chữ. Có thể thấy, Nguyễn Tuân đã thể hiện sự trân trọng của cá nhân đối với khí thế của người anh hùng không bị vật chất hay quyền lực mua chộc, một con người luôn đặt vị trí của mình cao hơn những kẻ cặn bã.

Tài năng và khí phách là một trong những tố chất tạo nên một con người hoàn hảo. Tuy nhiên để trở nên hoàn hảo đến mức tuyệt đối, để đạt đến ngưỡng chân thiên mĩ con người ấy cũng cần phải có thiên lương trong sáng – bản tính tốt của con người do trời phú cho và phẩm chất ấy cũng có ở Huấn Cao. Nhân cách trong sáng ấy chính là tấm lòng coi thường, xem nhẹ danh lợi, quyền lực. Việc Huấn Cao đứng dậy cùng nhân dân chống lại triều đình phong kiến là lẽ sống vì mọi người, một lẽ sống cao đẹp luôn sẵn sàng chấp nhận mọi nguy hiểm. Tính ông Huấn vốn khoảnh, từ chỗ tri kỉ ông ít chịu cho chữ “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”. Câu nói ấy cho ta thấy hai điều đáng quý ở Huấn Cao: Tiền bạc không mua được chữ của ông và quyền thế không thể ép ông viết chữ. Điều đó xuất phát từ ý thức trong việc chơi chữ của Huấn Cao. Với ông, chơi chữ là một thú vui tao nhã và chỉ những con người có nhân cách thanh cao có tâm hồn nghệ sĩ mới được thưởng thức vẻ đẹp của nghệ thuật và cũng vì lẽ đó mà ông kiên quyết không chịu cho chữ viên quản ngục. Thế nhưng khi biết được tấm lòng quý trọng đặc biệt với kẻ tài đức cũng như tâm hồn nghệ sĩ trong viên quản ngục Huấn Cao đã xúc động bày tỏ: Thiếu chút nữa ta đã phụ mật một tấm lòng trong thiên hạ. Giờ đây Huấn Cao  đã hiểu rõ được tấm lòng biệt nhỡn liên tài của quản ngục, thấy được tấm lòng trong sạch hiếm có của những con người sống trong cái xã hội cặn bã ấy. Nguyễn Tuân lại một lần nữa làm đẹp thêm hình ảnh Huấn Cao với bức chân dung về một tâm hồn trong sáng, nhân phẩm thanh cao một người nghệ sĩ chân chính cùng lẽ sống :sống là phải xứng đáng với những tấm lòng.

Từng lời văn, chi tiết xen kẽ, đan xen nhau cùng nhau tạo nên nét đẹp của Huấn Cao. Những vẻ đẹp ấy đã được Nguyễn Tuân tái hiện, làm sáng bật lên trong phần cuối cùng của truyện. Bức tượng đài về nhân vật Huấn Cao được hoàn thiện đầy đủ và trọn vẹn nhất trong cảnh cho chữ. Khí phách và tài năng ấy lại một lần nữa được tái hiện nhưng với một cách rất lạ và rất khác “Một người tử tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván”.  Ngay cả khi cái chết đang cận kề trước mắt người nghệ sĩ vẫn dồn hết tâm huyết của mình vào những nét chữ cuối cùng – vẫn đẹp và vuông vắn. Nó thể hiện hoài bão tung hoành của một trang nghĩa hiệp có khí phách hiên ngang, không có gông cùm xiềng xích nào có thể trói buộc.Ông vẫn thanh thản cảm nhận được mùi thơm và chất lượng của chậu mực . Phải là một người tinh tế và am hiểu thì Huấn Cao mới có thể cảm nhận được điều đó. Tấm lòng của ông cũng được thể hiện qua lời khuyên viên quản ngục thay đổi chỗ ở, đổi nghề, đánh thức lương tâm, bản tính lương thiện vốn có ở viên quản ngục.

Mỗi nét đẹp ở Huấn Cao lại hướng ta đến hình tượng của một nhân vật nào đó trong các tác phẩm khác. Khí phách của Huấn Cao đưa ta trở về với Từ Hải trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du:

“Chọc trời khuấy nước ở đời

Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”

Họ cùng chung sự hiên ngang, không chịu khuất phục trước những thế lực xấu của xã hội. Còn xét trên phương diện đam mê sáng tạo nghệ thuật, sáng tạo cái đẹp và nhân cách, hoài bão lớn là điểm chung giữa Vũ Như Tô.

Với việc khéo léo sử dụng các biện pháp nghệ thuật đặc trưng, tiêu biểu: bút pháp lãng mạn lí tưởng hóa, nghệ thuật lấy xa tả gần cùng nghệ thuật đòn bẩy – đặt Huấn Cao trong mối tương quan với các nhân vật khác để rồi từ đó Nguyễn Tuân đã biến nhân vật của mình thành một vì sao tỏa sáng nơi tù ngục. Và việc xây dưng nhân vật Huấn Cao cũng là dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Qua đây, tác giả muốn thể hiện thái độ ngợi ca, trân trọng, yêu mến, có phần nuối tiếc về hình tượng nhân vật này. Đồng thời đó cũng là biểu hiện của lòng yêu nước thầm kín và tinh thần dân tộc sâu sắc. Đặc biệt, cái mà nhà văn muốn hướng đến tất cả mọi người là quan niệm thẩm mĩ: cái tài đi liền với cái tâm sẽ tạo nên một nhân cách, một tâm hồn, một tấm lòng cao đẹp và khẳng định cái thiện và cái đẹp luôn song hành cùng nhau, không thể tách rời.

Lê Thị Thư

Lớp 11A2 – Trường THPT Thái Ninh, Thái Thụy, Thái Bình

0