18/06/2018, 16:53

Tình hình Cambodge sau hiệp định Genève 1954

Trương Đình Bạch Hồng Hiệp định Genève về Đông Dương năm 1954 thừa nhận và bảo đảm độc lập, chủ quyền và lãnh thổ toàn vẹn của Cambodge. Ngày 6-8-1954, thực hiện Hiệp định Genève, Cambodge đình chiến. Những người kháng chiến trở về sống hợp pháp trong cộng đồng dân tộc. Tuy ...

annam.JPG

Trương Đình Bạch Hồng

Hiệp định Genève về Đông Dương năm 1954 thừa nhận và bảo đảm độc lập, chủ quyền và lãnh thổ toàn vẹn của Cambodge. Ngày 6-8-1954, thực hiện Hiệp định Genève, Cambodge đình chiến. Những người kháng chiến  trở về sống hợp pháp trong cộng đồng dân tộc.

Tuy nhiên, thế lực của thực dân ở Đông Dương còn rất lớn. Ngày 8 tháng 9 năm 1954, Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á được thành lập, đã tuyên bố đặt Miền Nam Việt Nam, Lào và Cambodge dưới sự bảo hộ của liên minh này. Tình hình này đặt ra cho những nhà lãnh đạo Cambodge phải lực chọn một trong hai con đường : – một là để cho đế quốc Mỹ thay thực dân Pháp thống trị Cambodge dưới hình thức chủ nghĩa thực dân mới và tham gia vào cuộc chiến chống chủ nghĩa cộng sản, – hai là bảo vệ những kết quả đạt được, bảo vệ độc lập chủ quyền đã được thừa nhận ở hội nghị Genève, đi theo con đường hòa bình trung lập.

Nhân vật chính trị nổi bật nhất trong giai đoạn này là ông hoàng Norodom Sihanouk. Sihanouk là một người khôn khéo, quyền biến, nhiều thủ đoạn. Trong cái hoàn cảnh chênh vênh của Cambodge ở bên cạnh một quốc gia mà tình hình luôn luôn sôi động như Việt Nam, sự khôn khéo và đường lối chính trị đu dây của Sihanouk đã giúp ông lúc nào cũng là một trong những nhân vật quan trọng trong mọi hoàn cảnh.

Sihanouk nổi lên như là người giành được nền độc lập cho Cambodge từ tay người Pháp (khác với Bảo Đại ở Việt Nam). Norodom Sihanouk lên làm vua tháng 11 năm 1941, khi chưa đầy 19 tuổi. Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất đi vào giai đoạn cuối cũng là giai đoạn Sihanouk có những hành động quyết liệt. Sihanouk nhận thức được rằng chính những thắng lợi của Việt Nam trên các chiến trường Việt Nam và Lào là nhân tố chính đã tạo điều kiện cho việc giành độc lập của Cambodge và Sihanouk đã tận dụng được điều này. Tháng 5 năm 1953, Sihanouk sang tị nạn tại Thái Lan và từ chối hồi hương cho đến khi có độc lập. “Cuộc thập tự chinh giành độc lập” của Sihanouk dẫn tới việc người Pháp miễn cưỡng bằng lòng trao lại chủ quyền cho Cambodge. Một thoả thuận từng phần được đưa ra vào tháng 10 năm 1953. Sau đó Sihanouk tuyên bố rằng công việc đòi độc lập đã hoàn thành và thắng lợi trở về Phnom Penh.

Sihanouk ra sức tô vẽ cho sự kết hợp giữa nền quân chủ cổ truyền và chủ nghĩa quốc gia quần chúng. Sau hội nghị Genève năm 1954, theo hiến pháp, Cambodge phải bầu cử quốc hội. Là người khôn khéo và thức thời, Sihanouk đã thực hiện một loạt hành động độc đáo để giữ độc quyền lãnh đạo đất nước Cambodge. Ngày 2 – 3 – 1955, Sihanouk  tuyên bố thoái vị để nhường ngôi cho cha là Norodom Suramarit. Sau khi lui về ngôi vị thái tử, Sihanouk đứng ra thành lập Cộng đồng Xã hội bình dân, gọi tắt là Sangkum – một hình thức tập hợp nhiều đảng phái, nhiều lực lượng chính trị của Cambodge, từ đó ông đã thiết lập được  một sự độc quyền đối với đời sống chính trị của Cambodge. Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia (Khmer Issarak) lúc này chuyển hướng sang đấu tranh chính trị và tham gia vào Sangkum. Tháng 9 năm 1955, Sangkum giành chiến thắng, chiếm được tất cả các ghế trong quốc hội. Cũng từ đây, Sangkum đảm đương nền chính trị của Cambodge với hình thức dân chủ là Đai hội nhân dân họp mỗi năm môt lần.

Ngay sau hội nghị Genève, Sihanouk có ý nghĩ tự đứng về phía phương Tây, nhưng làm như vậy có nghĩa là tham gia vào Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO). Sihanouk sợ rằng làm như vậy sẽ làm cho Cambodge lệ thuộc vào các láng giềng lớn mạnh hơn đang có tham vọng về lãnh thổ Cambodge, tức Việt Nam Cộng Hòa và Thái Lan. Để chống lại áp lực của Việt Nam Cộng Hòa và Thái Lan, Sihanouk dựa vào Trung Quốc và nghiêng về phía Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ông từ chối gia nhập Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á và tuyên bố theo đường lối trung lập không liên kết và gia nhập khối Á Phi.

Trong lúc này, trái ngược với tình hình ở Việt Nam, ảnh hưởng của Pháp bên trong Cambodge còn rất mạnh. Có thể nói tất cả guồng máy chính trị, hành chính và quân sự đều có bàn tay chỉ huy của người Pháp. Quân đội Hoàng gia Cambodge vẫn còn giữ nguyên phù hiệu của Pháp. Cơ quan Công an cảnh sát của Cambodge nằm gọn trong tay Phòng Nhì Pháp. Sihanouk thấy cần thiết sự có mặt của người Pháp ở Cambodge. Bị Pháp cản mũi mạnh, Mỹ đã không gây được ảnh hưởng trong chính trường Cambodge.

Xây dựng Cambodge thành một nước trung lập lâu dài chính là mục tiêu của Sihanouk. Qua các bài diễn văn, hiệu triệu, tuyên bố và phát biểu, Sihanouk luôn xác định chính sách trung lập của Cambodge. Ông muốn biến Cambodge thành một “Thụy Sĩ của châu Á”.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

  1. Việt Hà (1961), Vương quốc Cam-pu-chia và cuôc đấu tranh cho nền trung lập, Nxb Sự thật, Hà Nội
  2. Nguyễn Thị Hảo (1972), Les relations khmero-subvietnamiennes, thèse doctorat en droit, Université de Droit et des scences sociales de Paris
  3. Trương Đình Bạch Hồng (2014), Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam Cộng Hòa và Cambodge trong giai đoạn 1954 – 1970, Hồng Trương books, USA
  4. Nguyễn Văn Khậy (2003), Kampuchea trong bối cảnh chiến tranh Đông Dương, Nxb Syney, Australia
  5. Winfred Burchett (1986), Tam giác Trung Quốc – Campuchia – Việt Nam, NXB Thông tin Lý luận, Hà Nội

 

TÀI LIỆU TIẾNG NƯỚC NGOÀI

  1. Dwight D.Eisenhower (1963), Mes années à la maison Blanche, H. Robert Lafort, Paris
  2. Peter Maguire (2005),Facing death in Cambodia, Columbia University Press
  3. Raoul Jennar (1998), Les Frontières du Cambodge contemporain, INALCO, Paris
  4. The Pentagon Papers, Published by The New York Times, Bantam Books, NY, 1971, Statement of Policy by the National Security Council on United States Objectives and Courses of Action with Respect to Southeast Asia, NSC 124/2, 25 June 1952, pg. 386.

https://www.mtholyoke.edu/acad/intrel/pentagon/doc13.htm

 

0