06/02/2018, 10:46

MS21 – Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử Bài làm Nhắc tới Hàn Mặc Tử, chắc hẳn ai cũng không thể quên được bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” thuộc thể loại thơ điên của ông. Được khởi nguồn cảm hứng từ tấm bưu thiếp và lời hỏi thăm của Hoàng Thị Kim Cúc – người con gái ...

Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

Bài làm

Nhắc tới Hàn Mặc Tử, chắc hẳn ai cũng không thể quên được bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” thuộc thể loại thơ điên của ông. Được khởi nguồn cảm hứng từ tấm bưu thiếp và lời hỏi thăm của Hoàng Thị Kim Cúc – người con gái thôn Vĩ mà Hàn Mặc Tử từng thầm thương trộm nhớ. Bài thơ là bức tranh phong cảnh và cũng là tâm cảnh, thể hiện nỗi buồn cô đơn của tác giả trong một mối tình xa xăm, vô vọng, một tấm lòng thiết tha của nhà thơ đối với thiên nhiên, cuộc sống, con người:

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ? 
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc 
Lá trúc che ngang mặt chữ điền. 

Gió theo lối gió, mây đường mây, 
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay… 
Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó, 
Có chở trăng về kịp tối nay? 

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra… 
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”

Mở đầu bài thơ là bức tranh thôn Vĩ hiện lên trong hoài niệm của nhà  thơ. Khổ thơ mở đầu bằng một câu hỏi tu từ: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ”. Đó là câu hỏi, lời mời, lời trách yêu nhẹ nhàng của cô gái thôn Vĩ hay lời Hàn Mặc Tử tự vấn lòng mình, tự hỏi, tự hỏi với một niềm tiếc nuối, mong ngóng mãnh liệt được trở lại thôn Vĩ  dẫu chỉ trong tâm tưởng cũng thật rõ ràng, cụ thể:

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc 
Lá trúc che ngang mặt chữ điền. 

Tất cả đã là dĩ vãng là hiện tại hay chỉ trong tưởng tượng của nhà thơ cũng không biết nữa! Chỉ biết rằng tình yêu thiên nhiên và con người thôn Vĩ đã khiến nó hiện lên thật đẹp. Thơ Hàn Mặc Tử  nắng  là một mô típ ám ảnh, ta bắt gặp những thứ nắng lạ đầy ấn tượng: Nắng tươi, nắng ửng, nắng loạn… Và trong mảnh vườn  này, ông chỉ  giản dị: Nắng hàng cau nắng mới lên, cớ sao mà gợi thế! Nắng dù trong tiềm thức cũng phải là thứ “nắng hàng cau” tinh khiết, thứ nắng mới nhất trọng một ngày. Bởi cau là cây cao nhất trong vườn thôn Vĩ, nhờ có sương đêm còn đọng, nắng trên lá cau là nắng ướt, nắng long lanh, nắng thiếu nữ. Thân cau chia các đốt đều nhau như thước đo nắng. Nắng chạm tới lá cau cũng là lúc cả mảnh vườn phủ đầy nắng, ánh lên thứ ánh sáng xanh ngọc đến kì diệu:

“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”

Từ “quá” là từ chỉ mức độ, cực tả độ xanh, độ mướt của mảnh vườn, lại được đặt sau từ “mướt” – một từ tượng hình chỉ độ xanh mơn mởn của cây đã phần nào nói lên được tình yêu với cuộc sống của Hàn Mặc Tử. Còn ”ngọc” là tinh thể trong suốt nên vừa có màu vừa có ánh. Nhờ đó, vườn thôn Vĩ như một viên ngọc không chỉ rợn ngợp sắc xanh mà còn đang tảo vào ban mai thứ ánh sáng xanh kì diệu. Thiếu đi những sắc màu ấy, mảnh vườn giản dị khó mà trở nên thanh tú,cao sang được. Ngọc ở đây là vật liệu sang trọng, thường được ưu ái xuất hiện nhiều trong thơ Hàn Mặc Tử. Phải chăng càng đau càng đẹp,càng đẹp càng đau. Đẹp tới thế nhưng ngoài tấm với, sao tránh được đau thương. Phải có tình cảm to lớn tới mức nào mới có thể lưu giữ trong tâm trí những cảnh sắc tươi mới, sống động tới vậy.  Đẹp như thế nhưng tất cả đều là ảo mộng, ngoài tầm với, là “vườn ai” mông lung xa vời. Và giữa bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp này ta bắt gặp hình ảnh con người thôn Vĩ:  Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Chỉ một câu thơ ngắn mà ông đã gợi lên cho ta biết bao lien tưởng. “Mặt chữ điền” là gương mặt phúc hậu thường được dung để miêu tả trang nam nhi. Vậy khuôn mặt đó là mặt ai? Phải chăng là gương mặt phúc hậu của người nông dân chốn đất Huế thơ mộng, mà Hàn Mặc Tử thường nhớ về hay chính là Hàn Mặc Tử. Ông trở lại thôn Vĩ  bằng con tàu tâm tưởng, nhớ đến vậy nhưng chỉ dám đứng từ xa nhìn, nấp sau đám lá trúc vì mặc cảm tự ti về bản thân. Bệnh tật không cướp đi tình yêu cuộc sống, long khát sống yêu đời nhưng đã biến một chàng trai trẻ ngập tràn tuổi xanh trở nên tự ti như vậy! Tuy là gương mặt chữ điền, nhưng ta cũng có thể hiểu thành đấy là gương mặt của cô gái Huế ê lẹ, duyên dáng nấp sau cảnh trúc- biểu tượng cho người quân tử, cả người cả cảnh mới thaath ấm áp làm sao:

“Mặt em vuông tựa chữ điền

Da em thì trắng, áo đen mặc ngoài”

Có thể nói đây là khổ thơ trong sáng nhất trong bài thơ bởi những kí ức của tác giả gợi về nó và cảnh ”chốn nước non thanh tú” hay xuất hiện trong thơ ông.

Ở khố một, dẫu chỉ trong tâm tưởng nhưng nó là cảnh chân thực trong hồi ức, nhưng đến khổ hai mọi thứ đã đã trở nên mờ ảo hơn, mờ mờ ảo ảo qua cách nhảy cóc quen thuộc siêu logic của thơ điên. Mở đầu khổ thơ vân là những cảnh thực đẹp tới nao long về con sông Hương trong đêm trăng có gió thổi mây vờn nhè nhẹ,với dòng nước chảy chầm chậm buồn thiu như để hòa hợp với sự nhẹ lay của hoa bắp, mới chớp mắt đó thôi cảnh đã được chuyển từ thực sang ảo: ”gió theo lối gió, mây đường mây”. Theo lẽ tự nhiên của trời đất mây phải chuyển động theo hướng gió nhưng ở đây Hàn Mặc Tử lại chia gió mây riêng biệt. Phải chăng sự chia ly của gió mấy đó chính là sự chia ly của ông và Hoàng Thị Kim Cúc cũng là sự chia ly giữa tâm hồn và thể xác của một con người, sự cách trở bởi một bức tường với thế giới bên trong trại phong Quy Hòa và thế giới tươi đẹp ngoài kia nơi có thôn Vĩ. Nỗi niềm tiếc nuối chia ly đó mang theo nỗi long Hàn Mặc Tử gửi gắm trong dòng sông Hương thơ mộng: ”Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”. Dòng nước “buồn thiu” chảy chậm phải chăng bởi mang nặng nỗi long của một con người đáng thương. Cũng như bao bờ sông khác, bờ của sông Hương cũng có bãi ngô trải rộng. Gió thổi hoa bắp ”lay”. Ta cũng từng bắt gặp hình ảnh hoa bắp lay đó ở những câu thơ nhưng dù ở đâu thì nó cũng thật gợi buồn: là những câu thơ của Huy Thông

"Lá ngô lay ở bờ sông

Bờ sông vẫn gió, người không thấy về”

Hay đó là nỗi buồn trước cảnh hoa lay trong câu ca dao:

“Ai về Giồng Dứa qua truông

Gió lay bong sậy bỏ buồn cho ai”

Dù là nỗi buồn nào nhưng cảnh bờ sông và những cây bắp, cây lau lay mình trong gió cũng thật gợi buồn. Dòng sông và cây hoa bắp hay của Hàn Mặc Tử cũng vậy, đẹp một vẻ đẹp buồn thương. Thiên nhiên đẹp nhưng cũng thật lạnh lẽo, dường như nó phảng phất tâm trạng u buồn, cô đơn của nhà thơ trước sự xa cách của cuộc đời đối với mình.

Trong khung cảnh sông nước ấy, thời gian biến chuyển linh hoạt. thoắt cái, cảnh vậy đã chuyển sang một buổi đêm trăng huyền ảo:

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay”

Đây là cảnh thực mà cứ như ảo vì dòng sông còn là dòng sông của song nước nữa mà là dòng sông của ánh sáng lấp lánh ánh trăng vàng. Cũng vì thế, con thuyền vốn là cảnh thật nay trở thành một hình ảnh của mộng tưởng. “Thuyền ai”? Thuyền của người dân thôn Vĩ hay con thuyền trong mường tượng của tác giả tự tạo ra cho mình để xuôi dòng sông tâm tưởng trở lại bến cũ. Câu hỏi tu từ: ”Có chở trăng về kịp tối nay?” nghe mới đau thương làm sao! Trăng có “kịp tối nay”, là thời gian cụ thể, gấp rút: “tối nay” phải bắt buộc là: “tối nay” chứ không thể trì hoãn thêm sang tối mai hay bất kì thời gian nào khác, gấp lắm rồi. Ý thức được căn bệnh hiểm nghèo của bản thân, không biết bao giờ sinh mạng của mình bị cướp đi, Hàn Mặc Tử giục giã, khao khát được nhìn thấy con thuyền ấy, kịp quay về thôn Vĩ một lần. Đều cùng một vầng trăng, trong trại phong cũng có thể nhìn thấy vầng trăng sáng như ở thôn Vĩ nhưng ông vẫn khao khát vầng trăng thôn Vĩ. Trăng thôn Vĩ là trăng sáng, trăng tinh khiết của một thời trai trẻ căng tràn nhựa sống, còn trăng ở đây đẫu vẫn là tri kỉ song đã chứng kiến biết bao đêm bệnh tật giày vò, nhuộm đầy máu của ông. “ Chở trăng về” cho quay lại một thời tươi đẹp của ngoài kia, thế xác bị giam cầm, nhưng tâm hồn ông dễ gì bị trói buộc.

Lại là lối nhảy cóc quen thuộc của thơ điên, từ cảnh vườn thôn Vĩ tới bến sông Hương và giờ đây là trại phong Quy Hòa:

“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra… 
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”

Với một người luôn mang trong mình mặc cảm bệnh tật, mặc cảm bị bỏ rơi như Hàn Mặc Tử thì những suy nghĩ của người đời có sự ảnh hưởng không nhỏ tới ông. Về thôn Vĩ, cảnh thôn Vĩ vẫn đẹp, người thôn Vĩ vẫn chất phác hiền lành như thế nhưng đó là người, là cảnh của dĩ vãng, tất cả giờ đã ngoài tầm với của tác giả. Thế nên tất cả chỉ là phiếm định là ”ai” mà thôi. Cuộc trở về trong hoài niệm càng mơ hồ để đến cuối cùng Hàn Mặc Tử dường như trở nên xa lạ trong chính kí ức của bản thân. Số phận ngiệt ngã đẩy nhà thơ tới bi kịch càng mơ càng xa: ”Mơ khách đường xa, khách đường xa”. “Khách đường xa” này là ai? Là Hoàng Thị Kim Cúc một thủa thầm mến hay người đời vô tâm, hững hờ. Hay chính thân phận hiện tại của nhà thơ, chỉ là một khách đường xa mà thôi… Khoảng cách từ trại phong tới thôn Vĩ không xa nhưng xa bởi lòng người.

“Áo em trắng quá nhìn không ra”

Người con gái xứ Huế tươi đẹp quá, kín đáo và huyền ảo quá, nhìn không ra áo em trắng hay còn không nhìn thấu lòng em. Cuộc trở về trong mơ này những tưởng hạnh phúc, nào đâu chỉ làm Hàn Mặc Tử thêm phần cay đắng, tuyệt vọng:

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà”

Thêm một lần nữa, câu hỏi tu từ lại xuất hiện ”ai biết tình ai có đậm đà” khiến ta băn khoăn bởi câu hỏi nửa vời. “Ai” là gì? “ Tình ai” là tình của ai? Hàn Mặc Tử hoài nghi tình cảm người đời dành cho mình có đậm đà không. Với một người mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo có âm hồn nghệ sĩ nhưng lại bị cầm tù trong bốn bức tường chỉ còn chiếc cầu nối duy nhất là tình người. Phải có tình cảm sâu đậm, dành sự quan tâm đặc biệt lúc ấy người ta mới hoài nghi. Ngoài nghi là một biểu hiện mà nhà thơ dành cho con người thôn Vĩ. Và nhà thơ đang chịu đau đớn về thể xác vì bị bệnh tật dày vò nay phải gánh them nỗi đau tâm hồn. Khát khao được trở về, được san sẻ tình cảm mà không được. Giữa nhà thơ và cuộc sống giờ không chỉ bởi ngăn cách bằng bốn bức tường, bằng chính nỗi mặc cảm của chính nhà thơ mà còn bởi ai” mờ nhân ảnh” của sương khói xứ huế làm tăng thêm nỗi trống vắng, cô đơn của một tâm hồn tha thiết yêu thương con người và cuộc sống.

Bài thơ là bản tình ca về lòng yêu cuộc sống yêu thiên nhiên pha chút đau thương nhưng không làm mất đi vẻ đẹp thanh khiết ban đầu.  Bằng ngòi bút điêu luyện, ngôn từ gợi tả, lối nhảy cóc siêu logic của thơ điên, Hàn Mặc Tử đã vẽ nên những cảnh vật ngập tràn sức sống. Bài thơ kết thúc nhưng để lại dư vị cho người đọc, chờ mời những cuộc hành hương khác về thôn Vĩ.

Phan Nguyễn Ngọc Hà

Lớp 12A6, Trường THPT Kỳ Anh, Hà Tĩnh


Từ khóa tìm kiếm:

  • phan tich day thon vi da
  • phân tích Đây thôn Vĩ Dạ
  • thơ hay là thơ giản dị qua đây thôn vĩ dạ
0