25/05/2018, 17:46

Lược khảo nội dung bàn về nhà nho Việt Nam đầu thế kỉ XX qua một số bài viết quốc ngữ trên Nam Phong tạp chí

Trong suốt 17 năm tồn tại (1917 – 1934) với 210 số, Nam Phong tạp chí đã giành một dung lượng không nhỏ để đăng tải các bài viết biên khảo, dịch thuật liên quan tới Nho học nói chung và Nho học Việt Nam nói riêng, ở cả phần chữ Hán (do Nguyễn ...


tăng kích thước chữ

Trong suốt 17 năm tồn tại (1917 – 1934) với 210 số, Nam Phong tạp chí đã giành một dung lượng không nhỏ để đăng tải các bài viết biên khảo, dịch thuật liên quan tới Nho học nói chung và Nho học Việt Nam nói riêng, ở cả phần chữ Hán (do Nguyễn Bá Trác chủ bút) và chữ Quốc ngữ (do Phạm Quỳnh chủ bút). Ta có thể tạm phân chia nội dung Nho học trên Nam Phong tạp chí thành sáu mảng: 1. Khảo luận về triết học tư tưởng Khổng Mạnh và Nho giáo (gồm các bài chuyên khảo của học giả Việt Nam và dịch thuật các bài viết của học giả người Pháp, Nhật và Trung Quốc). 2. Truyện ký về Khổng Tử và các danh Nho Trung Quốc, Việt Nam. 3. Khảo luận về vấn đề nhà Nho Việt Nam đầu thế kỷ XX. 4. Khảo về giáo dục Khoa cử Nho học. 5. Phiên dịch kinh điển Nho gia (gồm Luận ngữ (một phần), Mạnh tử (toàn văn)và Xuân thu Tả truyện (một phần), cùng các cách ngôn danh cú tuyển chọn từ thư tịch cổ). 6. Phiên dịch trước tác văn chương của các nhà Nho.

 

Có thể thấy, Nam Phong tạp chí là một bộ tư liệu quý trong số các công trình nghiên cứu, biên khảo của Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX nghiên cứu về Nho học, cần được chúng ta đặc biệt chú ý. Bởi lẽ các bài viết của tạp chí này mang nhiều yếu tố mới mẻ trong việc phản tư, nhìn nhận lại địa vị, vai trò, cùng sự ảnh hưởng của Nho học và nhà Nho truyền thống đối với nền học thuật và xã hội Việt Nam hiện đại. Trong bài viết này, chúng tôi hướng đến tìm hiểu một số bài viết liên quan đến nhà Nho Việt Nam đầu thế kỷ XX, thuộc một trong sáu mảng nội dung nói trên. Đây là vấn đề mang đậm tính thời sự, được giới trí thức Nam Phong quan tâm bàn luận. Trong giai đoạn bản lề lịch sử đầy biến động, trí thức Nam Phong đã tiến hành phân tích hiện trạng của tầng lớp nhà Nho Việt Nam trong cuộc đại khủng hoảng, suy cứu nguyên nhân thất bại, đồng thời họ đã tiến hành đánh giá lại vai trò, vị thế của nhà Nho xưa nay, để nhằm đưa ra giải pháp vãn hồi tình thế, tìm kiếm một lối thoát cho các nhà Nho khỏi cơn bĩ cực. Do dung lượng có hạn, nên trong bài viết này, chúng tôi mới chỉ tập trung tìm hiểu các bài viết trực tiếp bàn về vấn đề nhà Nho Việt Nam đầu thế kỷ XX thuộc phần Quốc ngữ của Nam Phong tạp chí, cụ thể gồm 5 bài viết: 1. Mấy lời trung cáo với các bạn nhà Nho, nguyên tác Hán văn của Nguyễn Bá Trác, Tú tài Nguyễn Đôn Phục dịch ra Quốc ngữ, số 51, tháng 9 năm 1921; 2. Học phong và sĩ khí của Phạm Quỳnhsố 79, tháng 1 năm 1924; Nhà Nho có lẽ chịu sầu của Trúc Hàsố 130, tháng 6 năm 1928; Nhà Nho của Phạm Quỳnhsố 172, tháng 5 năm 1932; Phái nhà Nho khoảng 30 năm nay đối với sự học cũ của Phạm Quỳnhsố 195, tháng 5 năm 1934. Hy vọng bài viết có thể đóng góp một tiếng nói nhỏ cho những ai cùng chung vấn đề quan tâm.

1.Hiện trạng nhà Nho Việt Nam trong buối giao thời đầu thế kỷ XX dưới ngòi bút của Nam Phong tạp chí

      Chúng ta biết, năm 1915 (Duy Tân 9) và năm 1918 (Khải Định 3), Bắc kỳ và Trung kỳ lần lượt diễn ra hai khoa thi Hương cuối cùng. Và đến năm 1919, (Khải Định 4), triều đình tổ chức khoa thi Hội cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, và cũng là kỳ thi cuối cùng trong lịch sử khoa cử hơn 800 năm của Việt Nam. Sự kiện chấm dứt khoa cử này được ban hành theo chỉ dụ của vua Khải Định vào ngày 4/11/1918. Khoa cử chấm dứt cũng đồng thời đánh dấu sự suy tàn và chấm hết của ý thức hệ Nho giáo tồn tại ở Việt Nam hơn 1000 năm. Sự cáo chung của Nho giáo truyền thống, cùng sự du nhập văn minh Tây phương vào Việt Nam trong buổi “giáp hạt”[2]đầu thế kỷ XX, đã khiến học giới nước ta lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Cựu học đang trong giai đoạn suy tàn, phải hứng chịu những búa rìu phê phán hết sức nặng nề từ phái Tân học. Trong quan niệm của Tân học, Cựu học chỉ là thứ giây ác nghiệp để buộc trói thiên hạ trong vòng chuyên chế[3], hay chỉ là một thứ học thuyết “hủ lậu”, đáng bị phỉ báng. Trong đám Tân học ấy, có những kẻ thậm chí “vừa nhào được trong cái hình thức tân học thì đã quay đầu thóa mạ cựu học”. Còn Hán văn thì bị coi là “cái văn tự vô dụng”. Trong bối cảnh đó, số phận của phần lớn tầng lớp nhà Nho – vốn là những “giáo sĩ truyền đạo Khổng Mạnh”, là một “giai cấp trong xã hội, tức là hạng thượng lưu trí thức trong nước”, vốn giữ một chức vụ cao quý làm “hướng đạo cho quốc dân, làm tiêu biểu cho cả nước” trong xã hội Việt Nam, phải gánh một số phận nghiệt ngã, bế tắc, đứng trước bờ vực diệt vong. Thậm chí, nhà Nho đã phải chịu mang tiếng “làm mất nước” như có người từng kết ánMở đầu bài viết Mấy lời trung cáo với các bạn nhà Nho[4]Nguyễn Bá Trác đã ngậm ngùi than cho tình cảnh của lớp nhà Nho Việt Nam trong buổi cáo chung của Nho giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX rằng: “Than ôi, bạn nhà Nho ta bấy lâu dùi mài kinh sử, chất bằng kim thạch, con nhà thánh hiền có đâu đến nỗi lông bông hư hỏng bao giờ; chẳng may gặp phải thời buổi gạn lọc, cái đời ao nghiên ruộng sách của anh đồ, đã là cái đời gác đi, chẳng những cái địa vị ăn sung mặc sướng trên xã hội chẳng đến mình, thậm chí cái đường tìm vành ấm no, cũng vì buôn trái nghề bán trái nghiệp, thợ chẳng hay, cầy chẳng biết, dở dở dang dang mà phải chịu thu tay bó gối, ngày nay trông thấy đã nhiều”. Và ông nhận định rằng: “Cứ cái tình thế hiện nay xem ra thì phàm những phái nhà Nho, và những phái không phải nhà Nho chăng nữa, trông thấy cơ mần thất bại ấy, ai chẳng bảo là cái hồi ách vận, cái cuộc bi quan của phái nhà Nho, nhà Nho vì thế mà tủi phận hờn duyên, mà người ngoài cũng vì thế mà thương vay khóc mướn”.[5] Ông thấy các nhà Nho hiện thời: “Bao nhiêu học vấn, bao nhiêu kiến thức thủa bình sinh của nhà Nho, tự khi khoa cửa đã bỏ đi rồi, phàm những người có tâm với Hán học thì chẳng qua chỉ thở ngắn than dài, viết ra bài phú thương thời, hát lên câu thơ cảm sự đó thôi; nếu chẳng thế, thì lại cho đời mình là cái đời bỏ đi có làm chi nữa, thà rằng ngao du tiêu khiển, thôi dũng đành dứt tình với đời Hán học rủ nhau cùng về đến cõi hư không đấy thôi; lục kinh còn hay mất, chẳng hỏi chi nữa; đạo đức hay hay dở, chẳng kể chi nữa”.[6] Còn Phạm Quỳnh nhận xét: “Nhà Nho có lẽ đến nay là cùng vận. Con nhà Nho bây giờ là cái vật trái mùa, còn ai là người quý chuộng. Dẫu còn thoi thóp dăm ba kẻ, cũng tự mình không tin mình rồi, còn mong gì kẻ khác trọng nữa”.[7] Nguyễn Bá Trác thì cho rằng phái Hán học “ngày nay đã thuộc về thời kỳ trở về già sắp sửa hết duyên, lại còn cắm sào đợi ai nữa?”, và hiện giờ quang cảnh của phái đó chỉ là “ một sợi tơ mành vắt ngang trời đất”, hay là “một sợi tóc rong với quả chì”[8] mà thôi. Còn Nguyễn Đôn Phục đã tổng kết thân phận của nhà Nho Việt Nam trong khoảng 30 năm đầu thế kỷ rẳng họ phải “trải đủ mọi đường vinh nhục thăng trầm”, và ông đoán biết rằng “phái nhà Nho tự nay trở đi, như ông sao lúc gần sáng, chắc là ít dần đi”. Trong con mắt của thanh niên đương thời, nhà Nho được Nam Phong tạp chí miêu tả như sau: “Kể về tư cách thì là một bọn hủ Nho sốc nổi, kể về tài tình thì chỉ biết chiều lụy người trên, hách dịch kẻ dưới, mà nói về học thức thì có gì đâu, ngày như đêm, đêm như ngày, gào chữ như quốc, dùi sách như mọt, để mưu lấy cái chức vị trong triều đình, và khi đã đạt đến cái mục đích ấy rồi, thế là toại chí thỏa lòng, không còn hoài vọng gì cao xa hơn nữa.”[9] Người đương thời tân tiến khinh rẻ nhà Nho như vậy, còn bản thân nhà Nho trong cái “hồi ách vận, cái buổi bi quan” ấy cũng mang nặng một tâm lý bất đắc chí, “tự rẻ rúng mình” mà “tủi phận hờn duyên”, đành ngao ngán cam chịu một bề “thu tay bó gối”. Trước sự thoái trào của Cựu học, Nguyễn Đôn Phục thừa nhận đó là xu thế tất yếu của thời đại: “Đối với con đường cũ, đã thuộc về cái thời thế nó áp bách, chẳng phải đợi ai phá hoại mà đã có thế tiêu hao”.[10] Tuy nhiên, theo Phạm Quỳnh, ngoài vấn đề thời thế, nguyên nhân“bày ra cái cảnh tượng điêu tàn như bây giờ”, cũng thuộc về trách nhiệm của nhà Nho: “Tựu trung bởi thời thế không lợi cũng có mà bởi nhà Nho tự khinh phần nhiều vậy”. Ca dao xưa có câu: “Chẳng ham ruộng cả ao liền, ham về cái bút cái nghiên anh đồ”, hay “Chẳng ham vựa lúa anh đầy, ham ba hàng chữ cho tầy thế gian”, thì tới nay, chúng ta thấy, cái thủa vàng son “ao nghiên, ruộng sách” của “anh đồ” Việt Nam đang lùi xa dần vào quá khứ.

Trước bối cảnh đó, thế hệ nhà Nho “thất thế” của Việt Nam đầu thế kỷ XX, đang từng bước phân hóa, chuyển đổi thành những thành phần khác nhau. Sự  phân loại, mô tả, bình giá tầng lớp nhà Nho thời kỳ này trên Nam Phong tạp chí, có thể giúp ta biết hơn về hiện trạng của nhà Nho, cũng như thái độ của giới trí thức cấp tiến đối với nhà Nho Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng.

Thứ nhất, trong bài Nhà Nho có lẽ chịu sầu?, Trúc Hà đã phân chia lớp nhà Nho đang tách thành “ba bè bảy đảng”thành hai nhóm chính sau: “Ngày nay đã chia ra ba bè bảy đảng, có đảng chứa chan những hy vọng cao xa, đương hăng hái trên con đường tân học” và “có đảng còn đang yên vị trong nho trường mà than dài, mà thở vắn”.Đối với lớp trước thì ông khen ngợi “có cái tâm chí cao thượng ấy, thật đáng kính phục thay”. Còn đối với lớp sau, ông bày tỏ “nghĩ cũng ái ngại xót xa thay”.[11]

Thứ hai, trong bài Phái nhà Nho khoảng ba mươi năm nay đối với sự học cũ, Nguyễn Đôn Phục đã tiến hành tổng kết và phân chia nhà Nho thành 3 phái: phái duy tân, phái lười biếng, bạc nhược và phái a dua. Đồng thời, tác giả đã tiến hành phân tích, bình luận về ba phái nhà Nho này:

1.     Phái duy tân: “Phái này thì nhờ về cái tinh hoa của Khổng giáo, biết đạo minh đức, biết nghĩa tùy thời. Kịp khi gặp có phong trào duy tân của Trung Quốc, tỉnh ngộ ra rằng lối khoa cử là hủ bại, không đủ ứng tiếp với thời đại đua chen, cực lực hô hào công kích lối cũ, hoan nghênh lối mới, để làm tai làm mắt, hướng đạo cho quốc dân. Cuốn sách họ Khang họ Lương chẳng khác gì cuốn kinh nhật tụng, hai chữ duy tân chẳng khác gì hai chữ thần thánh”.  Ông ca ngợi phái này “thực cũng có can đảm đứng giữa trần ai, không bị sóng gió của thời thế cuốn đi, mà dám tự tin rằng mười lăm năm về trước hễ người nào nói được chữ duy tân là thánh nhân chi đồ; mười lăm năm về sau hễ người nào nói được chữ thủ cựu là thánh nhân chi đồ vậy”. Tuy nhiên, nhược điểm của phái duy tân này là bởi sự cực đoan: “Nhất thiết lối học cũ đều cho là hủ bại hay là nhi hí. Thậm chí có danh từ là thủ cựu quỉ để chê những kẻ nhà Nho không biết duy tân. Trong khi hô hào đó không khỏi có lời thiên lệch quá đáng, nhưng lạ gì uốn cong thì phải quá thẳng, cũng không trách gì những kẻ nhà Nho bấy giờ”. Và cái kết quả duy tân mà phái nhà Nho này nhận được có lẽ trái với mong muốn của họ: “Trong khi khuynh hướng về đường tân đó, tiếp thụ được cái tinh thần thì phần ít, cúi nhặt được cái vỏ cặn thì phần nhiều, những trò nực cười của xã hội, mới hằng ngày diễn ra, khiến cho chữ tân cũng ít có giá trị gì nữa. Trước kia vẫn tưởng phái thủ cựu là hủ bại, ngờ đâu ngày nay phái duy tân hủ bại hoặc lại có phần hơn”.Song tác giả cũng khẳng định: “Đó là cái thông tệ của thời đại cải cách mới cũ giao nhau”. Đồng thời, ông nói:“Phái nhà Nho ấy biết rằng cái thời đại tự khoảng hai mươi năm nay là đã thuộc về thời đại nghiên cứu, thời đại lo toan, thời đại vãn hồi, thời đại kiến thiết, không phải là thời đại hô hào, thời đại phá hoại như hai mươi năm về trước nữa”. Vì tình thế thời cục đã thay đổi, phái nhà Nho duy tân “nên chi phải châm chước tình thế mà thay đổi phương châm. Đối với phương diện mới thì phải để lòng suy xét, đối với tinh túy cũ thì phải hết sức bảo tồn, một bước không dám tiến liều, một lời không dám cẩu thả. Ngày trước nói duy tân, ngày nay nói thủ cựu, trước sau là một người mà chủ nghĩa không trái ngược nhau gì cả; vì như thế mới là chủ nghĩa cứu thời cứu thế, mới là con người không phụ quốc dân”. Đó là lời khuyên nhủ tâm huyết của Nguyễn Đôn Phục giành cho phái các nhà Nho duy tân thứ nhất.

2.       Phái lười biếng, bạc nhược: Phái này “Tuy là danh hiệu nhà Nho, nhưng kỳ thực cũng không phải là chí khí nhà Nho. Cái thân phận các ông ấy chỉ theo phong trào của thời đại mà lên xuống. Thời đại dùng chữ Nho thì các ông ấy túa lên như mây, thời đại không dùng chữ Nho thì các ông ấy cái tinh thần chết hẳn. Hoặc là đủng đỉnh trong ngõ cúc tùng, hoặc là tiêu dao trong làng túy hương, hoặc là nằm co trong miền sơn dã, hoặc là khốn quẫn về đường y thực, như đại khái là cầm cái nghĩa yếm thế, tỏ ra bi quan; về đường đạo đức thì cũng nửa thanh nửa trọc; về đường học thuật văn chương thì dường như pháo tịt ngòi. Thậm chí hoặc có ông cho mình là lầm, học sách thánh hiền là hớ, theo đòi chữ Nho là vô ích, há chẳng nực cười thay!”. Đối với phái này tác giả tỏ ý chê bai đã rõ.

3.     Phái a dua: “Phái ấy chỉ biết theo đời mà không biết vãn cứu cho đời. Phái ấy thường có cái kỹ dạng nghênh hợp phong trào, và cái tâm lý sách ẩn hành quái. Nên chi ở thời đại nào cũng cũng mở mang miệng lưỡi, vẽ vời văn chương, khác với phái nhà Nho lười biếng”. Phái này trong buổi đầu“đương lúc dân trí còn chửa khai, vạn sự còn ê trệ, phái ấy hô hào duy tân, công kích thủ cựu, ai bảo rằng không phải.” Tuy nhiên, “kịp khi cái cảnh tượng trong thời gian nó đã biến đổi, gián cách kể đã ba mươi năm, tình trạng trong xã hội ngày nay không phải như tình trạng ngày trước nữa. hai chữ duy tân đã thành hủ sáo”, thì phái này chỉ biết “hô hào với cổ động suông”, còn đối với “phần văn hóa của Đông phương, học thuyết của tiền triết, gốc nhà gốc nước, quốc hồn quốc túy của quốc dân, phái ấy có từng để ý bảo tồn vãn cứu cho quốc dân nhờ đấy không? Hay là chỉ khư khư giữ lấy cái thuyết tòng tân xả cựu là cái thuyết trần hủ ngoại 20 năm về trước?”. Và cái tội của phái này được quy kết là “a dua thời thế”, không biết tìm cách “giàng buộc tiếp nối cái dây cựu học sắp đứt”mà lại còn “toan cầm dao cắt đứt đi”, không có cái nghĩa “cứu thế, giúp dân” nữa. Có thể thấy, tác giả đã kịch liệt phê phán, công kích, vạch trần bản chất hủ bại của phái nhà Nho a dua này.

Thứ ba, trong bài viết Nhà Nho, Phạm Quỳnh đã mô tả hiện trạng và phân lớp nhà Nho Việt Nam từ khi thời thế thay đổi như sau: “Nay nhà Nho ta, từ khi thấy thời thế thay đổi, tự xét mình không đắc dụng với đời nữa, sinh ra chán nản, trước sau chỉ biết giữ một cái thái độ tiêu cực. Thảng hoặc cũng có kẻ hăng hái, không muốn cam tâm chịu tiêu cực nữa, thì lớp trước kia hô hào cải cách, rủ nhau xuất dương rồi mà sở chí sở sự không thành, kết cục đến kẻ bôn ba nơi hải ngoại, người ủ dột chốn lao lung, còn ai sống sót thì cũng là đem cái thân tàn mà ngậm ngùi với nước non bạc bẽo, nghĩ càng thêm cảm lại thêm thương; lớp sau này thời có kẻ hiểu lầm cái nghĩa tùy thời, cũng a dua theo đời mà học đòi những cách cầu danh trục lợi, không xứng đáng với cái bản sắc nhà Nho, hay cao hơn một tầng thời làm ra mặt làm ra mặt duy tân, nói năng nghị luận, nhất thiết trái hẳn với tôn chỉ nhà Nho, không sợ chủ trương xướng suất những tư tưởng học thuyết cực đoan của Âu tây, mà có lẽ tự mình cũng chưa hiểu hết tinh lý”. Trong phần bình luận này, Phạm Quỳnh đã chia nhà Nho thành hai lớp. Trong đó, lớp thứ nhất là phái nhà Nho duy tân, lớp thứ hai là phái nhà Nho a dua, một phần tương ứng với cách phân loại của Nguyễn Đôn Phục ở trên. Không chỉ dừng ở đó, phần sau của bài viết, Phạm Quỳnh đã giành dung lượng lớn để bàn về hai khái niệmđạo Nho tiểu thừa/hạ thừa và đạo Nho đại thừa/thượng thừa mà ông đưa ra. Và đi kèm với đó là hai phái nhà Nho tiểu thừa và nhà Nho đại thừa. Nhà Nho tiểu thừa/ hạ thừa tức là các thầy đồ quê, còn nhà Nho đại thừa/thượng thừa tức là “nhà Nho khoát đạt, nhà Nho quán thông, nhà nhà Nho bác nhã, nhà Nho cao thượng, nhà Nho đã qua bậc “tiểu thừa” đạt tới bậc “đại thừa”. Phạm Quỳnh còn phân tích khá kỹ về hai loại nhà Nho này. Trong xã hội cũ,nhà Nho tiểu thừa có vai trò duy trì xã hội, bảo tồn danh giáo, phong hóa. Còn nhà Nho đại thừa có vai trò xướng suất, hưng khởi cái “vận mệnh tinh thần” của quốc dân. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân dấn đến sự yếu kém của học giới Việt Nam đương thời, chính là “trong khoảng nửa thế kỷ nay, nhà nho thượng thừa đã hầu như vắng tăm tích trong non sông nước Việt này”. Vấn đề này, chúng tôi sẽ trở lại ở phần sau.   

Qua một số miêu tả và nhận xét của Nam Phong tạp chí, chúng ta có thể nắm bắt được những nét khái quát, đặc tả về hiện trạng của nhà Nho Việt Nam đầu thế kỷ XX trong sự khủng hoảng của học giới và xã hội. Khi đó, sự tồn vong của nhà Nho và cựu học là một vấn đề thời sự nóng, được giới trí thức cả Tân lẫn Cựu quan tâm bàn thảo.Nam Phong tạp chí bấy giờ là một diễn đàn lớn, giới trí thức có thể bày tỏ quan điểm và giải pháp của mình trước vấn đề trên. Khi đọc những bài viết liên quan trên tạp chí này, chúng ta có thể thấy trí thức Nam Phong đã rất băn khoăn khi đặt ra câu hỏi: Con đường nào là lối thoát cho các nhà Nho khỏi nguy cơ diệt vong? Làm sao để có thể vãn hồi cựu học, chấn hưng học giới? Và từ đó, họ đã có nhiều nỗ lực quan tâm tìm kiếm phương án để giải quyết những vấn đề này, trên cơ sở phản tư, bình giá vai trò, ảnh hưởng của nhà Nho và Nho học xưa nay trong xã hội Việt Nam và phân tích bối cảnh, xu thế của thời đại.

2. Đề xướng cách tân Nho học: Sứ mệnh của nhà Nho trong thời đại mới

Trước khi đi vào vấn đề chính của phần này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu đôi nét về bối cảnh của học giới Việt Nam trong cuộc khủng hoảng đầu thế kỷ XX qua lời mô tả trong một số bài viết trên Nam Phong tạp chí. Trong bài viếtPhái nhà Nho khoảng 30 năm nay đối với sự học cũ, đăng trên Nam Phong số 195, tháng 5 năm 1934, Nguyễn Đôn Phục đã có lời tổng kết quá trình giao thoa Tân – Cựu tại Việt Nam trong khoảng gần 30 năm đầu thế kỷ[12]như sau: “...Phàm sự đã canh tân, cái phong trào tân đã bành trướng, người tân thói tân, gạt đi cũng chẳng hết, ngăn đi cũng chẳng xiết. Trong khi khuynh hướng về đường tân đó, tiếp thụ được cái tinh thần thì phần ít, cúi nhặt được cái vỏ cặn thì phần nhiều, những trò nực cười của xã hội, mới hằng ngày diễn ra, khiến cho chữ tân cũng ít có giá trị gì nữa. Trước kia vẫn tưởng phái thủ cựu là hủ bại, ngờ đâu ngày nay phái duy tân hủ bại hoặc lại có phần hơn. Đó là cái thông tệ của thời đại cải cách mới cũ giao nhau”. Trong bối cảnh đó, Phạm Quỳnh trong bài viết Học phong và sĩ khí, đã thẳng thắn chỉ ra mối tệ của nền học vấn đương thời: “Từ khi bị cuốn vào trong phong trào mới, thời những cái tệ cũ đã quét sạch làu làu, nhưng những cái hay xưa cũng biến mất đi cả. Nước ta trong khoảng ba bốn mươi năm nay đã bày ra một cái tân cục diện. Nghĩ rằng học chế đã cải lương theo phép văn minh thời học phong tất phải hưng thịnh và sĩ khí tất phải phấn phát hơn xưa mới phải. Ai ngờ cái kết quả lại trái lại, là bởi cớ làm sao?.... Cái tinh thần cũ của nước nhà đã bỏ mất, mà cái tinh túy mới của thế giới cũng chưa thâu thái được, sự học chỉ quanh quẩn trong vòng sinh nhai, không vượt được khỏi cái trình độ duy lợi thiển cận”[13] Tiếp đó, Phạm Quỳnh còn mượn việc “lên núi đăng lâm” để so sánh sự học của tiền nhân và hậu nhân nhằm phê phán mạnh mẽ học giới đương thời đã quá chú trọng việc “xả cựu tòng tân”, bỏ quên cái tinh túy truyền thống của dân tộc, để rồi sau mấy chục năm, những kết quả nhận được không hay ho chi mấy: “Tiền nhân ngày xưa đã gia công gắng sức tới được một ngọn kia, tuy chưa phải là cao phong tuấn lĩnh gì, nhưng đứng đấy cũng đủ thu quát được một mảnh giang sơn của cố quốc. Nay ta chê núi nhà là thấp, ta muốn trèo núi khác cao hơn, mà trong khoảng mấy chục năm nay, vẫn còn lẹt đẹt dưới chân núi. Không những lẹt đẹt dưới chân mà tựa hồ như trong lòng đã nguội lạnh cả rồi, không còn có cái chí đăng cao viễn diểu như cổ nhân nữa, gặp được đám cỏ núi, bông hoa rừng, đã lấy làm thơm tho, mãn nguyện rồi.”[14]  Và cuối cùng Phạm Quỳnh đã phê phán gay gắt tình hình học giới đương thời bằng những lời sau: “Nhận cho kỹ được một đám cựu học chán đời, một đám tân học lấc cấc, một đám không cựu không tân, không nho không tây, dở dang lơ lửng, bấy nhiêu đám rời rạc nhau, cách biệt nhau, không có chủ nghĩa, không có thống hệ, không có kỷ cương gì cả. Cõi học thật không có cái vẻ hoạt động sầm uất một chút nào. Sánh với các nước văn minh kém đã đành, sánh với nước mình ngày xưa cũng không bằng nữa”.[15]Còn Nguyễn Đôn Phục thì nói: “Ấy về phần quốc hồn quốc túy của quốc dân đã như sắp sửa dứt rồi đấy, mà con đường văn minh lạc lợi thì còn mộng ảo ở tận đâu đâu”.[16] Và ông chỉ ra nguyên nhân dẫn tới sự khủng hoảng trên là “vì trước kia cho lối cũ là hủ bại mà hết sức công kích đi để trau dồi lối mới cho quốc dân. Kịp quốc dân khi khi đã hấp thụ được lối mới thì lại mới quá, so với lối cũ thì hủ bại lại có phần hơn”.[17] Có thể thấy, trí thức Nam Phong cùng có chung một nhận định về nguyên nhân dẫn đến sự  suy đồi, khủng hoảng của học giới Việt Nam đương thời, là bởi sự “xả cựu tòng tân” một cách thái quá. Trong khi cái cũ đã bị thẳng tay vứt bỏ, thì cái mới vẫn chưa được gây thành, tạo nên tình trạng của một học giới nửa tây nửa ta, “dở dang lơ lửng”, chưa được định hình. Kết quả nhận được này, trái với mục đích canh tân ban đầu, thậm chí, nó còn sút kém hơn so với học vấn truyền thống trước đây. Và trong bối cảnh đó, hiện trạng của nhà Nho Việt Nam bấy giờ có thể nói rất bế tắc, nguy ngập như phần trên ta đã thấy. Cựu học đã chấm dứt cùng chế độ giáo dục khoa cử truyền thống kéo dài gần một nghìn năm. Nhà Nho không còn con đường tiến thân, mất đi địa vị chính thống trong xã hội, đối mặt với nguy cơ tiêu diệt. Các trí thức Nam Phong đã phải ngậm ngùi khi đặt ra câu hỏi rằng: “Tình thế đã đến thế, còn có thể mong vãn hồi được nữa không?”,hay“Nhà Nho có quả là bị cái số đào thải tất nhiên không? Có thật là đã đến ngày sắp tiêu diệt không?” Vì vậy, để vãn hồi tình thế, tìm kiếm một lối thoát cho nhà Nho, trí thức Nam Phong đã chủ trương phải tiến hành một cuộc cách tân Nho học, xây dựng một nền học thuật mới bắt kịp thời đại theo gương Nhật Bản và Trung Quốc. Và trong cuộc cách tân này, nhà Nho – lực lượng chủ đạo, có một sứ mệnh vô cùng quan trọng. Điều này có hai nguyên nhân: Thứ nhất, nhà Nho vốn là một giai tầng trí thức có địa vị và ảnh hưởng sâu sắc trong xã hội Nho giáo truyền thống của Việt Nam từ trước đến nay. Nhà Nho là hạng “thượng lưu trí thức”, là bậc “thức giả xã hội” trong nước, có một chức vụ cao quý là “hướng đạo cho quốc dân”, làm “tiêu biểu cho cả nước”, cả về đường xã hội, đường chính trị, đường trí thức tinh thần, như lời Phạm Quỳnh nói. Ông còn ví “nhà Nho là một hạng thầy tu” của Khổng giáo. Song “hạng thầy tu” này khác với thầy tu của các đạo khác vì “vừa kiêm cả phần đời và phần đạo, đem đạo vị mà đằm thắm cho cuộc đời; còn thầy tu của các đạo khác, thời bỏ đời mà theo đạo, và thường cũng chỉ thiên về cái phần hình thức của đạo, là phần lễ bái mà thôi”. Nhà Nho đối với giới bình dân thì “khác nào như một lần một lót với nhau, tiên phong hậu thuẫn cho nhau, trên dưới tiếp ứng, không hề có cách trở nhau bao giờ”. Theo Phạm Quỳnh, nhà Nho đã có công lớn đối với việc duy trì, xây dựng quốc gia:“Bấy lâu vẫn làm khuôn mẫu cho quốc dân, bấy lâu vẫn duy trì cho xã hội, khiến cho nước Nam kinh qua bao nhiêu sự ngoại xâm cùng nội loạn, từng trải biết mấy lần nước đổ với nhà tan, mà vẫn sinh tồn được mãi mãi... Đã hay rằng cái công đề tạo duy trì cho quốc gia là công chung của tiên dân ta, nhưng nhà Nho là cái phần có ý thức trong quốc dân, công ấy cũng được một phần to vậy”. [18]; Thứ hai, điều này có quan hệ mật thiết đến sự tồn vong của chính nhà Nho. Nho học muốn thoát khỏi sự diệt vong, không còn cách nào khác là bản thân nó phải được cách tân hợp với thời đại. Việc cách tân Nho học đúng cách và hợp thời sẽ mở ra lối thoát cho các nhà Nho Việt Nam khỏi những bế tắc, không chỉ trong cuộc khủng hoảng này, mà sâu xa hơn là thoát ra khỏi những lưu tệ mang tính cố hữu của nhà Nho truyền thống, lột xác để vươn tới tương lai mới. Nhà Nho nếu muốn không bị đào thải, thì trong cuộc cách tân Nho học ấy, “chỉ có cái hình thức của nhà Nho là cần phải thay đổi,mà cái tinh thần nhà Nho cần phải bảo tồn lấy, vì tinh thần ấy còn thiết yếu cho sự sinh tồn của dân tộc ta” – Phạm Quỳnh nhấn mạnh. Công cuộc cách tân này được coi là “một sự nghiệp lớn lao”,song chỉ còn “chờ đợi những người sốt sắng”, đó chính là các nhà Nho. Vì vậy, trí thức Nam Phong ra sức hô hào, thức tỉnh các nhà Nho phải gạt bỏ ưu sầu, phiền muộn, nhận chân giá trị của mình, chấn hưng Nho học, bước lên vũ đài để giành lấy một chỗ đứng trong xã hội cho mình. Như Nguyễn Bá Trác đã tỏ lời tha thiết kêu gọi nhà Nho rằng: “Kể từ khi ông lão thành tiến sĩ, cô thiếu nữ tú tài, đã cải đai lau phấn đi rồi, ở trên học vụ diễn đài, nhất loạt thay vai đổi cảnh. Bọn nhà Nho ta nếu chưa có thể bước lên cho mau, chen vào cho khỏe, súy lấy một chiếu ngồi ở trong xã hội, thì dễ thường từ nay trở đi không có lối mà thò mặt lên vũ đài nữa”.[19] Họ coi đây là trách nhiệm của những bậc sỹ phu, quân tử có lòng với đời: “Phàm người quân tử liếc mắt ra cuộc đời, thấy cái hiện tượng như vậy, phải nên kíp tìm phương pháp vãn hồi”.[20]  Để động viên các nhà Nho, trí thức Nam Phong tỏ ra không hề không bi quan trước thời cuộc. Nguyễn Bá Trác nói:“Có phải là ách vận đâu? Có phải là  bi quan đâu? Những người bảo là ách vận, là bi quan, tôi đây quyết không thụ nhận”. Sự bi quan ách vận đó, chẳng qua “là tại các nhà Nho ta trống bỏi vật mình đó thôi”. Và ông vạch rõ nỗi băn khoăn của các nhà Nho ta trước sự tiêu mòn của Nho học là bởi “vì triều đình không mở khoa thi nữa, để cho được thỏa cái lòng trước điện một bài văn, dưới loa một tiếng dụ đấy thôi, chứ có phải vì thánh đạo mà băn khoăn đâu!”. Trong khi đó, ông chỉ ra, ở Nhật Bản và Trung Quốc, các nhà Hán học truyền thống đã khéo biết “bằng tạ cái học vấn cố hữu, thâm nhập cái văn minh ngoại lai”, để khuếch trương giáo dục, cải lương chính trị, sáng lập chế độ, chỉnh lý quân lữ, chấn hưng nghệ nghiệp, vì thế mà chẳng có nhà Nho nào than thở, ngao ngán về cái ách vận bi quan bao giờ. Vì có công phu điều hòa Tân Cựu, nên Nhật Bản và Trung Quốc dù rằng âu yếm duyên mớinhưng khôngđến nỗi ngậm ngùi tình xưa”.  Ông coi thời điểm này, khi vận chở cái văn minh của Thái Tây vào, để bù giúp cho cái trí thức, cái tư tưởng có sẵn của mình”, chính là thời cơ để các nhà Nho Á Đông chuyển mình. Và vì thế, ông đã giành hy vọng lớn cho tiền đồ của Hán học. Còn Phạm Quỳnh thì lưu ý các nhà Nho rằng: “Xem đó thời biết rằng thời thế bây giờ tuy không lợi cho kẻ học hành có chí, nhưng nếu quả có chí vững vàng thời cũng có thể dần dần kiểu chính lại được. Cốt là kẻ sĩ trong nước phải tự tỉnh tự giác, nhận chân cái trách nhiệm của mình là phải gây ra trong học giới một cái học phong mới, một cái sĩ khí mới”. Qua đó, Phạm Quỳnh muốn nhấn mạnh, việc gây dựng học phong mới, sĩ khí mới trong thời buổi mới, chính là sứ mệnh lớn lao của nhà Nho. Ông lạc quan khi tin rằng nhờ vào sức người, nhờ vào chí hướng mà con người có thể xoay chuyển được tình thế: “Cái hoàn cảnh ấy không phải là vĩnh viễn bất dịch; cái hoàn cảnh ấy hằng ngày biến đổi luôn, mà sức người ta có thể chuyển di được. Chỉ sợ người không có chí, nếu quả có chí vững vàng, thời sự khó đến đâu mà không thắng được”.[21]

Nền học thuật mới theo chủ trương của Nam Phong tạp chí là phải được xây dựng trên sự điều hòa, dung hợp giữa Đông và Tây, giữa “Đạo học” và “Khoa học”, để “gây lấy một nền học mới để thay vào cái Nho học cũ, cùng đề xướng lên một cái tư trào mới hợp với thời thế và trình độ của dân ta. Cái tính cách của sự học vấn mới cùng cái tư trào mới ấy là tổ thuật cái tư tưởng học vấn của Thái Tây, nhất là của nước Đại Pháp, mà không quên cái quốc túy trong nước”,[22]  nhằmxây dựng một nền học thuật “đặc biệt thuần túy” của Việt Nam. Mục đích của công việc này được ví là “tiếp ngọn nọ vào gốc kia mà gây lấy một giống cây riêng cho cái vườn Nam Việt”.[23] Nguyễn Bá Trác cũng nói: “...Duy trì cái quốc túy ấy, để tiếp thu lấy cái văn minh của ngoại lai, khiến cho học giới nước ta có cảnh tượng nhật tân nhật tiến, đó cũng là một cái mục đích chính đáng của dân tộc ta ngày nay nên xu hướng vậy”.  Nguyễn Bá Trác còn dẫn dụ công cuô

0