Linh Giang có phải là sông Gianh
Thượng nguồn sông Gianh- Quảng Bình Tôn Thất Thọ Vấn đề được đặt ra từ sự ghi chép trong Đại Nam nhất thống chí ( ĐNNTC ), sách do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, được Viện Sử học xuất bản lần đầu vào năm 1969 : Trong tập 2, tỉnh Quảng Bình phần Núi sông , ghi như sau : ...
Tôn Thất Thọ
Vấn đề được đặt ra từ sự ghi chép trong Đại Nam nhất thống chí ( ĐNNTC ), sách do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, được Viện Sử học xuất bản lần đầu vào năm 1969 : Trong tập 2, tỉnh Quảng Bình phần Núi sông, ghi như sau :
“ Sông Linh Giang ( sông Gianh ) : ở cách huyện Bình Chính 3 dặm về phía nam, bờ phía bắc thuộc huyện Bình Chính, bờ phía nam thuộc huyện Bố Trạch, lại có tên sông là Thanh Hà …” ( ĐNNTC T2, sđd, tr 40).
Như thế, theo ĐNNTC, Linh Giang là tên gọi của sông Gianh, tỉnh Quảng Bình; con sông lịch sử ghi dấu hơn 200 năm Trịnh- Nguyễn phân tranh !
Theo lời giới thiệu của Viện Sử học thì thời điểm biên soạn của ĐNNTC là :
“ Căn cứ vào duyên cách các tỉnh, đạo, phủ, huyện thì có thể đoán được rằng sách được biên soạn vào thời gian trước năm Tự Đức thứ 29 (1875) là năm đặt lại tỉnh Hà Tĩnh (sách còn chép là đạo Hà Tĩnh) và sau năm Tự Đức thứ 18 (1864) là năm chia lại huyện Tuy Viễn và Tuy Phước thuộc tỉnh Bình Định” ( ĐNNTC, T1, sđd, tr 8 ).
Như thế thì sách được biên soạn vào thời điểm cách nay được hơn135 năm, thế nhưng khi đối chiếu với những tài liệu trước đó ghi chép về địa danh con sông này thì không phải như vây !:
Năm 1435, (niên hiệu Thiệu Bình năm thứ hai) khi Nguyễn Trãi soạn Dư Địa chí ( Quốc thư bảo huấn đại toàn ) dâng lên vua, ông chép:
“HẢI CẬP VÂN, LINH DUY, THUẬN HÓA
( Hải , Nam Hải dã. Ải, sơn dã. Linh, thủy danh. Thuận Hóa, cổ Việt Thường thị Bộ…)
( Dịch : BỂ CÙNG NÚI VÂN, SÔNG LINH LÀ Ở THUẬN HÓA- Bể là bể Nam Hải. Vân là Ải Sơn. Linh là tên sông.Thuận Hóa xưa là Bộ Việt thường )
(…) ( Họ Lý nói: Thuận Hóa là châu Bắc Cảnh của ta. Sau thời nội thuộc, tên Hoàn Ngọc nước Chiêm Thành thường quấy nhiễu chiếm hết phía nam. Triều Lý, triều Trần, vua thân chinh đánh Chiêm, thường bắt được vua. Người Chiêm phải đem ba châu Tư Ma, Minh Linh, Bố Chính chuộc tội. Vua ta đặt làm châu Thuận và châu Hóa, sau hợp làm một Thuận Hóa…” ( Ức Trai Tập, tập hạ, sđd, tr 786-788).
Qua đó ta thấy Dư Địa chí ghi Linh Giang thuộc xứ Thuận Hóa, mà bấy giờ gồm 2 châu: châu Thuận và châu Hóa; ngày nay thuộc các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và một phần Quảng Nam.
Hơn 100 năm sau, năm 1553 (năm Cảnh Lịch, niên hiệu của Mạc Phúc Nguyên) sách Ô Châu Cận Lục do Dương Văn An nhuận sắc đã chép rõ hơn về vị trí sông Linh Giang :
“Sông Linh Giang. Sông do hai nguồn Kim Trà và Đan Điền chảy vào, rộng sâu vô cùng, khúc uốn quanh co rất hữu tình. Phía tây nam có đền thờ Tứ Vị và trạm dịch Địa Linh. Phía Đông Bắc có chùa Sùng Hóa và bia Hoằng Phúc. Các nha môn như hiến ty, huyện đường, chưởng vệ đều đặt ven hai bên sông.”( ÔCCL, sđd, tr 24).
Quyển 5: Đền chùa- danh lam: Chùa Sùng Hóa. Chùa ở xã Lại Ân huyện Tư Vinh, trước có sông Linh Giang bao bọc, sau có đầm lớn vòng quanh, phía nam có sông Hoài Tài, phía bắc có bia Sùng Phúc. Tượng thần tôn nghiêm, cung tiên nguy ngay. Vào những ngày lễ tiết tế lễ, các quan ở nha môn, vệ sử, tam ty đều đến tham dự, mũ áo lễ nhạc tụ tập như mây. Khi cầu đảo đều được linh ứng. Đây là ngôi chùa nổi tiếng ở Hóa Châu.” ( ÔCCL, tr 78).
Khi biên soạn Phủ Biên Tạp Lục năm 1776, cụ Lê Quý Đôn (1726-1784) cũng ghi nhận:
“Linh Giang, nước từ hai nguồn Hương Trà Đan Điền đổ về, rất sâu rộng, phía tây nam có đền Tứ Vị, phía tây bắc có chùa Sùng Hóa ( các sở Hiến Ty cùng Phủ nha đều ở tả hữu sông ấy. Sông cái Đan Điền, nguồn ở rất xa, bờ Nam bờ Bắc sông đều có dân cư, thành lớn Thuận Hóa ở về hạ lưu.” ( PBTL, sđd, tr 96).
Đầu thế kỷ XIX, năm 1809, khi biên soạn Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (LTHCLC), cụ Phan Huy Chú (1782-1840) đã viết rất rõ về vị trí của hai con sông này. Theo ghi chép của cụ thì trấn Thuận Hóa xưa gồm hai phủ: phủ Triệu Phong và phủ Tân Bình. (hai phủ này ngày nay là tỉnh Bình- Trị Thiên cũ-TTT) .
Phủ Triệu Phong gồm năm huyện, hai châu. Năm huyện là:
-Huyện Đan Điền (sau đổi thành Quảng Điền)
-Huyện Kim Trà (sau đổi thành Hương Trà)
-Huyện Ân Vinh (Tư Vinh ?) sau đổi thành huyện Phú Vang
-Huyện Hải Lăng
– và Huyện Vũ Xương.
(phần ghi chú trong ngoặc cũng trích từ LTHCLC)
Trong phần núi sông của phủ Triệu Phong, LTHCLC chép :
“Sông Linh (tức Linh Giang) do hai nguồn nước Kim Trà và Đan Điền chảy vào, sông rất sâu và rộng. Phía tây nam có chùa Từ Vị, phía đông bắc có chùa Đường Hoa. Sở Hiến ty và sở Phủ vệ đều ở hai bên tả hữu sông này. Phía tây bắc sông đều là dân cư. Thành lớn Thuận Hóa ở về phía hạ lưu sông.
Nguồn Kim Trà ở ngã ba sông thuộc huyện Kim Trà sản xuất ra nhiều thứ như: sơn nại, chiếu mây, chè búp, hột cà phê…” ( LTHCLC T1, sđd, tr 160).
Với những địa danh như huyện Kim Trà, huyện Đan Điền ta có thể xác định đó là tên cũ của các huyện Hương Tà, Quảng Điền ngày nay của tỉnh Thừa Thiển Huế.
Về phủ Tân Bình, sách Lịch triều chép:
“Phủ Tân Bình ( đến đời chúa Nguyễn Hoàng đổi làm phủ Quảng Bình) ở phía nam Thuận Hóa, giáp với trấn Nghệ An, lấy sông Gianh làm giới hạn phía nam…”
“Phủ Tân Bình có hai huyện, hai châu:
-Huyện Khang Lộc
-Huyện Lệ Thủy
-Châu Minh Linh ( sau đổi là Chiêu Linh rồi Vĩnh Linh)
-Châu Bố Chính( sau chia làm 2: Bình Chính và Bố Trạch. Năm 1838 có tên là phủ Quảng Trạch.”
Phần núi sông tại phủ Tân Bình, LTHCLC chép như sau:
“Sông Đại Linh, nước đầm Nhật Lệ, phá Thiền Hải, vực An Sinh, Liên Trì, sông Bình.
Đầm Nhật Lệ ở cửa biển Nhật Lệ thuộc huện Khang Lộc, nước một làn mênh mông, biển lớn ở phía đông bắc, núi cao ở phía tây nam. Về phía tây bắc đầm này, chỗ nước rất sâu có nhiều giống thuồng luồng.
Phá Thiền Hải ở huyện Lệ Thủy, do các nguồn nước từ An Sinh, Cẩm Lý chảy đến trăm ngọn sông họp lại, gọi là phá Hạc Hải…” ( LTHCLC, sđd, tr 191)
Rõ hơn nữa về sông Gianh, cụ Lê Quý Đôn chép trong Phủ Biên Tạp Lục :
“Châu Bắc Bố chính giữa đường có chỗ gọi là quán Ba Lò, núi có mỏ vàng, đời trước khai lấy mỏ nên gọi như thế. Nhưng vàng xấu, nấu không thành. Từ bến các xã phường Lộc Điền Lũ Đằng đi thuyền theo sông ĐẠI LINH là phía hữu sông Đại Linh, tức sông Gianh, qua hai xã Vân Lôi, La Hà, đến ngã ba là chỗ sông Gianh và sông Son gặp nhau” . (PBTL, sđd, tr 101).
***
Tóm lại, qua các địa danh và vị trí địa lý đã dẫn chứng trong các tư liệu có trước khi Đại Nam nhất thống chí ra đời như Ô Châu cận lục, Phủ biên tạp lục, Lịch triều hiến chương loại chí…,ta có thể xác định rằng:
Sông Linh (hay Linh Giang) chính là tên gọi chỉ con sông Hương ở Thừa-Thiên- Huế ( mà trước đây thuộc phủ Triệu Phong ); còn sông Gianh trước thuộc phủ Tân Bình ( nay là tỉnh Quảng Bình ) có tên là Đại Linh, cả hai sông này xưa đều thuộc xứ Thuận Hóa.
Cụ Đặng Xuân Bảng ( 1828 – 1910) tác giả Sử Học Bị Khảo, tác phẩm được coi là đồng thời với ĐNNTC, khi viết về các sông ở Quảng Bình, cụ chỉ chép là sông Gianh, còn gọi là ngòi Quảng Tuần, chứ không hề viết là Linh Giang hay một tên gọi khác:
“Quảng Bình có sông Gianh (phát nguồn từ núi Thanh Lăng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, chảy theo hướng đông nam, gọi là ngòi Quảng Tuần” ( SHBK, sđd, tr 171)
Cũng theo lời cụ, trong lời tựa sách Nam Phương danh vật bị khảo thì:
“ Tôi đi làm quan các nơi, mỗi khi gặp sự vật gì, đều cho kiểm tra lại, rồi tiện tay cầm bút ghi chép. Tôi thường tiếc là sách của bậc tiền bối còn nhiều thiếu sót và sơ sài. Năm Bính tý ( 1876 ) bị đầy ra Đà Giang, tôi nhân dịp ấy mang các sách của người xưa và của các vị tiền bối nước ta, sách Nhất Thống Chí của bản triều và những gì bản thân ghi chép được hàng gày ra khảo đính lại, chỗ còn thiếu thì bổ sung, chỗ sai lầm thì đính chính lại, chỗ chưa biết thì để trống, chia thành môn loại, chú âm Việt, ghi lại rõ hình dạng để làm tài liệu tham khảo.” ( SHBK, sđ, tr 12).
Xem thế ta thấy sự nhầm lẫn về tên gọi sông Linh Giang chỉ sông Gianh như Đại Nam nhất thóng chí ghi chépmà sau này được nhiều tác giả trích dẫn không phải là cá biệt…