22/06/2018, 09:34

Cuộc khổ nạn của Lưu Hiểu Ba

Nguồn: Perry Link, “The Passion of Liu Xiaobo,” The New York Review of Books , July 13, 2017. Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng & Tram Nguyen Cuối những năm 1960, Mao Trạch Đông, người cầm lái vĩ đại của Trung Quốc, đã khuyến khích trẻ em và thanh thiếu niên đấu tố thầy cô và ...

Nguồn: Perry Link, “The Passion of Liu Xiaobo,” The New York Review of Books, July 13, 2017.

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng & Tram Nguyen

Cuối những năm 1960, Mao Trạch Đông, người cầm lái vĩ đại của Trung Quốc, đã khuyến khích trẻ em và thanh thiếu niên đấu tố thầy cô và bố mẹ mình, đả đảo “ngưu quỷ xà thần,” và “làm cách mạng.” Trên thực tế, điều này đồng nghĩa với việc đóng cửa trường học ở Trung Quốc. Trong những thập niên sau đó, nhiều người đã lên án việc tước bỏ giáo dục của cả một thế hệ.

Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), chủ nhân giải Nobel Hòa bình năm 2010, người bị kết án 11 năm tù vì “kích động lật đổ” chính phủ Trung Quốc vừa qua đời hôm thứ Năm (13/07/2017), đã thể hiện một con đường khác. Ông Lưu, sinh năm 1955, mới 11 tuổi khi các trường học đóng cửa, nhưng ông vẫn tiếp tục đọc sách, ở bất cứ đâu ông tìm được. Không có giáo viên dạy ông về việc chính phủ muốn ông nghĩ về cái mình đọc như thế nào, ông bắt đầu tự mình suy nghĩ—và ông thích điều đó. Mao vô tình đã dạy cho ông một bài học đi ngược lại chính mục đích của Mao là biến trẻ em thành “hồng tiểu binh.”

Nhưng trải nghiệm này chỉ giải thích một phần tính độc lập kiên cường của ông Lưu. Nó có vẻ còn là một phẩm chất bẩm sinh. Nếu có gien nào quyết định tính thẳng thắn thì rất có thể ông Lưu đã mang gien ấy. Trong những năm 1980, khi đang học thạc sĩ ngành văn học Trung Quốc, ông đã có tiếng là một “con ngựa ô” vì bài bác gần như mọi nhà văn Trung Quốc đương thời: ngôi sao văn học Vương Mông thì ba phải chính trị; các nhà văn “tìm về nguồn cội” như Hàn Thiếu Công thì quá lãng mạn về giá trị của truyền thống Trung Hoa; ngay cả những anh hùng lên tiếng vì nhân dân như Lưu Tân Nhạn cũng vẫn sẵn lòng đặt niềm tin vào các nhà lãnh đạo Cộng sản “tự do” như Hồ Diệu Bang. Không có ai đủ độc lập. “Tôi có thể tóm gọn vấn đề của các nhà văn Trung Quốc trong một câu,” Lưu Hiểu Ba viết năm 1986. “Họ không thể tự mình sáng tác—đơn giản là họ không có khả năng—vì chính cuộc đời họ cũng không thuộc về họ.”

Ông mang tính thẳng thắn theo mình ra cả nước ngoài. Tại một cuộc hội thảo về điện ảnh Trung Quốc tại Đại học Oslo năm 1988, ông đã ngạc nhiên khi biết các nhà Hán học châu Âu không nói được tiếng Trung (mà chỉ đọc được) và còn quá ngây thơ khi chấp nhận ý nghĩa đãi bôi trong những tuyên bố của chính phủ Trung Quốc. “Chín mươi tám phần trăm [bọn họ] là vô dụng,” ông nhận xét (còn cuộc hội thảo thì “nhàm chán tột cùng.”) Từ Oslo ông đến New York, đến Đại học Columbia, nơi ông phát cáu khi nghe các nhà lý thuyết hậu thực dân dạy bảo ông về cảm giác của việc là “kẻ khác” nhược tiểu. Không phải ông mới là người nên nói cho họ biết sao?

Mùa xuân năm 1989, hai trải nghiệm, đầu tiên ở New York và sau đó ở Bắc Kinh, đã thay đổi sâu sắc dòng chảy tư duy và cuộc đời ông. Ông vừa viết xong cuốn Chính trị Trung Quốc đương đại và phần tử trí thức Trung Quốc, khám phá một số cách thức mà nền văn minh phương Tây có thể là “một công cụ để phê phán Trung Quốc.” Nhưng khi sang phương Tây, ông nhận ra mô hình ấy không rõ ràng đến thế. Các vấn đề như khủng hoảng năng lượng, bảo vệ môi trường, vũ khí hạt nhân, và cái mà ông gọi là “thói nghiện lạc thú và thương mại hóa” là các vấn đề của con người, không chỉ riêng phương Đông hay phương Tây. Hơn nữa, chuyến thăm Bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan ở New York đã làm ông tỉnh ngộ: chưa ai giải quyết vấn đề tinh thần của “sự bất toàn của cá nhân.” Ngay cả nhà văn vĩ đại của Trung Quốc hiện đại là Lỗ Tấn, với các tác phẩm phơi bày rất rõ sự chai cứng tinh thần, đạo đức giả, mê tín dị đoan, và sự bạo tàn, cũng không thể, theo ông Lưu, đi bước tiếp theo và “đấu tranh với bóng tối.” Lỗ Tấn đã cố, trong những bài thơ văn xuôi của ông, nhưng cuối cùng phải chùn bước; ông “không thể đối đầu với nỗi sợ hãi đơn độc của nấm mộ” và “không tìm được giá trị siêu việt nào để giúp mình đi tiếp.”

Cuốn Chính trị Trung Quốc đã được gửi đến nhà xuất bản, nhưng ông Lưu vẫn quyết định viết thêm một “Lời bạt,” và, với sự trung thực đặc trưng, ông dùng nó để làm suy yếu chủ đề chính của cuốn sách. Để làm “một người chân thực,” ông viết, giờ đây ông sẽ phải “tiến hành đồng thời hai phê bình”: một phê bình về Trung Quốc, vẫn dùng phương Tây như một thước đo, và một phê bình về chính phương Tây, và ở đây ông sẽ phải bắt đầu lại, từ đầu, nghĩ lại mọi thứ. Ông hoàn thành tiểu luận này vào tháng 3 năm 1989 với lời kết, “lời bạt này đã làm tôi kiệt sức.”

Tháng 4, ông lên máy bay từ New York về Bắc Kinh, không phải vì kiệt sức mà vì ông đã đọc được tin tức về các cuộc biểu tình đòi dân chủ của sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn và cảm thấy có trách nhiệm phải hỗ trợ họ. “Tôi hy vọng,” ông viết, “mình không phải kiểu người làm tư thế anh hùng rồi bắt đầu chau mày do dự khi đứng trước cửa địa ngục.”

Ở Bắc Kinh, lý tưởng của các bạn sinh viên đã làm ông cảm động. Ông giúp lên kế hoạch một cuộc tuyệt thực và tự mình tham gia. Cách tiếp cận của ông là không đối đầu, gần giống Gandhi. Trong “Tuyên bố tuyệt thực ngày mùng 2 tháng 6” ông viết rằng “xã hội dân chủ không được xây dựng trên thù hận và đối địch, mà được xây dựng trên sự tham vấn, tranh luận, và bỏ phiếu… [và trên] sự tôn trọng lẫn nhau, khoan dung, và sẵn sàng thỏa hiệp.” Chưa đầy hai ngày sau ông Lưu đã có cơ hội đưa lời nói của mình vào thực tiễn. Khi xe tăng bắt đầu lăn bánh về Quảng trường Thiên An Môn và chắc chắn những người cản đường sẽ bị sát hại, ông Lưu cùng bạn là Chu Đà và Hầu Đức Kiện đã thương lượng với quân đội nhằm cho phép sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn rời khỏi đó một cách an toàn. Không thể biết có bao nhiêu mạng sống đã được cứu nhờ thỏa hiệp này, nhưng chắc chắn phải đến hàng chục và có lẽ hàng trăm người.

Nhưng sau đó, ông Lưu làm một chuyện mà sau này ông coi là “sai lầm” làm ông ăn năn cả đời. Ông đã tìm kiếm nơi trú ẩn tạm thời ở nhà một nhà ngoại giao nước ngoài. Sau đó ông nghe nói những người khác—chủ yếu là dân thường—đã ở lại đường phố để giúp đỡ những người bị thương hoặc vẫn đang bị bắn. Họ đã mạo hiểm mạng sống để giúp đỡ, và khi chính phủ tuyên phạt những người tham gia “bạo loạn phản cách mạng,” những người dân thường ấy đã bị đối xử hà khắc hơn cả các sinh viên biểu tình. Nhiều người nhận án tù từ 18 đến 20 năm, một số bị tử hình. Bản thân ông Lưu bị đưa đến nhà tù Tần Thành, một cơ sở cao cấp giam giữ đối thủ chính trị của các nhà lãnh đạo cấp cao, và ở đó chỉ trong 19 tháng—“chán chết, nhưng chỉ thế thôi.”

Ông Lưu cảm thấy bị ám ảnh bởi những “hồn ma chưa siêu thoát” của Thiên An Môn, bóng ma phiền muộn của các sinh viên cũng như công nhân mà tuổi đời của họ mãi mãi dừng lại vào đêm họ ra đi. Ông viết rằng mình có thể nghe thấy tiếng khóc oán thán của họ—“yếu đuối, bất lực, đau lòng”—vọng lên từ lòng đất. Năm nào vào ngày kỷ niệm cuộc thảm sát ông cũng làm một bài thơ tưởng nhớ họ. “Lời sau cùng” của ông tại phiên tòa tháng 12 năm 2009 mở đầu: “Tháng 6 năm 1989 là bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi.” Tháng 10 năm 2010, khi bà Lưu Hà vợ ông báo tin ông được trao giải Nobel Hòa bình, ông nói, “Giải thường này là dành cho những bóng ma phiền muộn.”

Sau khi được thả khỏi nhà tù Tần Thành năm 1991, ông bị cấm xuất bản ở Trung Quốc và bị đuổi việc ở Đại học Sư phạm Bắc Kinh—dù sinh viên ở đó vẫn luôn yêu mến các bài giảng của ông. Ông bắt đầu kiếm sống bằng cách viết bài cho các tạp chí ở Hồng Kông, Đài Loan, và nước ngoài. Sự trỗi dậy của mạng Internet ở Trung Quốc đầu những năm 2000 đã làm gia tăng đáng kể lượt người đọc các tiểu luận của ông, không chỉ ở ngoài Trung Quốc mà còn ở trong nước, khi các người bạn nước ngoài tìm cách vượt qua “Phòng hỏa Trường thành” của chính phủ và đưa các bài viết trở về Trung Quốc. Trước năm 1989, tiểu luận của ông chủ yếu viết về văn chương Trung Quốc đương đại, nhưng giờ đây ông nói về các chủ đề trong lĩnh vực lịch sử, chính trị, và xã hội, cho thấy một nền tảng kiến thức phong phú. Ông còn bắt đầu làm thơ. Sự rộng lớn của các chủ đề trong thơ và tiểu luận của ông có thể gây sửng sốt: Khổng tử, Kant, Thánh Augustine, nông dân ở Giang Tô, vận động viên Olympic, sự hài hước ở Trung Quốc và Tiệp Khắc, khiêu dâm và chính trị, cuộc cách mạng Internet, việc Obama đắc cử, một con chó con bị giết, quan hệ quốc tế, Đức Dalai Lama, “phép lạ kinh tế” của Trung Quốc, và nhiều chủ đề khác nữa.

Nhất quán với triết lý “không có kẻ thù” mà ông theo đuổi sau năm 1989, giọng điệu mạnh mẽ trong các bài viết trước đây giờ đã dịu xuống. Nhưng sự thẳng thắn tuyệt đối—khả năng không thẳng thắn không được của ông—vẫn không thay đổi. Đến giữa những năm 2000, Lưu Hiểu Ba thường được xem là nhà bất đồng chính kiến hàng đầu của Trung Quốc. Mùa xuân năm 2008, một số người bạn của ông bắt đầu ấp ủ ý tưởng soạn thảo một bản tuyên ngôn công dân, kêu gọi bầu cử tự do và chính phủ hợp hiến ở Trung Quốc. Họ gọi nó là “Hiến chương 08,” nhằm ca ngợi “Hiến chương 77” của Václav Havel và Tiệp Khắc. Ban đầu Lưu Hiểu Ba không tham gia, nhưng đến mùa thu, khi bản dự thảo đang được tiến hành và động lực đang lên, ông đã góp sức mình vào dự án. Ông biên tập bản thảo và cố gắng loại bỏ những từ ngữ khiêu khích không cần thiết mà có thể khiến người ta từ chối ký. Sau đó ông đã nỗ lực xin chữ ký—không chỉ từ các nhà bất đồng có tiếng mà từ cả giới công nhân, nông dân, quan chức nhà nước, và những người khác sẵn sàng tập hợp dưới một mái nhà chung để đòi hỏi một xã hội cởi mở và tự do hơn. Bản Hiến chương dùng ngôn ngữ ôn hòa. Phần lớn nó đã xuất hiện trong các văn kiện của Trung Quốc và Liên Hợp Quốc. Nhưng một số dòng, như “chúng ta phải bãi bỏ đặc quyền độc quyền hóa quyền lực của một đảng,” rõ ràng đã vượt quá những gì mà các nhà cai trị Trung Quốc có thể tiêu hóa.

Rõ ràng công sức của ông Lưu trong bản Hiến chương 08 đã dẫn đến bản án 11 năm tù của ông vào năm sau, và giải Nobel Hòa bình vào năm sau nữa. Trong buổi tiệc Nobel tháng 12 năm 2010, một thành viên của ủy ban Nobel nói với tôi rằng ủy ban của bà nhiều năm nay đã muốn tìm một người Trung Quốc nhận giải và những sự kiện trong năm ngoái “cuối cùng đã khiến đây trở thành thời điểm thích hợp.” Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Bộ Chính trị của ông rất có thể sẽ phải khó chịu khi nhận ra giam ông Lưu là giúp mở đường cho giải thưởng này.

Có vẻ khó hiểu khi một người chủ trương “không có kẻ thù” đã thực sự bỏ công làm mềm ngôn ngữ trong bản Hiến chương lại bị chọn ra để chịu hình phạt trong cuộc đàn áp của chính phủ. Một số đồng nghiệp của ông Lưu đã bị câu lưu và thẩm vấn, và bị tịch thu máy tính, nhưng chỉ có ông Lưu bị đưa vào tù. Dù “giết gà dọa khỉ” là phương thức thường thấy trong kỹ thuật chính trị của Trung Quốc cộng sản, vẫn còn câu hỏi là vì sao họ lại chọn một con gà yêu hòa bình.

Câu trả lời có lẽ là phong trào Hiến chương bị xem là một “tổ chức” trái phép mà ông Lưu là người lãnh đạo. Những người cai trị Trung Quốc trong thời gian gần đây đã cho thấy họ có thể dung thứ những chỉ trích bằng lời nói từ quần chúng miễn là nó đến từ những cá nhân bị cô lập. Một tổ chức trái phép, dù ôn hòa đi chăng nữa, thì phải bị nghiền nát. Năm 2005 Hồ Cẩm Đào ban hành một báo cáo mật tên là “Chiến đấu một cuộc chiến không khói: Giữ các cuộc ‘cách mạng màu’ nằm ngoài Trung Quốc.” Bản báo cáo nói những người như Nelson Mandela, Lech Wałęsa, và Aung San Suu Kyi là những người nguy hiểm. Nếu các phong trào tương tự xuất hiện ở Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào chỉ đạo, thì bắt “cá lớn” mà tha “cá bé.” Năm 2008, khi cảnh sát Trung Quốc biết người ta đang ký bản Hiến chương 08, nó chính thức bị xem là một nỗ lực nhằm kích động một cuộc “cách mạng màu.” Điều đó biến Lưu Hiểu Ba thành con “cá lớn” cần phải loại trừ. Có những dấu hiệu cho thấy ông Lưu hiểu rõ cơ chế này. Khi tham gia vào nỗ lực Hiến chương ông đã nói với các bạn mình rằng, ngoài biên tập và thu thập chữ ký, ông sẽ “chịu trách nhiệm” cho bản Hiến chương—về cơ bản là chấp nhận nguy cơ là con “cá lớn.”

Vì sao Hồ Cẩm Đào và người của ông lại quyết định đưa ra một bản án 11 năm—mà không phải là 10, 12, hay một con số khác—là một bí ẩn lúc đó và đến nay vẫn vậy. Trong nhiều phỏng đoán được đưa ra thì có một phỏng đoán là 11 năm tương đương với 4.018 ngày và có 4.024 chữ Hán trong bản Hiến chương 08. Do đó: mỗi chữ ông viết là một ngày tù, ông Lưu, và chúng tôi sẽ bỏ qua sáu chữ cuối cùng. (Đây chỉ là phỏng đoán, nhưng không phải trò đùa. Kiểu suy nghĩ nhỏ nhen và rất cá nhân này vẫn luôn phổ biến trong nền chính trị chóp bu của Trung Quốc.)

Hiến chương 08 và giải Nobel sau đó kết hợp lại dường như trong một thời gian đã mở ra một hướng đi mới cho Trung Quốc. Người Trung Quốc từ lâu đã quen với những thay đổi định kỳ giữa các khuynh hướng “tự do hơn” và “bảo thủ hơn” trong chế độ cộng sản, và thường đặt niềm tin vào quan chức cao cấp này hay quan chức cao cấp khác, nhưng bản Hiến chương 08 dường như đã nói có thể có một con đường khác để làm người Trung Quốc hiện đại.

Một khi người ta đã đọc thì khó mà tìm được người nào không đồng ý với bản Hiến chương, và chính tiềm năng lây lan này là cái làm các nhà lãnh đạo của chế độ lo lắng nhất. Đó là lý do (không phải lý do họ đưa ra nhưng là lý do thực sự) khiến họ bác bỏ bản Hiến chương, cầm tù Lưu Hiểu Ba, và lên án giải Nobel Hòa bình được trao cho ông. Nỗ lực của họ đã có hiệu quả: hầu hết người trẻ Trung Quốc ngày nay đều không biết Lưu Hiểu Ba là ai, còn những người lớn tuổi hơn biết đến ông thì lại hiểu rất rõ cái giá của việc nhắc đến ông trước công chúng.

Các biện pháp kiểm soát xã hội Trung Quốc đã được thắt chặt trong những năm gần đây, dưới sự cai trị của Tập Cận Bình—hướng đi ngược lại với những gì mà Hiến chương 08 kêu gọi. Điều này làm dấy lên câu hỏi, “Có phải bản Hiến chương đã chết? Nỗ lực ấy hóa ra công cốc sao?” Rất khó, nhưng câu trả lời của tôi là không. Tổ chức đã bị nghiền nát nhưng những tư tưởng của nó thì vẫn còn. Những nỗ lực liên tục của chính phủ—tốn công tốn sức, ăn sâu, rộng khắp đất nước, và rất tốn kém—nhằm đàn áp bất cứ thứ gì giống như những tư tưởng của Hiến chương 08 là đủ để thấy những người cai trị nhận thức khá rõ về sức mạnh liên tục của bản Hiến chương.

Nếu được nghe đích thân Lưu Hiểu Ba trả lời câu hỏi này thì thật tuyệt vời. Thế giới đã không được nghe một lời nào từ ông sau “Lời sau cùng” của ông trong phiên tòa năm 2009. Tháng 6 năm nay, ông được đưa đến một khu giam giữ ở bệnh viện Thẩm Dương với căn bệnh ung thư gan giai đoạn cuối trong mình. Ông đã đề nghị cho ông, vợ, và em trai vợ được sang Đức hoặc Hoa Kỳ để điều trị. Chính phủ Trung Quốc từ chối, nói ông Lưu đã nhận được sự chăm sóc y tế tốt nhất có thể và ông quá yếu để di chuyển. Ông qua đời hôm 13 tháng 7.

Không rõ vì sao, trong những tuần cuối đời, ông Lưu đã đồng ý từ bỏ mong muốn ở lại Trung Quốc mặc dù ông vẫn luôn không ngừng từ chối cuộc đời bên lề mà việc lưu vong tất yếu sẽ mang lại; có lẽ ông muốn dùng sức lực cuối cùng để giúp người vợ phải chịu khổ từ lâu là bà Lưu Hà và em trai bà, ông Lưu Huy, ra khỏi Trung Quốc. Nhưng suy nghĩ của những kẻ bắt giam ông thì không thể rõ ràng hơn: nó chẳng hề liên quan đến việc chăm sóc y tế mà là ngăn Lưu Hiểu Ba nói lên suy nghĩ của mình một lần cuối. Ông suy nghĩ gì trong tám năm tù? Ông đã thấy trước điều gì cho một thế giới mà nền độc tài cộng sản của Trung Quốc vẫn tiếp tục lớn mạnh?

Lưu Hiểu Ba đã được so sánh với Nelson Mandela, Václav Havel, và Aung San Suu Kyi, mỗi người trong số họ đều chấp nhận nhà tù như cái giá để theo đuổi một nền quản trị nhân đạo hơn cho tổ quốc mình. Nhưng Mandela, Havel, và Suu Kyi đều được sống để chứng kiến mình thoát khỏi các chế độ dã man đã đàn áp họ, còn Lưu Hiểu Ba thì không. Có phải điều này có nghĩa là vị thế của ông trong lịch sử sẽ không bằng của họ? Thành công của một phong trào có phải là điều cần thiết để nhà lãnh đạo của nó được xem là anh hùng?

Có lẽ. Nhưng so sánh Lưu Hiểu Ba với Tập Cận Bình có lẽ cũng sẽ hữu ích. Hai người chỉ chênh nhau hai tuổi. Trong Cách mạng Văn hóa của Mao cả hai đều không được đi học và bị đưa đến những vùng xa xôi. Ông Tập dùng thời gian để bắt đầu xây dựng một bản lý lịch sẽ cho phép ông, dựa hơi người cha cộng sản ưu tú của mình, một ngày giành lấy đỉnh cao quyền lực; ông Lưu dùng thời gian để tự đọc sách và học cách tự mình suy nghĩ. Một người thành thạo những mánh khóe và xu nịnh cần thiết để leo cao trong một bộ máy quan liêu khép kín; người còn lại học cách thách thức mọi kiểu nhận thức thông thường, chỉ giữ lại bên mình những tư tưởng có thể vượt qua phép thử của việc suy xét độc lập nghiêm ngặt. Với một người, giá trị được đo bằng quyền lực và vị thế; với người còn lại, bằng giá trị đạo đức. Trong cuộc đối đầu cuối cùng của họ, một người “thắng,” một người “thua.” Nhưng hai trăm năm nữa, ai còn nhớ tên của những kẻ bạo chúa đã giam Mandela, Havel, và Suu Kyi vào tù? Ánh sáng trong trí tuệ sắc bén của Lưu Hiểu Ba sẽ được nhớ đến, hay là sự tầm thường nông cạn trong đầu óc của Tập?

Perry Link là giáo sư ngành văn học so sánh tại Đại học California, Riverside, và giáo sư hưu trí ngành nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Princeton. Cuốn sách gần đây nhất của ông là An Anatomy of Chinese: Rhythm, Metaphor, Politics (Harvard University Press, 2013).

Một phiên bản của bài dịch đã được đăng trên blog của dịch giả.

Xem thêm:

#56 – Lưu Hiểu Ba viết về công cuộc tìm kiếm dân chủ của Trung Quốc

0