25/05/2018, 17:46

Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng

Chúng ta đang có trên tay bản dịch tiếng Việt của cuốn sách “Southern Vietnam under the Reign of Minh Mạng (1820 - 1841)” ()” của PGS.TS. Choi Byung Wook, Đại học Inha (Hàn Quốc), chuyên gia Việt Nam học. Công trình dựa trên bản Luận án Tiến sĩ và đề tài nghiên cứu khoa ...


 Chúng ta đang có trên tay bản dịch tiếng Việt của cuốn sách “Southern Vietnam under the Reign of Minh Mạng (1820 - 1841)” ()” của PGS.TS. Choi Byung Wook, Đại học Inha (Hàn Quốc), chuyên gia Việt Nam học. Công trình dựa trên bản Luận án Tiến sĩ và đề tài nghiên cứu khoa học cùng tên của tác giả ở Đại học Quốc gia Australia, được chương trình Đông Nam Á của Đại học Cornell, New York xuất bản năm 2004.

 Trong lịch sử, những đóng góp về nghiên cứu chuyên sâu Việt Nam của các học giả nước ngoài hầu như đã tập trung vào 3 nước lần lượt là Trung Hoa, Pháp và Mỹ - các quốc gia có nhiều mối duyên nợ lịch sử, tích cực lẫn đau buồn với Việt Nam. Trong số đó, những công trình khoa học đề cập đến lịch sử - văn hóa Việt Nam trung cận đại của các học giả Pháp có phần vượt trội hơn cả. Từ mấy thập kỷ nay, các chuyên gia Việt Nam học người nước ngoài đã mở rộng hơn tới một số nước khác, trong đó có Hàn Quốc. Một cuốn sách được nhiều người trong giới nghiên cứu Việt Nam biết đến là tác phẩm “Law and Society in 17th and 18th Century Vietnam” (Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ 17 - 18) (Korea University 1990) của Giáo sư Insun Yu đã được dịch sang tiếng Việt và xuất bản năm 2002.

 

Đi sâu vào nghiên cứu Việt Nam thời các chúa Nguyễn và nhà Nguyễn, chúng ta thấy có một cuốn sách được nhiều người biết đến, là cuốn “Vietnam and the Chinese Model” (Việt Nam và mô hình Trung Hoa) của tác giả Alexander B. Woodside (Harvard University Press, 1971). Sau đó là những cuốn “L’empire vietnamien face à la France et à la Chine, 1847-1885” (Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa) của Yoshiharu Tsuboi (Paris, 1987) và cuốn “Nguyen Cochinchina Southern Vietnam in the Seventeenth and Eighteenth Centuries” (Xứ Đàng Trong: Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII) của Li Tana (Cornell University, 1998). Hai cuốn kể sau đều đã được dịch ra tiếng Việt và xuất bản ở Việt Nam. Cũng có thể kể thêm các chuyên luận "The Mekong Delta: Ecology, Economy and Revolution" (Đồng bằng sông Cửu Long: Sinh thái, kinh tế và cách mạng) của Pierre Brocheux (1995), “Surface Orientations in Vietnam: Beyond Histories of Nation and Region” (Xu hướng phát triển vùng miền ở Việt Nam qua lịch sử quốc gia và vùng) của Keith Taylor (1998), “Southern Regionalism and the Composition of the Nguyen Ruling Elite” (Chủ nghĩa địa phương miền Nam và sự hợp thành giai tầng thượng lưu thống trị của nhà Nguyễn) của Nola Cook (1999).

 

Công trình của Choi Byung Wook có một khung không gian - thời gian nghiên cứu còn hạn hẹp và cụ thể hơn nữa: vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng và vấn đề cũng được giới hạn: các chính sách của triều đình trung ương và phản ứng của địa phương, qua quá trình chuyển biến về chính trị - hành chính và những nét đặc thù về lịch sử, văn hóa, kinh tế, cư dân của vùng đất này. Chính phạm vi hạn hẹp đã được đền bù lại thích đáng bằng sự phong phú và chuyên sâu của tác phẩm, những sự kiện ở mức chi tiết và những lập luận khá vững chắc. Tác giả thừa hưởng và tận dụng khá triệt để kho tư liệu phong phú của những người đi trước bằng nhiều nguồn ngôn ngữ - văn tự: Hán Nôm, Việt, Pháp, Anh, Nhpật… Đặc biệt, nét nổi trội và có phần ưu thế so với một số tác giả khác là phần nghiên cứu điền dã và khảo sát thực địa, với một lao động khoa học nghiêm túc và tốn nhiều công sức. Tác giả đã thực hiện những cuộc tiếp xúc, phỏng vấn để kiếm tìm những thông tin hồi cố qua những câu chuyện kể, trao đổi với các nhà nghiên cứu, sưu tầm những bản gia phả, văn tự, hồi ký. Tác giả cũng tận dụng phương pháp phân tích định lượng qua những con số thống kê, bảng biểu so sánh. Dưới chiếc kính lúp phóng to của nhà nghiên cứu, nhiều chi tiết nhỏ đã được hiện lên rõ nét và nói lên ý nghĩa, được sử dụng làm dữ kiện chứng minh cho những luận cứ được định hướng của tác giả, mà trong một số trường hợp cũng có thể cần nên thảo luận.

 

Nhìn một cách tổng quát, cuốn chuyên khảo của tác giả Choi Byung Wook là một công trình nghiên cứu bổ ích, có giá trị. Nó cung cấp cho chúng ta những tư liệu mới, một số lập luận kiến giải mới, một phương pháp tiếp cận khoa học và đưa ra những gợi ý mới, những vấn đề mới có thể trao đổi trong những cuộc thảo luận rộng mở sau này.

 

Cuốn sách được thiết kế với hai phần chính có liên quan với nhau: quá trình vận hành và đặc điểm cấu trúc của vùng đất Nam Bộ trong nửa đầu thế kỷ XIX.

 

Mở đầu phần I: “Chính quyền địa phương và sự tiêu vong của nó”, tác giả phác họa sự hình thành vùng đất Gia Định đã dựa trên di sản và những điều kiện nào, từ giai đoạn trước vương triều Nguyễn (1788 - 1802) như một căn cứ địa về quân sự, chính trị và kinh tế của Nguyễn Ánh trong công cuộc chống Tây Sơn. Nguyễn Ánh xuất xứ là một di duệ của các vị chúa xứ Đàng Trong có đô thành là Phú Xuân ở miền Trung nhưng thực chất và chủ yếu là một con người của vùng đất Gia Định Nam Bộ, nơi ông trưởng thành và được tôi luyện thành một thủ lĩnh, quy tụ và cố kết các bạn chiến đấu, quân sĩ và thần dân của mình thành một lực lượng, nhóm quyền lực Gia Định. Tác giả cũng phân tích thái độ rộng lượng, bao dung và thuyết phục của nhân vật lịch sử này đối với các thành phần, tầng lớp xã hội khác nhau, các sắc tộc và những người tình nguyện ngoại quốc (Xiêm, Hoa, Pháp), tạo nên một lợi thế và là một nhân tố quan trọng dẫn đến thắng lợi của Nguyễn Ánh.

 

Gia Long là một vị hoàng đế lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam trị vì và cai quản một đất nước thống nhất có diện tích lớn nhất từ trước đến nay. Trong điều kiện đó, nhà vua có sáng kiến tích cực là thực hiện một kiểu chế độ phân quyền có điều kiện: trực trị miền Trung, gián trị miền Bắc và miền Nam qua việc lập ra Bắc thành Tổng trấn và Gia Định thành Tổng trấn. Tuy nhiên, tác dụng tích cực lúc ban đầu đã sớm bộc lộ điểm yếu và trở thành một trở lực, tạo nên một xu thế và những ý đồ mang tính chất ly tâm, cát cứ, muốn thoát khỏi dần sự kiểm soát của triều đình trung ương, thể hiện phần nào qua động thái của Nguyễn Văn Thành ở miền Bắc và đặc biệt là Lê Văn Duyệt ở miền Nam. Tác giả đã tạo dựng hình ảnh cận cảnh của vị Tả quân, Tổng trấn Gia Định thành này qua công việc gây dựng cơ đồ của ông, dựa chủ yếu vào những con người bản địa của vùng đất Nam Bộ, trong đó có 3 thành phần đáng lưu ý là các tù phạm, Hoa kiều và giáo dân đạo Thiên chúa, với những biện pháp vừa kiên quyết cứng rắn, vừa thuyết phục mềm dẻo, giống như tính cách con người Ông. Và phải nói là Lê Văn Duyệt đã thành công, chí ít là cho đến khi ông ta qua đời. Chính thể Gia Định đã tồn tại vững chắc, bất chấp sự không hài lòng dẫn đến thái độ phê phán và hành động can thiệp của vua Minh Mạng. Tuy nhiên vào lúc này, trong cuộc tranh chấp quyền lực giữa trung ương và địa phương phản ánh thực chất thế đối trọng giữa nhà vua và một số quyền thần có thế lực lớn, phía nhà vua đã thắng. Gia Long và Minh Mạng là những vị hoàng đế mạnh, đã trấn áp được các đại thần muốn vượt quyền như Nguyễn Văn Thành, Lê Chất, Lê Văn Duyệt. Điều này khác với triều Tự Đức sau này, khi cuộc tranh chấp vẫn tiếp tục nhưng cán cân lực lượng đảo ngược lại, các vị quyền thần sẽ o bế và áp chế được nhà vua.

 

Cuối cùng thì Minh Mạng đã thành công trong việc giải thể Gia Định thành Tổng trấn trong cuộc cải cách hành chính năm 1831 - 1832, nắm lại quyền kiểm soát và cai trị trực tiếp vùng đất Gia Định, lúc này trở thành 6 tỉnh Nam Kỳ, đồng thời cho thi hành những chính sách mới theo quan điểm và ý kiến riêng của nhà vua.

 

Tác giả Choi dành cả phần II của cuốn sách để trình bày quá trình thực hiện và phân tích những tác động hệ quả của những chính sách mới đó trên cả 3 bình diện: văn hóa, đối ngoại và kinh tế, bao trùm lên là việc xây dựng những thiết chế hành chính mới. Ngay từ thời Lê Văn Duyệt, đặc biệt là sau khi trấn áp được cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôi, nhà vua đã đưa vào vùng đất Nam Bộ và cài cắm ở đó những “người của mình” - tầng lớp quan văn được tuyển lựa qua khoa cử, chủ yếu có quê gốc ở miền Trung và miền Bắc để thực hiện những đường lối chính sách mới, trung thành với quan điểm của nhà vua và triều đình trung ương, kiểm soát những ảnh hưởng còn lại của phái ly tâm Gia Định và xóa bỏ mọi uy tín của vị Tả quân trong dân chúng.

 

Choi Byung Wook đã bỏ nhiều công sức để nghiên cứu những nền tảng địa - xã hội, địa - văn hóa của xứ Nam Bộ với tư cách một vùng lãnh thổ tương đối mới, đất đai phong phú, thiên nhiên hào phóng và ưu đãi, văn minh sông rạch và miệt vườn nổi trội để từ đó rút ra những nét đặc thù của con người Nam Bộ có phần khác biệt với cư dân các miền Trung và Bắc. Theo ông, người Nam Bộ ưa tự do thoải mái, thờ ơ với con đường sĩ hoạn, học hành để làm quan (mà tác giả gọi là tính lười nhác) nhưng lại chăm chú siêng năng vào các hoạt động kinh tế làm ăn buôn bán, nếp sống hồn nhiên thô mộc. Do vậy, để đưa miền đất này hòa nhập chung với toàn quốc và gò ép vào khuôn phép Nho giáo mà Minh Mạng là một tín đồ nhiệt thành, nhà vua đã cho thi hành nhiều biện pháp giáo hóa về văn hóa tư tưởng như lập nhiều trường học, mở khoa thi, ban bố các huấn điều chuẩn mực đề cao đạo đức luân lý Khổng giáo… nhằm cải hóa người dân Nam Bộ. Kết quả là tâm thức của con người vùng đất này có phần nào chuyển biến, một tầng lớp nho sĩ chính thống ở Nam Bộ được hình thành.


Trong chương tiếp theo, tác giả Choi muốn đưa ra một cách tiếp cận mới về chính sách đối với các sắc tộc thiểu số và sự mở rộng lãnh thổ vương quốc của Minh Mạng sang Chân Lạp, lúc này được gọi là Trấn Tây thành, gắn liền với việc chuyển đổi quốc hiệu từ “Việt Nam” thời Gia Long sang “Đại Nam” thời Minh Mạng. Tác giả muốn gọi đó là một quá trình đồng hóa, áp dụng chung cho cả đường lối chính sách của nhà nước phong kiến cũng như những quan hệ tiếp xúc giao lưu trong sự chung sống giữa các cộng đồng người Việt, người Khmer, người Hoa cùng những tộc người thiểu số. Theo tác giả, hậu quả của quá trình đồng hóa đó đã phải trả giá khá đắt, đó là những mâu thuẫn, xung đột dân tộc và sắc tộc bùng nổ thành nhiều cuộc bạo loạn xảy ra dưới thời Minh Mạng.

 

Sự thực, đây là một vấn đề tế nhị. Lịch sử vốn là một sự đan quyện phức tạp, hòa trộn hai dòng chảy: lịch sử của các nhà cầm quyền, những chính sách của nhà nước và hệ quả của nó, cùng với một lịch sử khác của quần chúng nhân dân trong thực tiễn nhiều mặt của đời sống. Hai dòng lịch sử đó, tuy có tác động ảnh hưởng lẫn nhau nhưng không nên đánh đồng làm một.

 

Một thực tế lịch sử nữa là trong quá trình chung sống giữa các cộng đồng dân cư, dân tộc và sắc tộc ở vùng đất Nam Bộ thời kỳ này, nét chủ đạo chính là một sự dung hợp, tiếp biến đa chiều, tích hợp hơn là một sự đồng hóa áp đặt về dân cư, văn hóa để tạo thành một thực thể không gian xã hội mới. Họ cùng gánh chịu chung sự áp chế của một chính quyền nhà nước chuyên chế, dẫn đến những hành động phản kháng, bạo động. Coi nhẹ yếu tố chung đó có thể là chưa khách quan và không công bằng.

 

Chương cuối của cuốn sách dành cho sự phân tích những đặc trưng và các quan điểm, chính sách kinh tế của nhà nước thời Minh Mạng đối với vùng đất Nam Bộ qua công cuộc đạc điền, đặc biệt là về các mặt phương thức chiếm hữu, canh tác và quyền sở hữu ruộng đất. Tác giả Choi phân tích những điều kiện kinh tế - xã hội của vùng đất Nam Bộ đã tạo cơ sở cho sự phát triển của chế độ tư hữu lớn và giai cấp đại địa chủ ở phần lãnh thổ này, đặc biệt là các hoạt động khai hoang ở một vùng đồng bằng phì nhiêu dễ canh tác. Tác giả cho rằng tính dễ di chuyển của người nông dân Nam Bộ - thực chất là biểu hiện của hiện tượng nông dân lưu tán - đã dẫn đến nạn ẩn lậu ruộng đất và tạo điều kiện cho sự tích tụ ruộng đất. Tác giả cũng đã có lý khi phân tích về sự nghịch lý biện chứng giữa hai xu hướng đối lập: bảo hộ ruộng đất công và ủng hộ ruộng tư trong phép đạc điền của Minh Mạng, cũng như quan điểm thực dụng kinh tế của nhà vua này. Ông chấp nhận nhượng bộ một thực tế là phần ruộng công đã bị thu hẹp ngay cả khi đã điều chỉnh và mặc dù nó là biểu tượng của quyền lực nhà nước tập quyền. Ông coi trọng việc đạt tới mục đích chủ yếu là gia tăng nền sản xuất nông nghiệp quốc dân và nguồn lợi thu thuế của nhà nước, khi để cho giai cấp địa chủ và chế độ tư hữu lớn về ruộng đất phát triển.

 

Toát lên trong toàn bộ cuốn sách, ngoài nhân vật Tổng trấn Lê Văn Duyệt, Choi Byung Wook đã tập trung phân tích cá tính và vai trò của vua Minh Mạng, một nhân vật lịch sử lớn đầy mâu thuẫn. Trong khi thừa nhận tầm vóc lớn lao cũng như tính cách quyết đoán mạnh mẽ đến mức chuyên chế của nhà vua, tác giả phản bác những đánh giá có phần đơn giản hóa về tính bảo thủ cực đoan của nhà vua và cho rằng Minh Mạng là con người thông minh, sắc sảo, quan tâm nghiên cứu đến những cái mới, những hiện tượng canh tân trong các quốc gia trên thế giới và trong khu vực, nghiêm túc xem xét những ý kiến về cải cách của các triều thần. Tuy nhiên, thực tế là vị hoàng đế đầy năng động này - như một phiên bản thu nhỏ và không được hoàn cảnh ủng hộ của mẫu thần tượng của ông là vua Lê Thánh Tông - vẫn chỉ tung hoành trong một vòng kim cô chật hẹp và xơ cứng, đó là chế độ phong kiến nhà nước quan liêu trong giai đoạn hậu mô hình. Nhà nước đó lại dựa trên một bệ đỡ tinh thần là hệ tư tưởng Nho giáo chính thống, đến lúc đó đã mắc lỗi hệ thống với nhiều khuyết tật. Nó bị dồn ép vào thế biệt lập trong một toàn cảnh thế giới và khu vực đầy biến động, trước những sóng gió của những ý đồ và động thái can thiệp của các cường quốc thực dân phương Tây. Minh Mạng nghiên cứu và tìm hiểu kỹ thuật tiên tiến của châu Âu là để phục vụ cho một chiến lược phòng thủ chống lại, chứ không phải là một chọn lựa và chấp nhận một đường lối mới, với những cách nhìn và giải pháp mới. Đó chính là một bi kịch lịch sử, mà hệ quả tai hại đã bộc lộ rõ rệt trong những thập kỷ tiếp sau: một di sản yếu hèn của quốc gia và sự thất bại dẫn đến mất nước dưới thời vua Tự Đức.

 

Cảm nhận bao trùm của người đọc cuốn sách của Choi Byung Wook là bằng một phương pháp nghiên cứu thực chứng và phân tích định lượng khá hiện đại, tác giả đã phục dựng cho chúng ta một toàn cảnh vùng đất Nam Bộ dưới thời Minh Mạng, một mảnh đất đầy tiềm năng, xung lực nhưng cũng hàm chứa nhiều mâu thuẫn nội tại. Tác giả đã có ý tô đậm hai mâu thuẫn: mâu thuẫn giữa triều đình trung ương và thực thể di sản truyền thống địa phương và mâu thuẫn giữa các cộng đồng cư dân, trong đó có mâu thuẫn dân tộc và sắc tộc. Người đọc dễ dàng thấy một sự quan sát sắc sảo ở luận cứ thứ nhất, đồng thời còn băn khoăn về sự toàn diện và tính thuyết phục của luận cứ thứ hai. Có thể ở đây lý luận về một “chủ nghĩa địa phương - vùng” trong nghiên cứu là một lợi thế tích cực nhưng nó sẽ trở thành một điểm yếu nếu chúng ta quá tin cậy khi sử dụng, nhất là trong điều kiện những dữ liệu còn ở mức khiêm tốn. Điều đó cũng có thể áp dụng cho phương pháp phân tích định lượng. Lịch sử vốn là một ma trận phức hợp luôn luôn biến động ẩn hiện, với vô vàn những tham số. Mà sự tiếp cận, nắm bắt và hiểu hết được bản chất những sự kiện, thông tin xác thực của chúng ta thì chỉ hạn hẹp. Vậy mọi sự quy nạp, khẳng định và kết luận phải chăng nên để ngỏ và mềm dẻo? Tuy nhiên, đặt ra được câu hỏi, đã là tìm được một nửa câu trả lời./.

--

 

Tác giả: PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ 

 (Bài viết là Lời giới thiệu cho cuốn sách Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng, Nxb Thế giới, H., 2011, tr.11-19)

 

Admin 4

0