02/07/2018, 20:23

Kỹ thuật vắt sữa bò

Kỹ thuật vắt sữa là yếu tố quan trọng quyết định sản lượng sữa, sau yếu tố nuôi dưỡng. Một bò sữa tốt có thể bị hư hỏng hoặc bị loại thải do vắt sữa không đúng cách gây ra. Người ta có thể tiến hành vắt sữa bằng máy hoặc vắt sữa bằng tay (vắt sữa thủ công). Có hai loại máy vắt sữa: – Loại ...

Kỹ thuật vắt sữa là yếu tố quan trọng quyết định sản lượng sữa, sau yếu tố nuôi dưỡng. Một bò sữa tốt có thể bị hư hỏng hoặc bị loại thải do vắt sữa không đúng cách gây ra.

Người ta có thể tiến hành vắt sữa bằng máy hoặc vắt sữa bằng tay (vắt sữa thủ công).

Có hai loại máy vắt sữa:

– Loại vắt riêng từng con, sữa của mỗi con được vắt vào một bình chứa, gắn vào hệ thống máy chung, sau đó đổ chung vào bồn bảo quản lạnh. Việc vắt sữa tiến hành tại chuồng nuôi và số lượng bò được vắt sữa mỗi đợt tuỳ thuộc vào số lượng bình. Cũng có thể là loại máy vắt riêng từng con và di động trên bánh xe, sữa của mỗi con vắt riêng vào bình chứa.

– Loại vắt theo loạt 10 – 12 con một lúc (hệ thống kiểu xương cá): Bò được đưa vào một phòng vắt sữa riêng biệt và đứng thành hai hàng đối xứng nhau. Ngưòi vắt sữa chỉ việc cắm máy lên núm vú của bò và toàn bộ sữa được chuyển theo đường ống, đổ vào bồn làm lạnh (có thể trước đó đã qua hệ thống cân đo tự động để xác định năng suất của từng con).

Đối với nước ta hiện nay, do chăn nuôi bộ sữa còn ở quy mô nhỏ và do trình độ vật tư, kỹ thuật còn thiếu thốn nên chủ yếu vẫn sử dụng phương pháp vắt sữa thủ công.

Chúng tôi trình bày kỹ về phương pháp vắt sữa thủ công.

Các công việc chuẩn bị để vắt sữa vệ sinh

Dọn vệ sinh chuồng trại:

Nếu tiến hành vắt sữa tại chuồng nuôi thì trước khi vắt sữa bắt buộc phải dọn vệ sinh chuồng cẩn thận: đưa ra khỏi máng phần thức ăn dư thừa; dọn phân trên nền chuồng và dội rửa nền chuồng bằng nước sạch.

Trong khi làm vệ sinh chuồng cần tránh gây tung bụi bẩn (phải vẩy nước và quét nhẹ nhàng). Bụi bẩn chứa nhiều vi sinh vật: 1g bụi có thể mang theo tới 10.000.000 vi sinh vật.

Cũng có thể tiến hành vắt sữa ở một nơi khác, như phần phụ của chuồng hay ngoài sân chẳng hạn. Nhưng nên nhớ rằng bò sữa là gia súc có thói quen, vì vậy cần phải tránh thay đổi địa điểm vắt sữa.

Dụng cụ vắt sữa:

Các dụng cụ vắt sữa bao gồm: xô vắt sữa, phễu lọc sữa, bình chứa sữa sau khi vắt và vận chuyển. Không nên dùng các dụng cụ vắt sữa bằng chất dẻo hoặc tôn vì dễ han rỉ, làm vệ sinh khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng sữa. Tốt nhất nên dùng các dụng cụ vắt sữa bằng nhôm.

Các dụng cụ này nên có đáy vát tròn, có vậy mới dễ làm vệ sinh và tránh cặn bẩn bám vào các kẽ quanh đáy. Xô vắt sữa chỉ được sử dụng để vắt sữa. Không bao giờ được dùng vào việc khác.

Đọc thêm  Khẩu phần thức ăn hằng ngày cho bò sữa

Tất cả các dụng cụ để vắt sữa và vận chuyển sữa phải được cọ rửa cẩn thận. Tốt nhất ỉà dùng nước nóng và xà phòng để làm vệ sinh các dụng cụ này.

Nhưng lưu ý là không dùng xà phòng thơm vì sữa sẽ bị ám mùi. Sau khi cọ rửa, gác các dụng cụ lên giá gỗ trong bóng râm cho rỏ hết nước và khô hoàn toàn mới đem sử dụng.

Vệ sinh người vắt sữa:

Việc vắt sữa tốt nhất là luôn luôn do một người tiến hành. Người vắt sữa làm việc phải nhẹ nhàng, bình tĩnh, có hiểu biết về bò sữa và yêu mến bò. Người vắt sữa phải là người không mắc bất kỳ một bệnh truyền nhiễm nào. Móng tay thường xuyên được cắt ngắn.

Người vắt sữa nên dùng bộ quần áo lao động và luôn luôn bảo đảm sạch sẽ. Trước khi vắt sữa, người vắt sữa phải rửa tay với xà phòng, kỳ chải móng tay và sau đó lau khô cẩn thận bằng khăn lau sạch.

Vệ sinh thân thể bò sữa và bầu vú:

Trong trường hợp bò cái bẩn quá, cần tắm rửa trước khi vắt sữa: Dùng vòi phun nước, phun rửa hai bên sườn, chân sau và bụng.

Nếu bò không bẩn lắm thì không cần tắm như nêu trên mà chỉ cần dùng một khăn mềm nhúng vào nước ấm 40 – 42°C và lau rửa bầu vú, sau đó lau khô nhẹ nhàng. (Trường hợp vắt sữa bằng máy thì chỉ cần dùng khăn lau rửa núm vú). Có thể nhúng khăn vào dung dịch sát trùng nhẹ như dung dịch iốt 1 – 2%.

Việc lau rửa bằng nước ấm và lau khô bầu vú nhẹ nhàng sẽ kích thích tiết oxytoxin, mặt khác tránh gây thương tổn lên da bầu vú cũng như nhiễm bẩn sữa lúc vắt.

Một số bò cái có thói quen cho vắt sữa chỉ khi có mặt bê con tại đó, hoặc phải được bê con bú thúc lúc ban đầu. Cần phải bỏ thói quen này bằng cách vắt sữa ngay từ những ngày đầu sau khi đẻ, không có sự hiện diện của bê và cho bê ăn sữa trong một chiếc xô.

Cần bỏ thói quen này, vì:

+ Tránh phiền phức là phải có mặt bê con mới vắt được sữa.

+ Nếu bò con đã bú thúc ta không xác định được chính xác năng suất sữa của bò cái và không thể lên khẩu phần ăn hợp lý được.

+ Bò cái cho bê bú sữa sẽ chậm động dục trở lại.

+ Môi, miệng, đầu bê con có thể bẩn và sẽ làm bẩn núm vú, bầu vú và làm vấy bẩn sữa.

+ Có thể bê con có răng dài không đều và khi mải mê bú sẽ làm tổn thương núm vú và gây ra viêm vú.

Vắt sữa thủ công

Sau khi làm các thao tác chuẩn bị như đã nêu trên và sau khi rửa, xoa bóp kích thích bầu vú cần vắt một vài giọt sữa từ mỗi núm vú vào các ca hoặc tách đáy đen để kiểm tra xem sữa có váng lợn cợn không hay sữa bình thường.

Đọc thêm  Phương pháp vắt và bảo quản sữa bò

Những tia sữa đầu tiên chứa nhiều vi khuẩn và phải vắt bỏ đi, không vắt lẫn vào xô. Sau đó tiến hành vắt sữa.

Vị trí ngồi vắt có thể là bên trái hay bên phải bò, tùy theo người vắt thuận tay trái hay tay phải. Việc vắt sữa cần tiến hành nhanh. Người vắt sữa cần sử dụng hai tay, nghĩa là vắt cả hai núm vú cùng một lúc. Người ta khuyên là nên vắt sữa theo đường chéo: bắt đầu là các núm vú trước trái – sau phải và sau đó vắt đến các núm vú trước phải – sau trái.

Có hai phương pháp vắt sữa thủ công:

Vắt sữa kiểu kẹp núm vú:

Có nghĩa là kéo núm vú được kẹp giữa ngón tay trỏ và ngón cái xuống phía dưới, đẩy sữa theo chiều ống núm vú cho đến khi ra khỏi lỗ mở núm vú.

Phương pháp này ít nặng nhọc cho người vắt sữa, nhưng nó nguy hiểm cho bò cái dễ gây ra thay đổi núm vú (bị kéo dài) và thường gây rách hoặc viêm nhiễm mô tuyến vú.

Phương pháp này chỉ cho phép trong trường hợp bò cái có núm vú rất ngắn.

Phương pháp vắt sữa cả tay:

Dùng ngón cái và ngón trỏ nắm chặt phía trên núm vú làm cho sữa không trở lại bầu vú được nữa, sau đó lần lượt đóng và xiết chặt các ngón tay lại, làm cho sữa bị đẩy ra ngoài. Sau đó lại mở bàn tay cho sữa chảy xuống núm vú.

Dù sử dụng phương pháp nào thì cũng cần phải vắt kiệt bầu vú. Vắt kiệt bầu vú tránh được sữa dư trong bầu vú, gây viêm nhiễm và kích thích khả năng tạo sữa cho lần vắt sau.

Phương pháp làm kiệt như sau: Khi những tia sữa cuối cùng rất nhỏ và yếu ta dừng lại và dùng hai tay xoa lên bầu vú theo chiều từ trên xuống để kích thích lần nữa. Tay trái giữ phía trên bầu vú còn tay phải vắt nốt lượng sữa cuối cùng trong núm vú ra.

Sau khi đã vắt kiệt bầu vú, cần nhúng núm vú vào dung dịch sát trùng iốt 1 – 2%. Tốt nhất là sử dụng dung dịch Iodamam vì dung dịch này có độ bám dính tốt tạo thành màng bịt lỗ mở núm vú và xung quanh núm vú.

Cho bò ăn ngay để nó không nằm xuống, giảm nguy cơ viêm vú (vì sau 40 – 60 phút lỗ ống núm vú mới đóng lại).

0