MS266 – Suy nghĩ về hai ý kiến “Văn học là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội” và “Nghệ thuật không đòi hỏi người ta thừa nhận các tác phẩm của nó như là hiện thực”
Đề bài: Bàn về văn học, Standal viết: “Văn học là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội”. Còn Lê nin cho rằng: “Nghệ thuật không đòi hỏi người ta thừa nhận các tác phẩm của nó như là hiện thực.” Anh chị hiểu như thế nào về ý kiến trên? Hãy làm sáng tỏ. Bài ...
Đề bài: Bàn về văn học, Standal viết: “Văn học là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội”.
Còn Lê nin cho rằng: “Nghệ thuật không đòi hỏi người ta thừa nhận các tác phẩm của nó như là hiện thực.”
Anh chị hiểu như thế nào về ý kiến trên? Hãy làm sáng tỏ.
Bài làm
Solzhenitsym từng nói: “ Văn chương không phải là hơi thở của xã hội đương thời, không dám nói lên nỗi đau và sợ hãi của xã hội, không cảnh báo kịp những mối nguy hại đe dọa đạo đức và xã hội- thứ văn chương đó không xứng đáng với cái tên văn chương”. Điều đó có nghĩa là nhà văn phải phản ánh trung thực xã hội, văn học phản ánh thực tế theo “ lối đi riêng” của tác giả. Cũng như Standal viết: “ Văn học là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội”.
Còn Lê nin cho rằng: “ Nghệ thuật không đòi hỏi người ta thừa nhận các tác phẩm của nó như là hiện thực.”
Ý kiến của Standal: “ Văn học là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội” muốn đề cập đến tính hiện thực trong văn chương. Tố Hữu cho rằng: “ Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học”. Không một người nghệ sĩ nào có thể sáng tác mà không phản ánh hiện thực. Dù thơ ca là “tiếng nói của tâm hồn” thì cũng có ít nhất một sự kiện trong đời sống nảy sinh trong thơ. Tố Hữu từng cho rằng: “ Văn học không chỉ là văn chương mà thực chất là cuộc đời. Văn học không là gì nếu vì cuộc đời mà có”. Đây cũng là một trong những chức năng cơ bản của văn học: phản ánh đời sống xã hội.
Nhưng ý kiến của Lê nin lại cho rằng: “Nghệ thuật không đòi hỏi người ta thừa nhận các tác phẩm của nó như là hiện thực.” Nghĩa là văn học không bê nguyên xi hiện thực đời sống vào tác phẩm. Hiện thực trong tác phẩm được phản ánh thông qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ, thể hiện thái độ, tư tưởng, quan điểm thẩm mĩ của nhà văn. Như Lê Ngọc Trà nói: “ Nghệ thuật bao giờ cũng là tiếng nói tình cảm của con người, là sự tự giãi bày và gửi gắm tâm sự”.
Hai ý kiến trên có vẻ đối lập nhưng thực chất bổ sung cho nhau. Ý kiến của Standal bổ sung cho ý kiến của Leenin để nhấn mạnh chức năng của văn học : văn học phản ánh hiện thực, nhưng hiện thực ấy được khúc xạ qua cái nhìn chủ quan, tư tưởng, tình cảm và sự sáng tạo của người nghệ sĩ.
Vấn đề đặt ra ở hai ý kiến là đúng đắn, vì một trong những chức năng của văn học là giúp con người nhận thực đời sống xã hội. Nhà văn lấy chất liệu là cuộc sống hiện thực, từ đó cung cấp cho con người nhưng tri thức về xã hội, làm giàu vốn tri thức của con người. Bởi văn học là cuốn “ bách khoa toàn thư” về đời sống và con người. Nhà văn là “người thư kí trung thành của thời đại”, không tách rời khỏi hiện thực mà luôn “mở hồn ra đón lấy vang vọng của đất trời”, khám phá ra những vấn đề của xã hội và con người. Văn học dân gian khám phá ra sự bất công của xã hội: Cô Tấm hiền lành, xinh đẹp, chịu khó nhưng lại chịu sự bất công, bóc lột sức lao động từ mẹ con mụ dì ghẻ. Họ thậm chí dồn Tấm vào con đường chết. Văn học trung đại khám phá ra số phận người phụ nữ chịu áp bức bất công: họ là nạn nhân của chiến tranh phi nghĩa ( Chinh phụ ngâm), nạn nhân của chế độ đa thê, cung tần mĩ nữ ( Cung oán ngâm), người phụ nữ chịu số mệnh “ tài hoa bạc mệnh” ( Độc tiểu thanh kí). Đó là những số phận đáng thương, cần được cảm thông. Thạch Lam trong “Hai đứa trẻ” đã khám phá ra hiện thực cuộc sống tù túng, quẩn quanh, tẻ nhạt, không tương lai; con người sống âm thầm không ước mơ. Hay Nam Cao trong “ Đời thừa” đã phản ánh hiện thực xã hội bóp nghẹt ước mơ của người nghệ sĩ, ghì đôi cánh cảm xúc của họ bởi thực tại “ cơm áo gạo tiền ghì sát đất” khiến họ rơi vào bế tắc, bi kịch. Đó là bi kịch của vi phạm lẽ sống tình thương và đạo đức nghề nghiệp. Như vậy, các nhà văn đã tập trung và việc phản ánh hiện thực làm nhiệm vụ.
Văn học phản ánh đời sống không bê nguyên xi hiện thực vào trong tác phẩm. Mà hiện thực đó được lọc qua cái nhìn của người nghệ sĩ, thể hiện dụng ý của tác giả. Vì vậy, trong tác phẩm, hiện thực đôi khi được hư cấu, tô đậm hơn. Nếu nhà văn chỉ chụp ảnh cuộc sống thì không cần đến vai trò của nhà văn. Sứ mệnh của nghệ sĩ là phản ánh hiện thực theo cái mới, hướng con người đến vẻ đẹp chân- thiện- mĩ. Nam Cao từng nói: “ Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu tìm tòi, suy nghĩ,khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”.
Ý kiến của Standal và Lê nin được thể hiện ở các nhà văn. Nếu như trong văn học dân gian bài ca tình yêu được đan cài trong bài ca lao động :
“Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”
Bài ca tình yêu lao động được phát hiện trong hiện thực đời sống.
Thì đến văn học trung đại thân phận người phụ nữ được quan tâm và cảm thông. Cũng viết về người phụ nữ, nhưng Nguyễn Du khám phá ra bi kịch “ tài hoa bạc mệnh”, xã hội đồng tiền có sức mệnh vạn năng, điển hình là số phận đau thương của Thúy Kiều, có tài có sắc nhưng phận bạc, bị buôn bán, trao đổi như một mặt hàng, số cuộc đời mười lăm năm gió bụi. Ta có thể thấy sự sáng tạo rõ nét hơn của các nhà văn hiện thực. Nếu Ngô Tất Tố phản ánh không khí căng thẳng, ngột ngạt của những ngày sưu thuế, người nông dân như “kiến bò chảo lửa”; thì Vũ Trọng Phụng lại phản ánh hiện thực xã hội ở tầng lớp thượng lưu chạy theo lối văn minh Âu hóa dởm, đồng tiền có sức mạnh vạn năng, là “ con đĩ của xã hội”, làm bào mòn nhân cách của con người. Cùng xuất phát từ cuộc sống nhưng Ngô Tất Tố khám phá cuộc sống hiện thực nông thôn, còn Vũ Trọng Phụng đi sâu phanh phui, mổ sẻ xã hội thương lưu. Đó là sự sáng tạo của hai nhà văn, sáng tạo mà không tô hồng hiện thực.
Nam Cao với tác phẩm “Chí Phèo” cũng phản ánh hiện thực xã hội thực dân nửa phong kiến đẩy người nông dân vào con đường bần cùng hóa. Cùng viết về người nông dân, nếu Ngô Tất Tố viết về cái đói thì Nam Cao viết về miếng ăn, Ngô Tất Tố viết về nỗi khổ thì Nam Cao viết về cái nhục. Truyện Ngô Tất Tố là tiếng kêu cứu đói thì truyện Nam Cao là tiếng kêu cứu nhân tình con người. Nam Cao phản ánh hiện thực thông qua làng Vũ Đại. Đó là ngôi làng xa phủ, xa tỉnh, ít người, dân không quá hai nghìn, ở thế “quần ngư tranh thực”. Bọn thống trị đu lại với nhau để bóc lột con em, “ nhè từng chỗ hở mà trị nhau”. Trong giai cấp bị trị cũng có những mâu thuẫn: xa lánh, đánh bật Chí Phèo ra khỏi xã hội loài người. Có thể nói, Nam Cao rất dụng công trong việc xây dựng hoàn cảnh điển hình lúc bấy giờ.
Hiện thực mà Nam Cao phản ánh là hiện tượng tha hóa về nhân hình, nhân tính của con người nông dân trở thành quy luật. Quá trình tha hóa của Chí Phèo được Nam Cao thể hiện qua ba bi kịch. Chí sinh ra đã mồ côi, bị bở rơi ở lò gạch trong cái bọc đen. Chí lớn lên trong sự cưu mang của dân làng và đi ở cho nhà người này cho đến hết nhà người khác. Chí lớn lên “trần chuồng”, tứ cố vô thân, không thước đất cắm dùi. Đó là bi kịch bị bỏ rơi.
Nhưng người ta chỉ thấy mình khổ khi ý thức được bi kịch của mình. Lúc bé chưa ý thức được bi kịch của mình, nhưng khi năm 20 tuổi làm canh điền cho
nhà Bá Kiến thì lại khác bi kịch đau đớn hơn là bị tha hóa vì nhân tính lẫn nhân hình.Chí bị Bá Kiến đẩy vào tù vì ghen tuông. Sau khi ra tù, Chí từ một anh canh điền hiền lành trở thành một kẻ lưu manh, tha hóa. Xã hội thực dân nửa phong kiến mà đại diện là nhà tù phong kiến đã đẩy Chí Phèo vào con đường lưu manh, hình hài của Chí nay trở thành mặt của con vật lạ. Chí xuất hiện với bộ dạng: “ Đầu trọc lốc, răng cạo trắng hớn, mặt đen mà rất cơng cơng, mặc quần nái đen vơi sáo tây vàng”. Đây không còn là Chí Phèo hiền lành trước kia nữa! Hắn đã tha hóa, trượt dài trên con đường lưu manh: “ Ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, đập đầu rạch mặt trong lúc say, thức dậy hẵng còn say”. Hắn đã đập tan bao cảnh nhà yên vui, “làm chảy máu và nước mắt của bao người dân lương thiện”. Hắn đã trở thành tay sai của Bá Kiến, công cụ đòi nợ thuê của bọn phong kiến. Chí từ người dân lương thiện với ước mơ giản dị “có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải”. Giờ đây đã trở thành con quỷ dữ mất hết nhân tính, nhân hình.
Giữa lúc trượt dài trên con đường tha hóa, đang tuyệt vọng thì Thị Nở xuất hiện như một cứu tinh. Thị mang cho Chí khát vọng sống , mong muốn quay trở lại làm người lương thiện, mong muốn làm hòa với mọi người biết bao. Nhưng do định kiến xã hội của bà cô Thị Nở, Chí đã bị bỏ rơi trước cánh cửa trở về với xã hội loài người. Chí nhận ra cảnh khốn cùng của mình mà “ ôm mặt khóc rưng rức” Thị Nở như ngôi sao băng xoẹt qua cuộc đời Chí để lại dư vị cho hắn. Đó là bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người.
Tuy phản ánh hiện thực sâu sắc, nhưng Nam Cao bằng con mắt tình thương vẫn để cho Chí bản chất “người” ẩn sâu trong “ con quỷ dữ” ấy. Đó là cái nhìn nghệ thuật, đầy nhân đạo, nhân văn của Nam Cao. Dù tha hóa nhưng Chí vẫn rung lên những cảm xúc của người bình thường. Hắn vẫn biết xúc động “ mắt hình như ươn ướt” trước tình thương của Thị Nở qua bát cháo hành. Bát cháo hành là một chi tiết sáng tạo độc đáo của tác giả đẻ Chí Phèo thức tỉnh, đưa Chí Phèo từ cõi say trở về cõi tỉnh, cõi vô thức trở về cõi ý thức. Bát cháo hành như “ liều thuốc ngủ” ru ngủ con quỷ dữ Chí. Giờ đây, Chí đã là con người, biết nhận thức tình cảnh của mình. Tiếng khóc “rưng rức” như nhuốt đắng, nhuốt cay, tiếng khóc đầy phẫn uất. “ Con người” trong Chí trỗi dậy, mách bảo Chí đến nhà Bá Kiến. Chí Phèo xách dao đến nhà Bá Kiến giết Bá Kiến và tự sát. Đó là con đường cùng để Chí Phèo có thể giữ lại phần “ người” ít ỏi còn lại. Câu hỏi của Chí bật ra day dứt biết bao trái tim “ Ai cho tao lương thiệ. Ai cho tao lương thiện”. Câu hỏi như sấm như sét làm xé tan lòng người. Một con quỷ dữ đòi lương thiện? Đó chính là hiện thực mà Nam Cao phản ánh một cách đầy nghệ thuật.
Bằng nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình và hoàn cảnh điển hình, Nam Cao đã phản ánh chân thực, sâu sắc và mới mẻ tình cảnh khốn cùng của nhân dân. Gịong điệu lạnh lùng, khách quan cùng lương tâm nghề nghiệp cao cả và tài năng của ông trong việc sử dụng ngôn từ, phân tích tâm lí nhân vật. Tất cả, đã khắc tạc được bối cảnh xã hội 1930-1945 đầy chân thực qua lăng kính chủ quan của Nam Cao.
Tuy thơ là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc nhưng ít nhất có một sự kiện đời sống tác động đến nhà thơ và được phản ánh trong thơ một cách có nghệ thuật. Nhà thơ sáng tác không chỉ để thỏa mãn tình cảm, cảm xúc của mình mà phản ánh thiên nhiên, sự kiện của đất nước… qua thơ ca. Thơ là sản phẩm của tưởng tượng nhưng sự tưởng tượng trong thơ ca bao giờ cũng bắt nguồn từ hiện thực đời sống như Chế Lan Viên từng viết:
“Bài thơ anh làm một nửa
Còn một nửa cho mùa thu làm lấy”.
Chế Lan Viên luôn đề cao vai trò của cuộc sống với thơ ca. Đó là cuộc sống hiện thực cần lao, nhà thơ phải nhập cuộc, say mê với đời sống thì những vần thơ mới có ý nghĩa.
Đề tài về người lính là đề tài muôn thuở trong thơ ca. Nhưng mỗi nhà thơ có một cách phản ánh khác nhau. “ Tây Tiến” của Quang Dũng cũng tái hiện không khí chiến tranh:
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời”.
Thiên nhiên hiện lên đầy khó khăn. Người lính trải qua thiên nhiên khúc khuỷu, đầy trúc trắc với thanh trắc 5/7 chữ. Núi cao khiến mũi súng của người lính như chạm đến mây cao của đất trời. Thiên nhiên hiện lên vừa có độ cao, độ sâu thăm thẳm của vực. Hiện thực chiến tranh được tác giả gợi lên qua hai câu thơ thật chân thực.
Nhưng với đôi mắt có chiều sâu của mình, Quang Dũng đã dám nói đến hi sinh, mất mát trong chiến tranh. Nếu các nhà thơ khác ca ngợi đường ra trận:
“Đường ra trận mùa này đẹp lắm em ơi”
Thì Quang Dũng trực tiếp nhìn thẳng vào sự thật:
“Rải rác biên cương mồ viễn sứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”.
Nhà thơ trực tiếp nói đến cái chết, sự hi sinh của người lính. Nói như vậy không phải để người lính nản chí, mà để người đời biết đến công lao của họ.
Những nấm mồ không nén hương, không vòng hoa thật thê lương, lạnh lẽo. Nhưng Quang Dũng không hề nhấn chìm người đọc vào cái bi, cái lụy. Cảm hứng của ông mỗi lần nhấn vào bi thương lại được nâng cánh lên bằng tinh thần lãng mạn:
“Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”
Câu nói phủ định để khẳng định vẻ bất cần, ngạo nghễ của người lính Tây Tiến sẵn sàng hi sinh để bảo vệ đất nước. Bởi hi sinh cho Tổ Quốc là hi sinh cho lí tưởng. Từ một câu thơ rất buồn trở thành một câu thơ rất đẹp, không phải nói đến cái chết mà nói đến lẽ sống. Quang Dũng đã cho người đọc cái nhìn sâu sắc, mới mẻ hơn về chiến tranh. Nhà thơ không tô hồng hiện thực, mà để hiện thực tái hiện một cách chân thực, để cho cái “ bi” và cái “hùng” được cất cánh.
Nếu như người lính trong “Đồng chí” là những người nông dân với nỗi lo “giếng nước”, “gốc đa”, “căn nhà không”; thì người lính Tây Tiến là những học sinh sinh viên với nỗi nhớ của tuổi trẻ:
"Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội ơáng Kiều thơm"
Đây là câu thơ được đánh giá hay nhất, giá trị nhất về hình tượng người lính hào hùng , hào hoa lãng mạn. " Mắt trừng” là đôi mắt mở to, nhìn thẳng về phía kẻ thù với chí khí mạnh mẽ,sống chết với bọn giặc. Là ánh mắt rực cháy căm thù nung nấu quyết tâm trả thù, biểu hiện khát vọng hòa bình cháy bỏng. Ngay trong chiến tranh khốc liệt, người lính vẫn nhớ về người thân nơi tình yêu đầu đời đầy kỉ niệm :
“Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm”
Những người lính Tây Tiến luôn hướng về gia đình quê hương, hộ luôn nhớ những kỉ nệm đẹp đầu đời. Có một thời người ta cho rằng câu thơ mang mộng rớt tỉêu tư sản làm mất đi ý chí chiến đấu. Nhưng Quang Dũng đã khẳng định họ nhớ về gia đình ,người yêu như một điểm tựa để tiếp tục chiến đấu, chắp cánh cho những khát vọng rực cháy. Những khỏanh khắc tâm hồn ít được nhắc đến trong thơ ca cách mạng, nhưng Quang Dũng đã phản ánh vào thơ một cách nghệ thuật , đầy sáng tạo.
Một nhà thơ cổ Trung Quốc đã từng nói : " Thơ hay như người con gái đẹp, cái để làm quen là nhan sắc ,cái để sống với nhau lâu dài là đức hạnh". Vì vậy, Quang Dũng tìm một hình thức nghệ thuật phù hợp để truyền tait nội dụng tư tưởng của mình. Nhà thơ sử dụng ngôn ngữ Hán Việt để tạo sắc thái trâng trọng, cổ kính . Gịong điệu nghiêm trang,bi tráng khi nói đến sự hi sinh của các đồng đội. Bút pháp tả thực kết hợp lãng mạn để khắc tạc đầy đủ hơn chân dung người lính.
Hai câu nói của Standal và Lê Nin muốn nói đến việc phản ánh hiện thực và đôi mắt chủ quan của người nghệ sĩ . Hai ý kiến đưa ra quan điểm sáng tạo cho người nghệ sĩ. Muốn có tác phẩm hay trước hết nhà văn nhà thơ phải " sống đã rồi hãy viết , sống sâu , sống hết mình với cuộc đời. Nhưng hiện thực ấy phải được khúc xạ qua trái tim của người nghệ sĩ : người nghệ sĩ phải là " người thư kí trung thành của những trái tim". Tư tưởng, tình cảm là linh hồn của hiện thực mà nhà văn phản ánh. Tác phẩm chỉ có giá trị khi nó tác động cả vào tâm hồn lẫn lí trí của bạn đọc. Hai ý kiến trên cho bạn đọc hiểu rằng hiện thực trong tác phẩm đã được chọc lọc qua cảm quan của người nghệ sĩ và đôi khi được người nghệ sĩ tô đậm lên.
GS.Trần Đình Sử từng nói: "Điều then chốt của nhà văn là sáng tạo ra cái mới, cái quý của nhà văn là luôn sáng tạo ra cái mới , chứ không phải viết được nhiều". Người nghệ sĩ chân chính là ngườibiết sáng tạo ra cái mới trong những điều rất đỗi bình thường để cho người đọc một bài học trông nhìn và thường thức.
Lê Thị Nga
Khoa Báo chí – Trường: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn