18/06/2018, 15:49

Đề Thám – Người anh hùng hay thằng giặc ?

Mathilde Tuyết Trần …hễ cái sức đã không đủ, thì không có cái lý gì là phải cả. Trần Trọng Kim – Việt Nam sử Lược Cái lý của kẻ mạnh, của thế lực. Đó là bài học lịch sử mà Trần Trọng Kim đã dạy lại đời sau ! Trong Chương XV – Việc Đánh Dẹp ở Trung Kỳ và Bắc ...

hoang hoa tham

Mathilde Tuyết Trần

…hễ cái sức đã không đủ, thì không có cái lý gì là phải cả.

Trần Trọng Kim – Việt Nam sử Lược

Cái lý của kẻ mạnh, của thế lực. Đó là bài học lịch sử mà Trần Trọng Kim đã dạy lại đời sau !
Trong Chương XV – Việc Đánh Dẹp ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ – của quyển Cận Kim Thời Đại trong bộ Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim chỉ ghi lại vẻn vẹn trong một dòng về Đề Thám như sau:

Đề Kiều và Lương tam Kỳ ra thú được ở yên. Cai Kinh bị bắt, Đốc Ngữ ra thú, Hoàng hoa Thám ở Yên-thế cũng ra thú, được giữ ở vùng ấy, mãi đến năm 1909 mới bị đánh đuổi, đến năm 1912 mới bị giết….Quan quyền Tổng-đốc Hải-dương là Hoàng Cao Khải đi đánh dẹp có công, về được chính-phủ bảo-hộ cho lãnh chức Bắc-kỳ Kinh-lược-sứ.”

Theo lời giới thiệu trên báo chí Việt Nam, Claude Gendre là cháu nội của Jean Gendre, một người lính trong quân đội viễn chinh Pháp đã từng chiến đấu ở Việt Nam cùng thời với giai đoạn Đề Thám. Trên đường đi tìm lại kỷ niệm của ông nội, Claude Gendre đã “vấp” phải nhân vật lịch sử Đề Thám, làm cho ông say mê tìm tòi, rồi viết thành sách. 

Trong khi chờ đợi cuốn sách ” Le Dê Thám -1858-1913– Un résistant vietnamien à la colonisation francaise ” của tác giả Claude Gendre xuất bản vào giữa tháng tư năm 2007 tại nhà xuất bản L‘Harmattan (1), với lời tựa của ông Charles Fourniau, giá bán là 19,50 euros, đã được đặt mua tại một tiệm bán sách của một thành phố nhỏ, tôi lục lọi trong tủ sách nhà, moi ra được vài tài liệu có liên quan đến Đề Thám, mà tôi chưa có dịp sử dụng.

Cũng may thay, tôi có dịp được trao đổi trực tiếp với Claude Gendre, chính ông đã có nhã ý gọi điện thoại cho tôi, nên khi viết bài này, trong đầu tôi đã có ý thiên vị tác giả. 

Ông cho tôi biết, Jean Gendre, nếu không bị thương và được chuyển về Pháp, có lẽ đã ở lại suốt đời tại Việt Nam. Ý thích của ông nội, vừa thích con người, vừa yêu mến cảnh, thích từ tiếng nói cho đến bữa ăn hàng ngày của Việt Nam, đã gây ấn tượng và gợi trí tò mò cho người cháu. Đến lượt Claude Gendre, sau khi đã qua thăm Việt Nam mấy lần, ông cũng nói với tôi rằng: “Comme mon grand‘père, je suis tombé amoureux du Viet Nam” (Giống như ông nội tôi, tôi đâm ra yêu mến Việt Nam). 

Claude Gendre không có vẻ bài bác ý định tôi dịch cuốn sách của ông ra tiếng Việt, nhưng trong khi chưa có quyết định cụ thể, vì phải tôn trọng luật lệ bản quyền của tác giả và nhà xuất bản, cho nên trong phạm vi bài bình luận này, tôi không được phép trích hay dịch nguyên văn của Claude Gendre viết trong sách. 

Cảm giác về thời đại Đề Thám 

Ngày xưa khi lái xe Honda lượn quanh trên con đường Đề Thám nằm trong quận một của thành phố Saigon, nay là thành phố Hồ Chí Minh, thông từ đường Trần Hưng Đạo ra bến Chương Dương của rạch Thị Nghè, tôi chỉ biết ngắn gọn, học trong những giờ Việt sử của trường, rằng Đề Thám chống Pháp nhưng bị quân Pháp tiêu diệt. Thế thôi, không biết nhiều hơn.

Hôm nay, khi xem tấm hình lịch sử của các thế hệ cha ông thời đại Đề Thám, tôi chú ý đến một chi tiết làm cho tôi rất động lòng. Đó là những bàn chân trần, chân đất, không có giầy dép. Trong khi quân lính thực dân Pháp, mặc quân phục, đội mũ, mang giầy ống bằng da, trang bị súng gắn lưỡi lê dài nhọn, băng đạn đeo quanh bụng thì những người anh hùng kháng chiến chống pháp đầu đội trời chân đạp đất theo đúng cả hai nghĩa, đen và bóng.

Gia đình bên vợ của Đề Thám bị bắt ngày 5 tháng 3 năm 1909.

Gia đình bên vợ của Đề Thám bị bắt ngày 5 tháng 3 năm 1909.

Cha vợ của Đề Thám, mù cả hai mắt, phải giải về Nhã Nam bằng thúng do hai người khiêng.

Cha vợ của Đề Thám, mù cả hai mắt, phải giải về Nhã Nam bằng thúng do hai người khiêng.

Trên những tấm hình ghi lại những “chiến thắng” của quân đội Pháp, được in và phát hành thành “cartes postales” bán tự do cho dân chúng, khi bị bắt, những người kháng chiến, trên mảnh đất quê hương của mình, bị gọi là “giặc cướp” (pirates), mặc áo vá nhiều mảnh bằng đủ mọi thứ vải, rách rưới, có người không có một mảnh quần, râu tóc lù xù, ốm yếu lòi xương.

detham-dau02p

Những tấm hình người Việt đi lính cho Pháp chặt đầu người Việt chống Pháp. Những tấm hình đầu người bị chặt, đầy máu, mắt không nhắm, bỏ rọ treo lên cây đầu làng, làm cho tôi mất ăn mất ngủ, dù rằng ngày tháng trên hình khắc ghi năm 1908, tôi chưa được sinh ra đời. Những tấm hình người bị đóng cọc ngồi trên đất, trói chặt hai cánh khủy ra sau, rồi bị thắt cổ vào cọc, chết một cách rùng rợn thê thảm. Những tấm hình thi thể người bị xử tử xếp thành hàng. Lịch sử không được viết bằng mực mà bằng máu.

Nhưng cũng có những tấm hình, may mắn thay, ghi lại những cái nhìn thẳng, kiên quyết, hiên ngang vào ống kính của kẻ thù đang chụp để giữ làm tài liệu. Không có gì vô lý cho bằng, những kẻ đi xâm chiếm nước khác, lại gọi những người kháng chiến chống xâm lăng là giặc. Đó là những tấm hình của giai đoạn “Đề Thám” mà tôi được xem. 

detham-batkhuat

Kèm theo những tấm hình đầu nghĩa quân của Đề Thám bị chặt đứt, bỏ rọ treo lên cây và dưới đề tựa “Đầu người treo trên cây không phải là hiếm thấy”, Jean Ajalbert, kể cho độc giả tờ “Lectures Modernes” vào ngày 10 tháng 9 năm 1903 một mẩu chuyện dựa theo cuốn sách của Dr. Hocquart, dưới hình thức một lá thơ viết cho một người cháu:

” Sự dã man châu Á không phải là một câu chuyện thần thoại. Họ hành hạ xác chết. Người ta đã tìm thấy thi thể của Francis Garnier bị moi tim, da bụng bị cắt, đầu bị chặt, còn Rivière, hai cổ tay bị chặt đứt. Người ta đồn rằng, họ ăn trái tim phơi khô, vì họ tin rằng, họ sẽ trở thành can đảm như người anh hùng.

Đầu người treo trên cây không phải là hiếm thấy, hay là những thi thể bị cây lao đâm xuyên qua miệng, hai chân hai tay bị chặt đứt, trói chặt bằng dây thừng quấn quanh ngực và cổ như một sợi dây chuyền, hay là những thi thể bị xâu với nhau như là một que thịt nướng. Cháu có thể tưởng tượng rằng những sự dã man ấy kích động quân lính. Cũng như thế, phản loạn hay giặc cướp, không tránh khỏi những cực hình. Họ chịu đựng cái chết với một sự can đảm lạ thường – kiên quyết.

Chú kể cho cháu nghe một chuyện hành quyết trong bài “một làng ở Tonkin” (Une campagne au Tonkin): một khúc tre mỏng mảnh, cao khoảng 80 phân, được cắm vào đất. Theo lệnh ngắn gọn của viên quan, kẻ tử tù quỳ gối trước cọc. Hắn ta bị trói hai tay vào cọc bằng dây rợ. Cái cọc không chắc chắn, chỉ một cử động nhỏ là có thể làm trật cái cọc. Nhưng thằng giặc không có một cử động nào.

Cái hòm được đặt cách kẻ tử tù vài bước, mà hắn ta chỉ cần ném một cái nhìn qua phía ấy sẽ thấy. Đao phủ bước gần lại, gươm nắm trong tay, với một cử chỉ nhanh nhẹn cởi nút áo của tử tù, kéo cổ áo xuống thấp, gằn ra phía sau, để phơi trần cái cổ và hai vai. Đao phủ kéo mái tóc dài ngược lên đầu, để lộ gáy. Người đàn ông sắp bị chém, không tỏ một cử động phản kháng. Ông ta chịu đựng bàn tay của đao phủ sửa soạn thong thả, không hấp tấp, xếp đặt tư thế để chém như một nhà điêu khắc đang nắn một bức tượng, cái đầu cúi xuống, chập vào ngực, hai đầu gối phải xòe doãi ra, với một sự chấp nhận bình thản làm xé trái tim người chứng kiến. người đao phủ xắn ống quần rộng lên tận đầu gối, nhổ một cụm nước bọt đỏ tươi mầu trầu, quét một vệt nước bọt đỏ lên gáy kẻ tử tù để làm dấu chỗ chém.

Quan viên hất tay ra lệnh. Đao phủ nắm thanh gươm bằng hai tay, lưỡi gươm rộng bản lấp lánh sáng như một nửa vòng tròn trong không gian, cái đầu bay lên rồi lăn trên mặt đất, trong khi cái thân gục xuống phía trước, một dòng máu bắn ra từ các mạch máu bị cắt. Trong khi đao phủ chùi thanh gươm đẫm máu trên mặt cỏ, một người lính cắm lên chỗ hành quyết một tấm mộc nhỏ ghi bản án, rồi nắm chùm tóc của cái đầu đặt vào một cái rọ. Cái đầu bị chém đặt trong rọ, theo lịnh, sẽ được treo trên cây ở đầu làng bị cướp, để làm gương… “

Sau đó, Jean Ajalbert, kể thêm về thực trạng của ông vào năm 1903:

“…. Trước tiên, trong đám bồi phòng (boys), dấy lên mầm mống bóc lột người Âu Châu. Thật là định mệnh. Chúng ta đến một nước xa lạ, không hiểu một chữ. Đám bồi lợi dụng thế yếu. Chúng ta thuê bất cứ một ai làm bồi mà không có chỉ dẫn, bảo đảm. Làm sao tìm bắt được những thằng vô tích sự này sau khi nó đã ăn cắp ? Tại Pháp, chúng ta không kêu gào “ăn cướp” khi một người hầu phòng hút trộm một điếu thuốc lá của chúng ta. Nhưng ở đây, chúng ta kêu to lên “ăn cướp” chỉ vì một mẩu thuốc lá: đó là điều cần thiết để phòng ngừa ngày mai chúng nó sẽ lấy luôn cả hộp…

Dưới đề tựa ” Qualités et défauts des Annamites” trong cuốn sách Les Annamites, (Challamel, 1906) tướng thực dân E. Diguet viết những dòng khinh khi miệt thị như sau:

“…Để có được một huân chương, một mảnh bằng với con dấu đỏ, một chức quan tước huênh hoang, một địa vị làm cho chúng trở thành ngôi sao, chúng sẽ sẵn sàng phát huy cống hiến tất cả mọi tiềm lực và sức kiên trì dai dẳng trong nhiều tháng, nhiều năm. Vậy thì chúng ta có gì đâu phải than van ? Cái khuyết điểm đó của bọn bị bảo hộ giao trong tay chúng ta một công cụ đô hộ tuyệt vời…

Trong bài ” Chiến lược của quân cướp” (La tactique des pirates) với câu nhập đề “Mọi người quân nhân đã từng chiến đấu ở Vietnam đều công nhận các chiến lược đã được quân cướp sử dụng từ năm…1891” đăng trong tờ La Revue des Deux Mondes ngày 15 tháng 11 năm 1891, một tác giả vô danh đã có những nhận định để diễn tả các căn cứ kháng chiến thời Đề Thám như sau:

“… Mỗi một băng cướp xây dựng căn cứ để tàng trữ thuốc phiện, đạn dược, thực phẩm, kho sản xuất đạn, sửa chữa súng ống, cho đàn bà ẩn náu, nuôi gia cầm súc vật, tóm lại, mọi phương tiện để sống và chiến đấu cần thiết trong một phần đất hiểm trở, khó khăn nhất, hầu như bất khả xâm phạm. Thí dụ như những căn cứ ở Kẻ Thượng, phía bắc của Chợ Mới, hay là ở Núi Bà Do*; căn cứ cũ của Cai-Kin* trong núi Đồng Nai, hay căn cứ mới của băng Yên Thế, về phía Bắc của Hu-Thué*, vân vân.

Địa điểm chính xác của những căn cứ này thì chỉ có bọn cướp mới biết. Muốn thâm nhập nơi đây phải len lỏi đôi khi qua những khu rừng rậm hoang dã bằng những vết mòn nhỏ chỉ là vết của thú rừng, chui vào những hành lang chật hẹp tạo bằng hai vách đá gra nít, trèo qua những đèo ải chỉ đủ cho một người lọt qua, hay là đi hàng giờ trong rừng, dọc theo một lòng suối, để tìm ra một vết dấu kín trong bụi rậm dẫn đến nơi ẩn náu …

Lãnh tụ những băng cướp không ngần ngại thành lập, đôi khi, những tạm cứ thứ hai trong các làng, ngay cả trong của vùng đồng bằng, nơi mà dân chúng hoàn toàn ủng hộ chúng: Cao-Thuong, Luoc Ha, Yên Thế, vùng của đảo Hai Sông, vùng núi Ba Vì, vân vân…dùng để làm nơi cư trú và kho chứa…”

Mới đây, khi vào xem triển lãm trong Bảo Tàng Quân Đội tại Paris, tôi dừng chân lại trước một tủ kính trong một góc tường, ngắm đi ngắm lại mãi, không biết thật hay giả, hai bộ quần áo đại triều của Nguyễn Tri Phương, mà người Pháp còn đang trưng bầy là chiến lợi phẩm cho du khách coi chơi. 
Bao nhiêu là đồ cổ và những hiện vật lịch sử của Việt Nam đã bị đem qua Pháp giữ làm của riêng, thỉnh thoảng một số vật được đem bán đấu giá (nếu có tiền tôi đã ráng mua lại một món để dành cho con cháu!). 

Đề Thám của Claude Gendre 

Cảm giác đầu tiên khi cầm cuốn sách là tôi cám ơn tác giả trước hết vì cái tựa đề. Cái tựa đề của cuốn sách này đã trả lại danh dự của một người Việt Nam và khẳng định chỗ đứng lịch sử của một người anh hùng Việt Nam trong văn chương Pháp. Vì Đề Thám không phải là một thằng giặc theo nghĩa cướp của giết người, hay cướp nước của ai khác, như nhiều tác giả người Pháp đã viết nhan nhản, mà Đề Thám là một người không chịu cúi đầu khuất phục, chống lại sự đô hộ của chính quyền thực dân Pháp trong thời gian ấy. 

Cuốn sách của Claude Gendre có 12 chương, dài tổng cộng khoảng 200 trang, được minh họa bằng nhiều hình ảnh và bản đồ vẽ tay. Một số những hình ảnh này đã được phổ biến tự do trên mạng Internet hay in trong sách. Claude Gendre là người thích chú ý đến nhiều chi tiết và ông để ý tìm những hình ảnh lịch sử thích hợp. Bố cục của sách được viết theo thời gian của sự kiện và theo lý luận của dòng tư tưởng. Điểm mạnh của Claude Gendre là đã tìm ra một số sử liệu nguồn gốc Pháp mà người Việt Nam, và các nhà sử học chuyên nghiệp Việt Nam, không để ý đến cũng như không bỏ công sức tìm kiếm.

Bốn chương đầu của cuốn sách giúp cho độc giả người Pháp có cái nhìn tổng quát, ngắn gọn về chủ đề, mà trong đó Claude Gendre lướt qua bối cảnh chính trị và quân sự của thời đại Đề Thám khi ông sinh ra đời, địa thế chiến lược của vùng Yên Thế, tông tích thật sự của Đề Thám, và tình hình Việt Nam sau khi vua Tự Đức qua đời ngày 17 tháng 7 năm 1883

Claude Gendre nhắc lại cô đọng các thời điểm 1624 khi Giáo Sĩ A-Lịch-Sơn-Đắc-Lộ ( Alexandre de Rhodes) sang truyền đạo tại Việt Nam, giai đoạn Gia Long thâu phục giang sơn với sự giúp đỡ của Giám Mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine), giai đoạn của tên buôn bán võ khí Jean Dupuis (Đồ-Phổ-Nghĩa), hống hách ngang tàng, muốn dùng thuyền ngược sông Hồng Hà để chở võ khí bán cho Tàu và việc hai sĩ quan Pháp, Francis Garnier và Henri Rivière tử trận tại miền Bắc. Tuy ngắn, nhưng Claude Gendre đã thể hiện ngay tình cảm của ông qua cách nhìn, cách đưa ra vấn đề và sự nhận xét đúng đắn về sự cấm truyền đạo Thiên Chúa trong thời điểm ấy. 

Trong chương hai gồm có bẩy trang Claude Gendre đi tìm lại tông tích thật sự của Đề Thám và ý nghĩa của tên gọi “Đề Thám”. Claude Gendre trình bầy năm dữ liệu khác nhau. 

Dữ liệu thứ nhất tìm được trong một bản báo cáo vào tháng 9 năm 1908 của Lacombe, một nhân viên quản lý, rằng cha của Đề Thám là một quan Án ở Làng Trung, tỉnh Quảng Yên, huyện Yên Thế, chết trong tù, bỏ lại một đứa con trai tên là Giai Thiêm. Đó chính là Đề Thám sau này, một người trăn châu ở làng Ngọc Cúc, gần Làng Trung, có vợ và có một con trai tên là Cá Trong*. 

Dữ liệu thứ hai là dữ liệu cho chính Đề Thám tự viết trong một lá thơ gởi cho Sở Quản Lý Cư trú Cao cấp của Tonkin ngày 5 tháng 8 năm 1908. Trong lá thơ này, Đề Thám trình bầy rằng ông nội của ông xuất thân là người Trung Quốc, chết khi người vợ có thai được ba tháng. Bà lấy chồng thứ nhì, người quê ở Yên Thế. Đứa trẻ đó, cha của Đề Thám, về sinh sống tại làng Ngọc Cúc, là nơi mà Đề Thám ra đời. Lá thơ này không có đề tên họ cũng như ngày tháng. 

Nhưng theo Alfred Bouchet, một người lính đóng ở Nha Nam*, Bắc Giang trong suốt bốn năm, có chụp ảnh chung với Đề Thám, và theo lời kể của một người già tên Hoan, thì Đề Thám là con của một người tên Quát, gọi là Phó Quát, làm lính cho Cai Ngui*, tên của Đề Thám là Giai Thiêm, sinh vào cuối năm 1858. Cũng theo Bouchet, Đề Thám không biết đọc biết viết, chăn trâu và làm công cho trưởng làng tên là Ba Phuc*, sức khỏe như sức của bốn người, ba trâu, lấy vợ tên là Thi Tao* và sinh một con trai tên là Cá Trong. Năm Hàm Nghi thứ nhất (1884) Giai Thiêm được 25, 26 tuổi đã bắt đầu đánh phá quân Pháp, lấy tên là Dê Dzuong*, trở thành “một kẻ thù cứng cựa nhất kể từ khi chúng ta chiếm đóng” (báo cáo ngày 27.04.1909 của tướng Geil lên Bộ Chiến Tranh và Thuộc Địa). Khi về chiến đấu dưới trướng của Cai Kinh* (Hoàng Đình Kinh), Giai Thiêm được phong làm Dôc Binh* và được Cai Kinh* nhận làm con nuôi, đặt tên là Hoàng Hoa Thám. Sau khi Cai Kinh qua đời năm 1888, Ba Phuc* nhận Hoàng Hoa Thám làm con nuôi và phong cho chức Dê Dôc*. Như thế, cái tên le Dê Thám*, thâu ngắn của Dê Dôc* Hoàng Hoa Thám ra đời. Cuốn sách của Alfred Bouchet đã cung cấp cho Claude Gendre rất nhiều trích dẫn cơ bản về số phận của Đề Thám. 

Sau đó Claude Gendre tả về địa thế chiến lược của vùng Yên Thế, một nơi núi rừng hiểm trở, với nhiều ngọn đồi cao khoảng 100 đến 150 mét, cây cối chằng chịt, trên mặt đất nóng ẩm đầy rẫy những rắn, những con đỉa hút máu, sâu bọ, kiến lửa, trăm chân và cào cào châu chấu, rồi những con cọp, beo, sói rừng, mèo rừng, bò rừng, nai…rình rập, thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ ẩn náu và hậu cần, vì Yên Thế chỉ cách Hà Nội 60 cây số và gần vựa thóc của thung lũng sông Hồng. Đề Thám xử dụng cách đánh của những đảng cướp: dụ quân địch vào một nơi đã giăng bẫy sẵn để giết, nhưng nếu bị tấn công thì đột nhiên biến mất, không để lại dấu vết. Năm 1889 Ba Phuc* xây dựng thành Cao Thuong*, Đề Thám xây thành Huu Thuê* (hay Hu Thué*).

Tình hình Việt Nam sau khi vua Tự Đức qua đời ngày 17 tháng 7 năm 1883 được tác giả trình bày ngắn gọn với sự kiện vua Hàm Nghi lên nối ngôi. Trong chương này, tôi tìm thấy một sự hài lòng vì tác giả đã nhìn nhận những đòn khiêu khích trịch thượng của tướng Pháp de Coursy đối với triều Nguyễn, trong mục đích muốn xâm nhập cấm thành để bắt cho được Tôn Thất Thuyết. Hậu quả ra sao, chúng ta đọc sử Việt Nam đã biết, Tôn Thất Thuyết phát động phong trào Cần Vương, vua Hàm Nghi bị bắt và bị đày đi Algerie.

Đọc xong bốn chương tôi tiếc rằng tác giả không đưa ra nguyên nhân, dù chỉ một vài hàng cảm tưởng, tại sao triều đình Huế đã ký hết hiệp ước này đến hiệp ước khác, mất dần lãnh thổ và quyền lợi cho Pháp, cũng như tại sao chính quyền Pháp muốn chiếm Việt Nam làm thuộc địa, để cho đến năm 1884, ngay chính nhà sử học Trần Trọng Kim đã viết trong Việt Nam Sử Lược:

“…Ngài (vua Tự Đức) mất ngày 16 tháng 6 năm Quý Mùi (1883), trị vì được 36 năm, thọ 55 tuổi, miếu hiệu là Dực Tông Anh Hoàng Đế. Bản triều nhà Nguyễn truyền ngôi đến hết đời vua Dực Tông thì mất quyền tự chủ. Nước Nam từ đó thuộc về nước Pháp bảo hộ. Nghĩa là ngôi nhà vua tuy vẫn còn, nhưng quyền chính trị phải theo chính phủ Bảo Hộ xếp đặt. 

…Hòa ước ký năm Giáp Thân là năm 1884, là hòa ước của Triều đình ở Huế ký với nước Pháp công nhận cuộc bảo hộ của Pháp và chia nước ra làm hai khu vực là Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Tuy hai kỳ cũng thuộc về quyền bảo hộ của nước Pháp, nhưng mỗi kỳ có một cách cai trị khác. Về sau dần dần hòa ước năm 1884 cũng mất cả ý nghĩa, và thực quyền về chính phủ bảo hộ hết cả. Triều đình ở Huế chỉ giữ cái hư vị mà thôi.”

Nam Kỳ Lục Tỉnh đã mất từ năm 1867, Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự tử vì không giữ nổi ba tỉnh phía Tây đất Nam Kỳ. Bắc Kỳ và Trung Kỳ bị “bảo hộ” năm 1884. Thế là chính sách của Pháp chiếm đoạt toàn lãnh thổ Việt Nam làm thuộc địa đã hoàn tất: người ta chỉ còn nói đến Tonkin, Annam, Cochinchine và Indochine ! 

Bắt đầu từ chương năm Claude Gendre đi vào những hoạt động quân sự và mục đích tranh đấu của Đề Thám. Trong tám chương, phần cốt của cuốn sách, tác giả cung cấp cho người đọc những dữ liệu chưa được viết trong sử sách tiếng Việt một cách chi tiết, vẽ lên một cuộc đời đầy sôi động và cái chết bi thảm của Đề Thám. 

Kể từ Hịch Cần Vương ra đời, kể từ năm 1885 trở đi, có nhiều hoạt động chống Pháp lẻ tẻ tại nhiều nơi. Lực lượng của Đề Thám vào tháng chín 1889 gồm khoảng ngàn người trang bị với khoảng 500 khẩu súng.

Doi Van*, một lãnh tụ kháng chiến của vùng đồng bằng ra đầu hàng quan Khâm lược Hoàng Cao Khải vào tháng 3 năm 1890, sau đó lại quay trở về Yên Thế tiếp tục tham dự phong trào Cần Vương, nhưng đến tháng mười lại ra đầu thú, nhưng bị Pháp chặt đầu tại quảng trường Paul Bert tại Hà Nội, đầu phơi trên cây còn xác thì vất xuống sông Hồng.

Hai tướng Pháp, Godin và Godard, được lệnh đi đánh dẹp Ba Phuc* và Đề Thám. Ngày 22 tháng 12 năm 1890 tướng Winckel-Mayer đem 600 quân và 4 đơn vị pháo binh tấn công nhưng cũng không thắng hơn. Ngày 11 tháng 1 năm 1891 tướng Frey đem 1.300 quân tấn công, quân Đề Thám biến mất trong rừng. Cho đến năm 1894 các cuộc đánh nhau giữa Đề Thám và quân Pháp tiếp diễn. 

Chương sáu diễn tả sự “đầu hàng” của Đề Thám. Quân Pháp mỏi mệt vì con hùm xám Yên Thế luôn luôn thoát khỏi mọi sự tấn công của quân Pháp. Tướng Galliéni bèn giao trách nhiệm lại cho Tổng đốc Lé Hoan*, con nuôi của quan Kinh lược Hoàng Cao Khải, kẻ thù không đội trời chung của Đề Thám. Lần lượt, một số các lãnh tụ ra đầu hàng, trong đó có Phu Dang Phu*, tức Ba Ky*, đồng đảng của Lương Tam Kỳ. 

Ba Phuc*, đã 67 tuổi, về đầu hàng ngày 15 tháng 2 năm 1894. Trong khi Ba Phuc* tưởng rằng Đề Thám sẽ cùng về hàng với mình, thì trái lại, Đề Thám lại đứng trên quan điểm rằng sự đầu hàng của Ba Phuc* giải thoát cho Đề Thám mọi nghĩa vụ ràng buộc với ông ta. Quân của Ba Ky* và Ba Phuc* đi theo Đề Thám, người trở thành lãnh tụ cầm đầu của phong trào Cần Vương tại Yên Thế. 

Trong một buổi gặp mặt tại Luoc Ha*, nơi ở của Ba Phuc*, ông ta mời trà Đề Thám. Đề Thám đưa tách trà cho người hầu của Ba Phuc* uống, người này lăn ra chết sau khi uống xong tách trà. Lần sau, Ba Phuc* đến nhà Đề Thám. Hai người ngủ chung trong một căn, gần sáng Ba Phuc đặt một hộp thuốc súng dưới gậm giường của Đề Thám, châm ngòi lửa, rồi trốn ra. Đề Thám thoát chết, nhưng cho vợ con mặc đại tang giả vờ đưa quan tài đi. Quân của Muselier tưởng là đã thành công. Nhưng ngày 17 tháng 9 năm 1894 quân của Đề Thám bắt được hai người Pháp tên là Logiou và Chesnay. Qua trung gian của Giám Mục Velasco, Đề Thám thương lượng với Toàn quyền tạm thời Chavassieur các điều kiện “đầu hàng” và trả tự do cho Logiou và Chesnay. Đề Thám, gia đình và đoàn quân của ông định cư tại Phon Xuong*. 

Ông không được yên lâu, vì cuối năm 1895 tướng Galliéni gởi tối hậu thư đòi Đề Thám ra đầu hàng vô điều kiện, rồi đem quân tấn công Phon Xuong*, một lần nữa, Đề Thám biến mất trong núi rừng Yên Thế. 

Sau khi Phan Đình Phùng tử trận ngày 28 tháng 12 năm 1895 thì Đề Thám coi như trở thành thủ lãnh kháng chiến duy nhất của phong trào Cần Vương. 

Toàn quyền Armand Rousseau qua đời vì bệnh tật ngày 11 tháng 12 năm 1896, Paul Doumer đến thay thế.

Trong chương bẩy Claude Gendre diễn tả ngắn sự gặp gỡ của Kỳ Đồng và Đề Thám, và sau đó, một giai đoạn chủ hòa của Đề Thám khi Paul Doumer làm Toàn Quyền ở Hà Nội. Nếu đã xác định rằng Đề Thám không biết đọc biết viết, thì lá thư ngày 13 tháng 11 năm 1897 của Đề Thám gởi cho Doumer để xin giảng hòa, phải do một người khác viết. Vì thế, tôi thấy những câu lịch sự sáo ngữ trong lá thư này không có gì là quan trọng. Nhưng các điều kiện chủ hòa do Đề Thám đưa ra thật là thú vị và chứng tỏ rằng Đề Thám là một người biết giá trị và sức lực của mình. Cũng vì thế mà tôi không tin rằng Đề Thám và 25 thủ hạ đã quỳ gối lạy Lé Hoan* ba lần. Đề Thám, năm đó 39 tuổi, cao 1,65 m, con mắt đen có cái nhìn sắc bén. Đề Thám đóng đô ở Phon Xuong* và có năm vợ, nhưng chỉ có bà vợ thứ ba tên là Thi Nho* là ông quý nhất. Bà Thi Nho* hạ sinh một gái tên là Thi Thé* (1900) và một trai (1908).

Cá Trong*, 22 tuổi, con của bà vợ cả tên là Thi Tao*, cùng với hai người con nuôi của Đề Thám tên là Cá Rinh*, Ca Huynh*, cùng với 50 người đàn ông khác và gia đình cùng sinh sống với Đề Thám trong nông trại chiến lũy ở Am Dong*. 

Cơ sở sinh sống của Đề Thám dần dần phát triển, yên ổn. 

Nhưng năm 1902, một bác sĩ tên là Gillard, vì lợi ích cá nhân, đã huy động báo chí lên án Đề Thám và vu khống nhiều chuyện để gây khích động trong dư luận và guồng máy cai trị của Pháp. Nhiều vụ cướp bóc đã xẩy ra và quy tội cho Đề Thám. 

Trong chương tám Claude Gendre viết ngắn về phong trào Đông Du, ảnh hưởng của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, việc Cường Để sang Nhật cầu viện, và chỗ đứng của Đề Thám trong các mối quan hệ này. 

Nhưng các chương chín, mười và mười một là những chương then chốt của cuốn sách, cung cấp nhiều chi tiết từ các hồ sơ lưu trữ và sách vở của Pháp. 

Tác giả đã bỏ công viết tỉ mỉ về giai đoạn khó khăn nhất của Đề Thám, khi chính quyền thuộc địa, với sự trợ giúp và thừa hành đắc lực của các quan đại thần triều Nguyễn, như Hoàng Cao Khải, Lê Hoan, bắt đầu từ năm 1908, dốc sức cương quyết tiêu diệt Đề Thám và toàn bộ nghĩa quân Yên Thế, vì Đề Thám, không những chỉ là một tay súng nông dân-kháng chiến bám trụ kiên trì, ẩn hiện như ma trơi, mà trong nhiều năm tranh đấu với Pháp, Đề Thám đã đạt được một tầm mức chính trị quan trọng và có sức quy tụ người cùng chí hướng. 

Vụ Hà Thành đầu độc, dù thất bại và Đề Thám bị thiệt hại nhân sự nặng nề, 13 người bị chặt đầu, 4 người đi đày khổ sai chung thân, 26 người đi đày từ 5 đến 20 năm, 10 người vô tù, nhưng đã gây được xôn xao trong dư luận.

Quân Pháp treo giải thưởng cho cái đầu của Đề Thám và bắt đầu một chiến dịch tảo thanh Đề Thám với nhiều mũi nhọn tấn công liên tiếp từ đầu năm 1909. Chính trong chiến dịch này, lần tấn công Don Dang* vào ngày 12 tháng 2 năm 1909, Jean Gendre, ông nội của Claude, bị thương cùng với 15 quân lính khác, sáu lính tử trận. 

Trong vòng năm năm, từ 1908 đến 1913, vợ, con, thân quyến, nghĩa quân của Đề Thám lần lượt bị giết, bắt sống, đi đày, chặt đầu treo rọ trên cây. Một số thủ lãnh mệt mỏi ra đầu hàng quân địch. Mất người vợ ba, cũng là một người bạn chiến đấu (Bà Đặng thị Nhu, theo sử liệu Việt Nam), Đề Thám cô đơn, len lỏi trong rừng Yên Thế, với vài cận vệ thân tín. Alfred Bouchet theo đuổi Đề Thám bén gót.

Trong chương mười hai, tình huống sự thảm sát Đề Thám đã được Claude Gendre diễn tả chi tiết. Đó là giai đoạn mà Toàn quyền Albert Sarraut bắt đầu nắm quyền chính vào ngày 15 tháng 11 năm 1911 tại Việt Nam.

Đến cuối năm 1912 quân đội thực dân biết rằng núi rừng Yên Thế che chở cho con hùm xám Yên Thế, nên không thể dùng chiến lược đem lực lượng quân sự tảo thanh và đánh thẳng được mà phải dùng cách đánh lén đánh ngầm bằng lực lượng cảnh sát cơ sở. 

Jules Bosc, Giám Đốc về Quan Hệ Chính Trị của Phủ Toàn Quyền, tìm sự góp sức của chủ đảng cướp Trung Hoa cũ – Lương Tam Kỳ – nhưng hắn ta đã già, cho nên giao cho con trai là Lương Văn Phúc lãnh nhiệm vụ, đang làm tri huyện trong vùng kiểm soát của cha. Ba thằng giặc cướp người Tàu gốc Guang Xi* (Tsan Tac Ky*, 51 tuổi, Ly Seng Wa* 37 tuổi và Tsan Fong Tsan*, 28 tuổi) nhận lệnh bắt sống Đề Thám để giải về đồn gần nhất, đồn Kep* hoặc đồn Nha Nam*. 

Một tên lính cũ của Đề Thám đã về đầu hàng quân Pháp tên là Ly Bac*(còn có tên là Chánh Tây) chơi nước đôi, phản bội Đề Thám, đưa bọn Tàu về chỗ Đề Thám. Chúng tìm cách đến gần Đề Thám, giả đò sẽ đem lại trang bị vũ khí và thề thốt trung thành với Đề Thám, trong khi quân Pháp cũng giả vờ bỏ ý định săn đuổi Đề Thám. Ông mắc mưu, cho ba tên phản bội người Tàu ở gần. Trong mọi tình huống chiến tranh, kẻ thù trước mặt không nguy hiểm bằng kẻ phản bội kề cận bên mình !

Vì một sự sơ hở của Bouchet mà Ly Bac* biết được ý định của ba tên phản bội, bèn báo động Đề Thám. Đề Thám nói với thủ hạ: “phải hạ ba cây cản trở chúng ta, trước hết là cây lớn nhất”, ngầm ý sẽ tiêu trừ ba tên Tàu, nhưng Tsan Fong Tsan hiểu tiếng Việt, chúng bèn quyết định ra tay trước. 

Khoảng năm giờ sáng ngày 10 tháng 2 năm 1913 chúng xông vào chỗ ngủ của Đề Thám, Đề Thám đang ngủ bị tấn công bất ngờ, thức dậy, nhưng không kịp trở tay bị chém chết bằng những nhát cuốc bổ vào đầu. Hai người cận vệ thức giậy chạy vào, cũng bị bọn Tàu bắn chết. 

Sau đó chúng chặt đầu Đề Thám, xẻo tai hai người cận vệ, đem theo ba khẩu súng về Chợ Gỗ nộp cho Bouchet. Bouchet đi với cận vệ đến tận nơi thảm sát để xác định sự việc. Thi thể cụt đầu của Đề Thám bị hành nhục nặng nề, gan, mật bị moi. Tên Ly Bac* moi mật Đề Thám, phơi khô, lận trong giây nịt quần để ngâm trà uống. Bouchet ra lệnh chặt đầu hai người thủ hạ thân tín của Đề Thám, để mang cả ba đầu về phơi ở chợ Nhã Nam, còn thân thể cả ba người bị đốt cháy, để tránh thờ phượng anh hùng. Lương Văn Phúc được thưởng 20.000 đồng, Lương Tam Kỳ được thăng Đề Đốc. Ly Bac* được thưởng một mảnh ruộng. Ba thằng Tàu giết người được thưởng tiền rồi đi về Thái Nguyên. 
Đề Thám, 55 tuổi đời, người đã làm cho quân Pháp điêu đứng mấy chục năm trời, không chết vì thua trận, mà chết vì bị phản bội.
 

“Ở đây là đất ông Đề,
Tây vô thì có, Tây về thì không.”

Trong những dòng sách sử, người đọc không chỉ tìm thấy những dữ liệu, ngày tháng năm hay địa danh, hoàn toàn khách quan, mà nhận thấy ngay con người viết sử, lấp lánh qua nhiều nét nhân cách đặc biệt tiềm ẩn trong văn. Qua Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim tỏ ra mình là người buông xuôi theo thời thế, chấp nhận mọi hoàn cảnh vì tự lượng không có sức để thay đổi. Qua Đại Việt Sử Ký Toàn Thư các tác giả chép sử “chép” đúng theo quân quyền, lạnh lùng, theo lệnh của người cai trị nước. Qua Hoàng Lê nhất thống chí, được ghi nhận là một cuốn lịch sử tiểu thuyết, Ngô Thời Chí bộc lộ nhiều tình cảm, không chỉ viết một chiều, trung thực, giúp người đời sau hình dung được hoàn cảnh lịch sử của những thế kỷ xa xưa. Qua “le Dê Tham”, Claude Gendre cũng đã chọn một chỗ đứng cho mình: ông là người bênh vực, khâm phục và thương cảm Đề Thám. Dù cuốn sách của ông, trực tiếp, không phải là một “bản án chế độ thực dân Pháp”, nhưng người đọc nhận thấy những bất công của thời kỳ thuộc địa qua ngòi bút của Claude Gendre. Tuy có thiếu sót, theo thiển ý của tôi, nhưng cuốn sách ” Le Dê Thám” là một cuốn sách quý, giúp cho người Việt Nam có thêm một nguồn tham khảo đáng tin cậy. 

 Tuyết Trần, France 2007

Nguồn: vietsciences.free.fr
 

Phụ chú: 

1) Rất nhiều tên địa danh và tên người trong sách được viết không có bỏ dấu, hoặc thay đổi dấu, thí dụ như Cá Rinh hay Ca Rinh, cho nên tôi phải ghi chú bằng dấu *, và giữ nguyên cách viết của tác giả, vì không thể đoán mò, hay tự sửa lại được, thí dụ như tác giả viết là Cá Trong, thì tôi phải để nguyên như thế, tuy rằng tôi thầm nghĩ rằng: Cá Trong hay là Cả Trọng ?! 

2) YÊN THẾ

là một huyện ở phía bắc tỉnh Bắc Giang, có sông Sói, sông Thương chảy qua, diện tích gồm 301 km2, trong đó có 14 nghìn ha đất rừng, có 3 thị trấn: Bố Hạ, Nông trường Yên Thế, Cầu Gỗ, và 18 xã: Phồn Xương, Xuân Lương, Canh Nậu, Đồng Vương, Đồng Tiến, Tam Tiến, Tam Hiệp, Tiến Thắng, Tân Hiệp, Đồng Kỳ, Hồng Kỳ, Đồng Hưu, An Thượng, Đồng Lạc, Hương Vĩ, Đông Sơn, Tân Sỏi, Bố Hạ. Dân số năm 2003 có 91.700. Vùng Yên Thế trồng lúa, đậu tương, chè, cây ăn quả: vải, na, trám, cam (Bố Hạ), khai thác than (Bố Hạ), sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản. Các trục giao thông chính là quốc lộ 37, tỉnh lộ 244, 287, đường sắt Trại Cau – Kép. 

Mỗi năm có Hội Yên Thế vào ngày 26-4, tức ngày 10 tháng 3 âm lịch, tại xã Phồn Xương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, để tưởng nhớ đến Hoàng Hoa Thám – người chỉ huy cuộc khởi nghĩa Yên Thế nổi tiếng. Địa điểm tổ chức hội là xã Phồn Xương, nơi trước kia là đại bản doanh của nghĩa quân Yên Thế. Hội được tổ chức với rất nhiều trò vui như kéo co, đấu vật, đánh cờ người, thi võ…Di tích về Đề Thám còn lại là đồn Phồn Xương, Hố Chuối.
Nhà văn Nguyên Hồng có viết cuốn tiểu thuyết lịch sử “Núi rừng Yên Thế” 3 tập, tập I in năm 1981, về cuộc khởi nghĩa của Đề Thám.
 

0