18/06/2018, 16:16

Việt Nam vào Thế Kỷ thứ 17

Bờ hồ Hoàn Kiếm do Tây chụp, không rõ năm. Triệu Phong Người ngoại quốc tới thăm một xứ thường chú ý đến những cái mà người bản xứ coi là tầm thường, không cần bàn tới. Tuy nhiên, những thứ này đối với người khách viễn du lại đáng ghi nhận vì nó khác với nơi xứ họ. Xưa nay vẫn thế. ...

Bờ hồ Hoàn Kiếm do Tây chụp, không rõ năm.

Bờ hồ Hoàn Kiếm do Tây chụp, không rõ năm.

Triệu Phong

Người ngoại quốc tới thăm một xứ thường chú ý đến những cái mà người bản xứ coi là tầm thường, không cần bàn tới. Tuy nhiên, những thứ này đối với người khách viễn du lại đáng ghi nhận vì nó khác với nơi xứ họ. Xưa nay vẫn thế. Do vậy thật dễ hiểu vì sao phần đông người ta đều biết rõ đến tên tuổi các vua chúa, những chiến tích của họ nhưng lại biết rất ít về những điều tầm thường như cách ăn mặc, nhà cửa, sinh hoạt, phong tục tập quán… của thời xưa. Sử sách Việt Nam cũng không ngoài thông lệ ấy và không cho biết mấy tí về nếp sống thường ngày của người Việt Nam thuở trước. Trong mấy trăm năm qua, có biết bao nhiêu người ngoại quốc như các giáo sĩ, thương buôn, kẻ phiêu lưu… ghé tới nước ta. Trong số ấy nhiều người đã thích thú ghi lại những điều họ được trông thấy, để ngày nay chúng ta có thể mường tượng lại thời xa xưa ấy người mình đã sống như thế nào.

 Bắc Kỳ thuộc Chúa Trịnh

Vào thời kỳ khi đất nước mới phân đôi do cuộc phân tranh giữa hai chúa Trịnh và Nguyễn; cũng trong thời gian này nhiều khách buôn cũng như giáo sĩ từ phương Tây lần đầu tiên ghé tới Bắc Kỳ (Tonkin), những văn thư họ để lại cho ta biết nhiều điều thích thú.

Kinh đô miền Bắc bấy giờ là Kẻ Chợ, ở vào chỗ của Hà Nội bây giờ, gồm một bức thành hào lũy kiên cố, rộng lớn, mà theo khách ngoại quốc, lớn bằng một thành thị sầm uất, và bên ngoài là khu dân cư. Phố xá chật hẹp nhưng đường chính lại rộng lớn dùng để rước kiệu, ngựa có thể đi dàn hàng 12 con mà vẫn đủ. Tuy nhiên mặt đường xấu xí, lát bằng đá nhỏ và bẩn thỉu.

ln_104

Trong chốn thành thị mà lại có nhiều hồ ao, ngòi lạch, vào những mùa nắng ráo, hồ khô cạn đi, để lộ ra những vũng bùn hôi hám, chỉ khó chịu chứ không gây bệnh tật tai ương. Ruồi muỗi nhiều, dân cư có hai cách để xua đuổi, một là đốt lá cho khói um trong nhà, làm cách này thì cả người lẫn muỗi đều thấy khó chịu cả. Hai là dùng màn che cửa làm bằng thứ tơ mỏng nhưng ngăn được muỗi như mùng ta dùng ngày nay. Kẻ Chợ và các làng mạc duyên hải có rất nhiều muỗi, nhưng càng vào sâu trong đất liền càng đỡ hơn.

Nhà cửa nhỏ bé, vách trát bùn, mái tranh và chỉ một tầng; chỉ quan to được phép Nhà Chúa mới được cất cao hơn. Thỉnh thoảng mới có một hai ngôi nhà lớn. To nhất là cung điện nhà vua, bao quanh với một bức tường thành đổ nát, cao chừng 5m, chu vi khoảng mười cây số. Cung điện làm bằng gỗ, chung quanh có vườn hoa, có vài hồ để vua ngự thuyền chơi hoặc câu cá.

Hai tòa lâu đài khác đều nằm ở ngoài thành và cũng đều bằng gỗ. Một tòa là phủ Chúa và tòa kia là của Thế Tử, người đã được chỉ định kế nghiệp nhà Chúa. Vững vàng nhất thì có hai tòa nhà của Công ty Ðông Ấn của người Anh và người Hòa Lan nằm bên bờ Sông Hồng, cả hai đều xây bằng gạch.

Kẻ Chợ gần như vuông vắn, mỗi bề độ 6 km, dân số chừng 1 triệu người. Bình thường ngoài đường không mấy đông nhưng đến ngày rằm, mùng một thì có những phiên chợ lớn, phố phường đông đảo, đi lại phải chen lấn. Khách bộ hành thường mang theo túi đựng trầu cau, mỗi khi gặp nhau hay mời mọc miếng trầu khơi câu chuyện. Chỉ riêng Kẻ Chợ có đến 50,000 người bán trầu cau.

bac ki

Làng xóm thời ấy gồm chừng ba bốn chục nóc gia, quanh làng quanh xóm có rào tre bao bọc, có tường lũy thấp và hào nước sâu. Hào lũy thường là con đê giữ nước lụt, còn hào để giữ nước cầy cấy vào mùa khô cạn. Nhà cửa trong làng có vườn bao quanh, có rào dậu kỹ lưỡng. Vườn trồng cam, chanh, trầu cau, chuối, đu đủ, dứa…và rau cỏ để ăn. Mùa hạ ở làng rất dễ chịu vì mát mẻ và ít ruồi muỗi. Nhưng về mùa mưa thì bùn lầy ẩm ướt.

Hỏa hoạn đối với Kẻ Chợ là tai ương lớn nhất nên luật lệ phòng bị rất ngặt. Mùa khô nhà nào cũng phải có một vại nước đặt trên mái, và làm một gầu sòng để tát nước nếu ở gần hồ ao. Mái lợp bằng rơm, đặt trên khung bằng tre, buộc vào xà, kèo, cột. Nhà nào cũng có câu liêm để khi hỏa hoạn thì cắt ngay mái rơm, kéo xuống; đồng thời mái nhà hai bên cũng bị cắt để lửa không ăn lan cả dãy. Mỗi nhà còn xây bệ gạch vuông vắn, cao chừng hai thước, mục đích để chứa đồ có giá mỗi khi có hỏa hoạn. Nếu không tuân theo những luật lệ phòng lửa như thế thì bị những hình phạt nghiêm ngặt.

bac ki 2

Mãi tới đầu thế kỷ 17 sự giao dịch với bên ngoài chỉ là với người Trung Hoa và người Nhật. Lái buôn người Hoa mang tới đồ sứ, là thứ chưa làm được ở Việt Nam, vải hoa, lụa hoa (dân ta đã biết nhuộm màu nhưng chưa biết cách làm hoa, làm kiểu), thuốc Bắc và ít đồ xa xỉ. Hàng của Nhật thì gồm đồ bạc, gươm dao và các thứ võ khí. Người ta trao đổi mua bán bằng vàng và bạc nén, cùng tiền đồng. Tiền đồng có lỗ ở giữa để xâu dây, cứ 600 đồng thành một chuỗi, cứ mỗi 60 đồng có dấu để dễ nhận. Người ta vắt chuỗi tiền qua vai hay ngang cánh tay khi đi lại. Giá trị các thứ tiền tệ này lên xuống luôn luôn, tùy lúc tùy thời.

Mua bán phải lễ lạt các quan nếu muốn làm ăn dễ dàng. Tuy nhiên dân từ 19 đến 60 tuổi mỗi năm phải đóng góp một số tiền. Dân ở ba tỉnh Thanh Nghệ Tĩnh nhờ giúp nhà Trịnh đánh bại quân Mạc nên đóng thuế nhẹ; còn ở bốn trấn Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Dương và Sơn Tây phải đóng nặng gấp bốn vì đã không phò Trịnh trước đó. Ngoài ra dân còn phải đóng thêm thuế tình nguyện, đó là dâng phẩm vật cho Chúa một năm 4 lần vào dịp sinh nhật Chúa, ngày kỵ cha Chúa, ngày Tết và ngày mùa gặt.

bac ki 3

Ở Kẻ Chợ có rất nhiều nhà chứa, tuy bị chê bai nhưng lại rất phát đạt. Lái buôn hay thủy thủ người Âu hoặc Trung Quốc, khi lên bộ thường hay gặp gái điếm đến gạ gẫm bán thân. Bạn hữu hay khách ngoại quốc của các quan thị thường được thù tiếp bằng cách gọi gái điếm về hầu hạ, cái lệ này lại không bị chê cười. Một đứa con gái đi giang hồ kiếm nhiều tiền để lấy được chồng là chuyện thường tình. Khi có chồng hẳn hoi rồi thì nghiễm nhiên là người đàn bà đáng kính, quá khứ không hề bị đếm xỉa đến. Ngay những nhà khá giả, nhiều nhà cũng hiến con cho khách thương người Âu, hoặc tạm bợ, hoặc một thời gian. Người thời ấy rất thích những đứa con lai vì da nó trắng trẻo. Khách thương lại coi việc sống chung tạm bợ như vậy là tiện và lợi. Vì những người “vợ tạm” ấy coi sóc việc buôn bán cho họ suốt quanh năm.

Người Bắc Kỳ thời ấy ai cũng thích có đông con nên lối nuôi “con nuôi” rất thịnh hành. Người có con rất thích được nhà quan cao chức trọng nhận làm “con nuôi”. Những trẻ này hầu hạ cha mẹ nuôi không khác chi cha mẹ ruột, bù lại được cha mẹ nuôi đở đần che chở cho. Các tay lái buôn người Âu nhận thấy cái lợi trong tục lệ này nên liền lợi dụng. Họ xin được làm “con nuôi” những ông hoàng hay quan cao, mỗi khi ghé bến họ mang quà cáp đến các bậc cha mẹ nuôi quyền quí đó. Ðã là “con nuôi” của các nhà quyền quí, các quan nhỏ hơn khó lòng dám hạch sách, hà lạm. Ðối với họ quà cáp cũng như món tiền đóng bảo hiểm như ngày nay nhưng lợi hơn nhiều so với lễ lạc, tiền đút lót cho quan lại Bắc Kỳ ở thế kỷ thứ 17.

bac ki 4

Thời ấy người ta đi lại một là dùng thuyền, hai là đi đường bộ, dù rằng đường xá khá hiếm. Ðường thủy là phương tiện thông dụng nhất vì hàng hóa dễ chở dưới nước. Dọc theo thủy đạo khắp miên trung châu sông Hồng, có hàng quán để khách có thể trú qua đêm hoặc ghé lại ăn uống. Ðường bộ cũng dễ chịu, mặc dù là đường đất nhưng có cây cao bóng mát ở hai bên, không những che nắng mà còn có quả để khách bộ hành giải khát, vì đó là cái lệ của người thời ấy. Làng xóm nằm gần đường xá thường đặt những thống nước chè trên một bàn nhỏ, dưới bóng mát, bất cứ ai qua lại có thể tha hồ uống bao nhiêu tùy thích. Cách mỗi quảng đường lại có mấy hàng quán túm tụm cạnh nhau, khách đi đường có chỗ mua trầu nước, bánh trái.

Quân đội gồm 50,000 quân chính qui đóng ở Kẻ Chợ, tất cả đều tuyển từ ba tỉnh phò Chúa, còn bốn nơi kia phải đóng góp để nuôi lính. Mỗi năm vào Tháng Sáu, sĩ quan cho lính mình cai quản tới tuyên thệ trung thành với Chúa, trước một quan văn. Người lính nào nói lời thề rõ ràng được phát thẻ có chữ Minh. Bất Minh nếu ấp úng và Thường nếu ít rõ ràng. Sau đó dùng thẻ để đi đổi lấy áo mới, một tặng phẩm của Chúa. Thẻ Minh được áo dài vải tốt, Bất Minh áo ngắn hơn bằng vải xấu, còn Thường thì được loại trung bình giữa hai thứ. Binh lính mặc áo đó suốt năm để biết được ai trung thành với Chúa ơn. Thời bình, lính được dùng để sửa chữa đường xá, cầu cống, đóng và trang hoàng các chiến thuyền.

ln_109

Ở Bắc bấy giờ hạm đội có đến 600 chiến thuyền, to và tinh nhuệ hơn trong Nam, chỉ có 200 chiếc. Thuyền thời ấy nông và dài, chiếc nhỏ có 25 mái chèo mỗi mạn, chiếc lớn có đến 40. Ngoài ra còn dùng thêm buồm khi có gió. Ðầu và cuối thuyền có chạm trổ sơn then, thếp vàng cầu kỳ. Trên mũi có một khoang, trang hoàng và sơn màu rực rỡ, dành cho quan chỉ huy, hoặc quan văn. Thuyền Chúa ngự thì khoang có dát vàng lá. Ít nhất mỗi thuyền có một khẩu thần công ở đằng mũi và hai ở đằng lái. Binh sĩ phải chèo thuyền và cho là một vinh dự lớn. Nhiều người Âu được thấy đều phục tài thủy thủ của họ. Ðể giữ nhịp chèo, người ta dùng hai miếng gỗ gõ vào nhau, chiến thuyền thường đi thành hàng ba, hàng năm, có khi hàng bảy, song song với nhau, rất đều đặn. Các tay hàng hải Tây Phương thời đó chỉ có thể chỉ trích được những chiến thuyền này ở một điểm, đó là ván thuyền buộc bằng thừng chứ không dùng đanh ghép vì thế không vững chải lắm, và hằng năm phải bện lại.

Vua đứng đầu nước nhưng việc cai trị đều trong tay Chúa. Khi vua băng hà, Chúa chọn người nối ngôi. Tuy nhiên, vua có quyền phong tước vị trong nước, chủ trì các lễ lạt cũng như các buổi chầu của các quan.

Vào ngày mồng ba Tết, văn võ bá quan ăn bận chỉnh tề, mỗi người có mang thẻ bài theo cấp bậc của mình đến từ sáng sớm. Một đám rước rực rỡ tiến ra khỏi cổng thành, đi qua các phố chính. Ði đầu là mấy ngàn quân mặc binh phục màu sắc đẹp mắt, mang vũ khí như cung tên, kiếm, giáo mác đồng và súng hỏa mai. Tiếp đến là các quan, hoàng thân quốc thích; một số cỡi ngựa, số khác cỡi ba trăm con voi của nhà vua. Sau đó là Chúa đi trên một cỗ xe thấp mạ vàng, theo sau là một con voi có thắng cân đai lộng lẫy. Ði sau Chúa là các văn tự tiến sĩ cử nhân và tú tài, tất cả mặc áo thụng bằng lụa màu tím thẫm và các thứ vải quí khác, trên áo đeo thẻ bài ghi rõ bằng cấp tước vị. Vua đi sau cuối, ngự trên chiếc ngai vàng chói lọi, phủ bằng vóc vàng và xanh lục, do nhiều người khiêng.

ln_110

Như trên đã nói, đứng đầu xứ sở là vua nhưng người có thực quyền là Chúa. Nhà Chúa cai trị qua tay những quan lại. Ngày nay ta vẫn tin rằng những quan lại ấy do thi cử đổ đạt mà được cử ra làm quan, và những kỳ thi ấy mở rộng cho tất cả sĩ tử. Sự thực đã không như thế. Một số quan lại xuất thân từ trường thi nhưng đại đa số thì không. Có người do họ hàng với nhà Chúa nhưng vẫn còn là số ít. Phần đông do hai lối xuất thân: một là vào hầu Chúa với tư cách quan thị (quan thị là hoạn quan hay quan giám, đời Lê gọi là cậu. Họ không có bộ phận sinh dục do bẩm sinh, hoặc tự thiến. Dù vậy họ vẫn có thê thiếp hầu hạ, phục dịch), hai là bỏ tiền ra “mua quan bán tước.” Thời ấy nhiều người thiến con đi để khi lớn lên đem vào hầu phủ Chúa. Vì chỉ có quan thị, ngoài số cung tần mỹ nữ, là được phép ra vào chốn cung cấm nhà Chúa, cho nên lẽ tự nhiên phần lớn những quan thị ấy được Chúa tin yêu mà bổ dụng vào những chức vụ cao. Thường lệ quan thị phải hầu trong phủ Chúa độ 7 hay 8 năm rồi mới được bổ đi làm quan.

ln_111

Quyền hành các quan thời ấy rất lớn, họ hoàn toàn làm chủ ở địa phương họ trị nhậm. Ðối với họ, nhà Chúa rất rộng lượng, chỉ có phản bội mới phải tội chết. Ngoại trừ một số nhỏ, còn đa số toàn là những quan tham, ăn tiền của dân đen một cách công khai mà không hề bị trừng phạt, nếu Chúa không ngầm khuyến khích thì sao họ dám ngang nhiên như vậy. Tuy nhiên vì họ là quan thị, không có con nối dõi nên khi chết đi, của cải lại rơi cả vào tay Chúa. Vì được nhiều ưu tiên nên có quan đã khá tuổi rồi mà còn đi thiến để cầu cạnh thăng quan.

Quân đội rất lớn để giữ gìn bờ cõi, ngoài biên giới và ở Kẻ Chợ thì quân số rất đông, một số khác canh phòng nơi thôn dã, dọc theo những đường cái quan, sông ngòi. Lính canh có thể chận người đi đường khám xét, xem hàng hóa có trả đủ thuế không mới được đi. Người nào tình nghi thì bị hành hạ tàn nhẫn cho đến khi minh chứng được tình ngay, nên những kẻ mưu phản hay bị truy nã, khó lòng giữ được hành tung khỏi bại lộ.

Làng xã tùy theo số dân mà bổ thuế, cũng dựa theo đất ruộng tốt xấu ra sao nữa. Làng nào nghèo không thể nộp thuế thì phải gánh cỏ ra Kẻ Chợ để nuôi ngựa và voi của nhà Chúa, ròng rã suốt năm rất vất vả vì những làng này thường ở xa kinh thành.

ln_112

Làm thợ lại còn khốn khó hơn nữa vì phải làm “việc quan” mỗi năm 6 tháng. Trong thời kỳ này họ không được trả lương, nhiều khi còn phải tự túc lương thực. Do vậy trong 6 tháng kia người thợ phải kiếm làm sao để có thể nuôi sống gia đình cả năm, mà gia đình phần nhiều là đông đúc.

ln_113

Quan đi võng có người đi trước đánh phèn la mở đường, ai chậm chân sẽ bị người ngồi trên ngựa quất roi. Phía sau có người mang theo lọng che khi quan hạ thổ, người khác mang theo đồ dùng riêng của quan như cau, trầu,.., và sau cùng có lính bảo vệ. (Hinh: BAVH)

Người ở kinh thành là thương gia bị đánh thuế rất nặng, ngoài ra họ còn phải gánh vác “việc quan”, tức là phải làm những việc các quan cắt đặt cho như sửa đường xá, đê điều, tường thành, hoặc kiếm củi nộp phủ Chúa và các công thự khác. Nếu khá giả họ có thể thuê người đi làm thay.

Người dân đã cực như thế mà vô phúc gặp khi bị kiện tụng lôi thôi; kiện tụng là phải mất tiền, không có thì khó lòng tránh được trừng phạt thiệt thòi và đâu đâu cũng thế, đồng tiền mua được công lý. Người dân không thể tự do đi lại trong xứ vì hết chỗ này giữ lại hỏi, đến chỗ kia bắt lại khám, có khi bị bắt bớ vì bị nghi oan.

Nam Kỳ thuộc Chúa Nguyễn

Vào thời này nhà Nguyễn chỉ vừa mới lập quốc riêng biệt nên rất quan ngại việc khả dĩ có cuộc tấn công từ phương Bắc. Họ chuẩn bị tự vệ bằng cách xây lũy Ðồng Hới và cho đóng ở đó một đạo lục quân và hải quân được luyện tập tinh nhuệ, rồi mới bắt tay vào việc mở mang xứ sở mới của họ. Về mạn Nam, người Chàm là kẻ địch nhưng hồi đó không còn là mối đe dọa. Ren Ran (Phan Rang ngày nay) là tỉnh giáp giới với đất Chàm.

nam ky

Thứ áo quần người Nam Kỳ mặc thời đó rất khác với quần áo ngày nay. Mọi người đàn bà thường mặc năm hoặc sáu chiếc xiêm, cái nọ chồng lên cái kia, và mỗi cái một màu khác nhau. Chiếc ngoài cùng thì ngắn, chỉ chấm tới đùi. Chiếc thứ hai dài hơn một chút, lộ ra ngoài chiếc thứ nhất mấy phân tây. Chiếc thứ ba lại dài hơn chiếc thứ nhì, và chiếc thứ tư dài hơn chiếc thứ ba, cứ thế cho đến chiếc xiêm mặc trong cùng thì dài hơn cả, dài quét đất và che kín cả chân. Từ thắt lưng trở xuống người phụ nữ trông như có bận một loạt những băng mầu sặc sỡ, uyển chuyển, thay đổi hình dáng mỗi khi họ bước đi. Nửa trên họ mặc áo chẽn hoặc áo cộc cũng bằng thứ vải mầu sặc sỡ. Tất cả phụ nữ thời đó để tóc rất dài, tóc dài được coi là biểu hiệu của nhan sắc, có người tóc dài đến chấm đất…

Phong tục ở Nam Kỳ khác xa ngoài Bắc mặc dù hai xứ chỉ mới phân chia được một thời gian ngắn, như cách làm nhà cửa và cách phục sức. Tuy thế, sự khác biệt không đến nỗi quá sâu xa như khi mới thoạt nhìn. Thực ra người Nam bắt chước lối làm nhà sàn của người Chàm vì thích hợp với một nơi hay bị lụt lội bất ngờ. Dân chúng cũng ảnh hưởng lối ăn mặc của người Chàm, ngoại trừ giới quan lại và nhà Nho vẫn ăn bận theo y phục cổ truyền, vì họ giữ tinh thần bảo thủ hơn. Nam Kỳ cũng có thứ tiền đúc riêng, bằng đồng, hình tròn có khắc phù hiệu nhà Chúa. Cũng như Bắc Kỳ, giữa đồng tiền có lỗ vuông để xâu dây, chỉ khác là ngoài Bắc 600 đồng một chuỗi, trong khi ở Nam Kỳ thì một chuỗi có 1,000 đồng tiền.

nam ky 2

Ở miền Nam lụt thường xảy ra bất ngờ vào mùa mưa nên nhà cửa làm trên những cột chắc bằng gỗ lim. Những cột này nhiều khi được chạm trổ tinh vi và sơn rất đẹp mắt. Trâu bò bị chết nhiều vì lụt nên có lệ ai bắt gặp đầu tiên thì có quyền được hưởng, đem về ăn uống linh đình. Chuột thường chạy lên cây tránh lụt nên bắt chuột là môn thể thao của trẻ con bằng cách bơi thuyền đi rung những cành cây. Mùa lụt cũng trở thành mùa rất hoạt động, khi hầu hết miền quê bị ngập nước, người ta có thể dùng thuyền để chở đồ nặng đi bất cứ nơi đâu. Ða số các gia đình lên đồi lên núi kiếm củi chở về dùng quanh năm.

Nam Kỳ trù phú, dư thừa thóc gạo, thịt cá, gỗ quí, mỏ kim loại…Nhờ cuộc sống sung túc nên con người đâm ra quảng đại. Hành khất hay khách lạ ghé vào nhà nào cũng được đãi một bữa thịnh soạn. Nếu khách hỏi xin vật gì thì sẽ được cho ngay mà không hề hỏi han. Ai từ chối lời xin đều được coi như bần tiện, bị mọi người khinh bỉ.

ln_115

Người Nam ưa tiệc tùng đình đám, ngay người nghèo cũng không mời dưới ba bốn chục thực khách. Tiệc dọn ngoài trời. Tiệc lớn có đến cả ngàn người. Khách ngồi dưới nền trước một bàn tròn cao đến ngực, mỗi người một bàn. Họ không dọn cơm vì cho là quá tầm thường, thức ăn gồm cá, gà, vịt…Người quan trọng ăn trước, rồi đến những người khác và cuối cùng là hạng tôi đòi. Ðồ dư tôi tớ đem về cho con cái họ. Trong tiệc người ta uống rất nhiều rượu, cất bằng gạo và luôn luôn có rất nhiều người say. Người Âu kể rằng ở Nam Kỳ nạn nghiện rượu cũng nặng không kém ở Âu Châu, và ở thế kỷ 17 người Âu nghiện rượu hơn ngày nay nhiều.

Phụ nữ Nam Kỳ đóng vai trò quan trọng trong các công việc trong xứ, mà người Âu rất cảm phục vì đó là hiện tượng hiếm có ở Á Châu. Ðàn bà làm việc đồng áng, coi sóc nhà cửa, kể cả buôn bán, lãnh vực mà người ta cho là đàn bà tinh khôn hơn đàn ông. Họ làm việc cần mẫn hơn đàn ông nhiều và còn được tự do hoạt động xã hội nữa. Một giáo sĩ người Ý       tên Borri viết: “Người chồng phải trả tiền hồi môn để được về sống ở nhà vợ. Người vợ trông nom tất cả, chồng chỉ ăn không ngồi rồi, có khi không còn biết trong nhà có những gì.”

ln_117

Người Âu đến buôn bán chỉ có người Bồ được Chúa trọng đãi hơn cả. Họ họp thành đoàn thể riêng, có giáo sĩ và bác sĩ người Bồ săn sóc. Người quốc tịch khác cũng đến khác các bác sĩ này nhưng họ nói một số chứng bệnh, thầy thuốc Nam Kỳ chữa giỏi hơn. Ngay bác sĩ Bồ Ðào Nha tìm đến thầy thuốc Nam Kỳ nhờ chữa bệnh không phải là chuyện hiếm hoi. Thầy thuốc Nam Kỳ bắt mạch con bệnh rất lâu và nói cho biết mắc bệnh gì. Nếu thấy không chữa được thì nói trắng ra rồi đứng dậy bỏ đi. Nếu chữa được thì cho biết chữa mất bao lâu và đôi bên kỳ nèo giá cả rồi cùng làm giao kèo. Nếu lành bệnh trong thời gian đã định thì được trả tiền, bằng không thì chẳng được đồng nào. Thầy thuốc Nam lấy máu rất hay, họ dùng một cái cưa bằng sứ bé tí cài vào một cái lông ngỗng, cắt một lát nhỏ ở mạch máu và rút ra một số máu cần thiết. Khi lông ngỗng được rút ra, vết cắt được làm liền bằng nước bọt, máu ngưng ngay không cần phải băng bó.

ln_118

Chúa Nguyễn rất mê súng, có lần vớt được một ít súng đại bác từ tầu bị đắm của Hòa Lan hay Bồ Ðào Nha khiến Chúa thích chí nên đặt mua thêm từ các nhà buôn. Trong phủ Chúa có chừng 60 khẩu đại bác lớn. Chúa bắt binh lính tập bắn thật giỏi, còn giỏi hơn hầu hết lính pháo thủ của các tàu người Âu đến đây. Chúa thích thách những tầu ngoại quốc ghé tới Việt Nam bắn thi với lính của Chúa. Lính pháo thủ Nam Kỳ hồi đó bắn giỏi đến độ phần nhiều người Âu đều thoái thác lời thách thức vì biết không thể hơn nổi.

ln_119

Nguồn bài đăng

0