Một cách nhìn từ biển: Bối cảnh vùng duyên hải miền Bắc và Trung Việt Nam
Thông qua cái nhìn hướng biển, bài viết này nhằm đánh giá lại những quan niệm về biển vốn được coi là truyền thống của các học giả Việt Nam. Khu vực biển nói ở đây chính là khu mậu dịch thuộc vịnh Bắc Bộ, kéo dài từ đảo Hải Nam đến Bắc Champa theo đường biển, tới Vân Nam và Lào theo đường bộ. ...
Thông qua cái nhìn hướng biển, bài viết này nhằm đánh giá lại những quan niệm về biển vốn được coi là truyền thống của các học giả Việt Nam. Khu vực biển nói ở đây chính là khu mậu dịch thuộc vịnh Bắc Bộ, kéo dài từ đảo Hải Nam đến Bắc Champa theo đường biển, tới Vân Nam và Lào theo đường bộ. Sự tương tác lẫn nhau, cũng như các hoạt động thương mại của cư dân trong vùng giữ vai trò cốt yếu trong việc hình thành quốc gia Đại Việt.
Một điểm đáng lưu ý trong nhận thức của người Việt đó là, mặc dù một phần ba lãnh thổ Việt Nam là bờ biển, nhưng các nhà sử học vẫn kiên định với ý kiến cho rằng Việt Nam, cũng như Lào và các quốc gia Đông Nam Á lục địa khác, là những thể chế dựa hoàn toàn vào khai thác đất đai nông nghiệp[1]. Bài viết này sẽ nhìn nhận Việt Nam từ phía biển thay cho cách nhìn truyền thống coi ruộng đất như là nền tảng đối với miền Bắc Việt Nam. Như sẽ trình bày dưới đây, vùng vịnh Bắc Bộ là một phần mở rộng và tiếp giao không thể thiếu của khu vực được gọi là Giao Chỉ Dương. Đó là một khu vực buôn bán năng động nằm ngay trung tâm của con đường thương mại cổ phía Tây tồn tại cho tới thế kỷ XV, và là điểm lui tới thường xuyên của các thương nhân Hồi giáo từ phía Nam, Tây và Đông Nam châu Á. Vùng thương mại này bao gồm vùng duyên hải Quảng Tây (Guangxi) phía giáp với vịnh Bắc Bộ, vùng duyên hải của Đại Việt, Bắc Champa và đảo Hải Nam.
Những tiếp xúc khá thường xuyên và mạnh mẽ giữa các thực thể trong khu vực này như sẽ trình bày dưới đây phản bác lại quan điểm vốn thừa nhận rằng, mặc dù về địa lý các chính thể này nằm cạnh nhau nhưng giữa chúng ít có sự giao thoa với nhau cả về kinh tế lẫn văn hoá. Không phải ngẫu nhiên mà các trung tâm chính trị, tôn giáo, và văn hóa xuất hiện đồng thời vào thế kỷ XIII ở khu vực này, và tạo điều kiện cần thiết cho sự ra đời và phát triển của ngành sản xuất gốm sứ - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong giai đoạn này. Thông qua vai trò trung gian vận chuyển của thương nhân Hồi giáo, gốm sứ nhanh chóng trở thành những mặt hàng được biết đến trên thị trường thế giới. Sản xuất gốm sứ hưng thịnh kéo theo sự phát triển của nhiều ngành nghề khác. Chính vì thế, ngành sản xuất gốm sứ cần phải được xem xét một cách kỹ lưỡng dưới nhiều góc độ, hơn là việc chỉ tìm hiểu qua loa trên khía cạnh kinh tế thuần túy. Khi tìm hiểu các hoạt động buôn bán và sản xuất, chúng ta phải chú ý đến hoạt động của các chủ thể tức là những con người trong khu vực tham gia vào hoạt động kinh tế đó. Thông qua đây, một bức tranh đa dạng về hoạt động của các cư dân được phá hoạ chắc hẳn có nhiều khác biệt so với ngày nay.
1. Giao Chỉ dương và tầm quan trọng của miền Trung Việt Nam
Trái ngược với nhận thức phổ biến rằng, quan hệ giao thoa giữa Giao Chỉ và Trung Quốc được tiến hành bằng đường biển thông qua vịnh Bắc Bộ. Cho đến thời Đường, sự giao lưu giữa Trung Quốc và Giao Chỉ gặp rất nhiều khó khăn vì sự cản trở của những dải đá nằm dọc ven biển. Điều này giải thích tại sao Mã Viện, Phù Ba tướng quân của nhà Hán, phải “đào núi để thông ra biển” trong cuộc bình định Giao Chỉ thế kỷ I Sau Công nguyên. Những trở ngại về giao thông chỉ thực sự được khắc phục vào thế kỷ thứ IX, khi Cao Biền cho dời những khối đá này đi[2].
Những khó khăn trong giao thông của vịnh Bắc Bộ tạo điều kiện để miền Trung Việt Nam, phần lãnh thổ thuộc Nghệ Tĩnh ngày nay, có vị trí quan trọng trong tuyến giao thương đường biển của khu vực. Theo đường biển sẽ tới Hải Nam, Phúc Kiến (Fujian) và Quảng Đông, trong khi con đường bộ vượt sẽ vượt qua dãy Trường Sơn tới khu vực được người Trung Quốc gọi là Lục Chân Lạp (Lu Zhenla) – khu vực thuộc phía Nam Lào và/hoặc phía Bắc Campuchia- rồi tiến ra biển. Đây là con được bộ nổi tiếng vào thế kỷ thứ VIII[3]. Điều đáng chú ý là, khi nhìn trên bản đồ, con đường này nối thông với con đường thương mại phía Tây, vốn là tuyến giao thương huyết mạch giữa Trung Quốc và Ấn Độ Dương. Trong khi, con đường phía Đông, được sử dụng bởi người Hoa và người Đông Nam Á, chỉ thật sự phát triển vào giai đoạn sau. Vì vậy, không giống như những thương nhân sau này, các thương nhân đến từ Ấn Độ Dương thường xuyên kết hợp giữa đường biển và đường bộ, và miền Trung Việt Nam chính là cầu nối quan trọng.[4] Khu vực rừng núi hiểm trở thuộc Bắc Trung Bộ và vịnh Bắc Bộ ngày nay trên thực tế nằm trên con đường thương mại phía Tây.
Miền Trung Việt Nam đóng vai trò đồng thời là cầu nối giữa Campuchia và Nam Trung Hoa. Điều này giúp chúng ta giải thích tại sao các vị vua Khmer thường gửi cống phẩm đến Đại Việt (19 lần) nhiều hơn đến nhà Tống (5 lần). Những thương nhân hoạt động trên con đường thương mại này được đề cập đến trong những bản văn khắc của Khmer giai đoạn sớm dường như là những người Việt cổ, chẳng hạn như văn khắc vào năm 987 tìm thấy ở hạ Mekong.[5] Bằng chứng cho thấy miền Trung Việt Nam có vai trò như là tuyến đường thủy nối với Giao Chỉ cũng có thể bắt gặp trong câu chuyện về nhà vua An Dương Vương vào thế kỷ thứ II Trước Công nguyên. Ông bị quân của Triệu Đà truy đuổi, “ông chạy đến cửa biển và không thể tìm thấy thuyền để trốn thoát”; điều rất đáng chú ý là nơi nhà vua trẫm mình chính là vùng Diễn Châu, Nghệ An.[6]
Chính vì lẽ đó, gần như chắc chắn một điều rằng, miền Trung Việt Nam là cửa ngõ cho các hoạt động giao thông đường thủy trong khu vực, nơi mà hầu hết thương nhân, khách hành hương, và các đoàn triều cống đặt chân tới trước khi theo đường sông đến Giao Chỉ (Việt, Giao Châu). Tuyến giao thương này có thể được sử dụng bởi thương nhân tới từ Nam Á và Trung Á. Trong khi đó, hành trình giữa Giao Châu và các vùng phía Nam chỉ thu hút được những loại thuyền bè nhỏ, đặc biệt là những thuyền do thuỷ thủ người Việt làm chủ, như theo đánh giá của wang Gungwu.[7] Họ (người Việt) đóng vai trò vận chuyển hàng hóa từ những tàu lớn tới từ Trung Đông và Nam Á. Đây chính là cách mà người Việt tham gia vào hoạt động thương mại ở Đông Nam Á tồn tại cho đến thời Đường.
Những mối liên hệ lịch sử giữa miền Bắc và miền Trung được giải thích bằng những thuật ngữ mơ hồ của người Hoa, tuy nhiên, nó cung cấp những thông tin quan trọng giúp chúng ta hiểu về khu vực này. Thế kỷ XIII xuất hiện thuật ngữ Giao Chỉ Dương, có nguồn gốc từ thuật ngữ Giao Chỉ, tên cổ mà người Hoa gọi Đại Việt. Tuy vậy, thật khó có thể xác định rằng thuật ngữ này ám chỉ vịnh Bắc Bộ hay vùng biển dọc duyên hải miền Trung Việt Nam. Trong phần lớn tư liệu, nó dường như ám chỉ miền Trung Việt Nam và không bao gồm vịnh Bắc bộ, trong khi một số tư liệu khác lại ám chỉ cả hai vùng[8].
Trong sự mập mờ của thuật ngữ này, dường như bây giờ luôn có một ký ức lịch sử ghi nhận sự hợp nhất của hai khu vực vùng duyên hải miền bắc và miền trung Việt Nam. Mặc dù điều này chưa bao giờ được giải thích một cách rõ ràng, khu vực vịnh Bắc Bộ rất có thể là sự mở rộng của Giao Chỉ Dương, một vùng biển chạy dọc miền Trung Việt Nam, là trung tâm của lộ trình giữa Đông và Tây trong suốt hàng nghìn năm.
Có một vài điểm cần phải chú ý đến thuật ngữ Giao Chỉ Dương. Đầu tiên, nó xuất hiện phần lớn trong nhật ký đi biển của người Hoa trong khoảng từ giữa thế kỷ XIII đến thế kỷ XVI, nhưng chưa bao giờ xuất hiện trong các văn bản chính thức hay trong các cuốn sử biên niên. Điều này phải chăng ám chỉ mối liên hệ gần gũi của thuật ngữ này với giới tư thương người Hoa, lái buôn và có thể là hải tặc. Thứ hai, thuật ngữ chỉ xuất hiện vào thế kỷ XIII và không sớm hơn. Trong khi thuật ngữ này dường như phản ánh những tiến bộ trong nhận thức của người Hoa về thương mại biển thời Tống, thì ở vịnh Bắc Bộ sự chuyển biến này đã được thiết lập từ thời Đường. Cả hai yếu tố này đóng vai trò rất quan trọng để chúng ta có thể hiểu được khu vực này, và chỉ trong bối cảnh này vùng buôn bán Giao Chỉ Dương mới tồn tại.
Phần tiếp theo của bài viết này sẽ đề cập đến vấn đề thương mại trong vùng, đặc biệt là hoạt động buôn bán nô lệ, ngựa và muối. Hoạt động buôn bán này trải dài trên khu vực từ Vân Nam (Yunnan) và Quảng Tây của Trung Quốc đến Champa - miền Trung Việt Nam ngày nay, và từ vùng núi đến vùng biển. Nghiên cứu này chắc chắn giúp chúng ta hiểu rõ hơn về khu vực Giao Chỉ Dương trong hoạt động hải thương khu vực, vai trò của thương nhân Hồi giáo trong lịch sử Đại Việt cũng như bức tranh về lịch sử khu vực. Những bằng chứng dưới đây cho thấy mức độ lệ thuộc về hàng hải tương đối cao vốn là đặc trưng của kinh tế Đại Việt cho tới thế kỷ XV.
2. Thương mại vùng và vùng Giao Chỉ Dương
2. 1. Buôn bán nô lệ
Trong khi chắc chắn rằng, thương nhân Champa tham gia một cách tích cực hoạt động buôn bán nô lệ, thì hầu như không có nguồn tài liệu nào đề cập đến việc Đại Việt là nơi tiêu thụ quan trọng cho mặt hàng đặc biệt này. Một bản ghi chép của Trung Quốc vào thế kỷ XIII về cuộc sống và phong tục của Quảng Tây và vùng vịnh Bắc Bộ cho biết:
Có ít dân bản địa trong quốc gia này (Đại Việt), bởi vì một nửa dân số là người Quảng Đông và Quảng Tây. Thương nhân thường xuống phía Nam giả vờ mua người bản xứ làm người hầu, nhưng khi đến vùng núi họ trói những người này lại và bán cho những người ở đó. Giá là hai lượng vàng một người. Những người vùng núi lại bán cho người Giao Chỉ với giá là ba lượng vàng. Hàng năm có thể hàng trăm, hàng nghìn người bị bán. Đối với những người có kỹ năng về một ngành nghề nào đó, giá có thể lên gấp đôi, đặc biệt nếu họ biết đọc và biết viết giá tiếp tục tăng gấp đôi thêm lần nữa[9].
Một tác phẩm khác cùng thời là bộ Lĩnh ngoại đại đáp (Lingwang daida) biên soạn vào thế kỷ XIII, viết về mối quan hệ giữa buôn bán vàng và buôn bán nô lệ ở Giao Chỉ, sách chép: “cư dân Giao Chỉ có nhiều vàng vì vậy họ có điều kiện mua người của chúng ta (ở Quảng Tây) để làm nô lệ”. Khi chúng ta kết hợp hai văn bản này với nhau chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về đoạn ghi chép trong một nguồn tư liệu cùng thời là Chư phiên chí (Zhufanzhi). Nội dung của đoạn trích như sau: “Lễ hội lớn nhất của quốc gia (Đại Việt) vào ngày Rằm tháng bảy, khi các gia đình gửi biếu quà cho người khác. Quan lại địa phương dâng shengkou (nô lệ) cho nhà vua, và nhà vua sẽ chiêu đãi lại một bữa tiệc vào ngày mười sáu ”.[10] Thời gian này, quan lại địa phương hẳn coi nô lệ như một món quà quý, và họ biết họ sẽ được thưởng vì việc dâng những món quà có giá trị này.
Nguồn chính sử của Việt Nam tiết lộ thêm thông tin về tầm quan trọng của nô lệ thời nhà Lý (1009 - 1225), bổ sung cho những ghi chép của Trung Quốc như đã trích dẫn ở phần trên. Theo bộ Đại Việt sử ký toàn thư, phép thuật kỳ lạ của một nô lệ từ Đại Lý (Vân Nam) được sử dụng trong âm mưu ám sát hoàng đế Lý Nhân Tông vào năm 1096.[11] Thông tin này trùng khớp với những nguồn tư liệu của Trung Hoa cho rằng những nô lệ có tài thì rất có giá và những nô lệ đó thường đến từ phương Bắc.
Hiện tượng bắt nô lệ giải thích việc trao đổi thư từ qua lại giữa nhà Tống - Trung Quốc và triều Lý - Đại Việt liên quan đến việc bắt và trao đổi tù binh. Không thể nghi ngờ rằng, việc thiếu nhân lực ở Đại Việt là một phần hệ quả của hoạt động này. Một số nô lệ Trung Quốc sẽ trở thành binh sĩ trong quân đội Đại Việt, tuy nhiên một số khác bị bán lại cho thương nhân ngoại quốc, những người thường xuyên đến Đại Việt, mà điểm đến cuối cùng của họ là Champa.[12]Nô lệ là mặt hàng chính được vận chuyển bởi những thương thuyền đến từ vùng biển phía Nam (Nanhai po). Những chủ thuyền này thường là thương nhân ngoại quốc, và nhiều khi họ mang cả những nô lệ da đen, được biết đến với cái tên Kunlun nu tới Trung Quốc như một trong những mặt hàng quý hiếm[13].
Có thể tìm thấy dấu tích của hiện tượng bắt nô lệ từ chính trường hợp của vị vua Fan wen (331 - 49) của Lâm ấp, tiền thân của Champa sau này. Theo một nguồn tư liệu cổ Trung Quốc Thủy kinh chú (Shuijing zhu), Fan wen là người gốc Hoa, ông ta đến từ Yangzhou, thuộc đồng bằng châu thổ sông Dương Tử (Yangzi). Ông ta bị bắt làm nô lệ khi còn rất trẻ, sau đó bị đem bán ở Giao Châu và cuối cùng những thương nhân người Chăm mang ông về Lâm ấp. Một thời gian sau, ông ta trở thành tể tướng và trên thực tế trở thành vua của Lâm ấp. Phần lớn nguồn tư liệu liên quan đến Fan wen đều chứng minh ông là người Hoa nhưng bỏ quên sự kiện ông ta bị bắt và bị bán làm nô lệ đến Giao Châu trước khi được mang đến Champa, chắc là họ tưởng điều này là ngẫu nhiên[14]. Tuy nhiên, khi đặt sự kiện này trong bối cảnh lịch sử trên, nó cho chúng ta thấy rằng hoạt động buôn bán nô lệ đã diễn ra hàng thế kỷ trong khu vực này. Và hoạt động này gắn liền với vai trò của người Hoa và thương nhân ngoại quốc. Đối với hoạt động buôn bán nô lệ, Giao Châu đóng vai trò như là một bước đệm, nếu không muốn nói là một thị trường nô lệ quan trọng
Cần phải chỉ ra rằng sự thịnh vượng của Đại Việt thế kỷ XIII phải gắn liền với hoạt động buôn bán nô lệ. Ví dụ như danh sách cống phẩm của quốc gia đến triều đình Nam Tống năm 1156:
Cống phẩm vô cùng phong phú. Tất cả những chữ trong bức thư được viết bằng vàng. Có 1.200 lạng vàng cốm, một nửa trong số đó được làm với ngọc trai hoặc châu báu; 100 viên ngọc trai đựng trong bình vàng, trong đó 3 viên to như quả cọ, 6 viên to như nhân hạt mít, 24 viên lớn như hạt đào, 17 viên lớn nhân cọ, và 50 viên to như quả chà là, tổng cộng là 100 viên; có 1000 catties (một catty khoảng bằng 600 gram) cây gỗ lô hội, 50 chiếc lông bói cá, 850 súc vải thêu kim tuyến trang trí với rồng, 6 con ngựa cho hoàng gia có sẵn yên, cộng với 8 con ngựa khác và 5 con voi. Đoàn đi sứ tỏ ra rất tự hào với những cống phẩm giá trị của mình[15].
Kích thước của những viên ngọc trai như ghi chép trên tiết lộ cho chúng ta một số thông tin quý giá. Mặc dù vùng duyên hải dọc Quảng Đông và vịnh Bắc Bộ luôn được coi là nơi sản xuất ngọc trai, nhưng ngọc trai ở vịnh Bắc bộ giai đoạn sau này không được coi là tốt và lớn như của Ấn Độ. Vì thế, danh sách 50 viên ngọc trai nêu trên rất có thể có nguồn gốc từ việc buôn bán của Đại Việt với các thương nhân Nam Á. Nếu điều này là đúng thì nó gợi ý rằng, sự giàu có của Đại Việt bắt nguồn từ sự giao thương với các nước Nam Á.[16] Tóm lại, những bằng chứng đó chỉ ra cho chúng ta phần nào thấy được sự giàu có của Đại Việt thời Lý và đầu thời Trần.
2.2. Ngựa từ Vân Nam và muối từ biển
Một mặt hàng buôn bán quan trọng khác của quốc gia Đại Việt thời Lý là ngựa. Đây là một trong những mặt hàng quan trọng nhất mà Champa mua được từ người Việt. Tống hội yếu (Song yangkao) chép rằng người Chàm đi lại “trên lưng voi hoặc kiệu được làm từ vải bông. Một số khác cưỡi loại ngựa được mang đến từ Giao Châu”. Đông Tây dương khảo (Dongxi yangkao), nguồn thời Minh, cũng xác nhận rằng: “Dưới thời Tống, Champa thường mua ngựa từ Giao Chỉ, vì thế Giao Chỉ bán ngựa như một trong những mặt hàng bản địa của nó”[17]. Ngựa không có nguồn gốc từ Giao Chỉ, mà chúng được mua từ người Man (Xuất phát từ thuật ngữ “người mọi rợ” mà người Việt và người Hoa hay gọi) sống ở khu vực Vân Nam và Quảng Tây ngày nay.[18] Những nguồn tư liệu của Việt Nam đã chỉ ra những thông tin xuất xứ của ngựa. Ví dụ như năm 1012, người Man đến châu Kim Hoa và Vị Long để buôn bán, vua Lý Thái Tổ “ra lệnh bắt giữ hơn 10.000 con ngựa”. Những cuộc vây bắt này, đôi khi được tiến hành bởi chính quan lại địa phương người Việt, và ngựa là một trong những thứ mà họ cố gắng chiếm giữ. Vào thế kỷ XIII, Việt sử lược chép rằng năm 1008 vua Lê Ngọa Triều “bản thân ông ta chỉ huy cuộc vây bắt ở hai châu Đỗ Lãng và Vị Long, bắt người Man và hơn 100 con ngựa”. Từ hai trường hợp trên cho ta thấy rằng, châu Vị Long đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp ngựa cho Đại Việt[19]. Điều này phần nào giải thích rằng tại sao triều Lý luôn quan tâm tới với vùng này và gả công chúa cho một thủ lĩnh địa phương, họ Hà.[20]
Mặt hàng phổ biến nhất mà người Việt dùng để trao đổi lấy ngựa là muối. Lĩnh ngoại đại đáp chép rằng “người Fan (giống như người Man) bán ngựa cho chính quyền hàng năm để trao đổi lấy muối và bò. Tuy nhiên, điều này làm cản trở lộ trình buôn bán ngựa”.[21] Điều thú vị là người Việt không cần thiết phải sản xuất muối, thứ mà họ dùng để trao đổi với ngựa. Việt sử lược tiết lộ rằng cuối năm 1206, phần lớn vùng duyên hải nằm dưới sự quản lý của các thủ lĩnh địa phương; ví dụ như hai vùng sản xuất muối quan trọng là Đằng Châu và Khoái Châu (thuộc hưng Yên ngày nay) trực thuộc sự quản lý của các thủ lĩnh địa phương hơn là các vua Lý. Theo quan điểm của John Whitmore, sự phân cách giữa vùng đất thượng châu thổ và hạ châu thổ của Đại Việt chỉ được dỡ bỏ vào năm 1220 như là kết quả của những nỗ lực chung giữa nhà Lý và những người kế tục họ - vương triều Trần (1225 - 1400). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hai vùng này được nối liền với nhau.[22]
Từ cách nhìn nhận này, chúng ta thấy rằng buôn bán ngựa là một mắt xích quan trọng để kết nối giữa vùng núi và đây chính là một phần quan trọng để cấu thành nền kinh tế Đại Việt. Chỉ trong bối cảnh này mới có thể hiểu được ví dụ như, tại sao Nam Chiếu (Nanzhao), và tuyến thương mại gắn liền với khu vực này luôn là tâm điểm chú ý của triều đình Đại Việt và Trung Hoa đương thời. Đồng thời, nó cũng chỉ ra rằng tại sao một vương quốc nằm xa xôi kinh đô Đại Việt lại có thể tấn công Thăng Long bốn lần vào các năm 846; 860; 862; và 863 và chiếm giữ kinh thành này trong hai năm (863 - 865). Sự thật thì ngựa là nguyên nhân quan trọng khiến các thủ lĩnh địa phương kêu gọi Nam Chiếu xâm chiếm lãnh thổ của họ sau khi Lý Trác (Li Zhuo), quan tổng trấn của nhà Đường ở An Nam, đòi hỏi một cái giá thấp đến mức vô lý trong việc trao đổi giữa ngựa và muối[23]. Hơn nữa, chúng ta có thể biện luận rằng những cuộc tấn công của Nam Chiếu cũng làm suy giảm lớn sức mạnh cai trị của nhà Đường và vì thế, mở đường cho người Việt giành độc lập vào năm 938. Thậm chí vào thế kỷ XII, Vân Nam vẫn giữ vị trí quan trọng đối với người Việt, đặc biệt khi hoàng thân Đại Lý (Dali) nhận một hoàng tử vốn là con của vua Lý Nhân Tông với người thiếp làm con nuôi. Vị hoàng tử này được lấy họ hoàng gia là Zhao (Triệu?), và giúp vua Đại Lý quản lý quân lính khi ông muốn giành lấy ngai vàng sau khi cha của ông ta qua đời[24].
Những ví dụ trên đây cho chúng ta hình dung Giao Chỉ như là một cảng thị mang tính quốc tế. Như đã chỉ ra, Giao Châu và Quảng Châu là hai trung tâm buôn bán lớn trong kỷ nguyên thương mại thời Đường, nhưng những gì khác nhau giữa hai trung tâm này chưa bao giờ được nhìn nhận hoặc là nhìn nhận một cách thiếu chính xác. Trong khi hoạt động của Quảng Châu chủ yếu là hải thương thì Giao Châu thiết lập mạng lưới buôn bán nội địa nối liền với Khmer, Chăm, Lào và Vân Nam. Mạng lưới buôn bán này dựa vào sự kết nối của hệ thống sông - biển, trong đó miền Trung Việt Nam giữ vị trí quan trọng. Hệ quả tất yếu là, những hàng hóa nổi tiếng của Giao Chỉ trong những thế kỷ này chiếm số đông không phải là những sản phẩm bản địa, chẳng hạn như trong danh sách cống phẩm từ Ngưu Hống (khu vực Yên Châu, Sơn La ngày nay) và Ai Lao (Lào ngày nay) đến Đại Việt năm 1067: “vàng, bạc, dầu thơm, sừng tê giác và ngà voi”[25].
3. Biển Giao Chỉ trong bối cảnh quốc tế: Người Hồi giáo và lái thương Việt
Những thương nhân Hu, tên thường gọi của những thương nhân Nam Á và sau này có thể là cả thương nhân Trung Đông (thuật ngữ Hu có thể cũng được hiểu là Hồi hay Hồi Hột) cũng có những quan hệ mật thiết với Đại Việt. Từ thời Hán, thương nhân Hu được khuyến khích đến Giao Chỉ, bởi vì, theo quan điểm của wang Gungwu: “Nguồn lợi chính (của Trung Hoa)… là thương mại”.[26] Ví dụ như, dưới thời Sĩ Nhiếp khoảng năm 187 - 226, một số lượng lớn người Hu được dùng để hộ tống Sĩ Nhiếp khi ông ta đi du hành.[27] Giao Châu là nơi mà những thương nhân và quan lại người Hoa có thể tiếp xúc với thương nhân ngoại quốc. Vị trí trung gian dường như vẫn được giữ nguyên sau khi người Việt giành được độc lập vào thế kỷ X. Khi một sứ đoàn Mông cổ đến Đại Việt vào năm 1266, họ thấy một số lớn người Hồi giáo (Huihu) đang sinh sống ở đây. Điều này phản ánh trong một bức thư của hoàng đế Mông cổ Kublai (Hốt Tất Liệt - ND) gửi đến Đại Việt vào năm 1267, trong đó ông ta chỉ trích triều đình Đại Việt không cho người Hồi giáo đến nói chuyện với sứ đoàn của ông ta trong suốt thời gian của chuyến đi sứ. Năm 1268, Kublai có những cố gắng khác để tiếp xúc với người Hồi giáo ở Đại Việt. ông ta yêu cầu vua Trần Thánh Tông gửi những thương nhân Hồi giáo đến Trung Quốc để ông ta có thể trao đổi với họ về tình hình Trung Đông. Vua Thánh Tông thoái thác bằng việc trả lời rằng chỉ có hai thương nhân Hồi giáo ở Đại Việt, nhưng cả hai đã chết, và vì thế yêu cầu của Kublai không thể đáp ứng được. Hoàng đế Mông Cổ đã nổi giận và cho đó là một lời nói dối[28].
Như sử biên niên của Việt Nam xác nhận, Kublai đã đúng khi xác định rằng có những mối tiếp xúc giữa Đại Việt, Trung Quốc và Trung Đông. Toàn thư chép năm 1274, không lâu sau sự kiện trên, một hạm đội khoảng 30 thuyền vượt biển đến Đại Việt xuất phát từ Trung Quốc. Trên thuyền có những người nhập cư, họ mang theo châu báu và gia đình của mình. Họ tự gọi mình là “người Hồi” (Hui Ji-回鸡), cái tên mà hầu như chắc chắn là họ lầm lẫn với “Huihu -回鹘” .[29] Rất có thể đã có một số lượng đáng kể những người Hồi ở Đại Việt nên họ mới có thể tiến hành một cuộc di dân lớn như vậy. Cũng thông qua nguồn tư liệu này có thể thấy rằng văn hóa Trung Đông hiện diện ở quốc gia Đại Việt thời Trần là khá rõ. Sự thật thì năm 1268, chính là năm mà hoàng đế Mông Cổ yêu cầu các thương nhân người Hu (Hồi giáo) từ Đại Việt phải tới yết kiến. Trần Thánh Tông và anh trai tiến hành một buổi biểu diễn múa theo phong cách Hồi giáo ở hoàng cung để mua vui cho thượng hoàng Trần Thái Tông. Toàn thư đặc biệt nêu rõ, những vị quan tiền nhiệm mặc áo choàng trắng bằng vải bông vào mỗi dịp lễ hội. Cần phải lưu ý rằng mặc áo choàng trắng ở một lễ hội không phải là phong tục của Trung Quốc cũng chẳng phải là phong tục của Việt Nam thời kỳ này, mà nó được sử dụng phổ biến ở Trung và Nam Á “mặc quần áo trắng ở lễ hội và quần áo đen cho đám tang”.[30]
Con của hoàng đế Thánh Tông, nhà vua Nhân Tông nhắc đi nhắc lại chuyện ông ta tới thăm Champa với tư cách là một người sùng đạo Phật. Tại Champa chắc hẳn nhà vua đã gặp nhiều người đến từ Trung Đông. Sự kiện này có thể đánh dấu mở đầu cho sự ảnh hưởng của văn hóa Hồi giáo. Chỉ trong bối cảnh này, chúng ta mới có thể hiểu được những ghi chép dường như là rời rạc và ngẫu nhiên trong Toàn thư, chẳng hạn như tham khảo ghi chép năm 1304 với việc “những thầy tu yoga đến từ Champa, và họ chỉ uống sữa”. Năm 1311, có thầy tu người Hu khác tới từ Champa. Ông ta khẳng định mình đã 300 tuổi, có khả năng đi trên nước và mang những sức mạnh siêu nhiên khác như ông ta có thể xoắn người để lộ ruột ra ngoài. Đây là lần thứ hai ông ta đến thăm Đại Việt. Lần này, ông ta mang theo cháu gái của mình và gả cho hoàng đế Anh Tông. Đám cưới dường như đã được sắp đặt bởi thượng hoàng Nhân Tông, vì nhà vua đã gặp thầy tu này từ lần viếng thăm đầu tiên. Việc triều đình Đại Việt tiếp xúc thường xuyên với Champa và thậm chí xa hơn nữa cũng được xác nhận bởi kỹ năng ngôn ngữ của quý tộc Trần đạt được nhờ vị trí trung gian của Đại Việt trong lộ trình hải thương. Điển hình là Trần Quang Khải, người có thể sử dụng thành thạo rất nhiều ngôn ngữ khác nhau cũng giống như em trai là Trần Nhật Duật. Theo Toàn thư, Trần Nhật Duật, có thể nói chuyện với sứ đoàn từ Temasek (Singapore ngày nay) theo ngôn ngữ của họ; tiếng nói này có thể là Malay nhưng cũng có thể là Ba Tư hoặc Arập[31].
Người Việt chắc chắn khai thác triệt để vị trí trung gian của mình giữa các quốc gia hải đảo và Trung Quốc. Một trong những sản phẩm của Đại Việt vào thế kỷ XIII là vòng xuyến tẩm hương thơm. Để làm những vòng xuyến này, người Việt sẽ trộn bột thơm với bùn, nặn đất sét thành nhiều hạt, sau đó xâu chúng lại với nhau bằng sợi dây tơ nhiều màu sắc. Cách làm này có thể học được từ các thương nhân Tây và Nam Á. Sau đó, những chuỗi này được mang bán ở Trung Quốc và được ghi chép lại là rất phổ biển với phụ nữ ở đây.[32] Vòng xuyến có thể cũng được xuất khẩu từ Trung Quốc đến các vùng khác nhau của Đông Nam Á; nhiều đồ gốm của người Việt trong những con tàu đắm phát hiện ở miền Nam Philippines cũng chứa nhiều hạt gốm như sẽ được trình bày ở phần dưới đây.
Hải Nam (Hainan) và những mối liên hệ với Hồi giáo
Mối liên hệ của Hồi giáo với khu vực này sẽ rõ ràng hơn khi chúng ta xét đến vị thế của đảo Hải Nam. Giao Chỉ có mối liên hệ khăng khít với Hải Nam; phong tục của Hải Nam là thờ thần “Li Mu” (Mụ/mẹ - tổ mẫu của tộc người Li), được miêu tả như sau: Mụ ăn trái cây được lấy từ trên núi và sống trên cây. Sau đó, một người đàn ông Giao Chỉ vượt biển đến Hải Nam để thu thập gỗ lô hội, một loại gỗ thơm. Bà đã cưới ông ta và có nhiều con cháu. Chỉ đến khi đó họ mới khai hoang và trồng trọt. Điều thú vị là, khu vực mà Mụ sinh sống, núi Li Mu, là nơi có nhiều gỗ lô hội nhất.[33] Truyền thuyết bản địa này không chỉ gợi cho chúng ta thông tin về nguồn gốc của gỗ lô hội của Giao Chỉ, mà còn cho thấy mối quan hệ mật thiết và chặt chẽ giữa Giao Chỉ và Hải Nam. Những tài liệu khác dưới thời Tống cũng xác nhận rằng, nhiều người từ Đại Việt đến Hải Nam để chọn gỗ, mặc dù hoạt động buôn bán với người Hải Nam là nguồn cung cấp đáng tin cậy hơn đối với mặt hàng này. Người Li đã “sống nhờ buôn bán gỗ thơm”, theo như Chư phiến chí[34]. Một số người mua gỗ thơm từ Giao Chỉ, vì vậy có thể đã có nhiều người Việt đến Hải Nam để buôn bán.
Gỗ thơm là một trong những mặt hàng quan trọng của người Việt, được bày bán phổ biến ở Khâm Châu (Qinzhou) thuộc Quảng Tây. Tại những nơi này, gỗ thơm được trao đổi lấy lụa của thương nhân Trung Quốc, những người có thể đến từ những nơi xa xôi như Tứ Xuyên (Sichuan):
Toàn bộ những món hàng quen thuộc của Giao Chỉ phụ thuộc vào Khâm Châu, vì vậy thuyền bè liên tục ra vào giữa hai địa điểm này. Buôn bán tấp nập diễn ra ở phía Đông của con sông nằm bên cạnh cảng thị. Những người mang sản phẩm từ biển dùng để trao đổi với lúa gạo và vải bông với số lượng ít được gọi là “Đãn Giao Chỉ” (Người được biết như dân Quảng Đông). Những thương nhân giàu có đến từ vùng biên giới của huyện Vĩnh Yên của Đại Việt buôn bán tại Khâm Châu, thường được coi là “những tặng phẩm nhỏ”. “Những tặng phẩm lớn” ám chỉ những đoàn triều cống từ Đại Việt đến để buôn bán. Những hàng hóa họ buôn bán là vàng, bạc, tiền đồng, gỗ lô hội và những loại gỗ thơm khác, ngọc trai, ngà voi và sừng tê. Những tiểu thương từ nước chúng ta đến đây trao đổi đồng, giấy bút, thóc gạo và vải bông với cư dân Giao Chỉ không được chú trọng lắm. Tuy nhiên, có những thương nhân giàu có mang vải thêu kim tuyến từ Shu (Tứ Xuyên) đến Khâm Châu để buôn bán dầu thơm một năm một lần. Họ thường mang theo hàng ngàn quan tiền. Những thương nhân đó mặc cả giá hàng giờ trước khi quyết định mua bán. Khi mà đã thống nhất về giá thì không ai được phép đàm phán với những thương nhân khác. Khi bắt đầu trao đổi giá cả, khoảng cách giữa giá nói và giá trả là rất lớn như giữa trời và đất. Những thương nhân giàu có của chúng ta (người Hán) cử những người hầu đến mua những thứ hàng hóa phục vụ cuộc sống hàng ngày và thậm chí họ còn xây dựng những khu cư trú tạm thời ở đó với mục đích làm vô hiệu hóa hoạt động của thương nhân (Giao Chỉ). Những thương nhân giàu có thường bình tĩnh, và dùng tính kiên trì của họ như một vũ khí. Khi hai thương nhân thấy nhau, họ sẽ cùng nhau uống rượu, như lâu ngày họ mới gặp nhau. Tại bữa tiệc đó, các bên có thể thêm hoặc bớt một vài quan, do đó giá cả giữa bên mua và bên bán dần khớp với nhau hơn. Khi có sự nhất trí, các quan (ở các chợ) cân dầu thơm và phân bố vải thêu kim tuyến cho hai bên để kết thúc sự thỏa thuận. Tại các địa điểm buôn bán, chính quyền (nhà Tống) chỉ thu thuế đối với thương nhân từ nước chúng ta”[35].
Đoạn trích trên chỉ ra rằng, Giao Chỉ là đối tác thương mại quan trọng nhất tại khu vực duyên hải Trung Quốc của vịnh Bắc Bộ. Sự trao đổi hàng hóa ở khu vực này rất phát đạt và phức tạp. Hoạt động thương mại tại khu vực này có thể được coi là mang tính chất khu vực hoặc cũng có thể là địa phương vì khoảng cách giao thương bằng thuyền là rất nhỏ. Buôn bán chắc chắn là một phần thiết yếu của đại bộ phận cư dân trong vùng.
Tuy nhiên, yếu tố mang tính sống còn để Hải Nam liên kết với thế giới bên ngoài là Champa. Bắt đầu vào thời Tống, các đoàn thương thuyền của người Chăm thường dừng lại đầu tiên ở Hải Nam trước khi đến Trung Hoa lục địa. Dường như chắc chắn rằng, phần lớn thương nhân hoạt động ở Hải Nam đều đến từ hoặc đi qua Champa, nơi mà thương nhân Hồi giáo từ lâu đã thiết lập các thương điếm như là một mắt xích trong hệ thống thương mại của mình. ở Guangzhou (Quảng Châu) và Fujian (Phúc Kiến), thương nhân Chăm hoặc thương nhân Hồi thường sống cố định ở khu dành riêng cho người nước ngoài, trong khi ở Hải Nam họ sống chủ yếu ở Yaizhou[36]. Những nhóm ngoại quốc khác, cũng có thể từ Champa, sống ở Daixian phần Đông Bắc của Hải Nam và ở Baisha.[37]Rất nhiều trong số họ có tên là “Pu” (Abu). Vì vậy, gia phả họ Pu cũng cung cấp manh mối về mối quan hệ giữa Hải Nam, Đàng Trong và lục địa Trung Quốc. Những gia phả này được tìm thấy ở Hải Nam (Yaizhou), ở Phúc Kiến (Dehua-Đức Hoá), Quảng Châu và vùng Khâm Châu ở Quảng Tây. Nói một cách khác, gia tộc họ Pu sinh sống ở những nơi mà họ có thể buôn bán được và khu vực vịnh Bắc Bộ là một trong những nơi họ sống tập trung. Măc dù những năm gần đây có một số ý kiến nghi ngờ về nguồn gốc Hồi của những gia đình Pu, như Pierre - Yves Manguin đã chỉ ra, bằng chứng Trung Quốc và Arập đã chứng minh một cách minh bạch là, có những mối liên hệ giữa Campa, thương nhân Hồi giáo ở Nam Trung Hoa với nhà Pu vào đầu thế kỷ thứ VIII,”[38]. Bằng cách đó, thương nhân Hồi giáo ở Hải Nam và quan hệ của họ với vùng Quảng Châu (Quanzhou) thuộc Phúc Kiến (Fujian) góp phần phản ánh sự phát triển thương mại của tỉnh này, như tranh luận của Chang Pintsun. Có cơ sở để thừa nhận, như Roderik Ptak đã chỉ ra, rằng các thương nhân từ Champa, hoạt động từ Hải Nam, hay thường xuyên lui tới đó, đã có những ảnh hưởng ở những cảng thị lục địa của Trung Quốc, và những nhóm này thường quan hệ chặt chẽ với nhau để cạnh tranh hoặc là liên kết với những nhóm thương nhân Hồi giáo khác và người Phúc Kiến[39].
Trong bối cảnh này, điều không thể tưởng tượng được là thương nhân Hồi giáo đã để lại dấu tích vòng quanh vịnh Bắc Bộ, ở Khâm Châu, Hải Nam và Champa, chỉ riêng bỏ qua Đại Việt trong suốt hàng ngàn năm thương mại và giao lưu-những cái đó dường như lại là những tài liệu hiện nay bảo cho chúng ta. Như Kenneth R. Hall đã quan sát, tất cả nguồn tư liệu của người Việt về vùng ngoại vi biên giới phía Bắc bị bóp méo bởi thành kiến của các sử gia nho giáo, đặc biệt là thái độ hoài nghi đối với thương mại của họ. Trong bối cảnh ấy, mối giao thương với các thương nhân Hồi giáo bị loại bỏ bởi định kiến của các sử gia phong kiến; bởi vì những tiếp xúc này chỉ mang lại sự nhầm lẫn và không khớp với quá trình xây dựng lịch sử quốc gia vốn vừa mang ý thức hệ, vừa mang tính chủng tộc.[40] Như một hệ quả, một phần quan trọng của lịch sử Việt Nam bị thiếu mất, như là bằng chứng trong Toàn thư: trong ít nhất hai trường hợp, tên nước ngoài hoặc tên người nước ngoài bị viết sai: một là Huihu, như đã trình bày ở trên và một trường hợp khác là Temasek[41]. Bởi vậy, hai trong số đối tác thương mại quan trọng của Đại Việt thời kỳ này trở thành những cái tên mới và xa lạ, làm cho mọi người lầm tưởng là không quan trọng và thiểu số. Chính điều này củng cố hơn nữa quan điểm rằng Đại Việt như là một quốc gia trì trệ về thương mại, một nơi có rất ít quan hệ với thế giới bên ngoài. Được viết ít nhất 150 năm sau những sự kiện này, hơn nữa lại bị chi phối bởi ý thức hệ Nho giáo, tác giả Toàn thư ít quan tâm đến những tên gọi của những người mà tổ tiên của người Việt đã thường xuyên quan hệ. Phần lớn những những bằng chứng liên quan đến yếu tố văn hóa và truyền thống đã đóng góp cho sự hình thành quốc gia Đại Việt đã bị phân tán và chôn vùi trong cát bụi.
Một lí do khác mà các nhà sử học Việt Nam có khuynh hướng miêu tả lịch sử Đại Việt thời kỳ đầu sao cho thật giống với Trung Quốc, có thể là về vấn đề an ninh. Sự lo lắng này được miêu tả trong bài thơ viết bởi vị vua tiếm quyền Hồ Quý Ly, người mà sau này là nguyên cớ cho cuộc xâm lược của nhà Minh năm 1407. Khi trả lời một câu hỏi của sứ giả Trung Quốc, ông ta nói: “Nếu ngươi hỏi ta về phong tục của An Nam, ta sẽ nói với ngươi là phong tục của chúng ta thuần túy giống Trung Quốc. Y phục chúng ta theo phong cách nhà Đường, và nghi lễ chúng ta dùng theo kiểu nhà Hán.[42] Ông ta viết điều này vì ông ta biết rằng: Trung Quốc một lần nữa trở lại sự thống trị của người Hán sau khi triều đình Mông Cổ bị lật đổ. Hồi giáo và những mối liên hệ không chính thống khác bị che đậy khi mà quốc gia đứng trước nguy cơ bị xâm lược bởi thế lực lớn hơn. ở Đại Việt cũng như ở Trung Quốc, những dấu vết của người theo Hồi giáo và người Mông Cổ hầu như bị loại bỏ vào thời Minh.
Quan hệ khăng khít giữa Hải Nam và Champa được ghi chép lại bởi một sử gia Trung Quốc vào năm 1600, cũng được Lê Quý Đôn - nhà sử học nổi tiếng của Việt Nam thế kỷ XVIII nhắc lại. Đoạn trích sau đây thể hiện sự quan tâm của Lê Quý Đôn đối với vấn đề biển:
Qu Daiun diễn tả trong Guangdong Xinyu (có thể là Quảng Đông chí lược?) rằng từ Hải Nam theo hướng Nam đi khoảng 600 lý sẽ đến Champa. Mỗi khi có gió Nam, mọi người có thể nghe thấy tiếng gà gáy từ phía Champa vào mỗi buổi sáng sớm. Điều này là minh chứng cho thấy sự gần gũi về mặt địa lý giữa hai khu vực. Nếu Hải Nam là tấm bình phong che chắn cho Quảng Đông thì Champa là tấm lá chắn che cho Hải Nam[43].
Theo Lê Quý Đôn thì cả vùng này được kết nối với nhau bởi biển và chịu ảnh hưởng bởi các luồng thương mại; biên giới về mặt lãnh thổ chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Khi hình dung Trung Hoa như một thực thể văn hóa đồng nhất phủ lên toàn bộ biên giới hiện đại ngày nay, từ đó ảnh hưởng ra các quốc gia lân cận và tới Việt Nam từ phía Bắc thì chúng ta cũng phải lưu ý một điều rằng cho đến thời Minh (và đến tận nửa sau thế kỷ XVIII đối với Vân Nam), phần lớn Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và Hải Nam là những vùng kém phát triển hơn khu vực Bắc Bộ cả về kinh tế và văn hóa. Chúng ta có thể lấy việc sản xuất gốm sứ như một thước đo. Cho tới thế kỷ XIII, ở các tỉnh như Hải Dương và Thanh Hóa ngày nay, xuất hiện nhiều trung tâm gốm sứ nổi tiếng, trong khi đó chỉ có duy nhất một lò được tìm thấy ở Quảng Tây và không hề có một lò nào ở Vân Nam.[44] Một nghiên cứu về số lư