24/05/2018, 18:20

Lý Nhân Tông

Vua (chữ Hán: 李仁宗; 1066 – 1127), là vị vua thứ tư của triều Lý. Tên thật của ông là Lý Càn Đức (李乾德). Ông nổi tiếng là một minh quân trong lịch sử Việt Nam, là người đặt nền móng xây nền giáo dục đại học Việt Nam. Trong thời ...

Vua

(chữ Hán: 李仁宗; 1066 – 1127), là vị vua thứ tư của triều Lý. Tên thật của ông là Lý Càn Đức (李乾德). Ông nổi tiếng là một minh quân trong lịch sử Việt Nam, là người đặt nền móng xây nền giáo dục đại học Việt Nam.

Trong thời gian trị vì, ông cùng với mẹ là nhiếp chính Ỷ Lan và thái úy Lý Thường Kiệt hai lần đánh bại quân Tống.

Lý Càn Đức là con trưởng của vua Lý Thánh Tông và Nguyên phi Ỷ Lan. Ông sinh ngày 25 tháng giêng năm Bính ngọ (1066). Ngay hôm sau, ông được vua cha Lý Thánh Tông lập làm thái tử.

Năm 1072, Thánh Tông mất, Càn Đức mới 7 tuổi lên nối ngôi, tức là vua .

Vua Nhân Tông còn nhỏ, nhờ vào Thái phi Ỷ Lan làm nhiếp chính, lại thêm sự phò tá của Thái sư Lý Đạo Thành và Phụ quốc thái úy Lý Thường Kiệt, những nhân vật lịch sử tên tuổi không chỉ của triều Lý mà cả trong lịch sử Việt Nam, nên nước Đại Việt trở nên hùng mạnh.

Ông làm vua đến năm Đinh Mùi (1127) thì mất, trị vì được 56 năm, hưởng thọ 63 tuổi. là vị vua ở ngôi lâu nhất trong lịch sử Việt Nam.

Khi Nhân Tông lên ngôi, nhà Tống muốn nhân lúc vua Lý còn nhỏ để mang quân đánh chiếm. Nhờ vào khả năng quân sự của Lý Thường Kiệt, nước Đại Việt đã đứng vững trong cuộc chiến với Bắc Tống.

Năm 1075, ngay khi nhà Tống đang tập kết lực lượng ở Ung châu chuẩn bị tiến sang, Lý Thường Kiệt chủ động mang quân đánh sang đất Tống trước. Sang đầu năm 1076, quân Lý hạ thành Ung châu.

Năm Bính Thìn (1076), nhà Tống cử Quách Quỳ, Triệu Tiết đem đại binh sang xâm lược Đại Việt. Quân đội nhà Lý dưới sự chỉ huy của Phụ quốc thái úy Lý Thường Kiệt đã đánh bại được đội quân nhà Tống tại trận tuyến trên sông Như Nguyệt. Năm 1077, Quách Quỳ chấp nhận cho Đại Việt giảng hòa và rút quân trở về.

Nông nghiệp

Vua Nhân Tông rất quan tâm đến nông nghiệp. Ông cho đắp đê chống lũ lụt, nổi tiếng nhất là đê Cơ Xá, khởi đầu cho việc đắp đê ngăn lũ ở Việt Nam, nhằm giữ cho kinh thành khỏi ngập lụt.

Năm 1117, Nhân Tông còn ra quy định cấm giết trâu bò bừa bãi: ai mổ trộm trâu bị phạt 80 trượng và tội đồ làm người hầu trong quân đội; người giết trâu và ăn trộm trâu đều phải bồi thường; hàng xóm biết mà không tố cáo cũng bị phạt 80 trượng[1].

Khoa cử

Năm Ất Mão (1075), vua mở khoa thi tam trường, còn gọi là Minh kinh bác học để chọn người có tài văn học vào làm quan. Khoa thi ấy là khoa thi đầu tiên ở Đại Việt và chọn 10 người, thủ khoa là Lê Văn Thịnh. Thịnh làm đến chức thái sư (tể tướng), tỏ rõ là người có tài năng xuất chúng. Về sau, vua nghi ngờ Lê Văn Thịnh làm phản, nên đày lên Thao Giang (Tam Nông, Vĩnh Phú) đến hết đời.

Năm Bính Thìn (1076), vua cho lập Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên ở Đại Việt, chọn những nhà khoa bảng tài giỏi vào dạy. Đến năm Bính Dần (1086), mở khoa thi chọn người có tài văn học vào Hàn lâm viện. Khoa ấy có Mạc Hiển Tích đỗ đầu, được bổ nhiệm làm Hàn lâm học sĩ.

Quan chế

Năm Bính Dần (1086), vua Nhân Tông định quan chế, chia văn võ bá quan làm 9 phẩm. Quan đại thần có thái sư, thái phó, thái uý và thiếu sư, thiếu uý. Ở dưới những bậc ấy, về văn ban có thượng thư, tả hữu tham tri, tả hữu gián nghị đại phu, trung thư thị lang, bộ thị lang. Về võ ban có đô thống, nguyên suý, tổng quản khu mật sứ, khu mật tả hữu sứ, kim ngô thượng tướng, đại tướng, đô tướng, chư vệ tướng quân v.v...

Ở các châu quận, văn thì có tri phủ, tri châu; võ thì có chư lộ trấn, lộ quan.

Tháng chạp năm 1127, ốm nặng. Ông gọi các đại thần Lưu Khánh Đàm và Lê Bá Ngọc vào giao việc giúp thái tử Dương Hoán. Về việc tang lễ, ông dặn:

"Việc tang thì chỉ 3 ngày bỏ áo trở, nên thôi thương khóc; việc chôn thì nên theo Hán Văn Đế, cốt phải kiệm ước, không xây lăng mộ riêng, nên để ta hầu bên cạnh tiên đế"[2] ”

Sau đó ông mất ở điện Vĩnh Quang, ở ngôi 56 năm, thọ 63 tuổi. Thái tử Lý Dương Hoán - con của Sùng Hiền hầu và là cháu gọi Nhân Tông bằng bác - lên nối ngôi, tức là Lý Thần Tông.

Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có nhận xét về :[3]

“Vua trán dô mặt rồng, tay dài quá gối, sáng suốt thần võ, trí tuệ hiếu nhân, nước lớn sợ, nước nhỏ mến, thần giúp người theo, thông âm luật, chế ca nhạc, dân được giàu đông, mình được thái bình, là vua giỏi của triều Lý. Tiếc rằng mộ đạo Phật, thích điềm lành, đó là điều lụy cho đức tốt.”

cũng là một vị vua khổ luyện, phấn đấu đạt đến độ “học thức cao minh, hiểu sao đạo lý” (Phan Huy Chú). Chính vì vậy, đánh giá tổng quát về ông, các sử gia từ Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên đến Phan Huy Chú, Lê Quý Đôn v.v... đều xem ông là “vị vua giỏi”, “vị anh quân” của vương triều Lý[4].

  1. ^ Vũ Ngọc Khánh, sách đã dẫn, tr 73
  2. ^ Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 3
  3. ^ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản kỷ, Quyển III: Thánh Tông, Nhân Tông, Thần Tông
  4. ^ Vũ Ngọc Khánh, sách đã dẫn, tr 69
0