Luận về hoàng đế Ung Chính
Hoàng đế Ung Chính (1678 – 1735) Trích từ sách : Luận anh hùng Tác giả : Dịch Trung Thiên Dịch : Vũ Ngọc Quỳnh Cha con như vậy Vào giờ Tý ngày hai mươi ba tháng tám (năm 1735), năm Ung Chính thứ tám, Đại Thanh Thế Tông tiên hoàng đế Ái Tân Giác La Dận ...
Trích từ sách : Luận anh hùng
Tác giả : Dịch Trung Thiên
Dịch : Vũ Ngọc Quỳnh
Cha con như vậy
Vào giờ Tý ngày hai mươi ba tháng tám (năm 1735), năm Ung Chính thứ tám, Đại Thanh Thế Tông tiên hoàng đế Ái Tân Giác La Dận Chân, chúng ta quen gọi là hoàng đế Ung Chính đã qua đời hết sức thần bí tại vườn Viên Minh, Bắc Kinh lúc năm mươi tám tuổi.
Ung Chính chết thật đáng ngờ, vì trước đó không có bất cứ một dấu hiệu nào. Theo “Thế Tông thực lục” và bản ghi chép năm tháng của cận thần Trương Đình Ngọc, vào ngày hai mươi, Ung Chính “thỉnh thoảng bất an” nhưng “vẫn nghe chính như thường”. Ngày mười tám, ngày hai mươi, xử lý việc lớn quân cơ trọng yếu, ngày hai mươi mốt làm việc bình thường. Nhưng, vào lúc canh khuya ngày hai mươi hai, đột nhiên sai triệu kiến hoàng tử Hoằng Lịch (tức Càn Long), Hoằng Trú, hoàng đệ Doãn Lục, Doãn Lễ, cận thần Ngạc Nhĩ Thái, Trương Đình Ngọc… lúc này Ung Chính đã không nói được nửa. Sau một vài giờ tiếp theo, người đã mất không kịp cho ai biết mật chỉ truyền vị cất ở đâu(1), chẳng trách Trương Đình Ngọc tỏ ra “kinh hãi muốn chết”.
Nơi cung đình thời cổ Trung Quốc đầy những bí mật không thể tiết lộ, ánh nến tiếng rìu(2), sự đời bao phức tạp. Những người tận mắt nhìn thấy đã thành thiên cổ từ lâu, những gì liên quan đến chứng cứ cũng bị tiêu huỷ từ lâu, còn lại vài ba manh mối dấu tích có thể khảo chứng: 1. Trước đó, Ung Chính không có bệnh gì nặng; 2. Ung Chính chết đột ngột; 3. Trước lúc chết, Ung Chính tự thấy nguy hiểm đang rình rập. Nếu như chết vì bệnh cấp tính thì đó là bệnh gì? Vì sao các sách sử không nói, dù chỉ là một chữ, về căn nguyên bệnh, tình trạng bệnh, tên của bệnh? Trương Đình Ngọc “kinh hãi muốn chết”, kinh hãi vì Ung Chính chết đột ngột, ngoài cái đó, liệu còn gì cảm thấy khó nói nữa?
Xem ra, Ung Chính chết có phần không rõ ràng.
Ung Chính chết đột ngột, sử sách chính thống không truy tìm nguyên nhân, hình như muốn che giấu điều gì, khiến mọi người sinh nghi, đoán này đoán nọ. Các nhà sử học suy đoán có phần khách quan, có phần đáng tin như Trịnh Thiên Đỉnh cho là trúng phong, Phùng Nhĩ Khang cho là trúng độc (uống đan dược). Cách nói trong dân gian, các nhà tiểu thuyết có phần khó hiểu, thậm chí là nguỵ tạo. Và khác hẳn là tác giả Nhị Nguyệt Hà trong tác phẩm “Hoàng đế Ung Chính”, ông nói có thể vì tuẫn tình, có thể vì loạn luân mà tự sát, rõ ràng, đây là sự biên tạo sai lầm vô căn cứ(3). Bộ phim truyền hình dài tập “Ung Chính vương triều”, với lời lẽ hàm hồ, ám chỉ Ung Chính mệt mỏi quá sức mà chết, nghe qua cũng có lý, nhưng mệt mỏi quá sức không thể là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết. Dân gian gần như không mấy thiện cảm với vị hoàng đế này, luôn nói là “chết không được yên” như muốn khẳng định có kẻ thù đã giết chết Ung Chính. Cách nói này được nhiều người hưởng ứng, được lan truyền và càng lan truyền càng thần bí, rằng vào năm 1981, lúc khai quật địa cung của Ung Chính, phát hiện thấy người nằm trong quan tài đã mất đầu. Kẻ thù giết người, cắt thủ cấp mang theo, chuyện này từ xưa đã có. Vào thời Đường, đô đốc Kiềm Châu là Tạ Hữu, theo ý Võ Tắc Thiên đã bức chết Linh Lăng vương Lý Minh, về sau, Tạ Hữu bị kẻ thù ám sát, cắt thủ cấp mang theo, và thủ cấp đó được làm thành chiếc bô đái của con Lý Minh là Lý Tuấn. Nhưng trên thi thể Ung Chính có thủ cấp hay không thì không ai biết. Vì lần khai quật khảo cổ này không được tiếp tục tiến hành, nên không có ai mở quan tài của Ung Chính, vậy thì làm gì có chuyện “có thân không có đầu”? Có thể thấy câu chuyện thật vô căn cứ.
Nhưng thích khách lại có tên có họ rõ ràng. Truyền thuyết nói thích khách là Lã Tứ Nương. Nghe nói, Lã Tứ Nương là con gái Lâ Lưu Lương, lại có người nói là cháu gái của Lã Lưu Lương. Lúc Lã gia gặp nạn, cô ta may mắn thoát nạn và được một cao thủ võ lâm thu nhận. Vị đại hiệp này là một hoà thượng, vốn là kiếm khách của Ung Chính, được biết Ung Chính không hài lòng với mình nên hoà thượng đã dạy cho Lã Tứ Nương mấy chiêu kiếm thần bí, giúp cô ta thâm nhập vào cung trả thù nhà.
Vẫn là một câu chuyện hoang đường. Nhưng từng có một người là Lã Lưu Lương, là nhân vật chủ yếu trong một án quan trọng dưới thời Ung Chính. Nói về vụ án này thì hơi dài. Vào tháng chín (năm 1728) năm Ung Chính thứ sáu, bỗng dưng có tên đưa thư người Hồ Nam, bước vào nha môn tổng đốc Xuyên Thiểm, Lã Chung Kỳ. Người này là Trương Hy, là học trò của tú tài Tằng Tĩnh, Hồ Nam, thư do Tằng Tĩnh viết. Nội dung rất đơn giản, muốn Nhạc Chung Kỳ mưu phản. Lý do rất dễ hiểu, vì Nhạc Chung Kỳ là cháu chắt của Nhạc Phi(4), người Thanh là con cháu của người Kim, làm gì có chuyện con cháu Nhạc Phi không chống lại người Kim, làm gì có chuyện con cháu Nhạc Phi không chống lại người Kim còn giúp người Kim cầm quân đánh giặc? Đương nhiên, phải lợi dụng lúc trong tay có binh quyền, để phản Thanh phục Minh, báo thù cho người Hán, rửa hận cho tổ tiên.
Nhạc Chung Kỳ nhận thư và không dám giấu, vội vàng tấu trình lên Ung Chính. Một tổng đốc dám làm phản, muốn lật đổ Đại Thanh là việc cực kỳ nghiêm trọng! Việc thẩm lý vụ án đã nhanh chóng có kết quả: Trương Hỵ chịu sự chỉ đạo của Tằng Tĩnh, còn Tằng Tĩnh lại chịu ảnh hưởng của Lã Lưu Lương. Lã Lưu Lương người Thạch Môn, Chiết Giang, khi đó tiếng tăm rất lớn, mọi người tôn xưng là “Đông Hải phu tử”. Tư tưởng chủ yếu của Lã Lưu Lương là “Hoa Di chia cắt, là nghĩa của quân thần”, cũng tức là lập trường dân tộc cao hơn lập trường giai cấp. Theo lập trường giai cấp, hoặc nói, theo luân lý cương thường, thần dân phải trung với vua, sĩ nhân phải đứng về phía chính quyền hiện tại. Nhưng Lã Lưu Lương lại cho rằng, nếu là vua “khác loài”, nếu là chính quyền “Di Địch” thì không chỉ không trung mà còn phải phản. Trong điều kiện lịch sử lúc đó, tư tưởng của Lã Lưu Lương được coi là một phát minh lớn, về mặt đạo đức đã giúp giải quyết mâu thuẫn giữa “trung quân” và “phản Thanh”; tư tưởng đó làm bao nhiêu trí thức đương thời phải “say mê”, làm cho chính quyền Đại Thanh cảm thấy bị uy hiếp. Vì vậy, Ung Chính phán xử rất nặng đối với Lã Lưu Lương; Lã Lưu Lương và con là Lã Bảo Trung, môn sinh Nghiêm Hồng Quỳ đều bị mở quan tài băm xác, cắt đầu thị chúng; con thứ là Lã Nghị Trung, môn sinh Thẩm Tại Khoan lập tức bị chém đầu, tịch thu gia sản; con cháu Lã thị bị đầy ra Ninh cổ Tháp, vĩnh viễn làm nô lệ; trước tác của Lã Lưu Lương, bị đại học sĩ viết bài phê phán khắp đất nước.
Tằng Tĩnh và Trương Hỵ lại nhận sự ưu đãi lớn. Hai người không những không bị chém đầu, ngược lại còn được mặc áo quan, nghênh ngang trên lưng ngựa đi rao giảng khắp cả nước. Vì họ đã “ăn năn hối hận”, đã thoát thai thay xương đổi cốt, biến thành người mới. Tằng Tĩnh từng viết “Tri tân lục”, công kích Ung Chính với mười tội lớn, mưu cha, bức mẹ, giết anh, giết em, tham tài, thích giết, nát rượu, dâm sắc, lạm sát người trung, tuỳ tiện bùa bãi. Lúc này, Tằng Tĩnh lại viết “Quỵ nhân thuyết” kể lại quá trình cải tạo tư tưởng, tự kiểm điểm phê phán, ca tụng ân đức của thánh triều. Ung Chính cho lấy “Quy nhân thuyết” và án trình, khẩu cung của vụ án cùng thượng dụ của mình biên tập thành “Đại nghĩa giác mê lục” gồm bốn quyển mười hai vạn chữ rồi in và ban bố cả nước, tổ chức học tập thảo luận. Tằng Tĩnh và Trương Hy trở thành giảng giải viên tốt nhất.
Qua việc xử trị vụ này, Ung Chính lấy làm đắc chí. Tù lâu Ung Chính đã nói với các sủng thần Ngạc Nhĩ Thái và Điền Văn kính: “Gặp phải quái vật, không thể không có những xử lý đặc biệt”. Đương nhiên cách “xử lý” của Ung Chính là “quá đặc biệt”! Một hoàng đế đang tại vị, tất nhiên phải mượn cớ “cải tạo” tốt “phản tặc” để biện giải cho chính quyền của mình, đúng là chuyện thần kỳ chưa từng thấy trong thiên hạ!
Xem ra, Ung Chính cũng có những nỗi khổ riêng của mình,
Đúng là Ung Chính có tâm bệnh, một trong số đó là ngôi vị có phần không rõ ràng.
Ngày mười ba tháng mười một (năm 1722), Khang Hy năm thứ sáu mươi mốt, một đời hùng chủ Khang Hy đại đế bị bệnh và tạ thế ở vườn Sướng Xuân. Người để lại cả một giang sơn bao la và cũng để lại một vấn đề lớn lao: “Ai là người kế thừa? Lúc còn sống, Người chưa hề nói cho rõ ràng, chỉ nói với các đại thần: “Sau khi trẫm muôn tuổi rồi, tất phải chọn một người vững vàng, đáng tin cậy cầm trịch cho các ngươi, tất phải khiến cho các ngươi dốc lòng tin phục, nhất định không đến nỗi gây luỵ cho chư thần các ngươi”. Từ đó, các đại thần luôn phải suy đoán, nhưng ít ai ngờ, người kiên định có thể gửi gắm lại là tứ a ca Ung thân vương Dận Chân(5).
Người có thể kế thừa vương vị vốn rất nhiều.
Theo quan niệm đông con nhiều phúc, thì phúc khí của Khang Hy quả không nhỏ. Trước sau, Khang Hy có cả thảy ba mươi lăm người con. Trừ đi mười một đứa chết yểu khi chưa mọc răng, bốn đứa chết ỵểu nửa chùng, cũng còn đến hai mươi người. Trong đó, người lớn nhất là Doãn Chi (ý là an, phúc, hỷ) năm mươi mốt tuổi, sinh năm Khang Hy thứ mười một; nhỏ nhất là Doãn Bí (ý là thần bí, uyên thâm) bảy tuổi, sinh năm Khang Hy thứ năm mươi lăm. Vào những năm cuối thời Khang Hy, ngoài thái tử Nhị a ca Doãn Nhưng (ý là phúc) còn có ba thân vương: Thành Thân vương Tam a ca Doãn Chỉ (ý là phúc, hỷ, tích phúc), Ưng Thân vương Tứ a ca Dận Chân (ý là chân thành hoặc thần để có phúc hựu), Hằng Thân vương Ngũ a ca Doãn Kỳ (ý là may mắn, yên vui). Ba quận vương: Trực Quận vương Đại a ca Doãn Chi, Thuần Quận vương Thất a ca Doãn Hựu (ý là thần linh bảo hộ), Đội Quận vương Thập a ca Doãn Nga (ý là tế tự). Ngoài ra Bát a ca Doãn Tự tuy là Bối lặc, nhưng năng lực mạnh, uy vọng cao, được nhiều người trong triều ủng hộ, Thập tứ a ca Doãn Đề (ý là phúc) tuy là Bối tử nhưng đang cầm quân ở bên ngoài, mang hàm “Đại Tướng quân vương”, uy phong cũng không nhỏ. Những người này đều có tư cách kế thừa đại thống, Dận Chân chưa phải là người kế nhiệm ngôi vị hoàng đế duy nhất.
Người kế nhiệm ngôi vị hoàng đế vốn là Doãn Nhưng. Doãn Nhưng là con của Hiếu Thành Nhân hoàng hậu họ Hách Xá Lị, và cũng là đích tử duy nhất của hoàng đế Khang Hy. Hoàng hậu sinh hạ Doãn Nhưng xong liền qua đời. Theo lệ truyền thống của vương triều tộc Hán, Doãn Nhưng được lập là thái tử năm lên hai tuổi, tức là Khang Hy năm thứ mười bốn (năm 1675) và lần đầu bị phế là vào năm Khang Hy thứ bốn mươi bảy (năm 1708), là thái tử đúng ba mươi ba năm. Đã có một số vấn đề trong thời gian đó: 1. Tính cách Doãn Nhưng trở nên ngang bướng, tàn nhẫn, tham lam, kiêu kỳ dâm dật, tàn bạo bất nhân. 2: Là thái tử chẳng ra gì, tỏ ra thiếu kiên nhẫn, Khang Hy cảm thấy bị uy hiếp. Khang Hy nói: “Trẫm không ngờ nay gặp chim độc, ngày mai gặp nạn, ngày đêm lo ngại không yên”. Mùa hạ năm thứ bốn mươi bảy (năm 1708), Khang Hy tuần thú biên ải, phát hiện thấy đêm nào Doãn Nhưng cũng quanh quẩn bên ngoài doanh trướng của mình, như muốn giám sát động tĩnh của phụ hoàng,
Khang Hy thấy rất khó chịu, liền ra lệnh bắt Doãn Nhưng và tuyên bố phế truất ngôi vị thái tử.
Ngôi vị thái tử bị khuyết, một số hoàng tử thấy mình có tư cách kế vị đã ngóng chờ đỏ cả mắt. Trong số đó, Đại a ca Doãn Chi là người sốt ruột nhất, chờ đợi nhất. Theo Doãn Chi, đích tử bị phế, phải đến lượt trương tử. Vì vậy, Doãn Chi hận mình không thể đẩy nhanh thái tử vào chỗ chết. Doãn Nhưng bị phế, Khang Hy giao cho Doãn Chi coi giữ. Doãn Nhưng bị quản rất chặt. Doãn Nhưng nói: “Phụ hoàng nói ta có nhiều việc sai lầm, việc nào cũng đúng. Riêng việc phản nghịch ta không có lòng dạ đó, mong thay ta tấu lại rõ ràng”. Doãn Chi cự tuyệt thẳng thừng, nói phụ hoàng đã có chỉ, lời nói của ngươi không cần phải tấu lên! Như vậy là không nghĩ gì đến tình huynh đệ, ngay như người luôn phản đối thái tử là Cửu a ca Doãn Đường (ý là phúc hựu) cũng thấy chẳng ra gì, Dận Chân thì quả quyết: “Huynh không tấu thì đệ tấu! Sự tình quan trọng nhường ấy, không thể thấy chết mà không cứu!”. Lúc này Doãn Chi đành phải dâng tấu. Nhưng trong con mắt các huynh đệ, Doãn Chi đã thành kẻ tiểu nhân vô tình vô nghĩa.
Tiểu nhân thì không bao giờ nhận biết được năng lực của mình. Khang Hy vốn đã xem thường Doãn Chi. Doãn Chi ngộ nhận, tương Khang Hy không giết Doãn Nhưng là do không nỡ, nên đã chạy tới cầu xin, nói, nếu phụ hoàng thấy không tiện, nhi thần xin được làm thay. Vở diễn đã lòi đuôi, Khang Hy thấy phẫn nộ và căm ghét, vừa hận hắn cốt nhục tương tàn, không còn lòng nhân ái; vừa buồn cười vì hắn ra vẻ thông minh, đã lấy bụng tiểu nhân đo lòng quân vương. Vừa khéo, ngài lại vừa phát hiện một âm mưu khác: Để có thể lật đổ thái tử, Doãn Chi đã móc nối với một người Mông Cổ hành nghề ma thuật có tên Ba Hán Cách Long, làm phép yểm bùa, rủa chết thái tử chẳng trách thái tử lại ngang ngược như vậy. Khang Hy liền hạ lệnh cách tước và bắt giam Doãn Chi, gọi Chi là “loạn thần tặc tử”, nói hắn là “huỷ hoại quốc pháp, thực không thể dung”. Chỉ những kẻ hết tình mới chửi rủa anh em, chỉ những kẻ bất hiếu mới để phụ hoàng mang tội giết con. Doãn Chi làm loạn quốc pháp là bất trung, tàn sát cốt nhục là bất nhân. Doãn Chi đã tự vác đá đập vào chân mình, không được làm thái tử lại làm tội đồ.
Khang Hy vội vàng phế truất thái tử, ngoài tình thế buộc phải thế, còn có ý giết gà doạ khỉ. Nào ngờ gà đã giết, còn khỉ đã leo cao hơn. Bản thân Doãn Nhưng tà ý vẫn chưa chết, dã tâm các hoàng tử khác cũng ngày một dâng cao. Điều đó làm Khang Hy hết sức đau lòng. Khang Hy vốn rất hãnh diện về những đứa con của mình. Khang Hy xem thường các hoàng tử triều Minh, cho rằng bọn chúng chỉ biết ngồi mát ăn bát vàng, không có năng lực, ngu xuẩn hệt như lợn, chẳng trách triều Minh đã bị diệt vong. Và ngược lại với các quỵ định ở triều Minh là không cho các hoàng tử can dự chính sự, Khang Hy đã phóng tay để các hoàng tử trưởng thành tham dự triều chính, xử lý chính sự, thậm chí là cầm quân đánh giặc. Kết quả, đứa con nào của Khang Hy cũng tinh anh giỏi giang, biểu hiện là nhân tài, nếu không thống soái được toàn cục thì ít ra cũng có thể lo liệu được từng mặt. Đương nhiên, người có đầu óc nghĩ nghìn cũng có thể sẽ mất một. Khang Hy chỉ nghĩ các hoàng từ từng trải có tài, có thể đảm bảo cho giang sơn vương triều Đại Thanh tồn tại mãi mãi, nhưng không nghĩ phần lớn những người tài luôn có dã tâm, ai cũng có năng lực thì khó có chuyện nhường nhau. Xem ra con quá ít, quá xuẩn cũng không được, nhưng nếu vừa nhiều vừa tài cũng thêm phiền phức. Đúng như các bậc tiên hiền từng nói: “Trong phúc có hoạ, trong hoạ có phúc”. Việc xấu có thể biến thành việc tốt, việc tốt cũng có thể biến thành việc xấu.
Vì thế, Khang Hy phải sử dụng một số biện pháp mạnh. Trước hết có lời cảnh cáo: “Trong các a ca, nếu ai có mưu đồ hòng làm hoàng thái tử, người đó sẽ là quốc tặc, pháp luật không dung”. Như vậy, rất có thể trong một thời gian ngắn sẽ phải giam cầm mấy hoàng tử lớn tuổi âm mưu nghi kỵ hoặc có tư cách kế thừa như Tam a ca Doãn Chỉ, Tứ a ca Dận Chân, Ngũ a ca Doãn Kỳ, Bát a ca Doãn Tự, Thập tam a ca Doãn Tường cũng bị nhốt từ lâu. Về sau, Khang Hy trả lại ngôi vị cho thái tử bị phế, coi đó là thủ đoạn hòng dẹp yên sự tranh giành ngôi vị giữa các a ca. Nhưng tất cả biện pháp đó đều vô dụng. Thái tử bị phế chưa tiếp thu được bài học nào, không chỉ không hề hối cải mà còn ghê gớm hơn, càng bạo ngược vô đạo, xa xỉ hết mức, cuối cùng phục chức được ba năm đã lại bị phế. Các hoàng tử khác cũng không biết sợ, số người tham gia vào cuộc tranh giành ngôi vị càng thêm đông, như Doãn Đường, Doãn Nga, Doãn Đề… Tất cả đều đã nổi lên mặt nước. Bọn họ, hoặc đơn thương độc mã, hoặc kết bè kết đảng, hoặc tạo dựng dư luận, hoặc thám thính cơ mật, hoặc thiết kế mật thất, tóm lại họ đang xét đoán phương hướng, mong thực hiện được. Trong số đó, được chú ý nhất là Bát a ca Doãn Tự.
Sách lược đấu tranh của Doãn Tự là mua chuộc lòng người.
Doãn Tự xếp hàng thứ tám trong các hoàng tử, là Bối lặc, tước vị tương đối cao. Theo chế độ nhà Thanh, phong tước cho hoàng tử, hoàng tôn có bốn cấp: Thân vương, Quận vương, Bối lặc, Bối tử. Bối lặc là cấp thứ ba, xếp hàng trước Doãn Tự có Tam a ca Doãn Chỉ, Tứ a ca Dận Chân, Ngũ a ca Doãn Kỳ đều được phong là Thân vương. Lục a ca Doãn Tộ qua đời năm Khang Hy thứ hai mươi tư, Thất a ca Doãn Hựu lại được phong là Quận vương. Ngay cả Thập a ca Doãn Nga xếp ở hàng sau cũng được phong là Quận vương, vì sinh mẫu của Doãn Nga là quý phi. Chế độ trong nội cung triều Thanh, dưới hoàng hậu có bảy cấp: Hoàng quý phi, quý phi, phi, tần, quý nhân, đáp ứng, thường tại. Sở dĩ Doãn Nga được phong vương, vì cấp bậc của sinh mẫu rất cao, chỉ ở dưới sinh mẫu của Doãn Nhưng (là hoàng hậu) và sinh mẫu Doãn Tường (là hoàng quý phi). Sinh mẫu Doãn Tự là tiện nhân ở “phòng giặt đồ”, chuyên môn làm những việc ti tiện như thu gom áo quần trong gia đình phạm nhân trọng tội. Quý trưởng tiện ấu (quý con lớn, xem thường con bé) đều là lễ pháp; nhờ mẹ, con được xem trọng cũng là quy chế. Nên Doãn Tự chẳng thể nói được gì. Vả lại lúc này cũng chấm dứt chế độ phong tước cho hoàng tử còn nhỏ tuổi. Doãn Tự kém Doãn Nhưng một tuổi, nên tâm lý Doãn Tự có phần mất cân bằng.
“Xuất thân không tốt” là áp lực với Doãn Tự, nhưng đồng thời cũng là động lực giúp Doãn Tự phấn đấu vươn lên. Doãn Tự, nhân phẩm hơn người, học thức phi phàm, dáng dấp đoan trang, phong độ nho nhã, hoàn toàn không xấu tính xấu nết như Giả Hoàn trong “Hồng lâu mộng”, Khang Hy có thiện cảm với Doãn Tự, nên năm mười tám tuổi Doãn Tự được phong là Bối lặc, là một trong số các huynh đệ ít tuổi được phong. Doãn Tự nhân ái lịch thiệp, chan hoà lễ phép với mọi người, thành tâm kết giao với sĩ nhân. Vì vậy, các đại thần trong triều hết lời tán thưởng, “đúng là người hiếu học, đúng là vương tử giỏi”. Ngay như người anh của Khang Hy là Dụ Thân vương Phúc Kim cũng nói trước mặt Khang Hy, “có tài có đức”, “tâm tính tốt”; đối với Doãn Tự, đúng là việc có phần chủ động có phần bị động. Nói chủ động, vì Doãn Tự biết “được lòng người là được thiên hạ”, muốn giành giật ngôi vị, phải có được lòng người. Nói bị động, vốn liếng Doãn Tự dùng để tranh giành với các hoàng tử khác không nhiều, nhân duyên là thứ duy nhất.
Nhưng nhân duyên may mắn đó lại làm hại Doãn Tự.
Sau khi phế truất thái tử vào ngày mùng bốn tháng chín năm thứ bốn mươi bảy, đột nhiên vào tháng mười một, Khang Hy hạ lệnh để các đại thần Mãn Hán trong triều tiến cử thái tử, lệnh nói rõ, trừ Đại a ca Doãn Chi, đều có thể lựa chọn trong số các hoàng tử. Khang Hy tỏ rõ, mọi người ưng ai thì lập người đó. Kết quả không ngoài dự đoán, người được “nhiều phiếu” nhất là Doãn Tự. Không ngờ hoàng đế Khang Hy lại trơ mặt, không những không lập Doãn Tử làm thái tử, còn ra lệnh điều tra xem ai là người cầm đầu ủng hộ Doãn Tự. Lúc đầu quần thần còn yên lặng bảo vệ lẫn nhau, nhưng chống thế nào được với sự công kích mạnh mẽ của Khang Hy cuối cùng đã tra ra: Người cầm đầu là nghị chính đại thần, đại học sĩ Mã Tề, thứ đến là người cậu ruột kiêm nhạc phụ của Khang Hy, Đồng Quốc Duy, ngoài ra còn có Vương Hồng Tự… Khang Hy không hề nể mặt, đã cách chức và bắt giam Mã Tề, cách chức người em, lệnh Vương Hồng Tự lui về nghỉ, xét xử tất cả những ai tiến cử Doãn Tự.
Việc làm của Khang Hy là quá đáng và vô lý. Lý do Khang Hy không lập Doãn Tự cũng rất miễn cưỡng. 1. Doãn Tự chưa có kinh nghiệm hành chính. 2. Doãn Tự từng phạm sai lầm. 3. Sinh mẫu Doãn Tự xuất thân ti tiện. Chưa có kinh nghiệm có thể tích luỹ, từng phạm sai lầm có thể sửa chữa, sinh mẫu xuất thân không tốt có thể thay đổi, chỉ cần tuyên bố loại bỏ gốc gác ti tiện là xong, hơn nữa bà ta đã được phong là Lương phi! Xem ra, không muốn lập Doãn Tự mới là nguyên nhân thật sự. Nhưng không lập Doãn Tự thì thôi, cớ chi phải hãm hại số người ủng hộ kia? Những người ủng hộ do phụng thánh chỉ mới ghi tên Doãn Tự. Chỉ ý chỉ nói không được tiến cử Doãn Chi, không nói không được tiến cử Doán Tự. Cho nên tiến cử Doãn Tự là không trái thánh chỉ. Thần tử đã không trái thánh chỉ, chính hoàng thượng đã nuốt lời. Rõ ràng đã nói “ý các khanh ưng ai, trẫm sẽ làm theo”, lúc này mọi người đã chọn Doãn Tự, vì sao không theo? Chẳng nhẽ lại nói đó bỏ đó, không suy nghĩ gì nguyên tắc vua không nói chơi?
Lúc này mới rõ, Khang Hy làm vậy là có ý đồ, mục đích là dụ rắn ra khỏi hang, xem xem thế lực, khả năng của Doãn Tự lớn đến chừng nào. Lúc đầu Khang Hy cũng thích Doãn Tự, sau này dần dần không hài lòng, nhất là việc Doãn Tự mua chuộc lòng người. Khang Hy nói: “Bát a ca muốn có hư danh ở mọi nơi, ngoài những việc do trẫm khoan dung, ban ân, tất cả đều quy công về mình, thực không đáng là người”. Khang Hy luôn nghĩ mình là người duy nhất nắm trọn đại quyền, nên việc đó đã làm Khang Hy rất phẫn nộ, thậm chí còn lớn tiếng, ai dám nói tốt cho Doãn Tự, dù chỉ là một chữ “trẫm sẽ chém đầu”, vì “quyền này há chịu cho người khác mượn được sao?”.
Để bộ mặt thật của Doãn Tự bị phơi bày ra giữa thanh thiên bạch nhật, để thăm dò thế lực của Doãn Tự, Khang Hy tự soạn và đạo diễn vở kịch “tiến cử thái tử” và ngay từ đầu đã sắp đặt rất chu đáo: 1. Lúc cúng bái trời đất, tổ tiên đã nói “thần tuy có nhiều con, nhưng không ai bằng thần” (Khang Hy xưng thần với trời đất, tổ tiên), muốn ám chỉ Doãn Tự cũng không đủ tiêu chuẩn. 2. Minh lệnh cấm chỉ các hoàng tử “gắn kết lòng người, lập đảng tranh giành”, hướng của đầu mâu là rất rõ ràng. 3. Mượn chuyện của một thầy bói tên Trương Minh Đức nói về Doãn Tự “sau tất đại quỷ” để chê trách Doãn Tự nuôi chí bừa bãi, âm mưu đoạt đích, lệnh bắt giam ngay, ra lệnh nghị xử, thực tế là muốn cảnh tỉnh Doãn Tự, đồng thời cảnh cáo “Bát gia đảng”. Trước khi tiến cử thái tủ mấy hôm, Khang Hy luôn động viên, nhắc nhở. Mùng một tháng mười, Khang Hy tuyên bố: Chọn người vào ngôi vua “trẫm đã tính toán xong”, nhưng không báo trước với mọi người, cũng không muốn cho ai biết. Ngày mùng tám, tháng mười một, Khang Hy lại nói, “trẫm đã định đoạt” ai làm thái tử, hết thảy đều do một mình Khang Hy định đoạt.
Nếu đã sắp đặt nhiều như thế, cớ sao ngày mười bốn lại tuyên bố tiến cử thái tử, hơn nữa còn đồng thời hạ lệnh Mã Tề không được tham dự, ý tứ đã quá rõ ràng. Đáng tiếc bọn Mã Tề ngu dốt chậm hiểu, lại cứ đưa Doãn Tự lên lò nướng. Khang Hy đã tuyên bố không cho Mã Tề nhúng tay, nhưng ông ta lại không kìm nổi sự phấn chấn, chạy đến nội các để tạo dư luận, nói mọi người tiến cử Doãn Tự! Rất rõ ràng là lợi dụng chức quyền để gây ảnh hưởng. Ngạc Luận Đại, A Linh A, Quỹ Tự… càng chẳng ra thể thống gì, họ viết một chữ “Bát” trong lòng bàn tay, nhìn thấy triều thần là xòe ra, ngang như bí mật móc ngoặc. Điều ấy làm sao Khang Hy có thể chấp nhận được? Kỳ thực, bọn Mã Tề chỉ cần hơi động não là đã hiểu dụng ý của Khang Hy. “Trẫm đã có tính toán” với “trẫm đã quyết định”, vậy cần gì triều thần tiến cử, còn mất công làm gì? Huống hồ, Khang Hy cũng nói: “Bát a ca Doãn Tự xưa nay gian trá”, rõ ràng là đã rào trước đón sau đủ cả.
Có điều, kết quả cuối cùng làm Khang Hy hết sức kinh ngạc. Khang Hy không thể ngờ, Doãn Tự chỉ là một Bối lặc mà thê lực đã lớn đến như vậy. Nếu là thái tử sẽ như thế nào? Bọn Mã Tề không tiếc thân, lần nữa ngầm bảo, cứ tiến cử, dứt khoát tiến cử Doãn Tự, đây chẳng khác gì một buổi diễn tập quân sự để bức cung đình. Vì vậy, Khang Hy nói: “Trẫm sợ ngày sau tất có kẻ giống như chó lợn, sẵn đội ân lớn, vì hắn dấy binh gây nạn, buộc trẫm nhường ngôi mà lập người kế vị”. Khang Hy tỏ rõ: “Nếu đúng là vậy, trẫm chỉ còn cách ngậm cười mà chết”. Khang Hy nghi ngờ và phòng ngừa Doãn Tự đến mức đó thì rõ ràng là không muốn truyền ngôi cho Doãn Tự.
Rõ ràng “Bát gia đảng” của Doãn Tự đã phạm sai lầm. Họ chỉ biết “được lòng người là được thiên hạ”, nhưng không biết thiên hạ đó là của ai, thiên hạ đó bị hoàng đế giữ chặt trong tay, vậy “được lòng người” không bằng “được lòng vua”. Thậm chí, càng được lòng người thì càng không được lòng vua. Vì bất kỳ một vị vua độc tài nào đều không muốn người khác được ủng hộ hơn mình. Nếu là thời đại chính trị dân chủ, cách làm để giành phiếu của bọn Mã Tề có thể có hiệu quả, nhưng đây là thời quân chủ, thực không hiểu, phải chăng là sai lầm!
Có điều, việc làm của Doãn Tự đã giúp đỡ nhiều cho Dận Chân.
Trong hoạt động tiến cử thái tử lần này, Dận Chân được bao nhiêu phiếu chúng ta không thể biết, nhưng khẳng định là rất ít, thậm chí không có. Bởi vì phần lớn “phiếu chọn” đã bị Doãn Tự lấy mất, quá nửa số phiếu còn lại là đề cử lại thái tử bị phế Doãn Nhưng. Dận Chân cũng làm như vậy. Dận Chân tự biết lúc này mình chưa là gì cả, và cũng không muốn là chim lộ đầu trước, các anh em của mình ai cũng đầy dã tâm và đều là những chiếc đèn đầy dầu. Để cho số người đó thượng đài, không bầng vực thái tử bị phế dậy, chắc sẽ có những ngày yên vui hơn.
Dận Chân cũng chẳng có nhân duyên gì. Ngược hẳn với Doãn Tự – một “Bát hiền vương” ai nhìn thấy cũng yêu, Dận Chân là “Lãnh diện vương” nổi tiếng ai nhìn thấy cũng sợ. Dận Chân không gần gũi đặc biệt với bất kỳ ai (chỉ thân mật đặc biệt với anh em Doãn Tường) và cũng không xa lánh đặc biệt với bất kỳ ai, gặp ai cũng chỉ là công việc với công việc. Nếu được Khang Hy trao cho việc gì đó, Dận Chân chỉ biết tới vương pháp, không biết nể mặt. Vào năm thứ năm mươi hai, (năm 1713), Thục Huệ phi của hoàng đế Thuận Trị qua đời, tang lễ hết sức sơ sài, Khang Hy lệnh cho Dận Chân xem xét lại. Dận Chân tìm ra ngay những người phụ trách là Mãn Đốc, Mã Tiến Thái, Mã Lương, Hách Dịch, Mã Tề… và nghiêm khắc xử lý họ. Năm thứ bốn mươi tám (năm 1709), Khang Hy trách cứ Ngạc Luân Đại vì tội kết đảng. Ngạc Luân Đại biết mình là quốc thích nên không sợ, Dận Chân liền nói với Khang Hy: “Việc gì phụ hoàng phải bực bội vì mấy kẻ phản nghịch đó. Loạn thần tặc tử đó đã có quốc pháp xử trị, nếu giao việc này cho thần, thần sẽ cho chém luôn”. Dận Chân thiết diện vô tư, chấp pháp như sơn, đương nhiên không mấy ai thích.
Vì vậy, trong khi các vương tử khác mưu đoạt ngôi vị, Dận Chân không tỏ thái độ, không chỉ không nhiệt tình mà còn không tham gia. Dận Chân biết mình không có ưu thế đặc biệt nào; nói về đích, thứ, Dận Chân không bằng Doãn Nhưng; nói về học thức, Dận Chân không bằng Doãn Chỉ; nói về vận may, Dận Chân không bằng Doãn Tự; thậm chí về tài cán, Dận Chân còn không bằng đứa em của mình là Doãn Đề. Đã vậy thì tranh giành làm gì, ngồi xem hổ báo đấu nhau còn hơn, biết đâu còn thành ngư ông hưởng lợi. Dù khống có lợi, cũng chẳng mất gì. Vì vậy, trong lúc bọn Doãn Tự đang tối mắt tối mũi vì tranh giành đoạt đích, thì Dận Chân chẳng khác gì “người nhàn nhất trong thiên hạ”, tham thiền lễ Phật, ngâm thơ vịnh nguyệt: “Ở rừng mừng được cảnh phồn hoa, ngẩng cúi đất trời bát ngát xa. Ngàn thuở công danh là cái bóng, trăm năm vinh nhục kính soi hoa. Chén vàng chán ngán xuân sắp hết, đường huệ um tùm ác đã tà. Cảnh khói Ngũ hồ nghe nói đẹp. Cớ chi tơi nón móc câu sa?”. Nghiễm nhiên thành người siêu trần thoát tục, chẳng tranh giành gì với đời.
Khang Hy rất tán thưởng Dận Chân, từng biểu dương Dận Chân, nói lúc Doãn Nhưng bị giam cầm, không một ai kêu xin cho hắn, “chỉ riêng Tứ a ca rộng lượng hơn người, thấu hiểu đại nghĩa”, mấy lần tấu xin. “Làm việc thì hết lòng, đáng là vĩ nhân”. Dận Chân nghe xong, cả người run rẩy sợ hãi “không dám tuân theo”. Dận Chân thừa hiểu, không thể bảo vệ được thái tử, ngoài thái tử ra không ai làm được nên cứ làm thử xem sao. Nhưng việc làm phải giữ kín, để những người công kích thái tử khỏi khó chịu. Vì vậy, trước mặt Khang Hy, Dận Chân không hề thừa nhận mình đã bảo vệ thái tử. Nào ngờ, Dận Chân lại được thêm tiếng thơm là khiêm tốn.
Có nhiều sự việc chứng minh Dận Chân khiêm tốn và nhân ái. Trước Khang Hy, Dận Chân không chỉ nói đỡ cho thái tử, còn nói đỡ cho các anh em khác, “đã nhiều lần trần tấu cho các anh em khác”. Thậm chí Dận Chân còn đề xuất, cùng là anh em nhưng Doãn Đường và mấy người khác tước vị quá thấp (Bối tử), tình nguyện giáng thấp thế tước của mình phân phong cho các em, địa vị mọi người được ngang bằng. Đây có thể là làm trò, có thể hoàn toàn là vờ vĩnh, nhưng Khang Hy lại rất coi trọng. Khang Hy từng nói với quần thần: “Trẫm xem sử sách, xưa nay một khi thái tử bị phế sẽ không còn đường sống, sau đó chẳng ai thương tiếc”. Khang Hy hoàn toàn không muốn, sau khi mình qua đời, Doãn Nhưng bị anh em sỉ nhục tàn hại, không được yên thân. Đại a ca hận Doãn Nhưng đến xương tuỷ, Bát a ca Doãn Tự ở thế đối đầu với Doãn Nhưng. Hai người này làm hoàng đế, Doãn Nhưng sẽ chẳng được yên. Trong lúc mọi người đang xô cho tường đổ, Tứ a ca Dận Chân lại nói đỡ cho Doãn Nhưng, nên dưới tay người này, Doãn Nhưng sẽ không quá khổ (trên thực tế, sau này Ung Chính luôn đối xử tốt với Doãn Nhưng và gia đình hắn). Có nhiều khả năng Khang Hy sẽ chọn Dận Chân, giống như năm nào Lý Thế Dân lập Lý Trị, không lập Lý Thái.
Vì vậy, sau năm thứ năm mươi mốt (năm 1712), Khang Hy càng ngày càng tin tưởng Dận Chân, càng ngày càng giao thêm nhiều việc, thậm chỉ vào ngày đại lễ đăng cơ sáu mươi năm, Khang Hy còn cử Dận Chân thay mặt đến cúng tế ở Tam đại lăng. Ba lăng ở Thịnh Kinh là: Vĩnh lăng – lăng tổ tiên gia tộc Ái Tân Giác La, Phúc lăng – lăng Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích, Chiêu lăng – lăng Thái Tông Hoàng Thái Cực, đều là phần mộ tổ tiên vương thất Đại Thanh. Dận Chân thay cha tế tổ, rõ ràng địa vị của Dận Chân trong mắt phụ hoàng là không thấp. Trước lúc Khang Hy qua đời, Dận Chân còn được thay cha ra tế trời ở đàn Nam Giao, vào ngày Đông chí. Đó là lễ lớn của đất nước. Một hoàng tử được thay vua cha đi cúng tế thì gần như đã được ngầm chỉ định là người kế vị.
Do xem trọng và quý mến Dận Chân nên vào những năm cuối đời, Khang Hy thường đến hoa viên nhà Dận Chân để cùng mọi người tận hưởng niềm vui của trời đất. Trong số các hoàng tử, chỉ có Dận Chân và Doãn Chỉ được hưởng niềm vinh hạnh đặc biệt này. Có thể vì hai người đã không vướng bận nhiều trong cuộc đấu tranh đoạt đích! Sử liệu đã chỉ rõ, trong giai đoạn này, cũng chỉ có hai người quan tâm đến sức khỏe của Khang Hy, khuyên cầu hoàng thượng chữa bệnh, tiến cử thầy thuốc, xem xét đơn thuốc và cách dùng thuốc. Và cũng chỉ qua hai người này, Khang Hy còn cảm nhận được tình thâm cốt nhục.
Khang Hy ban tặng một khu vườn cho Dận Chân, đó là vườn Viên Minh nổi tiếng, tuy quy mô lúc đó không lớn lắm. Vườn Viên Minh đã bị liên quân tám nước đốt huỷ hết đó, sau này Ung Chính và Càn Long đã cho sửa chữa và mở rộng trên cơ sở vườn cũ. Khang Hy đã ban tên cho khu vườn là vườn Viên Minh. Sau này, Ung Chính đã giải thích “Viên mà nhập thần, đó là người quân tử. Minh mà sáng chói, đó là trí tuệ con người”. Rõ ràng là ý nghĩa sâu xa. Mùa xuân năm thứ sáu mươi mốt (năm 1722), Khang Hy đến đài Mẫu Đơn vườn Viên Minh xem hoa, đã nhìn thấy Hoằng Lịch (Càn Long sau này) con thứ tư của Dận Chân, Khang Hy vui mừng, cho đưa Hoằng Lịch về cung, tự mình nuôi dạy. Mọi người coi việc này là một trong những nguyên nhân Khang Hy truyền ngôi cho Dận Chân: “Để Hoằng Lịch là hoàng đế, thì trước hết phải để cha hắn làm hoàng đế!”(6).
Kỳ thực, Khang Hy luôn có cảm tình với Dận Chân. Sau khi phế thái tử lần thứ nhất, vào ngày mười sáu tháng mười một, Khang Hy từng nói với quần thần, Khang Hy so sánh mấy vị hoàng tử, chưa bình phẩm về Đại a ca Doãn Chi và Tam a ca Doãn Chỉ. Khang Hy nói về Ngũ a ca Doãn Kỳ “Tâm tính rất thiện, thuần hậu với người khác”; về Thất a ca Doãn Hựu, Khang Hy nói: “Tâm tính tốt, cử chỉ thân thiện”. Khang Hy nói về Bát a ca Doãn Tự “chư thần tấu nói là hiền”. Doãn Kỳ, Doãn Hựu, Khang Hy nói tốt, Doãn Tự được các quần thần nói tốt, thân sơ khác biệt đã quá rõ ràng. Khang Hy đã nói rất nhiều về Dận Chân. Khang Hy nói: “Riêng Tứ a ca được trẫm nuôi dưỡng, lúc nhỏ thường vui buồn thất thường, đến lúc có thể hiểu được ý trẫm, đã biết thương trẫm, ân cần khẩn thiết, có thể coi là rất hiếu đễ”. Khang Hy quý mến Dận Chân hơn các hoàng tử khác.
Mấy lời nói của Khang Hy rất đáng tin. Dận Chân được Khang Hy nuôi dưỡng, đương nhiên nhiên là thân với hoàng thượng hơn các hoàng tử khác. Sau khi thái tử bị phế, Dận Chân liền trở thành “mũi nhọn thứ hai”. Điều đó chỉ càng thêm nguỵ hiểm. Doãn Chi, Doãn Nhưng thất bại là một ví dụ cụ thể. Dận Chân thông minh ở chỗ, không coi mình là “mũi nhọn thứ hai”. Người khác thì đua tranh giành giật, ngược lại Dận Chân bỏ tránh thật xa, và chỉ chú tâm vào hai chữ “hiếu đễ”, tự nhiên là được lòng vua. Thậm chí Dận Chân còn sửa đổi luôn cả tật “vui buồn thất thường” (không sửa mà giả vờ), lại càng được Khang Hy tán thương. Chính nhờ vào sự cố gắng khắc chế đó, Dận Chân đã khác với các hoàng tử trong cuộc phân tranh, biểu hiện một thái độ khác với mọi người.
Dận Chân không thực nhiệt tình với việc mưu cầu ngôi vị.
Điều đó làm cho Khang Hy thêm phần thiện cảm. Đương nhiên, không phải Khang Hy không biết Dận Chân vờ ra như vậy. Nhưng Khang Hy là người sáng suốt. Khang Hy thừa hiểu, làm gì có chuyện “không tranh giành” giữa các hoàng tử tài cán và năng lực. Và đã không có sự siêu thoát thực sự thì có thể vờ được là tốt. Có thể vờ là trong lòng còn có vua cha, không đến đoạn mưu phản bức bách cung đình, và Khang Hy cũng chỉ yêu cầu có vậy, Khang Hy đã tận mắt nhìn thấy, vì tranh đoạt ngôi vị mà các hoàng tử đã xắn tay áo ra trận, giết đỏ cả mắt, sướt cả da mặt, tình nghĩa anh em, công ơn cha mẹ đều đã mất sạch. Lúc đó, có một vài người biết vờ vĩnh, có thể vẫn giữ được lớp sa mỏng thấm đượm tình người. Có được người tự nguyện vờ vĩnh như vậy để tiếp nối, hẳn sau này bản thân sẽ không phải chết đường chết chợ. Đương nhiên, người đó cũng sẽ không bỏ xác mình không chôn, để đi đánh nhau với anh em. Vì vậy, Khang Hy biết Dận Chân đang vờ vĩnh, nhưng không nói toạc ra, mà cùng Dận Chân hát nốt vở kịch. Khang Hy tự biết, chẳng bao lâu nữa sẽ phải rời bỏ sân khấu, có thể hát hết vở kịch, thì coi như công đức đã viên mãn.
Thứ nữa, một người biết vờ là người luôn có tính toán trong lòng và một người làm vua, khống thể không có tính toán. Là hoàng đế, đâu chỉ biết cả đời luôn nói thật, không dối trá, chỉ biết bộc lộ thực tình? Bí quyết của hoàng đế là luôn phải thật thật giả giả, thế mới là “thiên uy khó lường”, tài năng hơn người. Cho nên, tuy biết Dận Chân vờ thoát tục, vờ tự nhiên, Khang Hy chỉ biết tán thưởng, không hề phản cảm.
Nhưng theo ý của nhiều người, Khang Hy đã chọn Thập tứ a ca Doãn Đền. Tháng ba năm thứ năm mươi bảy (năm 1718), Doãn Đề được bổ nhiệm là “Đại tướng quân vương”. Tháng mười hai đem quân ra đóng ở Tây Ninh, tranh đấu với lũ giặc ở miền tây bắc. Tập đoàn Doãn Tự rất coi trọng lần bổ nhiệm này. Theo họ, bổ nhiệm hoàng tử chức Đại tướng quân nhằm để khảo nghiệm là cho cơ hội. Nếu khảo nghiệm tốt lại được lập chiến công, và đương nhiên sẽ là người kế thừa hoàng vị.
Thậm chí Doãn Đường đã nói với Doãn Đề: “Sớm lập công, để được làm thái tử”. Theo suy nghĩ thông thường thì chức Đại tướng quân vương là sự quá độ tiến tới ngôi vị thái tử. Vì vậy, nghi thức tiễn Doãn Đề cầm quân ra trận được tiến hành hết sức long trọng: Khang Hy tự thân tế lễ, thân trao ấn sắc, chư vương cùng các quan nhị phẩm trở lên tề tựu tiễn đưa tại quân doanh cửa Đức Thắng môn. Vì vậy, sau lúc Doãn Nhưng bị phế, Doãn Chi bị tù, Doãn Tự bị chỉ trích, Doãn Đề trở thành người đoạt đích có tiếng hô hào cao nhất.
Thực ra đây chỉ là màn khói Khang Hy cố ý tạo ra, mục đích là phân tán sự chú ý của mọi người, để Dận Chân khỏi bị công kích từ bốn phía và mình cũng được yên. Vì vậy, Khang Hy phong cho Doãn Đề – kẻ hai mặt và hàm hồ, chức vị: Đại tướng quân vương. Chức vị này nghe thì vô cùng thần kỳ thực tế thì chẳng là gì cả: Tướng quân không ra tướng quân, vương không ra vương. Nói là tướng quân nhưng lại là vương gia, nói là vương gia vậy lại không có phong hiệu. Kỳ thực, chỉ là “vương giả”. Mọi người thích nghĩ gì thì nghĩ, thích nói gì thì nói. Thủ pháp hàm hồ không rõ ràng luôn là cốt lõi của quyền thuật truyền thống Trung Quốc.
Khang Hy suy nghĩ sâu xa. Thực tình, Khang Hy rất quý Doãn Đề và cũng thực tình không yên tâm về Doãn Đề. Vì Doãn Đề đã bước lên “thuyền giặc” của Doãn Tự. Ngày hai mươi chín tháng chín năm thứ bốn mươi bảy (năm 1708), Khang Hy trách mắng Doãn Tự ham hố hư danh, mua chuộc lòng người, “mềm yếu thành gian, mưu đồ chí lớn”, hạ lệnh bắt giam, Doãn Đề đã xuất hiện biện hộ cho Doãn Tự, lời lẽ cử chỉ hết sức xúc động, kết quả bị đánh đòn. Khang Hy bực đến đoạn đã rút kiếm và suỷt nữa đã chém đầu Doãn Đề. Đối với Doãn Đề, có thể chỉ là nghĩa khí anh em (Khang Hy nói là nghĩa khí Lương Sơn Bạc), nhưng trong mắt Khang Hy, đây là tín hiệu nguỵ hiểm: Doãn Đề bảo vệ Bát ca của hắn đến như vậy, nếu Doãn Tự muốn làm chính biến, người đem quân đến bức cung đình hẳn là Doãn Đề. Vì vậy Khang Hy luôn muốn tách Doãn Đề ra khỏi Doãn Tự. Lúc này là cơ hội tốt, không thể bỏ qua. Việc quân ở tây bắc rất quan trọng và khẩn trương, cần có hoàng tử trẻ tuổi, năng lực ra trấn thủ. Doãn Đề có tư cách và năng lực, phái đi là rất hợp. Doãn Đề là Bối tử, một bước lên tới Đại tướng quân vương, thực hả lòng, lại có khả năng giành được chiến công nên vui vẻ ra đi. Quân thần cho rằng Khang Hy đã ngầm chọn Doãn Đề, phái cử xuất chinh là để tích luỹ kinh nghiệm quân sự và vốn liếng chính trị, nên cũng không ầm ĩ về chuyện lập tự, triều đình được yên ổn, cũng không phải suy nghĩ về lũ tiểu nhân muốn dựa dẫm Doãn Đề. Doãn Đề ở tận biên cương, dù muốn bợ đỡ cũng chẳng được. Cách sắp xếp của Khang Hy quả là nước cờ hay.
Đây cũng là cách hạn chế các hoàng tử, Doãn Đề có muốn theo đuổi ngôi vị cũng chẳng làm được chuyện gì. Dận Chân có đối thủ, cũng không thể cong đuôi; bọn Doẫn Tự có hy vọng, sẽ không mạo hiểm. Và như vậy, Khang Hy mới được yên vui trong những năm cuối đời. Đương nhiên, Khang Hy cũng để cho mình một đường rút: Nếu phát hiện thấy Dận Chân không được như mong muốn, chỉ cần triệu Doãn Đề về là xong. Doãn Đề là “Đại tướng quân vương” đảm nhiệm ngôi vị cũng chẳng có gì là đường đột. Nếu Dận Chân có thể kế vị, cũng là dễ nói chuyện với bên phía Doãn Đề, vì Doãn Đề chỉ là “vương giả”, vậy có gì phải oán trách. Hơn nữa, một người mưu sâu chí xa như Khang Hy, sớm đã sắp xếp xong về mặt nhân sự. Niên Canh Nghiêu nô tài của Dận Chân nắm giữ lương thảo của đại quân và khống chế đường về của Doãn Đề. Có Niên Canh Nghiêu trông giữ ở đó, Doãn Đề không thể bức cung đình, không thể mưu phản.
Khang Hy đúng là Khang Hy, không ai đùa được với Khang Hy, kể cả các hoàng tử.
Chú thích:
(1) Lúc Ung Chính qua đời, Hoằng Lịch với thân phận là hiếu tử, kêu khóc đau xót, Trương Đình Ngọc, Ngạc Nhĩ Thái muốn tìm ngay mật chỉ, để dễ bề thống nhất, thái giám tổng quản không rõ mật chỉ giấu ở đâu. Trương Đình Ngọc nói: Thường ngày Đại Hành hoàng đế không có nhiều văn kiện dán kín, tìm cho ra chiếc hộp, ngoài bọc giấy vàng, phía sau ghi một chữ “phong”, là xong”. Lúc này mới tìm được mật chỉ, truyền ngồi cho Hoằng Lịch (Tác giả).
(2) Ánh nến tiếng rìu chỉ nghi án Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận mất. Nghe nói, lúc Triệu Khuông Dận mất, bên cạnh chỉ có người con là Triệu Quang Nghĩa (Thái Tông sau này) và dưới ánh nến có bóng người di động, lại nghe có tiếng rìu bổ xuống mặt đất (Tác giả).
(3) Bình tâm mà xét, “Hoàng đế Ung Chính” viết khá tinh tế, nắm chắc tính cách của Ung Chính, nhưng lúc xây dựng nhân vật Kiều Dẫn Đệ và giải thích về nguyên nhân cái chết của Ung Chính lại khiến mọi người rất không hài lòng, vì vậy các nhà phê bình gọi “tán hươu tán vượn là Nhị Nguyệt Hà” (Tác giả).
(4) Theo “Nhạc Tương Cần công hành lược” của Nhạc Quýnh con cháu của Nhạc Chung Kỳ thì Nhạc Chung Kỳ là cháu đời thứ hai mươi mốt của Nhạc Phi. Nhưng Nhạc Chung Kỳ trước sau trung thành với vương triều Đại Thanh, năm Càn Long thứ mười chín (năm 1754) qua đời tại dinh thự, thọ sáu mươi chín tuổi (Tác giả).
(5) Con của Khang Hy trong tên của họ có chữ thứ nhất là Dận, chữ thứ hai đều là chỉ nghĩa, phần lớn dùng những chữ để tránh trùng tên. Sau khi Ung Chính lên ngôi, để tránh huý, các huynh đệ đều đổi Dận thành Doãn. Để tránh làm độc giả thấy rắc rối, trong cuốn sách này không kể trước sau đều đổi là Doãn. Còn riêng Ung Chính, trước khi lên ngôi gọi là Dận Chân, sau khi lên ngôi gọi là Ung Chính (Tác giả).
(6) Trước đây đã có tiền lệ, lúc Minh Thành Tổ lập tự, còn do dự giữa Nhân Tông Chu Cao Sí hay Hán vương Chu Cao Húc, các triều thần nói: “Xin hãy xem cháu của hoàng thượng”, nên Thành Tổ quyết luôn (Tác giả).
Ngay từ đầu, mọi người hoài nghi, cho rằng Dận Chân lên ngôi là bất chính. Vì quyết định của Khang Hy không được tự Khang Hy tuyên bố, mà do Long Khoa Đa tuyên bố. Theo hồi ức của Ung Chính, lúc Khang Hy bệnh nặng, vì Dận Chân thay mặt cúng tế ở đàn Nam Giao, nên đang trai giới. Sau khi phụng chiếu về vườn Sướng Xuân, chỉ nghe được Khang Hy nói về bệnh tình, không thấy nói về việc kế vị. Chỉ sau Khang Hy “rồng ngự trên ngai” mới được nghe Long Khoa Đa thuật lại “Hoàng khảo di chiếu”. Vì Ung Chính không được chuẩn bị về mặt tư tưởng, nên “nghe xong là kinh hoàng, ngất xỉu luôn”. Thực là kỳ lạ. Khang Hy “trong lòng đã có dự định” truyền ngôi cho Ung Chính, vì sao không nói thẳng với con, việc gì phải nhờ miệng Long Khoa Đa? Nếu nói là để giữ bí mật thì ngay lúc hấp hối còn bí với mật gì nữa? Huống hồ Long Khoa Đa đã biết thì còn gì là bí mật? Long Khoa Đa là loại người nào, lấy tư cách gì để thay thiên tử tuyên chiếu? Chỉ một mình Long Khoa Đa là đại thần tuyên chiếu, ngộ nhỡ nếu đó là chiếu giả thì sao? Luôn có vấn đề. Đương nhiên, Ung Chính còn nhớ, trước lúc Ung Chính vào vườn Sướng Xuân, Khang Hy đã gặp Doãn Chỉ, Doãn Hựu, Doãn Tự, Doãn Đường, Doãn Nga, Doãn Tường và Long Khoa Đa. Khi Long Khoa Đa tuyên bố: “Tứ a ca nhân phẩm cao quý, rất hiểu ý trẫm, có thể kế thừa đại thống, thay trẫm lên ngôi hoàng đế”. Cũng tức là, biết di mệnh không chỉ có một mình Long Khoa Đa, không có khả năng Long Khoa Đa sửa đổi chiếu. Nhưng những người khác đều biết ai là hoàng đế, duy có người trong cuộc là không biết, ở đây có gì đó hơi kỳ lạ. Một điều kỳ lạ nữa là, trong quá trình đó chỉ được nghe Ung Chính nói, không một ai trong số bọn Doãn Chỉ đứng ra làm chứng.
Chẳng trách, trong lòng mọi người có sự nghi ngờ và nghi ngờ dễ biến thành quỷ ám. Ung Chính tự biết, ngôi vị hoàng đế này có phần “không được rõ ràng”; chẳng phải lễ pháp Hán gia quy định: Lập đích lấy trưởng và truyền thống Đại Thanh là lập vua lấy hiền. Lập trương phải là Doãn Chỉ, lập hiền phải là Doãn Tự. Không có điều nào hợp với Dận Chân. Chẳng trách, sau khi nghe Long Khoa Đa tuyên chiếu, Dận Chân đã “nghe xong thấy kinh hoàng, ngất xỉu luôn”; chẳng trách Doãn Lễ nghe xong cũng “thần sắc căng thẳng như điên dại”. Vì mọi người đều không được chuẩn bị về mặt tư tưởng, còn Ung Chính cũng vờ như chưa được chuẩn bị về tư tưởng.
Đương nhiên, Ung Chính có chuẩn bị. Nhưng trước hết, Ung Chính luôn vờ như không lưu tâm đến ngôi vị lớn (cũng chính từ đó để có tín nhiệm, mưu cầu ngôi vị). Lúc này chỉ còn cách là vờ đến cùng. Nhưng rồi lại dẫn tới điều phiền hà khác: Điều mà mọi người không thể ngờ, bản thân đương sự cũng không thể ngờ, vậy điều gì khiến hoàng đế Khang Hy đã nghĩ tới? Chỉ có một kết luận: Khang Hy cũng chưa nghĩ tới, Long Khoa Đa đã làm chiếu giả. Long Khoa Đa không sao rửa sạch vết nhơ này. Đã không thể nói di chiếu là giả, cũng không có cách gì để chứng minh là thật. Cho nên Long Khoa Đa đã nói: “Ngày Bạch Đế Thành nhận mệnh cũng là ngày chết đã đến”. Long Khoa Đa biết rất rõ, mình sẽ bị phiền hà.
Ung Chính càng bị phiền hà. Ung Chính không chỉ phải chứng minh, người tiên đế chọn là mình, mà còn phải chứng minh sự lựa chọn của tiên đế là chính xác. Biện pháp duy nhất là gắng sức làm việc và trị lý tốt đất nước. Có thể đó cũng là điều Khang Hy kỳ vọng ở Ung Chính. Khang Hy là hoàng đế sáu mươi mốt năm, ngài biết rõ, làm hoàng đế không phải dễ. Khang Hy càng không muốn giang sơn do mình tạo ra lại mất trong tay một kẻ kế vị ham chơi và tắc trách. Điều đó làm cho Khang Hy cảm thấy có được giang sơn không dễ, nên chưa bao giờ dám thờ ơ, buông lỏng. Cách suy nghĩ của Khang Hy là có lý. Nhưng cũng có việc mà Khang Hy chưa nghĩ tới, cách sắp đặt như vậy, sẽ gây thêm phiền hà cho người kế vị: Mọi người không phục. Rất nhiều người nghĩ mãi mà không hiểu: Dựa vào cái gì để Lão Tứ làm hoàng đế? Vì hắn dốc sức làm việc sao?
Thập tứ a ca Doãn Đề là người không phục nhất.
Sau khi là Đại tướng quân vương, suy nghĩ của Doãn Đề đã khác trước. Quan hệ giữa Doãn Đề và tập đoàn Doãn Tự cũng mất đi nhiều: Trước kia Doãn Đề thường ủng hộ Doãn Tự, lúc này Doãn Tự lại ủng hộ Doãn Đề. Doãn Đường là can tướng của tập đoàn Doãn Tự đã công khai tạo dựng dư luận, nói Doãn Đề “tài đức song toàn, trong anh em tôi không ai bằng, sau này tất đại quý”. Miệng nói mình không bằng, là muốn đề cao Doãn Đề, hạ thấp Dận Chân. Doãn Đề cũng thường xuyên liên lạc với Doãn Đường, còn nói: “Phụ hoàng tuổi cao, lúc thế này lúc thê nọ, nên cho ta biết tin thường xuyên”. Bề ngoài thì ra vẻ quan tâm đến sức khỏe phụ hoàng, nhưng thực chất là sợ phụ hoàng bệnh nặng, không kịp về kinh thành đoạt ngôi vị. Doãn Đề một mặt chỉ huỵ quân chiến đấu, mong có được chiến công, làm vốn về mặt chính trị; mặt khác chiêu hiền nạp sĩ, chuẩn bị về mặt dư luận, chuẩn bị về mặt tổ chức giúp việc đăng cơ sau này. Lúc bấy giờ, xã hội rộ lên chuyện “Thập tứ gia lễ hiền đãi sĩ”, còn có người tên Trương Khải nói Doãn Đề: “Nguyên V
- 1 Chiến tranh trăm năm giữa Pháp và Anh- bài 7
- 2 Khái niệm về một cuộc chiến có chính nghĩa
- 3 Từ Nguyễn Trường Tộ tới bộ ngũ: “Vĩnh-Quỳnh-Tốn-Tố-Khôi” – Bài 5
- 4 Quần Thể Khu Đền Angkor
- 5 Diễn trình lịch sử cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông
- 6 Vua bịp Pháp xưng vương trên cao nguyên đất Việt
- 7 Tìm hiểu vụ ám sát Tạ Thu Thâu
- 8 Chiến tranh trăm năm giữa Pháp và Anh- bài 4
- 9 Bản chất của xã hội dân chủ và nền chuyên chính độc tài
- 10 Kì thị chủng tộc – Một vấn đề muôn thuở trên đất nước Mĩ