18/06/2018, 16:54

Quốc danh Nam Việt trong lịch sử

Đinh Văn Tuấn Quốc hiệu của Việt Nam qua các triều đại được chính sử ghi nhận là các quốc hiệu như: Văn Lang, Vạn Xuân, Đại (Cù) Việt; Đại Việt; Đại Ngu; Việt Nam; Đại Nam. Tuy nhiên, ngoài những ...

nam viet kingdom.jpg

                                                                            Đinh Văn Tuấn 

        Quốc hiệu của Việt Nam qua các triều đại được chính sử ghi nhận là các quốc hiệu như: Văn Lang, Vạn Xuân, Đại (Cù) Việt; Đại Việt; Đại Ngu; Việt Nam; Đại Nam. Tuy nhiên, ngoài những quốc hiệu chính thức này, người Việt vẫn từng gọi tên nước bằng những danh xưng khác như: Nam Việt; Việt; Nam; Cự Việt; Việt Nam; Thiên Nam; Hoàng Việt… Đặc biệt là quốc danh “Nam Việt” vừa là quốc hiệu của nhà Triệu đã từng được quốc sử Việt Nam ngày xưa nhìn nhận là một triều đại chính thống nhưng lại vừa là tên gọi của đất nước cổ Việt (Giao Chỉ) và nhà Nguyễn. Tại sao lại có sự trùng hợp này, đây là một vấn đề lịch sử rất đáng được quan tâm và truy nguyên.

         Bài viết này sẽ tìm hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa quốc danh “Nam Việt” theo dòng lịch sử. 

  1. Quốc hiệu Nam Việt của nhà Triệu

         Quốc hiệu Nam Việt của nhà Triệu được ghi nhận trong Sử ký[1] của Tư Mã Thiên (đời Hán). Tư Mã Thiên cho biết Triệu Đà là người Hán ở huyện Chân Định, vốn là quan lệnh huyện Long Xuyên của nhà Tần. Sau khi nhà Tần bị tiêu diệt vào năm 206 TCN, theo kế thoát ly nhà Tần để cát cứ của quan úy Nam Hải là Nhâm Ngao trước khi chết, Triệu Đà liền giữ chức quan úy thay cho Nhâm Ngao và lập tức giải phóng quận Nam Hải, đánh chiếm quận Quế Lâm, Tượng rồi tự làm vua xưng là Nam Việt Vũ vương. Vương hiệu này, vào năm 196 TCN cũng đã được Cao đế nhà Hán phong nhận và từ đây thiết lập ngoại giao giữa nhà Triệu và nhà Hán. Nước Nam Việt bắt đầu chính thức xuất hiện trong lịch sử. Thời Cao Hậu (241 – 180 TCN), Triệu Đà tranh chấp, tuyệt giao với nhà Hán và tự xưng là Nam Việt Vũ đế. Đây là lần đầu tiên ở Lĩnh Nam xuất hiện một đế vương ngang hàng với Trung quốc. Sử gia Trung Quốc xưa nay đều không công nhận nước Nam Việt là quốc thống đã chứng tỏ Nam Việt là một nhà nước độc lập ở Hoa Nam. Ngược lại, sử gia Việt Nam thời trung cổ đến cận đại, dù có một số ý kiến phủ nhận nhưng đều công nhận nhà Triệu là quốc thống.

         Với ghi chép còn lưu lại qua Đại Việt sử ký toàn thư [2], có lẽ sử gia đời Trần là Lê Văn Hưu, tác giả Đại Việt sử ký (chép từ Triệu Vũ Đế đến Lý Chiêu Hoàng), đã có chủ kiến sớm nhất về vấn đề này: “Triệu Vũ Đế khai thác đất Việt ta mà tự làm đế trong nước, đối ngang với nhà Hán, gửi thư xưng là “lão phu”, mở đầu cơ nghiệp đế vương cho nước Việt ta, công ấy có thể nói là to lắm vậy.”, tiếp theo là An Nam chí lược [3], Đại Việt sử lược cùng thời cũng mặc nhiên coi nhà Triệu là quốc thống của cổ Việt. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, nhà Trần phong Triệu Đà là “Khai Thiên Thể Đạo Thánh Vũ Thần Triết Hoàng Đế”. Sử gia Ngô Sĩ Liên triều Lê đã đặt Kỷ nhà Triệu trong Ngoại kỷ của Đại Việt sử ký toàn thư và ngợi khen Triệu Đà là bậc vua có đức lớn. Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo đã từng viết “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần…” cũng xác nhận quốc sử nước ta khởi đi từ nhà Triệu. Ý kiến phủ nhận sớm nhất được biết về chính thống của nhà Triệu có lẽ qua lời bình của đại thần nhà Lê ở phần Phụ Lục của Lam Sơn thực lục [4] như sau: “Vũ đế nhà Triệu cùng vua Hán đều tự làm vua nước mình, gồm có đất ở ngoài Ngũ Lĩnh, đóng đô ở Phiên Ngu, thật là vua anh hùng. Thế nhưng chẳng qua cũng là một người Tàu sang cai trị nước ta, chưa được chính thống”, sau đó vào đời Lê Mạt, sử gia Ngô Thì Sĩ trong Việt sử tiêu án [5] đã phê phán sử gia đời trước đã sai lầm khi tán dương công nghiệp của Triệu Đà, xác nhận nhà Triệu là quốc thống và ông dứt khoát phủ nhận Triệu Đà: “An Dương Vương mất nước, để quốc thống về họ Triệu, chép to 4 chữ: “Kỷ Triệu Vũ Đế”. Người đời theo sau đó không biết là việc không phải. Than ôi! Đất Việt Nam Hải, Quế Lâm không phải là đất Việt Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Triệu Đà khởi phát ở Long Xuyên, lập quốc ở Phiên Ngung, muốn cắt đứt bờ cõi, gồm cả nước ta vào làm thuộc quận, đặt ra giám chủ để cơ mi lấy dân, chứ chưa từng đến ở nước ta (…) Nước ta bị nội thuộc vào nước Tàu từ đời Hán đến Đường, truy nguyên thủ họa chả Triệu Đà thì còn ai nữa?”. Tuy thế, sử gia các đời sau đến khi nhà Nguyễn chấm dứt vẫn mặc nhiên coi nhà Triệu là quốc thống. Từ sau năm 1945, các sử gia Việt Nam dường như đã theo khuynh hướng phủ nhận nhà Triệu và nước Nam Việt là quốc thống, coi Triệu Đà là kẻ thù dân tộc. Cho đến nay vấn đề nước Nam Việt của nhà Triệu có phải là chính thống hay không vẫn còn được các học giả tranh luận.

       Chúng tôi xin đưa ra vài nhận xét về vấn đề này: Triệu Đà là người đầu tiên trong lịch sử liên quan đến cổ Việt, đã mở đầu cơ nghiệp đế vương ở Lĩnh Nam, tạo dựng một nước mới độc lập mang tên “Nam Việt”, sánh ngang với nhà Hán. Sử sách cho biết, Triệu Đà tự xưng là “Man Di đại trưởng lão phu”, lấy vợ và theo phong tục Bách Việt, thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc. Hai chữ “Nam Việt” đã xác nhận Triệu Đà tự coi nước mới là của tộc Việt phương Nam, khẳng định thoát ly tộc Hán phương Bắc. Tinh thần và ý chí ly khai, độc lập của Triệu Đà rất quan trọng đối với các tộc Bách Việt phương Nam (trong đó có cổ Việt) và trở thành nguồn động lực lớn lao giúp cho người cổ Việt quật khởi, thoát khỏi ách nô lệ nhà Hán[6]. Tiêu biểu là cuộc kháng chiến lừng lẫy, oai hùng do Hai Bà Trưng khởi binh chống lại sự cai trị nhà Hán, chiến thắng và xưng vương cho đến Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán, mở đầu thời kỳ độc lập, tự chủ. Nên thật dễ hiểu khi sử gia Lê Văn Hưu đã từng viết “Người làm vua nước Việt sau này nếu biết bắt chước Vũ Đế mà giữ vững bờ cõi, thiết lập việc quân quốc, giao thiệp với láng giềng phải đạo, giữ ngôi bằng nhân, thì gìn giữ bờ cõi được lâu dài, người phương Bắc không thể lại ngấp nghé được”, đây chính là thâm ý của tiền nhân. Ý thức về một “nhà nước” độc lập, về tộc “Việt”, về “vương quyền”đã gieo mầm trên mảnh đất cổ Việt. Hơn nữa, nếu không có Triệu Đà dựng nước Nam Việt và đã được quốc sử Trung Quốc ghi nhận như một sự thật lịch sử thì những truyền thuyết, huyền sử về dân Lạc/Hùng hay Hùng vương và nước Văn Lang cũng như sự kiện con vua Thục là Phán đánh chiếm Lạc/Hùng vương rồi xưng là An Dương vương sẽ mãi là huyền sử, truyền thuyết. Đây chính là một  nhận thức quý giá mà tiền nhân đã gián tiếp để lại cho hậu thế thông qua nhân vật lịch sử Triệu Đà gắn liền với vận mệnh dân tộc Việt Nam. Cần phải công bằng, vô tư khi đánh giá lịch sử.

Cũng như Triệu Đà, Thục Phán không phải là người cổ Việt (dân Lạc/Hùng) ở Giao Chỉ trước Hán, tài liệu cổ cho biết ông đã đem 3 vạn quân đến đánh cổ Việt, với quân số như vậy, chắc chắn họ không ở phương xa đến và phải thuộc một đất nước nào đó gần cổ Việt. Hùng vương bị đánh bại, Văn Lang trở thành thuộc địa, từ đây chỉ còn An Dương vương đối đầu với Triệu Đà. Thế thì, nếu đứng trên lập trường dân tộc cực đoan, An Dương vương sẽ là kẻ thù đầu tiên của dân tộc ta chứ không phải là Triệu Đà. Sau đó Triệu Đà dùng mưu kế thôn tính đất nước mới của An Dương vương (sử Việt gọi là nước Âu Lạc, trong đó có đất và dân cổ Việt). Lưu ý là Triệu Đà chỉ đánh chiếm nước Âu Lạc của An Dương Vương chứ không trực tiếp xâm lược nước Văn Lang của Hùng vương.

Cuối cùng Nam Việt bị nhà Hán tiêu diệt và trở thành thuộc địa của nhà Hán. Xét đến cùng thì cả  nước Nam Việt đã bao gồm nước Âu Lạc, trong đó có nước Văn Lang đều có kẻ thù chung là nhà Hán. Như vậy, Triệu Đà, không phải là kẻ thù dân tộc. Ở Việt Nam có hai ngôi đền thờ Triệu Đà hiện còn ở Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên) và Đồng Xâm (Kiến Xương, Thái Bình) đều nhận được sắc phong ca tụng công đức và kinh phí tu sửa của các đời vua Lê, Nguyễn[7].

Sử gia xưa đã từng công nhận cả An Dương vương lẫn Triệu Đà là chính thống một cách công bằng, tất nhiên phải có lý do chính đáng. Tiền nhân như muốn cho hậu thế biết rằng, nếu Thục Phán không đánh Hùng vương thì nước Văn Lang sẽ không bị nội thuộc trong nước Âu Lạc mới của An Dương vương và cũng không có sự kiện lịch sử là Triệu Đà đánh An Dương vương. Nếu thế, cổ Việt sẽ không can dự vào lịch sử của Trung Quốc, tất nhiên cũng không có những trang sử hào hùng, bất khuất, giành lại độc lập của dân tộc Việt Nam, sẽ không có Hai Bà Trưng, Lí Bí, Ngô Quyền,…Nước Nam Việt, Triệu Vũ đế và nước Âu Lạc, An Dương vương có phải quốc thống hay không, đối với tiền nhân không quan trọng bằng đất nước và dân tộc cổ Việt đã can dự và xuất hiện trong sự thật lịch sử được ghi chép thành văn vì đã gắn liền với tên tuổi của Triệu Đà và An Dương vương.

Những bài học lịch sử xương máu đã để lại cho hậu thế: bài học từ Hùng vương tự mãn, an hưởng mà lãng quên củng cố quốc phòng dẫn đến mất nước, bài học từ An Dương vương tự kiêu, say chiến thắng mà mắc kế thông hiếu, nội gián để rồi bại vong, mất nước. Trên hết, bài học lịch sử đắt giá nhất từ Triệu Đà chính là đã khai mào tinh thần đấu tranh giành độc lập, tự chủ cho đất nước, dân tộc, vương quyền thoát ly Trung Quốc. Cho nên lịch sử dân tộc Việt Nam không thể không nhắc đến những nhân vật lịch sử và triều đại của Triệu Đà – Nam Việt, An Dương Vương – Âu Lạc. Danh xưng “Việt” và “Nam Việt” đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm khảm người Việt Nam suốt bao triều đại. Đây là một di sản quan trọng của lịch sử. 

  1. Quốc danh Nam Việt qua các triều đại Việt Nam

       Sau khi nước Nam Việt của Triệu Đà xuất hiện và biến mất khỏi lịch sử nhưng danh xưng “Nam Việt” vẫn chưa bao giờ bị tiêu vong. Trên mảnh đất cổ Việt nhỏ bé, là nạn nhân của 2 cuộc chiến tranh giữa Thục Phán và Hùng vương, Triệu Đà và An Dương vương dẫn đến số phận nghiệt ngã là bị nội thuộc nhà Hán, theo Đại Việt sử lược[8] thì hơn 6 thế kỷ sau, lịch sử lại chứng kiến  danh hiệu “Nam Việt” qua cuộc quật khởi của Lí Bí chống lại nhà Lương (thời Nam Bắc triều). Năm 544, Lí Bí chiến thắng quân Lương, giải phóng Giao Chỉ và tự xưng là “Nam Việt đế”, lấy niên hiệu là Thiên Đức và đặt quốc hiệu là Vạn Xuân. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, một người cổ Việt đã tiếp nối hào khí xưng đế của Triệu đà xưa kia và tự đặt niên hiệu để khẳng định sự độc lập, ngang hàng với Trung Quốc. Dĩ nhiên Lí Bí không hề có ý phục quốc của Triệu Đà vì ông đã dựng nước mới với quốc hiệu là Vạn Xuân. Danh hiệu “Nam Việt đế” của Lí Bí chính là muốn trở thành một hoàng đế của người Việt phương Nam như Triệu Vũ đế của nước Nam Việt ngày xưa vậy. Hơn 5 thế kỷ sau, kế thừa thành quả xưng vương và độc lập của Ngô Quyền sau khi đánh thắng quân Nam Hán (Ngũ đại thập quốc) vào năm 939, vị hoàng đế thứ hai của lịch sử Việt Nam đã xuất hiện sau khi dẹp nội loạn và thống nhất đất nước rồi xưng đế váo năm 968 là Đinh Tiên Hoàng, người sáng lập ra nhà Đinh và đặt niên hiệu là Thái Bình[9]. Đinh Tiên Hoàng chính là người đặt dấu chấm hết thời đại Hán thuộc bằng việc nhà Tống phải thừa nhận và coi trọng một quốc gia độc lập thống nhất và thiết lập ngoại giao Tống – Việt. Sau khi lên ngôi, Đinh Tiên Hoàng phong cho con Đinh Liễn là “Nam Việt vương”. Một lần nữa ta lại thấy danh xưng “Nam Việt” xuất hiện.

Trong An Nam chí lược, Lê Tắc thường dùng danh xưng Giao Chỉ, An Nam, Việt để gọi nước ta thời cổ, tuy nhiên soạn giả đã từng cho biết năm 989, nhà Tống đã truy phong Lê Hoàn làm Nam Việt Vương và Lý Độ nhà Tống giữ chức Trực Sử Quán sung chức Quan cáo sứ đi qua Nam Việt[10], Nam Việt ở đây chỉ nước ta thời Lê Hoàn. Đời Lý, tuy thường dùng quốc hiệu là Đại Việt, nhưng vẫn thấy quốc danh khác như “Việt”[11], “Cự Việt” [12] và đặc biệt là theo tài liệu Hán như Quế Hải ngu hành chí [13], Tục tư trị thông giám [14], nhà Lý từng sử dụng ấn “Nam Việt quốc ấn” trên văn thư ngoại giao Tống – Việt. Tuy quốc sử Việt không nói đến ấn này, nhưng nguồn tài liệu Hán ở trên có thể tin cậy. Bằng chứng là cuối đời Lý, bài chiếu nhường ngôi của Lý Chiêu Hoàng (Đại Việt sử ký toàn thư ) có ghi nhận “Nam Việt quốc”. Sách Lĩnh Nam chích quái[15] (Tản viên sơn thánh) đời Trần đã từng nói đến “phía Tây kinh thành Thăng Long nước Nam Việt”. Bài tựa Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh đời Lê cũng nhắc đến “nước Nam Việt” và Nguyễn Trãi (đời Lê) là tác giả của Nam Việt dư địa chí.  Đời Mạc, qua Việt sử diễn âm [16], tác giả đã dùng quốc danh “Nam Việt” cho các đời Hùng vương, Triệu Ẩu, họ Khúc, nhà Đinh, Lý.

Từ đời Lê Trung Hưng (Trịnh-Nguyễn) đến nhà Nguyễn, quốc danh “Nam Việt” được sử dụng phổ biến trên các ấn triện, văn bản cổ, bia mộ, như  trên kim ấn (1709) của Chúa Minh Nguyễn Phúc Chu mà tương truyền ấn này được mệnh danh là quốc bảo truyền ngôi của nhà Nguyễn. Quốc bảo này được các tác giả Đại Nam thực lục gọi tên là 大 越 國 阮 主 永 鎮 之 寶 (Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo), cách đọc ấn triện này trở nên phổ biến về sau. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi [17] thì chữ thứ nhất  của ấn triện không phải là chữ ĐẠI 大 mà đúng ra là chữ  NAM 南 nên sẽ đọc là “Nam Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo”. “Nam Việt” xuất hiện ở các sách Nam Việt địa dư trích lục, Nam Việt địa đồ quốc hiệu sơn thủy bảo hóa cựu lục, Nam Việt Tiền Triều loại biên [18], Tiền Lê Nam Việt bản đồ mô bản [19], Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị, [20] Sử ký Đại Nam Việt quốc triều, Nam Việt lược sử, Sử ký Nam Việt [21] bia mộ của Thiên vương Thống chế Lê Văn Quế [22], nhân vật Nguyễn Văn Chí [23]… 

  1. Lời kết

         Kể từ khi Triệu Đà xưng vương, xưng đế và thành lập nước Nam Việt độc lập, tự chủ ngang hàng với nhà Hán thì các danh xưng Việt, Nam Việt chính thức đi vào lịch sử. Triệu Đà đã gieo mầm ý thức về một “nhà nước”, “tộc Việt”, “đế vương” vào các tộc Bách Việt để rồi sau này, lịch sử lại chứng kiến những cuộc quật khởi oai hùng, đấu tranh kiên cường giành quyền tự chủ, người Việt đã bao lần xưng vương, xưng đế trên mảnh đất cổ Việt thời thuộc Hán, từ Hai Bà Trưng cho đến Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng…Lịch sử Việt Nam đã lưu dấu và tô sáng 2 chữ “Nam Việt”, danh xưng “vang bóng một thời” của Triệu Đà với “Nam Việt đế” của Lí Bí, “Nam Việt vương” của Đinh Liễn và “Nam Việt quốc ấn” của nhà Lý. Quốc danh “Nam Việt” được dùng phổ biến qua các triều đại kế tiếp, đặc biệt là nhà Nguyễn, quốc danh Nam Việt đã từng được thể hiện trên quốc bảo truyền ngôi của Chúa Nguyễn và đến Gia Long, một lần nữa dám khẳng định lại để đòi hỏi nhà Thanh phải chấp nhận đổi quốc hiệu Nam Việt thay cho quốc hiệu cũ là An Nam, Đại Việt.

         Quốc danh “Nam Việt” là một di sản quan trọng của lịch sử và có một ý nghĩa sâu sắc, khẳng định về một dân tộc Việt, một đất nước phương Nam, có vương quyền độc lập, tự chủ, thoát ly và ngang hàng với Trung Quốc như xưa kia Triệu Đà từng ly khai, đối đầu với nhà Tần, Hán vậy.

                                                                             Biên Hòa, ngày 26 tháng 4 năm 2016

 

 

Chú thích:

[1] Tư Mã Thiên, Sử ký, Khâm định tứ khố toàn thư, nguồn: http://ctext.org/library.pl?if=en&res=77325&by_title=%E5%8F%B2%E8%A8%98

[2] Viện Khoa Học Xã Hội,  Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 1993

[3] Lê Tắc, An Nam chí lược, Trần Kinh Hòa (dịch), NXB Lao Động – Trung Tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây. 2009

[4] Nguyễn Trãi biên soạn, Lê Thái tổ đề tựa, Lam Sơn thực lục, Mạc Bảo Thần (dịch), Nxb Tân Việt (in lần 3), 1956

[5] Ngô Thời Sĩ, Việt sử tiêu án, Hội Việt nam ngiên cứu liên lạc văn hóa Á Châu (dịch)

[6] Đó là chưa kể Lưu Nham dưới đời nhà Đường – Hậu Lương đã từng xin phong “Nam Việt vương”, mưu đồ lập quốc, xưng đế ở Phiên Ngu và đặt quốc hiệu là”Đại Việt”, chứng tỏ đã noi gương của Triệu Đà.

[7] Theo Nguyễn Việt, Triệu Đà, nguồn http://www.drnguyenviet.com/?id=5&cat=1&cid=57

[8] Việt sử lược 越史略, nguồn: http://www.ishare5.com/8037916/

[9] Đại Việt sử ký toàn thư (sđd)

[10] Lê Tắc, An Nam chí lược, Trần Kinh Hòa (dịch), NXB Lao Động – Trung Tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây. 2009

[11] Ủy ban Khoa học Xã hội – Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần (tập I), Thiên đô chiếu, Nxb, Khoa Học Xã Hội 1977

[12] Hoàng Văn Lâu, Bài minh khắc trên chuông chùa Thiên Phúc đời Lý (1109), Tạp chí Hán Nôm số 2/2002

[13] Văn hiến thông khảo, nguồn: http://ctext.org/library.pl?if=en&file=8386&page=75#%E5%8D%97%E8%B6%8A%E5%9C%8B%E5%8D%B0

[14] Tục tư trị thông giám, nguồn: https://books.google.com.vn/books?id=XNBkBAAAQBAJ&pg=PT1859&lpg=PT1859&dq=%E5%8D%97%E8%B6%8A%E5%9C%8B%E5%8D%B0&source=bl&ots=TqgdS3BSQL&sig=WXlRFNCzFTNtLow0HEESUzprS-I&hl=vi&sa=X&redir_esc=y#v=onepage&q=%E5%8D%97%E8%B6%8A%E5%9C%8B%E5%8D%B0&f=false

[15] Lĩnh Nam chích quái, Đinh Gia Khánh(chủ biên), Nxb Văn học (tái bản), 2001

[16] Nguyễn Tá Nhí (Sưu tầm , chú thích, biên dịch), Việt sử diễn âm (bản chữ Nôm), Nxb Văn Hóa Thông Tin, 1997

[17] Đinh Văn Tuấn,  Đọc lại chữ triện trên quốc bảo truyền ngôi của Nguyễn Phúc Chu, Tạp chí Xưa & Nay số 456, Xuân Ất Mùi 2015; Bảo ấn của Minh vương Nguyễn Phúc Chu, Tạp chí Khảo cổ học số 6/2015

[18] Trịnh Khắc Mạnh, Khảo sát tài liệu Hán Nôm về dư địa chí hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Tạp chí Hán Nôm, Số 3/2009

[19] Trần Nghĩa, Bản đồ cổ Việt Nam, Tạp chí Hán Nôm, Số 2/1990

[20] A J. L. Taberd, Dictionarium Anamitico-Latinum – Nam Việt-Dương Hiệp Tự vị, Trung tâm nghiên cứu Quốc họcNhà xuất bản Văn học tái bản. 2004

[21] Nguyễn Văn Trung, Lục châu học, Chương III. Lịch sử miền Nam nhìn từ miền Nam, nguồn: http://newvietart.com/index4.555.html

[22] Đinh Văn Tuấn, Lăng mộ cổ Thống chế và Tiền chi ở Đình Tân Phong, Biên Hòa, Tạp chí Xưa & Nay số 451 tháng 9-2014

[23] Phạm Đức Mạnh, Nguyễn Chiến Thắng, Lạm bàn về quốc hiệu trên bia mộ cổ Nam bộ, nguồn: http://suhoctre.com/lam-ban-ve-quoc-hieu-tren-bia-mo-co-nam-bo/

0