18/06/2018, 16:54

Sự kết thúc của Đông Dương thuộc Pháp và Thỏa ước bốn bên ký tại Paris ngày 29 – 12 – 1954

Trương Đình Bạch Hồng Trước đây, thực dân Pháp tập hợp ba nước Đông Dương lại thành một đơn vị thuộc địa chung, gọi là Đông Dương thuộc Pháp và đặt nó dưới sự thống trị của một bộ máy chính quyền do một viên Toàn quyền đứng đầu. Vì vậy, việc kết thúc cuộc sống chung trong khuôn khổ ...

phap_thuoc_500.png

Trương Đình Bạch Hồng

Trước đây, thực dân Pháp tập hợp ba nước Đông Dương lại thành một đơn vị thuộc địa chung, gọi là Đông Dương thuộc Pháp và đặt nó dưới sự thống trị của một bộ máy chính quyền do một viên Toàn quyền đứng đầu. Vì vậy, việc kết thúc cuộc sống chung trong khuôn khổ Liên hiệp Đông Dương đã đặt ra những vấn đề cần giải quyết.

Từ năm 1949,  thực dân Pháp đã sử dụng Bảo Đại làm “bù nhìn”  lập “Quốc Gia Việt Nam” nhằm ngụy trang cho việc Pháp tiếp tục cai trị Đông Dương. Một nhà ngoại giao Hoa Kỳ công tác tại Việt Nam vào thời điểm đó, biết rõ Bảo Đại, đã đánh giá ông này bằng các từ ngữ sau: ” Bảo Đại, trên tất cả, là một người thông minh trí tuệ, ông có thể thảo luận về các chi tiết phức tạp của các hiệp định khác nhau và toàn bộ mối quan hệ liên quan với Pháp cũng bằng hay tốt hơn so với bất cứ người nào mà tôi biết. Ông là một người đã bị làm tê liệt bởi giáo dục Pháp của ông”(1) . Hiểu thân phận bù nhìn của mình nên khi Bảo Đại mới trở về Việt Nam, sống gần như ẩn dật ở Đà Lạt hay Buôn Ma Thuột, mê mải săn bắn, đánh bạc hơn là chuyện chính trường.

Theo thỏa ước Elyseé  ký giữa Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại ngày 8 – 3 – 1949, Việt Nam chính thức thống nhất dưới sự quản lý của “Quốc Gia Việt Nam”. Pháp chuyển giao trên danh nghĩa những chức năng hành chính cho “Quốc Gia Việt Nam” một cách chậm chạp. Tuy nhiên, từ tháng sáu đến tháng mười một năm 1950, Bảo Đại đã sát cánh chặt chẽ với hàng loạt hội nghị ở Pau (Pháp), được triệu tập để sắp xếp việc chuyển giao cho “Quốc Gia Việt Nam” các ban ngành về di trú, truyền thông, ngoại thương, hải quan và tài chính. Trong khi người Pháp đã có thể có nhiều nhượng bộ đáng kể cho “Quốc gia Việt Nam”, thì Lào và Cambodge trong từng khu vực thảo luận, đòi được quyền “quan sát” và “can thiệp” trong các vấn đề liên quan tới Liên hiệp Pháp như một khối chung.

Các văn bản của hội nghị Pau đã được chính phủ Bảo Ðại của “Quốc Gia Việt Nam” ký ngày 23/12/1950, Cambodge ký ngày 25/12/1950 và Lào ký ngày 26/12/1950. Các văn bản này được gọi chính thức là các Công ước được ký giữa Pháp, “Quốc gia Việt Nam”, Cambodge, Lào để áp dụng các hiệp định được ký riêng rẽ giữa Pháp và “Quốc gia Việt Nam”, Pháp và Lào, Pháp và Cambodge. Các hiệp định này cũng đã thiết lập một chế độ tay tư về kinh tế – tài chính với sự tham gia của đại diện Pháp, “Quốc gia Việt Nam”, Lào và Cambodge.

Cuộc kháng chiến chín năm của nhân dân ba nước Đông Dương đã buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định Genève 1954 công nhận nền độc lập của Việt Nam, Lào và Cambodge. Sau khi nền độc lập của ba quốc gia này đã được chính thức thừa nhận trong văn bản tại Hội nghị Genève 1954 về Đông Dương, một hội nghị được bắt đầu tại Paris ngày 20 – 8 – 1954 với sự tham gia của Pháp, Lào, Cambodge và “Quốc gia Việt Nam” để giải quyết những vấn đề còn lại của thời thuộc địa.

Sau mấy  tháng thương thuyết trên tinh thần của hội nghị Pau, Thỏa hiệp tay tư được ký kết tại Paris ngày 29-12-1954. Đây là thỏa hiệp giữa Pháp, Lào, Cambodge và “Quốc gia Việt Nam”, bao gồm (2) :

  • “Thỏa hiệp về truyền tin và qui ước phụ thuộc
  • Thỏa hiệp về kiểm sát di trú
  • Thỏa hiệp về kế hoạch trang bị và qui ước phụ thuộc
  • Thỏa hiệp về chế độ lưu thông trên sông Cửu Long và quyền ra vào thương cảng Sài Gòn và qui ước về sự thanh toán ủy ban tư vấn sông Cửu Long.
  • Thỏa hiệp về việc sử dụng và khai thác thương khẩu Sài Gòn.
  • Thỏa hiệp về sự bãi bỏ hiệp định Đồng minh quan thuế
  • Thỏa hiệp về ngoại thương và văn kiện giải thích
  • Thỏa hiệp về hối đoái
  • Thỏa hiệp về việc chuyển giao các cơ quan tiền tệ ở Việt Nam, Cambodge và Lào.
  • Thỏa hiệp về phân chia tài sản công hữu của Liên bang Đông Dương và văn kiện giải thích.
  • Thỏa hiệp về Sở địa dư Đông Dương và qui ước về sự thanh toán sở này”.

Các Thỏa hiệp đã bãi bỏ các hiệp định ký kết tại Pau năm 1950 chấm dứt chính sách bốn bên ở Đông Dương, trả lại cho “Quốc gia Việt Nam”, Cambodge và Lào quyền tự do hành động trong lĩnh vực kinh tế bằng cách thanh toán các tài sản của Liên bang Đông Dương và chấm dứt việc hoạt động của tất cả tổ chức chung của Liên bang Đông Dương. Thỏa hiệp tay tư ký kết tại Paris ngày 29-12-1954 là thỏa hiệp có mục đích để cho thực dân Pháp thanh toán những di sản của chế độ thuộc địa với “Quốc gia Việt Nam”, Cambodge và Lào. Thỏa hiệp tay tư là văn kiện chuyển giao tài sản công hữu của Đông Dương thuộc Pháp trả về cho “Quốc gia Việt Nam”, Cambodge và Lào, chấm dứt chính sách kinh tế bốn bên do Công ước Pau năm 1950 đặt ra. Cuộc nói chuyện tay đôi giữa “Quốc gia Việt Nam” và Cambodge, giữa “Quốc gia Việt Nam” và Lào bắt đầu khi các tổ chức tứ quốc  được thanh toán và các văn bản hiệp định Pau đã được phủ nhận. Những thỏa hiệp tay đôi giữa “Quốc gia Việt Nam” và Cambodge, giữa “Quốc gia Việt Nam” và Lào được lập để ấn định sự giao dịch giữa các nước trên những căn bản mới.

Tại Paris ngày 29-12-1954 và ngày 30-12-1954, “Quốc gia Việt Nam” và Cambodge đã ký kết :

  • Hiệp định về chế độ lưu thông trên sông Cửu Long và quyền ra vào thương khẩu Sài Gòn (có Lào cùng tham gia).
  • Hiệp định về việc sử dụng thương khẩu Sài Gòn và các văn kiện trao đổi về khu vực riêng biệt trong thương khẩu Sài Gòn, về việc áp dụng luật lệ Việt Nam cho các hàng hóa thông quá.
  • Hiệp định về liên lạc quan thuế giữa “Quốc gia Việt Nam” và Cambodge.

Những hiệp định này là văn kiện xác lập những quy chế đầu tiên trong quan hệ giữa “Quốc gia Việt Nam” và Cambodge mà trước đây do nằm trong một đơn vị thuộc địa chung nên những vấn đề trong hiệp định không được đặt ra. Đây là những hiệp định quan trọng đối với Cambodge khi mà việc vận chuyển hàng hóa bằng đường sông Cửu Long thông qua thương cảng Sài Gòn giữ vị trí chủ yếu trong việc giao thương giữa Cambodge với quốc tế. Cần nói thêm rằng những hiệp định này được ký kết vào lúc sự chi phối của Pháp còn mạnh mẽ cũng như quan hệ giữa hai bên còn tốt đẹp vì một bên là “Quốc gia Việt Nam” với Quốc trưởng Bảo Đại thân Pháp và một bên là Cambodge với nhà vua Sihanouk trung lập. Ngày 30 – 01 – 1955, Quốc trưởng Bảo Đại đã phê chuẩn những hiệp ước và văn kiện ký kết giữa “Quốc gia Việt Nam” với Pháp, Cambodge và Lào.

unnamed.jpg

tấm ảnh chụp công báo VNCH

CHÚ THÍCH

(1)  The Pentagon Papers, Published by The New York Times, Bantam Books, NY, 1971, Chapter 2 – “U.S. Involvement in the Franco-Viet Minh War, 1950-1954”, Part II – “US Policy and the Bao Dai regime”, page A – 8. 

(2) Công báo Việt Nam Cộng Hòa ngày 05 – 3 – 1955, trang 529 – 530. 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

TÀI LIỆU TIẾNG VIỆT 

  1. Việt Hà (1961), Vương quốc Cam-pu-chia và cuôc đấu tranh cho nền trung lập, Nxb Sự thật, Hà Nội
  2. Nguyễn Thị Hảo (1972), Les relations khmero-subvietnamiennes, thèse doctorat en droit, Université de Droit et des scences sociales de Paris
  3. Trương Đình Bạch Hồng (2014), Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam Cộng Hòa và Cambodge trong giai đoạn 1954 – 1970, Hồng Trương books, USA
  4. Nguyễn Văn Khậy (2003), Kampuchea trong bối cảnh chiến tranh Đông Dương, Nxb Syney, Australia
  5. Kinh tế tạp san Việt Nam Cộng Hòa, Phần II 4, ngày 15 – 4 – 1955
  6. Winfred Burchett (1986), Tam giác Trung Quốc – Campuchia – Việt Nam, NXB Thông tin Lý luận, Hà Nội 

TÀI LIỆU TIẾNG NƯỚC NGOÀI

  1. Dwight D.Eisenhower (1963), Mes années à la maison Blanche, H. Robert Lafort, Paris
  2. Peter Maguire (2005),Facing death in Cambodia, Columbia University Press
  3. Raoul Jennar (1998), Les Frontières du Cambodge contemporain, INALCO, Paris
  4. The Pentagon Papers, Published by The New York Times, Bantam Books, NY, 1971, Chapter 2 – “U.S. Involvement in the Franco-Viet Minh War, 1950-1954”, Part II – “US Policy and the Bao Dai regime”, pg. A – 8.

             https://www.mtholyoke.edu/acad/intrel/pentagon/pent5.htm

0