18/06/2018, 13:04

Một số nhạc cụ Việt Nam

Sinh tiền (sênh tiền, phách quan tiền) Nhạc cụ gõ, gồm ba thanh gỗ cứng, trên mặt hay cạnh khắc răng cưa, đầu hai thanh to có xâu một hay hai cọc tiền. Khi chơi, dùng hai, ba ngón tay phải kẹp vào giữa con dao (thanh có răng cưa hai cạnh), tay trái cầm hai thanh kia, dùng ngón ...

Sinh tiền (sênh tiền, phách quan tiền)

Nhạc cụ gõ, gồm ba thanh gỗ cứng, trên mặt hay cạnh khắc răng cưa, đầu hai thanh to có xâu một hay hai cọc tiền. Khi chơi, dùng hai, ba ngón tay phải kẹp vào giữa con dao (thanh có răng cưa hai cạnh), tay trái cầm hai thanh kia, dùng ngón tay điều khiển cho chúng mở ra, rập vào tạo nên âm thanh của phách, kèm theo tiếng của các đồng tiền va chạm nhau, tay phải mềm dẻo như múa, đưa cái răng cưa ở cạnh gạt vào hai thanh kia, tạo nên âm thanh gạt nhẹ, khi cao trào có thể gõ lên mặt, tạo hoà âm với tiếng rập, tiếng lắc, tiếng reo của hai thanh kia. Xưa kia, sinh tiền dùng đỡ giọng hát ả đào. Các dàn nhạc cổ truyền đều có sinh tiền, nó còn là một đạo cụ tạo nhịp cho động tác múa dân gian. 

Trống cơm

Trống cơm - nhạc cụ họ màng rung, chi vỗ của dân tộc Việt. Được gọi là "Trống cơm" vì trước khi sử dụng, nhạc công dùng cơm nóng nghiền nhuyễn gắn vào mặt trống để điều chỉnh độ cao thấp của âm thanh.

Thân trống cơm có hình ống, hai đầu hơi múp, được làm từ một khúc gỗ khoét rỗng dài khoảng 56 - 60 cm. Đường kính hai mặt khoảng 15 - 17 cm, bịt bằng da trâu hoặc da bò, mặt trầm gọi là "mặt thổ", mặt cao là "mặt kim". Một hệ thống dây chằng bằng da hoặc mây gọi là dây xạ có tác dụng làm cǎng, trùng hai mặt trống. Là nhạc cụ hòa tấu, được dùng trong nghi lễ phong tục và dàn nhạc chèo, âm thanh trống cơm trầm, vang, hơi đục.

Tiêu

Tiêu là loại sáo thổi dọc trung âm của dân tộc Việt. Tiêu được làm bằng thân ống nứa. Một đầu có mấu, đường kính 2 cm, dài 45 cm. Bên gờ miệng ống người ta khoét một lỗ hình bán nguyệt để thổi, thẳng hàng với lỗ thổi có 4 lỗ hình tròn, còn hai lỗ khoét ở mặt sau do ngón tay cái phụ trách. Sở dĩ phải khoét 2 lỗ bấm ở phía sau vì ống tiêu dài, đường kính rộng, muốn đạt được các âm theo yêu cầu, các lỗ bấm phải khoét cách xa nhau, nếu 6 lỗ đều khoét trên một hàng thẳng, các ngón tay không đủ sức gang ra để bấm. Khi thổi người ta cầm dọc ống tiêu và tỳ cằm vào gần lỗ thổi để tạo ra âm thanh. Âm thanh của tiêu nghe trầm, ấm.

Tiêu tham gia trong dàn nhạc tài tử, ban nhạc tang lễ, phường bát âm, dàn nhạc sân khấu chèo, tuồng. Ngày nay, tiêu đã được đưa vào dàn nhạc dân tộc tổng hợp hòa tấu.

Đàn Tam

Đàn tam là nhạc cụ dây gẩy của dân tộc Việt. Đàn được mắc ba dây nên gọi là Đàn tam (tam là ba).

Hộp đàn là khuôn gỗ dầy hình chữ nhật (4 cạnh tròn), kích thước 14  x 17 cm. Thành đàn cao khoảng 5 cm bằng gỗ cứng. Đáy bịt gỗ, có lỗ thoát âm. Mặt đàn làm bằng da trǎn, da kỳ đà, trên mặt có gắn một cái thú để mắc dây. Cần đàn dài 0,65 m không có phím, trên mặt cần có một miếng gỗ để luồn dây, ba dây được mắc vào cuối bầu đàn chạy qua ngựa và miếng gỗ, miếng gỗ này có tác dụng di chuyển làm cho âm thanh cả 3 dây hạ xuống hay cao lên khi cần thiết. Đầu đàn hình thang cân có 3 trục gỗ để lên dây. Dây đàn bằng tơ xe, nay bằng dây nilon được lên cách nhau một quãng 4 đúng và 5 đúng Sol - Do -Sol1 hoặc Sol - Re - Sol1

Đàn Tam được dùng phổ biến trong dàn nhạc chèo, phường bát âm, ban nhã nhạc. Ngày nay Đàn Tam đã được đưa vào dàn nhạc dân tộc tổng hợp.

0