18/06/2018, 16:07

Lời thề Lũng Nhai

Hoàng Xuân Hãn K ề phía Nam thị-xã Thanh-hoá, có làng Kiều-đại, là quê-ngoại của Lê Duy-Bang, thuộc dòng thứ sáu anh ruột Lê Lợi. Năm 1556, dòng Lê Lợi dứt, chúa Trịnh Kiểm tìm Duy-Bang ở đó, bèn lập làm vua để chống Mạc : tức là Anh-tông. Vì vậy, Kiều-đại trở thành quý-hương của nhà Lê ...

Hoàng Xuân Hãn

Kề phía Nam thị-xã Thanh-hoá, có làng Kiều-đại, là quê-ngoại của Lê Duy-Bang, thuộc dòng thứ sáu anh ruột Lê Lợi. Năm 1556, dòng Lê Lợi dứt, chúa Trịnh Kiểm tìm Duy-Bang ở đó, bèn lập làm vua để chống Mạc : tức là Anh-tông. Vì vậy, Kiều-đại trở thành quý-hương của nhà Lê trong khoảng Trung-hưng, rồi triều Gia-long dời đền thờ các vua Lê vào đó, để con cháu họ Lê trông coi.

Năm 1943, tôi được cụ thủ-từ đền ấy cho xem một bản sao đề là Lam-sơn thực-lục chép gia-phả họ Lê và chuyện Lê Lợi chống quân Minh. Tôi đã có dịp trình bày bốn văn-kiện trong tập ấy, dưới đầu-đề Những lời thề của Lê Lợi, trong hai số đầu tập-san Sử Địa xuất-bản tại Sài-gòn năm1966. Trong số bốn bài văn thề, có hai bài nôm rất quý cho ngữ-học. Một trong những bài bằng Hán-văn có liên-quan đến NGUYỄN TRÃI. Ấy là một thực-chứng cụ-thể cho cuộc khởi-nghĩa Lam-sơn khi mới nhóm, và sự Nguyễn Trãi có mặt tại Lam-sơn từ buổi đầu. Tôi sẽ gọi tắt bài ấy là văn thề Lũng-nhai, lấy tên khu nhóm họp của nghĩa-đảng đương thời, gần địa-phận Lam-sơn.

Muốn suy-kết của ta có giá-trị, ta phải chứng-minh rằng sự hội-thề ở Lũng-nhai có thật và văn-bản lời thề còn thấy là xác-thực. Tôi đã cố làm việc ấy trong bài trình. Nhưng bấy giờ tôi chỉ mới thấy một bản sao mới (năm 1931) mà thôi. Cụ thủ-từ đã cho tôi biết rằng bản chính được giữ trong một họ công-thần tại huyện Nông-cống (Thanh-hóa). May sao ! từ ngày ấy, các nhà sử-học đã lần-lượt phát hiện, nhất là tại vùng Thanh-hóa, nhiều bản khác (1). Tuy tôi chưa được thấy các bản nguyên sao, nhưng hai bản phiên âm trong sách LSTL/TH và một bản dịch trong KNLS và nhất là công khảo chứng trong sách đầu khiến tôi phải xét lại hai vấn-đề thực-hữu và xác-thực của văn-thề Lũng-nhai.

VẤN ĐỀ THỰC HỮU

Về vấn-đề thực-hữu, ta trả lời lập-tức rằng hội thề có thật. Những lẽ như sau :

  1. Sau bài thệ-văn, Lam-sơn thực lục kí có chép (dịch) :

” Năm Thuận-thiên thứ 2, Kỷ-dậu (1429), ngày 17 tháng 2, các bầy tôi cùng Nguyễn Trãi tâu xin viết thệ-văn vào sách (có lẽ bằng đồng) để cất trong hòm. Rồi đến ngày 16 tháng 2 năm Hồng-đức thứ 12 (1481), vua Thánh-tông lại ban cho các công-thần mỗi nhà giữ một đạo “.

Đến ngày nay, ta còn thấy ít ra cũng 5 bản trong các họ công-thần.

  1. Đời Hậu-Lê (ba phần tư thế-kỷ thứ 18), Lê Quý-Đôn đã viết chuyện một số khai-quốc công-thần triều Lê trong tập Đại-Việt Thông-sử (2). Trong chuyện 5 vị : Lê (Lưu) Nhân-Chú, Trịnh Khả, Lê Lý, Lê Văn-An và Lê Thận, đều có đoạn văn gần như nhau :

” Năm Bính-thìn (1416), Vua cùng 18 người tướng văn, tướng vũ liên danh thề ước cùng vui và cùng lo với nhau. Ông cũng được dự “.

Năm vị ấy đều có tên trong bảng tên của văn thề.

  1. Năm 1428, các sử đều nói đến sự thưởng cho nhóm Lũng-nhai công-thần. Tuy nhóm ấy là kẻ theo nghĩa-quân từ khi đầu, chứ không phải có dự thề, nhưng trong sách Khâm định Việt-sử thông giám cương mục(quyển 13) cũng chú rằng Lũng-nhai là chỗ hội thề.

VĂN THỀ LŨNG-NHAINội-dung văn thề Lũng-nhai là : Lê Lợi họp những đồng-chí từ phương xa tới Lam-sơn theo mình, để thề trước Trời, Đất, Thần linh cùng nhau vui khổ, trước sau một lòng chống lại tụi bè đảng theo giặc tới phá sào-huyệt mình. Chỉ có 19 người đứng thề ; ý chừng đó là những người không thân-thuộc với Lê Lợi và có ý-chí và trình-độ tư-tưởng cao, hiện-diện lúc ban đầu. Trong những văn-bản còn lại, bảng tên ấy có khác bằng đổi hai tên và đảo hai chỗ. Bản họ Lê Sát có những tên Trịnh Vô, Phạm Lôi bản Đỗ Bí thay bằngĐinh Liệt, Lê Bồi. Tuy bốn vị này đều là Khai-quốc công-thần, nhưng trong bảng Công-thần khởi nghĩa mà chính Lê Lợi kể ra ở cuối bản Lam-sơn Thực-lục (3) có tên hai vị trên : Phạm Lôi và Trịnh Vô (thứ 21 và 16 trong số 35 tên). Trái lại bảng ấy không mang tên Đinh Liệt và Lê Bồi. Vì lẽ ấy, tôi nhận rằng bản Lê Sát, tuy có lầm hay sót một số chữ thông-thường, là chính-xác hơn bản Đỗ Bí hoặc bản Kiều-đại chắc sao theo bản Đỗ Bí. Còn những tên bị đổi thứ bậc, thì là : Lê Văn-Linh, Lê Văn-Anh và Lưu Nhân-Chú đứng thứ 4, 5 và 14 trong bản Lê Sát, bị đổi ra thứ 5, 4 và 15 trong bản Đỗ Bí.

Sau đây, tôi sẽ hợp-thái hai bản ấy. Sẽ cước-chú những dị-điểm, nhưng nếu có chữ sai sót thô-sơ ở bản Lê Sát mà xưa đã có nét bút chữa rồi, thì tôi sẽ bỏ qua không chú-thích, vì sách LSTL/TH đã làm rồi :

1

Sau đây là lời tôi dịch :

((Bui ! (cổ-ngữ đứng đầu các văn khấn)

Năm đầu niên-hiệu Thiên-khánh là năm Bính-thân (1416), quá ngày sóc (mồng một) là ngày Kỉ-mão đến ngày 12 là ngày Canh-dần. Tại nước A-NAM, lộ Khả-lam, tôi là phụ-đạo Lê-Lợi đứng đầu, với Lê-Lai, Lê-Thận, Lê Văn-Linh, Lê Văn-An, Trịnh-Khả, Trương-Lôi, Lê-Liễu, Bùi Quốc-Hưng, Lê-Nanh, Lê-Kiểm, Vũ-Uy, Nguyễn-Trãi, Lưu Nhân-Chú, Trịnh-Vô, Phạm-Lôi, Lê-Lí, Đinh-Lan, Trương-Chiến,

Chúng tôi kính cẩn đem lễ-vật, sanh-huyết mà thành-khẩn dâng lời tâu, cáo cùng Vua Trời, Hậu Đất và các thần linh bậc thượng, trung, hạ, coi các cảnh đẹp sông núi tại các xứ ta. Chúng tôi cúi xin rộng rủ lòng thương, soi xét để chứng cho việc nầy. Rằng có bạn từ xa tới kết tình vui-vẻ và rất tin nhau, cho nên phải làm lễ tâu cáo.

Nay ở nước tôi, tôi phụ-đạo Lê-Lợi đứng đầu với 18 người từ Lê-Lai đến Trương-Chiến, tuy sinh khác họ, quê quán xa cách nhưng kết nghĩa cùng nhau, xem nhau như cành liền chung một tổ. Tuy phần vinh hiển có khác nhau, nhưng nguyện đem tình đối xử với nhau như người không khác họ.

Nếu có bè đảng, vì muốn xâm-tiếm, tỏ vẻ xem chừng sắp vượt cửa vào để làm hại, thì : (4)

Ví bằng chúng tôi đây, Lê-Lợi với 18 người từ Lê-Lai đến Trương-Chiến, có đều hiệp lực đồng tâm chống giữ địa-phương để làng xóm được yên ; nếu chúng tôi sống chết cùng nhau không quên lời thề ước, thì chúng tôi cúi xin Trời, Đất và các vị Thần linh chứng giám cho, ban xuống trăm điều lành, cho từ thân đến nhà, dòng-dõi, con cháu đều được yên lành để đời đời hưởng lộc Trời.

Ví bằng Lê-Lợi với 18 người từ Lê-Lai đến Trương-Chiến lại ra ý đổi đường, tìm sướng hiện-thời, mập-mờ sao-lãng, không chịu đồng tâm, bỏ quên lời thề ước, thì chúng tôi cúi xin Trời, Đất và các vị Thần linh phát xuống trăm tai, cho từ thân đến nhà, dòng-dõi, con cháu đều chịu giết sạch, đúng với luật Trời.

Kính cẩn tâu trình.))

Xét về văn-thái thì bài thề nầy thiếu vẻ văn chương, rõ ràng không phải một kẻ từ-hàn thảo soạn. Tuy chữ dùng có phần lệch lạc, nhưng ý nghĩa cũng đoán được chừng chừng và khá đầy đủ. Nhưng nếu ta xét kỹ nội-dung thì thấy có nhiều điểm đáng nghi-ngờ, khiến ta phải đặt vấn-đề : văn-bản lời thề Lũng-nhai còn thấy, đã bị ai bịa đặt hay sửa chữa một cách non-nớt chăng ? Tôi đã giải-thích và bào-chữa những mối nghi-hoặc ấy trong tập sanh Sử Địa dẫn trên, và đã nhận rằng văn thề ấy là chính-xác, tuy rằng văn-tự có điểm hoài-nghi. Tôi sẽ chỉnh luận như sau.

NHỮNG ĐIỂM NGHI NGỜ VÀ GIẢI THÍCH

Những điểm đáng nghi là : địa-danh, nhân-danh, thời-điểm và lịch-pháp.

1.- Địa danh

  1. a) Tại sao không gọi tên nước là Đại Việt, hay An-nam, mà lại gọi bằng A-nam hay Hà-nam ?

Nếu có kẻ bịa hay chữa văn thề, thì ắt không gọi như thế mà dùng tiếng hô Đại Việt như trong bài Bình Ngô Đại cáo. Như văn thề chứng tỏ, ban đầu Lê-Lợi chỉ có tham-vọng lập và giữ một khu-vực nhỏ ; cho nên không thể gọi là Đại Việt, là đất của Trần. Cũng không muốn gọi là An-nam, vì đó là tên Trung-quốc xưng nước ta trước khi thôn-tính. Nếu thực gọi là Hà-nam thì có lẽ muốn trỏ phía Nam triền sông cái (Hồng-hà). Phần chắc-chắn hơn là tự gọi A-nam quốc, vì là người sau có thể lầm hay đoán cải ra Hà-nam, chứ ít lẽ làm ngược lại. Vả chăng hình như thời xưa, tên A-nam đã trỏ nước ta. Một chứng là vào cuối thế-kỷ 17 hòa-thượng Chân-nguyên còn dùng trong tác-phẩm nôm Thiền tông bản hạnh, khi chép chuyện Thiên-phong, thiền-sư nước Tống, sang chơi nước ta đời Trần rồi

” Xưng rằng : ((Lâm-tế tông xưa
” Pháp phái diễn thừa, vân thủy (đi chơi) A-nam))
(vế 330-331. Xem Tập san KHXH số 6 trang 29

A  nghĩa là cái gò lớn. Ý muốn trỏ đất ở phía nam một núi nào chăng ? Hay chỉ là tiếng đọc trại của dân-gian tên An-nam chăng?

  1. b) Tại sao lại gọi đất Khả-lam bằng lộ , chứ không gọi bằng sách như trong chính-sử. Sự ấy rất dễ hiểu. Lộ là một thành-phần của nước; sách là một thành-phần của huyện miền núi mà thôi. Đã dựng một nước, Lê-Lợi tuy chưa xưng vương, nhưng tự coi là giữ chức trấn-thủ một lộ. Vả chăng, trong bảng Ngự-danh Công-thần khởi nghĩa, Lê-Lợi đã dùng “Khả-lam lộ” để trỏ quê-quán một số công-thần. Vậy điểm nghi nầy được giải hoàn-toàn.

2.- Nhân danh

Tại sao, trong hai bản LS và ĐB, danh-sách khác nhau và thứ-tự cũng hơi khác nhau?

  1. a) Như trên đã nói, 18 tên trong bản LS đều có trong bảng Ngự danh. Còn trong bản ĐB, và bản họ Đinh ở Nông-cống(5) thì bớt hai tên Trịnh Vô và Phạm Lôi và thế bằng hai tên Đinh-Liệt và Lê-Bồi. Mà hai tên không dự bảng Ngự danh Vả chăng hai vị trên hình như mất sớm, cho nên không thấy tên ghi trong sử ngoài bảng Ngự danh riêng của Lê-Lợi. Bảng ấy ghi :

(16) TRỊNH-VÔ phong Hoằng-nghĩa hầu. Quê Khả-lam lộ. Vì dã ứng việc nước.

(21) PHẠM-LÔI phong Lễ-đình hầu. Quê Khả-lam lộ. Vì ứng việc nước. (Xem LSTL/TH tr. 200)

Trái lại hai vị sau, công-nghiệp về sau hiển-hách. Trong bảng Đàm Văn-Lễ kê tên các Khai quốc công thần (1500), có tên Lê Bồi đứng thứ 40 trong số 96 “người không có tên trong Lam-sơn Thực-lục”, ghi với sự-nghiệp như sau (LSTL/TH tr. 211) :

(40) LÊ-BỒI (tóm tắt

0