MS265 – Trường học không hẳn là nơi khởi đầu và không phải là nơi kết thúc
Đề bài: Trường học không hẳn là nơi khởi đầu và không phải là nơi kết thúc. Bài làm Ngồi vào bàn học với quyết tâm “chăm học hơn, phải nâng cao thành tích của bản thân” nhưng rồi khi lôi sách vở ra lại không biết phải bắt đầu từ đâu, học môn nào trước, môn ...
Đề bài: Trường học không hẳn là nơi khởi đầu và không phải là nơi kết thúc.
Bài làm
Ngồi vào bàn học với quyết tâm “chăm học hơn, phải nâng cao thành tích của bản thân” nhưng rồi khi lôi sách vở ra lại không biết phải bắt đầu từ đâu, học môn nào trước, môn nào cũng cần thiết, môn nào cũng cảm thấy bản thân còn kém quá, loay hoay suy nghĩ mãi. Kết quả là quyết định leo lên giường đi ngủ. Đó không phải tình trạng của riêng mình mà còn là của không biết bao các thế hệ học sinh ngày nay. Mình thiệt cười, nhớ đến câu nói của nhà giáo dục người Mỹ Neil Postman :” Trẻ em đến trường với những dấu chấm hỏi và ra trường với những dấu chấm hết.” Đặt câu nói ấy vào tình hình giáo dục nước ta ngày nay, tất nhiên, nó có phần hơi phiến diện nhưng lại nói lên được sự bất cập trong việc dạy và học.
Có cô bé lớp dưới tâm sự với mình:” Hồi nhỏ, em có ước mơ làm họa sĩ nhưng rồi mẹ em bảo với em rằng nghề ấy không làm ra tiền. Rồi hình như ước mơ thuở bé của em bây giờ chỉ còn là những hoài niệm về quá khứ, ngày mà em là chính em, say sưa với những trang giấy và bảng màu.” Nghĩ đến mà thương em! Bao giờ thì mình hay em hay các thế hệ học sinh sau này mới được hưởng một nền giáo dục tiến bộ hơn. Một nền giáo dục mà ở đấy em có thế sống với niềm đam mê của mình, không chạy theo vật chất và danh vọng để rồi đánh mất giấc mơ thời trẻ của mình. Để rồi mai sau ta trưởng thành, lấy chồng sinh con rồi già đi, nằm trên giường bệnh nhìn lại những ngày xưa cũ, than ôi! Ta đã một thời muốn trở thành họa sĩ, kỹ sư, một nhà thiên văn học hay một nhà sinh vật học. Em biết đấy, con người không ai là hoàn hảo cả, có thể em không giỏi cái này hoặc cái kia nhưng tình yêu, niềm đam mê trong em sẽ giúp em tỏa sáng. Thế nên, em à! Đừng để lời nói của bất cứ ai làm lung lay ý chí trong em và cũng đừng xem nhẹ lời nói của họ. Bởi người chịu trách nhiệm cho cuộc đời em là chính em. Và cuộc đời em còn có gia đình em, người thân của em, tương lai cuộc sống của em ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới họ, vậy nên hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định đi theo con đường nào. Và tất nhiên con đường ấy sẽ phải đem đến cho em hạnh phúc. Bảo trọng em nhé!
Tôi rất thích đọc sách của chị Rosie Nguyễn hay những bài viết được đăng tải trên trang facebook cá nhân của chị ấy, bởi những gì mà chị ấy viết đều từ bắt nguồn từ chính cuộc sống của chị ấy, những gì chị ấy nghe, nhìn, thấy, cái chân thật ấy thực sự đã cuốn hút mình và nó thực sự đã thay đổi con người mình rất nhiều. Trong cuốn sách “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” có một bài viết với tựa “Đừng dựa vào trường học”, cái tên nghe có phần … . nhưng bạn biết không, mình đã “nghiền” nó không dưới mười lần, và lần nào đọc mình vẫn phải sụt sùi nước mắt “Từ nhỏ học trò đi học đã được dặn dò phải học giỏi sau này mới có công ăn việc làm, để lo cho gia đình, phụng dưỡng cha. Chẳng thấy ai dặn hãy học vì tình yêu tri thức.” Mình đã bật cười và rồi giật mình nhìn lại bản thân. Gục xuống bàn và nức nở. Ngày trước tôi say mê học toán, mỗi lần giải được bài tập khó là sướng rơn lên. Hồi ấy chẳng bao giờ nghĩ phải học giỏi thế kia để đậu vào trường này trường nọ nào cả, đơn giản chỉ là tìm thấy niềm vui khi được học tập, tiếp thu những kiến thức mới mẻ và thú vị. Nhưng rồi cuộc sống tươi đẹp cũng dần bị vùi lấp đâu mất, càng học lên, lượng kiến thức nhồi nhét vào ngày càng nhiều. Tình yêu đối với tri thức mờ nhạt dần, và bây giờ “học là để thi”. Đầu năm thì thi khảo sát chất lượng, chẳng mấy chốc lại kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ, kỳ một rồi đến kỳ hai, nghỉ hè chẳng được bao lâu lại cắm đầu học để rồi lại kiểm tra chất lượng đầu năm. Hôm trước mình nổi hứng lôi sách ra để ôn lại kiến thức lớp 10 vì sợ, sợ sẽ thành đứa “mù chữ” sau 3 tháng nghỉ hè này mất. Nhưng rồi nhận ra…cả bài toán cơ bản trong sách giáo khoa mình cũng không biết làm. Cảm thấy bất lực vô cùng. Cầm điện thoại lên, nhắn tin cho đứa bạn thân của mình:
– Giúp tao, tao cần bổ túc toán. Huhu
– Xạo. Ngày xưa mày bá lắm mà.
Cổ họng tôi nghẹn đắng:
– Nhưng mà đó là ngày xưa rồi…
Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu.
Việc học tập càng khiến mình cảm thấy mệt mỏi hơn khi mà mấy môn tự nhiên mới phải học theo kiểu “lắp ráp công thức” mà ngay cả môn xã hội như Văn học cũng phải học theo kiểu đấy. Học một văn bản là phải làm 4,5 đề về bài đó. Thời gian đầu tư không nhiều vì còn phải “chạy sô” cho nhiều môn học khác, vả lại cảm hứng để viết cũng chẳng phải lúc nào cũng tuôn như nước lũ thế nên đành phải lấy bài này cắt xén rồi lắp vào bài kia, bởi không làm thì làm sao có điểm, mà không có điểm thì làm sao mà lên lớp. Tệ hơn thế, đối với bài tập về nhà việc lên mạng search về chép cũng được lũ học trò thực hiện một cách khôn khéo, phải chọn bài ở những trang sau, ít người để ý để tránh người này chép trùng người kia. Lắm lúc mình vẫn luôn muốn hỏi thầy những câu hỏi tưởng như ngớ ngẩn: “ Em cứ tưởng viết văn là phải có cảm xúc, nhưng mà bài trong đề mà thầy ra em không thích bài đó, em không có cảm xúc thì viết thế nào hả thầy?” Nhiều lúc cảm thấy làm bài tập văn như diễn một vở kịch hài cho chính mình, đơn giản vì lắm lúc còn phải viết trái với những suy nghĩ trong đầu. Nhưng biết làm sao được, vẫn phải học thôi. Đối với hệ thống giáo dục coi trọng bằng cấp như nước ta hiện nay thì không học đồng nghĩa với thất nghiệp, không có công ăn việc làm thì làm sao nuôi sống bản thân, gia đình, hay góp phần xây dựng nước nhà ngày một giàu mạnh.
Quay lại với câu nói của nhà giáo dục người Mỹ Neil Postman: “Trẻ em đến trường với những dấu chấm hỏi và ra trường với những dấu chấm hết.” Thực chất mà nói trường học không hẳn là nơi đặt “dấu chấm hết” mà là nơi khởi đầu. Đâu là nơi đã dạy bạn từng con chữ, con số, đâu là nơi đã nuôi dưỡng, ươm mầm nên những công dân tốt cho gia đình, xã hội, đâu là nơi gắn liền với cái tuổi mang tên “thanh xuân”, đâu là nơi bạn tìm thấy những người thầy, người cô, họ truyền cảm hứng cho bản, thắp lên trong bạn niềm khao khát chiếm lĩnh tri thức, đâu là nơi bạn tìm thấy những người bạn mà mãi đến sau này khi xa nhau bạn vẫn không thể nào quên được. Đó có thể là đâu nếu không phải là trường học. Xét cho cùng trường học vẫn là môi trường cần thiết và có vai trò hết sức quan trọng trong cuộc đời của mỗi con người. Nhiều người vẫn luôn cho rằng thế giới này có biết bao nhiêu người bỏ học mà vẫn thành công, không ít người trở thành tỷ phú với khối tài sản kết xù, nào Bill Gates, Mark Zuckerberg, Steve Jobs hay Oprah Winfrey. Nhưng liệu khi bạn bỏ học và chạy theo đam mê bạn có thể làm được như họ, một Bill Gates hay Mark Zuckerberg thứ hai ư? Mình e là khó đấy. Cuộc sống là không lường trước được điều gì, và chúng ta sinh ra lớn lên trong một môi trường khác nhau, bản thân mỗi chúng ta đều khác nhau. Đừng làm theo tất cả những gì người ta làm, bạn chỉ có thể là chính bạn, không phải họ, bạn nên học tập cách họ đối đầu với những khó khăn mà họ gánh chịu, học họ ở cái cách sống có hoài bão, có lý tưởng. Đừng đổ cho trường học đã giết chết đi những giấc mơ trong bạn, hãy nhớ rằng bạn vẫn có thể học tốt mà vẫn có thể theo đuổi đam mê. Mọi thứ đều tùy thuộc ở bạn. Hãy nhớ lấy. Trường học không hẳn là nơi mở đầu và không phải là nơi kết thúc.
Đậu Thị Vân Anh
Lớp 10C1 – Trường THPT Quỳ Hợp 2, Nghệ An