18/06/2018, 13:04

Các hình thức lễ

Lễ mừng thọ, Lễ chúc thọ: Là tên gọi chung của cuộc vui tổ chức mừng tuổi thọ: “tiệc thọ” nhấn mạnh ở liên hoan ăn uống, “lễ chúc thọ” là của con cháu hay người dưới mừng thọ người trên. Phạm vi mời nhiều ít tùy theo mức tuổi được mừng, và khả năng của gia ...

Lễ mừng thọ, Lễ chúc thọ:

Là tên gọi chung của cuộc vui tổ chức mừng tuổi thọ: “tiệc thọ” nhấn mạnh ở liên hoan ăn uống, “lễ chúc thọ” là của con cháu hay người dưới mừng thọ người trên. Phạm vi mời nhiều ít tùy theo mức tuổi được mừng, và khả năng của gia đình. thường có quà mừng bằng hiện vật, hay bằng những câu đối, bài thơ, bức trướng chúc tụng của bằng hữu hay họ hàng, con cháu. Có thể hát góp vui. 

Lễ nhị hỉ (Lễ lại mặt):

Hai vợ chồng mang lễ vật về nhà bố mẹ vợ hôm sau ngày cưới (cưới chạy tang thì làm lễ tứ hỉ mà không làm nhị hỉ; lễ tứ hỉ thì 3 hôm sau mới tiến hành). Trong mâm lễ vật có một thủ lợn. Nếu cô dâu không còn trong trắng khi về nhà chồng thì thủ lợn bị cắt mất tai. Đó là một sỉ nhục lớn đối với nhà gái. Hạnh phúc gia đình coi như tan vỡ. 

Lễ siêu thăng (Phật giáo):

Hay lễ siêu độ, cầu cho linh hồn người chết vượt được bến Mê. Theo nhà chùa, trong việc cầu siêu, cần trai giới thành khẩn và kén chọn những vị chân tu đạo hạnh làm lễ. Lễ bái đã đành, nhưng việc làm phúc là cần hơn, vì để tạo công đức gánh đỡ tội lỗi cho người chết. 

Lễ tang (Tang lễ):

Nghi thức cúng lễ, chôn cất người chết, thể hiện quan niệm cho cấu tạo con người gồm thể xác và hồn phách, biểu lộ sự xót thương đối với người chết. Lễ tang cũng nhằm đưa linh hồn người chết tới chỗ an vui, được siêu sinh tịnh độ, nên cũng được gọi là việc ma chay. Nhiều chi tiết lễ tang được quy định trong cuốn “Thọ Mai gia lễ”. Theo sách, theo tập tục, nghi lễ khá phức tạp, nhưng thực tế thường được châm chước tuỳ hoàn cảnh gia đình. Chính Thọ Mai gia lễ đã ghi ngay ở trang đầu câu nói của Khổng Tử: “Tang, dữ kỳ dị dã, ninh thích” (“trong tang lễ, chủ yếu là nỗi đau buồn hơn việc theo đúng nghi thức”) (Luận ngữ, Bát dật). Lễ tang có thể chia thành ba phần: lúc lâm chung; chuẩn bị việc đưa đám, đưa đám và chôn cất. 

Lễ trừ tịch (Giao thừa):

Lễ cử hành vào đúng lúc giao thừa đêm 30 tháng Chạp nhằm bỏ điều xấu của năm cũ, đón cái mới tốt đẹp của năm mới sắp đến (trừ = trao lại chức của vị thần năm cũ, tịch = đêm). Vị gia trưởng cho bầy đồ cúng lên bàn thờ gia tiên hay lập bàn thờ riêng đặt ngoài trời. Ở ngoài đình, miếu thì thủ từ bày bàn thờ ở giữa trời với các lễ vật như thủ lợn, gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu, vàng mã. Tới thời khắc giao thừa, chiêng trống đánh vang, ông chủ tế ra khán lễ, rồi dân chúng lễ theo, cầu xin thần linh phù hộ. Sau lễ giao thừa, các gia đình cúng thổ công, tức vị thần cai quản trong nhà; rồi chọn hướng xuất hành, hái lộc, xông nhà, đốt pháo…

Lễ tiến thảo:

Lễ lập đàn giữa đình cúng tiễn quan ôn, khi trong làng có bệnh dịch lưu hành, dân làng có người chết. Ngoài đồ lễ của làng gồm vàng, hương, hoa quả, dân làng ai có gì thì mang ra cúng: gạo, rượu, tiền bạc, xôi chè… Cúng xong, đồ lễ của ai người đó mang về, đồ mã được đốt ngay tại đình. Gặp năm nhiều dịch hạn, nhiều người chết, lễ tiến thảo được tổ chức nhiều lần.

Lễ tịch điền (hạ điền):

Nghi lễ nhà vua cầy luống cầy đầu tiên vào đầu xuân để mở đầu việc đồng áng. Tương truyền, lễ do vua Thần Nông đặt ra. Thời Nguyễn, nghi lễ cử hành ở cửa Tả Đoan. Đúng giờ Mão, vua tế ba tuần rượu rồi cầy. Cầy được sơn son thếp vàng, có hai con bò phủ lụa vàng kéo, hai vị bô lão đi trước dắt bò, hai vị đi sau vùi thóc giống xuống đất. Nhà vua cày ba đường rồi giao lại cho các hoàng thân, các quan văn và quan võ cày tiếp. Lễ tịch điền còn có ở các tỉnh, huyện, xã. Ở làng xã dân mời vị Tiên chỉ hoặc chức sắc xuống ruộng làng cầy cấy. Khi ông cầy, dân làng té nước vào người ông, tượng trưng té nước vào cho cây lúa, mong nó tốt tươi.

Lễ thượng nguyên:

Tổ chức ở chùa (Rằm tháng Giêng). Tương truyền, ngày này Phật giáng lâm tại các chùa. Bởi thế, “Lễ Phật quanh năm, không bằng ngày rằm tháng Giêng”. Ngày này lễ vật dâng cúng là hoa quả, trầu, cau, xôi, oản, chè rượu, vàng mã và cả hình nhân nữa. Nhiều nơi còn làm lễ dâng sao (cúng sao để giải trừ tai ách quanh năm: ngày vía Thiên Quan). Ở gia đình cũng cúng gia tiên, Thổ công, Thần Tài…

Lễ tơ hồng:

Lễ tế Nguyệt lão, vị thần chủ việc hôn nhân. Bàn thờ bày ngoài sân. Trên hướng án bày xôi, gà, trầu, rượu… Chú rể quỳ trước, cô dâu quỳ sau để nghe đọc văn tế Tơ Hồng, tri ân Nguyệt Lão đã xe duyên, cầu xin bách niên giai lãi, rồi lễ mỗi người 4 lễ, một vái. Sau tiệc nhà trai thết, nhà gái ra về, cô dâu ở lại. Khách dự cưới thường mừng trướng điều, liễn điều, trà rượu… Khách dự cỗ được mang phần xôi thịt, bánh trái về.

 

0