18/06/2018, 15:49

Một “Địa Trung Hải” khác tại Đông Nam Á

Bản Đồ Đông Nam Á Và Nam Trung Hoa Denys Lombard Ngô Bắc dịch Denys Lombard (sinh năm 1938- mất ngày 8 Tháng Một, 1998) đã là một chuyên viên người Pháp hàng đầu về Á Châu với các sự đóng góp về ngành Đông Nam Á học, Trung Hoa học, và lịch sử Á Châu hàng hải. Ông nổi ...

Bản Đồ Đông Nam Á Và Nam Trung Hoa

Bản Đồ Đông Nam Á Và Nam Trung Hoa

Denys Lombard
Ngô Bắc dịch

Denys Lombard (sinh năm 1938- mất ngày 8 Tháng Một, 1998) đã là một chuyên viên người Pháp hàng đầu về Á Châu với các sự đóng góp về ngành Đông Nam Á học, Trung Hoa học, và lịch sử Á Châu hàng hải.  Ông nổi tiếng vì các nỗ lực nhằm so sánh vùng Đông Nam Á và các biển Á Châu với khu vực Địa Trung Hải ở Âu Châu.  Ông đã từng là trưởng ban Division des Aires Culturelles của Trường École des Hautes Études en Sciences Sociales (EHESS) và là giám đốc Trường Viễn Đông Pháp (École  Français d’Extrême-Orient (EFEO) từ 1993 đến 1998.

      Bài viết cô đọng quan trọng  của Denys Lombard phác họa các nét chính của điều có thể gọi là học thuyết Đông Nam Á “Địa Trung Hải” của ông, nhan đề “Une autre ‘Méditerranée’ dans ’Asie du Sud-Est’” được đăng tải trên tạp chí chuyên về địa dư của Pháp, tờHérodote, số 88 (1988), từ trang 191.

      Bài viết của cố Giáo Sư Denys Lombard đã được Nola Cooke dịch sang Anh ngữ và là bài đâu tiên trong số ra mắt của tạp chí điện tửChina Southern Diaspora Studies, Australian National University, Tháng Hai 2007, như một tuyên ngôn về khảo hướng và mục đích của tạp chí chuyên nghiên cứu về các người gốc nam Trung Hoa xuất dương và sinh sống tại nước ngoài này.  Các chú thich với dấu ngoặc thẳng đứng [ … ] là của Giáo Sư Nola Cooke. 

Bản dịch sang Anh ngữ của Nola Cooke đã được tờ The Asia-Pacific Journal: Japan Focus đưa lên mạng trong Tháng Ba 2007, với các hình ảnh minh họa được bổ túc bởi Japan Focus

Đông Nam Á, từ lâu được biết như một vùng trung gian nằm giữa các nền văn minh cổ đại của Trung Hoa và Ấn Độ, cũng là một khu vực mà các học giả từ lâu hình dung như phải chịu, về mặt lịch sử, các ảnh hưởng đến từ phía tây của nó, bắt đầu với sự Ấn Độ hóa, sau đó Hồi Giáo hóa và cuối cùng sự tây phương hóa.  Tuy nhiên, bài viết này lập luận rằng chúng ta sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn nhiều, và chính xác hơn về mặt lịch sử ít nhất cho vài thé kỷ qua, khi xem Đông Nam Á và vùng phía nam Trung Hoa như bộ phận của một miền, trong cùng cách mà tác giả Fernand Braudel đã khảo sát lịch sử của miền Địa Trung Hải. 

Trong tư tưởng hiện đại về nước Nam Dương (Indonesia), một khi chúng ta chuyển cái nhìn của mình từ tầm mức không gian quốc gia, chẳng hạn như phần được chiếm cứ bởi quần đảo Nam Dương, lên một tầm nhìn bao quát hơn, hai cảnh trí tức thời nảy ra trong đầu: khung cảnh thứ nhất là “Đông Nam Á”, khung cảnh thứ nhì là khối “ASEAN”.  Cả hai khung cảnh trong thực tế là các biến thể của cùng một khảo hướng và, nói về mặt niên lịch, khá gần đây (niên kỳ lần lượt từ năm 1945 và 1967), với cảnh trí thứ nhì chỉ là định thức chính trị (và chuẩn tiên đoán tương lai) của khung cảnh thứ nhất.  Không chững lại quá lâu trên các khó khăn mà khối ASEAN phải đối đầu vào cuối thập niên 1990, [2] chúng ta có thể tiếp tục tiên đoán một tương lai tốt đẹp cho vùng Đông Nam Á.  Tọa lạc một cách vui thú giữa hai nước khổng lồ lâu đời, Ấn Độ và Trung Hoa, nó tiếp tục cất cánh, bất kể các ụ đắp gồ ghề bất chợt và đã sẵn tạo thành một loại khu vực trái độn giữa hai nước Á Châu khổng lồ, một trung tâm có cùng khoảng kích thước như Âu Châu và xứng đáng cặp đôi với nó …

       Nhưng cảm nghĩ này về “việc trung tâm hóa” Đông Nam Á không hoàn toàn mới mẻ đên thế. Nếu các tên gọi trong cách dùng hiện tại mới có gần đây, từ rất lâu trước đây chính Tây Phương đầu tiên đã xác định toàn bộ vùng “Đông Ấn Độ: East Indies” – khoảng không gian mà về phía Trung Hoa đễ đặt tên trong nhiều thế kỷ là Nanyang, hay “Nam Dương: Biển phía Nam” [không nên nhầm lẫn với tên gọi trong tiếng Việt để chỉ nước Indonesia hay nước Nam Dương, chú của người dịch NB] – như một loại “vách tường ngăn cách: party-wall” vừa nối kết vừa tách biệt hai nước khổng lồ, một nơi mà các ảnh hưởng của Trung Hoa và Ấn Độ đã gặp gỡ về mặt lịch sử (và từ đó [sinh ra] khái niệm hữu dụng “Indochina: Ấn-Trung” [hiểu theo đúng ý nghĩa của từ ngữ, chỉ bán đảo Ấn-Trung, chứ không phải theo nghĩa hẹp chỉ Đông Dương gồm ba nước Việt-Miên-Lào, chú của người dịch NB] và như một miền với mật độ chính trị thấp hơn, nơi mà các cơ cấu ít cứng ngắc hơn và nơi mà hai nước có thể hy vọng tìm được một khu vực thuận lợi cho ảnh hưởng của mình.

Bản đồ “Đông Ấn Độ” khoảng 1662

Bản đồ “Đông Ấn Độ” khoảng 1662

Nhận thức này được phản ảnh ít nhiều một cách rõ ràng trong tất cả lịch sử liên tiếp về Đông Nam Á.  Được viết trước tiên rừ một quan điểm thực dân, và sau này từ một quan điểm dân tộc chủ nghĩa, nhưng trong trường hợp nào đi nữa, chúng được đánh dấu bởi một ước ao mạnh mẽ để nhấn mạnh rằng các ảnh hưởng lớn nhất đến từ phương Tây: trước hết “Ấn Độ hóa”, sau đó, “Hồi Giáo hóa” (được nhận thức chủ yếu như đến từ vùng-Ấn-Độ-theo-đạo-Hồi-Giáo, hay từ Trung Đông), và sau cùng, dĩ nhiên, “Tây Phương hóa”, sau khi có sự cập bên hồi đầu thế kỷ thứ mười sáu của người Bồ Đào Nha (Portuguese).  Được viết nguyên thủy bởi người Âu Châu, và nhắm trước tiên vào việc dậy cho người đọc hướng nhìn đến Âu Châu (và sau này Hoa Kỳ), các lịch sử này đã tối thiểu hóa các nhịp điệu đến từ phương Bắc xuống mức rất ít trong thực tế, ngoại trừ cuộc biến động của Nhật Bản năm 1942 mà, dù thế, được thuật lại một cách đúng đắn như một trận đại hồng thủy hoàn toàn không nhìn thây trước và còn lạc hướng.

       Trong loại quan điểm này, không gian Đông Nam Á tự nhiên vẫn còn rộng mở đối với thế giới Ấn Độ, vượt quá Vịnh Bengal (mà chúng ta hay biết đã là một khu vực trao đổi giữa Tích Lan (Sri Lanka) và Miến Điện, cũng như giữa Bengal và Arakan), cũng như đối với thế giới Melanesian (mà chúng ta hay biết bắt đầu tại chính Indonesia, tại Maluku, Irian và Timor).  Song, ngược lại, nó gạt bỏ mọi quan hệ với thế giới Trung Hoa.  Không ý nghĩ nào được nêu ra ở đây để cố gắng suy nghĩ lại trong nhiều thế kỷ [longue durée] về các sự tiếp xúc khả hữu giữa miền nam Trung Hoa và Đông Nam Á; nhiều nhất, sự khảo sát lịch sử được giới hạn vào các Khu Phố Tàu (Chinatowns) mới được thành lập gần đây, điều mà kế đó được nhìn một cách quyết đoán như các khu định cư của “các ngoại kiều”, và từ đó như một loại cây sống nhờ  trên thân một cây khác (epiphyte) …[3]

Điều dáng ghi nhận rằng một tình trạng “không cặp đôi” về không gian, và nhất là về tinh thần, như thế của Đông Nam Á với miền nam Trung Hoa phục vụ cho quyền lợi của nhiều người.  Trước tiên, nó cho phép các nhà Đông Nam Á học gốc Tây Phương phô bày, một cách vô liêm sỉ, một sự ngu đốt tràn đầy về Trung Hoa ( vốn không phải là sự thuận lợi nhỏ bé, khi chúng ta cứu xét đến các khó khăn chúng ta biết được khi đợi chờ nhà Trung Hoa học tập sự …) Điều đó cũng đang làm an tâm: bằng việc cô lập các lãnh vực, nó chứng minh được sự ngu dốt nhân danh một điều được nghĩ là sự chia cắt tinh thần thành các ngăn cách biệt bít bùng và không thể hòa tan được.  Việc này cũng có thể đã được làm để thỏa mãn nhiều người từ các nước liên hệ, các người dân Indonesia, Mã lai, và ngay Việt Nam, các kẻ hiếm khi thích nghĩ ngợi về lân bang to lớn của họ, hay để tự lượng sức mình chống lại nó, và sẽ hoàn toàn ưa thích việc tạo lập ra một sự bế tắc (dead end ) tập thể trong quan hệ của nó (bất kể các mối nguy hiểm rằng điều này có thể tượng trưng cho chính tương lai của các nước này).  Cũng vậy, chúng ta hãy bổ túc rằng không có cách gì để chứng thực là khảo hướng này lại sẽ không hấp dẫn đối với nhiều người Trung Hoa có trách nhiệm tại lục đia, các kẻ vẫn còn quan ngại về sự tiếp cận với “chướng khí phương nam: southern miasmas”, ưa thích ở lại trong vòng che chở của các biên giới của họ hầu tưởng tượng hay hơn về “Quốc Gia [của họ]”… Ngày nay chỉ có các doanh nhân Nhật Bản và Đài Loan có được một sự nhận thức rõ ràng về tà thuyết trí thức mà “vách tường” giả tưởng này tượng trưng: các doanh nhân Nhật Bản và Đài Loan, và cũng như các doanh nhân Trung Hoa từ lục địa, những kẻ, nhờ ở vị thế địa dư của họ, đã phá vỡ được “bức tường” trong nhiều năm, và những kẻ có nền văn hóa giúp họ cảm thấy được điều gì đó có thể được hiểu biết khá rõ hơn như các hiệu ứng của một tổng thể liên tục trong đó không có bộ phận nào được nhận thấy khác biệt với các bộ phận kề cận: continuum”. 

  Chúng ta sắp cố gắng nơi đây để phác họa một cách chính xác, mặc dù chỉ trong vài hàng, tất cả các lợi điểm khá hữu của việc mở rộng “miền” để bao gồm các tỉnh phía nam Trung Hoa, và của việc hình dung rằng tại Đông Nam Á chúng ta tìm thấy một “Địa Trung Hải” khác; không phải từ một khát vọng điên cuồng cho sự mô phỏng mà bởi khảo hướng theo kiểu Braudel [4] có một giá trị lớn lao trong việc đề xướng một dự kiến toàn cầu buộc tư tưởng của chúng ta phải cứu xét hai bờ biển cùng một lúc.  Chúng ta hãy nhớ lại rằng khía cạnh cốt yếu trong phương pháp của Braudel bao gồm việc đòi hỏi độc giả “nghĩ lại” hai phân nửa của một tổng thể địa dư, từng phân nửa trong cùng một lúc, một điều gì đó đã được thực chứng một cách vững chắc cho kỷ nguyên La Mã (mare nostrum: biển của chúng ta[5], nhưng là điều mà sự xuất hiện của Hồi giáo được nghĩ đã hủy diệt [nó] mất đi.  Vượt quá các cuộc thánh chiến, cuộc viễn chinh của Napoléon sang Ai Cập, và các cuộc chiến tranh thực dân ở Bắc Phi Châu, quyển sách của Braudel cho phép cho ta tái khám phá – và không phải là không có một số điều gây kinh ngạc –- sự thống hợp của một không gian địa dư cố kết.  Khi làm như thế, các vấn đề thay đổi bề mặt của chúng: không còn là một vấn đề phân tích sự đối chọi của hai “khôi’ bất khả hòa giải (“Thiên Chúa Giáo” và “Hồi Giáo”), mà là việc tìm hiểu các nguyên do cho hai sự tiến hóa song hành, còn lâu mới diễn ra một cách riêng rẽ, đã ảnh hưởng lẫn nhau trong một số lượng cơ hội rất đáng kể.

       Tại điểm này, chúng ta có thể khẳng định rằng việc mong muốn hiểu biết Đông Nam Á mà không kết hợp một vùng rộng lớn của miền nam Trung Hoa vào trong tư tưởng của chúng ta giống như việc muốn đưa ra một sự trình bày về thế giới Địa Trung Hải sau khi đã gạt bỏ Thổ Nhĩ Kỳ, vùng Levant, Palestine, và Ai Cập.  Bằng việc “thiết định trung tâm: centring” mới này – hay đúng hơn, bằng việc tái lập sự thiết định trung tâm, địa dư có thể và phải giúp giúp ta vượt quá những ý tưởng đã tiếp thụ rằng một loại lịch sử nào đó muốn chúng ta bảo tồn, bằng việc nhấn mạnh đến việc bám thật sát vào các sự kiẹn (hay một số sự kiện nào đó).

Nhưng trước tiên chúng ta phải giải thích những gì chúng ta hiểu ở đây về Miền Nam Trung Hoa [Hoa Nam?].  Xem ra với chúng ta, chúng ta hiển nhiên cần kể đến Quảng Đông (cùng với Quảng Tây) và Phúc Kiến, và hai đảo lớn lần lượt là Hải Nam và Đài Loan.  Nhưng cũng thích đáng không kém để kể cả Vân Nam, một miền với các đèo cao và các đoàn lữ hành, mà không có nó, chúng ta sẽ chỉ hiểu biết một cách nghèo nàn về sự tiến hóa của vùng Thượng Miến Điện và vùng Bắc Kỳ (Tonkin), cùng sự năng động của tất cả sắc dân Thái, các kẻ, từ thế kỷ thứ mười ba, sẽ ảnh hưởng sâu xa đến toàn thể bán đảo Đông Dương.  Vân Nam đã là một lực thúc đẩy cấp miền từ Thời Đồ Đồng (do đất đá vôi phấn trắng của nó chứa đựng nhiều mỏ thiếc phong phú).  Hơn nữa, còn lâu mới là ở các đầu mút tận cùng của trái đất, như các người Âu Châu có thể thích tưởng tượng về nó trong thế kỷ thứ mười chín, Vân Nam hầu như luôn luôn là một nơi chốn của các sự gặp gỡ và trao đổi trên hành trình.  Phật Giáo Đại Thừa nở rộ tại đó trong thời vưong quốc Nam Chiếu (có lần nối dài mãi đến tận Hà Nội) và, khi tỉnh này bị ràng buộc tối hậu và bất khả sửa đổi vào đế quốc Trung Hoa (dưới thời nhà Nguyên, trong thế kỷ thứ mười ba), Hồi Giáo đã xuất hiện ở đó với các nhà mậu dịch đi theo đoàn lữ hành, cùng một lúc khi nó đặt chân trên đảo Sumatra.  Tại Chieng Mai, chúng ta vẫn có thể gặp được một số những gia đình Hồi Giáo gốc Trung Hoa  là những kẻ, giữa các hoạt động thương mại khác, hiện còn đang trao đổi ngọc thạch với Vân Nam.

       Về hai hòn đảo lớn Hải Nam và Đài Loan, giống như các mỏ neo được thả ngoài biển của lục địa Trung Hoa, thật khá kỳ thú để so sánh sự tiến hóa của chúng.  Cả hai bị chiếm cứ tiên khởi bởi giống dân phi-Trung Hoa, như trong trường hợp thứ nhất đặc biệt bởi người Thái và bởi sắc dân Austronesian tại hòn đảo thứ nhì, do vậy chúng ta có thể nói rằng, từ một cái nhìn nào đó, chúng đều có căn bản “Đông Nam Á”.  Nhưng nếu đảo Hải Nam đã bị hán hóa khá sớm và chưa bao giờ không còn là một bộ phận của hệ thống lục địa, Đài Loan đã không thực sự bị chiếm cứ trước thế kỷ thứ mười bẩy, trước hết bởi các nông dân từ Phúc Kiến; và chúng ta hay biết những gì đã diễn ra trong sự tiến hóa gần đây của nó.

 Ngay từ lúc khởi đầu cuộc phân tích của chúng ta, chúng tôi phải nhấn mạnh đến ý tưởng về tính liên tục ràng buộc các miền này, miền ngày nay chính thức là “Trung Hoa”, với phần còn lại của Đông Nam Á.  Thật dễ dàng để chỉ rằng các khu vực chứa đựng thiếc và đá phấn của Vân Nam (và cả Quý Châu – Quảng Tây) hiện hữu với sự đồng nhất từ phía bắc đến phía nam các bán đảo Đông Dương và Mã Lai, xuất hiện ngay cả xa tít tới các bờ biển của đảo Sumatra.  Hơn nữa, các mỏ thiếc có thể được tìm thấy tương tự dọc theo toàn thể chiều dài, tại Phuket (giờ đây tại Thái Lan) cũng như tại Perak, tại các vùng ngoại ô của Kuala Lumpur cũng như tại Banka và Belitung (Billiton).  Chúng ta tìm thấy hoạt động núi lửa tại một số địa phận nào đó ở Đài Loan và đảo Hải Nam, và các vụ động đất có thể gây tổn hại cho Phúc Kiến hay Hồng Kông một cách dễ dàng y như đối với Phi Luật Tân hay Miên Điện. Cũng là một điều thông thường rằng toàn thể miền này nằm dưới chu kỳ gió mùa và trải qua các trận bão, trong khi các nhà thực vật học và động vật học, song hành với nhau, nhấn mạnh đến sự kiện rằng hệ thực vật và hệ đông vật của miền nam Trung Hoa mang rất nhiều sự tương đồng với các khu rừng thưa của Đông Dương, và rằng trong các thời trước đây, các con voi thường thấy tại Miền Bắc và Miền Nam.  Giống như tại Hải Nam, các miền duyên hải của miền nam Trung Hoa cũng được bao phủ bởi các rừng nhiệt đới, có điều rằng sự đốn rừng đã khởi sự nơi đây sớm hơn rất nhiều so với miền viễn Nam.  Khi đó, giống như với Địa Trung Hải của Âu Châu, cơ hội hiện diện nơi đây cho các sử gia để nghiên cứu sự triệt thoái khác biệt của các khu rừng, xảy ra sớm hơn nhiều tại những xứ sở phát triển nhiều nhất về kinh tế: tại thế giới Hồi Giáo lùi về hướng tây, tại Trung Hoa về hướng nam.

Dù vậy, điều hiển nhiên rằng chúng ta sẽ không tìm thấy tại “Địa Trung Hải” Đông Nam Á này, như đã được xác định như thế, tất cả các thành tố của nguyên trạng.  Thí dụ, chúng ta chỉ cần nhìn lướt qua trên bản đồ để hiểu rằng hai đại dương mà nó kề cận, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, mở rộng mênh mông ra sao, và trong sự đối chiếu, cũng trống không biết bao, không có hòn đảo nào nơi đây đóng giữ vai trò của “trạm dừng chân giữa đường: staging post”, như đảo Cyprus, Crete, Malta hay ngay cả Sicily đã làm nhiều lần trong quá khứ.  Địa điểm ứng tuyển hiển nhiên là Quần Đảo Hoàng Sa (Paracels), nhưng chúng lại tọa lạc trong phạm vi một khu vực nguy hiểm khiến các kẻ hải hành ban sơ ưa thích việc đi vòng quanh chứ không xuyên qua [nó] một cách trực tiếp; và cuộc cờ quốc tế lạ lùng bùng nổ ngày nay từng chập trên các đảo nhỏ hoang sơ này, thuộc Hoàng Sa (Paracels, hay Tây Sa theo tiêng Hán) và Trường Sa (Spratleys, hay Nam Sa theo tiêng Hán), chỉ có thể được giải thích bởi các mỏ dầu được khám phá ở đó, mới gần đây trên thước đo thời gian mà chúng ta sử dụng nơi đây.

       Chúng ta có thể tiếp tục liệt kê các sự khác biệt “từng điểm một”, nhưng sự khác biệt căn bản nhất có lẽ ít là một vấn đề về các cơ cấu vật thể cho bằng lịch sử, là sự kiện rằng tại Địa Trung Hải khác này, chúng ta không tìm thấy một mẫu số chung mạnh mẽ tương tự như Đế Quốc La Mã đã cung cấp trong vài thế kỷ.  Không hệ thống chính trị thực sự thống nhất; không ngôn ngữ phổ biến tổng quát như tiếng Latin; không tôn giáo thống hợp như Thiên Chúa Giáo vào lúc khởi sinh của nó.  Chúng ta có thể phản bác một cách chắc chắn rằng điều được gọi là “thời kỳ Ấn Độ hóa” đã chứng kiến tương tự sự thiết lập các thành tố văn hóa chung nào đó tại Java, Bali, Cambodia, Chàm, và ngay tại chính Trung Hoa, qua sự trung gian của đạo Phật, và rằng tiếng Phạn (Sanskrit) có thể đã có chức năng ở một số thời gian nào đó như một loại tiếng koine[6] Ngay dù có như thế, nó chưa bao giờ thực sự xảy ra trên cùng tỷ lệ.

       Bất kể sự kháng nghị này, điều đó không có nghĩa rằng không thể được tìm thấy tại Đông Nam Á các thành tố của một nền tảng văn hóa chung cổ đại, bắt đầu với một tục thờ cúng tổ tiên, đã nối kết với tục thờ cúng con trâu, điều có thể được phát hiện từ miền nam Trung Hoa cho mãi đến tận Đông Dương, Phi Luật Tân, và Nam Dương (Indonesia).  Trong thời tiền lịch sử (có nghĩa, một thời kỳ tương ứng một cách tổng quát với kỷ nguyên La Mã tại Phương Tây và nhà Hán tại Trung Hoa), sự khám phá ra một số lượng đáng kể các trống bằng đồng cung cấp cho chúng ta một nét đại cương về điều được gọi là văn hóa Đồng Sơn, vươn về phía tây từ miền tây nam giàu mỏ đồng của Trung Hoa đến các biên giới của Iran và xuống phía nam xuyên qua Việt Nam, Mã Lai, Sumatra, Java, Bali, Sumbawa, v.v… Các thông tin kỹ thuất khác, giống như sự sử dụng các viên ngói có gờ móc vào nhau, [7] cũng có thể đã lan tràn cùng với công việc chế tác đồ đồng là điều không thể bị ngờ vực.  Một số các sử gia về thời tiền lịch sử hiện thời đang nghiên cứu về sự hiện diện của các thuyền-quan tài, đều được tìm thấy tại Wuyishan, một trong những địa điểm cao nhất tại miền bắc tỉnh Phúc Kiến, tại động Niah (bắc Borneo), và tại vài địa điểm ở Phi Luật Tân. [8] Nhiều thế hệ các sinh viên ngành huyền thoại học cũng đã nghiên cứu các sự tương tự được tìm thấy trong nhiều truyền thống dân gian khác biệt của các cư dân vùng thung lũng-con sông.

Trống đồng Đông Sơn có thể được chế tạo tại Việt Nam vào khoảng 200 Sau Công Nguyên.

Trống đồng Đông Sơn có thể được chế tạo tại Việt Nam vào khoảng 200 Sau Công Nguyên.

Sau cùng, điều thích đáng để ghi nhận công tác hiện thời được thực hiện với nhiệt tình lớn lao bởi nhiều nhà nhân chủng học, Trung Hoa cũng như tây phương, về sắc dân Hakkas.  Chúng ta biết được rằng các “Khách” này (đó là ý nghĩa tên gọi họ bằng tiếng Hán: hakka hay keija trong quan thoại) [Khách gia hay dân Hẹ, trong tiếng Việt, chú của người dịch NB] trước đây lúc nào cũng được xem ít nhiều là người Hán, đến từ miền Bắc, phần lớn trong thời nhà Tống, là những kẻ đã định cư tại các miền phía nam.  “Sự khác biệt” của họ với các nhóm dân khác như thế, vốn thường được nói, là năng lực tuyệt diệu của họ để bảo tồn các truyền thống (và ngôn ngữ riêng) nguyên thủy của họ.  Nhưng ngày nay khuynh hướng nhìn họ như “các thổ dân: aborigins”, như người dân của miền Nam, các kẻ dần dần nhưng không hoàn toàn bị đồng hóa bởi văn minh Hán tộc. [9] Và rất chính xác rằng một số trong các phong tục của họ (thí dụ, các vụ mai táng hai lần: double funerals) được giải thích một cách rõ hơn bởi sự hiện hữu của một “dòng giống Đông Nam Á cổ xưa” hơn là bởi bất kỳ sự du nhập nào từ phương Bắc. [10]

Hình nơi cư trú của dân Hakka tại miền nam Phúc Kiến

Hình nơi cư trú của dân Hakka tại miền nam Phúc Kiến

 Điều hiển nhiên rằng sự trình bày này thì gần như không phải không có ý nghĩa tại đây.  Đến một tầm mức nào đó, nó nhắm vào việc tra vấn quan điểm nguyên khối chính thức về văn hóa Trung Hoa, và có các lý do vững chắc cho việc tin tưởng rằng các nhà nhân chủng học thì không hoàn toàn sai lạc.

Đúng là, về mặt lịch sử, “Địa Trung Hải” Đông Nam Á ban sơ, giống như nguyên bản, từ lâu đã bị “chia cắt” (mượn nhan đề hay ho quyển sách của tác giả Jean Guilaine về các nguồn gốc của Địa Trung Hải “của chúng ta”. [11] Có mọi lý do để nghĩ rằng nó đã giữ nguyên cách đó còn lâu hơn nữa, và rằng các tuyến hải hành ven bờ, trải dài từ hải cảng này sang hải cảng kia và sau cùng chấm dứt bằng việc nối kết mọi bờ biển lại với nhau, đã đòi hỏi thời gian lâu hơn một chút để thiết lập ở đó.  Chúng ta có thể gom góp lại với nhau một niên biểu đại cương về sự thiết lập các tuyến mậu dịch này, qua việc phân tích một số văn bản nào đó, thoạt tiên chính yêu các văn bản của Ả Rập và Trung Hoa, nhưng một cách đặc biệt qua việc sử dụng các dữ liệu của các sự xuất cảng đồ gốm Trung Hoa, có thể được tìm thấy tại mọi bờ biển và đã được khảo sát kỹ lưỡng trong các thập niên gần đây.

Đĩa gốm thời nhà Minh trên tàu bị đắm gần Ternate, Moluccas, đông Indonesia

Đĩa gốm thời nhà Minh trên tàu bị đắm gần Ternate, Moluccas, đông Indonesia

Từ điều này, xem ra có nhiều khả tính nhất rằng tuyến đường cổ xưa nhất là con đường Phương Tây, nối kết một số các khu vực mậu dịch thường tranh giành nhau gần Eo Biển Malacca đến hải cảng to lớn ở Quảng Châu.  Sau khi rời bến từ một số hải cảng thuộc vùng Sriwijaya (Shilifoshi trong các văn bản tiếng Hán) – một từ ngữ tổng quát chỉ định một cách bao quát Bán Đảo Mã Lai và đông nam Sumatra có các trung tâm mậu dịch bao gồm Palembang, Jambi, Bangka, Kalah, Ligor – tuyến đường đi ngang qua Đảo Tioman (được đề cập đến ngay từ thế kỷ thứ chín trong một văn bản tiếng Ả Rập) trước khi đến bờ biển ngày nay thuộc trung phần Việt Nam, được kiểm soát vào lúc đó bởi một loạt các vương quốc Chàm nhỏ và cạnh tranh nhau, ngày càng phải tranh đấu chống lại cuộc nam tiến của người Việt Nam.  Xa hơn về phía bắc, tuyến đường có thể đã lên tới Bắc Kỳ (Tonkin), miền bắc Việt Nam hiện đại, nơi mà tại thành phố Luy Lâu (chỗ mà các tín đồ Phật Giáo hành hương từ Trung Hoa đã gặp gỡ các người khác từ Ấn Độ và Trung Á Châu), sự hiện hữu của một xã hội rất quốc tế từ thế kỷ thứ ba đã được chứng thực một cách đầy đủ.  Nhưng tuyến đường có thể cùng lúc hướng tới cả phía đông bắc, đến Quảng Châu, có thể đã ghé mũi tây nam của Đảo Hải Nam, nơi mà các vết tích của một cộng đồng Chàm Hồi Giáo nhỏ vẫn còn tồn tại dai dẳng đến nay.  Chính từ đó sự tranh giành “lịch sử” sau này giữa một Việt Nam trong tương lai với miền Quảng Đông – Quảng Tây thuộc miền nam Trung Hoa có thể được giải thích bởi sự tranh giành kinh tế tăng cao giữa các hải cảng của Bắc Kỳ với các hải cảng của Miền Nam Trung Hoa trong thời quá khứ xa xôi hơn.

       Chính qua tuyến đường Phương Tây này mà Hồi Giáo đã vươn tới Trung Hoa, không quá lâu sau sự từ trần của người sáng lập của nó; Quảng Châu chứa một ngôi mộ của một trong những kẻ có sự quan hệ chặt chẽ với Đấng Tiên Tri, Abu Wakkas, cũng như một ngôi đền Hồi Giáo cổ xưa với tháp cao, vốn cũng được sử dụng như ngọn hải đăng, có niên kỳ từ thế kỷ thứ chín.  Từ thời kỳ này, tròn hai thế kỷ trôi qua trước khi nó vươn tới Java (nơi bia ký xưa nhất chỉ có niên kỳ từ thế kỷ thứ mười một), Hồi Giáo đã được thiết định để trở thành xu hướng ý thức hệ chính của các thương nhân đi biển luân chuyển dọc theo các bờ biển Trung Hoa.  Khi một cuộc nổi loạn bùng nổ trong năm 879 Công Nguyên, cộng đồng ngoại kiều tại Quảng Châu, bao gồm chính yếu các tín đồ Hồi Giáo nhưng có cả các người theo Thiên Chúa Giáo, Do Thái và đạo Zoroastrian, [12] đã bị tấn công và Mas’udi ghi lại 200,000 người đã bị giết chết.

       Có mọi lý do để giả định, mặc dù lần này các sự kiện ít được kiện chứng hoàn hảo hơn nhiều, rằng một tuyến đường khác đã nối liền Sriwijaya đến phía đông của Indonesia ngày nay, bởi một chuỗi các điểm dừng chân trung gian để đến các hải cảng passisir [không rõ nghĩa của từ ngữ in nghiêng này trong nguyên bản, chú của người dịch NB] của bờ biển miền bắc Java.  Tuyến đường xưa cũ này (có thể chỉ là một phần nối dài của tuyến đường được sử dụng bởi các trống đồng) đã cho phép sự vận tải về hướng tây cây đinh hương – được thu hái chính yếu tại miền Maluku nhưng được biết đến tại các thị trường Địa Trung Hải từ thời La Mã – cùng với nhiều sản phẩm khác của Phương Đông rộng lớn hơn, như các con vẹt không được biết đến tại Java nhưng lại được khắc họa nhiều trên các bức chạm nổi thấp (bas-relief) tại khu đền Borobudur (thế kỷ thứ chín).

DiaTH11

Hình Borobudur / Chi tiết trụ ngạch mô tả các con vẹt

Hình Borobudur / Chi tiết trụ ngạch mô tả các con vẹt

 Từ các thế kỷ thứ mười và mười một, chúng ta có thể nhận ra một số thay đổi nào đó.  Tại Trung Hoa, thời kỳ được biết là Ngũ Đại (Năm Triều Đại) (907-960 Sau Công Nguyên) đặc trưng bởi một mức độ lớn lao của sự tự trị tại các miền phía nam, lợi dụng cuộc khủng hoảng đế triều tạm thời.  Phúc Kiến, được biết trong vài thập niên như Vương Quốc Mân [Việt]: Kingdom of Min, [13]  đã cất cánh về kinh tế, từng chút một tự chuẩn bị để trở thành một trong các động cơ kinh tế ban sơ của Đông Nam Á; trong khi nằm dưới nhà Nam Hán, miền Quảng Đông đã trải qua sự phát triển khổng lồ, nổi bật về sản phẩm luyện kim.  Tại quần đảo sau này trở thành Phi Luật Tân, chúng ta chứng kiến sự xuất hiện của địa điểm giàu kim loại vàng ở Butuan (trên bờ biển phía bắc của đảo Mindanao), nơi bắt đầu trao đổi đồ gốm Trung Hoa lấy vàng của nó.  Tại đảo Java, trung tâm thu hút các sự di chuyển từ vùng giữa sang hướng đông; và tại khu vực thuộc miền bắc Việt Nam ngày nay, nước sau rốt đã thoát khỏi sự kiểm soát của Trung Hoa, chiến tranh khởi sự với người Chàm ở phía nam.  Cuộc xung đột này sẽ kết thúc với sự triệt thoái của người Chàm, chính từ đó khiến cho tuyến đường mậu dịch phương tây, vốn giúp trở thành khả dĩ các sự tiếp xúc đầu tiên với Ấn Độ, với Phật Giáo theo đường hàng hải, và với Hồi giáo, trở nên không sinh lợi trong một thời gian dài.

       Tuy nhiên, bước ngoặt lớn lao cho Đông Nam Á, cũng như trong thực tế đối với toàn thể miền Âu-Á, đã xảy ra trong thế kỷ thứ mười ba, với “thời điểm Mông Cổ” trong lịch sử thế giới, [14] và sau đó trong thế kỷ thứ mười bốn khi, gần như ngay sau đó, sự bất ổn tại các lãnh địa hầu quốc Thổ Nhĩ Kỳ của vùng Trung Á Châu đóng cửa tuyến đường mậu dịch đại lục mà Marco Polo và Rubriquis đã đi qua (cũng như với Rabban Sauma, từ một tuyến đường khác vòng quanh).  Từ kỷ nguyên này, “sức nặng của phương Bắc” (tức có nghĩa, từ miền nam Trung Hoa) hiếm có khi không chiếm thế ưu thắng tại Đông Nam Á.  Cho đến khi đó, các tác động chính, bất luận của Phật Giáo hay Hồi Giáo, trong thực tế hầu hết đến từ hướng tây nam, với “sự Ấn Độ hóa” tạo thành  một cách dễ dàng hiện tượng quan trọng nhất như thế.  Nhưng, kể từ đó, các hải cảng Trung Hoa sẽ tạo ra tác động quan trọng nhất.  Từ thế kỷ thứ mười ba, đã có một cộng đồng người Hoa tại Angkor; trong thế kỷ thứ mười bốn, đã có người Trung Hoa định cư tại Xiêm La là các kẻ đã tạo lập ra thành phố thương mại mới ở Ayutthaya, [15] trong khi chúng ta cũng nghe thấy vào thời điểm đó về các cộng động được thiết lập trên bờ biển phía bắc của Java, rõ rệt nhất ở Gresik.

 Cuộc chinh phục của Mông Cổ vẫn còn là một hiện tượng được hiểu biết một cách khá nghèo nàn, nhưng rõ ràng rằng, khi rời khỏi miền Trung Á, Genghis Khan và các người nối ngôi của ông đã muốn tổ chức một loại hệ thống thế giới sẽ kết hợp không chỉ Trung Hoa, Đông Âu, Iran, và Ấn Độ, mà còn tất cả các hòn đảo và xứ sở tại ngoại vi phía đông của nó, bao gồm Nhật Bản, Việt Nam, xứ Chàm, Miến Điện, và Java.  Hai thế kỷ theo sau sẽ chứng kiến sự xuất hiện của các trung tâm thu hút mới , sự cất cánh của nhiều thành phố hải cảng, và trên hết sự phát triển của một tuyến đường hàng hải phía Đông, nối kết các hải cảng của Phúc Kiến qua nhiều trạm dừng chân đến Luzon, Mindoro, Visayas, và, vượt quá Mindanao, đên Brunei trong một hướng, và đến Sulu và Maluku theo hướng khác.  Trong bờ biển khác vào thời điểm này, cuộc chinh phục của Việt Nam năm 1471 ở kinh đô của xứ Chàm, Vijaya, xác định sự suy giảm của tuyến đường phía Tây.

       Từ điểm này trở đi, chúng ta có thể nói rằng vòng tròn đã được khép kín và rằng từ nay trở đi biển Nanyang (Nam Dương) đã hoạt động như một “Địa Trung Hải” Đông Nam Á.  Từ các thế kỷ mười ba đến mười sáu, chúng ta chứng kiến sự phát triển rõ rệt của các hải cảng lớn của miền nam Phúc Kiến: Zhangzhou và Quangzhou, rồi đên Amoy (hay Xiamen: Hạ Môn).  Trong hai trường hợp sau cùng, một sự phong phú của các bia ký Hồi Giáo chứng thực sự hiện diện của một cộng đồng ngoại quốc to lớn, bao gồm các người Ả Rập và Persians (Ba Tư).  Các thương nhân Hokkien thế lực giờ đây khởi sự dựng lên các cơ sở không chỉ ở Java, Patani, và Phi Luật Tân, mà còn ở Quảng Đông và đảo Hải Nam.  So sánh, vào cùng lúc đó, toàn bộ các loạt thương nhân độc lập, Nhật Bản và Trung Hoa (các kẻ mà chúng ta gọi là wokou), đã lợi dụng các tình huống thuận lợi để phát triển một nền thương mại tư nhân không chỉ giữa các hải cảng tại Trung Hoa và Nhật Bản mà còn cả ở Đông Nam Á, nơi không có quốc gia nào trông chừng họ.

 Trong các thập niên đầu tiên của thế kỷ thứ mười lăm, các cuộc viễn chinh nổi tiếng của Đô Đốc Trịnh Hòa đã không chỉ băng ngang qua các Biển Phương Nam mà còn đi xa mãi đến tận Ấn Độ, Mecca, và ngay cả Mogadishu tại Phi Châu.  Chúng đã bị đình chỉ sau năm 1436, và sự gián đoạn này được giải thích một cách tổng quát như một ước muốn của Trung Hoa để “triệt thoái”.  Điều này vẫn còn phải được chứng minh, bởi sự đình chỉ các cuộc viễn chinh Nhà Nước to lớn  không cách nào có nghĩa rằng sự xuất cảnh của người Trung Hoa bị ngừng lại.  Chúng ta có thể trong thực tế thắc mắc là tại sao, tự nền tảng, người Trung Hoa đã không tiến bước sớm hơn rất nhiều đến một hệ thống mậu dịch tư nhân (được khoe khoang biết bao trong thời đại chúng ta) trong khi Tây Phương vẫn còn vướng mắc trong “các công ty” của nó, các bộ phận gây chiến tranh trên “các kẻ cướp bóc” trong hơn hai hay ba thế kỷ nữa.

       Từ thế kỷ thứ mười sáu, các sự việc đã thay đổi một chút, một phần bởi sự hiện diện của người Âu Châu – người Bồ Đào Nha, và sau đó người Hòa Lan và Anh Quốc – nhưng chỉ một phần vì lý do này.  Từng chút một, sự thống lĩnh của Phúc Kiến đã lùi dần và Quảng Châu lấy lại vị trí cũ của nó, nhưng dưới một hệ thống ít tự do hơn: 13 hang [không rõ nghìa từ ngữ in nghiêng này trong nguyên bản, chú của người dịch NB], hay phường, đã được thiết lập tại đó trong năm 1557, và trong năm 1720, chúng sẽ khởi sự hệ thông Kohong [không rõ nghìa từ ngữ in nghiêng này trong nguyên bản, chú của người dịch NB], cho phép các quan lại Trung Hoa kiểm soát hữu hiệu hơn các ngườiTây Phương.  Người ta có thể suy tưởng từ điều này rằng, bất kỳ khi nào Trung Hoa mở cửa xuyên qua Quảng Đông, nó luôn luôn được làm một cách hạn hẹp hơn và trong một cung cách kiểm soát nhiều hơn là xuyên qua các hải cảng của Phúc Kiến.

Bất kể sự bế quan chính thức của Nhật Bản trong năm 1638, và của Trung Hoa vài lần dưới cả thời nhà Minh và nhà Thanh, tuy thế vẫn không chắc chắn rằng các xứ sở Đông Á to lớn này đã lựa chọn một chính sách “phòng thủ”, trong sự chống đối trước các thương nhân tây phương chiến thắng.  Sự thực nhiều phần ngược lại.  Một mặt, họ giữ rất nhiều, trong tay của chính họ, sự kiểm soát các trào lượng sản vật nào đó, trong lúc đó thủ lợi như nơi đến chính yếu của sự giao thương sinh lợi (như bạc của Mễ Tây Cơ, vốn từ lâu đã đến Trung Hoa xuyên qua sự trung gian của thương thuyền đáy bằng, chạy bằng buồm lẫn chèo tay (galleon) tại Manilla, hay lụa Trung Hoa chở đến Nhật Bản xuyên qua Deshima).  Mặt khác, họ đã tạo ra các khu người xuất dương sinh sống ở nước ngoài (diasporas) quan trọng.  Xuyên qua nhiều khu lưu trú ngoài nước, người Trung Hoa đã tạo lập các mạng lưới tư bản, từ đó sinh ra hầu hết tầng lớp tư sản “dân tộc” của Đông Nam Á ngày nay.  Đối với người Nhật, các kẻ vào lúc khởi đầu của thế kỷ thứ mười bẩy, cũng đã thiết lập các khu sinh sông quan trọng của người Nhật (Nihonmachi) tại Ayutthya, Faifo (hay Hội An, thuộc miền trung Việt nam ngày nay) và tại Batavia, nhưng tất cả các lợi thế của họ đã bị mất hết sau lệnh năm 1638 ngăn cấm hữu hiệu sự xuất dương của các cá nhân tư nhân, mặc dù họ sẽ giành lại được quyền này sau thời Minh Trị và trên hết, vào lúc bắt đầu thế kỷ thứ hai mươi.

       Nhìn song song với điều này, câu chuyện của các thương nhân Âu Châu khó là tuyệt vời.  Sau “đại thành công” đoạt được bởi người Bồ Đào Nha thế kỷ thứ mười sáu và người Hòa Lan thế kỷ thứ mười bẩy (các kẻ dù thế đã bị buộc phải đầu hàng một cách khá thảm thương tại Formosa, khi bị chống đối bởi Koxinga [Quốc Tính Gia, tức Trịnh Thành Công, chú của người dịch NB], các sự tường trình trong thế kỷ thứ mười tám khá bình thường.  Thương mại của Macao, bị đẩy ra khỏi Nhật Bản sau năm 1638, đã tìm cách buôn bán vặt vãnh tại Makassar hay tại Timor, nơi mà sự mậu dịch gỗ đàn hương (sandalwood) chắc chắn đã tạo ra một số tài sản cá nhân giàu có nhưng khó có thể tuyên nhận như hoạt động thương mai có ưu tiên cao độ.  Về thương mại của Công Ty Đông Ấn thuộc Hòa Lan, chúng ta biết rằng nó ở vào thời điểm từ trần khi các cuộc khủng hoảng thời Napoleon làm rung chuyển Âu Châu.  Các công ty Anh Quốc và Pháp Quốc [16] khó khá hơn.  Các biến cố của thế kỷ thứ mười chín được hay biết rõ và có thể mang lại cảm tưởng rằng các người Tây Phương, sau rốt trong sự hòa hợp sau năm 1815, đã đạt được một sự thỏa thuận để “mở cửa” Trung Hoa, và sau đó Nhật Bản.  Nhưng các biến cố của thế kỷ thứ hai mươi ngược lại khiến chúng ta khá nghi ngờ về khả năng của họ để “kiểm soát” miền này và giữ vững vị thế của chính họ ở đó.

       Tổng kết, khái niệm về “Địa Trung Hải” là một công cụ hữu dụng giúp chúng ta kiểu chính một “sự đặt làm trung tâm” truyền thống giờ đây có nguy cơ không còn thích đáng, và để thay bằng một sự đặt định trung tâm khác cho phép chúng ta kết hợp một không gian rộng lớn hơn nhiều và các thời khoảng lâu dài hơn nhiều.  Chính vì được tái lập trong tổng thể của nó, và từ một quan điểm phi truyền thống một cách cân nhắc, lịch sử của Đông Nam Á có thể hy vọng một cách hợp lý, vượt thoát khỏi lịch sử “phân cực” mà nó quá thường bị hạn chế vào đó (với các lịch sử “dân tộc” theo sau một cách nô lệ các bước chân của các lịch sử “thuộc địa” trước đó) và để thủ lợi từ một khảo hướng mới nhận thức đầy đủ các sự đồng bộ về thời gian và các mạng lưới.  Tôi xin nhấn mạnh, với các lời cuối cùng của tôi, rằng việc tái kết hợp miền nam Trung Hoa vào sự suy nghĩ của chúng ta sẽ không cách nào “làm vỡ các con đê” (như quá nhiều đầu óc quá rụt rè tưởng tượng).  Mục đích thực sự liên can, trong thực tế, như đã sẵn được nêu ra trong passing, là để mở toàn thể Miền Nam Trung Hoa cho các cuộc nghiên cứu đối chiếu, một dự án tráng lệ sẽ không nên làm chậm trễ bất kỳ ai ./- 

Bài dich [sang Anh ngữ này [của Nola Cooke] xuất hiện trong số ra mắt của tạp chí điện tử China Southern Diaspora Studies trong Tháng Hai 2007.  Các chủ biên của tạp chí này là Nola Cooke và Li Tana, thuộc Research School of Pacific and Asia Studies, Australian National University.  Các tác giả Cooke và Li là các chủ biên của quyển Water Frontier, Commerce and the Chinese in the Lower Mekong Region, 1750-1880.

 Japan Focus ngày 4 Tháng Ba, 2007

CHÚ THÍCH

[1] Đây là một bản dích đã được biên tập của Nola Cooke từ một bài viết của cố học giả người Pháp, Denys Lombard.  Bài viết được ấn hành đầu tiên trong năm 1998 trong một số đặc biệt của tạp chí địa dư Pháp, tờ Hérodote, dành cho chuyên đề Nam Dương (Indonesia) như “Phương Đông” của Hồi Giáo.  Xem Hérodote, số 88, 1998, các trang 184-92.  Các sự tham chiếu trong các dấu ngoặc thẳng [ …] đã được thêm [bởi dịch giả Nola Cooke] vào văn bản nguyên thủy  Xin cám ơn nhiều cô Claudine Salmon về sự trợ giúp của cô liên quan đén bản dịch [sang Anh ngữ này].

[2] Lombard ám chỉ ở đây đến vấn đề Căm Bốt, và cuộc khủng hoảng tiền tệ hồi giữa thập niên 1990, đặc biệt các khó khăn của đồng bath của Thái Lan và đồng rupia của Nam Dương.

[3] Một cây sống nhờ là một loại cây tăng trưởng trên một cây khác mà không sống bám vào cây đón nhận nó.

[4] Lombard đề cập đến quyển lịch sử nhiều ảnh hưởng về thế giới Địa Trung Hải của tác giả Fernand Braudel, La Méditerranée et le monde méditerranéen à l’époque de Philippe II, được xuất bản lần đầu tại Pháp trong năm 1949 và được in lại nhiều lần từ đó.  Quyển sách được dịch sang Anh ngữ bởi Sian Reynolds với nhan đề The Mediterranean and the Mediterranean World in the Age of Philip II, xuất bản bởi Collins trong các năm 1972-73 và được in lại hồi gần đây bởi University of California Press trong năm 1995.

[5] Mare nostrum là tiếng Latin có nghĩa “biển của chúng ta”.

[6] Koiné là một sự hỗn hợp Hy Lạp cổ đại các thành tố Attic và Ionion, đã trở thành ngôn ngữ Hy Lạp thông thường, chính vì thế được nới rộng, có nghĩa bất kỳ tiếng nói chung nào được chia sẻ bởi các người nói các ngôn ngữ  hay phương ngôn khác nhau trên một không gian địa dư rộng lớn.

[7] J. Dumarcay, “La faitie.. tendue (histoire d’une technique)”, Bulletin de l’École franҫaise d’Extrême-Orient, số 49, 1959, các trang 632-36.

[8] D. Ziegler, “Entre ciel et terre: le culte des “bateaux-cercueils” de mont Wuyi”, Cahiers d’Extrême-Orient, số 9, EFEO Kyoto, 1996-97, các trang 203-31; T. Harrison, “The Great Cave of Niah: A Preliminary Report”, Man, số 57, 1957, các trang 161-66.

[9] Xem đặc biệt Glen Đubridge, China’s Vernacular Cultures, “Inaugural lecture”, University of Oxford, Clarendon Press, Oxford, 1996.

[10] Các sự mai táng hai lần (double funerals) được thấy khắp thế giới Austronesian, tới mãi tận Madagascar.

[11] Jean Guilaine, La Mer partagée, Flammarion, Paris, 1994.

[12] Một tôn giáo phái Manichean Ba Tư tin tưởng rằng thế giới bị kiềm chế vào cuộc tranh đấu giữa các môn đồ của Điều Tốt và điều Xấu.

[13] E. H. Schafer, The Empire of Min, Charles Tuttle, Tokyo, 1954.

[14] S. A. M. Adshead, Central Asia in World History, MacMillan Press, London, 1993.

[15] Charnvit Kasetsiri, The Rise of Ayudhya. A History of  Siam in the Fourteenth and Fifteenth Centuries, Oxford University Press – Duang Kamol, Bangkok, 1976.

[16] Về các khó khăn của Công Ty French Company trong công cuộc mậu dịch của nó với Trung Hoa, xem nghiên cứu tuyệt hảo của L. Dermigny, La Chine et L’Occient, Le commerce à Canton au XVIIIe siècle, 1719-1833, SEVPEN, Paris, 1964, 4 quyển./-  

Ngô Bắc dịch và phụ chú

16.12.2013

 Nguồn gio-o.com

 

 

0