18/06/2018, 16:16

Minh Thục Lục viết về cuộc đấu tranh chống ngoại xâm dưới thời quân Minh cai trị

Hồ Bạch Thảo Dẫn nhập Người yêu nước và lo cho nước đều khắc khoải hướng về tương lai, bởi kẻ thù phương Bắc vẫn là mối đe doạ lớn ; nếu chúng thực sự đặt chân đến nước ta, thì dân ta sẽ có phản ứng như thế nào ? Sự việc chưa xẩy ra, không thể dựa vào tình cảm nhất thời mà ...


Hoi the Lung Nhai

Hồ Bạch Thảo

Dẫn nhập

Người yêu nước và lo cho nước đều khắc khoải hướng về tương lai, bởi kẻ thù phương Bắc vẫn là mối đe doạ lớn ; nếu chúng thực sự đặt chân đến nước ta, thì dân ta sẽ có phản ứng như thế nào ? Sự việc chưa xẩy ra, không thể dựa vào tình cảm nhất thời mà suy đoán ; cách làm việc khoa học và đáng tin cậy nhất là căn cứ vào lịch sử để xét tương lai, đúng như lời người xưa khuyên “ôn cố tri tân” (1).

Suốt chiều dài lịch sử, nước ta trải qua ngàn năm bị Trung Quốc đô hộ, trong đó triều đại đặt guồng máy cai trị chặt chẽ toàn diện nhất, phải kể đến nhà Minh. Về hành chánh, lúc khởi đầu chúng chia nước ta thành 15 phủ, 41 châu, 208 huyện ; đứng đầu mỗi đơn vị lớn nhỏ là Tri phủ, Tri châu, Tri huyện. Về phương diện quân sự lúc bình thời đặt 10 vệ, 2 Thiên hộ sở ; theo biên chế quân đội nhà Minh mỗi vệ có 5.600 quân, mỗi Thiên hộ sở 1.210 quân, như vậy tổng số là 58.420 ; tại các địa điểm quan trọng như đầu mối lưu thông, các cửa sông rạch lại đặt thêm ty Tuần kiểm, khởi đầu có đến 100 ty. Ðó là không kể lúc có biến tại Ðô ty Giao Chỉ tăng thêm vệ, sở và những đạo quân của Mộc Thạnh, Trương Phụ, Vương Thông, Liễu Thăng lần lượt sang tiếp viện, mỗi lần trên dưới 10 vạn tên, số lượng ty tuần kiểm cũng được tăng thêm :

Ngày 12 tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 6 [5/7/1408]

Thượng thư bộ Lại bọn Kiễn Nghĩa, cùng Thượng thư 6 bộ tâu :

“ Tân thành hầu Trương Phụ bình định Giao Chỉ lập 472 vệ môn (2) cho quân dân ; mỗi Đô ty, Bố chánh ty, Án sát ty lập 1 ty ; 10 vệ, 2 Thiên hộ sở, 15 phủ, 41 châu, 208 huyện, 1 Thị bạc đề cử ty, 100 tuần kiểm ty, 92 vệ môn cho ty cục thuế khóa, đặt 12 thành trì, chiêu an hơn 3.120.000 nhân dân, bắt được dân man hơn 2.087.500 người, trử lương 1360 vạn thạch ; voi, ngựa, trâu bò cộng hơn 235.900 con, 8677 chiếc thuyền, hơn 2.539.850 vũ khí.”

Thiên tử phán :

“ Trẫm là vị chúa nhân dân trong bốn bể, há lại ưa dùng binh đến cùng, tham giàu có đất đai nhân dân ư ! Vì nghịch tặc không thể không tru diệt, dân cùng khổ không thể không giúp. Bọn Phụ tuân theo mệnh của Trẫm, phấn dõng ra mưu, giết bắt bọn hung đồ, bình định một phương, công đó có thể gọi là hùng vĩ phi thường vậy ! ”

Trương Phụ bước ra cúi đầu tạ ân và tâu :

“ Do Hoàng thượng trù hoạch cùng uy linh của quốc gia, còn kẻ ngu thần này có công gì ? ”

Thiên tử phán :

“ Công của ngươi sẽ được vĩnh viễn ghi trong sử sách không bao giờ lu mờ, tuy Hán Phục ba (3) cũng không hơn vậy.”

Rồi ra lệnh cho Nghĩa cùng với bộ Lễ bình nghị công lao thăng thưởng cho các tướng sĩ; chiếu theo lệ bình Vân Nam có tăng thêm. (Minh Thực Lục v. 11, tr. 1070-1071 ; Thái Tông q. 80, tr.3b-4a)

Song song với việc cai trị bằng biện pháp hành chánh và quân sự, nhà Minh thiết lập các tổ chức văn hoá tôn giáo xuống tận châu huyện để ràng buộc lòng người. Trong chỉ dụ tuyên bố cai trị nước ta vào ngày 1 tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [1407] cho lập ty Tăng đạo tại phủ Giao Châu ; qua bước đầu trắc nghiệm thử thách, đến năm Vĩnh Lạc thứ 14 [10/6/1416] ra lệnh thiết lập hàng loạt các ty Nho Học, Tăng, Ðạo, Âm Dương. Có thể tóm tắt các tổ chức này như sau :

– Nho Học : gồm 12 ty tại phủ, 19 ty tại châu, 62 ty tại huyện.

– Âm Dương Học : 6 ty tại phủ, 14 ty tại châu, 26 ty tại huyện.

– Phật Học : 3 ty Tăng Cang tại phủ, 14 dẫn Tăng Chính tại châu, 56 ty Tăng Hội tại huyện.

– Ðạo Học : 6 Ðạo Kỷ tại phủ, 15 Ðạo Chính tại châu, 37 Ðạo Hội tại các huyện.(4)

Riềng mối cai trị của nhà Minh chặt chẽ từ trên xuống dưới, chính sách cương nhu lẫn lộn, quản lý bằng mọi cách ; khiến một lần vùng dậy khó mà thoát khỏi xiềng xích. Tuy nhiên dân ta vốn kiên cường không chịu khuất, đấu tranh đến cùng ; đặc tính này được vua Càn Long nhà Thanh mô tả trong đạo dụ về việc từ chối mang quân sang nước ta để phục thù vua Quang Trung, như sau :

“…Xứ này thuỷ thổ ác liệt không thể ở lâu, dân tình lại trí trá phản phúc vô thường ; đời trước đã chia đất này thành quận huyện, rồi không bao lâu lại xẩy ra biến cố, lấy bánh xe trước đổ để làm răn, thực khó giữ được vài chục năm mà không gây ra việc.” (5)

Ðể làm sáng tỏ sự nghiệp đấu tranh của dân tộc, chúng tôi dùng tư liệu từ sử Trung Quốc và sử nước nhà, cố gắng thực lục từng năm một, kể từ năm 1407 là năm nhà Minh thiết lập nền cai trị, cho đến năm 1428 khi Vương Thông buộc phải mang quân về nước ; trong đó có những cao trào, thoái trào ; ưu điểm, nhược điểm, để rút kinh nghiệm và làm tài liệu tham khảo.

Chú thích

1. Ôn cố tri tân : Ôn việc xưa để biết việc mới ngày nay. (Khổng Tử, Luận Ngữ)

2. 472 vệ môn cho quân dân tức 472 cơ quan quân sự và dân sự. Gồm : 1 Đô ty + 1 Bố chánh ty + 1 Án sát ty + 10 vệ + 2 Thiên hộ sở + 15 phủ + 41 châu + 208 huyện + 1 ty Thị bạc + 100 ty Tuần kiểm + 92 ty cục thuế khóa = 472 vệ môn

3. Hán Phục ba tức Mã Viện, đánh dẹp hai bà Trưng nước ta, nên được nhà Hán phong là Phục ba Tướng quân.

4. Minh Thái Tông Thực Lục quyển 167, trang 1924-1927.

5. Hồ Bạch Thảo, Thanh Thực Lục, Hà Nội: NXB Hà Nội, 2007, trang 108-109

Năm Ðinh Hợi [1407]

Sau khi đại quân của Trương Phụ dẹp tan nhà Hồ, bắt cha con Hồ Quí Ly tại cửa biển Kỳ La thuộc Hà Tỉnh vào tháng 6 năm 1407 ; thì chiến tranh cũng chưa hoàn toàn chấm dứt. Tại Cao Bằng, Lạng Sơn, dư đảng nhà Hồ vẫn ra vào nơi rừng núi chống cự; vào tháng 9 năm 1407 giết được viên Tiền quân Ðô đốc Cao Sĩ Văn :

Ngày 29 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [30/9/1407]

Ngày hôm nay Tiền Quân Đô đốc Thiêm sự Cao Sĩ Văn mang binh đến Quảng Nguyên, giao tranh ác liệt với giặc tử trận. Lúc bấy giờ tuy đã bình định xong, nhưng các vùng khe núi tại các châu Thất nguyên (1), dư đảng giặc họ Hồ vẫn ra vào cướp phá. Quan Tổng binh Tân thành hầu Trương Phụ sai Cao Sĩ Văn đến đánh bắt. Đến Quảng Nguyên bọn giặc chặn đánh, bị Sĩ Văn đánh bại chém vài chục tên. Bọn chúng bèn tập trung lại, dựa vào núi lập trại cố thủ. Sĩ Văn ngày đêm công kích, trại sắp bị phá, giặc đột nhiên xuất hiện rồi bỏ chạy. Sĩ Văn mang lính cảm tử truy kích, giao tranh mãnh liệt, giặc dựa vào núi cao dùng tên và đá bắn xuống, Sĩ Văn trúng phi đạn chết. Bộ tướng tiếp tục truy kích rồi giao tranh, giặc bèn bỏ trốn vào châu Thất Nguyên. Phụ bèn sai Đô Chỉ huy Trịnh Sảng tiếp tục mang quân đến, bình định được.

Sĩ Văn người huyện Hàm Dương, Thiểm Tây. Vào thời Hồng Vũ (2) xuất thân từ Tiểu hiệu, tòng chinh tại Vân Nam và Kim Sơn, có công được thăng lên Yên Sơn Tả Hộ vệ Bách hộ. Lúc Thiên tử dẹp loạn trong nước, Sĩ Văn hăng hái đi đầu tham gia chiến trận, lập công mấy lần được thăng Tiền quân Đô đốc phủ, Đô đốc Thiêm sự. Khi đánh Giao Chỉ, ra sức cần lao phấn đấu, nhưng rốt cuộc bị tử trận. Văn là người cương trực, giỏi cưỡi ngựa, bắn cung ; tử trận mọi người đều tiếc. ( Minh Thực Lục v.11, tr. 0984-0985 ; Thái Tông q. 70, tr. 2b-3a)

Tháng 10 năm Ðinh Hợi [1407] Giản Ðịnh Ðế lên ngôi tại Mô Ðộ, Ninh Bình. Giản Ðịnh vốn dòng dõi họ Trần, thấy quân Minh đánh dẹp họ Hồ xong không chịu lập nhà Trần, bèn chạy trốn đến Mô Ðộ, châu Trường Yên, phủ Thiên Trường [thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay]. Người trong phủ là Trần Triệu Cơ chiêu mộ dân lập lên làm vua, lấy niên hiệu là Hưng Khánh. (3)

Tại Ðông Triều [tỉnh Quảng Ninh ngày nay], viên Thổ hào Phạm Chân lập Trần Nguyệt Hồ làm vua tại Bình Than, đề cờ là Trung Nghĩa quân. (4)

Chú thích

1. Châu Thất Nguyên thời Minh thuộc phủ Lạng Sơn; theo Ðào Duy Anh, Ðất Nước Việt Nam Qua Các Ðời (viết tắt : Đ.N.V.N.Q.C.Đ.) Huế: NXB Thuận Hóa, thì đất này tương đương với huyện Tràng Định hiện nay.

2. Hồng Vũ : niên hiệu của vua Thái Tổ nhà Minh từ năm 1368-1389.

3. Bản dịch Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư (viết tắ t: Toàn Thư), Hà Nội: NXB Khoa Học Xã Hội, tập 2, trang 222.4. Toàn Thư, Sđd, tập 2, trang 222.

Năm Mậu Tý [1408]

Theo Hoàng Trung Tuyên Công Văn Tập (1) trong năm Mậu Tý Vĩnh Lạc thứ 5 [1408] tại châu Tam Ðái [tỉnh Vĩnh Phú] đầu đảng Trần Nguyên Thôi nỗi dậy, bị quân Minh bắt rồi giết. Tại châu Hạ Hồng, phủ Tân An [tỉnh Hải Dương], Trần Nguyên Tôn nổi dậy. Tại huyện Tuyên Hoá [ tỉnh Bắc Cạn, Thái Nguyên] Trần Nguyên Lộc nổi dậy, bị quân Minh bắt vào chính năm đó. Tại huyện Ma Lung phủ Quảng Oai [tỉnh Hà Tây] Bạch Sư Nhiễm nổi dậy, nhưng chưa dẹp được. (1)

Ðối phó với những khó khăn về quân sự trước mắt, quân lính tại Ðô ty Giao Chỉ không đủ dùng, nhà Minh cho điều động gấp 1 vạn quân từ Quảng Ðông sang tăng cường :

Ngày 19 tháng 7 năm Vĩnh Lạc thứ 6 [10/8/1408]

Đô ty Giao Chỉ tâu số quân còn lưu tại các vệ, sở không đủ để phòng bị. Nay Đô chỉ Huy sứ Tôn Toàn, Quảng Đông, thống lãnh quân hơn 1 vạn, chở bằng thuyền hạm, khí giới đầy đủ ; xin cho tạm lưu lại để phòng ngự. Xét chấp nhận. (Minh Thực Lục v. 11, tr. 1090; Thái Tông q. 81, tr. 7b)

Lúc bấy giờ Giản Ðịnh Ðế được dân ủng hộ, nên thế lực lớn mạnh mau chóng. Lập căn cứ tại vùng Hoá Châu [Thừa Thiên, Quảng Trị] , Nghệ An ; tướng của Giản Ðịnh là Ðặng Tất mang quân đánh giết bọn Phạm Thế Căng tại cửa bể Nhật Lệ [tỉnh Quảng Bình]. Thế Căng lúc trước hàng quân Minh, đượcTrương Phụ trao chức Tri phủ Tân Bình [tỉnh Quảng Bình], sau phản lại tự xưng là Duệ Vũ Ðại Vương (2). Rồi đại quân tiếp tục xua ra Bắc, lược định vùng đất các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Hà Tây, Vĩnh Phú ngày nay và uy hiếp thành Ðông Ðô [Hà Nội]. Tình hình khẩn trương, vua Minh Thái Tông vội ra lệnh Mộc Thạnh giữ chức Chinh Di Tướng quân điều động quân tại các Ðô ty Vân Nam, Quí Châu, Tứ Xuyên sang đánh :

Ngày 7 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ 6 [31/8/1408]

Đô ty Giao Chỉ cùng ty Bố chánh, Án sát tâu : Nghịch tặc Giản Định cùng bọn Đặng Tất tụ tập dân chúng làm loạn, xin tăng thêm binh để tiễu bình.

Định là quan cũ của họ Trần, khi đại quân đến dẹp giặc họ Lê, y ra hàng, bèn sai người đưa đến kinh sư. Rồi y cùng Trần Hy Cát bỏ trốn, cùng với ngụy quan đất Hoá Châu là bọn Đặng Tất, Nguyễn Suý mưu nổi loạn. Bọn chúng suy tôn Định làm vua, tiếm xưng kỷ nguyên Hưng Khánh, hoạt động tại các vùng núi non tại Hoá Châu và Nghệ An, chế tạo vũ khí, chiêu tập đồ đảng. Lúc này đại quân đã về nước, bọn Định mang quân ra đánh Bình Than và ải Hàm Tử ; chặn đường đi lại tại Tam Giang. Chúng đánh phá gần thành Giao Chỉ [Đông Đô], các châu huyện như Từ Liêm, Oai Man, Thượng Hồng, Đại Đường, Ứng Bình, Thạch Thất đều theo chúng ; thế giặc càng ngày càng thịnh, quan quân đánh mấy lần nhưng không lập được công, nên xin tăng thêm binh.

Thiên tử cho rằng Giao Chỉ mới được sáp nhập vào bản đồ, nhân tâm chưa vững vàng, mà bọn dư đảng tiếp tục nổi lên, nếu không kịp thời dẹp tan, sợ tràn lan ra thì không kiềm chế nổi. Mệnh điều Đô Chỉ huy Sứ ty Vân Nam, Quí Châu, Tứ Xuyên, Thành Đô Tam hộ vệ, tổng cộng 4 vạn binh ; ra lệnh Kiềm Quốc công Mộc Thạnh lãnh Chinh Di Tướng quân tổng suất từ Vân Nam sang đánh ; vẫn ra lệnh Thượng thư bộ Binh Lưu Tuấn tham mưu quân sự. Sắc dụ Giao Chỉ Đô ty bọn Đô đốc Thiêm sự Lữ Nghị, Hoàng Trung rằng bọn Giản Định làm phản, đã ra lệnh Kiềm Quốc công Mộc Thạnh mang quân sang đánh, các người hãy chỉnh đốn binh lính nghe theo sự điều động; hãy chuẩn bị thủy quân 2 vạn, cùng thuyền bè khí giới để đợi dùng. (Minh Thực Lụcv11,tr. 1101-1102; Thái Tông q. 82, tr. 5a-5b )

Ðể xoa dịu tình hình, cùng làm kế hoãn binh chờ khi lực lượng tiếp viện sẵn sàng tham chiến, vua Minh Thái Tông sai sứ ban sắc chiêu hàng Giản Ðịnh Ðế như sau :

Ngày 19 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ 6 [8/9/1408]

Sai sứ ban sắc dụ cho bọn nổi loạn Giản Định rằng :

“ Mới đây cha con giặc họ Lê gây việc soán đoạt, buông tuồng bạo lọan, độc hại người trong nước, chiếm đoạt biên cảnh ; bèn mệnh xuất sư điếu phạt, bọn ác đầu sỏ bị bắt, dư đảng bị tiêu diệt ; rồi thiết lập quận huyện, vỗ về thiện lương, một phương nhân dân đều được yên nghiệp. Chỉ riêng các ngươi ương ngạnh, lập đảng chống cự triều mệnh, cướp bóc dân chúng. Quần thần xin hưng sư tiêu diệt, Trẫm nghĩ dưới lằn tên mũi đạn, sợ liên lụy đến dân vô tội; mà những kẻ bất thiện như các ngươi cũng còn được cơ hội để có thể sửa đổi, nên ban sắc dụ này. Đại phàm cử sự cần phải hợp đạo trời, cha con giặc họ Lê tội ác đầy rẫy , trời đã phế thì không thể giữ được; các ngươi là đám tàn dư, trái đạo, nghịch mệnh trời , thì cũng đợi để tiêu diệt mà thôi ! Tuy nhiên vui được sống, ghét chết là sự thường tình của con người ta. Nếu trước đây các ngươi chưa nghĩ kỹ nên làm việc bội nghịch trái đạo, hoặc do bọn quan lại hà khắc phải liều lĩnh mưu đồ tự tồn, lòng muốn hối cải nhưng còn nghi ngờ chưa dám quyết ! Phàm con người ai mà không sai, sai mà biết sửa, còn gì tốt bằng. Bọn các ngươi hãy nhân lúc này, minh định lẽ nghịch thuận, xem xét cơ duyên họa phúc, tìm yên ổn có lợi cho bản thân, bảo vệ được gia tộc, mưu đồ kế vĩnh cữu. Hãy dốc lòng thành quy phụ, sự sai lầm trong quá khứ được tha hết không hỏi đến, còn được giao chức quan, trả lại đất để cai trị, con cháu đời đời được thế tập . Lời Trẫm phát xuất từ tâm lòng, thông với trời đất; nếu các ngươi chấp mê không theo, họa sẽ đến với bản thân và gia đình, lúc đó hối cũng không kịp ! ” (Minh Thực Lục v. 11, tr. 1104-1105; Thái Tông q. 82, tr. 6b-7a )

Chú thích

1. Dẫn theo Trịnh Vĩnh Thường, Chinh Chiến Dữ Khí Thủ : Minh Ðại Trung Việt Quan Hệ Nghiên Cứu (viết tắt: Minh Nghiên Cứu). Ðài Nam : Quốc Lập Thành Công Ðại Học Xuất Bản Tổ, trang 85-86.

2. Toàn Thư, sđd tập 2, trang 223.

Năm Kỷ Sửu [1409]

Chuẩn bị cho việc đánh dẹp quân khởi nghĩa của Giản Ðịnh Ðế, Minh Thái Tông ra lệnh Ðô đốc Lữ Nghị phối hợp chặt chẽ với đạo quân tiếp viện của Mộc Thạnh, cùng tạm thời đình chỉ việc khai thác mỏ vàng, để thao luyện lính thợ vào việc chiến đấu :

Ngày 21 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 6 [6/1/1409]

Sắc dụ Đô ty Giao Chỉ bọn Đô đốc Thiêm sự Lữ Nghị rằng : nay lo việc điều quân chinh tiễu tàn dư giặc ; những chỗ khai mỏ vàng phải đình chỉ, triệu hồi các quan quân dưới cờ hoặc lính thợ cho thao luyện, không được phép chiếm lưu. (Minh Thực Lục v. 11, tr. 1143; Thái Tông q. 86, tr. 6a)

Lúc này tại nước ta lại có thêm cuộc nổi dậy của Nguyễn Công Trà tại huyện Tuyên Hóa phủ Thái Nguyên. Công Trà xúi dục các Thổ quan các châu huyện tại Thái Nguyên nổi lên chống quân Minh (1). Nhưng mãnh liệt hơn phải kể đến chiến thắng lớn của phe Giản Ðịnh Ðế tại trận Bồ Cô, trận này quân ta tiêu diệt được bộ chỉ huy quân Minh tại Giao Chỉ, trong đó có Ðô đốc Lữ Nghị và Thượng thư Lưu Tuấn. Bồ Cô là tên một bến đò thuộc xã Bồ Cô ; nay thuộc huyện Ý Yên, tỉnh Hà Nam. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (2) chép về trận đánh này như sau :

“ Tháng 12, ngày 14, quốc công Đặng Tất cả phá quân Minh tại Bồ Cô hãn. Bấy giờ nhà Minh sai tổng binh Mộc Thạnh mang tước Kiềm quốc công , đeo ấn Chinh di tướng quân, đem 5 vạn quân từ Vân Nam đến Bồ Cô, vừa khi vua Giản Định cũng từ Nghệ An tới, quân dung nghiêm chỉnh, gặp lúc nước triều lên gấp, gió thổi mạnh, sai các quân đóng cọc giữ và lên hai bên bờ đắp luỹ. Thạnh cũng chia quân thuỷ, quân bộ cùng cầm cự. Vua cầm dùi đánh trống, hạ lệnh các quân thừa cơ xông đánh từ giờ Tỵ [khoảng 11giờ] đến giờ Thân [16 giờ], quân Minh thua chạy, chém được Binh bộ thượng thư Lưu Tuấn, Đô ty Lữ Nghị , cùng quân mới đến, quân cũ đến hơn 10 vạn tên. Chỉ một mình Mộc Thạnh chạy thoát trốn vào thành Cổ Lộng (3)

Sử liệu từ Minh Thực Lục cũng xác nhận chiến thắng này, còn cho biết rõ hơn về lý lịch các tướng lãnh, quan lại cao cấp của nhà Minh tử trận :

Ngày 24 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 6 [9/1/1409]

“ Ngày hôm nay quan Tổng binh Giao Chỉ Kiềm quốc công Mộc Thạnh giao tranh với đầu đảng giặc Giao Chỉ, Giản Định, tại sông Sinh Quyết (4) bị thua. Đô đốc Thiêm sự Lữ Nghị, Binh Bộ Thượng thư Lưu Tuấn, Tham chính Giao chỉ Bố chánh ty Lưu Dục đều chết.

Lữ Nghị người đất Hạng Thành, Hà Nam ; khởi đầu giữ chức Bách hộ vệ Tế Dương ; thời Hoàng thượng Tĩnh Nạn, Nghị theo chinh phạt mấy lần lập kỳ công được thăng đến chức Đô Chỉ huy Đồng tri. Năm Vĩnh lạc thứ ba thăng Đô đốc Thiêm sự, cùng với Hoàng Trung luyện binh tại Quảng Tây ; lại cùng mang binh đem cháu Vương An Nam là Trần Thiên Bình về nước. Vì làm trái chiếu chỉ, nên Nghị không tránh được thất bại ở Kê Lăng ; rồi được tha tội cho giữ nguyên chức tòng chinh, mệnh sung Ưng Dương Tướng quân. Giao Chỉ bình, có công được giữ chức Đô ty Giao Chỉ. Nghị tính thâm trầm, dũng lược, đánh trận thâm nhập ; bị hãm chết trận.

Lưu Tuấn người đất Giang Lăng, Hồ Quảng ; đậu Tiến sĩ năm Ất Sửu; thời Hồng Vũ, giữ chức Chủ sự bộ Binh, rồi được thăng lên Tả Thị lang bộ này. Thời Kiến Văn (5) giữ chức Thị trung ; khi Thiên tử [Thành Tổ] tức vị, được thăng hàm Thượng thư. Tuấn cẩn thận, cần mẫn trong công việc, có mưu trí, giỏi ứng biến, nên được tín nhiệm. Trước đây quan Tổng binh chinh phạt Giao Chỉ, mệnh Tuấn tham mưu quân vụ, góp nhiều công ích, nên sau khi bình Giao Chỉ được ban thưởng. Rồi lại được cử sang Giao Chỉ để tham mưu quân vụ cho Thạnh. Thạnh bại, Tuấn bị vây, bèn thắt cổ tự tử.

Lưu Dục người Vũ Thành, Sơn Đông ; xuất thân từ Lại khoa Cấp Sự trung, thăng Thông chính Sứ ty Tả Thông chính, rồi đến chức Tả Tham chính ty Bố chánh Hà Nam; được đổi đến Giao Chỉ giữ chức Hữu Tham chính. Dục tính hà khắc, ít nói, thiếu ân; tuy nhiên làm việc giỏi, đến nơi nào thuộc lại và dân cũng đều sợ, đến nay cùng chết với Tuấn.” (6)

Trận Bồ Cô là một thảm bại của quân Minh, nên Phó Ngự sử Lý Khánh phài đàn hặc Mộc Thạnh với lời lẽ nặng nề :

Ngày 29 tháng 1 năm Vĩnh Lạc thứ 7 [13/2/1409] 

Đô sát viện phó Ngự sử Lý Khánh hặc tấu quan Tổng binh Giao Chỉ Kiềm quốc công Mộc Thạnh mang quân dẹp bọn nổi loạn tại Giao Chỉ, không phấn đấu dõng cảm chế ngự giặc để đến nỗi quân tan, khiến bọn Đô đốc Lữ Nghị, Thượng Thư Lưu Tuấn, Đô chỉ huy Liễu Tông bị hại ; chiếu pháp luật đáng trị tội. Thiên tử phán :

“ Làm tướng để quân tan không trị tôi sao được! Hãy tạm để đó, cho cố gắng báo đền. ” (Minh Thực Lục v 11., tr.1159-1160; q.87, tr. 5a-5b)

Tuy nhiên sau chiến thắng này, quan điểm về tiến, thủ của vua Giản Định và Quốc công Đặng Tất hoàn toàn khác nhau. Toàn Thư chép :

“ Vua bảo các quân :

– Hãy thừa thế chẻ tre, đánh cuốn chiếu thẳng một mạch, như sét đánh không kịp bịt tai, tiến đánh thành Đông Quan thì chắc chắn phá được chúng.

Tất tâu :

– Hãy bắt hết bọn giặc còn sống sót, không nên để mối lo về sau.

Do dự mãi không quyết định được. Quân giữ thành Đông Quan đến cứu viện, đón Mộc Thạnh về.” (7)

Từ sự việc này, nội bộ vua tôi nhà hậu Trần trở nên chia rẽ, mấy tháng sau vua nghe lời dèm giết Nguyễn Cảnh Chân và Đặng Tất. Con Nguyễn Cảnh Chân là Nguyễn Cảnh Dị, con Đặng Tất là Đặng Dung tức giận bỏ đi, phò Trần Quí Khoách lên làm vua, niên hiệu Trùng Quang. Riêng Mộc Thạnh sau khi thoát thân, vội tâu về việc quân bị bại, vua nhà Minh bèn điều Trương Phụ sang đánh dẹp :

Ngày 27 tháng giêng năm Vĩnh Lạc thứ 7 [11/2/1409]

Quan Tổng binh Giao Chỉ Kiềm Quốc công Mộc Thạnh tâu xuất sư bị bại. Mệnh bộ Binh điều thêm quân, cùng mệnh Anh Quốc công Trương Phụ tổng chỉ huy dẹp giặc. (Minh Thực Lục v. 11, tr.1158; Thái Tông q. 87, tr. 4b)

Lần này điều động quân 13 vệ, thuộc 10 đô ty, cùng quân tại Sở, Liêu Ninh, Tam Phủ Hộ vệ. Theo biên chế thời Minh mỗi vệ 5600 quân, vậy tổng số 13 vệ là 72.800, nhưng văn bản dưới đây ghi 4 vạn, phải chăng sử triều Minh cố tình bớt quân số :

Ngày 28 tháng giêng năm Vĩnh Lạc thứ 7 [12/2/1409]

Sắc dụ các Đô chỉ huy sứ ty Quảng Tây, Quảng Đông, Hồ Quảng, Tứ Xuyên, Chiết Giang, Phúc Kiến, Giang Tây, Quí Châu, Vân Nam, Trấn Giang gồm 13 vệ, tổng cộng phát binh 4 vạn. Sở, Liêu Ninh, Tam Phủ hộ vệ phát binh 7000. Tất cả theo Anh quốc công chinh tiễu giặc tại Giao Chỉ. (Minh Thực Lụcv.11, tr. 1158; Thái Tông q. 87, tr. 4b)

Sắc mệnh hành quân của vua nhà Minh giao Trương Phụ lãnh chức Tổng binh, Vương Hữu lãnh chức Phó Tổng binh, phối hợp với Mộc Thạnh thi hành việc đánh dẹp :

Ngày 9 tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ 7 [23/2/1409]

Mệnh Anh quốc công Trương Phụ cầm ấn Chinh lỗ Phó tướng quân sung chức Tổng binh, Thanh viễn hầu Vương Hữu phó Tổng binh, mang quân đánh bọn giặc nỗi loạn tại Giao Chỉ. Phối hợp với Chinh di Tướng quân Kiềm Quốc công Mộc Thạnh hiệp lực thi hành phận sự. (Minh Thực Lục v. 11, tr.1170; Thái Tông q. 88, tr.5b)

Trước khi ra quân vua Minh Thái Tông cảnh cáo lực lượng tăng viện và trú phòng phải củng cố tinh thần, đánh mạnh, lập mưu sâu ; đừng để cho dân bản xứ khinh thường :

Ngày 19 tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ 7 [5/3/1409]

Sắc dụ bọn quan Tổng binh Anh quốc công Trương Phụ :

“ Từ khi Kiềm quốc công Mộc Thạnh ra quân thất luật, bọn giặc trở nên giảo hoạt. Nay nghe rằng tên Đặng Tất thuộc đảng giặc đã chết ; mà bọn Lão Qua, Bát Bách (8) vẫn còn cung cấp lương thực, vậy cung cấp cho ai ? Nghe giặc rêu rao rằng có đến 50.000 con voi, và bảo tướng soái ta dễ đánh ; đó là do tướng soái ta trước đây thiếu mưu kế, để cho man di khinh lờn. Các ngươi phải lấy đó làm răn, cùng đồng tâm hiệp lực dẹp đám giặc này, để được yên một phương. (Minh Thực Lục v.11, tr. 1174 ; Thái Tông q. 88, tr. 7b)

Về mối chia rẽ và nội bộ tình hình quân ta, thám báo của Trương Phụ đã nắm rõ ; nên y cho đóng thuyền bè để chuẩn bị thuỷ chiến tại vùng hạ lưu sông Hồng :

Ngày 22 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 7 [5/7/1409]

Quan Tổng binh Anh quốc công Trương Phụ tâu rằng bọn giặc Giản Ðịnh giết hại lẫn nhau. Giặc Nguyễn Súy ôm hai lòng, nay suy tôn Giản Ðịnh làm Thượng hoàng Ngụy, riêng lập Trần Quí Khoách làm vua ngụy, kỷ nguyên Trùng Quang. Bọn chúng ra vào nơi sông nước, gây mối lo; nên phải dùng thủy quân mới thành công. Nay trú quân tại huyện Tiên Du, phủ Bắc Giang , tìm gỗ trong rừng Sất Lãm để đóng thuyền; chiêu dụ dân trốn giặc tại các phủ Lạng Giang, Bắc Giang, Thái Nguyên trở về với nghề nghiệp cũ. (Minh Thực Lục v. 11, tr.1224 ; Thái Tông q. 92, tr. 13 b)

Trong khi chờ đợi quân Trương Phụ sẵn sàng tham chiến, cùng âm mưu giải đãi lòng quân ta ; Mộc Thạnh sai sứ đến gặp vua Trùng Quang tại Thanh Hoá :

Tháng 7, Tổng binh nhà Minh là Mộc Thạnh sai Hoàng La tới. Vua sai người đến tiếp hắn tại Nỗ Giang (9), Thanh Hóa (10).

Thượng tuần tháng 9/1909 xẩy ra trận giao tranh đầu tiên giữa quân của Trương Phụ và quân của vua Trùng Quang do tướng Nguyễn Cảnh Dị chỉ huy, tại Bình Than (11) ; trận này quân Minh thua, Ðô chỉ huy Từ Chính tử trận :

Ngày 2 tháng 8 năm Vĩnh Lạc 7 [10/9/1409]

Giặc Giao Chỉ, bọn Đặng Cảnh Dị [Nguyễn Cảnh Dị] đánh Bàn Than [Bình Than], viên quan phòng thủ Từ Chính tử trận.

Chính người đất Nghi Chân, trước kia làm Phó Thiên hộ vệ Dương Châu. Lúc vua [Minh Thành Tổ] cử binh tĩnh nạn, Chính mang quân toàn thành theo, được thăng Đô Chỉ huy Đồng tri. Tòng chinh Giao Chỉ đoạt được thuyền giặc tại sông Tam Đái, chở quân đánh Tây Đô, ải Hàm Tử, lập được công. Trần Quí Khoách làm phản, Bình Than là nơi yếu địa, Anh quốc công Trương Phụ sai Chính đến đóng. Cảnh Dị mang quân vây đánh, Chính xua quân tận lực chống trả, bị đạn xuyên qua sườn, Chính vẫn tiếp tục tử chiến. Rồi giặc rút, Chính bị vỡ bụng mà chết. (Minh Thực Lục v.12, tr. 1255; Thái tông q. 95, tr. 2a )

Hạ tuần tháng 9/1409 lại có cuộc giao tranh lớn tại cửa ải Hàm Từ [tỉnh Hưng Yên]. Lần này quân của vua Trùng Quang do Nguyễn Thế Mỗi chỉ huy bị thua to :

Ngày 21 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ 7 [29/9/1409]

Ngày hôm nay quan Tổng binh Anh quốc công Trương Phụ đánh bại đảng giặc Nguyễn Thế Mỗi tại ải Hàm Tử. Lúc này Đặng Cảnh Dị đóng tại các xứ châu Nam Sách, sông Lô Độ, cầu Thái Bình ; Trương Phụ xuất quân hướng ải Hàm Tử tiến quân. Kim ngô Tướng quân nguỵ lập trại phòng thủ đối diện bờ sông, cho hơn 600 chiếc thuyền bày trận trên sông, lại đóng cọc gỗ phía bờ đông nam để ngăn cản. Lúc bấy giờ gió tây bắc thổi mạnh, Phụ sai Vân dương bá Trần Húc, Đô đốc Chu Quảng ; Đô chỉ huy Du Nhượng, Phương Chính dùng thuyền lớn, thuyền nhỏ cùng tiến, hoả khí xé trời, tên bắn như mưa, giặc không đương nổi bị chém hơn 3000 thủ cấp, số chết chìm tính không hết, Bắt sống bọn Giám môn nguỵ, Vệ tướng quân Phan Đê 200 tên, tịch thu 400 chiếc thuyền, kỳ dư giặc bỏ chạy. (Minh Thực Lục v. 12, tr.1263; Thái tông q. 95, tr. 5a)

Trương Phụ tiếp tục xua quân xuống tận phía nam lưu vực sông Hồng Hà, Thái Bình ; tính từ phía bắc kiểm soát đến các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương ngày nay :

Ngày 25 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ 7 [3/10/1409]

Ngày hôm nay bọn quan Tổng binh Anh quốc công Trương Phụ đem quân đến sông Lô Ðộ, cầu Thái Bình. Ðảng giặc Ðặng Cảnh Dị, bỏ doanh trại trốn trước ; bèn chiêu dụ các tên nghịch tặc trở về với nghiệp cũ. Nên các phủ như Giao Châu, Bắc Giang, Lạng Giang, Tân An, Kiến Xương, Trấn Di; các vệ sở Xương Giang, Thị Cầu đều được chiêu tập yên ổn. (Minh Thực Lục v. 11, tr.1264; Thái Tông q. 95, tr. 5b)

Rồi một trận đánh quan trọng xẩy ra tại cửa biển Thái Bình, quân Nguyễn Cảnh Dị thua to, quân Minh hầu như kiểm soát được miền bắc nước ta :

Ngày 1 tháng 9 năm Vĩnh Lạc thứ 7 [9/10/1409]

Ngày hôm nay quan Tổng binh Anh quốc công Trương Phụ đánh bại đảng giặc, bọn Đặng Cảnh Dị, tại cửa biển Thái Bình. Lúc này bọn Cảnh Dị thường qua lại cướp bóc tại cửa biển, Phụ tiến binh tiễu trừ. Khởi đầu gặp thuyền thám thính của giặc, bèn truy kích giết hết. Sau đó tiến thẳng, thấy đằng xa hơn 300 thuyền giặc đậu bờ phía nam cửa biển. Ngay lúc bọn Đô đốc Phương Chính, Lý Long công kích, giặc phân chia lực lượng, một nửa nghênh địch. Quan quân la hét tiến, tên đá cùng bắn ; rồi hăng hái tiến thẳng đánh giáp vào binh thuyền giặc, bọn chúng đại bại chém hơn 500 đầu giặc, chết trôi không kể, bắt sống hơn 300 tên. Số thuyền còn lại không đánh mà tan, bắt Ninh Vệ đại Tướng quân ngụy Phạm Tất Lật, riêng Cảnh Dị trốn thoát. (Minh Thực Lục v.12, tr. 1268; Thái Tông q. 96, tr. 1b)

Tuy vậy tại vùng biển huyện Vạn Ninh [tỉnh Quảng Ninh], vẫn còn quân nổi dậy mang thuyền sang đánh phá tại châu Khâm, Trung Quốc ; nhà Minh phài dùng thuỷ quân truy kích :

Ngày 22 tháng 9 năm Vĩnh Lạc thứ 7 [30/10/1409]

Tuần biển Quảng Ðông Phó Tổng binh Chỉ huy Lý Khuê tâu :

“ Thuyền giặc đến thôn Ngư Hồng, châu Khâm [Quảng Ðông] cướp phá trăm họ, thiêu huỷ phòng ốc. Quan quân truy kích đến vùng biển huyện Vạn Ninh, Giao Chỉ. Gặp hơn 20 chiếc thuyền giặc, quan quân đánh hăng ; giặc bị giết cùng chết trôi không kể hết. Tịch thu 20 chiếc thuyền Ðằng Bộ, bêu đầu giặc trên biển, giải tống đầu sỏ giặc bọn Phạm Nha, Nguyễn Biên cùng người nhà trai gái về kinh đô.”

Mệnh pháp ty trị theo luật. (Minh Thực Lục v. 12, tr. 1275-1276; Thái Tông q. 96, tr.5a-5b)

Lúc này trên đà chiến thắng, quân Minh lộ rõ bộ mặt gian ác. Mới 3 tháng trước Mộc Thạnh cho Sứ giả đến tiếp xúc với vua Trùng Quang tại Thanh Hoá, nay nhà vua cho Sứ giả Ðoàn Tự Thuỷ đến gặp thì Trương Phụ trở mặt, giết Sứ giả rồi tiến quân :

Ngày 3 tháng 10 năm Vĩnh Lạc thứ 7 [9/11/1409]

Ngày hôm nay quan Tổng binh Giao Chỉ Anh quốc công Trương Phụ trú binh tại Thanh Hoá. Lúc này tên cầm đầu giặc Trần Quí Khoách xưng càn là cháu Vương trước, sai nguỵ quan Đoàn Tự Thuỷ mang thư đến quan Tổng binh xin phong tước. Phụ nói rằng con cháu nhà Trần trước đây đã bị giặc họ Lê giết hết rồi, đã cho tìm hỏi khắp nhưng không còn ai. Nay chỉ phụng mệnh dẹp giặc, không biết điều gì khác; bèn đem Đoàn Tự Thuỷ giết, rồi xua binh tiến thẳng. Sai Đô đốc Chu Vinh, Thái Phúc mang bộ binh và kỵ binh đi trước, phụ mang quân đi thuyền tiếp tục. Trước đây tại các cửa sông, cửa biển giặc đều đóng cọc ngăn, lại dùng đất đá làm chướng ngại.Do đó Phụ điều quân từ sông Hoàng Giang, A Giang, cửa bể Đại An đến Phúc Thành rồi từ sông đến cửa biển Thần Đầu, di chuyển đến đâu đều phá chướng ngại vật tắc nghẽn, phải mất trên 10 ngày mới đến Thanh Hoá. Quân bộ và thuỷ họp lại, bọn Giản Định phải chạy về Diễn Châu, Trần Quí Khoách đến Nghệ An ; bọn giặc như Nguyễn Suý, Hồ Cụ, Đặng Cảnh Dị đều chạy trốn ; bèn đóng quân tại Thanh Hoá để diệt hết tay chân đảng giặc. (Minh Thực Lục v. 12, tr. 1281; Thái Tông q. 97, tr. 2a)

Ðại Việt Sử ký Toàn Thư (12) còn ghi thêm hành động dã man của Trương Phụ như sau :

Phụ đi đến đâu, giết chóc rất nhiều, có nơi thây chất thành núi, có chỗ moi ruột quấn vào cây, hoặc rán thịt lấy mỡ, hoặc nướng đốt làm trò, thậm chí có đứa mổ bụng lấy thai, cắt lấy hai tai để nộp theo lệnh. Kinh lộ các nơi lần lượt đầu hàng. Những dân còn sót lại bị bắt hết làm nô tỳ và bị đem bán, tan tác khắp bốn phương cả.

Vua Giản Định tuy được vua mới Trùng Quang [Trần Quí Khoách] tôn làm Thái Thượng hoàng, nhưng cũng không có thực quyền, rồi chẳng bao lâu bị đạo quân của Trương Phụ tăng viện cho Mộc Thạnh, truy kích và bắt sống. Sự việc được chép trong Minh Thực Lục như sau :

Ngày 10 tháng 11 năm Vĩnh Lạc thứ 7 [16/12/1409]

“ Quan Tổng binh Giao Chỉ Anh Quốc công Trương Phụ, chinh di Tướng quân Kiềm quốc công Mộc Thạnh bắt được bọn giặc Giản Định. Lúc bấy giờ Định tới sách Cự Lặc, rồi từ sách Địa đến trấn Thiên Quan tụ tập chống trả. Thạnh mang binh từ Lỗi Giang hướng về sách Cự Lặc ; bọn Đô đốc Chu Vinh, Đô Chỉ huy La Văn dùng lính đi thuyền theo sông Lỗi Giang lên Ngưu Tỵ quan ; Trương Phụ điều bọn Đô đốc Chu Quảng, Đô Chỉ huy Trần Hoài dùng bộ binh và kỵ binh từ Lỗi Giang lên sách Địa để kịp đến trấn Thiên Quan. Giản Định lại từ sách Đông Hoàng hướng đến sách Đa Bôi, quan quân đuổi tới huyện Mỹ Lương (13), sách Cát Lợi. Giản Định vừa mới trú tại nhà dân, nhìn đằng xa thấy quan quân đến, bèn bỏ các vật như ngựa, ấn tín, chạy trốn vào rừng. Quan quân lục soát không bắt được, bèn vây chặt rừng, rồi bắt sống được Giản Định cùng các tướng giặc Trần Hy Cát, Nguyễn Nhữ Lệ, Nguyễn Yến.” (Minh Thực Lục v.12,tr. 1290-1291; Thái Tông q. 98, tr. 1b-2a)

Xét về sự thất bại của Giản Ðịnh Ðế, nguyên do bởi sự nghi kỵ và chia rẽ. Trước kia Phạm Thế Căng tuy đã từng làm quan với nhà Minh, nhưng rồi chống lại và tự xưng là Duệ Vũ Ðại vương tại phủ Tân Bình [tỉnh Quảng Bình]. Nếu nhà vua không dung nạp hoặc liên minh được, thì nên bỏ qua với kẻ cùng chí hướng chống quốc thù ; đằng này mang quân đánh dẹp, tự làm suy yếu lực lượng chống đối giặc. Ðối với Nguyễn Cảnh Chân và Ðặng Tất là những bậc công thần lập nhiều công lao, nhưng vì nghe lời viên Hoạn quan Nguyễn Quỹ mật tâu rằng “ Nguyễn Cảnh Chân và Ðặng Tất chuyên quyền bổ nhiệm quan và cách chức, nếu không tính sớm thì sau khó kiềm chế ”. Vua cho gọi hai người đến, bóp cổ giết Tất. Chân chạy lên bờ, lực sĩ đuổi theo chém chết. Việc làm của vua Giản Ðịnh đã kéo dài thời gian hy sinh của đất nước gần 20 năm, mãi đến năm 1428 Bình định vương Lê Lợi mới quét sạch được quân Minh ra khỏi bờ cõi. Bàn về sự kiện này Sử thần Ngô Sĩ Liên có lời nói như sau :

“ Vua may thoát khỏi vòng vây hãm nguy hiểm, cầu người cứu giúp nạn nước, được cha con Ðặng Tất có tài làm tướng, cha con Cảnh Chân giỏi bày mưu lược, đủ để lập công khôi phục, dựng được nghiệp trung hưng. Với trận thắng Bồ Cô, thế nước đã nổi. Thế mà nghe lời gièm pha ly gián của bọn Hoạn quan, một lúc giết hại hai người bầy tôi phò tá, tự mình chặt bỏ chân tay vây cánh của mình, thì làm sao nên việc được !… ” (14)

Chú thích

1. Minh Nghiên Cứu, Sđd, trang 86.

2. Toàn Thư, sđd, tập 2, trang 224.

3. Theo chú thích từ bản dịch Toàn Thư : Thành Cổ Lộng do người Minh đắp, thuộc xã Bình Cách, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Hà, tục gọi là thành Cách.

4. Sông Sinh Quyết gần núi Thiên Kiện ; theo Cương Mục, núi Thiên Kiện còn có tên là núi Địa Cận, ở xã Thiên Kiện, huyện Thanh Liêm, tỉnh Nam Hà.

5. Kiến Văn : niên hiệu của Minh Huệ đế, cháu vua Thái Tổ.

6. Minh Thực Lục quyển 86 trang 1144.

7. Toàn Thư, Sđd, tâp 2, trang 224.

8. Bát bách : tên nước xưa Bát Bách Tức Phụ, nay thuộc phần đất Tiêm La. Tục truyền Tù trưởng nước này có 800 vợ nên có tên này.

9. Nỗ Giang :khúc sông Mã chảy qua làng Nguyệt Viên, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, còn gọi là sông Nguyệt Thường.

10. Toàn Thư, Sđd, tập 2, trang 226.

11. Bình Than nằm cuối sông Ðuống, giáp giới hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương.

12. Toàn Thư, Sđd, tập 2, trang227.

13. Mỹ Lương : Tên huyện thuộc tỉnh Sơn Tây, thời Minh thuộc châu Quảng Oai; giáp với Nho Quan, Ninh Bình.

14. Toàn Thư, Sđd, tập 2, trang 225

Năm Canh Dần [1410]

Sau khi bắt được vua Giản Ðịnh, Tổng binh Trương Phụ cùng Phó Tổng binh Vương Hữu được lệnh mang quan quân trở về Bắc Kinh :

Ngày 28 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 7 [1/2/1410]

Triệu các quan Tổng binh Giao Chỉ Anh quốc công Trương Phụ, Phó tổng binh Thanh viễn hầu Vương Hữu điều lãnh Đô đốc Chu Vinh, Thái Phúc, Lâm Thiếp Mộc Nhi, cùng các quan quân đã đưa đi trở về Bắc Kinh. ( Minh Thực Lục v. 12, tr. 1300; Thái Tông q. 99, tr. 3b)

Trước khi rút quân về, Trương Phụ làm một trận càn lớn, đánh dẹp lực lượng nổi dậy của Nguyễn Sư Cối tại châu Ðông Triều [Hải Phòng], chém giết hơn 2000 tù binh. Phụ làm một việc tàn bạo mà văn minh con người không cho phép, hành động này được sử Trung Quốc gọi là kinh quán [京 觀, quan đọc là quán], tức chồng chất thây người thành đống lớn, rồi lấy đất bùn phủ lên, để khoe khoang vũ công cùng răn đe quần chúng :

Ngày 9 tháng giêng năm Vĩnh Lạc thứ 8 [12/2/1410]

Ngày hôm nay quan Tổng binh Giao Chỉ Anh quốc công Trương Phụ đánh bại dư đảng giặc Nguyễn Sư Cối tại châu Đông Triều. Trước đây Sư Cối nguỵ xưng Vương cùng với bọn nguỵ Kim Ngô Thượng Tướng quân Đỗ Nguyên Thố đóng binh hơn 2 vạn tại xã Nghi Dương, huyện An Lão, châu Đông Triều ; thường đến sông Hoàng Giang, Ma Lao, cùng cửa biển Đại Toàn cướp phá để hưởng ứng theo Giản Định. Đến ngày hôm nay Trương Phụ cho vây xã Nghi Dương, bọn giặc chống cự, quan quân phấn khởi bắn tên đá như mưa, khiến giặc thua to. Chém hơn 4500 thủ cấp, chết trôi nhiều ; bắt sống nguỵ Giám Môn Tướng quân Phạm Chi, nguỵ Vũ Lâm Vệ Tướng quân Trần Nguyên Khanh, nguỵ Trấn Phủ sứ Nguyễn Nhân Trụ hơn 2000 tên bèn chém , chồng chất xác thành bãi tha ma tập thể để thị chúng. (Minh Thực Lục v. 12, tr .1303-1304; Thái Tông q. 100, tr. 1a-1b)

Lúc chuẩn bị rời khỏi nước ta, Trương Phụ và Vương Hữu tâu về triều rằng thực lực của vua Trùng Quang [Trần Quí Khoách] hiện diện từ Nghệ An trở về Nam, riêng tướng Ðặng Dung lãnh quân tiền tiêu kiểm soát các đường huyết mạch tại Thanh Hoá cùng các cửa sông tại vùng hạ lưu sông Hồng. Bởi vậy Trương Phụ xin lưu lại một số quân lớn cho Mộc Thạnh sử dụng :

Ngày 28 tháng giêng năm Vĩnh Lạc thứ 8 [3/3/1410]

Quan Tổng binh Giao Chỉ Anh quốc công Trương Phụ, Phó Tổng binh Thanh viễn bá Vương Hữu tâu :

“ Nhận được sắc chỉ mang quân trở về nước, bọn thần tuân mệnh lên đường. Nay đầu sỏ giặc là Trần Quí Khoách, bọn đồ đảng Nguyễn Súy, Hồ Kỳ, Đặng Cảnh Dị vẫn đóng tại Diễn Châu, Nghệ An, sát Thanh Hoá. Đặng Dung lãnh quân ngăn chặn cửa sông Thần Đầu, Phúc Thành ; chiếm cứ đường huyết mạch Thanh Hoá, ra vào vùng cửa biển Đại An cướp phá. Nếu điều động hết số quân trước đây trở về, sợ Kiềm quốc công Mộc Thạnh binh ít không địch nổi, khiến công sắp thành phải bỏ lỡ. Nay muốn lưu lại Đô đốc Giang Hạo, Đô Chỉ Huy sứ Du Nhượng, Hoa Anh, Sư Hữu lãnh 4 Đô ty Vân Nam, Phúc Kiến, Quảng Đông, Giang Tây; 2 hành Đô ty Tứ Xuyên, Phúc Kiến ; các binh đoàn Hộ vệ cùng các đơn vị lập công chuộc tội thuộc các xứ Kinh Châu, Nam Xương, Vũ Xương, Quảng Tây dưới quyền điều động của Thạnh. Riêng thần suất lãnh quan quân tuỳ tòng, đơn vị Hổ-bôn (1), quan quân tại kinh Trực Lệ, cùng 4 Đô ty Hồ Quảng, Quí Châu, Tứ Xuyên, Chiết Giang trở về. Ngoài ra Thạnh nắm giữ đại quân một mình, xin cho Vân Dương bá Trần Húc giữ chức Phó, để cùng bàn bạc việc quân.” Thiên tử xem tờ tấu, ban chỉ dụ cho bọn Phụ, chấp nhận lời xin. (Minh Thực Lục v. 12, tr. 1308-1309; Thái Tông q. 100, tr.3b-4a)

Mộc Thạnh tiếp tục tổ chức hành quân lớn tại 3 tỉnh gồm : hạ lưu sông Mã thuộc Thanh Hoá, cùng các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình ngày nay :

Ngày 11 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 8 [13/6/1410]

Quan Tổng binh Giao Chỉ Kiềm quốc công Mộc Thạnh thống suất quan quân truy tiễu đầu sỏ giặc Trần Quí Khoách đến Ngu Giang, giặc bỏ trại trốn ; bèn truy kích đến huyện Cổ Hoằng (2) cùng cửa biển Hội Triều, Linh Trường, chém hơn 3000 thủ cấp, bắt sống Phụng thần vệ Thần Long Tướng quân Lê Lộng. (Minh Thực Lục v. 12, tr. 1348; Thái tông q. 104, tr. 2b)

Tuy nhiên sau đó 1 ngày Ðô đốc Giang Hạo bị thua to tại sông Lỗ Giang, thuộc tỉnh Hà Nam ; viên Chỉ huy Tô Toàn bị tử trận tại sông Tranh thuộc tỉnh Ninh Bình.

[330] Ngày 12 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 8 [14/6/1410]

Ngày hôm nay quan Tổng binh Giao Chỉ Kiềm quốc công Mộc Thạnh sai Trung Quân Đô đốc Thiêm sự Giang Hạo mang binh đến Lỗ Giang (3) giao tranh với bọn giặc Đặng Cảnh Dị bất lợi ; viên Đô Chỉ-huy Tô Toàn cũng bị thua tại sông Tranh (4), trúng thương chết. (Minh Thực Lục v.12, tr .1349; Thái Tông q. 104, tr. 

Riêng các cuộc nổi dậy có tính cách tự phát thì xảy ra khắp nơi, tính từ bắc vào nam như sau :

– Tại huyện Ðổng, phủ Lạng Sơn có Vi Quảng Liêu tuy nhận chức Thổ quan của nhà Minh, nhưng mưu giết quan lại (4).

– Tại châu Hạ Văn, phủ Lạng Sơn có Hoàng Thiêm Hữu cấu kết với Vi Quàng Liêu (5).

– Tại huyện Thoát ở phía bắc Khâu Ôn [Lạng Sơn], Nguyễn Nguyên Hách từng là Thổ quan cũng nổi lên (5).

– Tại phủ Thái Nguyên lực lượng nổi dậy mang tên là “ Giặc áo đỏ ” dấy lên từ năm Vĩnh Lạc thứ 8 [1410] đánh phá các làng huyện, liên kết với Ông Lão (5).

– Tại huyện Ðộng Hỷ, Phủ Thái Nguyên Ông Lão nổi dậy vào ngày 10 tháng 5 ; bị Thổ quan Ma Bá Hổ đánh. Sau đó chiêu tập đồ đảng, ban ngày đánh phá huyện Tư Nông, ban đêm tấn công huyện Ðộng Hỷ ; quân Minh mang đại quân tiễu trừ đến 2 năm mới dẹp được (6).

– Tại phủ Trấn Man [tỉnh Thái Bình] Trần Quán nổi dậy, bị Thổ quan Trần Hy Cấp bắt (6).

– Tại phủ Kiến Bình [tỉnh Nam Ðịnh] Nguyễn Ða Cấu nổi dậy, quân Minh chưa dẹp được (6).

– Tại huyện Thanh Ðàm [Hà Nội] Lê Khang nổi dậy (7)

– Tại Thanh Oai [Hà Tây], Lê Nhị giết cha con Ðô ty Lư Vượng tại cầu Ngọc Tân, lại đánh chiếm huyện Từ Liêm khiến quân Minh rất sợ hãi (7).

– Tại Trường Yên [Ninh Bình], Ðỗ Cối, Nguyễn Hiệu họp nhau chống quân Minh.(7)

-Tại Thanh Hoá Ðồng Mậc, Nguyễn Ngân Hà nổi lên. Riêng quân của Ðồng Mặc giết giặc rất nhiều, viên Chỉ huy quân Minh là Tả Ðịch bị bắt, Vương Tuyên thế cùng phải tự tử; Mặc được vua Trùng Quang cho làm Phủ quản quận Thanh Hoá (7)

Tuy nhiên phần lớn các cuộc nổi dậy không có sự chỉ huy chung, hiệu lệnh không thống nhất nên cuối cùng bị tan rã.

Chú thích

1. Hổ Bôn : đội quân đặc biệt thiện chiến.

2. Cổ Hoằng:thuộc huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá ngày nay. (Ðào Duy Anh, Ðất Nước Việt Nam Qua Các Ðời, (Viết tắt Ð.N.V.N.Q.C.Ð.) Thuận Hoá, NXB Thuận Hoá, 1995.)

3. Lỗ Giang : thuộc huyện Nam Xang, tỉnh Hà Nội. Nay thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam (Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Viết tắt : Cương Mục), Hà Nội : Bản dịch của NXB Giáo dục, 1998, do Viện Việt Học lưu hành trên mạng

4. Sông Tranh : tại huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. (Quốc Sử quán triều Nguyễn, Ðại Nam Nhất Thống Chí (viết tắt : Thống Chí), Huế : Bản dịch NXB Thuận Hoá, tập 3, trang 301)

5. Minh Nghiên Cứu, Sđd trang 87.

6. Minh Nghiên Cứu, Sđd trang 86.

7. Toàn Thư, Sđd tập 2, trang 228.

Năm Tân Mão [1411]

Sau khi Trương Phụ rút quân vảo tháng 3/1410, quân Minh tại nước ta bị tấn công nặng nề, nên vua Thái Tông buộc phải sai Trương Phụ sang tíếp viện một lần nữa. Tuy nhiên cũng như lần viện binh sang đánh vua Giản Ðịnh kỳ trước, khi quân chưa sang kịp, nhà Minh dùng kế hoãn binh bằng cách tiếp Sứ giả của vua Trùng Quang là Hồ Ngạn Thần, và ban chức cho vua Trùng Quang làm Bố chánh sứ Giao Chỉ :

Ngày 26 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 8 [20/1/1411]

Đầu đảng giặc là Trần Quí Khoách sai bọn Hồ Ngạn Thần dâng biểu xin hàng. Thiên tử cho rằng có thể chuyển biến chúng sang con đường thiện nên chấp thuận, ban chức Bố chánh sứ Giao Chỉ. Lại ban cho Trần Nguyên Tôn chức Tham chính ; Nguyễn Suý, Hồ Cụ, Đặng Cảnh Dị, Đặng Dung Đô Chỉ huy ; Phan Quý Hựu Phó sứ ty Án Sát. Sai bọn Hữu Thông chính Phương Tố Dị mang sắc đến dụ rằng :

“ Bọn các ngươi dâng biểu xin hàng, nay chấp nhận lời xin, mỗi người được nhận chức quan, nếu quả thành thực thì một phương hưởng phúc, vĩnh viễn thái bình. Nếu ôm lòng man trá không có lòng thành, đại quân tiến đánh thì chính các ngươi để hoạ lại cho dân chúng, hối cũng không kịp.” (Minh Thực Lục v. 12, tr. 1425; Thái Tông q. 111, tr. 6a)

Chỉ 20 ngày sau đó, Trương Phụ mang đại quân gồm 6 Ðô ty, 14 vệ, sang đánh nước ta :

Ngày 18 tháng giêng năm Vĩnh Lạc thứ 9 [10/2/1411]

Mệnh Anh quốc công Trương Phụ đeo ấn Chinh lỗ Phó tướng quân sung chức Tổng binh chinh phạt Giao Chỉ ; hợp lực với Kiềm quốc công Mộc Thạnh tiễu trừ phản tặc. Sắc cho 6 Đô ty Tứ Xuyên, Quảng Tây, Giang Tây, Hồ Quảng, Vân Nam, Quý Châu ; cùng 14 vệ như An Khánh phát 24 000 quân theo chinh phạt.

Sắc cho Đô ty, Bố chánh ty, Án sát ty Giao Chỉ : phàm những kẻ phạm tội trọng nhưng tình có thể thương, đưa cho Anh quốc công Trương Phụ để được lập công chuộc tội. (Minh Thực Lục v. 12, tr. 1432; Thái Tông q. 112, tr.2b)

Chính sách của nhà Minh vừa đánh vừa chiêu dụ, vua Minh Thái Tông ra sắc chỉ với những lời hứa hẹn như sau :

Ngày 24 tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ 9 [19/3/1411]

Chiếu dụ Giao-Chỉ rằng :

“ Trẫm nhận mệnh trời, cai trị muôn phương, vĩnh viễn che chở soi xét tình cảnh kẻ dưới ; lòng đầy sự thương yêu, sớm chiều canh cánh. Nghĩ rằng Giao chỉ đã được sáp nhập vào bản đồ, nhưng suốt năm chưa được yên ổn nghỉ ngơi, sau buổi khốn khó giặc giả bèn ban ân khoan hồng như sau : Kể từ ngày 24 tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ 9 trở về trước, những người Giao Chỉ tụ tập trong núi rừng đều được xá tội, quân cho trở lại nguyên đơn vị, dân trở lại với nghề cũ, quan lại quân dân phạm tội chưa bị phát giác cũng được tha. Ngoài thuế lương thực, các loại thuế vàng, bạc, muối, sắt, cá, hoa quả được miễn trưng thu trong vòng 3 năm ; vàng, bạc vẫn cấm không được khai thác ; nội bộ trong dân được phép giao dịch bằng vàng, bạc, tiền đồng ; nhưng không được đưa ra khỏi lãnh thổ. Những Thổ quan Giao Chỉ có tài năng rõ ràng về việc cai trị quân dân, hãy tâu lên cho biết tên để thưởng cờ biển làm bằng. ” (Minh Thực Lục v. 12, tr. 1443-1444; Thái Tông q. 113, tr.4a)

Tháng 8/1411, liên quân Trương Phụ Mộc Thạnh làm cuộc hành quân lớn tại vùng hạ lưu sông Mã [Thanh Hoá], lực lượng của vua Trùng Quang bị thiệt hại nặng :

Ngày 17 tháng 7 năm Vĩnh Lạc thứ 9 [6/8/1411]

Ngày hôm nay quan Tổng binh Giao Chỉ Anh quốc công Trương Phụ, Kiềm quốc công Mộc Thạnh đánh thắng đảng giặc bọn Nguyễn Suý tại sông Nguyệt Thường (1). Lúc bấy giờ Thạnh điều quân bộ và quân kỵ, Phụ đốc suất thuỷ quân cùng tiến. Khi Phụ đến sông Nguyệt Thường, huyện Kết Duyệt, châu Cửu Chân; giặc chôn cọc gỗ giữa sông dày đến 40 trượng, hai bên bờ tại cửa sông đặt hàng rào liên hoàn đến 2, 3 dặm ; bên trong đặt phục binh khoảng hơn 300 chiếc thuyền tại bên phải núi ; bọn đầu sỏ gồm Hồ Cụ, Đặng Cảnh Dị, Đặng Dung mang quân đến cự.

Bèn điều Đô đốc Đồng tri Chu Quảng, Đô đốc Chỉ huy Trương Thắng, Du Quảng sử dụng thuyền chèo ; quan quân nhổ cọc mà tiến. Phụ suất Đô chỉ huy Phương Chính dùng quân bộ đánh phục binh, phá hàng rào gỗ, truy kích đến bờ sông, thuỷ lục cùng tiến công, giặc đại b

0