Lịch sử Thái bình Thiên quốc
Biên khảo/ Hồ Bạch Thảo I. Quân Thái Bình Thiên Quốc nổi dậy [1850-1854] 1.Bối cảnh lịch sử sau chiến tranh nha phiến : Dân cùng, tài lực tận, nguyên nhân không xẩy ra trong sớm tối ; nhưng chiến tranh nha phiến là giai đoạn tột cùng sức chịu đựng. Quảng Ðông, ...
Biên khảo/ Hồ Bạch Thảo
I. Quân Thái Bình Thiên Quốc nổi dậy [1850-1854]
1.Bối cảnh lịch sử sau chiến tranh nha phiến :
Dân cùng, tài lực tận, nguyên nhân không xẩy ra trong sớm tối ; nhưng chiến tranh nha phiến là giai đoạn tột cùng sức chịu đựng. Quảng Ðông, Chiết Giang, Giang Tô là những chiến trường chủ yếu. Tại Quảng Ðông, quyên lương hướng từ thương nhân, quan lại bắt lính, đòi lương, ngày ngày cấp bách ; dân chúng Chiết Giang nửa số lưu ly, không cung cấp nổi lương và nhân lực ; tỉnh Giang Tô phải gánh vác nặng nề. Sau chiến tranh cứ nạp 1 thạch lương, phụ thu thêm 3 thạch ; thuế đinh, thuế điền, 1 lạng bạc thu thêm 4,5 ngàn đồng tiền. Sự đóng góp nặng nề của dân đương nhiên do bởi khoản tiền bồi thường cho người Anh, lần thứ nhất 600 vạn nguyên, lấy từ ngân khố các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang ; số còn lại 1.500 vạn nguyên, thì 8/10 lấy từ các tỉnh.
Về phương diện chính trị, sau chiến tranh nha phiến uy tín chính phủ hoàn toàn táng thất, nhưng dân lại vùng lên. Tổng đốc Lưỡng Quảng Kỳ Anh nhận định rằng “ Quan sợ ngoại Di, ngoại Di sợ trăm họ ” “ Dân có thể làm sợ cái người mà quan sợ, thì dần dần dân sẽ coi thường nắm quan trong tay ; ngoại hoạn tuy bớt nhưng nội hoạn sẽ dấy lên.”
Rõ ràng sau chiến tranh nha phiến nội loạn đã xẩy ra không ngớt. Năm 1843 đặc biệt xẩy ra tại các tỉnh Quảng Ðông [Guangdong], Quảng Tây [Guangxi], Hồ Nam [Hunan] ; như Thiên Ðịa hội tại huyện Hương Sơn, Quảng Ðông ; dân đói nổi dậy tại Vũ Xương [Wugang], Hồ Nam. Kế đó các mối loạn khác xẩy ra liên tục hàng năm, như vụ dân bị mất mùa đói khát nổi loạn tại Quảng Tây ; Lý Nguyên Phát, Lôi Tái Hạo nổi dậy tại Tân Ninh [Xinning, Hồ Nam] ; tại Quảng Đông, bọn Trương Gia Phúc mang đồ đảng mấy ngàn cướp phá bốn phương. Đến năm 1850 Thiên Ðịa hội hoạt động mạnh tại tỉnh Quảng Ðông, vây thành Triệu Khánh, đánh bại quan quân tại lộ phía bắc, xâm nhập tỉnh Quảng Tây ; trong 11 phủ của tỉnh này có 8 phủ bị Thiên Ðịa hội chiếm cứ, đó cũng là lúc Thái Bình Thiên Quốc của Hồng Tú Toàn chính thức cử sự.
2. Cuộc vận động phản Thanh của Hồng Tú Toàn và đồ đảng :
Hồng Tú Toàn [1814-1864] là dân ngụ cư tại huyện Hoa [huado], tỉnh Quảng Ðông, lúc nhỏ học 9 năm trường tư, tương đối có tài ; năm 18 tuổi mở lớp dạy học. Là một phần tử trí thức lúc bấy giờ, chỉ muốn thi đậu để được công danh phú quý ; Hồng 2 lần đến Quảng Châu ứng thí, nhưng không đậu ; năm 1843 lại thi rớt thêm một lần nữa. Lúc bấy giờ có Chu Cửu Trù đề xướng Thượng Đế hội, còn gọi là Tam điểm hội, Tú Toàn và người cùng làng theo ; Cửu Trù mất, Hồng Tú Toàn được tôn lên làm Giáo chủ. Nhân bị bệnh nặng hơn 30 ngày ; sau cơn bệnh kể rằng Thiên sứ đưa lên trời, Thiên phụ Thượng đế sai chém trừ yêu ma, cứu vớt người đời ; có Thiên huynh Cơ Ðốc ra sức phù trợ. Trước thời gian đó, Hồng tại Quảng Châu tìm đọc một quyển sách nhan đề Khuyến thế lương ngôn do Giáo đồ Cơ Ðốc Lương Phát Tiết soạn, nội dung dẫn dụng thánh kinh Cơ Ðốc, cùng ý nghĩa của đạo. Luôn 3 lần thi rớt, đầy phẫn khích, trong lòng ôm chí hướng khác ; lại đọc qua quan niệm mới của tôn giáo, thấy có thể lợi dụng được, bèn tạo ra việc lên trời vv… Tuy nhiên trong vòng 7 năm sau, chưa thấy Hồng có hành động thực tế nào, lại còn đi thi thêm 2 lần nữa.
Huyện Hoa vốn gần Quảng Châu, trong thời kỳ chiến tranh nha phiến các quan văn võ tại Quảng Châu sợ hãi thất thố, quân binh khiếp nhược không dám đánh ; chỉ một vài ngàn quân Anh phụng thờ Thượng đế, ra uy như chỗ không người, dày xéo duyên hải, sông Trường Giang ; triều đình nhà Thanh phải cúi đầu khuất phục. Những sự kiện nêu trên, nếu Hồng Tú Toàn không thấy, thì cũng đã từng nghe, nhận ra thời cơ tốt đã tới. Năm 1843, tức sau chiến tranh 2 năm, đọc kỹ lại Khuyến thế lương ngôn, cảm thấy những điều trong sách và cái mà Hồng hư cấu về thần thoại lên trời phù hợp ; Hồng xác nhận rằng đã nhận mệnh Thượng đế làm Thiên tử, Khuyến thế Lương ngôn là Thiên thư được Thượng đế ban cho, bèn tôn phù Bái Thượng đế hội. Ðồng chí đầu tiên của Hồng là Phùng Vân Sơn, cũng dân ngụ cư cùng làng và bạn học chung trường. Vì hủy hoại bài vị Khổng Tử, khiến hương lý không dung, họ phải rời huyện Hoa. Năm 1844 Hồng và Phùng chu du các huyện chung quanh Quảng Châu, rồi đến huyện Quý [Quigang] tỉnh Quảng Tây để tuyên truyền. Nhưng số tín đồ không đông, Hồng lại trở về huyện Hoa, riêng Phùng đến Quế Bình [Guiping, Quảng Tây] thuộc phía đông bắc huyện Quý.
Hồng sống tại nhà trong 2 năm, lo việc trước thuật tôn giáo và chính trị ; thuyết rằng người trong cõi phàm là một nhà, tất cả đàn ông là anh em, đàn bà là chị em ; Thượng đế sinh dưỡng bao bọc, ơn tự đó ra, ai trái với trời chịu tội lớn. Ngày nay “ loạn cực sẽ trị, tối cực sẽ sáng, đó là đạo trời, đêm tan dần, mặt trời sẽ mọc.” Theo đạo của Thượng đế khiến loạn thế biến thành công bình chính trực, cộng hưởng thái bình “ Trước lúc sinh Thượng đế chăm lo, lúc chết lên thiên đường, vĩnh viễn tại trời hưởng phúc.” nếu không sẽ biến thành yêu ma “ lúc sống bị quỷ trói, lúc chết bị quỷ đánh, vĩnh viễn tại ngục chịu khổ.” Lại chế ra Thập thiên điều, khuyên : kính bái Thượng đế, không kính bái tà thần, không kêu tên Thượng đế vô cớ, lễ bái trong 7 ngày, hiếu thuận cha mẹ, không giết người hại người, không gian tà dâm loạn, không trộm cướp, không nói hoang ngôn, không động lòng tham.
Luận về thời sự, thì khẳng khái ngang tàng “ Với 18 tỉnh lớn bị chế ngự bởi 3 tỉnh Mãn Châu, với 5 vạn vạn người Hoa bị chế ngự bởi vài trăm vạn giặc Thát, thực đáng sỉ, đáng nhục. Lại mỗi năm tiền bạc hàng hóa Trung Quốc biến thành khói thuốc, hút máu mỡ của dân ; một năm nặng nề như vậy, thì 200 năm triền miên, dân Trung quốc kẻ giàu biến thành nghèo, kẻ nghèo không khỏi phạm pháp ” Năm 1847, Hồng đến Quảng Châu sống khắc khổ với Giáo sĩ Mỹ I. J. Robert [La Hiếu Toàn] để đọc Cựu Ước, rồi quay lại Quảng Tây.
Lúc này Phùng Vân Sơn tại núi Tử Kinh, huyện Quế Bình, tỉnh Quảng Tây đạt thành tựu lớn. Tử Kinh là chốn núi rừng rậm rạp, nằm giữa giao lộ các huyện Quế Bình, Bình Nam [Pingnan], Vũ Tuyên [Wuxuan], Tượng Châu [Xiangzhou] ; nơi này tụ tập nhiều dân khai khẩn. Tại vùng đất thuận lợi này, trong 3 năm Phùng Vân Sơn tổ chức được lực lượng cơ bản Bái thượng đế hội. Tín đồ tại Quế Bình khoảng 2.000, các huyện phụ cận đều có đông đồ đảng. Bọn cốt cán như Dương Tú Thanh, Vi Chính, Tiêu Triều Quí, Thạch Ðạt Khai, Tần Nhật Cương, Hồ Dĩ Quang đều nằm trong đó.
Lúc Hồng Tú Toàn đến, các nơi tại Quảng Tây bừng lên, khi tan là dân, khi tụ thành giặc ; mỗi nhóm đều có Ðầu mục, hoạt động rất mạnh, truyền ngôn rằng “ Kiếp vận sắp dấy lên, Bái thượng đế sẽ được miễn ” “ Trong 10 nhà có 5, 3 hoặc 8 người theo, cũng có những người đọc sách rõ ràng thì không theo ; người theo phần nhiều thuộc nhà bần khổ.” Hồng Tú Toàn phá tượng thần, dán thiếp “ Thiên điều ” người xem đông đúc, châu huyện không dám can thiệp. Rồi “ xa gần truyền miệng, tín đồ càng đông ” dẫn đến việc sĩ tử thân hào địa phương cùng Bái Thượng đế hội xung đột. Lợi dụng địa phương này lắm loạn lạc, Hồng Tú Toàn và Dương Tú Thanh lập Bảo lương công phỉ hội [hội bảo vệ lương dân đánh thổ phỉ], luyện quân, dự trù lương thực, người theo rất đông. Tri huyện Quế Bình dụ đến và bắt được, cùng tịch thu 17 danh sách người theo, nhưng Tuần phủ Trịnh Tổ Thâm không quyết định tội, rồi tha. Từ năm 1847 đến 1848, Phùng Vân Sơn hai lần bị đoàn luyện bắt, nhưng viên Tri huyện Quế Bình ăn hối lộ, cho trả về nguyên tịch Quảng Ðông, rồi giữa đường tìm cách thoát. Hồng nhân Phùng bị bắt, đích thân về Quảng Ðông tìm cách cứu nhưng không thành, rồi cả hai đều quay trở lại Quảng Tây.
Lúc Phùng bị bắt, rồi Phùng và Hồng đi Quảng Ðông, Bái Thượng đế hội trải qua cơn dao động ; Dương Tú Thanh, Tiêu Triều Quý giả danh Thiên phụ, Thiên huynh xuống trần để trấn tĩnh nhân tâm ; Dương là kẻ đốt than trong núi, có nhiều trí mưu ; Tiêu là nông dân tự canh 1, dõng cảm giỏi đánh nhau. Năm 1849, Hồng Tú Toàn từ Quảng Ðông đến, tự cho rằng biết tiếng nói của trời, gọi trời là Gia Hòa Hoa, Gia Tô là anh cả, Hồng là em thứ hai. Rồi nằm trong nhà riêng, không cho ai dòm ngó, không đưa cơm nước ; vài ngày sau ra khỏi nhà, bảo rằng đã bàn luận với Thượng Đế, nên ai cũng sợ. Lại chứng thực việc Dương và Tiêu là Thiên phụ, Thiên huynh hạ phàm, vì khi y lên trời đã từng thấy. Kể từ đó Dương trở thành phát ngôn nhân của Thượng đế, Tiêu thành phát ngôn nhân của Cơ Ðốc. Dương rất gian hùng, thỉnh thoảng mượn danh Thiên phụ hạ phàm để đề cao bản thân, quyền ngang ngửa với Hồng Tú Toàn.
3. Hồng Tú Toàn sáng lập Vương triều mới
Lúc bấy giờ tình hình Quảng Tây sôi sục, quan quân không có tháng nào không tổn quân mất tướng ; dân chúng có lời đồn rằng năm Tân Hợi [1852] “ Thanh tận, Minh phục ”. Vào năm 1852, Ðạo Quang mất, lời đồn lại càng mạnh ; Bái Thượng đế hội mê hoặc càng lớn, một người vào hội, cả nhà cùng theo. Người vào hội đưa gia tài điền sản hiến vào của công, không cho giữ riêng ; tổ chức theo lối quân sự, 5 người 1 ngũ, 5 ngũ 1 lưỡng, 4 lưỡng 1 tốt, 5 tốt 1 lữ, 5 lữ 1 sư, 5 sư 1 quân ; mỗi đơn vị đặt Ngũ trưởng, Lưỡng tư mã, Tốt trưởng, Lữ soái, Sư soái, Quân soái ; trên Quân soái có Giám quân, Tổng chế, Tướng quân, Chỉ huy, Kiểm điểm, Thừa tướng, Chủ tướng, Quân sư.
Tháng 7/1850 Bái Thượng đế hội hiệu triệu các đồ đảng đến “ đoàn doanh ” tại Kim Ðiền [Jintianzhen], huyện Quế Bình. Ðể quan quân bớt chú ý, Hồng Tú Toàn, Phùng Vân Sơn trú tại Bình Nam, Dương Tú Thanh giả làm người câm điếc. Tổng bộ của Bái Thiên địa hội đặt tại nhà Vi Chính ở Kim Ðiền, đơn vị đến đầu tiên từ châu Quý, dưới quyền Thạch Ðạt Khai. Tháng 11 các địa phương đến tương đối đông, Dương Tú Thanh đầu tiên mang đồ đảng đánh thắng quan quân tại Bình Nam ; rồi phối hợp với Hồng Tú Toàn, Phùng Vân Sơn quay lại đánh Kim Ðiền, lại hoạch thắng lợi. Vào ngày 11/1/1851 [10 tháng 12 năm Ðạo Quang thứ 20] Hồng Tú Toàn đặt niên hiệu Thái bình thiên quốc, tự xưng là Thiên vương, vợ Lại thị làm Hoàng hậu ; phong cho Dương Tú Thanh, Tiêu Triều Quý, Phùng Vân Sơn, Vi Chính, Thạch Ðạt Khai, chia giữ Trung, Tiền, Hậu, Tả, Hữu, Quân chủ tướng. Quân số ước 1 vạn, đánh giỏi khoảng 2,3 ngàn, có cả nữ doanh.
Bái Thượng đế hội và Thiên địa hội có điểm tương thông, đó là phản Thanh ; nên Hồng Tú Toàn hy vọng có thể thu hút được thế lực này. Số Thiên địa hội theo Hồng không ít, nhưng số chống lại cũng nhiều. Thứ nhất họ không thích quy luật nghiêm khắc của Bái Thượng đế hội ; thứ hai là hai bên chủ trương về tôn giáo, chính trị bất đồng. Thiên địa hội thờ 5 vị tổ 2, Bái Thượng đế hội chỉ thờ Thượng đế, Thiên phụ, Thiên huynh. Thiên địa hội hiệu triệu khôi phục nhà Minh, Hồng Tú Toàn thì muốn tự thiết lập vương triều.
Tóm tắt về thành viên Thái bình thiên quốc, gồm kẻ sĩ bất mãn như Hồng Tú Toàn, Phùng Vân Sơn ; nông, công gặp nghịch cảnh như Dương Tú Thanh, Tiêu Triều Quý ; Thân sĩ địa chủ hiểu chút ít thơ văn như Vi Chính, Thạch Ðạt Khai, Hồ Dĩ Quang ; chỉ huy hương dõng như Tần Nhật Cương. Lớp dưới thì ngoài nông dân, công nhân ; có kẻ gánh thuê, chèo thuyền thuê, buôn bán, lính đào ngũ, du đãng, cướp bóc. Nói về quê quán thì hầu hết là Lưỡng Quảng, nhưng phần lớn là Quảng Tây ; cũng có một vài người tại tỉnh khác giữ chức trọng yếu.
Triều đình Bắc Kinh đối với tình hình tỉnh Quảng Tây không hiểu một cách rõ ràng. Khởi đầu qua tấu báo, Tuần phủ Quảng Tây chưa đề cập đến Bái Thượng đế hội. Tháng 9/1850 Thiên Ðịa hội đánh đến gần tỉnh thành Quế Lâm [Guilin], mới sai Tổng đốc Lưỡng Quảng Từ Quảng Thiệu đến liệu biện, điều Hướng Vinh làm Ðề đốc Quảng Tây. Từ lo dẹp loạn tại Quảng Ðông, không rảnh để ứng phó hai bên, lại đưa Lâm Tắc Từ lên làm Khâm sai đại thần. Lâm mất trên đường đi, bèn cải dùng viên Tổng đốc Lưỡng Giang 3 Lý Tinh Trầm thay thế và cử Tổng đốc Hồ Quảng, Chu Thiên Tước, làm Tuần phủ Quảng Tây. Trong văn thư chỉ đề cập đến Thiên địa hội, mãi đến tháng 11/1850 mới bắt đầu chú ý đến Bái thượng đế hội. Vào tháng 1/1851 Hồng Tú Toàn, Dương Tú Thanh đại phá quân Quý Châu [Guizhou] tại Quế Bình, tiến đánh cửa Hoàng Giang tại Bình Nam ; Lý Tinh Trầm biết rằng đây là chốn trọng yếu, bèn tập hợp trọng binh trong vòng hơn một tháng, nhưng chỉ qua một trận, lại bị thua.
Thái bình quân có niềm tin tôn giáo, hành quân không xâm phạm vật nhỏ của dân, lâm trận chịu sự ước thúc, trở thành một đạo quân mạnh ý chí kiên cường, lại được nhân dân ủng hộ. Chiến lược “ lấy cố thủ làm chính, mài mũi nhọn, dưỡng nhuệ khí, không giao chiến với quan quân ngay ; tương trì nhiều ngày, đợi lúc quan binh lơ là, thình lình đột xuất, như dời núi triều dâng, không có gì cự nổi.” Quân Thanh thì tướng soái bất hòa, suy uỷ kèn cựa ; quân tiếp viện không được tập luyện, hiệu lệnh bất nhất, sợ co lại không dám tiến. Tuần phủ Chu Thiên Tước từng đem thế lực hai bên ra so sánh “Giặc càng đánh càng thêm nhiều, nhưng ta càng đánh càng khiếp ; giặc hung hãn nỗ lực không phải là đám ô hợp, bọn chúng kỷ luật nghiêm minh, nhưng quân ta thì không có chút kỷ luật nào, thoái dễ mà tiến rất khó.” “ Giặc dùng thuốc mê, bị thương cũng không màng, đánh đến chết thôi ”. Quan quân cho rằng “ giặc có tà thuật ” hoặc “ Giặc dụng binh toàn theo phép Tây Dương ”. Ngoài chỗ quan binh đóng quân, thôn xóm đều theo Bái Thượng đế hội ; cái gọi là tà thuật chỉ là niềm tin tôn giáo, còn cái gọi là dụng binh theo phép Tây phương chỉ là nỗi lo sợ của chiến tranh nha phiến còn sót lại. Khâm sai đại thần Lý Tinh Trầm thấy tình thế không kham nổi, tấu xin chọn thống soái và điều thêm quân, nếu không toàn cuộc không cứu vãn được.
Tháng 3/1851 quân Thái bỉnh thiên quốc từ cửa Hoàng Giang quay trở về Vũ Tuyên, Tượng Châu rồi hướng lên Quế Lâm phía bắc, bị đánh thua ; lại quay về trấn Kim Ðiền [Jintianzhen], bị quân Thanh bao vây. Tháng 8 phá vòng vây rồi theo đường tắt lên phía bắc ; ngày 25/9 chiếm được thành trì đầu tiên là châu lỵ Vĩnh An 4. Tại Vĩnh An dừng chân 6 tháng, củng cố lực lượng ; lúc bấy giờ khoảng hơn 3 vạn, 5.000 có khả năng chiến đấu. Phong Dương Tú Thanh làm Ðông vương, Tiêu Triều Quí Tây vương, Phùng Vân Sơn Nam vương, Vi Chính Bắc vương ; phân biệt coi đông, tây, nam, bắc các quốc ; Thạch Ðạt Khai là Dực vương, làm vây cánh cho triều đình. Thiên vương xưng Vạn tuế ; các Vương khác theo thứ tự xưng Cửu thiên tuế, Bát thiên tuế vv… Thiên vương là vạn quốc chân chúa, các vương khác dưới quyền tiết chế của Ðông vương, quyền lực không kém Thiên vương. Trong quân chia ra các trại nam, nữ ; Nữ vương, Nữ binh phần nhiều là dân bộ lạc Giao, đi chân trần, xõa tóc, mang khí giới, khỏe mạnh hơn cả đàn ông ; nam, nữ phân biệt nghiêm, không cho sống chung.
Ngoài tổ chức quân sự, vấn đề kinh tế cũng được họ chú trọng. Lúc khởi đầu kẻ gia nhập Bái Thượng đế hội, cố nhiên phải đem tài sản sung công ; sau khi cử sự, những kẻ bị ép gia nhập, ngoài việc nạp tài vật, phải đem nhà cửa thiêu hủy, để tuyệt đường lưu luyến, một lòng theo hàng quân. Khi mới chiếm Vĩnh An, Thiên vương hiệu triệu các binh tướng “ Phàm giết yêu tặc, chiếm thành, tịch thu được vàng bạc, gấm lụa, bảo vật, phải nạp vào Thiên triều thánh khố, kẻ nào trái lệnh bị xử chém.”
Về chế lịch, Thái bình thiên quốc có “ Thiên lịch ”. Lịch mỗi năm 365 ngày, tháng 31 ngày gọi là đơn nguyệt, tháng 30 ngày gọi là song nguyệt ; không có ngày tốt, xấu ; lịch này không hẳn Trung hay Tây, đây là sự kết hợp giữa Âm và Dương lịch. Lịch cũng chia 7 ngày 1 tuần, nhưng ngày Chủ nhật trước Dương lịch 1 ngày ; cũng chấp nhận can chi 5 để ghi ngày, nhưng trước lịch Trung Quốc 1 ngày.
Ðại biểu cho tinh thần lý luận của Thái bình thiên quốc là 3 thiên cáo văn của Dương Tú Thanh và Tiêu Triều Quý ban bố vào tháng 6/1852 ; sở dĩ lấy tên 2 người này, vì bọn họ là đại diện cho Thiên phụ, Thiên huynh. Cáo văn có đoạn “ Thiên hạ của Thượng đế, bọn Mãn Châu là rợ Hồ yêu quái, gây độc hỗn loạn, cải biến trung châu hình tượng, y phục, ngôn ngữ ; làm nhục phụ nữ Trung Quốc, ức hiếp nam nhân ; thủy tai hạn hán không chu cấp, tham ô tước lột. Với 5 ngàn vạn dân chúng Trung Quốc lại bị chế ngự bởi 10 vạn Mãn Châu, thực đáng nhục. Hiện tại Hoàng thiên giận dữ, mệnh Thiên vương giúp quét sạch yêu nghiệt, khuyếch thanh thiên hạ, hưng phục đất nước bị trầm luân, thiết lập cương thường ; hy vọng toàn thể đồng tâm đồng lực quét sạch rợ Hồ.”
4. Quân Thái bình trên đà chiến thắng chiếm Nam Kinh rồi khai triển lên phía bắc và quay ngược về hướng tây
Thái bình thiên quốc chiếm Vĩnh An chưa được bao lâu thì bị vây ; lúc bấy giờ quân Thanh vũ khí tương đối tốt, quân Thái bình thiếu tiếp tế nên gặp khó khăn. Vào tháng 3/1852, lực lượng phu mỏ tại huyện Quý đến tiếp viện ; Hồng Tú Toàn ra lệnh đột vây, đại phá quân Thanh tại doanh Thọ Xuân, tiến chiếm Cổ Thúc Xung, Tiểu Lộ Quan, tại Quảng Tây. Thừa tướng quân Thái bình Tần Nhật Cương đóng tại Tiên Hồi Lãnh [Xianhuixiang, Quảng Tây] bị quân của Phó đô thống Ô Lan Thái đánh thua, chết hàng ngàn, bắt được Thiên đức vương Hồng Đại Toàn, sau đó quân Lan Thái bị phục kích tại rừng thua to. Lúc bấy giờ Hồng Tú Toàn theo mưu của Dương Tú Thanh dùng đường tắt Mã Lãnh [Malingzhen, Quảng Tây] tập kích tỉnh lỵ Quế Lâm, Ô Lan Thái mang bại quân về cứu, bị tử thương tại cầu Tướng Quân phía nam thành. Tháng 4, Hướng Vinh mang quân đi vòng đến tăng viện, nhờ vậy giữ được thành. Quân Thái bình đánh Quế Lâm không hạ được, bèn tiến quân lên phía bắc. Nam vương Phùng Vân Sơn từ Toàn Châu [Quanzhou, Quảng Tây] mang quân theo hướng Trường Sa [Changsha, Hồ Nam], đến bến Xuy Y [Quảng Tây] bị phục kích tử thương, đó là một tổn thương lớn. Tháng 6 vào tỉnh Hồ Nam, bị binh dõng của Giang Trung Nguyên đánh thua ; bèn mang quân xuống phía nam chiếm Ðạo Châu [Daoxian, Hồ Nam], dừng lại trong 2 tháng. Tại đây đồ đảng được 2 vạn người, bèn bổ sung quân ngũ, tu tạo chiến cụ, thế quân tăng nhanh. Tháng 7 chiếm được các huyện Giang Hoa [Jianghua, Hồ Nam], Ninh Viễn [Ningyuan, Hồ Nam], Gia Hòa [Jiahe, Hồ Nam]. Tháng 8 chiếm Quế Dương [Guiyang, Hồ Nam] bị quân Giang Trung Nguyên đánh đuổi, bèn xua quân sang hướng đông chiếm Lâm Châu [Chenzhou, Hồ Nam] số người theo lên đến 3 vạn. Tháng 9, Tây vương Tiêu Triều Quí cho rằng Trường Sa đơn độc, có thể hành quân gấp chiếm lấy ; bèn đốc suất Lý Khai Phương, Lâm Phượng Tường theo hướng Trà Lăng [Chalinh, Hồ Nam], Lễ Lăng [Liling, Hồ Nam] đánh vào phía nam thành Trường Sa [Changsha, Hồ Nam], bị trúng pháo chết ; đây là một tổn thất lớn của quân Thái bình. Tháng 10 Hồng, Dương mang quân chủ lực đến đánh Trường Sa, nhưng chưa hạ được. Cuối tháng 11, quân Thái bình ban đêm vượt sông Tương Giang sang phía tây, lấy được hàng 1.000 chiếc thuyền tại Ích Dương [Yiyang, Hồ Nam], bèn theo hồ Ðộng Ðình [Dongting lake, Hồ Nam] vượt sang phía đông chiếm Nhạc Dương [Yueyang, Hồ Nam]. Tại đây, chỉ trong một tuần tịch thu được 5000 chiếc thuyền, chở đầy chiến lợi phẩm ; thuyền rồng của Hồng Tú Toàn, hộ vệ bởi đại pháo, ban đêm trương 36 ngọn đèn xung quanh, các thuyền khác đều bắt chước, khiến ánh lửa sáng như ban ngày, suốt hàng chục dặm. Hai đạo quân thủy lục theo hướng xuôi dòng sông Trường Giang [Dương Tử, Changjiang] nhắm Vũ Xương [Wuchang, Hồ Bắc] tiến phát. Trước đó 5 tháng Thái bình thiên quốc đã sai người ngầm dán bố cáo tại Vũ Xương, chứng tỏ sức thâm nhập nhanh. Ngày 22/12, gặp mùa đông nước cạn, quân Thái bình dùng thuyền xiềng dây sắt, làm thành đường băng qua 2 sông, đến ngay dưới chân thành Vũ Xương, có đến 15 vạn người. Trước tiên chiếm Hán Dương [Hanyang, Hồ Bắc], sau đến Hán Khẩu [Hankou, Hồ Bắc] ; ngày 12/1/1853 hạ thành Vũ Xương, đây là tỉnh thành thứ nhất bị chiếm ; quân Thái bình chỉ giết quan binh, không giết dân chúng. Tại Vũ Xương đóng hơn 20 ngày, tuyên truyền dân chúng rằng những người theo Bái Thượng đế hội tài sản sung công, nam vào quân doanh, nữ vào nữ quán, những người không theo, có thể đem vàng, ngọc, tiền, gạo đến “ Tiến cống sở ”, rồi làm dân như cũ.
Sau khi Trường Sa bị vây, Từ Quảng Tấn được giao chức Thống soái ; đến lúc tỉnh Hồ Bắc bị hãm, triều đình nhà Thanh sai Tổng đốc Lưỡng Giang Lục Kiến Doanh, và Tuần phủ Hà Nam Kỳ Thiện làm Khâm sai đại thần chia phòng thủ tại các tỉnh Giang [Chiết Giang, Giang Tô], Hoán [An Huy], Dự [Hà Nam] ; nhắm ngăn quân Thái bình tiến sang phía đông và bắc. Sau khi Vũ Xương thất thủ, Từ Quảng Tấn bị cách chức điều tra, cử Hướng Vinh thay thế. Ngày 9/2/1853 quân Thái bình từ các trấn Vũ, Hán, dùng trên 1 vạn chiếc thuyền xuôi dòng tiến về phía đông, xưng rằng quân 50 vạn. Quân Thanh “ văn võ bỏ thành chạy trốn, quân lính rã ngũ trước ” ; lần lượt phá các thành Cửu Giang [Jiujang, Giang Tây], An Khánh [Anquing, An Huy], Vu Hồ [Wuhu, An Huy] dọc sông Trường Giang ; đến ngày 19/3 đánh chiếm Nam Kinh, 2 vạn quân bát kỳ bị tiêu diệt !
Kể từ khi quân Thái bình mới ra khỏi tỉnh Quảng Tây cho đến nay, trong vòng 9 tháng, hành quân trên 3.000 dặm, quét qua 5 tỉnh 6 dọc sông Trường Giang, binh lực tăng đến 30 vạn ; tuy có kẻ bị ép, nhưng số người tình nguyện cũng không ít. Nguyên nhân chính do niềm tin tôn giáo và tuyên truyền, nhưng yếu tố kinh tế, quân sự cũng đóng vai trò quan trọng. Từ khi vào đến tỉnh Hồ Nam “ chuyên cướp phá thành thị, không những không cướp bóc tại nông thôn, lại còn lấy y phục tại thành thị chia cho các dân nghèo ” và truyền ngôn rằng sẽ miễn thuế 3 năm, nên dân quê “ mong muốn giặc đến ”. Người nghèo thường ghét hận người giàu, còn quân Thái bình đến không hại đến họ, lại còn có lợi, nên “ giặc chưa đến tâm lòng đã xa lìa, giặc đến thì trở nên vui vẻ ” tranh nhau nghênh đón. Quân Thái bình hiệu lệnh nghiêm, kỷ luật vững, không tao nhiễu ; lúc mới đến ra vẻ lễ phép với người hiền, rồi sau đó uy hiếp, nên dân đều sợ phục. Quân Thanh thì cướp bóc gian dâm, thấy giặc thì tan vỡ, nhìn ngó bồi hồi ; bởi vậy quân Thái bình ở thế chẻ tre, hướng về đâu đánh tan nơi đó.
Quân Thái bình đã có dự định chiếm Nam Kinh từ trước, khi chưa ra khỏi Quảng Tây mỗi lần đánh nhau với quan quân thường nói “ Ta sẽ đánh Giang Nam, đâu có sợ gì quan quân các ngươi.” Dương Tú Thanh từng nói “ Thượng sách ngày nay là bỏ Quảng Tây không ngó đến, tiến thẳng theo Trường Giang mà đánh các đồn ải, bỏ nơi lợi hại, lấy cho được Kim Lăng [Nam Kinh] để làm nơi căn cứ ; sau đó sai tướng đi bốn phương, phân đánh nam bắc, tuy chưa hoàn toàn thành công, thì ta cũng có được phia nam sông Hoàng Hà.” Lại xưng Kim Lăng là tiểu thiên đường, là nơi Minh Thái Tổ đánh dẹp rợ Hồ quang phục đất Hoa Hạ, có ý nghĩa lịch sử. Đầu tiên sau khi chiếm được, Hồng Tú Toàn yết kiến lăng Minh Thái Tổ, cử hành lễ điển, đọc chúc từ có đoạn “ Con cháu hèn kém là Hồng Tú Toàn thu phục được đất phía nam của tiên Đế, bèn lên ngôi tại Nam Kinh, nhất nhất tuân theo hiến chế của tổ vào năm Hồng Vũ thứ nhất.” Dương Tú Thanh chủ trương tiến chiếm Nam Kinh xong cải tên là Thiên Kinh, thực hiện kế hoạch ngăn trở vận lương nam bắc, chiếm Trấn Giang [Zhenjiang, Giang Tô], Dương Châu [Yangzhou, Giang Tô] Thiên Kinh làm 3 chân vạc. Lý do không tiếp tục tiến chiếm phía đông phía biển, vì ý muốn tiến lên phía bắc và quay lại sang phía tây, ngược theo dòng sông Trường Giang.
Vào đầu tháng 5/1853, mệnh Thiên quan phó Thừa tướng Lâm Phượng Tường, Ðịa quan chánh Thừa tướng Lý Khai Phương đánh phía bắc ; Xuân quan chánh Thừa tướng Hồ Dĩ Quang, Hạ quan chánh Thừa tướng Lại Hán Anh mang quân quay trở lại đánh phía tây. Quân bắc phạt vẫn theo chiến lược xung kích như cũ “ Quân đi theo đường tắt, đến Yên đô [Bắc Kinh] gấp, không tham đánh thành lấy đất, phí thời gian.” Ðạo quân phía tây với nhiệm vụ thu phục phía tây sông Trường Giang, khống chế phía nam sông Hoàng Hà.
Thuyết đáng tin cậy cho rằng Hồng, Dương đã phạm sai lầm vì mang quân lên phía bắc quá ít. Lực lượng của Lâm, Lý có thuyết cho rằng chỉ 3 ngàn, có thuyết 2 vạn ; nói tóm lại không đủ. Quân khởi hành từ phía bắc tỉnh An Huy, lên đến phía đông tỉnh Hà Nam [Henan], định vượt qua sông Hoàng Hà [Yellow River]. Vì quân Thanh đã dự phòng, kéo hết thuyền sang phía bắc, nên quân Thái bình bất đắc dĩ phải chuyển theo hướng tây. Sau khi đánh thành Khai Phong [Kaifeng, Hà Nam] không hạ được, phải đi tiếp đến phía tây Trịnh Châu [Zhengzhou, Hà Nam] rồi qua sông đến tỉnh Sơn Tây [Shanxi]. Tiếp tục tiến sang đông đến tỉnh Trực Lệ 7, đại phá quân của Tổng đốc Trực Lệ, rồi thừa thắng đến Bảo Ðịnh [Baoding] ; bấy giờ Bắc Kinh giới nghiêm, quan dân chạy trốn đến mấy vạn người. Lúc đó quân viện tại kinh kỳ đến, tập trung chống cự, nên quân Thái Bình tổn thất, phải chuyển sang phía đông, rồi lại theo Vận Hà tiến lên phía bắc. Ngày 20/12 quân Thái Bình 3 vạn người, tấn công mạnh Thiên Tân [Tianjin] ; quân Thanh phải cho tháo đê Vận Hà để ngăn, nên hai bên ở thế tương trì. Kể từ khi xuất phát tại Nam Kinh cho đến Thiên Tân [cách Bắc Kinh 240 dặm] ; quân hành 4.000 dặm, thời gian 5 tháng.
Tháng 2/1854 quân bắc phạt lương hết, thời tiết trở nên lạnh, tay chân tê cóng, chết không ít ; lại bị kỵ binh của Tăng Cách Lâm Thấm đánh bại, đành phải rút lui phía nam. Lúc này Thiên kinh phái viện quân lên phía bắc, vào trung tuần tháng 4 đến phía tây bắc tỉnh Sơn Ðông [Shandong], cuối cùng không gặp được quân bắc phạt rút về phía nam. Vào tháng 5/1855 quân bắc phạt hoàn toàn bị tiêu diệt.
Nguyên nhân bắc phạt thất bại, thứ nhất do binh lực không đủ, lại còn do bộ binh không địch được kỵ binh của Tăng Cách Lâm Thấm trong trận chiến tại đất bằng. Thứ hai do ngôn ngữ bất đồng, người phương bắc cẩn trọng, theo quân Thái bình không nhiều. Từ đó trở về sau, quân Thái bình không vượt được sông Hoàng Hà, nhờ đó nhà Thanh giữ gìn được vùng đất căn bản.
Quân Thái bình tiến công tại Hoa bắc thất bại, cuộc chiến miền tây cũng không được đắc ý. Quân tây chinh có trên 1000 chiến thuyền, quân số cũng vượt trội quân đánh miền bắc. Tháng 8/1853 tái chiếm An Khánh, Hồ Dĩ Quang lưu lại giữ, riêng Lại Hán Anh xua quân sang phía tây vào tỉnh Giang Tây bao vây Nam Xương [Nanchang], Giang Trung Nguyên đốc quân cố thủ, quân Thái bình phản công nhưng không thắng. Tháng 9 bỏ vây Nam Xương, tiến chiếm Cửu Giang ; vào tỉnh Hồ Bắc, tái chiếm Hán Dương và Hán Khẩu, rồi rút về phía đông tỉnh. Cánh quân của Hồ Dĩ Quang tại An Khánh, vào tháng 1/1854 tiến chiếm tỉnh lỵ lâm thời An Huy tại Lô Môn [Hefei, Hợp Phì], Tuần phủ Giang Trung Nguyên thua chết, hơn 20 châu thuộc tỉnh An Huy đều bị quân Thái bình chiếm.
Tháng 2/1854 quân Thái Bình thắng lợi tại phía đông tỉnh Hồ Bắc, chiếm Hán Dương, Hán Khẩu lần thứ ba. Một mặt vây thành Vũ Xương, một mặt tiến xuống Hồ Nam chiếm Nhạc Dương, rồi vòng qua Trường Sa, đánh chiếm Tương Ðàm [Xiangtan, Hồ Nam]. Lúc này Tương quân tại Hồ Nam mới huấn luyện xong, bắt đầu ra tay ; quân Thái Bình đụng phải đối thủ mạnh ; từ nay trở về sau, hai bên tranh đoạt vùng đất phần lớn dọc theo sông Trường Giang.
5. Các nước Tây phương tiếp xúc với Thái bình thiên quốc
Từ khi các nước Tây phương vào tranh giành buôn bán tại Trung Quốc, thì sự biến loạn tại Trung Quốc không còn là vấn đề nội bộ của nước này. Các giáo sĩ và thương nhân ngoại quốc nhận thấy Thái bình thiên quốc là thế lực mới trong công cuộc vận động cách mạng, đối với tôn giáo này họ cảm thấy hứng thú ; nếu Trung Quốc là một quốc gia theo đạo Cơ Ðốc thì sẽ có ích lợi trong việc buôn bán và truyền giáo ; báo chí của họ đều biểu đồng tình. Về các quan chức ngoại giao muốn nhân lúc này, thu nhiều quyền lợi từ triều Thanh hoặc quân Thái bình.
Sau khi quân Thái bình chiếm Nam Kinh, Tổng đốc Thượng Hải kiêm Công sứ Anh, S.J. Bonham [Văn Hàn], phái viên Thông dịch Thomas Taylor Meadows [Mật Ðịch Lạc] theo đường Tô Châu [Suzhou, Giang Tô], Thường Châu [Changzhou, Giang Tô] tìm cách liên lạc ngoại giao. Ngày 27/4/1853 S.J Boham đến Nam Kinh, sai Hạm trưởng E. G. Fishbourne [Phí Sĩ Ban] đưa thư cho quan chức Thái bình thiên quốc, nội dung “ đến đây có việc muốn thương lượng, chứ không phải giúp quân Thanh đánh nhau.” Thomas Taylor Meadows lên thành, gặp Bắc vương Vi Chính, Dực vương Thạch Ðạt Khai ; nói rõ nước Anh đứng trung lập và muốn biết lập trường đối ngoại của quân Thái bình có định tấn công Thượng Hải hoặc tiếp sứ Anh hay không. Bắc vương đề cao Thiên vương và quyền lực tôn giáo, nếu người Anh giúp quân Thanh cũng không đáng sợ. Lại bảo Thiên vương nói Trung Quốc có chân chúa thì cũng là chân chúa của vạn nước, từ nay trở về sau hai bên cùng an tâm, trở thành bạn tốt. Ngày hôm sau S.J. Bonham nhận được “ dụ ” phúc đáp của Ðông vương Dương Tú Thanh với lời lẽ kiêu ngạo, bèn đem tất cả văn kiện trả lại, kèm theo Nam Kinh điều ước để biểu thị quyền lợi nước Anh tại Trung Quốc. Lại gửi chiếu hội thanh minh nước Anh không bang trợ cho quan quân Mãn Châu thuyền máy, lại không chuẩn cho mướn thương thuyền người Anh “ đối với quý Quốc vương và Mãn Châu đối địch, nước Anh tình nguyện không can dự vào hai bên ”. Sau đó bảo rằng “ Nghe tin quân của quý Quốc vương định đến Tô [Suzhou, Chiết Giang], Tùng [Songjiang], sau đó đến Thượng Hải. Lúc đó quý Quốc vương định cư xử với nước Anh như thế nào, xin nguyện nghe biết ”. Qua những lời này, biết được nước Anh rất chú ý đến hành động của Thái bình thiên quốc đối với Thượng Hải. Ðông vương phúc đáp rằng “ Thiên hạ vốn một nhà, bốn biển là anh em ” “ Các ngươi là người xa xôi nguyện đến làm phiên thuộc, thiên hạ hoan lạc ; Thiên phụ, Thiên huynh cũng hoan lạc. Ðã có lòng trung quy thuận, giáng chỉ cho Ðầu mục các ngươi cùng các huynh, đệ có thể đến Thiên kinh ; hoặc hiệu lực, hoặc thông thương, ra vào cửa thành, đều không cấm chỉ, đó là ý trời. Lại cấp cho vài loại Thánh thư, muốn hiểu chân đạo có thể dùng để tu tập.” S.J. Bonham dùng lời lẽ nghiêm khắc bác bỏ “ Thư đến lời lẽ thiếu rõ ràng không hiểu nổi. Trung Quốc đã chuẩn cho chúng tôi thông thương, thì vô luận người nào làm tổn thương sự buôn bán, nước tôi chỉ biết dùng binh.” Rồi khi thuyền nước Anh theo hướng đông ra khỏi Trấn Giang, lại nhận được thư của viên tướng Thái bình Lại Ðại Cương, nội dung nguyện đối xử hữu hảo, khuyên người Anh đừng trợ giúp quân Thanh, đừng buôn nha phiến. S.J. Bonham đáp lời, xác định đứng trung lập, nhưng không đề cập đến vấn đề nha phiến. La Ðại Cương là người Lưỡng Quảng, được cho là “ người có khả năng trong đám giặc ”, ứng đối đắc thể hơn Ðông vương và Bắc vương.
Qua lần đi này S.J. Bonham thấy được thế lực quân Thái bình lớn mạnh, tất sẽ thành công, trong tương lai nước Anh có thể thay đổi chính sách ; trước mắt nên giữ thế trung lập. Riêng Thomas Taylor Meadows có nhiều cảm tình với quân Thái bình, cho rằng nếu như họ thành công thì không những có thể khuếch trương việc truyền giáo và giao thương, riêng Trung Quốc cũng có thể bước lên con đường tiến bộ. Tuần phủ Giang Tô [Jiangsu] đối với việc S.J. Bonham đến Nam Kinh, tỏ vẻ hết sức không an lòng, bèn gửi chiếu hội cho Lãnh sự Anh, Mỹ “ Nghĩ rằng hai nước thông thương hòa hảo đã lâu, nay việc buôn bán bị quấy nhiễu, mậu dịch ngưng trệ, vả lại giặc phỉ cấm nha phiến rất nghiêm, gặp một người nước tôi hút thuốc là bị sát hại ; hy vọng sẽ mang thuyền máy vào sông Trường giang đánh dẹp giúp.”
Vào tháng 6/1854 người kế nhiệm S.J. Bonham là John Bowring [Bao Lệnh] sai viên Thông dịch Walter H. Medhurst Jr. [Mạch Hoa Ðà] đến Nam Kinh quan sát. Nhà đương cục Thái bình thiên quốc tuy vẫn nói rằng “ Vạn quốc thông thương, trong thiên hạ đều là anh em ”, nhưng vẫn giữ thái độ muốn “ Thiên hạ ngoại quốc đến đầu hàng ”, nếu không là yêu ma. Tháng 1/1855 John Bowring thấy rằng thế lực quân Thái bình không thể khinh thường, vả lại lúc bấy giờ nước Anh đang có tranh chấp quân sự với Nga không rảnh tại Viễn Đông, nên bố cáo rằng nước Anh nghiêm giữ trung lập.
Người Pháp theo Thiên chúa giáo, đối với tân giáo của Thái bình thiên quốc lúc đầu có cảm tình tốt. Tháng 12/1853, Sứ giả Pháp Bố Nhĩ Bố Long đến Nam Kinh, sai người vào thành trước, gặp vị thừa tướng họ Lại [Hán Anh?], hai bên tỏ vẻ hy vọng hòa hảo. Vài ngày sau Bố Nhĩ Bố Long gặp Ðỉnh thiên hầu Tần Nhật Cương, biểu thị trung lập và lưu tâm đến Thiên chúa giáo tại Hoa. Chuyến đi của viên Sứ giả có ấn tượng tốt, thừa nhận quân Thái bình kỷ luật nghiêm, trật tự tại Nam Kinh yên ổn.
Tháng 5/1853 Giáo sĩ người Mỹ, I. J. Robert [La Hiếu Toàn], từng quen biết với Hồng Tú Toàn, từ Quảng Ðông lên Thượng Hải, rồi trên đường đi Nam Kinh, nhưng đường ngăn trở nên không đến được. Lại có Giáo sĩ Mỹ, Charles Taylor [Ðái Tác Sĩ], gặp La Ðại Cương tại Trấn Giang, hai bên có cảm tình. Số đông thương nhân Mỹ đều muốn Thái bình thiên quốc thành công, Sứ giả Mỹ tại Hoa, Humphrey Marshall [Mã Sa Lợi], cũng cho rằng triều Thanh sắp sụp đổ, có ý thừa nhận Thái bình thiên quốc.
Chính phủ Mỹ ban huấn lệnh cho người kế nhiệm Humphrey Marshall là Robert McLane [Mạch Liên] rằng : đối với nội loạn tại Trung Quốc nghiêm giữ chính sách trung lập ; nếu nhà Thanh không chịu sửa đổi điều ước, sẽ đàm phán với Thái bình thiên quốc. Vào tháng 5/1854 Robert McLane đến Thượng Hải, ngày 27 đáp quân hạm đến Nam Kinh, ngày 28 Hạm trưởng F. L. Buchanan [Bố Gia Nam] gửi chiếu hội xưng rằng Toàn quyền nước Mỹ muốn chiếu hội với Thừa tướng, Nguyên soái Thái bình thiên quốc, cùng xưng ngày hôm sau người Mỹ muốn thăm tháp chùa Báo Ân tại cửa phía nam thành. Ðầu tiên một viên Kiểm điểm Thái bình thiên quốc gửi “ trát dụ ” đòi phải cho biết ý tại sao muốn đến, và phải tuân thủ quy định, mới được vào xem. Kế đó có “ trát dụ ” của hai vị Thừa tướng, mệnh “ Tuân chiếu lễ tiết, bẩm tấu Ðông vương. Thiên vương là chân chúa của vạn quốc, chuẩn cho hàng năm đến cống.” Ngày 30/5 F. L. Buchanan phúc đáp, trách “ Lời phúc đáp không có tình hữu nghị, lại không tôn trọng nước Mỹ, nên không thể không tạm ngưng chiếu hội.” Robert McLane cho rằng quân Thái bình kiêu mạn, nếu như thành công, cũng không có ích cho người nước ngoài ; ông ta báo cáo với bộ Ngoại giao rằng Thái bình thiên quốc không có năng lực thống trị ; muốn cải biến chính sách tại Trung Quốc, nên duy trì áp lực triều đình nhà Thanh trong vòng trật tự, nhắm khuếch trương thương vụ và giữ quyền lợi điều ước. Robert McLane báo cho Tổng đốc Lưỡng Giang, Di Lương, biết rằng nếu như hứa sửa điều ước về việc thông thương trên sông Trường Giang thì sẽ giúp dẹp loạn, nhưng bị triều đình Bắc Kinh bác.
Qua việc tiếp xúc với 3 nước Anh, Pháp, Mỹ ; thấy được đường lối đối ngoại của Thái bình thiên quốc đầy vụng về, tự cao, thiếu hiểu biết ; còn quá tệ hơn cả triều Thanh trước thời chiến tranh nha phiến. Tuy thuyết giảng “ Thiên hạ một nhà, bốn biển là anh em ” nhưng chỉ thừa nhận độc tôn địa vị và tôn giáo của Thiên vương.
Chú thích
1 Tự canh : người cày ruộng nhà, không cày mướn.
2 Năm vị tổ tức ngũ tổ đều thuộc phái Thiếu Lâm, bí mật khai triển tổ chức phản Thanh phục Minh.
3 Lưỡng Giang : gồm Giang Tô, An Huy, Giang Tây.
4 Châu Vĩnh An : năm 1914, đổi thành huyện Mông Sơn [Mengsan].
5 Can chi : Âm lịch có 10 can, 12 chi ; can như giáp, ất vv… ; chi như tý, sửu vv..
6 Năm tỉnh : Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tây, An Huy, Giang Tô.
7 Trực Lệ : thuộc tỉnh Hà Bắc [Hebei] ngày nay.
II. Những nét đặc trưng về Thái bình thiên quốc
1. Ngự trị bởi tín ngưỡng
Ðối với Thái bình thiên quốc, tôn giáo ảnh hưởng không gì lớn bằng. Hồng Tú Toàn tự xưng được Thiên phụ thượng đế phong làm chân chúa, địa vị và quyền lực do trời ban. Nhưng tôn giáo của Hồng không phải chân chính Cơ Ðốc Tây phương, có thể gọi đây là một loại Thượng đế giáo, hoặc “ Hồng giáo ”. Từ năm 24 tuổi trở về trước, sách đọc của Hồng chỉ là kinh, sử, những tín ngưỡng nghe biết là Phật, Ðạo, Thần tiên ; kiến thức sơ đẳng về Cơ Ðốc giáo cùng quan niệm về Thượng đế chỉ lấy từ quyển sách Khuyến thế lương ngôn cạn hẹp. Từ những điều lượm lặt được, Hồng tự lý luận ; lợi dụng tôn giáo để đạt mục đích chính trị. Nói tóm lại Hồng không phải là tín đồ của tôn giáo nào, Hồng là Giáo chủ.
Lúc đầu Hồng cho rằng Thiên phụ Thượng đế có hai con, con trưởng là Thiên huynh Gia Tô, con thứ là Hồng Tú Toàn. Thiên huynh Gia Tô tại Tây phương, xả thân cứu đời, nối theo đại đạo. Tại Trung quốc sau đời Tần, mở đường cho thần tiên quỷ quái ; Mãn Thanh vào chiếm cứ “ dụ người tin quỷ thần càng sâu, thì yêu ma tác quái càng dữ ”, nên Thiên phụ sai con thứ, Hồng Tú Toàn, xuống trần, cứu vớt kẻ trầm luân. Từ năm 1848 trở về sau lại xưng Thiên phụ có con thứ 3, thứ 4, thứ 5, thứ 6 là Phùng Vân Sơn, Dương Tú Thanh, Vi Chính, Thạch Ðạt Khai ; riêng Tiêu Triều Quý lấy em gái Hồng Tú Toàn, thì được gọi là Thiên tế, tức con rể trời. Dương Tú Thanh được cho là hóa thân của Thiên phụ xuống thế gian để chuộc bệnh, nên còn gọi là “ Thục bệnh vương ”. Hồng còn có sáng kiến dùng các hiện tượng của tạo hóa : gió, mưa, mây, sấm, chớp, sương v v… để ban phong ; như : Dương là Phong sư, Tiêu là Vũ sư, Phùng là Vân sư, Vi là Lôi sư, Thạch là Ðiện sư, Tần Nhật Cương là Sương sư, Hồ Dĩ Quang là Lộ sư.
Thượng đế giáo quy điều nghiêm khắc dị thường, nghi thức chi tiết vụn vặt. Kẻ bái Thượng đế phải hướng Thượng đế hối tội, học thuộc Thập thiên điều ; vi phạm bị xử tội chết. Ngày thường sáng tối tụng niệm, mỗi bữa ăn cảm tạ Thượng đế ; gặp tai nạn, bệnh tật, sinh nhật, cuối tháng, cưới xin, xây bếp, làm nhà, động thổ, đều cầu đảo tế cáo. Cứ 7 ngày lễ bái một lần, trước đó 1 ngày đánh phèng la cao hô “ Ngày mai lễ bái, mọi người tuân kính, không được lười chậm ”. Lần đầu không đến bị đóng gông, đánh 1.000 roi ; lần thứ 2 bị xử chém. Trong khi lễ bái, tụng Thượng đế ân đức, đọc thơ xưng tán Thiên vương, Ðông vương, cho đến Dực vương ; sau đó đọc Thánh kinh, Thiên điều, một lời xướng trăm lời họa ; lại tụng tấu chương hối tội, sau đó cao hô “ tận giết ma quỷ ”. Cứ 25 nhà có một lễ bái đường, khi hành quân, chọn phòng ốc khoáng đãng làm chỗ lễ bái. Các nơi thờ thần, các bài vị, thần chủ đều bị thiêu hủy. Việc giáo dục hoàn toàn tôn giáo hóa, các sách cho sĩ tử học như Tam thiên tự, Ấu học thi, Cựu ước, Tân ước đều nặng màu tôn giáo, văn nghĩa thông tục ; khi quân Thanh tịch thu được, phải dùng xe bò chở, chất hàng đống, chứng tỏ đã in ra rất nhiều.
Tư tưởng Nho gia đối với giáo lý của Thượng đế giáo không tương dung. Giáo lý kể rằng Hồng Tú Toàn lúc lên trời, Thượng đế từng bảo “ Khổng tử di truyền sách thư, phần lớn sai lầm… dạy người việc hồ đồ ”. Gia Tô cũng bảo sách này làm hỏng người. Khổng Khâu chạy trốn, bị Thiên sứ bắt về trói, dùng roi đánh đau, không cho phép xuống trần.
Năm 1853 tuyên bố “ Phàm các sách Khổng, Mạnh, Bách gia, yêu thư tà thuyết, phải đốt sạch, không được buôn bán tàng trữ ”. Các sách có đóng dấu ấn “ cái tỷ ” của Thái bình thiên quốc mới được lưu hành “ Thế gian có sách không tâu lên, sách không đóng dấu cái tỷ mà đọc, đều bị tội ”. Lại thiết lập “ San thư nha ”, đem những lời “ yêu thoại ” trong Tứ thư, Ngũ Kinh, để Thiên vương ngự phê cải chính.
Ðối với phần tử trí thức, Thái bình thiên quốc ra sức tranh thủ ; quân đến nơi, dán bảng chiêu hiền “ Tự cống sở trường… Lượng tài lục dụng ”. Năm 1853 mở khoa thi, cũng có Tú tài, Cử nhân, Tiến sĩ ; đề thi thuộc loại như, soạn “ Thiên mệnh chiếu chỉ thư ”. Nhưng đối với quan lại, Nho sinh bị bắt thì đối xử lăng nhục ngược đãi “ Hoặc giam cấm đến chết, hoặc chia cho các quán để chép các tấu chương, cáo dụ, cáo thị, hoặc soạn sách riêng cho các nhà.”
2. Binh dân hợp nhất
Lúc mới cử sự, Thái bình thiên quốc định quân chế, được ghi lại trong sách Thái bình quân mục. Ðơn vị lớn nhất là quân, đặt Quân soái ; dưới Quân soái có Sư soái, Lữ soái, Tốt trưởng, Lưỡng tư mã, Ngũ trưởng. Sau khi vào tỉnh Hồ Nam, đặt thêm Thổ doanh, Thủy doanh ; Thổ doanh là đơn vị đặc biệt chuyên đào địa đạo đánh thành, Thủy doanh đảm đang thủy chiến cùng chuyên chở hàng hóa. Lại có các doanh lo về kỹ năng chế tạo hậu cần, không trực tiếp tác chiến như Mộc doanh, Kim doanh, Chức doanh, Hài doanh ; gọi chung là Tượng doanh. Lúc đầu đặt Nữ doanh, mỗi doanh 2500 người, nữ binh vào khoảng ¼ số quân ; sau khi hành quân đến sông Trường Giang, vì phụ nữ vùng này yếu đuối không tòng quân tác chiến được, nên lập Nữ quán. Lại còn lập quân thiếu niên gọi là Ðồng tử quân, lâm trận dõng cảm, tín ngưỡng một chiều, trở thành cán bộ trung kiên.
Sau khi chiếm Nam Kinh, tổng kê toàn thể quân binh nam, nữ hơn 30 vạn. Phân chia thành các quân, do Quân soái chỉ huy, phụ tá có Tổng chế và Giám quân ; mỗi quân 12.500 người, gồm 5 sư. Mỗi sư gồm 2.500 người, đứng đầu là Sư soái, chia thành 5 lữ ; mỗi lữ 500 người, đứng đầu là Lữ soái, chia thành 5 tốt ; mỗi tốt 100 người, đứng đầu là Tốt trưởng, chia thành 4 Lưỡng tư mã ; mỗi Lưỡng tư mã chia thành 5 ngũ, mỗi ngũ 5 người, đứng đầu là Ngũ trưởng.
Về trận pháp có 4, gồm : Khiên chế pháp, chủ tiến thoái có trật tự, không loạn trận ; Bàng giải trận, chủ biến hóa như chân cua, xòe ra nhiều ít do nhu cầu ; Bách điểu trận, trận này ứng dụng tại đất bằng, chủ tụ tán như chim bầy, lúc chia nhỏ ra để dụ địch, lúc tập trung lại để đánh ; Phục địa trận, chủ chuyển bại thành thắng, bằng cách giả thua rút đến nơi có địa hình thích hợp để phục kích, rồi theo hiệu lệnh cờ mai phục, đợi địch đến thì xông ra.
Về quân luật, huấn luyện, được ôn tập thường xuyên ; điểm chính là nghiêm đội ngũ, thưởng phạt phân minh, không xâm phạm cho đến các vật nhỏ, không được tao nhiễu dân chúng. Trời tạnh thao luyện binh sĩ, trời mưa thì học tập Thiên thư “ Người người đều hiểu lòng trời, vĩnh tuân chân đạo ; nếu gặp yêu ma đến, một tiếng trống cất lên, tập trung nghe lệnh, hăng hái hướng tiền, một lòng một dạ ”.
Sách Tặc tình hối toản cũng khen quy chế quân Thái bình, chiến thuật tốt, quân kỷ nghiêm “ Nghịch tặc hoang đản bạo ngược, duy quân chế có phép tắc ”. Lại có nhận xét “ Giặc lớn mạnh mau, nhờ vào hành quân có phép tắc, kỷ luật nghiêm. Kẻ chiến trận thất lợi đi đến chỗ bại, trái lệnh, tiêu dùng riêng tài vật ; nặng tức xử chém, nhẹ thì trách giáng, chứ không tha thứ. Có công thì phá lệ thăng nhanh ; mới buổi sáng là tên lính, buổi chiều đã thăng làm tướng ngụy.”
Thái bình thiên quốc chủ trương binh dân hợp nhất “ Mỗi nhà trang bị nhung phục, người người cầm khí giới ”. “ Có báo động thì Thủ lãnh dùng làm lính, giết địch bắt giặc ; vô sự thì Thủ lãnh điều đi làm nông, cày ruộng sản xuất ”. Trên lý thuyết theo quy chế “ 5 người thành 1 ngũ, 4 ngũ 1 lưỡng, 5 lưỡng 1 tốt, 5 tốt 1 lữ, 5 lữ 1 sư, 5 sư 1 quân ; tạo nên quân lữ, hoặc dùng canh tác ruộng đất…”, nhưng thực tế thì chưa thi hành được triệt để, phần lớn nguồn binh lực đều cung cấp bởi cưỡng bách uy hiếp.
3. Chế độ quan lại và chính sự
Chính thể của Thái bình thiên quốc được quân sự hóa, đại lược chia thành : triều nội quan, quân trung quan, thủ thổ quan, hương quan ; từ trung ương đến địa phương đều theo quân hàm. Triều nội quan tại trung ương, trong đó có Thiên vương cung, Ðông điện tức Ðông vương phủ, Bắc điện tức Bắc vương phủ, Dực điện tức Dực vương phủ ; Ðông điện quy mô lớn hơn cả Thiên vương cung. Quân trung quan có Tổng chế, Giám quân, Quân soái trở xuống. Thủ thổ quan tức địa phương quân, cũng có riêng Tổng chế, Giám quân ; mỗi quận đặt Tổng chế, các châu đặt Giám quân. Hương quan đặt viên chức từ Quân soái cho đến Lưỡng tư mã, căn cứ nhân khẩu nhiều ít, phần lớn dùng người địa phương. Ngoài việc quân sự Hương quan còn phụ trách các vấn đề tôn giáo, giáo dục, tư pháp, chính trị, kinh tế. Mỗi ngày Lưỡng tư mã phụ trách dạy học c