MS264 – Phân tích tình phụ tử thiêng liêng và cao đẹp trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh trong truyện Chiếc lược ngà
Đề bài: Phân tích đoạn trích truyện “Chiếc lược ngà” – Nguyễn Quang Sáng để làm sáng tỏ tình phụ tử thiêng liêng và cao đẹp trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh.. Bài làm Tình phụ tử – thứ tình cảm thiêng liêng đầy sâu sắc. Đã có biết bao tác phẩm văn học ...
Đề bài: Phân tích đoạn trích truyện “Chiếc lược ngà” – Nguyễn Quang Sáng để làm sáng tỏ tình phụ tử thiêng liêng và cao đẹp trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh..
Bài làm
Tình phụ tử – thứ tình cảm thiêng liêng đầy sâu sắc. Đã có biết bao tác phẩm văn học Việt Nam ca ngợi về tình phụ tử vĩ đại mà tiêu biểu là truyện ngắn Chiếc lược ngà – Nguyễn Quang Sáng. Câu chuyện đã lấy đi nước mắt của biết bao nhiêu người đọc trước tình cha con của ông Sáu – bé Thu trong cái hoàn cảnh đầy éo le của chiến tranh.
Truyện lấy bối cảnh là vùng sông nước Nam Bộ, giai đoạn kháng chiến chống Mỹ đang bước vào thời kì khó khăn, cam go và ác liệt. Chính bởi chiến tranh như thế đã khiến anh Sáu – một người chiến sĩ nơi chiến trường phải chịu cảnh xa cách gia đình. Và phải đến tám năm trời anh mới được về thăm nhà, được gặp mặt đứa con gái đầu lòng đầu tiên của mình. Thế nhưng bé Thu không nhận ra cha vì vết sẹo trên mặt làm ba em không hề giống bức ảnh em được thấy. Vì thế mà em xa lánh, khước từ mọi sự quan tâm của ba, khước từ một cách quyết liệt. Đến lúc Thu nhận ra ba thì cũng là lúc anh Sáu phải đi. Ở nơi chiến trường, anh dồn hết công sức vào làm một cây lược ngà để nguôi nỗi nhớ và nguôi nỗi ân hận lỡ đánh con. Thế nhưng, bất hạnh đã đến khi anh đã hi sinh trong một trận càn. Đến những giây phút cuối cùng, anh vẫn không quên trao lại cho người bạn chiếc lược ngà và chỉ nhắm mắt khi bạn hứa sẽ trao lại cho bé Thu.
Tình cha con sâu nặng nổi bật giữa cái lạnh của chiến tranh như thế!
Tình phụ tử, trước hết đó là tình cảm của người cha là anh Sáu dành cho con của mình. Tám năm xa con, chỉ được nhìn ngắm con qua tấm ảnh nhỏ. Vì thế đến lúc về cái tình người cha cứ nôn nao trong anh. Thoáng thấy một đứa bé độ tám tuổi, tóc ngang vai, linh cảm người cha mách bảo anh rằng đó là con. Anh không thể chờ xuồng cập bến, nhún chân nhảy thót lên, vội bước những bước dài. Tình thương nhớ con đã biến người chiến sĩ vốn luôn bình tĩnh và kiên cường trước mọi hoàn cảnh trở thành một người luống cuống và vội vàng như thế! Anh kêu to: “Thu! Con.” Trong sự sung sướng và hạnh phúc trào dâng thì phản ứng của bé Thu như phá tan hy vọng của anh, bé chỉ giật mình, tròn mắt nhìn. Còn anh thì giọng lắp bắp run run “Ba đây con!”. Xúc động đến run rẩy mà lại mang một sự lo lắng vô hình. Và rồi bé Thu tái mặt, vụt chạy mà cầu cứu má. Khó có thể lột tả được cảm xúc của anh lúc đó. Anh đứng sững lại đó, nỗi đau đớn khiến măt sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy. Tâm trạng hụt hẫng và đau khổ đến tột cùng khi mà con không hề nhận ra mình, lại xa lánh mình.
Suốt ba ngày sau đó, anh chẳng đi đâu xa, lúc nào anh cũng tìm cách gần gũi con, hết lòng yêu thương con, hết lòng muốn bù đắp cho con. Ngọn lửa nồng nàn của lòng cha như cứ bị từng cục băng đè lên bởi sự đối xử xa lánh và ương ngạnh của con, kể cả khi mẹ nó hết lòng khuyên bảo, kể cả khi anh giả vờ ngồi yên đến việc dồn nó vào thế bí với nồi cơm sôi sùng sục, nó cũng kiên quyết không chịu gọi một tiếng ba. Điều ấy khiến anh Sáu thật đau lòng và khổ sở. Bởi không khóc được nên đành cười vậy thôi – nỗi khổ tâm của người cha đi cùng với sự cam chịu, bởi anh hiểu có lẽ tám năm qua anh chưa hề tròn bổn phận làm cha, bởi chiến tranh, bởi chiến đấu. Vì thế anh hiểu hơn ai hết, tình cảm là không thể gượng ép. Và rồi, trong một bữa ăn, bé Thu đã khước từ sự chăm sóc của anh bằng việc hất miếng trứng cá ra khỏi bát. Do quá nôn nóng, bức tức, không kịp suy nghĩ mà anh đã đánh con. Bé Thu liền chèo thuyền sang nhà bà ngoại.
Rồi đến khi bé Thu chịu nhận anh là ba. Tiếng ba như xé, xé cả ruột gan mọi người. Anh không ghìm được xúc động mà rút khăn tay lau nước mắt, vỗ về an ủi con. Và chỉ đến khi hứa mua cho con cây lược,Thu mới để anh đi.
Trở lại chiến trường, anh luôn ôm nỗi thương nhớ con, ân hận vì trót đánh con, nỗi khổ tâm đó cứ dày vò anh mãi. Rồi khi anh kiếm được một khúc ngà, liền đem khoe với anh Ba. Mặt anh hớn hở như một đứa trẻ được quà. Rõ ràng, tình phụ tử lại khiến người cha như trẻ lại như thế. Một người chiến sĩ vốn chỉ quen với khói súng trường chinh, với những cuộc hành quân qua rừng thâu đêm không nghỉ; lại lần đầu tiên thận trọng, tỉ mỉ, cố công mà cưa từng chiếc răng lược. Cây lược dùng để chải mái tóc con gái, cây lược có hàng răng thưa, anh gò lưng tẩn mẩn khắc “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Gửi vào cây lược bao nhiêu yêu thương, cả nỗi nhớ da diết. Nó gỡ rối lòng anh biết chừng nào!
Chiếc lược như một minh chứng, là kết tinh của tình phụ tử: mộc mạc mà đằm thắm, đơn sơ mà kì diệu. Rồi khi bị thương nặng, khi không thể trăng trối điều gì, anh vẫn không quên đưa tay vào túi móc cây lược đưa anh Ba và nhìn anh hồi lâu. Cái nhìn ấy đầy ám ảnh, đầy bi thương. Cái ánh nhìn ấy tựa như biển cả mênh mông không sao tả hết được. Và chỉ khi anh Ba hứa sẽ trao tận tay bé Thu, anh mới nhắm mắt buông xuôi. Chiếc lược ngà trở thành một kỷ vật vô giá, chỉ có tình cha con là không thể chết được, nó vẫn sống mãi, như một ngọn lửa rực cháy giữa cái giá lạnh của chiến tranh. Anh đi nhưng vẫn dành cho con thứ tình cảm sâu đậm đến thế.
Nếu như tình cảm của anh Sáu dành cho con là sự hy sinh cao cả thì tình cảm của bé Thu dành cho anh chính là thứ tình cảm hồn nhiên, thanh thuần, trong sáng của một đứa trẻ rất yêu ba. Bé Thu mới chỉ tám tuổi, em vẫn còn quá nhỏ để hiểu cuộc đời, để hiểu được những tội ác chiến tranh đã để lại trên từng con người là đau đớn to lớn nhường nào. Trẻ con thường ngây thơ nhưng lại mang một tâm hồn nhạy cảm sâu sắc. Trẻ em luôn mang trong mình một tín ngưỡng mà tôn thờ nó, và để bảo vệ điều ấy, trẻ em sẽ ương ngạnh. Giống như bé Thu. Em rất yêu cha. Em dành tất cả cái tình yêu ấy cho người “cha” chụp chung tấm hình với má em. Suốt tám năm trời, em luôn đặt ba em sâu tận trong lòng, em dành cho ba sự hoàn hảo đến nguyên vẹn, em yêu ba tựa như một đứa trẻ bình thường vẫn yêu. Và đôi khi còn nhiều hơn thế. Điều đó lí giải tại sao em lại có những hành động xa lánh ba đến ương bướng như vậy. Vì ba em có vết sẹo trên má. Em cá tính, và đôi khi là bướng bỉnh đến gan lì. Nhưng đến khi em được bà ngoại giải thích rõ ràng thì rốt cục en lại quay trở về là một cô bé nội tâm và khao khát tình cha như thế. Em khóc, em ôm chặt cổ ba, em hôn cổ, hôn tóc, hôn cả vết thẹo dài trên má ba em. Em bấu chặt lấy ba em, không cho ba em đi. Đôi vai nhỏ bé của em run run. Em rốt cục vẫn còn quá nhỏ. Quá nhỏ để phải gồng mình kiên cường đến vậy. Em cũng giống như bao bạn nhỏ khác, đều không muốn ba mẹ rời xa mình. Lời an ủi của mẹ “Thống nhất rồi ba con về” – nghe thật xót xa biết bao nhiêu khi mà người đã ra đi, liệu đâu biết ngày trở về? Em còn quá nhỏ, quá nhỏ để hiểu thấu hai từ “thống nhất” là gì. Và em, chịu để ba đi, khi ba em hứa mua cho em cây lược. Em mếu máo “Ba về! Ba mua cho con một cây lược nghe ba”, câu nói trong tiếc nấc của em thật ngây thơ, ngây thơ đến đau lòng!
Chiếc lược mà ba em hứa, rốt cục ba em vẫn giữ cho em. Chỉ có điều, ba em, mãi mãi chẳng thể trở về được nữa.
Chiếc lược như một minh chứng sống mãi, nó in sâu vào trong lòng người đọc, nhắc nhở người ta về tình phụ tử tha thiết, tựa ngọn lửa nồng ấm xua tan đi cái lạnh của éo le chiến tranh.
Có thể nói, với truyện ngắn Chiếc lược ngà, Nguyễn Quang Sáng đã rất thành công khi truyền tải đến chúng ta một thông điệp sâu sắc: Tình phụ tử luôn thiêng liêng cao đẹp và luôn sống mãi trong lòng mỗi chúng ta.
Lê Ngọc Ánh
Lớp 9B – Trường THCS Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội