18/06/2018, 16:15

Bản chất của xã hội dân chủ và nền chuyên chính độc tài

Võ Hưng Thanh Mọi cá nhân sinh ra đều bình đẳng, tự do. Nhận định đó tưởng chừng đơn giản, dễ hiểu, nhưng thật ra đó là một ý tưởng hết sức sâu xa, phong phú, hiển nhiên và cùng cần thiết vô cùng, bởi đó thật sự luôn luôn là một chân lý khách quan mà không phải ai ai cũng để ý đến. ...

picture

Võ Hưng Thanh

Mọi cá nhân sinh ra đều bình đẳng, tự do. Nhận định đó tưởng chừng đơn giản, dễ hiểu, nhưng thật ra đó là một ý tưởng hết sức sâu xa, phong phú, hiển nhiên và cùng cần thiết vô cùng, bởi đó thật sự luôn luôn là một chân lý khách quan mà không phải ai ai cũng để ý đến.

Mỗi người sinh ra đều bình đẳng, bởi vì ai cũng chỉ do cha mẹ mình sinh ra, không phải sinh ra do bất kỳ người nào khác, do vậy sự ngang hàng, bình đẳng là sự tự nhiên, và đó cũng chính là điều cơ bản hay nền tảng quyền tự do của tất cả mọi người.

Song nói cho cùng, tuy bình đẳng, tự do, nhưng thật sự không phải ai ai cũng như nhau, muốn làm gì thì làm, bởi vì cá tính mỗi người khác nhau, điều kiện mỗi người khác nhau, hoàn cảnh, mục đích mỗi người khác nhau, cho nên sự điều hòa và mọi trật tự cần thiết trong đời sống xã hội tất yếu vẫn là điều không thể nào tránh được.

Thế nhưng, điều gì là quyết định nhất cho mỗi cá nhân cũng như cho toàn thể xã hội ? Rất nhiều người cho rằng đó là nền tảng vật chất và kinh tế. Nói như thế hoàn toàn đúng, như mới chỉ là điều kiện ban đầu. Ý nghĩa cuối cùng vẫn chính là trình độ nhận thức, khả năng hiểu biết, hay nói chung lại là trình độ và ý thức.

Có nghĩa mỗi cá nhân chỉ có thể trở thành con người hoàn chỉnh, trong một xã hội có trình độ hiểu biết, đó là do văn hóa, nhận thức, hay nói chung là văn hóa cũng như sự phát triển đi lên qua lịch sử của toàn xã hội.

Thuở con người con ăn lông ở lổ, tức trong các trạng thái xã hội bán khai, đời sống đó là đời sống bộ lạc, tất nhiên ý nghĩa dân chủ đúng nghĩa và thật sự cũng chưa thể được đặt ra. Kết quả của đời sống đó chỉ do thử thách qua kinh nghiệm. Người tù trưởng có thể là người được bầu lên, hay được nắm quyền trực tiếp trong tay là do những nguyên nhân khách quan, cụ thể, hoặc đặc thù nào đó. Như do sự khôn ngoan, do kinh nghiệm, do tài trí, do sức mạnh thân xác và vật chất, hay do một hoàn cảnh riêng biệt, đặc thù nào đó chẳng hạn.

Sự phát triển đi lên của xã hội loài người từ hoang dã, bộ lạc, đến phong kiến, quân chủ cũng chỉ theo ý nghĩa và con đường như vậy. Lộ trình đó hoàn toàn tất yếu và khách quan. Đó cũng là ý nghĩa của luật pháp và trật tự xã hội nói chung. Bởi tính cách hoàn cảnh bên ngoài của mỗi cá nhân tất yếu vẫn khác nhau, và tính cách nội tâm của mỗi cá nhân cũng đương nhiên như vậy, cho nên nếu không có trật tự, nền nếp xã hội, không có pháp luật, đời sống tập thể hay cộng đồng đương nhiên phải loạn.

Cho nên luật pháp phát triển là theo với sự phát triển của xã hội, tức sự phát triển của đời sống vật chất, kinh tế, văn hóa, ý thức, và giáo dục nói chung. Đó cũng là lý do tại sao nền văn minh của nhân loại đã trải qua các thời kỳ phong kiến, quân chủ, và cuối cùng là nền cộng hòa dân chủ phổ biến trên khắp thế giới ngày nay. Con đường đó là con đường đi lên khách quan, phải trình tự tiến lên, không quyền gì để lên án những giai đoạn xã hội quá khứ nào đó hay đặc biệt ca ngợi hoặc xiển dương những giai đoạn đặc thù nào đó.

Từ xã hội phong kiến chuyển lên xã hội quân chủ chỉ là lẽ đương nhiên. Bởi xã hội phong kiến thì chia lẻ, manh mún, không tập trung, trong khi yêu cầu phát triển của xã hội là ngược lại, cần có sự kết hợp và thống nhất, đó là ý nghĩa hình thành đương nhiên của các xã hội quân chủ là như thế. Xã hội quân chủ đương nhiên là xã hội độc đoán, đó là quyền lực tập trung duy nhất vào trong tay nhà vua, trong tay vị hoàng đế. Quyền lực đó là để nhằm ổn định toàn thể xã hội, sự chuyên chế là đỉnh cao của trật tự xã hội khi chưa có điều kiện nào để phát triển được tốt hơn.

Nhưng mọi sự vật bao giờ cũng có mặt trái của nó. Tính lạm quyền cá nhân luôn luôn tất yếu phải xảy ra. Những nhà độc tài sắt máu của phương Tây, những ông vua tàn ác ở phương Đông, đó chính là những trường hợp điển hình như thế. Cũng từ đó mà đi đến các hiện tượng lịch sử tranh bá đồ vương, sự thiết lập nên các đế quốc khổng lồ, một thời từng là sự thống nhất vinh quang, mà thực chất không phải không luôn luôn có nhiều mặt trái. Bởi chế độ cha truyền con nối, chế độ tập quyền của giới quan lại thống trị, tính cách truyền ngôi báu hay quyền lực xã hội theo kiểu ngẫu nhiên, đưa đến những hoạn quan bất tài, những tì thiếp ban đầu vẫn có thể soán ngôi hoàng đế, thu tém mọi sức mạnh vũ lực và vật chất vào riêng trong tay mình, đó là thực tế tất yếu, tự nhiên của rất nhiều những giai đoạn xã hội quân chủ và phong kiến.

Tất nhiên trình độ phát triển vật chất, kinh tế của xã hội vẫn luôn đi theo với ý nghĩa phát triển của nhận thức và văn hóa. Đó là lý do tại sao hang ngàn năm xã hội con người không thoát ra được nền tảng phong kiến, quân chủ độc đoán nói chung, và chỉ đến đầu thế kỷ 19 tư tưởng dân chủ và thể chế dân chủ mới thật sự nở rộ ở phương Tây.

Trong xã hội phong kiến và quân chủ, các chế độ đó phần lớn phải dựa vào thần quyền để làm cơ sở, nền tảng cho sự hiện diện hay quyền lực cai trị của mình. Ý nghĩa quý tộc là do những đặc điểm ưu việt nào đó riêng của các cá nhân con người. Ý nghĩa của nền quân chủ là vua thay trời trị dân, hoặc được Chúa che chở trong các chế độ quân chủ thần quyền.

Chỉ khi bước vào kỷ nguyên của nền dân chủ, tính chất của con người mới trở về được ý nghĩa nguyên thủy ban đầu, tức mọi người sinh ra đều hoàn toàn tự do và bình đẳng. Tất nhiên con đường trở về xuất phát đó không phải dễ dàng gì, mà rất nhiều tầng lớp trí thức hay những người có ý thức trong nhân dân đã phải trả giá đắt, hi sinh, bỏ ra muôn vàn nổ lực về tất cả các mặt mới giành lại được một cách vẽ vang, ý nghĩa, cần thiết cho toàn bộ xã hội loài người

Đến khi Karl Marx (1818 – 83) xuất hiện, ông lại đưa ra một học thuyết mới, phủ nhận mọi chế độ dân chủ đã có, mệnh danh chung đó là chế độ dân chủ tư sản, để chỉ chủ trương chế độ vô sản với nền tảng là nền độc tài chuyên chính vô sản (Diktatur des Proletariats) nhằm tiến tới thiết lập một xã hội không còn tư sản, không còn giai cấp, một xã hội hoàn toàn lý tưởng theo ông quan niệm.

Sứ mạng lịch sử đó, Marx cho rằng là của giai cấp công nhân, và điều quan trọng theo ông nhằm tiến tới xây dựng được xã hội đó chính là ý thức giai cấp hay cụ thể là ý thức của giai cấp công nhân. Nhưng đó mới chỉ là lý thuyết của một cá nhân đầu tiên đưa ra. Người đầu tiên đưa vào thực hiện các ý tưởng đó chính là Nicolai Lenin (Vladimir Ilych Ulyanov, 1870 – 1924). Đó là cuộc cách mạng vô sản ở Nga năm 1917 thành lập nên đất nước Liên bang Xô viết, với nguyên lý chủ đạo là nền kinh tế tập thể, và sau đó thể chế chính trị này đã phát triển ra nhiều nơi trên toàn thế giới, để cuối cùng vẫn là thực tế của thế giới hội nhập toàn cầu ngày nay mà ai cũng rõ.

Thế thì sự tranh luận hay sự đấu tranh cốt lõi của xã hội con người ngày nay rút lại vẫn chỉ là nền dân chủ tư sản hay nền dân chủ vô sản, ít ra cũng là về mặt nguyên tắc hay lý thuyết. Đó chính là di sản của Mác và Lênin để lại, mà thông thường mọi người vẫn gọi đó là học thuyết chính trị hay chủ nghĩa Mác-Lênin.

Sự tranh luận này nói cho cùng vẫn là nền tảng của học thuyết Mác. Đó là nền tảng của khái niệm đấu tranh giai cấp, mà cốt lõi của nó vẫn là quy luật biện chứng (Dialektik) lấy từ quan điểm học thuyết triết học của nhà triết học duy tâm người Đức là Hegel (Georg Wilhelm Friedrich, 1770 – 1831) mà ra. Đúng ra, hình thức của lý thuyết Mác là hình thức phân tích kinh tế xã hội, nhưng động lực sâu xa chủ yếu của nó vẫn là tư tưởng biện chứng của Hegel. Bởi nếu không có động lực căn cơ này, lý thuyết của Mác cũng không mang tính quy luật theo ông quan niệm được. Đây chính là điều mà ông hoàn toàn xác nhận trong bộ sách cơ bản của ông về kinh tế chính trị, đó là cuốn Tư bản luận (das Kapital) mà mọi người đều biết.

Cho nên phê phán mọi ý nghĩa của lý thuyết Mác thực chất và sâu xa nhất cũng chỉ là phê phán quan điểm biện chứng luận về mặt triết học của nhà triết học Hegel mà không là gì khác. Điều này tác giả bài viết này cũng đã từng phân tích, nhận xét rất nhiều, không cần phải thảo luận thêm chi tiết ở đây nữa.

Vậy thì rút cuộc lại, ý nghĩa của sự tranh luận hay đấu tranh về khái niệm dân chủ từ thời kỳ cận đại đến nay trên toàn thế giới vẫn là sự tranh chấp tính cách khác nhau giữa nền dân chủ tư sản và nền dân chủ vô sản. Nền dân chủ tư sản dựa chủ yếu trên công cụ hay phương tiện sản xuất kinh tế xã hội thuộc tư nhân. Nền dân chủ vô sản, tức nền dân chủ tập trung, lý tưởng toàn trị chuyên chính do Mác đưa ra và Lênin thực hiện, đó là chế độ Bolchevik, ngày nay còn được áp dụng ở vài nơi trên thế giới.

Thật ra, trừ phi con người muốn đi vào những học thuyết triết học hoàn toàn xa thực tế, tức phi thực tế, thì xã hội hiện thực của con người vẫn luôn luôn là xã hội thực tế, đó là chân lý khách quan, hay một mặt nào đó của chân lý toàn diện và khách quan vốn vẫn luôn luôn như vậy. Bởi vì đơn vị cụ thể của xã hội loài người vẫn là con người thực tế bằng xương bằng thịt, tức con người thân xác và ý thức tâm lý, là điều hoàn toàn không thể phủ nhận. Nói khác đi, đó là con người chịu ảnh hưởng trực tiếp, tự nhiên của các quy luật tâm sinh lý, tức quy luật sinh học, quy luật xã hội, và quy luật lịch sử hoàn toàn cụ thể và thật sự khách quan.

Đó cũng là ý nghĩa đã nêu ra ngay từ đầu tức mọi người sinh ra đều hoàn toàn bình đẳng và tự do, và đó cũng chính là nền tảng của mọi quyền tự do thật sự. Tất nhiên, sự tự do cũng có nghĩa là quyền làm người, tức là nhân quyền, và dân chủ cũng có nghĩa là yêu cầu chính đáng, cần thiết, khách quan của con người, đó là dân quyền. Điều này cũng có nghĩa khi đặt một lý thuyết, hay được nôm na gọi là một ý thức hệ, nào đó lên trên xã hội con người, điều đầu tiên là phải xuất phát từ quan điểm dân chủ, có nghĩa phải hỏi ý kiến dân thật sự dân chủ. Đây chính là điều mà cuộc cách mạng vô sản hoàn toàn phủ nhận. Bởi nếu hỏi ý kiến dân thì còn gì là ý hướng hay yêu cầu của cách mạng nữa. Đó cũng chính là lý do tài sao chính bản thân Mác lại chủ trương chuyên chính vô sản. Thế thì xuất phát điểm ở đây là xuất phát điểm lịch sử khách quan hay chỉ là xuất phát điểm chủ quan theo nhận thức của Mác, là điều mà mọi người có quyền tự do suy nghĩ. Điều đó cũng còn gắn với bản thân của ý niệm hữu sản và ý niệm vô sản trong cuộc sống hoàn toàn cụ thể, thực tế, mà chắc mọi người ngày nay đều hoàn toàn rõ.

Vậy nên rút lại, trừ phi con người đứng trên quan điểm chuyên chính nào đó, bản thân của nền dân chủ xã hội vẫn luôn luôn phải là sự tự do và tính bình đẳng. Hai ý niệm này hoàn toàn ăn khớp, cần thiết, hay bổ sung cho nhau, bởi vì nếu không có cái này cũng không thể có cái kia. Nói khác đi, nền tảng thật sự của dân chủ và tự do vẫn không thể khác gì hơn là nền tảng của ý thức và nhận thức. Điều này hoàn toàn đúng trong thực tế xã hội. Nói dân chủ tự do thực tế vẫn là nói cho những thành phần chọn lọc tự nhiên nào đó trong xã hội, mặc dầu ý nghĩa và nguyên tắc của nó vẫn là ý nghĩa nói chung cho toàn xã hội hay cho tất cả mọi người.

Có nghĩa, đối với những người hay những cá nhân con người không có ý thức về sự dân chủ, tự do, thì điều này đối với họ cũng hoàn toàn thừa thải hay vô nghĩa. Đó là tính cách khách quan thực tế mà bất cứ người nào muốn phủ nhận cũng không thể nào phủ nhận được. Đó chính là tính chất nói chung của số đông, tức chỉ biết làm ăn, lo làm ăn cụ thể, thực tế trong đời sống cá nhân, ngoài ra không còn để ý hay không còn lo gì xa xôi hơn như thế. Tính chất này cho thấy ý nghĩa của dân chủ, tự do là ý nghĩa nguyên lý của toàn xã hội, nhưng chưa hẳn là ý nghĩa của mọi cá nhân. Sự khác nhau ở đây chính là yếu tố ý thức tinh thần, hay nói cụ thể là trình độ nhận thức, sự hiểu biết, nhất là ý nghĩa của tinh thần hay ý thức nói chung về xã hội mà thật sự những cá nhân cụ thể vẫn có thể có hay không có.

Tất nhiên, lịch sử luôn biến chuyển, về phương diện chung của xã hội cũng như phương diện đặc thù riêng bản thân mỗi cá nhân. Mỗi trình độ hiểu biết, nhận thức, ý thức của mỗi con người không phải luôn đứng yên mà vẫn chắc chắn đổi thay như thế. Hay nói khác đi, chất lượng của số đông vẫn là chất lượng quyết định cho tất cả. Thời kỳ dân tộc VN phải chịu sự cai trị của người Pháp, trình độ nói chung của mọi người dân còn thấp, sự đấu tranh bằng bạo lực vẫn không thể không xảy ra, nhưng Phan Chu Trinh là người sáng suốt muốn nâng cao dân trí, dân khí, dân tâm, vẫn chính là điều đó.

Vậy thì nói cho cùng, ý nghĩa của dân chủ và tự do vẫn không gì hơn chính là vấn đề bản thân của toàn xã hội. Đây là vấn đề nguyên tắc mà đồng thời cũng là vấn đề thực tế. Nguyên tắc bởi nó là ý nghĩa căn bản của quyền làm người, của nhân phẩm và giá trị nói chung nơi mọi con người, nhưng thực tế bởi vì nó có được số đông nhận thức yêu cầu cần thiết hay không lại là chuyện khác.

Vậy nên, mọi sự tranh cãi hay đấu tranh nhau, ngoài trừ phương diện quyền lợi kinh tế, vật chất cụ thể (luôn luôn là của đám đông), thì trong thực tế xã hội, thực chất nó vẫn chỉ xảy ra nơi số ít của những thành phần chọn lọc, những phần tử có ý thức và có nhận thức, có tri thức hiểu biết trong xã hội loài người. Điều này đúng trong mỗi nước và đúng trong toàn bộ lịch sử thế giới từ nguyên thủy đến ngày nay trải qua mọi chế độ, giai đoạn phát triển trong từng xã hội.

Đó cũng là lý do tại sao ý niệm dân chủ tập trung (hay tập trung dân chủ) và ý niệm dân chủ phổ biến là hoàn toàn khác. Bởi dân chủ tập trung chỉ là dân chủ hạn chế, dân chủ khu biệt, dân chủ trong nội bộ. Một tập thể hay tập hợp cá nhân con người nào đó, có quy luật vận động, lý thuyết, mục đích, ý nghĩa tổ chức riêng, đó là chính là nền dân chủ tập trung, nó phải tuân theo mọi ý nghĩa và khuôn khổ đặc thù, nội bộ, riêng biệt của nó mà không là gì khác. Nhưng bất kỳ một nhóm, một tập hợp, một cá nhân nào cũng chỉ là những thành phần riêng của xã hội mà không phải là toàn thể xã hội, đó là ý nghĩa của bản thân nền dân chủ phổ biến là như thế. Cho nên dân chủ tập trung quy kết lại vẫn chỉ là ý nghĩa dân chủ theo quan điểm đấu tranh giai cấp của Mác. Nó được coi là ý nghĩa của sự đại diện cho giai cấp, còn thực tế khách quan nó là ý thức của, mục đích của giai cấp, của những thành phần cá nhân, hay của toàn thể lịch sử xã hội như một tiêu biểu hoàn toàn đúng nghĩa lại là chuyện khác.

Vậy thì kết luận lại, điều gì quyết định nhất trong xã hội loài người, đó chính là sự hiểu biết, ý thức, và cái còn lại chính là quyền lực. Đương nhiên quyền lực ở đây là quyền lực công cộng. Quyền lực công cộng đặt nền tảng trên toàn sự tổ chức của xã hội. Nắm quyền tức nắm được toàn bộ sự tổ chức, điều hành, hay toàn bộ guồng máy vận động khách quan và tự động của toàn xã hội. Điều này cũng giống như người lái xe, lái tàu, người lái xe lô, xe ủi, thiết giáp xa, xe tăng bánh xích cũng vậy. Bởi ý nghĩa của quyền lực luôn luôn mù quáng và tự động. Con người thân xác vẫn luôn chỉ sợ nhau qua công cụ vật chất hay vũ khí mà người khác có trong tay. Về quyền lực xã hội người ta sợ nhau cũng chỉ vì có người nắm quyền lực và người hoàn toàn không có quyền lực. Nhất là khi quyền lực đó được tổ chức một cách chặt chẽ và toàn diện nhất, trong đó mọi cá nhân đều không còn phương tiện tự vệ. Trong khi đó, đối với xã hội tự giác và có hiểu biết, con người kính trọng nhau là vì đạo đức, vì trình độ nhận thức, vì giá trị của chân lý, sự thật khách quan. Bởi vậy, trong khía cạnh nào đó thì quyền lực độc đoán cũng giống như tình trạng chen chấn nơi đám đông. Hãy tưởng tượng một vụ kẹt xe ở đầu cầu, nơi đường hẹp, đông người, mạnh ai nấy chen nấy lấn, nguồn nguy hiểm và thiệt hại gây nên rất bội phần, ai cũng chỉ muốn thoát thân ra nhưng vô tính lại làm kẹt cho những người khác, đó là tình trạng hổn loạn, lùng nhùng không có lối thoát, cho tới khi cảnh sát đến hay có người nào đó có sự khôn khéo, có thiện chí, có điều kiện nào đó để đứng ra vẫn hồi lại chính trật tự bình thường. Kinh nghiệm này tất cả mọi người hẳn đều biết nên chắc chắn là đều suy nghĩ sâu sắc.

Thế nên, vấn đề ý nghĩa của tự do dân chủ đích thực, nói cho cùng vẫn chính là vấn đề về ý thức, hiểu biết và trách nhiệm. Tức mỗi người có thật sự hiểu biết, có thật sự thấy sự cần thiết, khách quan của ý niệm tự do dân chủ cho toàn xã hội hay không. Nếu không thấy được, hay chỉ thấy theo cách cục bộ, biệt phái, đặc thù nào đó, không thể nào có ý thức thực hiện, đấu tranh hay tranh thủ cho ý niệm dân chủ tự do một cách hoàn toàn phổ biến được. Bởi ý nghĩa tối hậu của dân chủ tự do phổ biến chắc chắn và luôn luôn phải xây dựng trên sự phổ thông đầu phiếu. Không có sự phổ thông bỏ phiếu, tức sự thể hiện ý kiến công khai, khách quan của tất cả mọi người về bất kỳ những vấn đề quan trọng nào đó, không vì bất cứ lý do gì và không bất kỳ một ai có thể có quyền tự quyết định thay cho họ, cũng không thể nào có được nền tự do dân chủ phổ biến một cách hoàn toàn đúng nghĩa và khách quan được. Bởi vậy nền dân chủ tự do phổ biến thì khai thác, tập hợp được mọi tinh hoa của toàn xã hội, còn nền dân chủ cục bộ hay độc tài thì đó nhiều lắm cũng chỉ là tinh hoa của một thành phần thiểu số. Tự do nói cho cùng là mọi cá nhân con người không bị áp đặt, vì nhân danh điều gì, làm trái lại sự nhận thức khách quan hay ý muốn hợp lý của họ. Còn dân chủ cũng là sự đối đãi bình đẳng nhau giữa tất cả mọi người cũng theo ý hướng đó.

Cho nên chân lý và quy luật vẫn là hai vấn đề hay hai ý nghĩa mấu chốt, quan trọng và khách quan nhất trong xã hội loài người mà không phải ai ai cũng thấy. Giống như nếu có người cao hứng làm ra một chiếc xe có bánh vuông, tất nhiên nó không thể chạy được ngon lành hay không vận động được theo đúng quy luật. Với một chiếc xe bánh vuông như thế, nếu mọi người cùng hè nhau đẩy, tất nhiên nó vẫn xê dịch, nhưng đó vẫn không phải là cách chạy xe, không phải xe tự chạy, mà chính do lực người cùng bị bắt buộc phải hè nhau đẩy. Nói về mặt kỹ thuật và mặt kinh tế, đó không phải là yêu cầu hợp lý, tiết kiệm, và thậm chí kém khôn ngoan trong thực tế cho dù có tự mệnh danh đó là điều ưu việt đi chăng nữa. Thế nhưng, mọi người có ý thức, khả năng, ý muốn phê phán, phê bình, hay phát biểu nhận xét về cái xe đó hay không lại là chuyện khác. Chẳng hạn, vì cần phải lo riêng, cũng chẳng ai thèm để ý đến nó. Hoặc sợ mếch lòng, hay sợ xô xát, sợ hậu quả, kể cả chỉ sợ lời qua tiếng lại không cần thiết, cũng chẳng ai muốn chỏ miệng vào. Đó cũng chỉ là tâm lý thụ động khách quan tự nhiên của phần lớn người hay kể cả nói chung trong toàn xã hội nào đó cụ thể.

Ý nghĩa của dân chủ tự do cũng chính là thế. Đó cũng còn là do chỗ sáng suốt, mù quáng, có ý thức, vô ý thức, có hiểu biết, kém hiểu biết, có trách nhiệm, vô trách nhiệm, có năng động, không năng động, có chủ động hay chỉ thụ động, là tâm lý bàng quan hay ý thức dấn thân của tất cả mọi người. Cái gì là ý nghĩa chung, cái gì là ý nghĩa riêng, cái gì là cục bộ, cái gì là phổ biến, cái gì là khách quan, cái gì là chủ quan, cái gì là thực tế, cái gì là viễn mơ, cái gì là quy luật, cái gì không phải là quy luật, cái gì là giả tạo, cái gì là thực chất, cái gì có ý nghĩa và giá trị, cái gì không ý nghĩa và không giá trị, cái gì là niềm tin giáo điều, cái gì là chân lý khách quan thực tế v.v… và v.v…, đó chính là tính mục đích, tính ý thức, tính hiểu biết, tính điều kiện, và nói chung là tính hiệu lực và ý nghĩa văn minh, văn hóa, tinh thần cần thiết, chính đáng, bao quát, đích thực nhất của sự tự do dân chủ phổ biến nhất trong toàn xã hội.

Võ Hưng Thanh
(22/01/2011)

Nguồn bài đăng

0