Quần Thể Khu Đền Angkor
Angkor Wat chụp từ máy bay. (Shyam Tnj) Triệu Phong Angkor Wat Trong khoảng thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 13, một loạt các vị vua Khmer thuộc triều đại Angkor nhờ vào của cải sung túc và nhân lực dồi dào đã cho xây dựng hàng loạt những kiến trúc đồ sộ để vinh danh chính mình ...
Triệu Phong
Angkor Wat
Trong khoảng thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 13, một loạt các vị vua Khmer thuộc triều đại Angkor nhờ vào của cải sung túc và nhân lực dồi dào đã cho xây dựng hàng loạt những kiến trúc đồ sộ để vinh danh chính mình lẫn cho cả kinh đô, trong đó đa số được xây ở quanh vùng Siem Reap, gần Biển Hồ ở phía bắc đất nước Kampuchia ngày nay.
Ba ngôi đền rực rỡ nhất ở Angkor là Bayon, Ta Prohm, và Angkor Wat.
Angkor Wat là một siêu tuyệt tác của nền nghệ thuật Khmer. Được xây dựng vào tiền bán thế thứ mười hai bởi vua Suryavarman II để vinh danh thần Vishnu (cũng được xem như là chính ông ta, một vua thần. Có thuyết cho là để làm lăng tẩm cho chính ông), cùng thời với Notre Dame de Paris và thánh đường Chartres của Pháp, cũng như các giáo đường Ely và Lincoln ở Anh. Nhưng so với chúng, Angkor Wat bề thế và hoành tráng hơn nhiều. Thật vậy nó được xem như là kiến trúc tôn giáo vĩ đại nhất của nhân loại từ xưa đến giờ.
Muốn cảm nhận được sự đồ sộ của nó không gì bằng nhìn xuống từ trên không. Lượn vòng quanh trên nó bằng máy bay, người ta nhìn thấy giữa khu rừng già rậm rạp một khoảng mênh mông với những đền đài chồng chất lên nhau và tỏa ra các hướng, một hào nước rộng lớn bao bọc chung quanh. Dẫn vào cổng chính là một lối đi rộng rải bằng đá chạy xuyên qua hào, dọc hai bên là tượng của các thần linh và tượng các quỉ vương đang ôm kéo thần rắn Naga 9 đầu. Trước kia có đến 54 tượng mỗi bên, nhưng nay đã mất đi gần hết. Con số 108 từ tổng số tượng hai bên là số thiêng của Ấn giáo. Một hành lang có mái che chạy dọc theo bốn phía hào, vây lấy khu đền, với lối vào là một tháp đền nằm vươn cao trên dãy hành lang, nhìn ra lối đi bằng đá. Phía trong là khu sân ngoài rộng lớn rồi tiếp nối bằng dãy hành lang nhỏ hơn bao bọc khu đền chính bên trong.
Tàm cỡ của khu đền Angkor Wat thật kinh hồn. Các hào nước rộng 190 mét bao quanh bên ngoài tạo nên một hình vuông vức mà mỗi cạnh dài một cây số rưởi.
Những sân trống bên trong các dãy hành lang rộng đến nỗi có thể chứa được hằng ngàn người. Ngay đến lớp tường tạo nên dãy hành lang phía trong có chu vi dài hơn nửa dặm và khối đá xây tường có kích cỡ đồ sộ không những theo chiều dài và rộng mà còn cả theo chiều cao nữa.
Khu đền chính được xây theo hình kim tự tháp, tượng trưng cho núi Meru: trung tâm vũ trụ, gồm ba nền đá xây chồng lên nhau tượng trưng cho đất, núi và gió, ở nền trên cùng là khu đền trung tâm gồm năm khối tháp mà tháp đền cao nhất nằm chính giữa cao đến 65 m, có bảy vòng tượng trưng cho bảy rặng của núi thiêng Meru, vươn lên nỗi bật giữa khu rừng già bát ngàn chung quanh. Mỗi tháp có hình dáng như một búp sen đang nở rộ. Hình ảnh này làm Henri Mouhot, người Pháp đầu tiên phát kiến đền Angkor vào năm 1858, phải nín thở trầm trồ khi bất chợt nhìn thấy ngôi đền qua kẻ lá của khu rừng già.
May mắn thay, Angkor Wat không những là khu đền đẹp nhất trong quần thể đền Angkor mà còn là khu đền còn trong tình trạng tốt hơn cả. Được xây dựng với sức chịu bền bỉ và lâu dài, trái với khu đền Banteai Srei nhỏ nhắn với đường nét thanh tú đầy nữ tính, Angkor Wat to lớn, rực rỡ, với kiến trúc đầy nam tính. Angkor Wat là một công trình được xây dựng ở thời kỳ cực thịnh của nền kiến trúc Khmer do bàn tay của một dân tộc được trời ban cho cái thiên tài về ngành này.
Kho tàng vĩ đại nhất của ngôi đền còn là những điêu khắc tạc trên tường của dãy hành lang ở tầng thấp nhất. Với bề cao hơn hai mét rưỡi và chạy dài liên tục hơn 800 mét trông như một tấm thảm dệt trên đá, chủ đề vây quanh những tích trong kinh điển Bà La Môn, những chiến công của vua Suryavarman đệ nhị, người tạo lập ngôi đền này. Nhờ được che chở bởi mái hành lang còn nguyên vẹn, những đường nét điêu khắc đầy nghệ thuật vẫn còn giữ được tươi mới. Rải rác khắp nơi còn những bức phù điêu, bức hoành, tượng hình những quỉ vương, những chú khỉ đu đưa trên các cành cây đầy hoa, trận chiến của thần Sita… Nỗi bật hơn cả là hằng trăm hình tượng của các quỉ thần devatas và các nàng thiên thần apsaras được chạm khắc ở các hốc tường.
Angkor Wat được xây dựng bởi Suryavarman II (1130-1150), một trong hai vị vua có quyền uy vĩ đại nhất trong lịch sử Khmer. Vị vua kia là Jayavarman VII, người đã xây dựng đền Bayon thuộc khu Angkor Thom.
Suryavarman II từ Java trở về mang lại thanh bình và thống nhất cho đất nước Kampuchia, ông nhiều lần đem quân đi đánh chiếm Chiêm Thành và biến một phần xứ này thành một tỉnh của Kampuchia. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên, quân của vua này cùng quân Chiêm đã từng kéo sang đánh phá Đại Việt ở vùng Nghệ An thời Lý Thần Tông nhưng không thành công. Nước Kampuchia thời đó được mở rộng từ phía bắc nước Lào cho đến bán đảo Mã Lai Á, từ Vijaya (Bình Định ngày nay) đến Miến Điện. Thời của vua Suryavarman Đệ Nhị đánh dấu một thời kỳ rực rỡ hùng mạnh và nhiều ảnh hưởng so với các triều Angkor khác. Khi ông này mất, loạn lạc dấy lên ở các tỉnh. Bất đồng giữa các ông hoàng có khuynh hướng liên minh hoặc chống lại Chiêm Thành. Năm 1165 ngai vàng bị kẻ tiếm ngôi tên Tribhuvanadityavarman đoạt mất nhưng 12 năm sau ông này bị giết đi khi quân Khmer phối hợp với quân Chiêm tấn công bất ngờ qua ngã Biển Hồ và chiếm lấy Angkor. Biến cố này đúng ra đánh dấu ngày tàn của đô thị Angkor nếu không có sự trở về của một vị thái tử, kẻ mà sau này lên ngôi lấy danh hiệu là Jayavarman VII. Sau 4 năm chiến đấu, ông đẩy được quân Chiêm Thành ra khỏi đất nước mình và lên trị vì vào năm 1181 như là một vị vua vĩ đại cuối cùng của triều Angkor. Cần nhắc lại rằng ông là người xây dựng khu đền Angkor Thom với đền trung tâm Bayon nỗi tiếng, ngoài ra còn có các đền Ta Prohm (Hollywood lấy ngoại cảnh cho phim Tomb Raider do nữ tài tử Angelina Jolie đóng), Bateay Kdei và Preah Khan.
Angkor ngày nay còn lại với trên dưới 100 khu đền nằm rải trên một diện tích chừng 300 cây số vuông, vốn chỉ là một phần của những gì vĩ đại hơn như cung điện, lâu các, đền đài của hoàng gia cũng như của dân chúng. Vì được xây dựng bằng gỗ (chỉ thần linh mới được cư ngụ trong những kiến trúc bằng gạch hoặc bằng đá) nên đã bị cây rừng và mưa gió hủy hoại sau hằng thế kỷ kể từ khi kinh đô Angkor bị bỏ phế. Đời sống sinh hoạt của cư dân thời ấy không được biết đến nhiều ngoài 1200 hình chạm khắc được tìm thấy trong vùng miêu tả nếp sinh hoạt của họ, cũng như hệ thống dẫn thủy nhập điền vĩ đại còn tồn tại ngày nay cho thấy một nền văn minh cao tuyệt chừng nào thời bấy giờ.
Để cảm nhận được sức huyền bí quyến rũ của Angkor Wat, du khách được khuyên đừng bỏ sót thời gian lúc hoàng hôn. Lúc ấy khu đền với các tháp đá có màu vàng đỏ. Du khách cũng có thể thấy được từng đàn dơi từ trong đền bay ra như những làn khói tuôn ra trong ánh sáng mờ nhạt của buổi xế chiều. Sau khi viếng thăm ai lại không bùi ngùi trước vẻ diễm lệ của Angkor Wat, một nền văn minh bị lãng quên từ hằng bao thế kỷ.
Angkor Thom và Đền Bayon
Vào một thời kỳ khi mà hầu hết toàn thể lục địa Âu Châu đang ngụp lặn trong kỷ nguyên u tối của thời Trung Cổ thì nơi miền Đông Nam Á xa xôi, các tay thợ kiến trúc, xây dựng và điêu khắc đang xây cất những đền đài mà tầm vóc của chúng có thể sánh với những công trình của nhân loại ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Đáng kể nhất là những đền Borobudur, Prambanan ở Java, khu thánh địa vùng Pagan, Miến Điện, và quần thể những đền thiêng ở Cambodia. Tiếp theo bài kỳ trước, chúng ta hãy cùng viếng kinh đô cổ xưa Angkor Thom với khu đền trung tâm Bayon huyền bí.
Angkor Thom có nghĩa là Thành Phố Lớn là thành phố kinh đô lâu dài nhất và cũng là cuối cùng của vương quốc Khmer được vua Jayavarman VII xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 12.
Sau khi vua Suryavarman II là người xây dựng Angkor Wat băng hà vào khoảng năm 1150, Kampuchia rơi vào tình trạng rối ren vô chính phủ. Quân Chiêm Thành nhiều lần tấn công và cuối cùng cưỡng chiếm Angkor Wat. Jayavarman VII lúc sinh thời vốn là một người thích sống ẩn dật, chọn lối sống thanh bần, ông thờ ơ với mọi biến động trong đời sống. Đến 50 tuổi, thấy đất nước quá tang thương vì loạn lạc và bị ngoại xâm dày xéo, ông thấy không còn con đường nào khác hơn là theo con đường kiếm cung mới mong cứu được đất nước qua cơn nguy khốn. Năm 1181, ông dấy binh khởi nghĩa, sau ròng rã bốn năm chiến đấu, ông đánh đuổi được Chiêm Thành ra khỏi đất nước mình, khôi phục lại thanh bình và xây dựng nên một đất nước hùng mạnh.
Kinh thành Angkor Thom chiếm một diện tích xấp xỉ 10 cây số vuông mà thời cao điểm của nó dân số lên đến một triệu người trong khi ở Luân Đôn thời ấy chỉ có năm mươi ngàn dân. Bên trong Angkor Thom là những kiến trúc có từ thời các vua trước cùng với những khu đền xây dưới thời vua Jayavarman VII, cộng với những gì được xây dựng tiếp vào các đời sau. Chính ngay ở Angkor Thom vua Jayavarman cho xây dựng các công trình ồ ạt đên nỗi về sau người ta tìm thấy một phiến đá ghi khắc lại Jayavarman như là chú rể mà thành phố chính là cô dâu. Ba thế kỷ trước, đây là kinh đô dưới thời vua Yasodharapura, trung tâm nằm hơi chệch về hướng tây bắc, kinh đô Angkor Thom nằm chồng lên một phần của kinh đô cũ đó. Những khu đền đáng chú ý có từ trước gồm các đền Baphuon, khu cung điện Phimeanakas của vua Suryavarman I, Sân voi, và Sân tượng vua “cùi” được sát nhập vào khu vực hoàng cung. Ngôi đền sau cùng được biết đã xây thêm trong khu vực Angkor Thom là Mangalartha vào năm 1295. Về sau các công trình sẳn có được thêm thắt ít nhiều nhưng không tồn tại lâu vì được dùng những vật liệu không có độ bền cao. Angkor Thom vẫn tiếp tục được chọn làm kinh đô nhưng tàn lụi dần mãi đến khi bị bỏ hoang phế.
Thành Angkor Thom cao 8 mét, vuông vức bốn cạnh mà mỗi cạnh dài 3 cây số, che chở một kinh đô rộng gần 10 cây số vuông. Bên ngoài bao bọc bằng một hệ thống hào rộng chừng 100 mét mà theo truyền khẩu thời ấy chứa đầy loài sấu hung dữ. Hào vừa được dùng đề bảo vệ thành vừa làm hệ thống dẫn thủy cung cấp nước cho dân chúng. Thành làm bằng đá ong ở hai mặt, giữa phủ đầy đất. Ở giữa bốn mặt thành nhìn ra các hướng đông, tây, nam, bắc có cổng thành với tháp đền cao 23 mét nằm bên trên, được tạc hình bốn khuôn mặt trông ra bốn hướng. Ngoài ra, 500 mét về phía bắc cổng phía đông một cổng khác được xây thêm và có tên là Cổng Chiến Thắng, con đường đi vào cổng này chạy song song với đường vào cổng phía đông, đi vào công trường Chiến Thắng và hoàng cung, lệch về phía bắc của khu đền Bayon. Lối vào các cổng thành là một cầu đá chạy qua hào nước, hai bên có hình tượng các quỉ thần đang ôm kéo rằn thần Naga mà bên trái là 54 thần devas và bên phải là 54 quỉ asuras như thường thấy ở Angkor Wat và một số đền khác. Đây có lẽ là hình ảnh tiêu biểu cho truyền thuyết Khuấy Động Biển Sữa để tìm thuốc trường sinh, một truyền tích thấy đầy dẫy trên những tranh chạm khắc trong các đền ở Angkor. Đây được xem như là nơi chuyển tiếp giữa thế giới người với thế giới quỉ thần. Cổng phía nam tấp nập nhiều du khách nhất vì nơi đây đã được phục chế gần hoàn toàn và các tượng tương đối ít mất đầu. Hơn nữa đây là đường chính gần nhất nối thẳng từ Angkor Wat đến Angkor Thom.
Henri Mouhot khi mới đến đây vào khoảng năm 1858, từ tường thành vào trong là rừng già rậm rạp, dây leo, cây cao khắp nơi không thể nào biết được có sự hiện diện của thành phố và đền thiêng. Khó khăn lắm ông mới khám phá được khu đền Bayon mãi xa tít tận bên trong, ở đó lần đầu tiên ông nhìn thấy những tháp với những khuôn mặt với nụ cười bí hiểm.
*******************
Khu đền Bayon nằm ở trung tâm Angkor Thom, cách cổng thành khoảng 1 cây sô rưỡi. Bayon là khu đền súc tích với những trang trí chạm khắc bằng đá đẹp đẽ. Được xây dựng trong khoảng cuối thế kỷ thứ 12 và đầu thế kỷ thứ 13 như là đền chính thức của vua Jayavarman VII, tin theo Phật giáo đại thừa khác với tín ngưỡng Ân Giáo như các vua trước nhưng vẫn theo truyền thống vua thần (devaraja). Vua Jayavarman VII cải giáo sang đại thừa vì các vua đời trước nối nghiệp vua Suryavarman II theo Ấn Giáo, người xây dựng Angkor Wat đã để quân Chiêm đánh bại. Sau khi Jayavarman VII chết, những vua nối tiếp với tín ngưỡng khác nhau như Ấn Giáo, Phật Giáo Nguyên Thủy, đã xây thêm cho ngôi đền dựa theo tín ngưỡng của mình.
Cấu trúc của Bayon gồm ba tầng mà cả ba tầng đều đổ nát nhiều, gạch đá nằm ngổn ngang khắp nơi. Hai tầng dưới bố trí theo hình vuông, tô điểm bằng những phù điêu trên tường. Tầng ba được sắp xếp theo hình tròn với nhiều tháp mà các mặt đá có hình khuôn mặt. Dãy hành lang ở tầng dưới là một kho tàng nghệ thuật với 11 ngàn bức phù điêu chạm khắc trên tường đá chạy dài 1200 mét, một tổng hợp liên quan đến lịch sử lẫn các truyền thuyết, miêu tả cảnh diễn hành của vua và hoàng gia, những trận đánh của vua Jayavarman với Chiêm Thành bằng cả thủy lẫn bộ chiến, ngoài ra còn miêu tả đời sống văn hóa, xã hội của một nền văn minh đã bị lãng quên từ bao thế kỷ. Nhiều khoảng tường công trình vẫn còn dở dang, chỉ còn để lại nét phát họa. Có lẽ bị bỏ dở khi vua Jayavarman qua đời.
Hình ảnh nổi bật nhất của Bayon vẫn là những ngọn tháp cao vút ở trung tâm bằng đá tảng, chạm khắc thành 2, 3 và chung chung là 4 khuôn mặt nhìn bốn hướng. Những khuôn mặt có nụ cười bí ẩn như nụ cười của nàng Mona Lisa trong bức danh họa La Joconde của Leonardo Da Vinci. Kiến trúc của Bayon được xem như có phong cách của trường phái baroque, trong khi Angkor thuộc phái cổ điển.
Sự tương đồng của vô số khuôn mặt khổng lồ ở trên các tháp của đền Bayon với các bức tượng khác của vua Jayavarman VII khiến nhiều học giả đi đến kết luận đây chính là khuôn mặt của nhà vua. Người khác thì cho là của Quán Âm Bồ Tát (Avalokitesvara hay Lokesvara). Nhà học giả chuyên về Angkor học Mr. Coedes thì lý luận rằng vua Jayavarman theo truyền thống của các vua Khmer tự cho mình là vua thần (devaraja), khác với các vua trước theo Ấn Giáo tự cho mình là hình ảnh của thần Shiva, trong khi Jayavarman là một phật tử nên cho hình ảnh Phật, và Bồ Tát là chính mình. Có tất cả 37 tháp đền đá tạc hình nhiều khuôn mặt nhìn xuống và nhìn đi bốn hướng như thể quan sát chúng sanh và che chở cho đất nước.
Bên trong đền có hai dãy hành lang đồng tâm ở tầng dưới, và một dãy ở tầng trên. Tất cả nằm dồn lại với nhau trong một không gian hạn hẹp bề 140 m và bề 160 m, trong khi phần chính của ngôi đền nằm ở tầng trên lại còn hẹp hơn với kích thước 70 m x 80 m; khác với Angkor Wat, người ta phải trầm trồ với qui mô to lớn và thoáng rộng của nó. Ta có thể ví von sự xây dựng Bayon trong một không gian chật hẹp như xây một giáo đường lớn trên vị trí của một nhà thờ làng. Từ xa nhìn vào Bayon rải dài theo chiều ngang như một đống đá lổn chổn muốn vươn lên trời cao. Kết cấu của nó là một mớ bòng bong lộn xộn nhưng khi đã đặt chân lên tầng trên người ta bỗng thấy trầm lắng lại. Cảm thấy nhỏ bé trước vẻ uy nghi của những khuôn mặt khổng lồ tạc trên đá, người ta không còn quan tâm đến cái tổng thể hay cái mớ hỗn mang của đồ án nữa. Bâng khuâng giữa hàng chục tháp đền với vô số khuôn mặt với nụ cười bí hiểm được hình thành vượt khỏi tỷ lệ thông thường, xa vời với mọi qui ước của kiến trúc, người ta chỉ chú ý đến vẻ mặt của từng khuôn mặt. Dần dần cái mớ bòng bong vô trật tự ấy lại trở thành rất trật tự, người ta thấy nơi cái vô số tháp đền đó như tổng hợp của nhiều phân tử gom lại ở trung tâm dưới hình thức một bó. Cái cấu trúc của khu đền không còn là vấn đề nữa mà chính biểu tượng của nó mới đáng kể.
Các tháp có kích cỡ cao thấp khác nhau, có tháp thật thấp khiến khuôn mặt như nhìn thắng vào mắt của du khách. Đi theo những lối đi quanh co, người ta có cảm giác như đi lạc vào một mê trận. Bất cứ rẽ vào lối nào du khách cũng trực diện với những đôi mắt đang chăm chú nhìn mình. Người ta hẳn đều phải tán đồng với Pierre Lôti qua lời nhận xét của ông: “Máu tôi như đông lại…Tôi thấy như mình bị quan sát từ mọi phía.”
Henri Parmentier, người đã dành hầu hết cuộc đời trưởng thành của mình cho việc tái xây dựng một Angkor điêu tàn, đã gọi đền Bayon là “hết sức ấn tượng và lãng mạn. Du khách thường bị ám ảnh bởi những cảm xúc ghê rợn.”
Henri Marshall, người quản thủ khu Angkor, đã viết trong cuốn Cẩm Nang Khảo Cổ Về Các Đền ở Angkor của mình như sau: “Đặc biệt vào những đêm trăng, người ta có cảm tưởng như đang viếng một ngôi đền thuộc một thế giới khác…Người ta có cảm giác như mình đang sống trở lại với một thời đại của những chuyện thần tiên, lúc mà thần Indra xây dựng một đền thờ dành cho đám cưới của con trai mình lấy con gái của vua rắn Nagas nhiều đầu.”
Trong số hằng trăm ngôi đền nơi quần thể Angkor, Bayon khiến cho các nhà khảo cổ thắc mắc nhiều nhât. Bayon hiện vẫn bao trùm nhiều bí ẩn mà lời giải đáp vẫn đang còn được tranh cãi: nó được xây với biểu tượng gì, để thờ ai? Có lẽ thích hợp với lời giải thích nhất vẫn là khuôn mặt với nụ cười hết sức bí ẩn nằm ở tháp trung tâm. Một số dân Khmer cho rằng Bayon được xây dựng vào thời vương quốc này được chia thành 54 tỉnh, những đôi mắt của những bức tượng này nhìn về phía muôn dân trong các tỉnh đó để cứu độ (dưới hình ảnh bồ tát Quán Âm), để che chở (dưới hình ảnh bồ tát Quán Âm), để che chở (dưới hình ảnh của vua Jayavarman).
Thoạt đầu vào năm 1929, Robert J. Casey trong cuốn sách về Angkor nhan đề In Fact cho rằng những khuôn mặt đá là những khuôn mặt của thần Siva thuộc Ấn giáo. Thế rồi trong thập niên 1930, các nhà khảo cổ thuộc trường Viễn Đông Bác Cổ khám phá ra rằng cái mô-típ ấy thuộc bên Phật giáo đại thừa mà những hình ảnh bốn mặt đó là của Bồ Tát Quán Thế Âm (Bodhisattva Avalokitesvara). Họ lý luận rằng theo tông phái đại thừa, bồ tát là người đã hoàn toàn giác ngộ để thành Phật. Thay vì nhập niết bàn (nirvana), họ chọn ở lại trần gian để cứu độ những kẻ đang bị trầm luân trong khổ ải. Qua nụ cười bí ẩn của các khuôn mặt, vị bồ tát mà dân Kampuchia gọi là Lokesvara đang tỏ lòng thương cảm trước nỗi đau của chúng sinh. Đồng thời có thuyết cho rằng vua Jayavarman VII tự cho mình hiển thị qua hình ảnh của Lokesvara, một vị Phật sống qua vai trò của một vị vua thần.
Nhìn ngược về lịch sử, chiến thắng bất ngờ của vua Jayavarman VII dành lại độc lập cho xứ sở từ quân Chiêm đã chiếm được trái tim của mọi con dân Khmer. Sau khi đánh bại quân Chiêm, ông thừa thắng thôn tính luôn nước Chiêm Thành và mở rộng lãnh thổ trải dài khắp vùng Đông Nam Á. Những tháp với bốn khuôn mặt nhìn ra bốn hướng có lẽ để làm e dè những kẻ đến chiêm bái ở đền Bayon. Nhìn đâu họ cũng thấy những đôi mắt của vị vua thần đang chằm chằm nhìn họ. Đồng thời những kẻ sùng bái thần phục lòng thương yêu của vị vua dành cho họ qua những hình ảnh trên những bức phù điêu mô tả đời sống thường nhật của dân chúng. Ngoài ra còn những bức miêu tả công lao đánh đuổi ngoại xâm Chiêm Thành nhắc nhở với thần dân rằng họ mang ơn vô vàn đối với vị vua thần đầy nhân ái, kẻ đã xả thân lưu lại trần gian vì lợi ích của muôn dân. Jayavarman còn có công xây dựng vô số bệnh viện khắp đất nước Kampuchia. Một bản bia đá tìm được có trích dẫn rằng “ngài cảm nhận được nỗi khổ của tha nhân hơn của chính mình bởi nỗi khổ của kẻ khác tức là nỗi khổ của ngài, sự đau khổ của thần dân còn lớn hơn nỗi khổ của chính ngài nữa.”
Angkor Bị Lãng Quên Như Thế Nào?
Qua hai bài kỳ trước của loạt bài Quần Thể Khu Đền Angkor, chúng ta có dịp đi thăm và làm quen với một số đền của quần thể Angkor này như Angkor Wat và Angkor Thom với ngôi đền kỳ bí Bayon. Chúng ta tưởng cũng nên dừng bước nghỉ ngơi một tí vì đã đi bộ và leo trèo quá nhiều rồi. Kỳ này chúng ta cùng ngồi lại nhâm nhi bên ly cà phê, hoặc bên tách trà để tìm hiểu xem Angkor rực rỡ ấy đã bị suy tàn và bị nhân loại lãng quên như thế nào.
Người Thái tấn công Kampuchia và cướp phá Angkor năm 1431, qua năm sau Angkor bị bỏ phế và từ đó nhân loại quên lãng nó đi đến vài thế kỷ.
Khi con người rút đi khỏi những phố phường, dinh thự, đền đài của Angkor, thực vật đủ các loại bắt đầu xâm thực theo mức độ của vết dầu loang.
Khi còn là một đô thị sinh động, rừng bị tách rời ra khỏi cuộc sống văn minh ở một khoảng cách đáng kể; bây giờ đang tiến đến dần như một đạo quân đang kéo đến vây hãm thành Angkor. Hằng trung đoàn cây rừng lặng lẽ và theo một nhịp điệu đều đặn bò sát lại gần hơn và gần hơn, tràn ngập các cánh đồng lúa nay không còn người canh tác, rồi xâm chiếm thành Angkor Thom – hạ lần lượt hết tiền đồn này đến tiền đồn khác, vây khu dinh thự nọ, phủ đền đài kia. Rừng đánh bại hết cứ điểm này đến trọng điểm khác không gặp chút kháng cự cho đến khi toàn thể hoàng cung gác tía, đền thiêng, nhà cửa, phố chợ, đường xá đều đầu hàng.
Cây cổ thụ sinh sôi nhanh nơi vùng nhiệt đới nhờ có nắng vàng rực rỡ, nhiều mưa và ẩm thấp trước khi các cây con, bụi rậm, cỏ dại, hoa rừng điền chỗ vào mọi ngỏ ngách trống không của đô thị. Phố phường, dinh thự, cung điện với hằng loạt khu nhà bằng gỗ bị mục nát và đổ sụm qua vài mùa mưa nắng, mặt đường bị xóa mất dần dưới lớp đất bùn của thời gian, những dấu tích của văn minh nhân loại tồn tại trong suốt sáu thế kỷ bị thời gian với gió và mưa xóa nhòa khỏi bề mặt trái đất. Sau vài thập niên, còn chăng chỉ là những kiến trúc bề thế bằng gạch đá là trơ gan cùng tuế nguyệt nhưng rồi cũng bị phủ lấp dưới những tàng lá rậm rạp của rừng già thâm u.
Chúng bị tràn ngập như cơn hồng thủy làm chìm đắm những thôn làng nơi thôn dã. Sự xâm thực của rừng nơi Dunsinane trong bi ca Mặc Biệt (Macbeth) của Shakespeare không thô bạo bằng rừng ở Kampuchea xâm lấn Angkor. Hạt giống được gởi đi theo gió, hoặc do chim muông tha đến rơi vào những khe đá của các miếu đền, len lỏi tìm đường đâm rễ xuống đất, chúng tăng trưởng nhanh chóng rồi hoặc hất đổ các khối đá làm đổ sụm ngôi đền như thấy ở Bayon, hoặc ôm phủ lấy tòa kiến trúc như giam hảm tù nhân như ở Ta Prohm.
Cùng với đạo quân cây rừng, có sự xuất hiện đạo quân thú hoang. Ở những nơi mà con người thường hay quần tụ thì nay là chốn vãng lai của các bầy cầm thú. Hổ dữ nay bước trên những lối đi của các vương tôn công tử thường dạo qua, báo rừng nằm duỗi mình nơi mà các giáo sĩ thường quì cầu nguyện, những con vẹt đuôi dài đang kêu gào nơi những sương phụ chờ chồng thường ngồi than thở mong ngóng chồng đi chinh chiến từ xa trở về, những bầy khỉ náo nhiệt chuyền cành trên các khu phố thị nơi trước đây dân chúng thường tụ tập mua bán.
Mặc dù người Khmer không bao giờ trở lại Angkor Thom hoặc lập làng gần đó trong suốt 400 năm, nhưng kinh đô ấy vẫn còn lưu giữ trong ký ức họ. Thỉnh thoảng khi được hỏi đến thành phố bị lãng quên này họ kể lại cho những người Âu nghe, và những người này không bao giờ tin.
Nhiều thế hệ về sau, một số ít dân làng tìm về sinh sống gần nơi vùng phụ cận để đánh bắt cá bên bờ biển hồ Tonle Sap, hoặc trồng hoa màu dọc theo con sông Siem Reap. Đôi khi trong khi đi săn bắn hoặc tìm củi, họ kinh sợ khi gặp phải những đền đài kỳ lạ nằm ẩn mình dưới tàng lá âm u của những cây cổ thụ. Lại có một số tu sĩ phật giáo do nhận thức được tính chất linh thiêng của khu đền Angkor Wat bèn lập nên một số am miếu nhỏ gần bên để rồi hằng ngày lại tiếp tục lặng lẽ trong nếp sống tụng niệm. Nhưng họ chỉ là một thiểu số dân dã mộc mạc, những kẻ tu hành xa lánh thế tục, không biết chi đến văn hóa lịch sử và khảo cổ. Phát sinh từ họ là những huyền thoại thêu dệt về những khu thánh địa kỳ bí, vĩ đại mà theo họ đã được dựng lên nơi chốn hoang vu bởi các thần linh.
Một số người Bồ hoặc một số người lãng du có biết đến chốn này và truyền miệng về một đô thị bị chôn vùi trong chốn rừng sâu nhưng ai nghe qua cũng tỏ vẻ hoài nghi, cho đó chỉ là những nơi tưởng tượng như khi người ta nhắc đến các kho tàng của vua Solomon, hoặc lục địa Atlantis bị chìm đắm dưới đáy Đại Tây Dương.
Khi người Pháp đi tìm lập thuộc địa trên ba nước Đông Dương, họ bắt đầu chú ý đến những lời truyền miệng ấy ít nhiều. Thế rồi một buổi sáng của năm 1860, một nhà thiên nhiên học người Pháp tên Henri Mouhot rẽ vào một góc rừng từ một đường mòn của dân tiều phu để thăm dò và không lâu sau đó qua kẻ lá lùm cây ông nhìn thấy những ngọn tháp xám xịt của Angkor Wat. Mouhot sững sờ, không tin những gì mình thấy là thật. Sau đó ông viết lại rằng giữa chốn thâm u cô tịch bỗng khám phá ra Angkor. Ông thấy như giữa nước Kampuchia lạc hậu của thế kỷ 19 tìm thấy lại nền văn minh rực rỡ của dân tộc này có từ hằng bao thế kỷ trước, như sự chuyển đổi giữa u tối sang ánh sáng.
Các sử gia vẫn chưa chắc chắn vì sao Angkor bỗng nhiên tàn rụi trong khoảng thời gian giữa hai thế kỷ 13 và 14 nhưng nhiều yếu tố khác nhau có thể đóng góp phần nào cho lời giải thích:
- Chương trình xây dựng ồ ạt của vua Jayavarman VII đã làm kiệt quệ tài nguyên của đất nước Kampuchia, đồng thời các nước chư hầu trước đây, nay đã trở thành quốc gia độc lập không chịu triều cống hằng năm để làm giàu thêm cho kho tàng của vương quốc Angkor.
- Vào cuối thế kỷ thứ 13, một tông phái mới của Phật Giáo là Phật Giáo Nguyên Thủy tức Tiểu Thừa (Hirayana hay Theravada) được du nhập từ Tích Lan. Tông phái này coi Phật như là một kẻ mẫu mực để noi theo nhưng vẫn xem ngài như một người phàm như tất cả mọi người. Một tính ngưỡng giản dị đến nổi không tin có một đấng thần linh nào và đặt trọng tâm vào tín điều giải thoát là do nỗ lực của mỗi cá nhân, do chính mình. Không có giáo sĩ để sùng bái ngoài một tăng đoàn gồm những người cùng đi tìm một con đường giải thoát. Tính chất bình đẳng của giáo thuyết này làm suy yếu hẳn hệ thống đẳng cấp của đời sống xã hội và chính trị Khmer xây dựng theo Bà La Môn giáo (Hinduism). Louis Finot, nhà khảo cổ học người Pháp, phản ảnh quan điểm này như sau: “Đây là một tôn giáo tiết kiệm, các nhà sư tự hiến dâng đời mình cho cuộc sống thanh bần, họ sống trong những túp lều tranh mộc mạc và tài sản chỉ là bộ y bát. Đây là một tôn giáo đầy đạo đức mà nguyên tắc của nó là tìm một sự thanh thản của tâm hồn và cuộc sống an bình.” Finot tin rằng dân Khmer vốn đã suy kiệt vì chiến tranh và chịu cảnh nghèo đói do tài nguyên quốc gia đổ vào việc xây dựng đền đài quá mức cho các hư thần, họ nay hoan hỉ tiếp nhận một tín ngưỡng mới, cái tín ngưỡng mà tín đồ không cần phải màng chi đến sự đời.
- Vì phải lo phòng thủ chống những cuộc tấn công cướp phá liên tục của quân Thái khiến vương quốc phải chịu hao tổn nhân lực trầm trọng, kết quả không đủ người để bảo quản hệ thống dẫn thủy nhập điền cần thiết cho sản xuất nông nghiệp đủ để nuôi một dân số xấp sỉ một triệu người.
Theo khảo sát mới nhất từ các hình ảnh thu thập được từ vệ tinh, máy bay thăm dò, và khảo sát địa chất, một nhóm khoa học gia quốc tế đã đưa tới kết luận rằng diện tích đất quần cư của Angkor thời cổ đại lớn gấp ba lần diện tích người ta vẫn nghĩ trước đây. Bản đồ mới cho thấy Angkor bấy giờ rộng đến 3000 km vuông, xấp sỉ diện tích của Los Angeles ngày nay. Chi tiết của cuộc thăm dò giúp người ta khám phá thêm được 74 di tích miếu đên cùng gần một ngàn hồ nước nhân tạo khác chưa được biết đến trước đây. Họ còn khám phá được thêm rằng việc cung cấp nước thời ấy lệ thuộc vào một hệ thống kênh đào duy nhất chạy từ trung tâm kinh đô Angkor ra xa đến 20 hoặc 25 km. Cái hệ thống mà mãi đến gần đây người ta vẫn tưởng để làm mỹ quan đô thị và dùng trong các cuộc tế lễ, nhưng nay mới hay là dùng để cung cấp nước cho các ruộng nương đặc biệt dành để sản xuất lúa gạo hằng loạt. Để nuôi dưỡng một dân số quá đông có nước để dùng và tưới ruộng trong mùa hè, một hệ thống dẫn và thoát nước tinh vi đã được thực hiện, trong đó gồm việc chuyển hướng chảy của dòng sông Siem Reap cho đi qua trung tâm đô thị. Ở dọc các hồ chứa nước cũng như các kênh, hai bên bờ được củng cố bằng đất nện, nhưng ở các chổ giao nhau, hoặc những nơi trọng yếu, đá tảng được thay vào. Công trình cực kỳ tinh vi đến nổi dân Khmer có thể trồng và thu hoạch nhiều vụ lúa mỗi năm chứ không phải một lần vì phải trông vào mùa mưa để có nước cho ruộng. Ông Saturno phát biểu, “Việc di dời đất để hoàn tất một hệ thống dẫn thủy quả là một việc quá động trời,” ông tiếp. “Thật là một dấn bước quá táo bạo!” Việc này đòi hỏi phải có một đội ngũ chuyên viên kỳ cựu về quản trị, phải có đầu óc của những kỹ sư, chuyên gia thâm hiểu thấu đáo vấn đề, và dĩ nhiên phải có một nguồn nhân lực lao động vô tận.
Đời Sống Thời Angkor
Qua hằng trăm di tích đền đài rải rác trên khắp đất nước Căm Bốt ngày nay, ta có thể biết được nhân loại trong thế kỷ vừa qua đã có một nền văn minh Khmer rực rỡ hiện hữu cách đây non một ngàn năm vốn đã chìm sâu trong quá khứ từ hằng mấy thế kỷ. Những kiến trúc huy hoàng ấy khiến người ta bâng khuâng tự hỏi cuộc sống con người thuở ấy sinh hoạt ra sao.
Mặc dầu hiện nay chỉ có một số lượng thông tin vừa phải còn tồn tại cho ta biết danh xưng của các vị vua Kampuchea thời Angkor, những liên quan hệ phả giữa họ, các trận đánh diễn ra qua các triều đại, những đền đài do họ dựng nên; ngoài ra thì không có một tài liệu nào để lại nhắc đến nền nghệ thuật, khoa học thời đó. Không cả văn kiện viết tay, tranh ảnh, đồ dùng, tác phẩm nghệ thuật khác hơn những những tượng hoặc hình chạm khắc trên đá còn lưu lại ở các đền.
Do khí hậu ẩm ướt của miền nhiệt đới, bất cứ vật gì làm từ gỗ, da, vải sợi đều bị tiêu hủy theo thời gian. Trong khi ở Ai Cập, nhờ khí hậu khô, ngay đến giấy làm từ cây cói, tranh vẽ trên tường, và di vật của mọi thứ vẫn còn tồn tại qua suốt mấy nghìn năm.
Ở Căm Bốt với hằng thế kỷ mưa dầm, cây cỏ miền nhiệt đới trùm phủ, mối mọt, và nấm đục khoét, thì ngay đến những loại gỗ cứng nhất cũng bị phân rã.
Ngày nay, du khách khi bước qua các cổng dẫn vào thành Angkor Thom và từ đó đi đến Bayon, trung tâm của kinh đô cổ xưa dài khoảng một cây số rưỡi, họ thấy hai bên dày đặc cả cây rừng. Những khu rừng đó ngày xưa là phố thị là nơi sinh sống của dân Angkor với nào là lầu son gác tía, dinh thự, công ốc, quán trọ, trại binh, rạp hát, và cả nhà cửa của hằng trăm ngàn cư dân lẫn người nô lệ. Vậy mà nay một dấu vết nhỏ nhất của chúng cũng không còn tồn tại; ngay như khu hoàng cung vì xây bằng gỗ cũng bị xóa mất, còn chăng chỉ là những nền đá kiến trúc rực rỡ. Tưởng cũng nên nhắc lại là vào thời ấy chỉ các đền thờ mới được xây theo kiến trúc bằng đá mà thôi.
Chúng ta không thể biết với phương tiện gì mà người Khmer cổ có thể di chuyển các khối đá từ núi Phnom Koulen xa trên dưới 50 km đến nơi xây dựng đền đài. Hơn nữa, trong tiến trình xây, những khối đá nặng trung bình là 4 tấn được đưa lên cao bằng phương pháp nào. Nhờ hệ thống dẫn thủy qui mô còn tồn tại, người ta chỉ suy đoán các khối đá có thể đã được vận chuyển bằng đường thủy. Không một tài liệu để lại về ngành thiên văn cổ xưa mà nay người ta biết được các đền hồi đó đều được xây nằm đúng ngay trên trục đông-tây. Chúng ta cũng không biết cả đến ngành y dược của họ ngoại trừ những câu khắc trên đá lưu lại ở đền Ta Prohm cho thấy dưới thời vua Jayavarman VII, Kampuchea có đến 102 bệnh viện trong khi ngày nay chỉ trên dưới hai mươi.
Duy chỉ hệ thống dẫn thủy là còn lưu vết tích, trong đó gồm luôn hai hồ chứa nước nhân tạo khổng lồ mà một trong hai có kích thước, bề một và bề hai cây số, mà bây giờ vẫn còn được sử dụng làm hệ thống dẫn thủy nhập điền mới do Mỹ trợ giúp.
May thay, một tài liệu viết tay miêu tả khá tỉ mỉ về kinh đô Khmer cổ xưa được Châu Đạt Quan (Chou Ta-Kuan) để lại. Năm 1295, ông ta đến Angkor với tư cách đặc sứ cho Timur Khan, một hoàng đế Mông Cổ thống tr