22/06/2018, 09:34

Những điều chưa biết về con trai út của Joseph Stalin

Tác giả: Trí Cao Lúc sinh thời, Joseph Vissarionovich Stalin, lãnh tụ Liên Xô có hai người vợ, sinh được ba người con. Người con đầu với bà Ekaterina Svanidze là Iakov Dzugasvili, còn hai người sau với bà Allilueva là Vasili Iosifovist Stalin và Svetlana Alliluyeva. Trong số ba người con ...

vasilystalin

Tác giả: Trí Cao

Lúc sinh thời, Joseph Vissarionovich Stalin, lãnh tụ Liên Xô có hai người vợ, sinh được ba người con. Người con đầu với bà Ekaterina Svanidze là Iakov Dzugasvili, còn hai người sau với bà Allilueva là Vasili Iosifovist Stalin và Svetlana Alliluyeva.

Trong số ba người con ấy, thì cuộc đời của Vasili Iosifovist Stalin chứa đựng rất nhiều những thăng trầm, thậm chí có lúc ông đã từng bị Chính quyền Xôviết gọi là “kẻ thù của nhân dân”…

Những bi kịch đầu đời

Sinh ngày 21-3-1921 tại Moscow, và mặc dù lớn lên trong điện Kremli với cuộc sống vật chất dư thừa nhưng Vasili lại thiếu hẳn sự chăm sóc của người cha. Do Stalin luôn bận rộn nên ngoài những giờ học hành, phần lớn thời gian Vasili chỉ chơi đùa với những người lính cận vệ và cô em gái Svetlana Alliluyeva.

Tướng Nikolai Vlasic, Tư lệnh cảnh vệ của Stalin nhớ lại: “Vasili rất nghịch ngợm và hiếu động. Cậu luôn nghĩ ra những trò chơi rồi đề nghị những người lính cận vệ phải chơi chung với mình và dĩ nhiên là chẳng ai dám trái ý cậu bé”. Sau này, trong nhật ký, Vasili viết: “Tôi chỉ được sống khi cha tôi còn sống”.

Năm Vasili lên 4 tuổi, một bi kịch xảy ra đã khiến trí óc non trẻ như một tờ giấy trắng của cậu bé bị bôi lên một vết mực đen. Người anh cùng cha khác mẹ của cậu là Iakov Dzugasvili, lúc ấy 18 tuổi bỗng dưng đòi Stalin cho… lấy vợ. Tuy nhiên, Stalin cương quyết từ chối và yêu cầu Iakov phải học xong đại học. Phẫn chí, Iakov dùng súng tự sát nhưng không chết. Sau vụ việc này, Stalin tuyên bố với những người thân cận: “Mặc kệ nó! Nó muốn sống ở đâu và với ai là việc của nó”.

Ngày 9-11-1932, mẹ Vasili là bà Nadezhda Allilueva tự sát. Bi kịch ấy một lần nữa lại tác động không ít đến sự trưởng thành của ông. Ông viết: “Chôn cất mẹ tôi xong, cha tôi vùi đầu vào công việc. Tôi đã sống thiếu tình thương của mẹ và không được cha chăm sóc thường xuyên. Tôi cứ thế lớn lên, chịu ảnh hưởng của những người lính cảnh vệ và dần dà, nó trở thành một phần trong nhân cách tôi. Vì vậy, đôi lúc tôi có những thái độ xử sự vô chừng mực. Tôi tập tành uống rượu và hút thuốc lá rất sớm, ngay từ hồi còn học ở Trường Trung học số 25, Moscow”.

Mặc dù đích thân Stalin giao việc giám sát Vasili cho tướng cảnh vệ Nikolai Vlasic, và phải thường xuyên báo cáo với Stalin về kết quả học tập nhưng điều này cũng không ngăn được tính nghịch ngợm của Vasili. Ông viết trong hồi ký: “Giáo viên chủ nhiệm nhận xét tôi học kém, hay phá phách nhưng lại rất tốt bụng, dễ hòa đồng và luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn bè”. Tuy nhiên, những lời nhận xét này không bao giờ được ghi vào học bạ, mà chỉ là những trao đổi riêng giữa giáo viên chủ nhiệm với tướng Nikolai Vlasic – và Nikolai Vlasic cũng chẳng lần nào nói với Stalin là Vasili học kém bởi một lẽ đơn giản: Vasili là con con trai Đại nguyên soái Stalin!

Trở thành phi công

Tốt nghiệp trung học, thay vì học tiếp lên đại học thì Vasili lại quyết định chọn con đường binh nghiệp. Nộp đơn vào Trường Hàng không Quân sự Kachin tại Crimea và mặc dù thi không đủ điểm nhưng Vasili vẫn trúng tuyển. Chẳng những thế, Ban Giám hiệu còn ưu ái dành cho anh chàng phi công tương lai này một căn phòng riêng với đầy đủ tiện nghi thay vì phải ở trong ký túc xá. Biết được tin ấy, Stalin ra lệnh cho hiệu trưởng đưa Vasili trở lại sống chung với các học viên khác đồng thời yêu cầu ông phải  thực hiện đầy đủ chương trình học tập.

Vasili khi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân tiêm kích cận vệ số 32.

Tốt nghiệp phi công với điểm lý thuyết kém nhưng điểm thực hành lại rất cao, Vasili nhận nhiệm vụ tại Phòng Thanh tra thuộc Bộ tham mưu Quân chủng Không quân của Hồng quân Liên Xô. Tại đây, ông đã gặp thiếu nữ Galina Burdonskaia. Họ kết hôn lúc Vasili mới 19 tuổi. Sau này ông còn lấy thêm 3 người vợ nữa và có tổng cộng 3 người con nhưng chẳng ai chịu được tính khí “sáng nắng chiều mưa” của ông.

Tháng 12-1941, Vasili mang quân hàm thiếu tá, phục vụ tại Trung đoàn Không quân tiêm kích số 16, căn cứ đặt tạI Moscow. Khi phát xít Đức tấn công Liên Xô mùa hè năm 1942, Vasili xin ra trận. Thời điểm này, người anh cùng cha khác mẹ với ông là Iakov Djugasvili bị quân Đức bắt làm tù binh rồi bị đưa đến trại tập trung Dachenhauden. Lúc ấy người Đức đã có ý định trao trả Iacov để đổi lấy thống chế Paulus, đầu hàng Hồng quân Liên xô ngày 31-1-1943 tại mặt trận Stalingrad.

Tuy nhiên, Stalin đã trả lời phát xít Đức bằng câu nói nổi tiếng: “Tôi không đánh đổi một thống chế để lấy một người lính”. Về sau, Iakov Dzugasvili chết trong trại tập trung mà lý do thì có nhân chứng cho rằng ông bị phát xít Đức giết, nhưng cũng có người quả quyết Iakov Dzugasvili âm mưu trốn trại. Khi trèo qua hàng rào và vì không biết nó đã được truyền điện, ông bị điện giật chết.

Trong suốt thời gian là phi công chiến đấu rồi trở thành Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân tiêm kích cận vệ số 32, Vasili đã tham gia nhiều trận không chiến, 3 lần được nhận Huân chương Cờ đỏ nhưng số máy bay phát xít Đức bị Vasili bắn hạ thì không rõ ràng. Có người nói 2 chiếc, người nói 3 chiếc và có người quả quyết Vasili đã bắn rơi 5 chiếc, nhưng trong bảng thành tích, chỉ thấy ghi là “ngày 5-3-1943, Vasili đã bắn rơi một máy bay tiêm kích Fw 190 của phát xít Đức”.

Tuy vậy, tất cả phi công thuộc Trung đoàn Không quân tiêm kích cận vệ số 32 đều công nhận rằng Vasili là người cực kỳ gan dạ và dũng cảm. Ấy thế mà vẫn do tính nghịch ngợm, Vasili bị Stalin giáng chức xuống làm phi công huấn luyện chỉ vì ông đã dùng một viên đạn đại bác 20mm của máy bay IL-2 để đánh cá. Chẳng hiểu đặt kíp nổ thế nào mà viên đạn phát nổ trước khi Vasili kịp ném xuống nước khiến một phi công chết ngay tại chỗ, nhiều người khác bị thương, trong đó có cả Vasili.

Giữa năm 1944, Vasili được phục hồi, trở thành Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân tiêm kích Cận vệ số 3. Tháng 3-1946, khi mới gần 26 tuổi, Vasily được phong quân hàm thiếu tướng. Năm 1948, Vasily Stalin là trung tướng, Tư lệnh lực lượng Không quân Quân khu Moscow nhưng trong lý lịch, Vasili vẫn bị đánh giá là  “nóng tính, thần kinh yếu, có những trường hợp hành hung cấp dưới”, chủ yếu là vì rượu!

Một lần nữa, xui rủi vẫn không buông tha Vasili. Ngày 1-5-1952, một chiếc máy bay ném bom TU-4 trong đội bay duyệt binh do Vasili chỉ huy, khi hạ cánh đã đâm vào một ngọn đồi. Cả phi hành đoàn đều chết mà nguyên nhân là Vasili đã buộc họ phải bay trong thời tiết xấu. Sau nhiều cuộc điều tra, ngày 27-7-1952, Stalin ký quyết định cách chức Vasili với lý do “đã thiếu trách nhiệm, để xảy ra tai nạn khiến 6 phi công chết, 1 máy bay bị phá hủy hoàn toàn”.

Trở thành “kẻ thù của nhân dân”

Tháng 3-1953, Stalin qua đời. Trong tang lễ, Vasili nhắc đi nhắc lại câu nói: “Người ta đã giết cha rồi!”. Chưa hết, ngày 28-4-1953, trong bữa ăn tối với một nhà ngoại giao Anh Quốc, Vasili tuyên bố “sẽ tiết lộ về tất cả những chuyện bí mật của những người thân cận với Stalin, kể cả những người đứng đầu nhà nước”. Trước sự việc động trời ấy, Nicolai Bulganin – Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô đã ra lệnh chuyển Vasili đến Quân khu Siberia để ông không còn có thể gây ra mối đe dọa nào nhưng Vasili chống lệnh.

Vasili cùng người vợ thứ 4 là Yekaterina Timoshenko trong tang lễ Stalin.

Ngày 26-3-1953, Vasili bị buộc phải giải ngũ, cấm không được phép mặc quân phục. 1 tháng sau ông bị bắt với các tội danh vu khống, hành hung, lạm dụng chức vụ. Bị tạm giam hơn 2 năm, năm 1955 Vasili ra tòa, nhận mức án 8 năm tù. Bản cáo trạng viết: “Vasili đã tung tin rằng lãnh tụ Stalin qua đời không phải vì cái chết tự nhiên mà do bàn tay sắp đặt của những thế lực cao cấp. Thêm vào đó anh ta có ý định tố cáo điều này với báo chí nước ngoài như một sự vu khống những người lãnh đạo Đảng và Chính phủ Xôviết. Anh ta đã trở thành kẻ thù của nhân dân”.

Thụ án tại nhà tù Vladimirsky – nơi giam giữ những tội phạm cực kỳ nguy hiểm, tên của Vasili chỉ được ghi một cách đơn giản: “Vasili Pavlovich Vasiliev”, không hề có chữ Stalin. Viết đơn gửi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô là Nikita Khrushchev và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Georgy Maksimilianovich Malenkov để xin khoan hồng nhưng đơn bị bác vì Vasili bị coi là một người nguy hiểm.

Ngày 11-1-1960, Vasili được phóng thích. Khi gặp Tổng Bí thư Nikita Khrusev, Vasili nhận được lời khuyên là “nên biết mình là ai, và nên hiểu  rõ vị trí của mình”. Bên cạnh đó, Khrusev cũng nói rằng ông ta rất sẵn lòng quên đi những chuyện cũ – là chuyện mà Vasili tố cáo Khrusev có liên quan trực tiếp đến cái chết của Stalin.

Được cho đi nghỉ dưỡng, cai rượu 3 tháng ở Kislovodsk, được khôi phục lại quân tịch và được hưởng lương hưu mỗi tháng 300 rúp, Vasili sống trong một căn hộ tại Moscow do Bộ Quốc phòng Liên Xô cấp. Mặc dù đi lại, sinh hoạt khó khăn do hậu quả của chứng nghiện rượu và những bệnh tật mắc phải lúc còn ở trong trại giam nhưng “tật lớn hơn tài”, một lần nữa Vasili lại lên tiếng tố cáo “âm mưu giết hại cha mình” cùng những lời lẽ chống Chính quyền Xôviết.

Bị bắt giam, đầu năm 1961 Vasili được tha vì có những vấn đề về tâm thần. Dẫu vậy, ông bị cấm cư trú ở Moscow cũng như ở Gruzia – là quê hương của Stalin vì người ta sợ rằng ông sẽ lợi dụng tên tuổi và uy tín của cha mình để nổi loạn. Nơi sinh sống cuối cùng của ông là thành phố Kazan, thủ phủ của Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xôviết. Chưa hết, tháng 1-1962, Vasili được cấp chứng minh thư mới. Trong chứng minh thư, tên họ của ông lúc này là “Vasili Dzugasvili” – nghĩa là chẳng còn chút gì liên quan đến Stalin!

Ngày 19-3-1962, Vasili qua đời do những di chứng của nạn nghiện rượu mãn tính khi chỉ còn 2 ngày nữa là ông tròn 41 tuổi. Năm 1999, Tòa án tối cao Nga hủy bỏ tội danh tuyên truyền chống Liên Xô đối với Vasili. Năm 2002, mộ ông được cải táng và được đưa về chôn tại một nghĩa trang ở Moscow. Lần này, họ tên ông được khắc đầy đủ trên tấm bia đá: Vasili Iosifovich Stalin.

Nguồn: ANTG

0