18/06/2018, 16:54

“Tiếu Ngạo Giang Hồ” và Cách mạng Văn hóa

Chưởng môn phái Hành Sơn Lưu Chính Phong và trưởng lão Nhật Nguyệt thần giáo Khúc Dương cùng hợp tấu khúc “Tiếu ngạo giang hồ.” Vì tình bằng hữu mà Lưu Chính Phong bị thân bại danh liệt, tan cửa nát nhà. Anh Nguyễn I. Từ màu đỏ của mặt trời 8, 9 giờ sáng Trần Mặc ...

TNGH-thoi-sao-choi-dan.jpg

Chưởng môn phái Hành Sơn Lưu Chính Phong và trưởng lão Nhật Nguyệt thần giáo Khúc Dương cùng hợp tấu khúc “Tiếu ngạo giang hồ.” Vì tình bằng hữu mà Lưu Chính Phong bị thân bại danh liệt, tan cửa nát nhà.

Anh Nguyễn

I. Từ màu đỏ của mặt trời 8, 9 giờ sáng

Trần Mặc từng nhận xét tiểu thuyết Kim Dung có tính “nhã tục cộng hưởng,” nghĩa là ai cũng có thể đón nhận và say mê nó bất chấp khoảng cách về kiến thức. ”Kẻ hời hợt thì xem náo nhiệt, người sâu sắc thì tìm thấy đạo lý.” Bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ là một ví dụ xác đáng về vấn đề này.

Nói về sức cuốn hút thì Tiếu Ngạo Giang Hồ ăn khách chẳng hề thua kém Anh Hùng Xạ Điêu, Ỷ Thiên Đồ Long Ký, và hơn hẳn Uyên Ương Đao hay Việt Nữ kiếm (trường thiên tiểu thuyết của Kim Dung luôn được lòng đông đảo độc giả hơn những tác phẩm ngắn.) Trong cuốn Phế Đô của Giả Bình Ao, nhân vật Hồng Giang tính kế nhập một lô sách kiếm hiệp hạng hai về thay bìa, giả làm truyện Kim Dung để kiếm tiền (“Sách của Kim Dung bán chạy lắm, quyển sách ấy đương nhiên chẳng thể bằng Kim Dung, mình lấy tên Toàn Dung, viết thật láu, chợt nhìn một cái cũng là Kim Dung, nếu họ tra ra, thì cãi tôi viết là Toàn Dung cơ mà”). Nhưng Tiếu Ngạo Giang Hồ còn là một sản phẩm sinh ra từ cảm xúc nội tại của Kim Dung, và rộng hơn, của thời đại. Nếu không có những khía cạnh sâu sắc như vậy thì tác phẩm Kim Dung đã chẳng xứng đáng được lập riêng một ngành nghiên cứu gọi là Kim học (Jinology.)

Tiếu Ngạo Giang Hồ bắt đầu được Kim Dung viết vào năm 1967. Cách mạng Văn hóa được Mao Trạch Đông khởi xướng từ năm 1966. Đây đâu phải là sự trùng hợp. Các học giả cho rằng Tiếu Ngạo Giang Hồ ra đời chẳng những không ngẫu nhiên mà còn rất cố ý cố tình. Theo kết luận chung của giới Kim học, Tiếu Ngạo Giang Hồ không phải phản xạ nghệ thuật vô thức của Kim Dung mà chính là một vở kịch giễu nhại Mao Trạch Đông và Cách mạng Văn hóa. Có bốn luận cứ như sau:

Thứ nhất, tất cả các trường thiên tiểu thuyết của Kim Dung đều có bối cảnh rõ ràng – Thiên Long Bát Bộ diễn ra đời Bắc Tống, Thần Điêu Hiệp Lữ xảy ra vào cuối thời Nam Tống, Lộc Đỉnh Ký thời nhà Thanh, v.v,… Riêng Tiếu Ngạo Giang Hồ là một ngoại lệ. Theo Li Yijian, sự mơ hồ về thời gian thậm chí “phi thời gian” khiến Tiếu Ngạo Giang Hồ có thể đại diện cho bất cứ giai đoạn lịch sử nào. Trong Tiếu Ngạo Giang Hồ ta thấy giới võ lâm tưởng chừng không chịu sự quản chế của triều đình song thực ra vẫn vận hành đúng như một xã hội thu nhỏ với đầy đủ tôn ti trật tự và thủ đoạn chính trị. Những sự kiện diễn ra từng giờ từng phút tại Trung Hoa đại lục chính là cảm hứng trực tiếp để Kim Dung viết Tiếu Ngạo Giang Hồ.

Thứ hai là những yếu tố ám chỉ đến hình ảnh mặt trời. Mặt trời là biểu tượng của Mao Trạch Đông và Cách mạng Văn hoá. Khắp nơi là những khẩu hiệu tuyên truyền ví lớp trẻ “đang độ thăng hoa cuộc đời giống như mặt trời lúc tám, chín giờ sáng”. Mặt trời mang màu đỏ của dòng máu cuộn trào trong huyết quản quần chúng cách mạng. Mặt trời xuất hiện trên pano áp phích, trong những vở kịch, bài hát ca tụng công lao chủ tịch. Cuốn sách Mao Chủ tịch Ngữ lục có màu đỏ rực còn được gọi là Hồng bào thư. Hồng vệ binh đeo băng đỏ, cầm sách đỏ, miệng hát bài Đông phương hồng.

Lời bài hát Đông phương hồng:

Đông phương hồng, mặt trời lên
Trung Hoa chúng ta có Mao Trạch Đông
Với nhân dân Người là vị cứu tinh
Tính tang tình
Người hằng luôn quan tâm chỉ lối mọi dặm đường
Đảng cộng sản như vầng dương
Ánh tươi chiếu rọi sáng ngời muôn phương
Khắp nơi nơi luôn có Đảng tiên phong

Trong Tiếu Ngạo Giang Hồ thay vì Chủ nghĩa Mao Trạch Đông ta có Nhật Nguyệt thần giáo. Lúc đầu Kim Dung đặt tên cho giáo phái này là Triều Dương thần giáo (Triều Dương nghĩa là chầu mặt trời) nhưng sau vì e ngại động chạm nên ông đổi thành Nhật Nguyệt (mặt trăng và mặt trời). Vì điều này mà ông bị Nghê Khuông phê bình là thiếu chính kiến và “làm Tiếu Ngạo Giang Hồ kém hẳn đi”. Thế chỗ cho Mao chủ tịch ngữ lục là cuốn sách nhỏ quyền lực Quỳ hoa bảo điển (Quỳ hoa nghĩa là hoa hướng dương.) Và vị giáo chủ võ nghệ siêu phàm mà tất cả mọi người sợ sệt xen lẫn ngưỡng mộ chính là Đông Phương Bất Bại (kẻ bất bại ở phía Đông, hướng mặt trời mọc)

Luận cứ thứ ba không còn dừng lại ở những ẩn ý kín đáo. Khi nghĩ tới Cách mạng Văn hóa, thường ta nghĩ ngay tới hai điều: cảnh đấu tố và sự sùng bái cá nhân (ở đây là tôn thờ Mao Trạch Đông.) Cả hai sắc thái đó xuất hiện trong Tiếu Ngạo Giang Hồ và đều là những cảnh tượng gây chấn động.

Trước tiên là đấu tố ở danh môn chính phái. Khi Lưu Chính Phong mở tiệc rửa tay gác kiếm, toàn thể võ lâm đều tới tham dự. Nhưng bọn đệ tử Tung Sơn kiên quyết không cho ông hoàn thành ý nguyện. Chúng dùng vũ lực bức bách thê tử của ông, bắt ông phải khai ra có quan hệ với trưởng lão của Ma giáo là Khúc Dương, rồi lại ép ông đi ám sát người bạn tri kỷ của mình. Xin mời đọc đoạn sau từ hồi 38 “Bọn Tung Sơn uy hiếp Lưu gia:”

Giữa lúc ấy mười mấy người từ trong hậu đường đi ra. Ðây là Lưu Chính Phong Lưu phu nhân cùng hai đứa nhỏ và đệ tử họ, tất cả bảy người. Sau mỗi người đều có một tên đệ tử phái Tung Sơn, tay cầm đao trủy thủ dí vào sau lưng bọn Lưu phu nhân.

Phí Bân đón lấy cây ngũ sắc lệnh kỳ trong tay gã, giơ cao lên tuyên bố:

– Lưu Chính Phong hãy nghe đây! Tả minh chủ có lệnh truyền trong vòng một tháng mà ngươi không chịu giết Khúc Dương thì lập tức Ngũ nhạc kiếm phái phải thanh toán nội bộ để khỏi có mối lo về sau. Ðã nhổ cỏ phải nhổ tận gốc, quyết chẳng dung tình. Ngươi hãy nghĩ kỹ đi.

Phí Bân dõng dạc nói:

– Ðây là việc của một mình Lưu Chính Phong không liên can gì đến các đệ tử khác phái Hành Sơn. Vậy bọn đệ tử phái Hành Sơn không cam tâm phụ trợ nghịch đồ thì phải mau mau qua mé bên tả.

Hồi lâu, một hán tử thanh niên nghẹn ngào lên tiếng:

– Lưu sư bá! Bọn đệ tử cam đành đắc tội với sư bá.

Rồi hơn 30 tên đệ tử phái Hành Sơn sang đứng bên quần ni phái Hằng Sơn.

Gã đệ tử phái Tung Sơn tên gọi Ðịch Tu đứng ở đằng sau người con lớn của Lưu Chính Phong dạ một tiếng rồi nhẹ nhàng chí mũi đoản kiếm trong tay qua làn da sau lưng Lưu công tử.

Lưu Chính Phong nở một nụ cười thê thảm nhìn con hỏi:

– Hài nhi! Ngươi có sợ chết không?

Lưu công tử đáp:

– Hài nhi đã nghe lời gia gia quyết không sợ chết.

Lưu Chính Phong nói:

– Thế thì hay lắm!

Lục Bách quát lên:

– Giết đi!

Ðịch Tu liền phóng kiếm về phía trước suốt qua sau lưng thấu vào trái tim Lưu công tử. Thanh đoản kiếm vừa rút ra, Lưu công tử té xuống liền, máu tươi trào ra như suối.

Lưu phu nhân thét lên một tiếng nhảy xổ về phía thi thể con mình.

Lục Bách lại quát lên:

– Giết đi!

Ðịch Tu giơ kiếm lên phóng tới. Thanh kiếm lại đâm vào sau lưng Lưu phu nhân.

Đây là một trích đoạn táng đởm kinh hồn, không phải vì bạo lực máu me mà vì sức nặng tâm lý thật đáng sợ. Người đã đọc Tiếu Ngạo Giang Hồ không dưới năm lần là tôi mà vẫn nín thở, tim đập chân run. Cơn ác mộng đó lại là một đặc trưng của Cách mạng Văn hóa, nó vẫn sống động trên từng trang viết, từng thước phim về thời kỳ này. Những cảnh tượng ép cung tàn nhẫn, dùng người nhà để đấu tố lẫn nhau, tru diệt cả gia tộc, … xảy ra với cường độ và tần suất chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc. Từ Hồng Kông đau đáu theo dõi tình hình quê hương chắc hẳn Kim Dung đã có nhiều đêm dài trăn trở, nhất là khi chính gia đình của ông trở thành nạn nhân. Như mọi nhà văn khác, ông hướng cảm xúc của mình vào ngòi bút. Tại Trung Quốc đang diễn ra một sự thật đáng sợ hơn bất cứ câu chuyện tưởng tượng nào. Và những người dân Hồng Kông khi đọc đến đoạn này ắt hiểu được ngay cảm hứng của Kim Dung đến từ đâu.

II . Cũng thanh trừng, cũng sùng bái cá nhân

Danh môn chính phái có đấu tố, thì yêu ma tà phái cũng không hề kém. Khi Lệnh Hồ Xung, Hướng Vấn Thiên, Nhậm Ngã Hành, Nhậm Doanh Doanh cải trang vào Hắc Mộc Nhai, họ chứng kiến sự hắt hủi của một “quan đại thần” trong Nhật Nguyệt thần giáo:

Dương Liên Ðình hỏi:

– Ðổng Bách Hùng! Trong Thành Ðức điện này không để cho ngươi la ó om xòm đâu. Ngươi đã thấy mặt giáo chủ sao lại không quỳ? Ngươi còn lớn mật không một lời xưng tụng văn võ thánh đức của giáo chủ nữa ư?

Ðổng Bách Hùng ngửa mặt lên trời cười rộ đáp:

– Ta cùng Ðông Phương huynh đệ lúc kết bạn với nhau làm gì đã có thằng lỏi con ở đây? Ngày trước ta cùng Ðông Phương huynh đệ vào sinh ra tử, cùng chia hoạn nạn. Lúc đó thằng lỏi chưa ráo máu đầu có lẽ chưa ra đời, mà bây giờ đến thứ người đối lời với ta ư?

Dương Liên Ðình nói:

– Sau khi Nhậm Ngã Hành bị tật bệnh khỏi rồi, đáng lý phải về ngay bản giáo. Nhưng y lại đi cấu kết với chưởng môn các phái Thiếu Lâm, Võ Ðương, Tung Sơn. Như vậy không phải là mưu cuộc phản loạn thì còn là gì nữa? Tại sao y không đến tham kiến giáo chủ để nghe lời chỉ thị của ngài?

Ðổng Bách Hùng cười ha hả nói:

– Nhậm giáo chủ còn là cựu thượng ty của Ðông Phương huynh đệ. Võ công cùng kiến thức của cựu giáo chủ chưa chắc gì đã kém Ðông Phương huynh đệ. Ðông Phương huynh đệ! ta nói vậy có đúng không?

Dương Liên Ðình lớn tiếng quát:

– Ngươi đừng ỷ mình già nua tuổi tác mà nói càn nữa. Giáo chủ với ai cũng đạo nghĩa ngất trời, không thèm tranh khôn với người đâu. Nếu ngươi tự biết trách mình, lo bề hối cải thì sáng mai ở giữa tổng đàn, ngươi phải nói rõ những hành vi bất pháp của ngươi trước mặt anh em. May ra giáo chủ còn có thể mở đường sinh lộ tha mạng cho. Bằng không thế thì hậu quả ra sao ngươi cũng tự biết rồi.

Ðổng Bách Hùng cười nói:

– Ðồng mỗ gần tám chục tuổi đầu, sống đã quá đủ rồi thì còn sợ gì hậu quả nữa?

Dương Liên Ðình quát:

– Dẫn người lên đây!

Tên hầu áo tía dạ một tiếng

Tiếp theo những tiếng xiềng xích loảng xoảng vang lên. Mười mấy người bị áp giải vào đại điện, có nam có nữ và cả mấy đứa con nít độ bảy tám tuổi.

Ðổng Bách Hùng thấy bọn người này tiến vào, lập tức lão biến sắc quát hỏi:

– Dương Liên Ðình! Bậc đại trượng phu mình làm mình chịu. Ngươi bắt cả con cháu ta đến đây làm chi?

Tiếng lão quát làm chấn động màng tai mọi người.

Dương Liên Ðình lại hỏi:

– Trong những người nhà Ðổng gia có tên nào thuộc điều thứ ba trong bản giáo huấn của giáo chủ thì đọc ra cho mọi người nghe!

Một thằng nhỏ chừng mười tuổi cất tiếng đọc:

– Văn thành võ đức, nhân nghĩa quang minh. Ðiều thứ ba trong bản giáo huấn của giáo chủ là: Ðối với kẻ thù nghịch cần phải tàn độc. Nhổ cỏ trừ rễ. Già trẻ gái trai, giết cho kỳ hết, đừng để một mống.

Dương Liên Ðình khen: – Giỏi lắm! Giỏi lắm! Nhỏ kia! Mười điều giáo huấn của giáo chủ ngươi đều thuộc lòng cả ư? 

Thằng nhỏ đáp:

– Tiểu tử thuộc hết. Hàng ngày không đọc đến bản giáo huấn của giáo chủ là ăn không ngon miệng, ngủ không yên giấc. Hễ đọc giáo huấn của giáo chủ là luyện võ tiến bộ rất mau, đấm đá thêm phần khí lực.

Dương Liên Ðình cười hỏi:

– Ðúng lắm! Ai dạy ngươi nói câu đó?

Thằng nhỏ đáp:

– Gia gia của tiểu tử dạy thế!

Dương Liên Ðình trỏ vào Ðổng Bách Hùng hỏi:

– Lão kia là ai?

Thằng nhỏ đáp:

– Ðó là tổ phụ của tiểu tử.

Dương Liên Ðình hỏi:

– Tổ phụ ngươi không đọc bản giáo huấn của giáo chủ, không nghe lời giáo chủ. Trái lại y còn phản đối giáo chủ thì ngươi tính sao?

Thằng nhỏ đáp:

– Nếu vậy thì tổ phụ lầm lỗi. Bất cứ ai cũng phải đọc bảo huấn của giáo chủ và nghe lời giáo chủ truyền dạy.

Dương Liên Ðình quay lại hỏi Ðổng Bách Hùng:

– Tôn nhi ngươi là đứa nhỏ lên mười còn biết rõ đạo lý. Ngươi đã bấy nhiêu tuổi đầu, sao lại hồ đồ đến thế?

Ðổng Bách Hùng đáp:

– Ta có nói chuyện với hai vị họ Nhậm và họ Hướng. Bọn họ bảo ta phản giáo chủ nhưng ta không nghe. Ðổng Bách Hùng này nói một là một, hai là hai, quyết chẳng làm việc gì phạm lỗi với người.

Lão thấy trong mấy người trong nhà cả già lẫn trẻ bị bắt đưa vào, nên giọng lưỡi không phải mềm nhũn một phần.

Đoạn này được Kim Dung viết vào khoảng 1968, khi cuộc Cách mạng Văn hoá diễn ra đã được vài năm và tấn tuồng đang trở nên gay cấn hơn. Dân thường không phải là những người duy nhất bị bánh xe Cách mạng văn hóa nghiền nát. Trong số các nạn nhân còn có cả một số quan chức, tướng lĩnh trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Để phục vụ âm mưu thanh trừng đấu đá nhau, tất cả những lỗi lầm vặt vãnh trong quá khứ đều bị lôi ra bới móc, gia đình cũng bị đem làm vật thế mạng. Đứa cháu Đổng Bách Hùng hoàn toàn bị tẩy não, sẵn sàng bán đứng tổ phụ trong khi miệng đọc vanh vách mười giáo huấn của “giáo chủ,” thật chẳng khác nào một Hồng vệ binh nho nhỏ dõng dạc khẩu hiệu Mao Trạch Đông. Có lẽ cảnh tượng “đấu tố Đổng Bách Hùng” được Kim Dung lấy cảm hứng từ sự thất sủng của Lưu Thiếu Kỳ. Năm 1968, ông bị Giang Thanh và đồng bọn vu cáo tội phản bội, nội gián, bị khai trừ khỏi Đảng và giam giữ cho đến chết.

Sự sùng bái cá nhân cũng diễn ra ở cả hai phía: chính giáo và tà giáo.

Trước tiên là chính giáo. Để đạt được chức Chưởng môn Ngũ Nhạc Kiếm Phái, Nhạc Bất Quần lên kế hoạch cẩn thận, dùng đủ mưu hèn kế bẩn: y dùng chính con gái làm mồi nhử Lâm Bình Chi, đổ tội đánh cắp Tịch Tà kiếm phổ cho đồ đệ Lệnh Hồ Xung, cố tình lừa Lao Đức Nặc mang kinh giả về dạy cho Tả Lãnh Thiền, thậm chí vung đao tự thiến để luyện kiếm,… Sau khi đâm mù mắt Tả Lãnh Thiền, Nhạc Bất Quần đường hoàng lên nhận chức giữa tiếng hoan hô vang dậy của quần hào:

Con người lên lãnh chức chưởng môn Ngũ nhạc phái dĩ nhiên danh vọng cùng thanh thế nổi bật lên sáng chói. Trong võ lâm thiếu chi người cầu cạnh, trên chốn giang hồ thiếu chi kẻ hoan hô tâng bốc.

Dưới đài liền có người lớn tiếng đỡ lời:

– Ðao kiếm không mắt thì những cuộc tỷ võ chẳng thể nào giữ cho khỏi chuyện tổn thương.

Một người khác cũng theo hùa:

– Tiên sinh không chém giết tàn nhẫn đã tỏ ra là một bậc đại nhân đại nghĩa, chẳng có điều chi đáng trách.

Nhạc Bất Quần đáp:

– Tại hạ không dám.

Lão vẫn chắp tay đứng thần mặt ra có ý không muốn xuống đài.

Dưới đài lại có tiếng la:

– Còn ai muốn làm chưởng môn Ngũ nhạc phái thì lên đài mà trổ tài đi!

Mấy trăm người đồng thanh lớn tiếng:

– Mời Nhạc tiên sinh giữ chức chưởng môn Ngũ nhạc phái.

– Ngoài Nhạc tiên sinh không còn ai xứng đáng hơn.

Dứt lời lão từ từ cất bước. Cách đó chừng mấy chục thước đã có mấy trăm người đứng đón cùng bu quanh lấy lão cùng đi xuống núi.

Thế nhưng chức vụ mà Nhạc Bất Quần dành được vẫn còn tương đối mới mẻ nên mức độ sùng bái vẫn chưa đạt đến đỉnh cao. Nhật Nguyệt thần giáo lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Một thời gian dài giáo chủ Đông Phương Bất Bại sống trong lớp vỏ mù mịt, càng xa vời lại càng huyền bí. Các giáo chúng phần bị ép buộc, phần cầu danh lợi, phần thật sự tin vào quyền năng vô thượng của giáo chủ, tất thảy đều uốn lưng dập đầu ca tụng công đức Đông Phương Bất Bại chẳng khác gì thần linh. Chính vì chán ghét cảnh tượng hèn hạ đấy mà Nhậm Doanh Doanh cùng Lục Trúc Ông xa rời Hắc Mộc Nhai. Về sau Nhậm Ngã Hành đánh bại Đông Phương Bất Bại, cướp lại ngôi nhưng cuộc chuyển giao quyền lực lại diễn ra vô cùng êm thấm. Những tên thuộc hạ mới phút trước còn nói những câu tâng bốc Đông Phương Bất Bại (“Thuộc hạ rất khao khát được ra mắt giáo chủ. Cứ mỗi lần được nhìn kim điện giáo chủ là lại cảm thấy tinh thần phấn khởi, làm việc rất hăng say. Toàn thân rạo rực, tưởng chừng công lực trong người tăng lên bằng mười năm tu luyện”) phút sau đã quay ra thoá mạ giáo chủ cũ, xu nịnh Nhậm Ngã Hành. Trong số hàng ngàn con người đó, không kẻ nào giơ một ngón tay phản kháng hay tỏ ý phục thù. Văn hoá của Nhật Nguyệt Thần Giáo là sùng bái lãnh tụ, nó không hề mất đi mà chỉ chuyển từ lãnh tụ này sang lãnh tụ khác.

Thượng Quan Vân dường như hiểu ý Nhậm Ngã Hành liền nói:

– Thuộc hạ xin dâng lời cung hạ giáo chủ đã giết được tên đại nghịch phản giáo. Từ nay bổn giáo được giáo chủ đích thân điều động mọi việc để khuếch trương giáo phái, oai danh của giáo chúng sẽ vang lừng bốn bể. Thuộc hạ nguyện hết lòng trung, bái chúc giáo chủ Muôn năm trường trị Nhất thống giang hồ…

Nhậm Ngã Hành nghe Thượng Quan Vân vẫn tung hô những câu sáo mép thuộc lòng: “danh vang bốn bể”, “trường trị muôn năm”, “nhất thống giang hồ” thì không thể nhịn được vừa phì cười vừa ngắt lời:

– Muôn năm trường trị… là cái đếch gì..?

Nhưng lão nói tới đây lại nghĩ thầm:

– Nếu trường trị muôn năm, nhất thống giang hồ thì thực sự quả là một điều khoái lạc thứ nhất trên đời, không trách con người mong mỏi như vậy.

Nhậm Ngã Hành nghĩ tới đây rồi phá lên cười. Tiếng cười lúc này rất đỗi hả hê, ra chiều đắc ý vô cùng. ý chừng lão thỏa mãn vì đã đoạt được ngôi giáo chủ một cách chật vật, so với ngày trước lão đương nhiên làm giáo chủ còn khoan khoái hơn nhiều. Y nói tới đây, phía ngoài điện bỗng có người lên tiếng:

– Bọn thuộc hạ là đường chúa, phó đường chúa ở Thủy Hỏa đường, cùng năm vị chánh phó hương chủ xin tham kiến giáo chủ văn thành võ đức, nhân nghĩa anh minh, trung hưng thánh giáo, bái thúc giáo chủ muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ.

Tiếp theo Lệnh Hồ Xung lại nghe vang lên những lời chúc tụng của các đường chúa, hương chủ thốt ra. Chàng cảm thấy thanh âm của bọn này đượm vẻ hồi hộp lo âu. Chắc họ tự biết trong mười mấy năm qua vì tỏ ra hết dạ trung thành với Ðông Phương Bất Bại, ngoài những lời chúc tụng sáo mép, họ đã đưa ra những câu phỉ báng tiền nhiệm giáo chủ là Nhậm Ngã Hành để gièm pha lão, đồng thời làm cho nổi bật vai trò của Ðông Phương Bất Bại. Nay Nhậm Ngã Hành trở lại ngôi giáo chủ, lão mà bới móc chuyện cũ thì bọn chúng khó lòng tránh khỏi cái họa bay đầu.

Chàng còn phân biệt một số đê hèn chưa từng biết mặt Nhậm Ngã Hành chỉ một lòng xu phụ quyền thế. Trước kia chúng ton hót Ðông Phương Bất Bại và Dương Liên Ðình để được mau thăng chức và tránh tai họa thì này sự thay quyền đổi chủ đối với họ là kẻ vi thần vẫn chẳng có nghĩa gì. Những người này kéo gân cổ lên mà ca ngợi tân giáo chủ để được lão chú ý đến. Nhậm giáo chủ hô lên:

– Mời các vị vào đây!

Bỗng thấy mấy hán tử tiến vào trong điện, co gối quỳ cả xuống.

Ngày trước Nhậm Ngã Hành lên làm giáo chủ Triêu Dương thần giáo vẫn hô huynh gọi đệ với giáo chúng trong bản giáo. Bọn thuộc hạ khi gặp mặt giáo chủ chỉ khoanh tay thi lễ mà thôi. Bây giờ lão thấy bọn thuộc hạ quỳ mọp cả xuống liền đứng phắt dậy xua tay đáp:

– Các vị bất tất phải…

Nhưng rồi lão lại tự nhủ:

– Nếu mình thiếu vẻ oai nghiêm thì các giáo đồ khi nào chịu kính phục? Năm trước sở dĩ gian nhân thoán đoạt ngôi giáo chủ của ta, có lẽ vì ta đối đãi với họ quá nhân từ dễ dãi. Vậy những lễ nghi quỳ lạy khấu đầu mà Ðông Phương Bất Bại đã đặt ra, ta cứ để nguyên là hơn.

Lão toan nói: Các vị bất tất phải đa lễ, nhưng mới nói dở câu liền ngừng lại toan ngồi xuống.

Tiếp theo lại có toán người khác lên Hắc Mộc Nhai xin vào bái kiến. Bọn này quỳ mọp xuống hành lễ. Nhậm Ngã Hành không đứng dậy nữa mà chỉ gật đầu.

Lúc này Lệnh Hồ Xung đã lùi ra đến cửa điện cách chỗ giáo chủ ngồi rất xa ánh đèn lại huyền ảo nên nhìn vào không rõ dong mạo của Nhậm Ngã Hành.

Bất giác chàng tự hỏi:

– Người ngồi trong kia là Nhân giáo chủ hay Ðông Phương Bất Bại, hay một nhân vật nào giả mạo mình phân biệt thế nào được?

Lúc này Lệnh Hồ Xung đứng gần cửa điện. Ánh sáng ban mai chiếu vào phía sau chàng. Ngoài đại điện mọi vật đều tỏ rõ, nhưng trong điện chỉ thấy lờ mờ hàng trăm người quỳ mọp dưới đất, miệng tuôn ra không ngớt những lời chúc tụng thuộc lòng. 

Lão vừa dứt lời phía dưới lại vang lên những câu chúc tụng.

– Giáo chủ nhân nghĩa ngang trời, lượng rộng như biển, sẵn lòng dung tha lỗi lầm cho người dưới trướng. Bọn thuộc hạ từ nay nhất tâm tuân theo lệnh dụ, cốt sao giữ vẹn lòng trung, xá quá thân mình sống thác.

Bọn thuộc hạ cũng đồng thanh lớn tiếng:

– Bọn thuộc hạ dù lớn mật đến đâu cũng không dám mảy may trái lệnh. Xin đem hết sức chó ngựa để phục vụ, những mong báo đền ơn cao đức cả của giáo chủ trong muôn một. Cầu nguyện giáo chủ nhân nghĩa anh minh, muôn năm trường trị.

Lệnh Hồ Xung nghe tiếng bọn thuộc hạ chúc tụng có vẻ run sợ thì biết họ vì kinh hãi nhiều hơn là tâm phục, chàng nghĩ thầm:

– Nhậm giáo chủ và Ðông Phương Bất Bại chẳng lẽ cũng giống nhau? Ðông Phương Bất Bại đã cai trị giáo chúng bằng sự tự tôn, đe dọa khủng bố giáo chúng. Ngoài mặt họ tuy vẻ trung thành mà trong lòng ấm ức không phục. Nếu Nhậm giáo chủ cũng đi vào vết xe cũ thì trường tồn thế nào được?

Chàng đang còn ngẫm nghĩ thì thấy bọn thuộc hạ lại nhao nhao lên kể tội ác của Ðông Phương Bất Bại.

Thậm chí có người tố cáo Ðông Phương Bất Bại ăn một bữa 5 con heo, 3 con bò với hàng chục con dê, khiến Lệnh Hồ Xung không khỏi nghĩ thầm:

– Ðông Phương Bất Bại dù ăn khỏe đến đâu cũng chẳng bụng dạ nào mà chứa được bấy nhiêu thứ. Chắc hắn còn mời bạn bè hoặc cho thuộc hạ cùng ăn mớ hết nhiều như vậy. Hắn là giáo chủ một giáo phái thì việc mổ bò hay mổ heo để thết khách đâu có phải là một đại tội được?

Về sau còn bao nhiêu người thi nhau tố cáo tội trạng của Ðông Phương Bất Bại và đi sâu vào những chi tiết nhỏ mọn, vu vơ. Nào là hắn hỉ nộ thất thường, chợt cười chợt khóc. Nào là hắn mặc xiêm y sặc sỡ, ru rú trong phòng không chịu chường mặt ra trông nom giáo vụ, người thì bảo Ðông Phương Bất Bại kiến thức hẹp hòi, tính tình ngu xuẩn làm việc hồ đồ. Lại có kẻ nói võ công hắn kém cỏi chỉ ỷ thế hăm người chứ không có bản lãnh chân thật nào hết.

Về điểm này thật là vu cáo, Lệnh Hồ Xung không nhịn được lẩm bẩm:

– Bọn các người quen thói dậu đổ bìm leo, thóa mạ chủ cũ chẳng tiếc lời. Về mọi điều các người tố cáo đúng hay sai ta không thể biết được, nhưng bảo bản lãnh Ðông Phương Bất Bại kém cỏi thì thật là láo toét. Vừa mới đây bọn ta năm người chọi một mà phải chiến đấu liều mạng vẫn không thắng được hắn cơ hồ phải bỏ mình dưới mũi kim thêu của hắn. Ðến Ðông Phương Bất Bại mà còn cho là bản lãnh tầm thường thì khắp thiên hạ còn ai đáng được kể là võ công cao cường nữa? Bọn này ăn nói hồ đồ đến thế mà sao không thấy Nhậm Ngã Hành thổ lộ ý kiến gì về những điều vu hoặc này. 

Tiếp theo có người lên tiếng:

– Ðông Phương Bất Bại đam mê tửu sắc, hoang dâm vô độ. Nhất là mấy năm gần đây hắn cưỡng hiếp con gái nhà lương thiện, dâm loạn cả vợ con giáo chúng và sinh ra vô số con hoang.

Lệnh Hồ Xung nghĩ bụng:

– Ðông Phương Bất Bại vì luyện võ công trong Quỳ Hoa bảo điển mà phải thiến bộ phận sinh dục chẳng khác gì một tên thái giám. Có lý đâu y còn dâm loạn đàn bà và sinh con được?

Chàng nghĩ tới đây không nhịn được nữa phải phì cười.

III . Ba lý do của một người khôn ngoan

Có thể nói Nhật Nguyệt thần giáo đã nuôi dưỡng một “echo chamber” điển hình – một thứ cộng đồng khép kín tuân theo quy ước riêng, nơi mọi hành động lời nói thậm chí suy nghĩ đều bị kiểm soát chặt chẽ. Tất cả thông tin đều là âm vang dội lại từ hệ tư tưởng của nhà độc tài. Mọi bất đồng chính kiến đều bị dập tắt, ý chí cá nhân hoàn toàn tiêu tan. Được thần phục ở môi trường như vậy thì ngay người bình thường cũng không tránh khỏi bệnh vĩ cuồng. Nhưng khi sóng lật thì kẻ chuyên quyền hôm nay cũng có thể bị nuốt chửng trong vòng xoáy chính trị, tự biến mình thành một con tốt của lịch sử. Nếu giáo chủ là trung tâm của Nhật Nguyệt thần giáo thì Mao Trạch Đông chính là trung tâm của Cách mạng Văn hóa. Ở Trung Quốc Mao được tôn sùng chẳng khác nào một vị chúa cứu thế, nhân dân thêu dệt những câu chuyện huyền thoại về ông, treo ảnh ông, miệng không ngớt ca tụng ông.

Sự tương đồng giữa Nhật Nguyệt thần giáo và giáo phái Mao Trạch Đông là không thể bàn cãi. Nhưng với Tiếu Ngạo Giang Hồ, Kim Dung cố tình làm mờ ranh giới giữa chính phái và tà phái. Cả chính phái và tà phái đều có đấu tố, cả chính phái và tà phái đều tôn thờ lãnh tụ. Vì sao lại như vậy? Có ba lý do:

Lý do thứ nhất, Kim Dung phô bày sự xấu xa của các đoàn thể, chế độ hay vỗ ngực tự xưng là quang minh chính đại. Khi mọi việc được phô bày ta thấy Quân tử kiếm Nhạc Bất Quần còn gian xảo hơn Nhậm Ngã Hành, Dư Thương Hải còn tàn ác hơn Hướng Vấn Thiên. Hai cao thủ xuất chúng nhất hai phe chính-tà là Nhạc Bất Quần và Đông Phương Bất Bại hóa ra luyện chung một bộ kiếm pháp, đều trở thành kẻ bán nam bán nữ, không còn tính người. Bài học ở đây: bất kỳ tổ chức nào cũng có khả năng biến tướng thành chuyên quyền dù thông điệp ban đầu có tích cực bao nhiêu. Tương tự, mọi nhà lãnh đạo đều có khả năng trở thành một kẻ độc tài nếu được giao cho quá nhiều quyền lực.

Lý do thứ hai, Kim Dung muốn chỉ ra rằng: dưới lớp vỏ của đấu tố (chỉ trích) và xu nịnh (tung hô) đều là mục đích cá nhân. Đương nhiên luôn có những cá nhân ngây thơ tin vào chế độ vô điều kiện, nhưng đa số những kẻ thực hiện việc đấu tố và xu nịnh chỉ muốn tốt cho bản thân: hoặc bảo vệ gia đình, hoặc vơ vét tài sản, hoặc trả thù riêng tư, hoặc thăng quan tiến chức. Khi xã hội cho phép thậm chí khuyến khích điều đó thì các giá trị nhân văn hoàn toàn bị đảo lộn và tình người không còn chỗ sống, nhường chỗ cho tinh thần trên đội dưới đạp. Đây là một bài học cảnh giác vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay. Cuối truyện Tiếu Ngạo, tất cả những kẻ chuyên quyền và tay sai của chúng (Nhậm Ngã Hành, Tả Lãnh Thiền, Nhạc Bất Quần, Lao Đức Nặc,…) đều bị Kim Dung trừng phạt, nhưng cuộc đời thực chưa chắc đã có may mắn đó.

Lý do thứ ba, Kim Dung mượn sự đấu đá giữa hai phe chính-tà để ám chỉ sự tranh giành quyền lực giữa Trung Hoa đại lục và Đài Loan. Điều nực cười là Trung Hoa đại lục cấm Tiếu Ngạo Giang Hồ vì cho rằng nó chế nhạo Mao Trạch Đông và Cách mạng Văn hóa, còn chính quyền Đài Loan thì cấm vì cho rằng Kim Dung ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Từ tuổi thiếu niên Kim Dung đã dám viết truyện giễu thầy hiệu trưởng đến mức bị đuổi học. Tinh thần quật cường, không sợ giới cầm quyền của Kim Dung rõ ràng không hề bị phai nhạt khi ông tới tuổi trưởng thành.

Luận cứ thứ tư chứng tỏ Tiếu Ngạo Giang Hồ chính là Trung Quốc thời Cách mạng Văn hóa thu nhỏ nằm ở nhân vật Đông Phương Bất Bại. Theo John Christopher Hamm trong cuốn Paper Swordsmen, vị giáo chủ Nhật Nguyệt Thần Giáo chính là tổng hợp của Mao Trạch Đông và “Phó thống soái” Lâm Bưu. Người này được phong nguyên soái nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, quyền thế nghiêng trời, là cánh tay phải luôn xuất hiện bên Mao Trạch Đông. Lâm Bưu thăng tiến rất nhanh, được phong làm Phó chủ tịch Đảng duy nhất, cũng là người được chọn kế vị Mao. Thế nhưng khi quan hệ giữa hai người dần xấu đi, Lâm Bưu trở nên nôn nóng. Với mục tiêu nắm quyền làm chủ đất nước, Lâm Bưu cùng vây cánh lên kế hoạch ám sát Mao Trạch Đông. Toàn bộ chương trình đảo chính đã được Lâm Bưu và bộ sậu bàn thảo chi tiết, nhưng vẫn thất bại. Các chi tiết mờ ám xung quanh sự tử nạn của Lâm Bưu vẫn chưa được làm sáng tỏ. Sau khi chết, Lâm Bưu đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản và kết tội phản bội.

Tước hiệu và quyền lực của Đông Phương Bất Bại có hàm ý ám chỉ Mao Trạch Đông, nhưng sự nghiệp của y có thể nói là gần như giống hệt Lâm Bưu. Điều đáng nói là Kim Dung viết xong Tiếu Ngạo Giang Hồ năm 1969, tức là 2 năm trước khi Lâm Bưu tìm cách lật đổ Mao Trạch Đông. Bằng trực quan của mình, Kim Dung đã tiên đoán được ý đồ và vận mệnh của “tên phản loạn” Lâm Bưu.

Khi quá nhiều người chỉ ra sự trùng hợp giữa Tiếu Ngạo Giang Hồ và Cách mạng Văn hóa, Kim Dung đã có đôi lời.

“Trong những năm tôi viết Tiếu Ngạo Giang Hồ, cuộc Cách Mạng Văn Hóa ở Trung Hoa bùng lên như ngọn lửa hoang thiêu đốt tất cả. Để giành được quyền lực, các bên đấu đá nhau đã không từ thủ đoạn nào và bản chất xấu xa của con người được bộc lộ theo những cách đáng ghê tởm nhất. Mỗi ngày khi tôi viết cho Minh Báo, cảm xúc phẫn nộ của tôi đi vào những câu chữ một cách tự nhiên, chứ tôi không cố tình dùng Tiếu Ngạo Giang Hồ để miêu tả Cách mạng Văn hóa.”

Tại sao Kim Dung đã thừa nhận ảnh hưởng của Cách mạng Văn hóa rồi lại chối bỏ, đồng thời còn dành nhiều năm sau đấy hiệu đính Tiếu Ngạo Giang Hồ để bỏ đi những chi tiết quá “nhạy cảm?” Là một con người khôn ngoan kín đáo, từng là sinh viên tại Học viện chính trị trung ương tại Trùng Khánh, có lẽ Kim Dung hiểu hơn ai hết sự cân bằng giữa tự do nghệ thuật và lợi ích cá nhân. Nhờ vị trí trung lập của mình mà ngày nay các tác phẩm của Kim Dung đã không còn bị cấm tại Trung Hoa đại lục và Đài Loan, bản thân Kim Dung cũng trở thành một nhân vật được tất cả các phe phái trọng vọng, mà thông điệp của Tiếu Ngạo Giang Hồ vẫn còn nguyên giá trị.

Nguồn bài đăng

0