18/06/2018, 13:04

Các loại tiền ở Việt Nam

Tiền âm phủ Người ta tin rằng người chết cũng có mua bán. Tiền mãi lộ, tiền phạm hàn (bỏ vào miệng người chết), tiền áp quan (bỏ trong quan tài), tiền phần chầu (chôn ở đầu mộ)… đều thuộc loại này. Có khi dùng tiền bằng vỏ ốc, bằng đồng, bạc hay vàng. Nhà giàu có thể chôn cho ...

Tiền âm phủ 

Người ta tin rằng người chết cũng có mua bán. Tiền mãi lộ, tiền phạm hàn (bỏ vào miệng người chết), tiền áp quan (bỏ trong quan tài), tiền phần chầu (chôn ở đầu mộ)… đều thuộc loại này. Có khi dùng tiền bằng vỏ ốc, bằng đồng, bạc hay vàng. Nhà giàu có thể chôn cho người chết hàng xâu dài mấy trăm đồng. Có khi dùng tiền giấy in hình đồng tiền thật, hoặc in hình tiền có những chữ “Kim tiền vạn quan”. Còn gọi tiền này là “dạ tiền” (tiền ban đêm). 

Tiền Cảnh Hưng

Cảnh Hưng là niên hiệu của vua Lê Hiển tông (1740 – 1786). Thời này xuất hiện hàng trăm loại tiền do triều đình, địa phương, tư nhân đúc. Phổ biến nhất là loại tiền đúc 4 chữ “Cảnh Hưng thông bảo”. Nhiều loại khác, bên cạnh chữ “Cảnh Hưng” là các chữ đúc “Trung Bảo” hay “Chí Bảo”, “Vĩnh Bảo”, “Đại Bảo”, “Thái Bảo”, “Cự Bảo”… Thời Cảnh Hưng là thời loạn lạc, đồng tiền mất giá, nên tiền Cảnh Hưng xuất hiện nhiều. Nhân dân cũng quen biết đồng tiền Cảnh Hưng hơn bất cứ đồng tiền nào trước đó. Ca dao có câu: Mẹ em tham thúng xôi rền, Tham con lợn béo tham tiền Cảnh Hưng. 

Tiền giấy

Năm 1396, Hồ Quý Ly phát hành tiền giấy “Thông bảo hội sao”. Giấy 10 đồng vẽ rong, giấy 30 đồng vẽ sóng, giấy 1 tiền vẽ mây, giấy 2 tiền vẽ rùa, giấy 3 tiền vẽ lân, giấy 5 tiền vẽ phượng, giấy 1 quan vẽ rồng. Nhà nước hạ lệnh đổi tiền, cứ 1 quan tiền đồng đổi 1 quan 2 tiền giấy; cấm làm giả, ai làm giả phải tội chết, tịch thu điền sản. Nhà nước còn nhiều biện pháp khuyến khích khác. Thuế thu bằng thóc thì thu nặng hơn trước, thu bằng tiền giấy thì thu nhẹ hơn trước. Người già 70 tuổi trở lên thưởng tiền giấy. Thời ấy Nhà nước cần đồng đúc súng nên phải tìm cách thu đồng và bắt chước Trung Quốc phát hành tiền giấy. Nhưng ở Việt Nam cơ sở kinh tế và thương mại chưa đòi hỏi, dân không tín nhiệm, tiền giấy như bông hoa trái mùa nên chóng tàn. Nhà Hồ đổ, tiền giấy cũng mất theo. 

Tiền kẽm, tiền sắt

Thời Mạc Đăng Dung (1527 – 1530), ngoài tiền đồng, còn cho đúc tiền đồng pha kẽm và sắt, tiền bằng sắt. Sắt dễ gỉ nên không được ưa thích. Những khi khan hiếm đồng, kẽm cũng được dùng vào việc đúc tiền. Tiền kẽm bao giờ cũng có giá trị thấp nhất. Thời vua Tự Đức, tiền kẽm được đúc nhiều hơn. Năm 1850, Nhà nước đặt 2 lò đúc ở Hà Nội và Bắc Ninh, sau đó đặt thêm ở Sơn Tây, Thái Nguyên, tiến tới cho phép dân đúc và nộp thuế. Nhà nước còn cho phép cả người Thanh Trung Quốc khai mỏ nấu kẽm và đúc tiền.

 

 

0