Từ Nguyễn Trường Tộ tới bộ ngũ: “Vĩnh-Quỳnh-Tốn-Tố-Khôi” – Bài 6
Hai cụ Phan để lại những gì Nguyễn Ngọc Lanh Về vai trò lịch sử của hai cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh (xin viết tắt là PBC và PCT) và quan hệ giữa hai cụ với nhau… đã có nhiều bài rất giá trị và trung thực. Nếu ít thời gian, muốn đọc ngắn để hiểu tương đối đầy ...
Hai cụ Phan để lại những gì
Nguyễn Ngọc Lanh
Về vai trò lịch sử của hai cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh (xin viết tắt là PBC và PCT) và quan hệ giữa hai cụ với nhau… đã có nhiều bài rất giá trị và trung thực. Nếu ít thời gian, muốn đọc ngắn để hiểu tương đối đầy đủ và gần sự thật nhất (so với sách Giáo Khoa), thiết tưởng, có 2 tài liệu đáng đọc:
1) Thử nhìn lại vị trí của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh trong hành trình dân tộc vào đầu thế kỷ XX
2) Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh
Còn bài này, cố điểm qua những di sản tinh thần mà hai cụ để lại.
– Trước hết, các cụ để lại nhiều cách yêu nước.
– Tiếp, là những bài học lịch sử.
– Sau nữa, là một sứ mệnh trao lại;
– và cuối cùng, là nỗi trăn trở (sự nghiệp dở dang, hoặc thất bại).
ĐỂ LẠI NHIỀU CÁCH YÊU NƯỚC
Dù bạo động hay ôn hòa: Vẫn là yêu nước
– Hai cụ sống cùng thời. Giống nhau rất nhiều: Cùng xuất thân nho giáo, cùng có 20 năm tranh đấu, cùng mang trên đầu bản án tử hình. Rất hiểu chủ trương của nhau, tranh luận nhưng vẫn thân thiện và tôn trọng nhau. Khác nhau chỉ là cách tranh đấu: Bạo lực và ôn hòa; nhưng đây là sự khác nhau giữa Lửa và Nước. Tranh luận giữa hai cụ có ảnh hưởng rất lớn tới sự chọn con đường, chọn cách hành động của giới trí thức yêu nước đương thời. Dần dần, họ chia thành hai phái.
– Dù vậy, hai cụ đều tuyệt đối yêu nước.
Cụ Phan Bội Châu từ đầu cho rằng “hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, ta phải chiến đấu quét sạch chúng đi”. Đây là suy nghĩ rất thông thường không những của giới sĩ phu – mà cả của dân thưởng – sống ở một nước nhược tiểu, ngàn năm nơm nớp lo bị xâm chiếm. Nhưng thực tế, diễn biến lịch sử đã vượt tầm nhìn của cụ Phan Sào Nam.
Còn cụ Phan Chu Trinh? Cụ hành động theo cách chưa từng ai nghĩ, chưa từng có. Nhưng xuất phát từ viễn kiến: Cụ coi nước ta bị áp đặt một chế độ tiến bộ hơn chế độ phong kiến, thực tế là ta không thể dùng sức mạnh chống lại (sau 30 năm đã “thử chống”). Dù mục đích của thực dân là khai thác thuộc địa, nhưng cụ còn thấy nó có cả tác dụng khai hóa nữa.
– Điều tất nhiên là giới trí thức yêu nước thời đó (thế hệ 2) cũng ngả theo quan điểm – này hoặc kia – của hai cụ mà chọn cách đấu tranh. Hoặc là hoạt động bí mật (nếu định dùng bạo động), hoặc là công khai (ôn hòa). Dù vậy – theo gương hai vị đứng đầu – họ vẫn gần gũi, đoàn kết. Nhiều người thực thi cả hai cách, tùy hoàn cảnh. Nhiều vị trong Hội Duy Tân (ám xã) vẫn tham gia một số hoạt động của minh xã Duy Tân. Ví dụ, cụ Nguyễn Hàm là nhân vật số 2 trong Hội Duy Tân vẫn giúp tiền bạc cho Phong Trào Duy Tân thực hiện “hậu dân sinh”. Cụ Lương Văn Can sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục (ôn hòa), nhưng lại cho con (Lương Ngọc Quyến) sang Nhật và Tàu học quân sự, sau trở thành người khởi xướng cuộc bạo động ở Thái Nguyên. Nhiều người lúc đầu theo đường lối bạo động, sau chuyển sang ôn hòa. Và ngược lại, cụ Nguyễn Thượng Hiền chuyển từ ôn hòa sang bạo động. Tình hình ở Nam Bộ cũng tương tự, góp 50% nhân sự cho phong trào Đông Du. Không bao giờ các vị trong hai phái mâu thuẫn tới mức để thực dân có thể lợi dụng.
Chú thích
Có thể nói hai cụ Phan là tác nhân tạo ra hai dòng chủ lưu trong phong trào yêu nước của trí thức đầu thế kỷ 20: Bạo lực và ôn hòa; liên quan tới hai nhiệm vụ cách mạng độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Hai dòng này lúc đầu còn hòa quyện nhau, sau cứ dần dần tách xa nhau. Dòng của cụ PBC cuồn cuộn đầy sóng dữ, có sức phá hoại mãnh liệt, nhưng thực dân – với sức mạnh vượt trội – đã xây dựng được cơ sở vưng chắc cho chế độ cai trị, có đủ sức chế ngự dòng chảy này. Sau khi va đập nhiều lần, năng lượng của dòng này cạn dần… Năm 1918, cụ Phan chuyển sang đấu tranh ôn hòa. Thay thế cụ, chỉ có một người xứng đáng: Nguyễn Ái Quốc. Cụ này, tuy chủ trương bạo lực nhưng vẫn tiếp thu nhiều biện pháp ôn hòa. Trớ trêu là cụ Ái Quốc tạo ra thế hệ 4 cực kỳ bạo lực, khiến số phận cụ cũng rơi vào tình cảnh trớ trêu…
– Nhưng điều bất ngờ là chỉ sang thế hệ 3, sự khác nhau về đường lối (bạo động và ôn hòa) đã đưa đến mâu thuẫn nặng nề, chia rẽ; tới mức chỉ trích, lên án và kỳ thị nhau (Lê Dư, Nguyễn Bá Trác… bị coi là “phản bội”, Phan Bá Ngọc bị ám sát). Bất ngờ lớn nhất, là tới thế hệ 4 và 5 mâu thuẫn càng cực đoan. Khi giành được chính quyền, phe bạo động đã đối xử tàn bạo với phe ôn hòa. Ví dụ, cụ Bùi Quang Chiêu, Dương Văn Giáo… bị giết ngay khi ta cướp chính quyền ở Nam Bộ (1945). Nội bộ phái bạo động lại càng khó dung hòa nhau; ví dụ vụ Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm… Trớ trêu là cùng yêu nước, nhưng không thể chấp nhận nhau. Cụ Hồ từng nhận định: Ngô Đình Diệm, Tạ Thu Thâu đều yêu nước (!).
Chú thích: Các tên tuổi nêu trong bài có thể tra cứu ở Wikipedia.
– Sách “Tự phán” và sự trớ trêu lịch sử. Cuối đời, cụ Phan Bội Châu tự phê phán đường lối bạo động của mình là sai lầm, là có tội (phung phí xương máu). Cụ không còn dịp nào xin người bạn chiến đấu của mình tha thứ, vì ngay sau khi cụ bị thực dân giam giữ, cụ PCT cũng từ trần. Dịp ấy, cụ PBC tỏ lòng thương tiếc, có câu “ông có thứ (lỗi) cho tôi không”?… Nói khác, nếu được làm lại từ đầu, cụ sẽ cự tuyệt chủ trương bạo động. Trớ trêu là vẫn có nhiều trí thức yêu nước tiếp tục con đường này. Trớ trêu nữa là… họ thành công. Lý luận đấu tranh giai cấp là nguồn cổ vũ rất lớn. Sự trớ trêu tiếp theo là lời cảnh báo của cụ Phan Chu Trinh té ra không thừa: Nếu dân trí vẫn thấp thì độc lập chỉ là thay ông chủ.
Chú thích.
Trong tác phẩm Tự Phán, cụ PBC viết:
“Than ôi! Việc đời quá chừng trắc trở, cơ trời quá khó đo lường, hy sinh oan đồng bào mà không có kết quả gì, thiệt là đại tội cực ác của tôi, mà tôi phải muôn vàn thừa nhận.
“Vứt đầu sọ chí sĩ, hao huyết tủy nghĩa dân không biết bao nhiêu mà kể, mà những điều sở kỷ vẫn chẳng mảy may gì như ý! Nếu bảo tôi, lần này trở về nước Nam, chỉ có tội nặng mà không có công gì, tôi cũng hết lời chối cãi!
Vứt thủ cấp chí sĩ, hao tủy huyết nghĩa dân: Đó là cụ nghĩ tới sinh mạng đống chí và nghĩa quân hy sinh (theo cụ là vô ích) trong các cuộc ám sát và bạo động do Hội Quang Phục chỉ đạo.
Con đường bạo động của cụ PBC thất bại. Tuy nhiên, nếu cộng tất cả những thất bại của cụ (Hội Duy Tân và Hội Quang Phục) vẫn thua xa các thất bại của Xô-viết Nghệ-Tĩnh và Khởi nghĩa Nam Kỳ. Nếu đem so những lời tự phán ở trên với những lời tự nhận định, tự đánh giá (rút kinh nghiệm) sau thất bại của Xô-viết Nghệ-Tĩnh và Khởi nghĩa Nam Kỳ, thì có sự khác nhau khá rõ.
– Bài học các cụ để lại là hãy thừa nhận có nhiều cách yêu nước. Bài học đơn giản, dễ hiểu, nhưng không dễ học. Phe bạo lực coi thực dân là kẻ thù không đội trời chung, chỉ có thể đối xử duy nhất bằng bạo lực. Họ phải hoạt động bí mật, dễ bị khủng bố, do vậy rất dễ nảy ra tâm lý kỳ thị, tức giận phe ôn hòa, coi họ là nhu nhược, “cầu xin” kẻ thù, không triệt để cách mạng, mà còn dễ trở thành cộng tác với kẻ thù. Ngay khi chưa thành công, phe bạo lực đã nghi ngờ, rồi kỳ thị và căm ghét phe ôn hòa. Bởi vậy khi thành công họ cũng dùng bạo lực với với phe này. Dễ hiểu, con đường bạo lực thường cực đoan, kém khoan dung.
Chú thích.
– Khi có quyền viết Lịch Sử, các trí thức yêu nước thế hệ 3, 4 và 5 theo con đường bạo lực (của cụ PBC) chưa bao giờ nêu những gì mà cụ đã “tự phán”. Sách giáo khoa lại càng như vậy. Ngược lại, họ phê phán nặng nề chủ trương ôn hòa – kể cả trong hoàn cảnh “bạo động tắc tử”. Cụ Hà Huy Tập mạt sát nặng nề chủ nghĩa cải lương (đấu tranh ôn hòa, dẫn đến lẫn lộn bạn-thù). Thực ra, tháng 8-1945 Việt Minh giết hại các nhân vật Bùi Quang Chiêu, Dương Văn Giáo, Tạ Thu Thâu… mới là lẫn lộn bạn-thù; vì không thừa nhận cách đấu tranh (hợp pháp, ôn hòa) của các nhân vật này cũng là yêu nước. GS Trần Văn Giàu khi viết lịch sử còn chê bai cụ PBC (đại ý) “có lúc ngả sang chủ trương cải lương“… Còn đánh giá toàn bộ hoạt động của cụ Phan, vị GS này kết luận: thực chất là tư tưởng tư sản chứ không phải cái gì khác.
– Câu hỏi là tại sao không một ai thuộc phe chủ trương bạo lực dám nặng lời phê phán cụ Phan Chu Trinh (như cái cách cụ Hà Huy Tập phê phán cụ Nguyễn Ái Quốc)?.
Ít nhất vì hai điều: 1) Khi cụ Phan bắt đầu cuộc đời đấu tranh, kẻ thù đã tặng ngay cho Cụ bản án tử hình. Đố ai dám bào cụ không yêu nước. 2) Khi cụ mất, cả nước thương tiếc, với đám tang lớn chưa từng thấy. Do vậy, ai ngu gì mà dám nặng lời phê phán cụ? Oai như GS Trần Văn Giàu nhưng vẫn viết rất chừng mực về cụ. Nhưng sau này, những đồ đệ của cụ PCT thì không còn được phe bạo động kiêng nể gì nữa.
– Cũng dễ hiểu, khi các cụ Mác và Anghen đề xuất đường lối đấu tranh giai cấp, phe yêu nước bằng cách bạo động thấy ngay đây là vũ khi tư tưởng mà họ cần. Cuối đời, Mac và Anghen đã tự nhận nhiều sai lầm quá tả, nhưng các đồ đệ ở Việt Nam lờ tịt sự “tự phán” này. Cũng dễ hiểu như trên, lý luận bạo lực của cụ Lenin càng được họ hoan nghênh.
ĐỂ LẠI NHỮNG BÀI HỌC
Bài học lớn nhất?
Không thể tham vọng nêu hết các bài học người xưa để lại. Điều đó quá sức. Bài học chấp nhận có nhiều cách yêu nước đã nêu ở trên. Có lẽ bài học lớn nhất từ 150 năm nay vẫn là giải quyết câu hỏi về tương quan giữa Độc Lập và Canh Tân – như đã được đặt ta từ thời cụ Nguyễn Trưởng Tộ.
– Cuối thế kỷ 19, nền độc lập bị đe dọa. Như đã phân tích từ các bài trước, chỉ có canh tân mới giữ được độc lập, nhưng các điều kiện xã hội – để tiếp nhận và thực hiện canh tân – ở nước ta chưa có. Muộn mất rồi. Dẫu nước ta có cụ Fukuzawa Yukichi, cụ cũng bó tay. Muộn rồi. Việt Nam đành chung số phận với các nước châu Á khác: Đó là bị thôn tính. Tỷ lệ dân và đất đai ở châu Á thoát bị chiếm đóng chỉ là 5%. Đừng nên tỏ ra “tiếc đứt ruột” để quy kết toàn bộ tội lỗi cho triều Nguyễn.
– Sang thế kỷ 20, nước đã mất. Suốt 30 năm, mọi cuộc vũ trang giành lại độc lập đều thất bại. Cụ PBC tiếp tục theo đuổi bạo lực thêm 20 năm nữa, khiến bài học càng đắt giá. Chỉ còn cách canh tân, nhưng canh tân cũng phải khác hẳn trước. Canh tân để mưu đồ độc lập lúc này phải nhằm vào dân trí, dân khí, dân sinh…
Bài học lớn đã được của cụ PCT dạy: Dẫu giành được Độc lập nếu dân trí vẫn thấp hèn, dân khí vẫn nhu nhược, thì nguy cơ là giới cầm quyền sẽ thành ông chủ mới. Số phận người dân vẫn phụ thuộc vào thiện chí của giới cầm quyền.
Chú thích
– Hai khái niệm được cụ Phan Chu Trinh phân biệt: Thầy-Trò và Thầy-Tớ. Cụ nói: Nếu ta coi người Pháp là “thầy”, họ sẽ coi ta là “trò”. Thầy sẽ dạy, trò sẽ học để tiến ngang thầy – xứng đáng hưởng độc lập. Ngược lại, nếu có độc lập mà dân trí, dân khí không tương xứng để hưởng độc lập… thì nguy cơ là giới cầm quyền sẽ xưng “Thầy”, rồi không ngớt kể công với “Tớ”.
– Hai sự kiện. Năm 1945-1946 Hồ Chí Minh coi “dốt” là giặc, chủ trương diệt giặc dốt (trong 1-2 năm phải thanh toán nạn mù chữ cho toàn dân, Hoàng Xuân Hãn soạn chương trình mới “biết đọc, biết viết sau 30 ngày học tập”). Thư gửi học sinh cả nước có câu: Nước ta có sánh vai được với các cường quốc ở năm châu hay không, phần lớn là nhờ công học tập của các cháu”.
– Hai câu hỏi. a) Sau 70 năm, những người chứng kiến hai sự kiện trên đến nay đã chết… gần 100%. Dân trí Việt Nam hiện nay thế nào? b) Vì sao các quyền dân ghi trong Hiến Pháp hầu hết là “hư quyền” hoặc vẫn nằm trên giấy? Dân khí người Việt hiện nay thế nào?
– Sang thế kỷ 21. Liệu cách mạng Việt Nam có gì khác, ngoài 9 chữ “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” – khi người dân vẫn thờ ơ hoặc ấm ức với các quyền của mình chính thức ghi trong Hiến Pháp?.
Liệu đây có phải là bài học lớn nhất từ 150 năm trước để lại?.
Những bài học cụ thể
– Thứ nhất, khi độc lập đã mất
Bài học thời hai cụ Phan là… nếu chế độ chính trị của “bọn cướp nước” cũng chỉ ngang như chế độ của ta, ta phải chống lại, chống lại đến kỳ cùng; không những chống từ khi chưa mất nước mà cả khi đã mất nước. Đó là bài học từ thời Lê Lợi. Bởi lẽ, một chế độ của chúng chỉ ngang với chế độ của ta thì mục đích xâm chiếm chỉ là khai thác, đồng hóa, kể cả diệt chủng; mà không thể trông mong gì chuyện khai hóa, mở mang cho ta. Các cuộc chống Tống, Nguyên, Minh là vậy. Khi Pháp xâm lược, cụ Phan Chu Trinh thấy chế độ của Pháp tiến bộ hơn chế độ của ta, cụ chủ trương “ỷ Pháp cầu tiến bộ”. Còn cụ Phan Bội Châu gọi Pháp là “man di”, do vậy càng phải chống lại quyết liệt.
Chú thích
Bước vào thế kỷ 20, ngoài chế độ tư bản, còn xuất hiện chế độ XHCN. Thế giới chia thành 2 phe, phe này chê phe kia đủ điều. Nhưng thật sự phe nào tiến bộ hơn? Thực tế cho thấy, cần có thời gian chiêm nghiệm. Bởi vì, trái với lý thuyết ban đầu, khiến ta phân vân: phe XHCN sau 70 năm tồn tại đã sụp đổ. Liệu có phải chế độ này tiến bộ hơn chế độ tư bản?.
Dẫu sao, dường như bài học thời hai cụ Phan vẫn nguyên giá trị. Và cách xử sự theo bài học vẫn dẫn tới thành công. Vấn đề là đánh giá chế độ chính trị của nước xâm lược. Hai minh chứng:
1) Sau năm 1945, khi Pháp – và sau đó là Mỹ – đem quân vào nước ta, ta coi họ thuộc về chế độ “lỗi thời” và “lạc hậu” (gọi tắt là “lỗi lạc”), do vậy ta đã chống lại. Và thành công.
2) Năm 1979, Trung Quốc xâm lược ta, chế độ chính trị của họ tuy tiến bộ hơn chế độ tư bản, nhưng vẫn chẳng hơn gì ta – thế thì… ta phải chống lại. Và cũng đuổi được giặc.
Sau 1979, chế độ ưu việt của ta tiếp tục phát triển – đã trên 3 thập niên – đến nay xếp hạng nào?
– Ngày nay, sau trăm năm, chúng ta thừa “khôn hậu” để thấy rằng… ngay khi triều đình còn huy động được hàng vạn quân cho một trận đánh; vậy mà ta vẫn cứ thua, mặc dù trong mỗi trận số quân của địch chỉ bằng 1/5 hoặc 1/10 số quân ta. Ta thua cả khi phòng ngự lẫn khi tấn công.
– Trận giữ đồn Kỳ Hòa, ta cố thủ, có thành lũy che chắn mà thương vong vẫn gấp 10 lần quân địch. Còn tấn công? Trận đánh đồn Mang Cá, ta chết gấp trăm lần kẻ thù… Huống hồ các cuộc khởi nghĩa sau này: Tất cả sảy ra ở địa bàn nhỏ hẹp, lực lượng mỏng manh, vũ khi thô sơ, làm sao chống được kẻ địch khi chúng đã vững chân trên đất nước ta? Do vậy, lẽ ra phải từ bỏ con đường bạo động sau khi phong trào Cần Vương đã thất bại hắn.
Chú thích
– Khi thấy các cuộc khởi nghĩa đều thất bại, cụ Phan Bội Châu cũng tự rút ra nhiều bài học:
1) Phải lập hội (đảng) bí mật, phát triển lực lượng đủ mạnh mới khởi nghĩa (cụ lập 2 Hội, cố gắng phát triển nhiều cơ sở, gửi người ra nước ngoài học quân sự, tìm cách liên kết với cụ Đề Thám ở Yên Thế…);
2) Phải tuyên truyền rộng rãi chủ trương, đồng thời kích động lòng yêu nước và căm thù thực dân. Cụ viết hàng ngàn trang kêu gọi đầy nhiệt huyết, khích lệ lòng căm thù; nay đọc lại vẫn xúc động;
3) Phải có tầm nhìn rộng. Cụ có đọc Tân Thư, có ra nước ngoài – dù chỉ trong châu Á – tiếp xúc nhiều nhà cách mạng; do vậy có tầm nhìn rộng hơn các lãnh tụ khởi nghĩa. Dưới con mắt cụ, tình hình thế giới khi đó là “họa da trắng” mà nạn nhân là “da vàng”. Do vậy, cụ chủ trương cầu viện Nhật – là nước thoát họa xâm lăng, lại còn đánh thắng Nga (da trắng).
4) Chủ trương bạo động thất bại, có thời gian cụ bị giằng co giữa đấu tranh ôn hòa và bạo lực; nhưng đến cuối đời cụ cũng rút được bài học giá trị nhất cho chính mình.
– Cầu qua sông Hồng khánh thành năm 1902, mặc dù khởi nghĩa Yên Thế tới tận năm 1913 mới tắt hẳn. Cụ PBC lập Hội Duy Tân, chủ trương bạo lực. Có ý kiến nói: Cứ cho rằng đúng lúc Hội của cụ mạnh nhất, cả Hội mang cuốc thuổng, gậy gộc, gươm giáo, súng cá nhân… hè nhau đến phá cái cầu này suốt 24 giờ (không ai ngăn cản). Liệu có phá nổi?
– Thứ hai, chuyện Canh Tân mỗi thời mỗi khác…
Thời hai cụ Phan, canh tân khác với thời cụ Nguyễn Trường Tộ. Chẳng cần ai “điều trần”, “năn nỉ”, chính bộ máy cai trị của thực dân Pháp đã thực hiện nhiều và nhanh – gấp 5 hoặc gấp 10 – những gì cụ Nguyễn Trường Tộ mơ ước.
Điều đó nói lên: 1) giới thực dân không còn phải lo lắng gì về các cuộc chống đối của người Việt nữa. Phong trào Yên Thế chưa tắt hẳn, nhưng người Pháp vẫn làm lễ khánh thành Nhà Hát Lớn, cầu Doumer, trường Y-Dược Đông Dương, Nhà Đấu Xảo… 2) việc canh tân lúc này càng củng cố thêm chế độ thực dân.
– Trong hoàn cảnh này, các cụ Phan cũng có hai cách nhìn.
Phe bạo lực cho rằng không được để Pháp có thời gian và điều kiện củng cố chế độ cai trị. Do vậy, về tuyên truyền: Nhất thiết không thừa nhận bất cứ “công ơn” nào của thực dân; chúng làm gì cũng là “tội ác”. Nhưng về sau, khi thấy dân thật sự được hưởng những tiến bộ kinh tế và chính trị, các cụ chuyển sang nói: Chẳng qua, chúng mị dân, bằng thực hiện những tiến bộ “giỏ giọt”… Cứ xem các bài viết của cụ Phan Bội Châu và các cụ chủ chiến khác… đủ thấy.
Chú Thích
Trần Văn Giàu viết: “Hồi chiến tranh đang diễn ra ác liệt, để làm tiền, bòn lúa, bắt lính, bắt phu, viên toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut hứa hươu, hứa vượn, trong đó có hứa một Hiến pháp cho Đông Dương, lại có hình ảnh son phấn của một xứ “Đông Dương – nước Pháp Viễn Đông”. Bùi Quang Chiêu, Phạm Phú Khai, Nguyễn Phan Long… bám vào chữ Hiến pháp đó để lập ra Đảng lập hiến Đông Dương…”14.
Thực ra, toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut là hội viên của Hội Tam Điểm – một hội kết nạp những người thông thái, có tư tưởng bác ái, chủ trương tự do, bình đẳng cho mọi người. Nguyễn Ái Quốc, Phan Văn Trường cũng vào hội này.
Phe ôn hòa cho rằng cần chấm dứt bạo động, mà nên lợi dụng sự tiến bộ của chế độ chính trị bên nước Pháp (mà thực dân phải áp dụng ở thuộc địa) đấu tranh đòi họ thực hiện càng nhiều càng tốt cho dân ta. Cách này, đòi hỏi kiên nhẫn, rất lâu mới đem lại kết quả; do vậy ít được hưởng ứng, nhất là lúc ban đầu. Chính cụ Phan Chu Trinh đã tự nhận định như vậy.
Chú thích
Vài ví dụ các chính sách tiến bộ về báo chí chính phủ Pháp áp dụng cho Đông Dương; mà bộ máy cai trị ở đây phái thi hành (tất nhiên, nếu bất lợi thì thực dân sẽ chần chừ hoặc không thực hiện, trừ khi có sự đấu tranh mạnh trên cơ sở dân trí được nâng lên và dân khí bớt nhu nhược). Nói khác: Có cơ sở để dựa vào mà đấu tranh.
Sắc lệnh ký ngày 25-5-1881 của Tổng thống Pháp G. Grêvilơ, ghi rõ: Người Việt Nam ở Nam Kỳ được hưởng mọi quyền công dân như người Pháp trên đất Pháp. Luật về tự do báo chí của Quốc hội Pháp (thông qua ngày 29-9-1881), cũng được ban hành cho Nam Kỳ theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 12-9-1881. Sau đó, Bắc Kỳ cũng được hưởng nhiều quyền tự do báo chí. Năm 1909 Nguyễn Văn Vĩnh ra báo Đông Cổ (yêu nước). Năm 1936, đảng CS ấn hành công khai nhiều tờ báo cách mạng…
MỘT SỨ MỆNH TRAO LẠI
Sách, bài viết để lại của hai cụ Phan là hàng ngàn trang.
Dưới đây, tạm kê ra một số di sản.
Tác phẩm của cụ Phan Bội Châu | Tác phẩm của cụ PCT |
Việt Nam Quốc sử khảo
Ngục Trung Thư Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư Việt Nam vong quốc sử Việt Nam Quốc sử bình diễn ca Cao Đẳng Quốc Dân Di Cảo Chủng diêt dự ngôn Tân Việt Nam Thiên Hồ Đế Hồ Khuyến quốc dân du học ca Hải ngoại huyết thư Dĩ cửu niên lai sở trì chủ nghĩa (Tạm kê ra như trên) |
Đầu Pháp chính phủ thư (1906)
Hợp quần doanh sinh thuyết quốc am tự (1907) Tỉnh quốc hồn ca I & II (1907) Trưng nữ Vương (tuồng) soạn chung với Hùynh thúc Kháng, Phan thúc Duyện (1910) Trung kỳ dân biến thỉ mạt kư (1911) Giai nhân kỳ ngộ (1913-1915) Tây Hồ và Santé thi tập ! (1914-1915) Khải Định Hoàng Đế thư (1922) Bức thư trả lời cho người học trò tên Đông (1925) Đông Dương Chính trị luận (1925) (Tạm kê ra như trên) |
Các cụ viết toàn bằng chữ Hán
Thời nay, tên tác phẩm đã chuyển thành chữ quốc ngữ, ai cũng đọc được. Cụ thể là ai cũng đọc được, đọc thật to, tên các tác phẩm được kê ra (chưa đủ) ở bảng trên. Nhưng đọc lên (xướng âm) là một chuyện, còn hiểu lại là chuyện khác. Ví dụ, thời nay liệu có bao nhiêu vị cử nhân hiểu nghĩa cái tên tác phẩm Thiên Hồ, Đế Hồ của cụ Phan Bội Châu?. Huống hồ đầu thế kỷ 20 (cách nay trăm năm) tới 95 hoặc 99% dân ta mù chữ – cả chữ Hán và Quốc ngữ.
Cuối đời, bị giam giữ 15 năm, cụ Phan Bội Châu mới hì hục dịch một tác phẩm của mình sang chữ nôm, mà lại dùng thể thơ song thất lục bát. Tại sao cụ lại làm cái việc hơi bị trái ngược (dịch văn suôi sang thơ) này? Té ra, vẫn rất ít (và ngày càng ít) người dân biết chữ nôm, mà ngay chữ quốc ngữ cũng tới 95% dân ta bị “mù”. Cụ hy vọng, thể hiện tác phẩm của mình bằng thơ, mọi người sẽ dễ nhớ, dễ thuộc.
Một sứ mệnh lịch sử trao lại: Phổ biến chữ quốc ngữ
Gọi là sứ mệnh lịch sử thì không phải các bậc tiền bối (đã mất) vỗ vai thế hệ sau (còn sống), dặn dò, chỉ bảo… Mà thế hệ sau có nghĩa vụ tìm hiểu, thực hiện nếu muốn xứng đáng kế tục con đường yêu nước của thế hệ trước.
Dù đấu tranh bạo động hay ôn hòa, đều phải kêu gọi dân hưởng ứng. Vậy, sứ mệnh đầu tiên, số 1 và cấp thiết mà cả hai cụ Phan thống nhất trao lại: Chính là phổ biến chữ quốc ngữ – thứ chữ dễ học gấp trăm học chữ nho. Tiếp đó là nâng cao cách diễn ngôn… để mọi người thấy thứ chữ này cũng vạn năng, đáng yêu, đáng sử dụng.
Nhóm kế tục tiêu biểu nhất
Đó là bộ ngũ: Vĩnh-Quỳnh-Tốn-Tố-Khôi. Họ xứng đáng tiêu biểu, đại diện cả một thế hệ trí thức, vì họ có công nhất. Họ thuộc phái ôn hòa. Khi họ bước vào đời, chế độ thực dân đã vững chân ở Đông Dương, chuyện cộng tác với giới cầm quyền là không tránh khỏi, miễn là không cộng tác trên các lĩnh vực phương hại đến lợi ích lâu dài của dân tộc.
Họ thuộc thế hệ 3; tiếp tục con đường yêu nước cách ôn hòa. Như đã nói, những trí thức (cũng yêu nước) – nhưng theo con đường bạo lực – không ưa họ. Tuy nhiên, sự nghiệp của thế hệ này thật là đồ sộ, lớn lao. Cứ so sánh văn phong của hai cụ Phan (không viết báo) với văn phong quốc ngữ ở báo chí trước 1945; đủ rõ. Muốn đánh giá họ một cách công bằng, cứ tìm hiểu và phân tích những gì cho chính họ đã viết ra.
Nhãn quan thế hệ 6
Lợi thế của thế hệ này (nếu không bị nhét vào đầu xu thế ủng hộ chủ trương bạo động) thoát khỏi cái vòng kim cô của những thành kiến chính trị. Như mọi cuộc thám hiểm địa lý, họ chỉ duy nhất dựa vào văn bản, câu chữ.
Tạm đưa ra một bài của trí thức thế hệ 6: Ảo tưởng Phạm Quỳnh
Xin nhớ: Bài này, cũng như mọi bài khác, kể cả bài của Marx, Berstein… hay bất cứ ai, đều có thể thảo luận – chỉ dựa vào nội dung, câu chữ và hoàn cảnh ra đời.
ĐỂ LẠI NỖI TRĂN TRỞ
Cuối đời, cụ Phan Chu Trinh không có gì phải áy náy về con đường đã chọn. Nếu tiếc, có lẽ cụ chỉ tiếc rằng không thọ thêm để đi xa hơn, nhanh hơn trên con đường này. Nhiều người thời nay cũng tiếc như vậy. Nếu cụ cũng thọ như cụ Phan Bội Châu, có lẽ Hiến Pháp nước ta không ghi cái câu:
Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật (Điều 50; Hiến pháp 1992)
Ô hô! Quốc hội nước XHCN vẫn lẫn lộn quyền con người với quyền công dân! Phải 21 năm sau (sang thế kỷ 21) mới phân biệt được ở Hiến Pháp 2013.
Còn cụ Phan Bội Châu thì khác
Sau những thất bại đau thương do bạo động, cụ tự phán:
“Than ôi! Việc đời quá chừng trắc trở, cơ trời quá khó đo lường, hy sinh oan đồng bào mà không có kết quả gì, thiệt là đại tội cực ác của tôi, mà tôi phải thiên vàn thừa nhận.
“Vứt đầu sọ chí sĩ, hao huyết tủy nghĩa dân không biết bao nhiêu, mà những điều sở kỷ chẳng mảy may gì như ý! Nếu bảo tôi Nam hồi lần này chỉ có tội nặng mà không công gì, tôi cũng hết lời chối cãi!
“Mục đích của tôi là thừa cơ hội đảng cách mạng Tàu thành công, mượn tay người Tàu xoay chuyển một cuộc mới khác. Tuy nhiên sau việc mà nghĩ lại thì kế họach này cũng ngông quá. Vì ở trong không có một tổ chức thực lực gì, chỉ trông chờ ngọai lực, điều gì cũng cậy vào lưng người. Xưa nay Đông Tây các nước, không một đảng cách mạng nào chỉ là đoàn ăn mày các nước mà làm nên công được.” (Tự Phán).
Đối với người bạn chiến đấu, cụ viết (khi được tin bạn mất):
“Than ôi! Ông có thứ cho tôi chăng?
Lúc ông [từ Nhật Bản] về nước [1906], tôi tiễn chân ông đến Hương Cảng, ông cầm tay tôi dặn mấy lời sau hết: ‘Từ thế kỉ 19 về sau, các nước tranh nhau ngày càng dữ dội, cái tính mạng một nước, gửi trong tay một số người đông, chứ không thấy nước nào không có dân quyền mà khỏi mất nước bao giờ. Thế mà nay Bác lại còn dựng cờ quân chủ lên hay sao?’ Ông nói thế, lúc bấy giờ tôi chưa có câu gì đáp lại, nay đã hơn 20 năm rồi, lời ôn càng lâu, càng nghiệm.
Tôi mới biết cái óc suy nghĩ cùng cái mắt xem xét của tôi thiệt không bằng ông!
Phỏng ngày nay ông còn sống thì cầm cờ hướng đạo cho chúng ta, hẳn phải nhờ tay ông mới được.
Than ôi! Ngày nay những kẻ cúng vái ông, kính mến ông, có phải là chỉ ngắm tượng ông, đọc văn ông góp nhặt năm ba câu làm bộ ái quốc, ái quần đầu miệng mà thôi ư? Phải biết rằng ông Hi Mã mà được danh tiếng lưu truyền với sử xanh là vì ông có chủ trương thiệt, tinh thần thiệt”.