Làm ruộng
Lúa (các vụ ở Miền Bắc) 1. Vụ mùa quan trọng (diện tích trồng nhiều, đủ điều kiện nhiệt độ, nước). Cấy tháng 6 – 7, gặt tháng 9. Mưa nhiều dễ bị úng, gió bão cũng thường xảy ra. 2 - Vụ chiêm: mùa lạnh, khô thường phải chống hạn. Gặp một đợt lạnh là mất mùa. Ca dao: ...
Lúa (các vụ ở Miền Bắc)
1. Vụ mùa quan trọng (diện tích trồng nhiều, đủ điều kiện nhiệt độ, nước). Cấy tháng 6 – 7, gặt tháng 9. Mưa nhiều dễ bị úng, gió bão cũng thường xảy ra.
2 - Vụ chiêm: mùa lạnh, khô thường phải chống hạn. Gặp một đợt lạnh là mất mùa. Ca dao: Đói thì ăn ráy ăn khoai/ Chớ thấy lúa trổ tháng Hai mà mừng. Cấy vào tháng 1 Dương lịch đến Tết ta, gặt tháng 5 – 6.
3 – Lúa Xuân: trong vụ chiêm gieo mạ tháng 10, 11, có thể thêm vụ lúa nữa, gặt sau chiêm 10, 15 ngày. Gieo mạ tháng Hai, cấy tháng Ba, gặt tháng 5 – 6. Trồng nhiều ở vùng cao khí hậu khô lạnh.
4 – Lúa Thu: ngắn ngày, cấy cuối Xuân đầu Hạ, gặt tháng 8 – 9, chân ruộng thấp, gặt trước khi lụt và đúng lúc giáp hạt.
Làm ruộng lúa.
1- Làm đất. Ruộng lúa cấy: trước tiên cày vỡ đất cho đất tơi và hả. Có nơi vụ chiêm cày xong xếp chồng đất cao gọi là xếp ải. Tục ngữ: Hòn đất nỏ là một giỏ phân. Sau đó tát nước và bừa kỹ (2-3 lần) làm thành thứ bùn nhão đều và san bằng để giữ nước.
2- Làm mạ. Ruộng để gieo mạ: đất tốt chăm sóc kỹ. Hạt giống tốt, ngâm nước khoảng 2 ngày rồi mới ủ cho mọc mầm, khoảng 3 ngày, rồi gieo. Tuổi mạ từ 35 đến 60 ngày. Nhổ mạ, xén bớt lá, ngâm rễ mạ vào phân rồi đem cấy, mỗi bụi 4 – 5 nhánh lúa, cách nhau 15 – 20 cm. Khoảng 5 đến 10 ngày, lúa bén rễ. Sau khi cấy khoảng 20 – 25 ngày thì cào cỏ. Sau đó bón phân lần thứ nhất. Bón phân chuồng, phân bắc, và bèo hoa dâu. Khoảng 20 – 25 ngày sau là thời kỳ lúa con gái; làm cỏ và bón phân lần thứ hai. Lúa có đòng, làm cỏ bón phân lần thứ ba. Tục ngữ: Công cấy là công bỏ, công làm cỏ là công ăn (tác dụng của làm cỏ). Từ lúc lúa trổ đến lúc lúa chín là 35 ngày.
3- Gặt: liềm, hái. Đập lúa bằng néo (làm bằng hai que tre già và một sợi dây tre bện), vò bằng chân, hoặc kéo bằng quả lăn bằng đá. Lúa đập xong phơi kỹ, quạt sạch, cho vào bồ tre hoặc quây cót tre để chứa. Muốn giữ thóc được lâu phải giữ độ ẩm dưới 12%. Trong nghề làm lúa phải chú ý 4 yếu tố: nước – phân - cần - giống. Tục ngữ: Ruộng sâu trâu nái; làm ruộng thì ra, làm nhà thì tốn.
Lúa cấy hai lần (Ruộng). Loại lúa (thuộc đồng bằng sông Cửu Long) ở vùng phù sa mới, ngập không sâu lắm. Ruộng không có bờ, hàng năm được bồi thêm, cỏ mọc khoẻ. Mực nước vào tháng 9 – 10 có thể tới 1m. Mạ gieo sau hai tháng nhổ lên cấy lần thứ nhất, khi được 3 tháng mới đem cấy ra ruộng. Cấy hai lần để có được mạ cao cây (0,7m) và hãm bớt sự sinh trưởng quá mạnh của lúa. Nếu chỉ cấy một lần thì lúa sẽ lốp, nhiều rơm rạ, ít hạt.
Lúa nếp (Cây) (Oryza sativa L. var glutinosa Tanaka). Hạt chứa nhiều gluten và dextrin. Khi khô trắng như phấn, nấu chín trong suốt, dẻo. Trồng 2 vụ: Nếp mùa dẻo thơm, mềm (nếp cái). Nếp chiêm cứng, nhỏ, hạt ít dẻo, ít thơm hơn (nếp con). Các loại: nếp hoa vàng, nếp hương, nếp cẩm (gạo đen, thường trồng ở miền núi để nấu rượu), nếp con... Gạo nếp dùng làm bánh, thổi xôi, làm cốm, nấu rượu...
Lúa nổi (Cây) – Lúa gốc Biển hồ (Campuchia). Trồng tại tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc (nay là tỉnh An Giang, Đồng Tháp). Mực nước lũ ở đây cao, không thể cấy lúa thường... Vụ bắt đầu cuối mùa khô. Cày bừa sau khi đốt cổ dại và rơm rạ vụ trước. Gieo hai tháng trước khi nước lên. Khi nước bắt đầu lên, cây cao 0,5 – 0,9m để từ đó lúa thôi đẻ, thân cao dần với mực nước. Lúa có thể cao 13cm 1 ngày. Mực nước cao đến 3 – 4m lúa vẫn ở trên mắt nước 60 – 70cm. Có khi cây lúa cao tới 5m. Nước bắt đầu xuống thì thân lúa nằm xuống mặt nước theo chiều nước chảy. Đến khi ngả hẳn xuống nước các nhánh mới đâm rễ và lại sinh trưởng như bụi lúa thường. Lúa trổ, phơi màu và chín. Năm nào nước rút chậm thì lúa trổ trước khi bám được rễ xuống đất. Thu hoạch vào tháng 11 – 12 hoặc trong ruộng khô hoặc trong ruộng còn nước.
Lúa nương rẫy (Cây). Người miền núi trồng ở đất dốc đồi núi. Hình thức trồng tỉa thô sơ nhất: chọc lỗ và bỏ vào mỗi lỗ 7- 8 hạt thóc. Phát nương vào tháng Giêng, Hai, để khô rồi đốt. Gieo tháng 4 – 5 Dương lịch và đến độ tháng 10 – 11 gặt. Lúa không bón phân. Làm cỏ ba lần. Loại lúa này gọi là lúa lốc, cơm cứng hơn lúa trồng ở miền xuôi, to hạt.
Lúa sạ (Cây). Trồng nhiều ở Thanh Hoá (chân ruộng nhiều sét, rắn, khô trong mùa hanh, ứ nước trong mùa mưa, không đủ cao để trồng màu, không đủ nước để cấy chiêm). Tháng 2 – 3 Dương lịch cày vài lượt, một tháng sau gặp mưa ướt đem lúa ra vãi. Xong cày ngang dọc vài lượt. Tháng 7, lúa cao 40cm, có nước ngâm chân, bừa ngang dọc hai ba lần để làm cỏ và xới đất. Nếu không bừa như vậy thì về sau lúa ít bông. Giống lúa sạ khoẻ và thường chịu đựng thời tiết bất thuận.
Lúa tẻ (Cây) (Oryza sativa L.var.utilissima A. camus). Hạt chứa tinh bột, ít gluten. Cây lương thực chủ yếu của người Việt. Trồng chủ yếu ở hai lưu vực: Hồng Hà và Cửu Long. Nghề lúa truyền thống thu hoạch vụ chiêm (tháng 5 Âm lịch) và vụ mùa (tháng 10). Lúa tẻ có loại đặc biệt gọi là gạo tám (tám xoan hạt nhỏ, dài, cơm mềm rất thơm; tám canh, tám lùn), dự, dâu, ri... Miền Nam có lúa Nàng Hương thơm dẻo.