22/06/2018, 09:34

Marine Le Pen là ai?

Nguồn: Christine Ockrent, “Who Is Marine Le Pen,” Project Syndicate, 24/04/2017. Biên dịch: Trương Thái Tiểu Long | Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng Tôi còn nhớ như in lần đầu ứng cử viên tổng thống Pháp Marine Le Pen xuất hiện trên truyền hình. Đó là trước thềm cuộc vận động ...

Nguồn: Christine Ockrent, “Who Is Marine Le Pen,” Project Syndicate, 24/04/2017.

Biên dịch: Trương Thái Tiểu Long | Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng

Tôi còn nhớ như in lần đầu ứng cử viên tổng thống Pháp Marine Le Pen xuất hiện trên truyền hình. Đó là trước thềm cuộc vận động bầu cử tổng thống năm 2002 và tôi chịu trách nhiệm điều phối một cuộc tranh luận trên sóng truyền hình công cộng Pháp. Để cân bằng quan điểm chính trị, chúng tôi cần một đại diện từ Đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu, lúc đó do cha của Le Pen, ông Jean-Marie Le Pen, dẫn dắt. Bruno Gollnisch, người quản lý chiến dịch tranh cử và là người có vẻ sẽ kế nhiệm Jean-Marie, đã từ chối tham gia và đề nghị để Marine thế chỗ.

Đây rõ ràng là một món đòn không chỉ đối với một kênh truyền thông bị coi là thù địch, mà còn với chính Le Pen – đối thủ mà Gollnisch không ưa vì theo ông, bà được cha mình đề bạt một cách thái quá trong bộ máy của Đảng Mặt trận Quốc gia. Le Pen phần lớn vẫn là một luật sư vô danh 33 tuổi với kinh nghiệm non nớt dù rõ ràng bà có khiếu hài hước tinh tế. Cuối cùng, kế hoạch của Gollnisch lại phản tác dụng: chỉ vài ngày sau khi Le Pen xuất hiện, tiêu đề trên một tuần san viết rằng, “Đảng Mặt trận Quốc gia có gì mới? Marine!”

Ngày 21 tháng 04 năm 2012 – một ngày đáng nhớ của chính trị nước Pháp – Jean-Marie 73 tuổi giành được 17% số phiếu trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống, và vì thế đánh bật cựu thủ tướng của Đảng Xã hội, Lionel Jospin, khỏi cuộc đua vào vòng hai. Nhưng sau đó người dân thuộc mọi đảng phái thông qua phong trào “mặt trận Cộng hoà” đã cùng phản đối Le Pen và giúp ứng cử viên bảo thủ Jacque Chirac giành được đến 82% số phiếu.

Mười lăm năm sau, Marine Le Pen còn toả sáng hơn cả cha mình khi đã thuyết phục được 21,3% cử tri Pháp chọn bà kế nhiệm François Hollande tại Điện Elysée. Nhưng, để chiến thắng trong vòng hai, bà phải đánh bại Emmanuel Macron, chính trị gia trung dung 39 tuổi dẫn trước bà trong vòng một với 24% số phiếu.

Điều đó không hề dễ dàng hơn so với thời của cha bà. Cả François Fillon của Đảng Cộng hoà lẫn Benoıt Hamon của Đảng Xã hội đều nhanh chóng ủng hộ Macron sau vòng bầu cử đầu tiên – Hamon gọi Le Pen là “kẻ thù của nền Cộng hoà” – một “mặt trận Cộng hoà” khác, tuy quy mô nhỏ hơn nhiều, có thể sẽ xuất hiện.

Nhưng Le Pen là một người gai góc và vô cùng tin tưởng vào vận mệnh của mình. Nỗ lực làm mới hình ảnh Mặt trận Quốc gia của bà đã khiến đảng này từ một phong trào bên lề thành một lực lượng chính trị lớn. Dù bà từ bỏ nỗ lực đặt lại tên Mặt trận Quốc gia thành “Bleu Marine” (Marine Xanh – Marine cũng có nghĩa liên quan đến biển, đại dương – NBT) vì thương hiệu cũ rất được lòng các cử tri lớn tuổi, nhưng cách tiếp cận này thể hiện một sự sùng bái cá nhân mà bà luôn dung dưỡng, thể hiện qua việc chèn ép các quan điểm bất đồng và ngay cả với cô cháu ruột, Marion Maréchal Le Pen, một ngôi sao chính trị đang lên.

Thành công của Le Pen cho thấy một dạng “tẩy rửa” ý thức hệ mà bà đã thực hiện với cố vấn thân cận nhất của mình, Florian Philippot, một “énarque” (cựu sinh viên Trường Hành chính Quốc gia Pháp – ENA) bóng bẩy và am hiểu truyền thông, người quả quyết rằng ông quyết định tham gia cùng Le Pen là vì tài năng chứ không phải tư tưởng của bà. Cặp đôi đã phủ lên Mặt trận Quốc gia những lớp màu tươi mới – xanh, trắng, và cả đỏ, đương nhiên.

Ban đầu, Le Pen vận động tranh cử giống như cha bà: tận dụng vóc người đậm và khuôn mặt nhăn nhó để doạ nạt đối thủ, gượng ép chất giọng khàn khàn của người hút thuốc để trình bày quan điểm, không bao giờ dùng “chiêu bài giới tính.” Nhưng cuối cùng bà cũng nhận ra mình có thể chơi theo cách khác. Thon gọn hơn, ăn mặc chải chuốt hơn, và dịu giọng hơn, bà đã xây dựng một loại sức hút cho phép bà thu hút được nhiều người ủng hộ hơn, từ thanh niên thất nghiệp đến tầng lớp trung lưu vỡ mộng, từ những viên cảnh sát lo ngại mất đi quyền kiểm soát đối với các thế hệ người nhập cư đời thứ hai hoặc thứ ba và mong muốn đóng cửa nước Pháp đối với người nước ngoài.

Tiến trình lấy lại hình ảnh tích cực cho Đảng Mặt trận Quốc gia đòi hỏi Le Pen không chỉ phải loại bỏ luận điệu tiêu cực do cha bà để lại mà còn phải gạt ông ra khỏi đảng. Mùa hè năm 2015, Marine khai trừ Jean-Marie ra khỏi chính đảng do ông thành lập năm 1972. Ông đã kiện Marine ra toà, chỉ để chấp nhận thất bại vài tháng sau đó.

Dĩ nhiên, ngay cả khi loại bỏ những khẩu hiệu bài Do Thái, giọng điệu hoài niệm về nước Pháp thời Vichy, những hồi tưởng đầy tự hào về Chiến tranh Algerie, và thậm chí cả cha mình, Le Pen vẫn tiếp tục châm dầu vào ngọn lửa dân tuý. Bà phê phán vấn đề nhập cư, đạo Hồi, toàn cầu hoá, chủ nghĩa đa văn hoá, NATO, giới tinh hoa, “hệ thống,” thị trường, truyền thông, và trên hết là Liên minh châu Âu (EU) – con quái vật gây ra mọi căn bệnh cho nước Pháp.

Không cần bận tâm đến việc cả 23 thành viên Đảng Mặt trận Quốc gia ở Nghị viện châu Âu đều được trả lương bằng tiền của EU, hay chính bản thân Le Pen đang phải trải qua một cuộc điều tra pháp lý về việc biển thủ các khoản trợ cấp dành cho các thành viên Nghị viện châu Âu thuộc đảng mình. Với nhiều người Pháp, nỗi lo lắng về địa vị xã hội, cơn phẫn nộ với nền kinh tế, và nỗi lo sợ chủ nghĩa khủng bố mới là những điều đáng quan tâm hơn nhiều.

Le Pen cũng đã làm hết sức để xây dựng vị thế quốc tế cho mình. Hồi tháng 1, bà chờ đợi trong vô vọng ở New York với hy vọng nhận được sự ủng hộ từ Donald Trump – người mà bà cho là đã sao chép phần nào công thức chính trị của bà để đắc cử tổng thống Mỹ. Ở Moskva, bà đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin – không phải để đề nghị hỗ trợ tài chính, các quan chức trong đảng nhanh chóng cho biết, mà là để thảo luận tình hình thế giới.

Dẫn đầu các bảng thăm dò ý kiến từ tuần này sang tuần khác, Le Pen và Đảng Mặt trận Quốc gia mới của bà dường như đã giải quyết xong mọi chuyện. Nhưng hai tuần trước, lớp vecni ngoài đã bắt đầu rạn nứt. Các cuộc họp của bà trở nên căng thẳng, lời lẽ của bà trở nên gay gắt. Cũng giống như người cha phủ nhận Holocaust của mình, bà khẳng định nước Pháp không phải chịu trách nhiệm cho việc trục xuất người Do Thái đến các trại tập trung của Đức Quốc xã. Liệu đây là loạn ngôn, mệt mỏi do cuộc tranh cử, hay là một nỗ lực có chủ ý nhằm trấn an những người ủng hộ Đảng Mặt trận Quốc gia rằng lãnh tụ của họ vẫn chưa lạc lối?

Bất kể là trường hợp nào thì đến nay đã có khoảng 7,6 triệu cử tri công nhận Le Pen là người thích hợp để lãnh đạo nước Pháp (con số có lẽ đã tăng lên đáng kể nhờ vụ tấn công khủng bố vào Đại lộ Champs Elysées ba ngày trước cuộc bỏ phiếu). Và dù sự kết hợp giữa việc tái định vị thương hiệu với việc tạo nên hỗn loạn có lẽ sẽ không đủ để bà đắc cử, bà cũng đã chuyển đổi thành công bộ mặt và tinh thần nước Pháp trong một thời gian dài sắp tới.

Christine Ockrent nguyên là Giám đốc Điều hành của France 24 và RFI.

Copyright: Project Syndicate 2017 – Who Is Marine Le Pen

0